Sổ Tay Thương Dân-Niềm Vui Vỡ Oà & Hạnh Phúc Lâng Lâng-09-2015


Niềm Vui Vỡ Oà & Hạnh Phúc Lâng Lâng


DoanVanVuon 1
Ông Đoàn Văn Vươn, người vừa được đặc xá nhân dịp 2/9 năm nay sau thời gian hơn 3 năm, bảy tháng bị tù giam trong vụ án chống lại cưỡng chế đất ở huyện Tiên Lãng, Hải Phòng năm 2012, nói ông ‘vô tội’ và ‘sẽ vẫn hành động như trước’ nếu một lần nữa bị ‘dồn vào thế cùng.’
BBC


Cuối đời, tôi mới biết ra một điều vô cùng quan trọng và thú vị là nhân loại (không ít kẻ) chỉ ước mơ được làm … người Việt. Vậy mà tôi lại dại dột vượt biên, rồi đi biền biệt mất tăm – suốt mấy mươi năm – và chả hề bao giờ ngoảnh lại… mãi cho tới bữa rồi!

Bữa đó, tình cờ đọc bài báo (“Hãy Về Thăm Để Được Tận Hưởng Cảm Giác Đang Ở Nhà Mình”) của cái ông thổ tả tên Hải Âu (nào đó) khiến tôi bần thần, băn khoăn, và áy náy… cả mấy ngày liền:
Chúng tôi chỉ mong tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trậTổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nói với báo giới như thế nhân 40 năm ngày thống nhất đất nước.
Người Việt Nam cho dù có những lúc ở hai chiến tuyến, cho dù mỗi bên đều mất mát người thân của mình nhưng nhớ lại lời Bác dạy đều là một gốc cả và đều có lòng yêu nước…”
Lờbộbạch, lờmời tha thiết, chân thành củChủ tịch NguyễThiện Nhân khiếnhiềngườxúcđộng...
Chỉ có những người tâm địa đen tối, những ngườđặlợch cá nhân lên trên nghĩtình, lên trên tình cảm thiêng liêng mớlànhững chuyện chia rẽ đoàkết dân tộc, chia rẽ anh em cùng mộnhà.
Úy trời/đất, qủi/thần ơi! Nói gì mà nghe thấy ghê vậy, cha nội? Tôi thề danh dự là mình chả hề có chút “tâm địa đen tối” nào ráo trọi. Tui bỏ đi, đi lâu (và chắc đi luôn) chỉ vì vài ba chuyện nhỏ xíu hà:
– Thiệt tình là về Việt Nam tui không biết ở đâu? Nhà tui đã “hiến” hồi “cách mạng đánh tư sản” mất tiêu rồi.
– Và đâu phải “Việt Kiều” nào cũng có điều kiện dễ dàng để mà về “tham quan” đất nước, như ông Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam (Nguyễn Thiện Nhân) mong đợi? Cái thứ lao động chân tay, với đồng lương tối thiểu như tui, mà phải lo đủ thứ tiền – tiền ăn, tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền xe, tiền bảo hiểm – rồi phải dành dụm (chút đỉnh) để gửi giúp cho bà con, anh em, bạn bè, chòm xóm cùng khổ nữa. Còn lấy gì ra để đi/về nữa!
Thôi thì đành “hướng về quê hương” bằng cách chăm chú theo dõi mọi tin tức qua truyền thông của nhà nước vậy. Báo Tin Nhanh vừa cho hay vô số tin (rất) vui khiến ai cũng phải nôn nao, háo hức:
– Ra suối nhặt đá được cả thùng vàng đầy ắp
– Một tỷ đồng bỏ lại bên lề đường
– Sững sờ thấy 6 sổ tiết kiệm cùng két sắt vứt bên đường
– Đi lượm ve chai nhặt được 5 triệu yên Nhật
– Nhặt được vali tiền bên quốc lộ
– Đi rẫy, nhặt được cục vàng 2,1kg
– Nhặt được 11 cây vàng từ bãi rác
– Rà phế liệu bắt được gần 10kg vàng
Thiệt là một đất nước diệu kỳ. Không ai cần phải học hành hay làm lụng gì ráo trọi. Cứ bước khỏi nhà là gặp tiến sĩ/giáo sư, và đi vơ vẩn chút xíu (ra rẫy, ra suối, ra bãi rác, ra bãi phế liệu …)  là nhặt được nguyên một va li tiền hay cả một thùng vàng. Thảo nào mà toàn thể nhân loại ai cũng khát khao “biến” được thành người Việt.
Vàng/bạc, tuy thế, không nhất thiết đã có thể mang lại hạnh phúc cho bất cứ ai – đúng không? Ôi, tưởng gì chớ hạnh phúc thì ở Việt Nam cũng  thiếu mẹ gì – chỗ nào mà không có – kể cả ở những trại tù.
Báo Thanh Niên, phát hành ngày 29 tháng 8 năm 2015, vừa hớn hở đi tin: “Nụ cười đong đầy hạnh phúc của những phạm nhân trước ngày đặc xá tự do.” Trong số những người được đặc xá đợt này có hai tù nhân “nổi tiếng” là anh em ông Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý. Họ được  giới truyền thông nhắc đến với rất nhiều ưu ái:
– Báo Pháp Luật: “Gia đình vỡ òa trong niềm vui khi nghe tin chính thức anh em ông Đoàn Văn Vươn được đặc xá trong đợt 2-9.”
– Báo Tuổi Trẻ : “Niềm vui vỡ òa của người thân khi hai anh em ông Vươn bước ra khỏi cổng trại giam.”
– Báo Người Đưa Tin: “Gia Đình Đoàn Văn Vương Vỡ Oà Hạnh Phúc.”
– Báo Vietnamnet: “Chị Nguyễn Thị Thương, Nguyễn Thị Hiền, vợ của anh Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý mấy ngày gần đây đang lâng lâng trong niềm hạnh phúc.”
DoanVanVuon 2
Chiếc lán dựng ngay liền kề với ngôi nhà cũ của Đoàn Văn Vươn. Ảnh & chú thích: Vietnamnet
Niềm vui và hạnh phúc ở đâu (ra) mà “dễ ẹc” và  “lảng xẹc” – vậy Trời?
Coi: Gia đình hai anh em ông Đoàn Văn Vương đang làm ăn đàng hoàng tử tế thì đất đai bị cưỡng chế. Họ chống lại bằng mìn tự chế và đạn hoa cải làm cho mấy nhân viên công lực bị thương, và khiến cho dư luận dậy sóng trong khoảng một thời gian không ngắn. Cuối cùng, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng (cũng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khu vực 3 Hải Phòng, trong đó có huyện Tiên Lãng) đã có kết luận về vụ việc như sau – theo tường thuật của Gia Minh (RFA) nghe được vào hôm 2 tháng 10 năm 2012:
Tin cho biết cuộc làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hải Phòng bắt đầu từ lúc 2 giờ chiều, và đến 5 giờ Chủ nhiệm văn phòng chính phủ Vũ Đức Đam có cuộc họp báo thông tin về kết luận của Thủ tướng tại Trung tâm hội nghị quốc tế.
Theo ông Vũ Đức Đam thì Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng kết luận hai quyết định giao đất QĐ447 và QĐ220 của huyện Tiên Lãng đều không đúng pháp luật.
Đến hai quyết định thu hồi 460 và 461 cũng trái pháp luật. Vì quyết định thu hồi không đúng nên việc cưỡng chế cũng không đúng.
Còn về việc hủy hoại tài sản của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, thủ tướng yêu cầu xử lý theo đúng qui định của pháp luật.
Huyện Tiên Lãng sai phạm trong vụ cưỡng chế đất đầm gia đình ông Đoàn Văn Vươn, tuy nhiên theo ông Nguyễn Tấn Dũng còn có nguyên nhân khách quan từ những bất cập của luật đất đai Việt Nam.
Vì những bất cập này mà có đến 70% vụ khiếu kiện là khiếu kiện đất đai, và nhiều vụ chưa xử lý dứt điểm…
Ngay sau khi được biết kết luận của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đối với vụ cưỡng chế buộc chồng và người thân của họ phải nổ súng hoa cải và mìn tự tạo làm cho bốn công an và hai dân quân bị thương, và họ bị buộc tội chống người thi hành công vụ, thì cảm tưởng đầu tiên của họ được bộc bạch như sau.
Trước hết của bà Nguyễn thị Thương, vợ ông Đoàn Văn Vươn:
Gia đình rất mừng. Chúng tôi nhờ Đảng, chính phủ xử lý thích đáng đúng người đúng tội. Tôi mừng quá không nói được những điều mong muốn.
Tiếp đến là những người cùng tham gia Liên chi hội Nuôi trồng Thủy sản Nước lợ huyện Tiên Lãng, những người suốt hơn tháng qua cũng lo lắng nhưng cương quyết lên tiếng vì sự thật và lẽ phải cũng chờ đợi giây phút thủ tướng ra kế luận về vấn đề liên quan đến khu đất đầm mà họ lâu nay nuôi trồng thủy sản để sinh kế.
Ông tổng thư ký liên chi hội Vũ Văn Luân cho biết:
Đầu tiên rất vui vì đó là chân lý mà chúng tôi đã khẳng định từ năm 1993. Dân chúng hoan nghênh quyết định đúng lòng dân của chính phủ.
Ông Vũ Văn Luân cũng như bà Đoàn Văn Vươn đều vui/mừng … hụt ráo! Thằng chả nói chơi vậy thôi, chớ không phải vậy đâu.
Dù Thủ Tướng “kết luận” rằng quyết định thu hồi và cưỡng chế đất đai ở Tiên Lãng là sai nhưng anh em ông Đoàn Văn Vươn vẫn cứ phải vào tù, còn người chỉ huy vụ “trận đánh đẹp” phá hủy nhà cửa của nạn nhân (Đại Tá Đỗ Hữu Ca, Giám Đốc Công An Hải Phòng) thì được thăng cấp tướng.
DoanVanVuon 3
Ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc CA TP HP được thăng hàm Thiếu tướngẢnh & thú thích: báo Pháp Luật
Sau khi ngồi bóc xong gần bốn cuốn lịch thì anh em ông Đoàn Văn Vương được đặc xá (nhân dịp ngày lễ Quốc Khánh) vì “cải tạo tốt” và “nghiêm chỉnh chấp hành nội qui trại giam.” Thế là cả hai ông đều “vỡ òa niềm vui” và hai bà vợ thì “lâng lâng hạnh phúc.”
Thiệt là quá đã, và quá đáng!
Niềm vui và hạnh phúc ở một nước độc lập/tự do không chỉ giản dị mà còn kỳ dị nữa kìa. Nó mà vỡ oà (tùm lum tùm la) ra ở đâu là nơi đó có đứa… chết dở. Cách đây chưa lâu, báo chí Việt Nam cũng đã hết sức hân hoan khi loan một tin “mừng” tương tự:
– Báo Dân Trí: “Người nhận án oan 10 năm vỡ oà hạnh phúc ngày đoàn tụ gia đình.”
– Báo Xã Luận: “Niềm vui vỡ òa trong gia đình ông Nguyễn Thanh Chấn.”
– Báo Sức Khoẻ Đời Sống: “Niềm Vui Của Người Tù Oan 10 Năm Nguyễn Thanh Chấn.
Nguyen Thanh Chan 4
Vỡ oà hạnh phúngày đoàn tụ của ông Nguyễn Thanh Chấn – người phải chịu án oan ngồi tù hơn 10 năm. Ảnh & chú thích: Dân Trí
Khi khổng khi không thì bị bắt bỏ tù năm/mười năm rồi ai cũng cảm thấy “niềm vui” và “hạnh phúc” bỗng cùng lượt … “vỡ oà” khi được “tha” về lại nhà. Không hiểu là dân Việt dễ vui, hay giới lãnh đạo (và đám truyền thông) của sứ sở này đã cưỡng ép họ phải trở thành những người dễ tính?
Duy chỉ có mỗi nhà giáo Nguyễn Hoàng Khanh là vẫn (hơi) khó tính và xét nét:
Bắn giết cả vạn dân lành,
Vài câu nhận lỗi – tan tành nỗi oan!
Tui cũng vậy, cũng không dễ vui và không dễ tính lắm đâu. Bời vậy, e đành phải “phụ” tấm lòng “bao dung” của ông Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam (Nguyễn Thiện Nhân) thôi: “Chúng tôi chỉ mong tất cả đồng bào Việt Nam ở nước ngoài nếu trong 40 năm qua chưa có dịp về nước thì nên về.” Nói gần nói xa chả qua nói thiệt là em chả dại đâu: “Đường thì xa, vé tầu thì đắt, thủ tục nhập cảnh thì lôi thôi rườm rà, và lỡ mà kẹt luôn thì … chết mẹ!”
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân-Biển Hồ Cạn Nước-09-2015


