Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương |
“Nên học Nhật Bản dùng vòi rồng đối phó tàu TQ xâm nhập trái phép”
Trước việc Trung Quốc cử các phóng viên đi cùng 32 tàu cá xuống quần đảo Trường Sa, báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương – Nguyên Phó chính ủy quân khu Tây Bắc, Cục Trưởng Tổng cục chính trị về vấn đề này.
Tướng Huỳnh Đắc Hương đánh giá: “Trung Quốc đang từng bước dùng thủ đoạn để độc chiếm Biển Đông và việc cử phóng viên đi theo 32 tàu cá vừa qua là một bước tiến mới trong quá trình này. Lâu nay, họ luôn cho rằng chỉ có họ mới quyết định được sinh mệnh của cả vùng Biển Đông.
Việc cử các phóng viên theo các đoàn thuyền đánh cá cho thấy TQ đang muốn công khai với
thế giới rằng họ đang thực hiện cái gọi là “chủ quyền” của họ ở Biển Đông trên thực tế mà lâu nay họ vẫn đi rêu rao khắp thế giới. Và việc công bố các toạ độ của các tàu đánh cá chính là muốn toạ độ hoá cái gọi là “đường lưỡi bò” trong yêu sách của họ”.
Theo tướng Hương, trước những việc đó, cách phản ứng của chúng ta cần phải kịp thời và mạnh hơn nữa: Mỗi khi Trung Quốc có hành động xâm phạm chủ quyền của chúng ta tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như Biển Đông thì chúng ta phải ngay lập tức phản đối và có hành động thiết thực. Nếu chúng ta không cương quyết, TQ sẽ nghĩ rằng với Việt Nam như thế thì sẽ từng bước từng bước lấn được.
“Cần phải nghiên cứu và đưa ra cách ứng xử mới hiệu quả hơn vì cách ứng xử trong thời gian vừa qua của chúng ta là kịp thời nhưng chưa đủ mạnh. Dù vẫn phải phản đối nhưng tiếp theo sau phản đối còn phải có những bước hành động nữa.
Về vấn đề trước mắt thì vấn đề tuần tra Biển là trách nhiệm của mình và mình phải tuần tra thường xuyên để ngăn ngừa việc xâm nhập của các tàu cá của Trung Quốc, Đài Loan xâm nhập vào. Chúng ta nên tham khảo cách ứng xử của Nhật khi có tàu vào khu vực thuộc chủ quyền của họ. Họ đã yêu cầu đi mà tàu lạ vẫn không đi thì họ dùng vòi rồng để xua đuổi. Nếu vẫn cố tình không đi thì sẽ bắt và xử lý theo pháp luật. Việc này không phải là ta gây chiến tranh mà là để bảo vệ lãnh thổ của mình.
Việc tăng cường tuần tra Biển còn có tác dụng là bảo vệ ngư dân của chúng ta.
Cái thứ hai chúng ta phải làm đó là phải phổ biến toàn quốc những bản đồ cổ chứng tỏ chủ quyền của chúng ta để phản bác đường lưỡi bò của Trung Quốc. Việc tổ chức các triển lãm bản đồ cổ chính là cơ hội tốt để cho nhân dân của chúng ta hiểu biết về chủ quyền.
Công tác tuyên truyền, phổ biến hiện đang là một vấn đề của ta khi vấn đề Biển Đông nóng như vậy nhưng vẫn có những người không biết Hoàng Sa thuộc địa phận tỉnh nào.
Không chỉ tuyên truyền trong nước mà chúng ta phải tuyên truyền ra cả thế giới những bản đồ này để khẳng định chủ quyền của chúng ta tại Biển Đông. Việc này chúng ta phải tiến hành khẩn trương bởi vì hiện nay, trước việc TQ tuyên truyền rất mạnh, nhiều người trên thế giới đang hiểu lầm rằng TQ đúng trong vấn đề Biển Đông.
Thứ ba tìm kiếm sự ủng hộ rộng rãi từ cộng đồng quốc tế về Biển Đông để chúng ta có thể nhận được sự ủng hộ từ dư luận thế giới. Việc này sẽ khiến TQ biết điều hơn và sẽ không dám lấn tới. Nếu trong thời gian tới mà TQ vấn cố tình xâm phạm chủ quyền của chúng ta thì không loại trừ khả năng chúng ta sẽ kiện TQ ra toà án quốc tế.
Trong vấn đề Biển Đông, quan điểm về ứng xử là phải mềm dẻo nhưng phương thức của chúng ta phải thay đổi và kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, ông Hương nói.
Đánh giá về việc Ngoại trưởng TQ Vương Nghị tuyên bố sẵn sàng ngồi đàm phán COC với ASEAN trong khi những hành động trên Biển Đông lại hoàn toàn trái ngược, tướng Hương cho rằng: “TQ làm như vậy là để làm dịu dư luận các nước có lợi ích trực tiếp tại Biển Đông và không phản ứng gay gắt như trong thời gian vừa qua”.
Dự đoán về nội dung đàm phán COC, tướng Hương cho rằng: Luận điệu của TQ sẽ là mặc nhiên thừa nhận việc tồn tại của “đường lưỡi bò”. Còn vấn đề Hoàng Sa, TQ sẽ không bàn tới. TQ sẽ yêu cầu bàn vấn đề trong chính lãnh hải của các nước có liên quan rằng “đường lưỡi bò” đi qua lãnh hải của các nước này.
Chính vì vậy, khi vào đàm phán COC, các nước cần phải bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của TQ ngay”.
Và theo dự đoán của tướng Hương, với tính “cù nhầy” như của TQ hiện nay thì sớm nhất để có được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) cũng phải lâu nữa.
“Dự đoán trước những tình huống xảy ra trên bàn đàm phán COC sẽ giúp chúng ta có những bước đi trong quan hệ với các nước ASEAN để có thể ứng phó với những thủ đoạn từ TQ”, tướng Hương nói.