Biển Hồ Cạn Nước


Khi đơn phương chuyên quyết tiến hành xây chuỗi 8 con đập khổng lồ Vân Nam là Trung Quốc đã phát động một cuộc chiến tranh môi sinh không tuyên chiến với 5 nước hạ nguồn sông Mekong.
Ngô Thế Vinh


Vào ngày 31 tháng 7 năm 2015, từ Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), ông Đinh Hưng đã gửi đến BBC một lời báo động … muộn màng:
“Các dòng sông Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị xâm nhập mặn vào nội địa trên 70 km, và có chiều hướng tăng nhanh. Hiện một số địa phuơng trong vùng ĐBSCL đã xuất hiện tình trạng thiếu nước ngọt trầm trọng.
Những tháng gần đây tại ĐBSCL, việc nước mặn tấn công ‘Chưa từng thấy’ làm ‘Đảo lộn cuộc sống’, không phải là bất ngờ mà là tất yếu theo dự đoán. Người dân các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang phải ‘Chạy mặn’ từng ngày.
Các tiểu vùng nước ngọt quanh năm bị đảo lộn, bị mặn xâm nhập, đã đe dọa cả trăm ngàn hecta đất nông nghiệp, nhiều vườn cây ăn trái nằm trên nguy cơ xóa sổ, thủy sản nước ngọt bị tổn thất lớn. Tất cả nguy hại đang đổ trên đầu người dân nơi đây.”
CuuLong 1
Đồng Bằng Sông Cửu Long S.O.SKý họa Babui

Hiện tượng ngập mặn ở ĐBSCL –  thực ra – đã được báo động lâu lắm rồi, từ hồi cuối thế kỷ trước lận:
“… mười ngày trước Giáng Sinh, ngư phủ Nguyễn Văn Chơn và vợ cư ngụ tại huyện Lấp Vò Tỉnh Đồng Tháp đã lưới được một con cá đuối khổng lồ trên sông Tiền, đoạn giữa hai Xã Tân Mỹ và Tân Khánh Trung. Con cá đuối có chiều dài hơn 4 mét ngang 2 mét và nặng tới 270 ký.
Cá đuối hay Selachian, tên khoa học là chondrichthyes, thuộc loài cá sụn (cartilaginous fishes) gồm các giống cá mập, cá nhám, cá đuối và là cá nước mặn. Đây cũng là lần đầu tiên ngư dân Đồng Bằng Sông Cửu Long lưới được một con cá nước mặn lớn như vậy rất xa biển và trên một khúc sông nằm sâu trong đất liền…
Cho sẻ thịt bán ngay tại bến số tiền thu được lên tới ngót 2 triệu đồng tính ra khoảng 140 đô la như món quà Giáng Sinh mà cả hai vợ chồng anh đã không thể nào ngờ tới.
Nhưng ‘Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai’ như lời thơ Nguyễn Đình Toàn, bởi vì khi mà nước sông Cửu Long xuống mức thấp nhất so với 73 năm trở lại đây và có nơi mực nước sông chưa được hai thước gây sạt lở hai bên bờ làm thiệt hại nhà cửa và cả nhân mạng.
Nhiều chuyên gia Việt Nam ở ngoại quốc và cả trong nước đã lên tiếng báo động về hiểm họa hạn hán với sông Cửu Long có thể cạn dòng do các công trình xây đập ngăn nước của các quốc gia Thượng Nguồn Thái Lào và nhất là chuỗi tám con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam Trung Hoa mà lâu nay chánh quyền Hà Nội vẫn không hề lên tiếng phản đối…
Và khi một con cá đuối nước mặn lớn như vậy có thể vào tới Đồng Tháp thì đó là báo hiệu nạn ngập mặn (salt intrusion) đã vào rất sâu trong vùng châu thổ, nơi vốn là đất của ‘sữa và mật ngọt’ hay đúng hơn vùng đất của ‘phù sa, lúa gạo, cây trái và tôm cá đầy đồng…’ (Ngô Thế Vinh. Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng. Văn Nghệ: California, 2000).
CuuLong 2
Mười lăm năm sau, sau khi tác phẩm dẫn thượng được xuất bản, từ Vĩnh Long, ông Đinh Hưng lại tiếp tục kêu than và kêu cứu … trong vô vọng:
“Trong khi đó, một sự thật hiển nhiên đang đe dọa cư dân ĐBSCL là vấn đề nhiễm mặn đang hủy diệt môi trường sống, lại chỉ nhận được sự thờ ơ của nhiều tầng lớp xã hội, của truyền thông báo chí, không thấy sự lên tiếng đòi hỏi chính phủ về trách nhiệm, kế hoạch và phương pháp hữu hiệu để giải quyết ‘thảm họa’, về giá trị đầu tư phù hợp và hiệu quả cho giải pháp chống xâm nhập mặn – đang là mối đe dọa hiện hữu đến kinh tế, đến an toàn lương thực và dân sinh khu vực, thậm chí đe dọa đến số mệnh của cả quốc gia.”
Muốn biết sự vô cảm, và tầm nhìn của những người lãnh đạo Việt Nam ra sao về “số mệnh của cả quốc gia” thì chỉ cần nhìn vào địa chỉ Trụ Sở Văn Phòng Thường Trực Ủy Ban Sông Mê Công Việt Nam: 23 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà Nội! Cũng còn may là trụ sở này chưa đến nỗi đặt ở tỉnh … Hà Giang!
CuuLong 3
Trụ sở Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam:
số 
23 Hàng Tre, Hoàn Kiếm, Hà NộiẢnh: vnmc
Còn muốn biết sự vô tâm của giới truyền thông Việt Nam về “số mệnh của cả quốc gia” thì cứ xem qua bộ phim Mê Kông Ký Sự, và những lời xưng tụng (hết sức vô tình) của báo chí trong nước:
“Bộ phim ký sự, thám hiểm đẫm chất văn học, phiêu lưu ‘Mê Kông ký sự’ do Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh (HTV) sản xuất. Đây là bộ phim tài liệu dài nhất trước nay: 75 tập (20 phút/tập) nội dung bao trùm 6 quốc gia…
Xem Mê Kông ký sự, người xem thú vị và ngạc nhiên với những cảnh quay đẹp, những nét văn hóa, những câu chuyện đầy huyền thoại…”
Giới lãnh đạo Việt Nam đã ký công hàm nhượng biển/đảo để “nước bạn” có cơ sở thực hiện âm mưu Tây Tạng Hoá Biển Đông (Tibetization of South China Sea). Rồi đến giới truyền thông làm phim chuẩn bị cho tham vọng Tây Tạng Hoá Dòng Sông Cửu Long (Tibetization of Mekong River) bằng “những cảnh quay đẹp, những nét văn hóa, những câu chuyện đầy huyền thoại” để cổ vũ cho một viễn ảnh về một Trật Tự Trung Hoa trong an bình (Pax Sinica) hay nói rõ hơn là Hán hoá tất cả những xứ sở ở hạ lưu của con sông này.
Hạn từ “Tibetization of Mekong River” không phải là “sáng tác riêng,” phát xuất từ sự hoang tưởng của kẻ đang viết những dòng chữ này đâu. Cứ nhìn cái bàn tay lông lá của Trung Cộng đang cố luồn sâu vào mọi địa hạt  – kinh tế, văn hoá, chính trị… – của tất cả các quốc gia hạ nguồn (Miến Điện, Thái, Lào và Việt Nam) sẽ thấy ngay ý đồ “Tây Tạng Hoá Dòng Sông Cửu Long” của họ.
Tác hại nhãn tiền về môi sinh không chỉ là sự hiện tượng khô hạn và nhiễm mặn mà còn là vô số rác rưởi, cùng những chất thải kỹ độc hại – từ thượng nguồn thuộc siêu cường Trung Hoa vĩ đại – ào ạt đổ xuống những lãnh thổ phía dưới mà hai quốc gia ở cuối sông phải “lãnh đủ” là Cam Bốt và Việt Nam.
CuuLong 4
Khi đến khảo sát Biển Hồ, vào năm 2000, nhà văn Ngô Thế Vinh đã ghi nhận rằng:
Chưa bao giờ mực nước cạn như những năm qua, trong mùa khô có nơi chỉ còn sâu chưa tới nửa mét, nước thì quá nóng khiến loại cá trắng không sống nổi chết nổi phều hoặc phải thoát xuống những sông hạ lưu.” (sđd, tr. 282).
Hơn một thập niên sau, vào mùa khô năm 2015, chúng tôi mới có dịp đi ghe máy lòng vòng thăm vài làng nổi của người Việt ở giữa Biển Hồ. Không  thấy “cá trắng nổi chết phều vì nước nóng” nhưng tôi lại nhìn ra một sự kiện cũng não lòng không kém: ngư dân địa phương đang dần phải chuyển nghề. Họ nuôi cá để ăn, và để bán, thay vì đánh bắt vì ngư sản mỗi lúc một càng khan hiếm.
CuuLong 5
Cá lóc nuôi ở Biển Hồ. Ảnh tư liệu của MIRO, chụp vào mùa nước cạn năm 2015
Và khi ngư sản ở Biển Hồ đã trở nên khan hiếm thì sông Tiền và sông Hậu, khi xuôi dòng về đến Châu Thổ Sông Cửu Long, cũng sẽ chả còn cá mắm gì để làm quà tặng cho hàng chục triệu người dân Việt ở nơi đây nữ
CuuLong 6
Hồ nay thành Vũng. Ảnh tư liệu của MIRO, chụp vào mùa nước cạn năm 2015
Mực nước ở Biển Hồ mà chúng tôi chứng kiến vào mùa khô vừa qua, nhiều nơi, không còn được nửa mét như hồi năm 2000 nữa. Có chỗ đã biến thành vũng cho trẻ con chơi đùa, hay hoá thành… sân chơi bóng chuyền rồi!
CuuLong 7
Sân bóng chuyền ở Biển HồẢnh tư liệu của MIRO, chụp vào mùa nước cạn năm 2015
Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi thỉnh thoảng chúng tôi lại bị mắc cạn giữa Biển Hồ. Mọi người phải nhẩy xuống nước cho ghe nhẹ bớt, rồi lôi nó ra những nơi có mực nước sâu hơn để tiếp tục chuyến đi. Khi hì hục như thế tôi chợt nhớ đến một câu nói một quen thuộc (“nước có thể nâng thuyền và cũng có thể lật thuyền”) mà không khỏi cảm thấy ngậm ngùi, cùng đôi chút đắng cay.
Thì ra không phải lúc nào nước cũng có thể nâng thuyền hay lật thuyền được. Có những lúc, và những nơi mà nước cạn đến mức trở nên hoàn toàn vô tác dụng. Đất nước tôi, rất có thể, sẽ trở thành một nơi như vậy trong tương lai gần –  theo như tin loan (vào ngày 11 tháng 8 năm 2015) của báo Người Lao Động:
“Dự thảo với hơn 1.000 loại phí và lệ phí về nông nghiệp vừa được trình lấy ý kiến của Quốc hội làm cho bất cứ ai cũng phải giật mình. Con số này quả là không tưởng nổi đối với một ngành nông nghiệp kém phát triển và mấy chục triệu nông dân còn quá khó khăn như ở nước ta. Nếu cứ mạnh tay thu phí như thế này thì người dân sẽ kiệt quệ và chẳng mấy lúc chẳng còn gì để thu.”
Cái “lúc người dân chẳng còn gì để thu” và cũng không còn sức để nổi dậy nữa chính là thời điểm mà Việt Nam bước bước vào ngưỡng cửa của sự diệt vong, nếu không rơi vào vòng lệ thuộc!
CuuLong 8
Làng nổi Rạch Lộ Quýt ở Biển Hồ. Ảnh tư liệu của MIRO, chụp vào mùa nước cạn năm 2015.
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân-Vũng Lầy Giáo Dục-09-2015


Vũng Lầy Giáo Dục


Với một nền giáo dục quá thừa phong bì nhưng lại thiếu phong cách, quá thừa nhà quản lý, nhà tiến sĩ nhưng lại thiếu một nhà liêm sỉ. Điều đó quả thực đáng lo ngại đối với bậc làm cha làm mẹ luôn đau đáu về tương lai của con mình.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam


Lá vẫn còn xanh. Hè vẫn còn nấn ná. Trời vẫn chưa muốn vào thu mà (không dưng) sáng nay California chợt thoáng chút âm u, và lấm tấm vài hạt mưa nho nhỏ. Mưa chưa ướt đất nhưng cũng đủ làm cho tôi hơi thấy ngại ngần khi nghĩ đến chuyện phải ra khỏi nhà chỉ vì một ly cà phê nóng.
Thôi thì bắt chước cổ nhân thắp vài cây nến nhỏ, châm một bình trà, rồi ngồi nhẩn nha đọc lại vài bức thư xưa. Lá thư cũ nhất mà tôi còn giữ được, đề ngày 3 tháng 9 năm 1945, là “Thư Gửi Các Cháu Học Sinh” của Chủ Tịch Hồ Chí Minh:
 Ngày hôm nay là ngày khai trường đầu tiên ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bác đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp các nơi. Các cháu hết thảy đều vui vẻ vì sau mấy tháng trời nghỉ học, sau bao nhiêu cuộc chuyển biến khác thường, các cháu lại được gặp thầy gặp bạn. Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này trở đi các cháu bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.
Viễn ảnh về một ngày tựu trường “nhộn nhịp tưng bừng … ở khắp các nơi” và một “nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam” dễ khiến cho nhiều người phấn trấn:
“Chúng tôi thường tự hào đây là một nền giáo dục riêng của người Việt, một nền giáo dục không có dây dưa gì nhiều với nền giáo dục mà thế kỷ trước, người Pháp đã mang lại.” (Vương Trí Nhàn. “Mấy Cảm Nhận Về Sự Khác Biệt Giữa Giáo Dục Miền Nam Và Giáo Dục Miền Bắc”).
Niềm tự hào này, tiếc thay, không kéo dài lâu. Khi có cơ hội so chiếu, tác giả bài viết thượng dẫn đã nhìn ra ngay sự bất toàn:
“Cái mà ta gọi là giáo dục miền Bắc chỉ là sự kéo dài của lối phát triển giáo dục trong chiến tranh… Giáo dục chiến tranh, do đó, luôn luôn là một nền giáo dục dở dang chắp vá, mà lại vẫn phải khoác cho mình cái chức danh lớn lao của một nền giáo dục mới mẻ, cách mạng…
Nói quá lên thì có thể bảo, như một cơ thể, GDMB thuộc loại tiên thiên bất túc, tức sinh ra đã không đủ các bộ phận cần thiết, sinh ra đã bất thành nhân dạng. Phương châm ở đây là làm lấy được, tức là chưa đủ điều kiện, nhưng thấy cần, vẫn cứ làm —  rồi để yên lòng nhau, sẽ viện ra đủ lý lẽ để chống chế, để lấp liếm và xa hơn nữa, sẵn sàng tự ca tụng…”
Hệ quả, tất nhiên, là thảm hoạ – vẫn theo như nhận định của  Vương Trí Nhàn:
“Mươi năm gần đây, tình hình có chút đổi khác, nhưng là chỉ đổi khác trên bề mặt. Cựa quậy mấy thì nền giáo dục này cũng không khác được so với chính mình. Nó đã cạn kiệt năng lực tự cải hóa. Ngay cả những người trong bộ máy quyền lực cũng đều tính chuyện cho con em mình qua nhiểu nước phương Tây, nhất là sang Mỹ để học.
Nhưng họ chỉ lo được cho gia đình riêng của họ thôi. Ở trong nước, những bài bản của miền Bắc cũ được tân trang lại chút ít vẫn ngự trị trong toàn bộ nền giáo dục, và trong thâm tâm, nhiều người đã bắt đầu nghĩ rằng hình như có một bãi lầy đã được tạo ra và chúng ta không bao giờ ra thoát.”
Đối với những thế hệ đến sau (những kẻ sinh trưởng ngay giữa “bãi lầy”) thì vấn đề không còn gì để mà bàn cãi nữa. Vũ Thạch Tường Minh một học sinh lớp 8, đã khẳng định như vậy:
“Bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi. Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả.”
giaoduc 1
Cậu bé Vũ Thạch Tường Minh – 14 tuổi, học sinh trường Hà Nội –
Amsterdam phát biểu tại buổi ra mắt sách của nhóm Cánh Buồm.

Ảnh và chú thích: RFA
Khoảng cách giữa nhà nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn và cháu Vũ Thạch Tường Minh là ba thế hệ người. Tuy vậy, cả hai đều “nhất trí” là nền giáo dục hiện nay của nước CHXHCNVN (đã) hết thuốc chữa rồi!
Để minh chứng, xin xem qua một “trường hợp thú vị” – ở một vùng quê, thuộc tỉnh Rạch Giá –  theo như nguyên văn lời của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn:
“Một em gốc Khmer học giỏi, thi đậu vào 3 trường đại học (2 đại học ở Sài Gòn và 1 ở ĐH Cần Thơ), nhưng cuối cùng thì giấc mơ đại học cũng đành phải bỏ. Ba má em ấy lí giải rằng: học để làm gì, nhìn quanh số sinh viên tốt nghiệp đại học thất nghiệp tùm lum cả, mà ngay cả xin được việc thì cũng cần đến 500 triệu đồng đút lót thì làm sao nhà có khả năng lo nổi. Tôi kinh ngạc về con số 500 triệu đồng (tức là 25000 đôla), nên phải hỏi lại cho chắc ăn, thì bà con đều khẳng định đó là con số tiêu biểu, có trường hợp thấp hơn nhưng cũng có trường hợp cao hơn. Tình trạng mua chức đâu phải chỉ ở ngoài Bắc, mà đang lan về nông thôn miền Tây rồi đấy.”
Mọi tệ trạng vừa nêu đang được Đảng và Nhà Nước “đối phó” hay “giải quyết” bằng … chỉ thị! Báo Nhân Dân loan tin: Ngày 24-3-2015, Ban Bí Thư T.Ư Ðảng ra Chỉ thị số 42-CT/TW (Tăng Cường Sự Lãnh Đạo Của Ðảng Đối Với Công Tác Giáo Dục Lý Tưởng Cách Mạng, Đạo Đức, Lối Sống Văn Hóa Cho Thế Hệ Trẻ Giai Đoạn 2015 – 2030) với những nhận định và “đề xuất rất cụ thể” như:
 “Vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong chăm lo, giáo dục thế hệ trẻ chưa được như mong muốn, chưa đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn hiện nay. Một bộ phận giới trẻ giảm sút niềm tin, thiếu ý thức chấp hành pháp luật, sống thực dụng, thiếu lý tưởng, xa rời truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Một số ít thanh niên bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động chống sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tình trạng tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến phức tạp.
Chỉ thị của Ban Bí thư đưa ra 5 nhiệm vụ và giải pháp, trong đó xác định việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức và lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược, lâu dài và cần đầu tư thích đáng. Đảng  kêu gọi việc thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức và lối sống trong một bộ phận đảng viên để làm gương cho giới trẻ…”
Sự thực thì thiên hạ không còn ai kỳ vọng hoặc quan tâm gì ráo vào bất cứ lời “kêu gọi” (hay “chỉ thị ”) nào của Đảng tự lâu rồi. Người dân tìm cách tự cứu qua nhiều nỗ lực rất đáng trân trọng, dù gặp không ít khó khăn, ngăn trở và sách nhiễu.
Từ Bangkok, biên tập viên Gia Minh có bài tường thuật (“Nhóm Cánh Buồm Ra Mắt Sách Giáo Khoa Mới”) khá bất ngờ và thú vị. Xin trích dẫn một vài đoạn ngắn:
Nhóm soạn sách giáo khoa Cánh Buồm do nhà giáo Phạm Toàn chủ xướng vào ngày 12 tháng 8 vừa qua giới thiệu bộ sách Văn và Tiếng Việt lớp sáu tại Trung tâm Văn Hóa Pháp ở Hà Nội.
Việc ra mắt sách mới của Nhóm Cánh Buồm không thuộc Bộ Giáo Dục như thế được cho là một dấu chỉ tích cực trong tình hình giáo dục Việt Nam hiện nay.
giaoduc 2
Một buổi tọa đàm về sách giáo khoa tại Trung tâm Văn hoá Pháp (Hà Nội). Từ trái sang: nhà giáo Phạm Toàn, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Hải, nhà giáo Vũ Thế Khôi, điều khiển phần thảo luận và TS Chu Hảo, GĐ NXB Tri thức, nơi xuất bản SGK Cánh BuồmẢnh và chú thích: RFA
Một nhà giáo công khai đấu tranh chống những tiêu cực trong ngành giáo dục Việt Nam lâu nay, thầy Đỗ Việt Khoa cũng tỏ rõ sự ủng hộ đối với sách giáo khoa do Nhóm Cánh Buồn soạn thảo:
“Đây là nhóm khá tâm huyết đang soạn bộ sách giáo khoa cho liên cấp từ tiểu học trở lên. Theo quan điểm của tôi làm được một bộ sách giáo khoa như vậy là công sức cực kỳ lớn, rất tốt. Sẽ có những chỗ chưa được, có người sẽ đánh giá khiếm khuyết… nhưng sửa dần không sao cả…”
Ngoài việc biên soạn bộ sách giáo khoa mới để giảng dạy, Nhóm Cánh Buồm còn có chủ trương về một hình thái nhà trường mới như trình bày của nhà giáo Phạm Toàn:
“Tôi muốn sau này mình sẽ phục vụ cho một hệ thống trường của trẻ em Việt Nam mà chúng tôi gọi là ‘trường ba không’: không hộ khẩu- muốn học đâu thì học; không học phí- tức không phải nộp một xu nào ( không như các trường tư phải nộp nhiều tiền lắm, mình phải chịu); thứ ba là không ‘bắt nạt’- tức không thi cử, không kiểm tra, không đánh số, làm các thứ bắt chẹt các em, bởi vì hệ thống của chúng tôi là tìm ra cơ chế tự học cho các em, mà đã là tự học thì tự đánh giá thì suốt tiểu học là tự học và tự đánh giá, lên đến lớp 6 chúng tôi đề xuất hoàn toàn tự học.
Cùng vào thời điểm này, một công dân Việt Nam khác (ông Hoàng Thành, 25 tuổi) đã đến trước cổng trụ sở Bộ Giáo Dục và Đào Tạo, cầm ảnh của chính mình – với poster in hình con chuột bạch đang bị tiêm thuốc – cùng dòng chữ: “Học sinh, sinh viên không phải là CHUỘT BẠCH.”
Khi được hỏi về “ý nghĩa” của việc làm này, ông cho biết như sau:.
“Bức ảnh của tôi đơn thuần là một hình thức thực hiện quyền biểu đạt ý kiến của mình. Tôi chỉ muốn nhắn tới các bậc cha mẹ và các em học sinh … rằng: Hãy thể hiện quan điểm của mình trước các vấn đề xã hội, thay vì chỉ biết kêu than, vì đó không những là quyền của chúng ta, mà còn là cách chúng ta giúp chính quyền hiểu được nhu cầu của dân chúng và hoàn thiện chính sách sao cho hợp lý nhất…”
giaoduc 3
Ảnh: Dân Luận
Ở bình diện cá nhân, cũng như tập thể – rõ ràng – đang có những nỗ lực đáng kể của rất nhiều người để vượt ra khỏi cái “vũng lầy giáo dục” hiện nay. Với ý thức và quyết tâm, chắc chắn, chúng ta sẽ “thoát” bất chấp sự ngăn trở (cùng sức ì) của chế độ hiện hành – một chế độ mà mọi người đều biết là sinh mệnh của nó đang được đo đếm từng ngày.
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân-Làm Báo, Làm Dáng & Làm Đĩ-09-2015


Làm Báo, Làm Dáng & Làm Đĩ


lamdang





Không phải ngẫu nhiên mà lực lượng báo chí nước ta đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những đóng góp to lớn của báo chí cả nước cũng như của Hội Nhà báo Việt Nam. 
T.B.T Nguyễn Phú Trọng (09/08/2015)


Mấy tháng trước, có bận, báo chí trong nước đồng loạt và khẳng khái lên tiếng bênh vực một người dân ở Sài Gòn vì tấm biển quảng cáo quán ăn của ông ta bị nhân viên Phường I tịch thu mà “không hề có văn bản, không có ý kiến từ cơ quan chức năng có thẩm quyền.” Đầu tháng này, báo giới lại đồng tình lên tiếng chỉ trích việc “thi hành pháp luật cứng ngắc” của công an phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai (Hà Nội) khi họ tịch thu bình trà đá miễn phí dành cho người nghèo do người dân khu phố đặt dưới một gốc cây.”
Thành quả: cả tấm biển quảng cáo và thùng nước đều đã được trả lại cho khổ chủ. Không những thế, ông Nguyễn Quang Hiếu, Chủ Tịch UBND quận Hoàng Mai còn “đánh giá công an phường Thịnh Liệt thu thùng trà miễn phí của người dân là hơi thái quá, cần rút kinh nghiệm.”
Chưa hết, Luật sư Nguyễn Văn Hậu ( Phó Chủ Tịch Hội Luật Gia TPHCM) cũng cho rằng “hành động tịch thu bình trà đá miễn phí cho người nghèo là vô tâm và đụng chạm tới những giá trị nhân văn đang ngày càng ít trong xã hội, nên lập tức gặp phải phản ứng dữ dội.”
lamdang 1
Ảnh: vnexpress
Những phản ứng “dữ dội” kể trên khiến tôi thốt nhớ đến một câu danh ngôn quen thuộc (“Tội lỗi lớn nhất của chúng ta là im lặng trước cái ác và cái xấu.”) và không nén được một tiếng thở dài. Báo giới ở Việt Nam – rõ ràng – chỉ ồn ào trước những cái xấu cùng cái ác nho nhỏ, ở phạm vi phường xã mà thôi. Còn những tội ác tầy trời khác thì họ làm thinh.
Xin đơn cử vài thí dụ:
“Tối 10-9-1975, ‘tin chiến thắng’ liên tục được báo về ‘Đại bản doanh’ của Trung ương Cục đóng tại Dinh Độc Lập… Các đoàn đưa ra những con số chi tiết: hàng chục triệu tiền mặt, hàng chục ký vàng, cả ‘kho’ kim cương, hàng vạn mét vải và cả một cơ sở chăn nuôi gồm ‘7.000 con gà, thu hoạch 4.000 trứng mỗi ngày’ ở Thủ Đức…
Trong buổi giao ban của Thường vụ Trung ương Cục vào lúc 7 giờ tối ngày 10-9- 1975, tại Dinh Độc Lập, với sự có mặt của ông Phạm Hùng, bí thư Trung ương Cục, ông Nguyễn Văn Trân, ủy viên thường vụ, cùng các lãnh đạo Quân quản như Nguyễn Võ Danh, Phan Văn Đáng…, ông Mai Chí Thọ cho rằng các đoàn, các đội chỉ mới bắt được đối tượng, mới nắm được tài sản nổi chứ chưa lấy hết tài sản chìm.” (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc, tập I. OsinBook, Westminster, CA: 2013).
Xin xem thêm vài con số nữa về tài sản (cả nổi lẫn chìm) của đám nạn nhân thuộc bên bại cuộc:
– “Những gì mà Cách mạng lấy được của ‘nhà giàu’ trên toàn miền Nam được liệt kê: ‘Về tiền mặt ta thu được 918,4 triệu đồng tiền miền Nam; 134.578 Mỹ Kim [trong đó có 55.370 USD gửi ở ngân hàng]; 61.121 đồng tiền miền Bắc; 1.200 đồng phrăng (tiền Pháp)…; vàng: 7.691 lượng; hạt xoàn: 4.040 hột; kim cương: 40 hột; cẩm thạch: 97 hột; nữ trang: 167 thứ; đồng hồ các loại: 701 cái. Trong các kho tàng ta thu được: 60 nghìn tấn phân; 8.000 tấn hoá chất; 3 triệu mét vải; 229 tấn nhôm; 2.500 tấn sắt vụn; 1.295 cặp vỏ ruột xe; 27.460 bao xi măng; 644 ô tô; 2 cao ốc; 96.604 chai rượu; 13.500 ký trà; 1000 máy cole; 20 tấn bánh qui; 24 tấn bơ; 2.000 kiếng đeo mắt; 457 căn nhà phố; 4 trại gà khoảng 30.000 con và một trại gà giá 800 triệu; 4.150 con heo; 10 con bò, 1.475.000 USD thiết bị tiêu dùng; 19 công ty; 6 kho; 65 xí nghiệp sản xuất; 4 rạp hát; 1 đồn điền cà phê, nho, táo rộng 170 hecta ở Đà Lạt’ (Sđd, trang 80-81).
– Tại Sài Gòn, 28.787 hộ tư sản bị cải tạo, phần lớn bị ‘đánh’ ngay trong bốn ngày đầu với 6.129 hộ ‘tư sản thương nghiệp’, 13.923 hộ ‘trung thương’. Những tháng sau đó có thêm 835 ‘con phe’, 3.300 ‘tiểu thương ba ngành hàng’, 4.600 ‘tiểu thương và trung thương chợ trời’ bị truy quét tiếp. Theo ông Huỳnh Bửu Sơn, người trông coi kho vàng của Ngân hàng, trong đợt đánh tư sản này, Cách mạng thu thêm khoảng hơn năm tấn vàng, chưa kể hạt xoàn và các loại đá quý. Có những gia đình tư sản giấu vàng không kỹ, lực lượng cải tạo tìm được, khui ra, vàng chất đầy trên chiếu.” (Sđd, trang 90).
Những “chiến thắng” và “chiến lợi phẩm” tương tự cũng đã được ghi nhận, ngay sau khi… “Cách Mạng cướp được chính quyền,”  ở miền Bắc Việt Nam:
“Năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho tiến hành “cải tạo xã hội chủ nghĩa” trên toàn miền Bắc, các nhà tư sản Việt Nam buộc phải giao nhà máy, cơ sở kinh doanh cho Nhà nước… Trong thời kỳ khôi phục kinh tế, 1955-1957, nền kinh tế miền Bắc phát triển ngoạn mục, chủ yếu nhờ vào lực lượng tư nhân: Công nghiệp tư bản tư doanh tăng 230%; cá thể, tiểu chủ, tăng 220,2%. Tư bản tư doanh và tiểu chủ, cá thể tạo ra một lượng sản phẩm chiếm 73,7% tổng giá trị công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ở miền Bắc.
Nhưng ‘Công cuộc cải tạo công thương nghiệp tư doanh’ bắt đầu ở miền Bắc vào tháng 9-1957 đã gần như triệt tiêu hoàn toàn kinh tế tư bản tư nhân, tiểu chủ và cá thể bằng cách tước đoạt dưới các hình thức ‘tập thể hoá’ hoặc buộc các nhà tư sản phải đưa cơ sở kinh doanh của họ cho Nhà nước với cái gọi là công tư hợp doanh.
Chỉ hai năm sau cải tạo công thương nghiệp tư doanh, ở miền Bắc, tài sản của các nhà tư sản teo dần trong khi lực lượng quốc doanh bắt đầu chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế. Văn kiện Đảng ghi ngắn gọn: ‘Đến cuối năm 1960, 100% hộ tư sản công nghiệp và 97,2% hộ tư sản thương nghiệp được cải tạo.’ Con số đó đủ để nói lên chính sách đối với tư nhân của chế độ miền Bắc.” (Sđd, tập II, trang 204 – 207).
Nói tóm lại là tài sản của người dân, ở cả hai miền Nam/Bắc, đều đã bị “tước đoạt” một cách trắng trợn trong suốt “tiến trình cách mạng” qua một loạt những trận “đánh” được mệnh danh là Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Cải Tạo Xã Hội Chủ Nghĩa, Tập Thể Hoá, Đổi Tiền …
Tuy “cách mạng” đã thành công nhưng cái “tiến trình” này chưa biết bao giờ mới chấm dứt. Đảng và Nhà Nước vẫn thản nhiên cướp đoạt, và vẫn tiếp tục khiến cho hàng trăm ngàn gia đình người dân phải lâm vào cảnh vong gia thất thổ với chủ trương “đất đai là sở hữu của toàn dân.”
VOA, nghe được vào hôm 13 tháng 8 năm 2015, đã phát đi một bản tin (“Cô Bé 14 Tuổi Đi Tìm Công Lý Cho Ba Mẹ Và Anh Trai”) buồn bã:
lamdang 2
Sự việc liên quan tới gia đình em Nguyễn Mai Thảo Vy (ngoài cùng bên trái) rộ lên hồi tháng Tư vừa qua trong vụ phản kháng cưỡng chế đất đai ở huyện Thạnh Hóa, Long An.
Ảnh và chú thích: VOA
Một bé gái mất nhà, có cả cha mẹ và anh trai rơi vào vòng lao lý vì chống lại lực lượng thu hồi đất mà em cho là bất công, nói em chỉ mong trở lại cuộc sống bình thường và đang làm tất cả những gì có thể để gia đình được đoàn tụ.  
Sự việc liên quan tới gia đình em Nguyễn Mai Thảo Vy rộ lên hồi tháng Tư vừa qua trong vụ phản kháng cưỡng chế đất đai ở huyện Thạnh Hóa, Long An.
Hơn một chục người bị bắt, trong đó có ba mẹ của em Vy, và 4 tháng sau, mới đây, ngày 6/8, anh trai của em là Nguyễn Mai Trung Tuấn, 15 tuổi, đã bị bắt theo “lệnh truy nã”.
Vy kể với VOA Việt Ngữ: “Con cảm thấy mình giống như là bước vào con đường cùng không có lối thoát. Con tưởng cuộc đời con chấm hết rồi. Không còn cha mẹ, không còn nhà cửa. Tinh thần của con rất là suy sụp.
lamdang 3
Cháu Nguyễn Mai Trung Tuấn. Ảnh từ Dân Luận
Chính sách thu hồi đất đai hiện nay đã đẩy bao nhiêu triệu người “vào con đường cùng không có lối thoát” như thế ? Tuy thế, báo giới ở đất nước này chỉ “phản ứng dữ dội” khi bất công xẩy ra ở cấp phường xã, và chỉ liên quan đến những tài sản nho nhỏ (như tấm biển quảng cáo, hay thùng nước đá) của người dân mà thôi.
Vậy mà cũng có Hội Nhà Báo Việt Nam, với cả chục lần Đại Hội. Đó là hội của những người làm dáng, chứ không phải là làm báo. Dù vậy, không ít quí ông và bà phóng viên và ký  giả của TTXVN vẫn chưa bao giờ dám làm dáng cả, họ chỉ chuyên làm đĩ (whorespondent) mà thôi.
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân-Giữa Rùa & Chó -09-2015


Giữa Rùa & Chó  


chorua



My religion is simple. My religion is kindness.
  1. H.H. 14th Dalai Lama


Tôi được chị Trương Anh Thụy gửi cho cái máy ảnh Canon nhỏ xíu (trông cứ như một món đồ chơi) rồi lại được anh Nguyễn Công Bằng “kiên nhẫn” chỉ cách xử dụng. Xong, tôi đi quanh xóm để thực tập ngay và chụp được hai tấm hình hơi lạ: một con chó bông đi lạc, và một manh giấy… tìm rùa!
ruacho 1
XIN GIÚP TÌM LẠI CON THÚ THÂN YÊU CỦA GIA ĐÌNH… CHÚNG TÔI RẤT THƯƠNG YÊU VÀ NHỚ NÓ. PELA BỊ BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VÀ CẦN PHẢI CÓ THUỐC INSULIN. NẾU TÌM ĐƯỢC XIN GỌI SỐ …
ruacho 2
MẤT MỘT CON RÙA LỚN… NÓ CẦN THUỐC MEN VÀ MỘT CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG ĐẶC BIỆT.
TÌM ĐƯỢC XIN HẬU TẠ
Hai “tác phẩm nhiếp ảnh đầu tay” này, rõ ràng, không được “đặc sắc” gì cho lắm. Tuy thế, những dòng chữ ghi kèm cứ làm cho tôi băn khoăn mãi.

Cảm thấy tình trạng bất ổn của một con thú nuôi trong nhà, đưa đi khám bệnh, tìm ra là nó có bị tiểu đường, rồi xin toa mua thuốc chữa trị là chuyện tương đối bình thường. Ai nuôi chó cũng có thể làm như vậy, và ông/bà bác sĩ thú y nào cũng dễ dàng tìm được loại bệnh này bằng cách đo mức glucose trong máu.
Nhưng nuôi một con rùa (loại thú khép kín và gần như vô cảm) mà biết nó không khoẻ, cần thuốc men và một chế độ dinh dưỡng đặc biệt thì chủ nhân phải là một người vô cùng mẫn cảm và nhân ái.
Cách thiên hạ chăm nuôi thú vật khiến tôi không khỏi trạnh lòng khi nghĩ đến thân phận con người ở quê hương, xứ sở của mình – nơi đã xẩy một “Cuộc Chiến Biệt Vô Tăm Tích,” như lời của blogger Bùi Tín:
Thời gian “biệt vô tăm tích người thân của mỗi gia đình một khác, có khi 2, 3 năm, có khi 5, 6 năm, nhiều khi trên 10 năm, tùy chiến trường Trị Thiên, Tây Nguyên, Nam Bộ, hay chiến trường Lào, Miên. Không ai biết rõ con em mình ở nơi nào. Rất hiếm khi có những tin tức của bạn bè, đồng hương bị thương trở ra, được biết là người thân ở Khu 5 hay Nam Bộ, hay Tây Nguyên, còn sống, vắn tắt, sơ sài thế thôi.
Những quân nhân tử trận được báo tử rất chậm, chậm 1 năm được coi là bình thường, có khi chậm đến 2, 3 năm, do các đơn vị di chuyển sâu, sổ sách luộm thuộm mất mát, các đơn vị chia ra, nhập vào, thay phiên hiệu, cán bộ tử thương. Vì lẽ ấy mà đến nay QĐND miền Bắc có đến 300 ngàn trường hợp quân nhân mất tích, không biết bị tử trận ngày nào, ở đâu...</e
Có thể nói chính sách biệt vô tăm tích là quốc sách rất thâm và cực kỳ độc ác, phi nhân có tính toán của đảng CS trong thời chiến…
Vào thời bình “quốc sách” này, xem chừng, cũng không khác mấy – theo tường trình của RFI:
Trong bản Báo cáo Tình hình Buôn người năm 2014, vừa được công bố ngày 20/06/2014, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn xếp Việt Nam vào Danh sách loại 2 ( TIER 2 ), vì chính phủ Việt Nam bị xem là « chưa tuân thủ đầy đủ những tiêu chuẩn tối thiểu, tuy nhiên cũng đã có những nỗ lực đáng kể nhằm xóa bỏ nạn mua bán người... »
Cũng theo báo cáo Tình hình buôn nguời 2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ, phụ nữ và trẻ em Việt Nam tiếp tục bị bán sang các nước ở châu Á vì mục đích cưỡng ép tình dục, đặc biệt là Trung Quốc, Cam Bốt, Malaysia, và Nga. Nhiều nạn nhân người Việt của việc buôn bán tình dục cũng đã được tìm thấy ở Ghana. Một số phụ nữ Việt Nam sang Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Macao, Singapore hay Hàn Quốc để thành hôn với người nước ngoài thông qua môi giới, sau đó đã bị cưỡng ép phục vụ trong gia đình, hành nghề mại dâm, hoặc cả hai.
Bảo cáo nhắc lại rằng, «làm công trừ nợ, thu giữ hộ chiếu, và dọa nạt bị trục xuất là những thủ đoạn thường được dùng để bắt các nạn nhân Việt Nam phải phục vụ ». Các mạng lưới tội phạm có tổ chức của Việt Nam và Trung Quốc đã đưa những người dân Việt Nam, chủ yếu là trẻ em, sang Vương quốc Anh và Đan Mạch, buộc họ làm việc trong các trang trại trồng cần sa.
Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của Bộ Ngoại Giao Mỹ, về tình hình buôn bán người trên thế giới, Phó Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam Phạm Thu Hằng “khẳng định” như sau:
Tôi xin khẳng định Chính phủ Việt Nam hết sức quan tâm và đã có những biện pháp, chế tài cụ thể kiên quyết đấu tranh và ngăn chặn nạn buôn bán người, đã thông qua Luật Phòng chống mua bán người và Chương trình hành động quốc gia phòng, chống mua bán người giai đoạn 2011-2015.
Điều bà Hằng  “khẳng định” – xem ra – không được tương hợp với những sự kiện đã được ghi nhận. The Guardian, số ra ngày 23 tháng 5 vừa qua, có bài tường thuật (“3,000 children enslaved in Britain after being trafficked from Vietnam”) của hai ký giả Annie Kelly và Mei-Ling McNamara. Xin ghi lại vài đoạn ngắn, theo bản dịch (“3.000 trẻ em bị buôn bán từ ‘đất nước Hồ Chí Minh’ sang Anh làm nô lệ”) của blogger Nguyễn Công Huân:
ruacho 3
Ảnh: theguardian
Giống như nhiều trẻ em Việt Nam khác, Hiền đã được đưa đến Anh để sống một cuộc đời nô lệ hiện đại. Em cuối cùng phải vào tù về tội trồng cần sa...
Chuyến đi của Hiền tới Anh Quốc bắt đầu khi em bị bắt cóc khỏi làng lúc 5 tuổi bởi một người nói rằng ông ta là chú của em. Như một đứa trẻ mồ côi, em không còn lựa chọn nào khác ngoài làm theo những mệnh lệnh của người khác. Em đã mất năm năm đi qua nhiều quốc gia bằng đường bộ, hoàn toàn không biết mình đã đi qua những đâu, từ Việt Nam qua biên giới giữa Pháp và Anh để tới một căn nhà ở London. Ở đây em phải làm nô lệ trong nhà trong 3 năm, nấu ăn và dọn dẹp cho nhóm những người Việt đi ra vào ngôi nhà em bị giam giữ...
Trong lời khai với cảnh sát, Hiền nói rằng em vẫn không hiểu chính xác loại cây em trồng là cây gì, mặc dù em hiểu rằng nó rất có giá trị. Em chăm sóc đám cây, sử dụng thuốc trừ sâu khiến em bị ốm, và chỉ rời căn hộ khi em giúp chuyển các cây cần sa này tới nơi khác để sấy khô. Em bị khóa trong nhà, bị đe dọa, bị đánh đập và bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài.
“Tôi không bao giờ được trả tiền để làm việc đó”, em nói. “Tôi đã không ở lại đó vì tiền mà vì tôi sợ và tôi hy vọng toàn bộ điều này sẽ sớm kết thúc.”
Khi cảnh sát đến, họ tìm thấy Hiền một mình với đám cây cần sa. Em kể câu chuyện của mình cho cảnh sát, nhưng vẫn bị gửi đến trại dành cho tội phạm trẻ tuổi ở Scotland, nơi em trải qua 10 tháng tạm giam, bị buộc tội trồng cần sa. Em chỉ được thả sau khi có sự can thiệp của một công tố viên hoàng gia dẫn đến việc em được xác định là nạn nhân của nạn buôn người...
Hiền đang cố gắng để xây dựng lại cuộc sống của mình sau khi được tị nạn ở Scotland, nhưng đang gặp khó khăn để tìm thấy bình an sau nhiều năm chấn thương. “Tôi vẫn còn lo lắng rằng những kẻ buôn người có thể tìm thấy tôi và đến nhà tôi. Nhưng bây giờ tôi biết rằng tôi sẽ phải tìm kiếm sự giúp đỡ [từ cảnh sát],” em nói. “Tôi nghĩ rằng có công lý ở đây, nhưng tôi cũng ước rằng họ không giam giữ tôi trong tù trong thời gian lâu như vậy. Bằng cách kể lại chuyện cuộc đời mình, tôi muốn mọi người hiểu những gì tôi đã trải nghiệm ở đây. “
Ở những nơi khác thì những đứa bé VN  khác, đôi khi, còn phải “trải nghiệm” qua những cảnh đời tàn tệ hơn nhiều. Chắc chắn, không ai có thể quên được hình ảnh của những bé thơ Việt Nam được tìm thấy trong những nơi bán dâm ở Cambodia.
ruacho 4
Hai em gái Việt (tám và mười tuổi) trong một động mãi dâm ở Svay Pak, cách Sứ Quán Việt Nam tại Phnom Penh chừng 10 cây số. Nguồn: Shanghai Star.
ruacho 5
Cảnh sát Cam Bốt đưa một em bé Việt Nam 11 tuổi ra khỏi nhà thổ ở khu đèn đỏ Toul Kork thuộc Phnom Penh. 
Ảnh và chú thích: ECPAT
Khi được phóng viên RFA hỏi về những sự kiện và hình ảnh trên, nhà phân tích độc lập về vấn đề buôn bán trẻ em vào đường mãi dâm – ông Aaron Cohen – đã đưa ra nhận định như sau:
 “Tôi tự hỏi tại sao chính phủ Việt Nam không tạo áp lực với Cambodia về vấn đề đó. Tôi nghĩ là chính ông đại sứ Việt Nam ở Phnom Penh biết rõ các em gái nhỏ tuổi ở nước mình bị bán qua Cambodia mà không cố tìm cách ngăn chặn. Quả thực điều này tôi không hiểu ra.”
Tôi cũng không hiểu được thái độ (cũng như cách hành sử) của những nhân viên sứ quán Việt Nam ở Moscow, sau khi nghe lời cáo buộc của Tiến Sĩ  Nguyễn Đình Thắng – Giám Đốc Điều Hành BPSOS và đồng sáng lập viên Liên Minh CAMSA:
“Trong 4 năm qua, Liên Minh CAMSA (Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới Ở Á Châu, chú thích của người viết) đã can thiệp hay giải cứu và giúp đỡ cho trên 4 ngàn nạn nhân, kể cả khoảng 300 nạn nhân Việt bị buôn sang Nga làm lao nô hay làm nô lệ tình dục. Trong tất cả các trường hợp ở Nga này, thủ phạm là những người Việt được bao che bởi một số giới chức ở Toà Đại Sứ Việt Nam ở Nga.”
Cũng liên quan đến sự kiện này, trong bản tin của BBC (“Nạn Buôn Người Việt Vào Nhà Chứa Ở Nga”) nghe được vào hôm 25 tháng 4 năm 2015, có đoạn:
BBC Việt Ngữ đã liên lạc qua điện thoại với ông Nguyễn Đông Triều, Tham tán công sứ của Đại sứ quán Việt Nam ở Nga, để hỏi về cáo giác này nhưng ông đã từ chối không trả lời và yêu cầu BBC “hỏi cơ quan chức năng nào khác”.
Ông Triều cũng nói:
“Tôi không có trách nhiệm trả lời nhà báo,”
“Những cái gì cứ gửi tới cơ quan có thẩm quyền.”
Khi được hỏi ông làm việc tại Đại sứ quán Việt Nam, và nếu Đại sứ quán Việt Nam không phải là cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan thẩm quyền mà ông nói là cơ quan nào, ông Triều đã bỏ máy.
Những ông “Tham Tán Công Sứ” (như ông Nguyễn Đông Triều) này hẳn không hề thiếu trong tất cả những Toà Đại Sứ  Việt Nam, ở khắp mọi nơi. Xứ sở này, lẽ ra, phải được xếp vào danh sách loại III về nạn buôn người thì hợp lý hơn.
Và tôi cũng còn nói cho hết lẽ vậy thôi chớ ở một đất nước mà những “đồng chí lãnh đạo” sẵn sàng bán rừng, bán đảo, bán (tuốt luốt) mọi thứ tài nguyên thì họ có nề hà chi cái chuyện buôn người.
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors