Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự-2015-12-Ăn gì để không chết?


Ăn gì để không chết?
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn
Trong bài tuần trước tôi đã tường thuật với bạn đọc về 16 ông bộ trưởng trả lời trước phiên họp Quốc Hội VN về nhiều vấn đề rất “nóng” hiện nay, nhưng hầu hết các vị này chỉ trả lời loanh quanh, vòng vo, tránh né khiến người dân thất vọng. Tôi cũng đã đề cập đến vấn đề liên quan thiết thực đến cuộc sống của người dân mà hình ảnh được chính ông Đại biểu Quốc Hội nêu ra rất tiêu biểu là “con đường đến nghĩa địa của người dân Việt rất ngắn.”
Rau quả đều được phun chất kích thích tăng trưởng và diệt sâu bọ, thậm chí là cả rau quả chính vụ thì cũng phun.


Quả thật trong thời gian gần đây vấn đề thực phẩm độc hại lan tràn trên khắp mọi lãnh vực, những kẻ làm hàng gian hàng giả ngày càng nhiều. Có thể nói từ Nam chí Bắc, bất cứ thứ thực phẩm nào cũng có chất độc. Người dân ngày càng lo sợ cho cuộc sống thường ngày của gia đình mình. Người ta hoang mang hỏi nhau không biết ăn gì để không chết. Từ đó, chúng ta hãy tìm hiểu những chất độc đó là gì và đi tìm nguyên nhân tại sao chất độc cứ ngày một lan rộng. Trước hết, mời bạn đọc nghe ý kiến của người dân:
Đố ai tìm thấy ở chợ thứ gì không độc
- Chị Nguyễn Hải My (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ lên trang cá nhân facebook của mình: “Chưa bao giờ chúng ta lại lo lắng cho vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm như hiện nay, nhất là sau hàng loạt các thông tin về thịt có chất cấm, rau quả tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Trong khi đó, lượng người bị ung thư tăng lên theo vùn vụt khiến người tiêu dùng như tôi cảm thấy hết sức lo ngại cho sức khoẻ của bản thân và gia đình mình.”

- Còn chị Dương Vũ (Hà Đông, Hà Nội) thì chia sẻ: “Thấy xung quanh mình ung thư ngày càng nhiều mà nhiều nguyên nhân là do cả đồ ăn thức uống không bảo đảm. Chính sự ham lợi của dân buôn đã giết chết đồng bào mình, tôi đố ai tìm ra được ở chợ thứ gì là không hoá chất? Trong khi chính phủ bất lực, chúng ta phải bảo vệ lấy mình thôi, tự trồng rau sạch, học hỏi kinh nghiệm mua thực phẩm sạch và nên mua ở các cửa hàng thực phẩm sạch và có uy tín”.

- Nhiều ý kiến trên trang báo đồng tình cho rằng: “Cần phải có những giải quyết một cách căn bản nhất. Chúng tôi, những người dân thường, người nội trợ không đủ thẩm quyền và khả năng để phán xét hay ngăn chặn các hành vi buôn bán vô lương tâm này. Vậy trách nhiệm thuộc về cơ quan chức năng. Chúng tôi làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày và đóng thuế cho Nhà nước nên Nhà nước phải nhanh chóng có biện pháp bảo vệ người dân chúng tôi.”

Đó là đòi hỏi chính đáng của dân. Không thể bắt bỏ tù họ được. Cơ quan chức năng là ai? Chính là nhà nước VN phải nhanh chóng giải quyết vần đề sinh tử này, không thể chần chừ được nữa. Những dân chết nhiều lắm rồi, nhất là chết vì bệnh ung thư. Thứ bệnh đến nay hầu như bất trị đang hoành hành âm thầm mà dữ dội khiến biết bao gia đính táng gia bại sản vì nuôi con bệnh và rồi bất lực nhìn người thân ra đi.
Giật mình vì những con số người chết vì ung thư do thực phẩm độc hại
Ông Trần Trọng Bình, Phó Cục Trưởng C49 (Bộ Công An) đưa ra cho biết: Năm 2014 đã có đến 150,000-200,000 người mắc bệnh ung thư, 82,000 người chết vì bệnh ung thư, trong đó 75-95% trường hợp mắc do yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm. Ông còn cho biết thêm: Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở Việt Nam, gấp 9 lần so với số người chết do tai nạn giao thông cùng năm 2014.

Còn ông Bộ trưởng Cao Đức Phát đã nói đúng về sự bất lực của bộ máy quản lý vì Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (NN&PTNT) không đủ sức kiểm tra, giám sát hàng triệu gia đình sản xuất nông lâm thủy sản. Và cũng không thể chỉ đạo hàng chục triệu gia đình mua gì, ăn gì, uống gì để tránh khỏi bị độc hại. Hiện mỗi tỉnh chỉ có khoảng 10 người làm công tác quản lý chất lượng, và dù có tăng biên chế lên 10 lần, thậm chí 100 lần thì cũng không thể giải quyết được vấn đề, chưa nói đến ngân sách eo hẹp.

Nói gọn gàng hơn là ông Bộ trưởng thú nhận bất lực trước những người sản xuất thực phẩm độc hại.

Một lý do khác khi mà đạo đức băng hoại, con người muốn sống lương thiện cũng không được, muốn làm ăn đàng hoàng thì chết đói. Bởi một luống rau phun thuốc độc hại sẽ tăng trưởng rất nhanh, nếu trồng đàng hoàng phải sáu tháng mới có rau bán, phun thuốc vào chỉ ba tháng là bán được, và rau lại to nên có lời gấp hai lần loại rau sạch. Thế nên người ta phải cạnh tranh để sinh tồn. Nhiều nhà trồng rau sạch để ăn, rau phun hóa chất để bán. Hầu như bây giờ cái lối sống ích kỷ, bỏ quên lương tâm đang là “trào lưu” hay “triết lý sinh tồn” của mọi con buôn VN.

Đó chính là kiểu làm chúng ta giết lẫn nhau, chưa kể mấy chú ba Tàu hiểm ác, đưa hàng hóa và thuốc độc hại vào bán la liệt với giá rẻ tại các chợ, nhất là chợ Kim Biên chất độc nào cũng có, được gọi là “Chợ Tử Thần.” Bởi chủ trương của Bắc Kinh là dùng người Việt giết người Việt. Không thể kiểm kê hết những loại hóa chất trong thực phẩm của Trung Quốc đưa vào VN, ngày càng nhiều. Thậm chí đưa cả tấn đỉa sấy khô vào VN. Có cả một kho chứa hàng lậu lớn do một người tên Thắng cầm đầu ngay tại Quảng Ninh.

Hãy nhìn vào hai món ăn thường thấy trong bữa ăn của người Việt với những “sát thủ thầm lặng.”
Tôm cá bơm hóa chất, hàn then
Để tránh ăn những loại thịt tăng trọng được nuôi bằng chất độc, hiện nay nhiều bà nội trợ chuyển hướng sang ăn tôm cá. Song tôm cá hiện nay cũng được bơm hóa chất và thuốc kháng sinh.

Theo các chuyên gia cho biết, các chất được bơm vào tôm thường là tạp chất dạng lỏng như bột rau câu, tinh bột,… chúng khiến sản phẩm tiền ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Người ăn phải tôm chứa hóa chất sẽ có nguy cơ ngộ độc, mắc các bệnh nguy hiểm như tả, tiêu chảy, thương hàn, rối loạn tiêu hóa…

Ngoài ra, nguồn nước dùng để pha tạp chất để bơm vào tôm thường không phải nước sạch, chủ yếu là nước từ kênh, ruộng… Khi bơm dịch vào tôm, các vi khuẩn cũng được đưa vào cơ thể, người ăn phải dễ bị mắc bệnh.

Không chỉ có tôm bị bơm tạp chất, trên thị trường còn xuất hiện tôm ngâm giữ trong hàn the, ure… làm tăng khả năng người tiêu dùng bị ngộ độc cấp tính.
Rau quả phun kích thích và thuốc trừ sâu
Rau quả là loại thực phẩm không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của gia đình và nó đem lại nhiều vitamin và các dưỡng chất. Tuy nhiên nếu ăn phải các loại rau chứa chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật thì rất nguy hiểm.

Hiện nay trên thị trường đa phần rau quả đều được phun chất kích thích tăng trưởng và diệt sâu bọ, thậm chí là cả rau quả chính vụ thì cũng phun.

Chỉ cần nhìn thế thôi bạn đọc đã biết trong bữa ăn của người dân VN bây giờ gặp nguy hiểm như thế nào. Đừng đổ cho “số trời” đã định con đường đến nghĩa địa ngắn mà thật ra ta giết ta thôi. Đây là một thí dụ cụ thể
Cá ở dưới hồ nhiễm chất độc da cam bán ra thị trường
Theo kết quả điều tra được công bố của cơ quan chức năng, ở sân bay Biên Hòa ngoài đất bị nhiễm độc, nhiều ao hồ và vùng phụ cận cũng bị nhiễm chất độc da cam/dioxin cao nhất thế giới. Chất dioxin có thể thâm nhập vào động vật thủy sinh và nhiều chuỗi thực phẩm khác. Các loài cá nuôi, thực phẩm có nguồn gốc sinh sản từ khu vực này đều bị ô nhiễm nặng…

Chính vì vậy, cơ quan chức năng đã dựng bảng cảnh báo ở đây là: “Nguy hiểm: Hồ nhiễm chất độc da cam/dioxin, ăn bất cứ loại thực phẩm nào được nuôi trồng tại hồ này đều gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn.”

Phía bên trong bức tường rào bảo vệ sân bay Biên Hòa (được xây dựng kiên cố cao hơn 2 m) ở khu phố 6, phường Trung Dũng là một hồ nước rộng cả ngàn mét vuông, có rất nhiều cá rô phi sinh sống. Đây là nơi nhiều người vào đánh bắt cá trộm rồi bán ra thị trường.

Chỉ sau ba giờ theo dõi, môt người dân đã đếm được có khoảng 20 người cả nam lẫn nữ vượt tường rào vào sân bay với lỉnh kỉnh lưới chài. Cứ mỗi 30 phút thì từng bao cá được chuyển ngược ra ngoài cũng bằng con đường cây sung ấy. Hễ bao cá nào vừa được đưa xuống đất tức thì có ngay một chiếc xe máy trờ tới “bốc hàng” lao vút đi. Sự việc diễn ra nhanh chóng và thuần thục.
Đi tìm nguyên nhân
Người dân Việt đang bị bao vây tứ phía từ chính chúng ta đến anh Ba Tàu đểu cáng, còn một nguyên nhân thứ ba nguy khốn hơn. Ngoài sự bất lực của cớ quan chức năng còn có một số ông cán bộ thú y tiếp tay cho việc sử dụng chất cấm.

Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là vấn đề nóng, ngày càng trở nên trầm trọng. Tại Hà Nam, đoàn kiểm tra của Bộ NN-PTNT còn phát hiện người dân đã trộn vào thức ăn chăn nuôi chất gọi là “mỳ chính” không rõ nguồn gốc.

Tại Hội nghị kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi các tỉnh phía Bắc sáng 10/11 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho hay, ngay ngày hôm trước có tới hơn 500 lô hàng xuất khẩu bị trả về, trong đó có 10% (50 lô hàng) tồn dư kháng sinh, chất cấm.
80% người bán thuốc thú y là cán bộ
Thừa nhận chuyện trên, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn Nuôi, nói thêm, thời gian gần đây, càng kiểm tra càng phát hiện tình trạng tỷ lệ sử dụng chất cấm cao.

Vừa rồi, Thanh tra Bộ phối hợp với các địa phương đi kiểm tra thấy tỷ lệ nhiễm chất cấm ở lò mổ cao nhất, ông Vân nhận định. Cán bộ thú y cơ sở đang tiếp tay cho người dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bởi 80% người bán thuốc thú y hiện nay là cán bộ.

Con số khiến người dân thất kinh. Chỉ cần 30% ông cán bộ Thú Y bán thuốc sử dụng chất cấm dân cũng đủ chết rồi, tới 80% thì quả thật không thể nào tin nổi. Có thể không phải ông nào cũng tiếp tay bán chất cấm, nhưng những ông đó cũng chẳng đời nào tố giác “bạn đồng liêu, đồng nghiệp” của mình.
Cũng như chỉ ở một cửa khẩu có 44 cán bộ hải quan ăn hối lộ và chính cán bộ hải quan cũng buôn lậu. Báo chí đã từng nêu rõ: - Nguyên đội trưởng hải quan cùng vợ buôn lậu xăng dầu.- Cả loạt cán bộ thuế tạ An Giang, hải quan tiếp tay buôn lậu - Cán bộ hải quan tiếp tay buôn lậu siêu xe - Hàng loạt cán bộ hải quan hầu tòa vì buôn lậu gỗ!

Nói trắng ra cán bộ ngành nào cũng có tay buôn lậu hoặc làm cò. Can bộ tiếp tay với tham nhũng luôn là vấn đề khiến người dân phẫn nộ nhất. Như vậy người dân Việt còn mong gì ngóc đầu lên được.
Cho nên người dân bảo nhau: “Trong khi Chính phủ bất lực, chúng ta phải bảo vệ lấy mình thôi” và đòi hỏi: “Chúng tôi làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày và đóng thuế cho Nhà nước nên Nhà nước phải nhanh chóng có biện pháp bảo vệ người dân chúng tôi”.

Chẳng biết những ông được gọi là cơ quan chức năng VN có nghe thấy tiếng nói này không? Các ông sẽ làm gì để người dân khỏi hoang mang “ăn gì để không chết”?
Văn Quang (5 tháng 12, 2015)
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự-2015-12-Con đường đến nghĩa địa của người dân VN rất gần


Con đường đến nghĩa địa của người dân VN rất gần
Văn Quang


 
 
Lần đầu tiên tất cả các thành viên chính phủ đăng đàn trả lời chất vấn.
 
Nhiều đại biểu bật cười khi nghe Bộ Trưởng Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn.
  
Trong tháng 11 này, 16 ông Bộ Trưởng trong chính phủ VN được mời ra trả lời trước phiên họp Quốc Hội đã làm dư luận đặc biệt chú ý. Tất cả được truyền hình trực tiếp cho người dân theo dõi. Tất nhiên chỉ có một số người nhàn rỗi hoặc những nhà trí thức muốn nhìn vào thực trạng những vấn để “nóng” nhất của xã hội hiện nay mới dành thì giờ ngồi trước màn hình ti vi. Còn những người dân lao động không những phải vật lộn với miếng cơm manh áo hàng ngày mà thật ra họ chẳng còn muốn chú ý gì đến những cuộc họp, những câu trả lời, những lời hứa trên các bàn hội nghị bởi đời sống của họ chẳng thay đổi gì và đôi khi họ cũng không đủ tầm hiểu biết qua những lời phát biểu đầy… văn hoa hoặc khôn khéo tránh né của các ngài có thẩm quyền.
Có chăng chỉ còn là dư luận qua các báo và ngày nay qua các trang facebook của các cá nhân hay của một nhóm nào đó.

Nhưng người dân còn tin vào báo chí VN nữa không lại là vấn đề khác. Hầu như mở bất kỳ tờ báo chính thức nào ở VN, độc giả cũng chỉ thấy đều giống nhau y chang. Cả đến lối viết, cách diễn tả cũng giống nhau cứ như chép từ một “bài mẫu” cho học sinh theo đó mà “cóp.” Khó tìm được một tờ báo nào có phong cách độc đáo của riêng mình. Nếu có chỉ là vài bài điều tra phóng sự về “cuộc đời, ái tình, sự nghiệp” của mấy cô ca sĩ, người mẫu trong làng Showbiz hoặc những vụ cướp của giết người rùng rợn, ghen tuông, đâm chém của những cặp vợ chồng ngoại tình… Rồi báo nọ lại sao y nguyên văn của báo kia. Cho nên chỉ cần xem một tờ báo là biết hết.

Cũng nhờ cuộc họp này, bị các ông Đại biểu quốc hội (ĐBQH) chất vấn, truy hỏi nên bây giờ người dân mới biết. Chính phủ đã bỏ ra hàng ngàn tỉ để nuôi báo chí.


                                     Bộ Trưởng Hoàng Tuấn Anh trong phần trả lời chất vấn.
VN có bao nhiêu tờ báo ăn lương nhà nước
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, có nhiều cơ quan báo chí do nhà nước thành lập, được bao cấp tài chính, dẫn đến gánh nặng về ngân sách. “Nhiều báo nhà nước cấp tiền in báo rồi lại mua báo đó. Báo được chuyển đến cho các cơ quan, đơn vị để đọc, song có đọc hay không thì chúng ta chưa biết. Có đại biểu phản ánh, tờ báo được phát nhưng không đọc.” Bây giờ người dân mới được biết con số “báo nhà nước đông vui” như thế này. Trong khi báo chí nước ngoài đều là của tư nhân.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, để báo chí phát triển được thì cần “cắt bớt” nguồn ngân sách đối với báo chí. Hiện có trên 800 cơ quan báo chí, nhưng chỉ trên 200 tự chủ, còn gần 500 cơ quan nhà nước nuôi. Ông nói: “Báo chí phát triển cần bớt chuyện nhà nước nuôi. Nên tính toán lại, quy hoạch quan trọng nhất là nhà nước hạn chế tối đa việc cấp ngân sách, nuôi quá nhiều, tỉnh nào cũng có báo, nhiều địa phương trợ cấp đầu vào rồi lại bắt các nơi mua báo.”

Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên nhi đồng Lê Như Tiến cho rằng: “Có loại hình ngân sách bao cấp hoàn toàn, thậm chí bao cấp cả trụ sở, phương tiện đi lại; tự chủ một phần; tự chủ hoàn toàn, có lãi nộp ngân sách. Nhưng số lượng cơ quan báo chí được bao cấp chiếm đa số.” Và “chiếc bánh ngân sách nhỏ mà có nhiều đối tượng cần ưu tiên đầu tư hơn như đồng bào nghèo, vùng xa, miền núi.”
Có bao nhiêu ông nhà báo
Cũng trong cuộc họp này, chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam, ông Thuận Hữu thông tin, báo chí phát triển rất nhanh chóng, mỗi năm thêm 1,000 nhà báo, trong nhiệm kỳ vừa qua Hội nhà báo kết nạp hơn 5,000 hội viên. Vậy tổng cộng nhiều năm qua trở lại đây, ở VN hiện nay có tất cả đến vài trăm ngàn nhà báo chứ không ít!
Nói thẳng ra có tới 500 tờ báo hoàn toàn ăn lương nhà nước và được “phụ cấp” cả trụ sở, xe cộ và những thứ khác. Như thế báo chí trở thành một thứ cơ quan nhà nước và người làm báo trở thành công chức rồi. Công chức phải thi hành mệnh lệnh của nhà nước, “ăn cơm chúa múa tối ngày,” đó là nhiệm vụ “thiêng liêng” của quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận sao? Mỗi năm có thêm một ngàn ông được cấp thẻ nhà báo, trong nhiệm kỳ của ông chủ tịch hội nhà báo đương nhiệm có tới năm ngàn ông được công nhận là nhà báo. Như thế đồng nghĩa với việc có thêm 5,000 ông công chức. Không biết trong số đó có bao nhiêu ông nhà báo đáp lại được nguyện vọng chính đáng của người dân thấp cổ bé miệng? Khi là công chức rồi họ có được quyền nói tiếng nói tự do của lương tâm nghề nghiệp không?

Cứ đọc vài tờ báo VN trên mạng internet là bạn đọc nước ngoài có thể giải đáp được câu hỏi này.

         Có đến 75-95% trường hợp mắc bệnh ung thư ở VN là do yếu tố môi trường và an toàn thực phẩm
Các ông Bộ Trưởng đã trả lời như thế nào trước Quốc Hội
Trở lại với cuộc “truy vấn” các ông Bộ Trưởng của các ông Dân biểu Quốc Hội. Có quá nhiều vấn đề rất nóng được các ông ĐBQH mang ra chất vấn 16 ông Bộ Trưởng trong kỳ họp vừa qua. Người dân ngồi nghe đôi khi cảm thấy sốt ruột, đôi khi cảm thấy thích thú vì sự “truy hỏi” gắt gao. Đôi khi lại mắm môi suy nghĩ chẳng hiểu ông Bộ Trưởng trả lời cái gì. Hỏi một đằng, trả lời một nẻo, chạy vòng vo đến nỗi ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhiều lần nhắc nhở các bộ trưởng đi vào đúng trọng tâm câu hỏi.

Đôi khi người dân lại cũng phải cười theo mấy ông ĐBQH. Thí dụ như trong câu hỏi Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh phần trả lời chất vấn chiều 17/11 vừa qua là một điển hình.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hỏi: “Bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore?”
Bộ trưởng dõng dạc: “Tôi bỏ ngỏ cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời việc này, tôi không dám trả lời.” Hội trường rộ lên tiếng cười. Nhưng chưa hết, ông Hoàng Tuấn Anh còn “chọc cười” mấy lần nữa.

Lan man về các thế mạnh của du lịch Việt Nam, Bộ trưởng nói, khi Việt Nam tổ chức IPU 132, có một vị phó tổng thống đã đến Bộ Văn Hóa - Thể Thao và Du Lịch tìm gặp cho được Bộ trưởng để hỏi về kinh nghiệm, bài học mô hình phát triển làng văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam thế nào. Các đại biểu lại cười.

Chuyển sang thế mạnh khác, Bộ trưởng nhấn mạnh, ẩm thực Việt phong phú, dồi dào. Ông diễn tả: “Đi các hội chợ quốc tế, món phở và nem rán của chúng ta cũng nổi tiếng. Ngay như nón lá của chúng ta tại hội chợ triển lãm Milan ở Ý, nón lá là sản phẩm xếp thứ 4, hấp dẫn.” Quốc hội lại cười vang trước sự hào hứng của ông Bộ trưởng.

Hội trường Quốc Hội vui nhộn thật!
Chỉ có hai vấn đề đáng nói
Đó chỉ là vài chi tiết sống trong cuộc chất vấn được các báo gọi là “chưa từng có” tại VN. Nhưng nhìn chung toàn thể Quốc Hội đã thực hiện phiên chất vấn với sự tham gia giải trình của đầy đủ thành viên Chính Phủ. Kết thúc có 16 bộ trưởng, trưởng ngành, 3 phó thủ tướng, Chánh án, Viện trưởng viện kiểm sát trực tiếp trả lời những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành của mình.

Có quá nhiều vấn đề rất “nóng” được mang ra chất vấn. Nhiều vấn đề như thái độ của VN trước hiểm họa Biển Đông, chuyện thay đổi về chương trình học lịch sử, đã và đang được rất nhiều độc giả từ trong nước đến nước ngoài đang bàn tán xôn xao. Tôi không thể tường thuật hết ở đây. Chỉ xin tóm tắt hai vấn đề liên quan thiết thực đến đời sống của người dân hiện nay.

Đó là chuyện tham nhũng, lãng phí ngân sách. Vấn đề an toàn thực phẩm cho người dân để không phải “ăn gì cũng chết.” Những vấn đề này hầu như kỳ nào mấy ông ĐBQH cũng nêu ra, chẳng có gì mới. Cái mới là các ông Bộ Trưởng trả lời như thế nào để diệt được hết tham nhũng và làm thế nào ngăn chặn được hàng loạt thực phẩm độc hại đang giết ngấm ngầm người dân.

Hiện tượng tham nhũng được đại biểu Nguyễn Anh Sơn nêu bật dưới hình ảnh so sánh "dân vật lộn từng đồng, cán bộ giàu lên nhanh chóng.” Đại biểu Lê Như Tiến cũng miêu tả "quan chức nhà nước thường tăng tốc tham nhũng, cả về tần suất và cường độ vào thời điểm hoàng hôn nhiệm kỳ.” Tức là gần hết nhiệm kỳ, quan chức mạnh tay làm chuyến tàu vét, bổ nhiệm thăng chức tùm lum, cái gì cũng đút túi, ăn của dân không chừa thứ gì.

Nói về thực phẩm bẩn, nhiễm chất độc hại, đại biểu Trần Ngọc Vinh nói: "Có lẽ chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn như bây giờ.”

Trong tuần sau tôi sẽ tường thuật chi tiết hơn về hai vấn đề này và đi tìm nguyên nhân tại sao những tệ nạn này vẫn cứ ngày một tăng hơn chứ không giảm.


                  Thịt được tăng trọng lượng ở VN chính là sát thủ hàng ngày của sức khỏe con người.
Thất vọng vì phiên chất vấn này
Sau phiên họp, tờ báo mạng VnExpress ngày 19-11-2015 giật hàng tít lớn: “Phiên chất vấn chưa từng có không như kỳ vọng.” Đó là cách viết của báo chí VN. Phải nói thẳng ra là người dân thất vọng vì phiên chất vấn này. Hầu hết các ông ấy chỉ nói loanh quanh, chưa đưa ra được một giải pháp nào cụ thể để diệt tham nhũng trái lại tham nhũng ngày càng tàn tệ hơn. Và cũng chưa có biện pháp nào hữu hiệu để ngăn chặn thực phẩm độc hại. Cho nên ông ĐB Vinh mới ví “con đường đến nghĩa trang của người dân Việt quá ngắn.”

Nhưng con đường đến bệnh viện vì đủ thứ bệnh của người Việt còn ngắn hơn, nhất là bệnh ung thư. Đến bệnh viện là nỗi ám ảnh lớn nhất đối với người Việt hiện nay từ dân trung lưu đến người nông dân. Đến bệnh viện mà không có tiền thì cứ nằm đầu hè chờ chết, còn đưa bảo hiểm ra thì được chữa toàn thuốc rẻ tiền, thuốc nội, bệnh viện đã chật cứng vẫn cứ cố nhét thêm, dù nằm chung hai, ba người một giường, nằm luôn dưới gầm giường hay nằm ngoài hè.

Người dân chưa được nghe, chưa được thấy một hy vọng nào từ những câu trả lời của các ông Bộ Trưởng ngăn chặn thực phẩm độc hại đang âm thầm giết hại người dân.
Các ông Đại biểu dân nhận xét thế nào?
Nói với báo chí bên hành lang Quốc Hội, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho biết đợt chất vấn này sẽ "đòi nợ" Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường về vụ bôi trơn sổ đỏ. "Tôi đã nói thẳng rồi, Bộ trưởng còn nợ mà không trả. Bộ trưởng đã làm văn bản gửi Hà Nội và thanh tra có kết luận gửi cơ quan điều tra cả năm nay rồi mà không thấy tung tích đâu nữa, chứng cứ thì rõ ràng nhưng không làm gì.”

Nói cho rõ là ông Bộ Trưởng chẳng làm gì sau khi trả lời chất vấn, xong rồi là thôi, quên nó đi. Đồng thời, ông sẽ tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp về vấn đề phân bón giả. Trong các phiên thảo luận kinh tế xã hội vừa qua, ông đã đưa vấn đề này ra và nhận được nhiều phản hồi từ cử tri cả nước. Nhân dân cho biết không chỉ tình trạng phân bón giả mà còn giống cây trồng, vật nuôi. Cái gì cũng có thể làm giả khiến người nông dân cực khổ vô cùng.

Ông Cương nói: "Đó là chưa kể nạn lừa đảo tràn về nông thôn như bán hàng đa cấp, góp quỹ từ thiện… Ai sẽ là người bảo vệ cho người nông dân, vừa yếu thế vừa nghèo khổ, đã dẫm chân xuống bùn rồi còn bị vùi xuống bùn đen.”

Nói tóm lại các ngài Bộ Trưởng chưa làm gì để người dân tin tưởng vào ngày mai sẽ có cuộc sống khá hơn. Tương lai vẫn cứ “vùi xuống bùn đen.” Con đường ra nghĩa địa của người nông dân VN quả thật ngắn. Nhưng chết không lo bằng sống khổ sở, lay lắt, lại còn bị bọn quan lại bòn rút, chèn ép thì sống khổ hơn chết.
Văn Quang (27-11-2015)
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự-2015-12-Trộm cắp từ sân bay đến thành phố


Trộm cắp từ sân bay đến thành phố
Văn Quang - Viết từ Sài Gòn

Có hai nguyên nhân “đáng sợ” nhất của thời đại kinh tế suy thoái và đạo đức băng hoại cùng bọn quan lại tham nhũng, đó là nạn mại dâm và trộm cướp hoành hành ở khắp nơi. Kỳ trước tôi đã tường thuật với bạn đọc về tệ nạn mại dâm ở TP Sài Gòn. Kỳ này tôi tường thuật về nạn trộm cắp ngay tại Sân bay Tân Sơn Nhất và giữa Sài Gòn.

Đã hơn một lần tôi kể với bạn đọc về những điều trái tai gai mắt ở sân bay Tân Sơn Nhất, một sân bay lớn nhất nước và lưu ý du khách nào đến Sài Gòn cũng phải đề phòng tệ nạn này. Nhất là chuyện tham nhũng, chuyện vòi tiền của các “quan chức” làm việc trực tiếp với khách. Thế nhưng vở kịch nhơ bẩn đó vẫn cứ diễn ra hàng ngày, hàng giờ trước mắt thiên hạ, rồi đến chuyện ăn cắp hành lý của khách đi máy bay.

Cho đến nay cũng chẳng thay đổi được gì. Cho nên sân bay này, năm nay vẫn được “vinh dự” xếp vào loại Tệ Nhất Châu Á.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã được nâng cấp cuối năm 2014 song vẫn bị xếp hạng tệ nhất châu Á.
Khi đến sân bay TSN phải cẩn thận giữ tài sản có giá trị
Theo bảng xếp hạng năm 2015 của trang web The Guide to Sleeping in Airports, Tân Sơn Nhất được xếp hạng đứng thứ tư trong danh sách sân bay tệ nhất châu Á. Năm 2014, sân bay này cũng bị liệt vào danh sách tệ nhất do trang web trên bình chọn. Tức là hai năm liền đều tệ như nhau.

Ngoài ra, hành khách còn phàn nàn tín hiệu wifi kém, phòng vệ sinh bẩn và hạn chế lựa chọn trong các nhà hàng.

Lời khuyên được trang web đưa ra là “Nếu ghé qua Tân Sơn Nhất, hành khách nên cẩn thận giữ tài sản có giá trị và cầm một số tiền nhỏ trên tay.”

Người VN nào chẳng xấu hổ khi đọc bản tin này được loan truyền khắp thế giới.
Thật ra đã nhiều lần từ ông Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải họp các quan chức đầu ngành tại sân bay để “dằn mặt” và điều chỉnh tình trạng này. Quan nào cũng nhận một tí khuyết điểm, xin cấp tốc chấn chỉnh ngay.

Lần này cũng vậy, khi nhận được bản tin đáng xấu hổ kia, Giám đốc Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú thừa nhận một số đánh giá của website về chất lượng phục vụ ở sân bay này là đúng, chẳng hạn như chất lượng wifi, đặc biệt là ở ga quốc tế. Ông hứa: "Chúng tôi sẽ chọn nhà cung cấp khác và chắc chắn từ đây đến cuối năm vấn đề này sẽ được khắc phục."
8 năm nữa mới khắc phục được
Ngoài ra, Giám đốc Cảng Hàng Không Quốc Tế Tân Sơn Nhất cũng thừa nhận một số dịch vụ tại sân bay còn chưa tốt như: dịch vụ taxi vẫn còn lộn xộn; bãi giữ xe máy nhiều lúc phải ngưng nhận; thái độ của nhân viên sân bay, nhân viên các hãng chưa đúng mực.

Ông Tú cũng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay sân bay Tân Sơn Nhấtđã đón hơn 21.7 triệu lượt hành khách. Dự tính đến cuối năm, số lượt khách đạt 26 triệu lượt, vượt quá quy hoạch của nhà ga. Với tốc độ tăng trưởng này, chỉ hai năm nữa Tân Sơn Nhất sẽ đón trên 30 triệu lượt khách. Ông nói:

"Sẽ phải tiếp tục chịu đựng cảnh quá tải này ít nhất tám năm nữa trước khi sân bay Long Thành đưa vào sử dụng. Với điều kiện như thế này, chúng tôi cố gắng duy trì chất lượng dịch vụ ở mức có thể đáp ứng nhu cầu. Ưu tiên hàng đầu là bảo đảm an ninh an toàn, dành những tiện ích cộng cộng theo tiêu chí cho phép."

Về nạn tham nhũng, phiền hà hành khách để kiếm tiền cũng vậy. Mười năm trước đã đặt ra và các quan cũng hứa khắc phục. Nhưng mọi chuyện vẫn êm ru bà rù, bởi tệ nạn này có cả một đường dây từ dưới lên trên, ai “khắc phục” ai đây?! Lại cái bài ca muôn thuở ở đâu cũng gặp “chúng tôi sẽ cho điều tra và xử lý nghiêm, không dung túng cho tiếu cực.”

Một băng cướp “nhí” vừa bị bắt


Vậy xin hỏi các quan ở sân bay Tân Sơn Nhất từ bao năm nay, các ông đã điều tra được những vụ tham nhũng và nhũng nhiễu khách hàng nào? Chẳng thấy các ông báo cáo cho nhân dân được biết.
Ngay trong thành phố tình trạng trộm cướp càng trầm trọng
Cũng đã hơn một lần tôi tường thuật những vu “Cướp Sài Gòn.” Nhưng cho đến nay tình trạng cướp giật trở nên tinh vi và liều lĩnh hơn. Thậm chí tiền của cất trong két sắt cũng bị kẻ trộm phá két lấy hết. Nhất là các vụ trộm cướp ngày nay lại có những đứa trẻ mới 12, 13 tuổi và có cả những ông bà già sáu bảy chục tuổi cũng dàn cảnh để ăn cướp. Tình hình quả thật đáng báo động đỏ khiến người dân khiếp sợ. Ở đâu cũng mất an ninh. Tính mạng và tài sản có thể mất bất cứ lúc nào.
Băng cướp 10-15 tuổi sẵn sàng đâm, chém du khách ở trung tâm Sài Gòn
Nhóm cướp quy tụ gần chục người, có tuổi đời chỉ từ 10 đến 15 tuổi, gồm: H.H.L (14 tuổi), P.N.T (13 tuổi), N.H.T (12 tuổi), N.C.T, V.T.K, L.V.T.H (đều 15 tuổi). Ngoài ra, còn có các tên “nhí” khác đã bỏ trốn và đang bị công an truy lùng.

Trong băng cướp nhí này, tỏ ra “số má, lì lợm” nhất đám là N.H.T. Nghi can này nói với phóng viên khi đang bị giữ ở trụ sở công an rằng “có sức chơi thì có sức chịu chứ sợ gì”!

Nhóm cướp này bị Công an Q.1 bắt quả tang vào rạng sáng 27-10 khi vừa dùng dao tấn công một cặp tình nhân đang ngồi hóng mát ở khu vực bờ kè kênh Tàu Hủ trên đại lộ Võ Văn Kiệt, P. Nguyễn Thái Bình, Q. 1 để cướp một điện thoại di động và 2 triệu đồng. Công an Q. 1 cho biết thêm:

Đây cũng là nhóm cướp đã chém trọng thương một du khách người Đức, anh Sepastian Gretz tại bờ kè kênh Tàu Hủ, P. Nguyễn Thái Bình, Q.1, cướp 600.000 đồng, một ĐTDĐ và một ống kính máy ảnh vào rạng 19/10. May mà công an điều tra ra, trả lại tiền tài vật dụng cho du khách.
Ra tay tàn bạo, không hề sợ hãi
Công an cho biết thêm chi tiết rợn người: Anh Sepastian Gretz bị nhóm cướp đâm chém gần chục nhát chưa kể phải chịu thêm nhiều cú đập chí mạng bằng gậy và gạch ở đầu.

Anh này sau đó được người dân và công an chuyển vào bệnh viện cấp cứu kịp thời, hiện đã xuất viện.
Kẻ ra tay tàn bạo nhất trong vụ này cũng chính là N.H.T. mới 12 tuổi khai nhận chính mình là kẻ trực tiếp dùng dao kề vào cổ của nam du khách, sau đó đâm nạn nhân gần chục nhát trước khi đồng bọn bồi thêm những khúc cây, cục gạch vào đầu cho đến khi anh Sepastian Gretz bất tỉnh mới buông tay.

Khi cả nhóm bị bắt vào buồng giam, chúng không hề sợ hãi. Buổi ngày 28/10 phóng viên báo Thanh Niên ghé trụ sở công an P. Nguyễn Thái Bình - nơi đang giữ các nghi can trong băng cướp nhí. Anh kể: Tại đây, chúng tôi nhìn thấy có sáu thiếu niên, trong đó có một bé gái hơn 10 tuổi liên quan đến sự việc cũng bị giữ để lấy lời khai.

Cả sáu em, đứa nằm dưới nền nhà, đứa ngồi tựa lưng vào tường trong căn phòng chừng 10 mét vuông đã được chốt chặt bởi một ổ khoá. Trông mặt mày các em hốc hác nhưng tất cả đều vui vẻ, cười nói chuyện trò rôm rả. Cả băng vô tư cười nói huyên thuyên và chẳng màng để ý đến mọi thứ xung quanh hay có chút biểu hiện gì bày tỏ sự ăn năn, sợ sệt về tội lỗi mà chính mình gây ra cách đó vài giờ.

Cả sáu em cho biết tất cả đều đã nghỉ học, trong đó có hai em học đến lớp 5, một em học lớp 4, một em học lớp 3 và số còn lại chưa một lần được đến trường. Các em cho biết trước khi đi cướp, cả chúng lang bạt khắp nơi và làm đủ mọi việc để kiếm sống nhưng không có được nhiều tiền lại vất vả nên quy tụ bạn bè thành lập băng nhóm chuyển sang “nghề cướp.”
Vợ chồng già 70 tuổi dàn cảnh ăn vạ chàng trai đi xe SH
Một bạn đọc kể lại câu chuyện hi hữu giữa thành phố:
Những chiêu lừa ngoạn mục mà tôi gặp ở thành phố này không hiếm, nhưng có những điều nếu không chứng kiến, có lẽ bạn sẽ chẳng bao giờ tin là nó có thật. Câu chuyện tôi kể ra đây có lẽ sẽ khiến các bạn lắc đầu ngao ngán vì không ngờ, bất kể tuổi tác nào người ta cũng đều có những thủ đoạn lừa đảo khác nhau.

Hôm ấy, khoảng 7 giờ tối tôi mới đi làm về. Trên đoạn đường Nguyễn Hữu Thọ (đoạn siêu thị Lotte, Quận 7), trời hơi mưa lất phất, người cũng thưa thớt hơn, tôi đã chứng kiến một cảnh tượng khiến tôi thật sự cảm thấy xấu hổ, xấu hổ thay cho họ - những con người đáng lẽ ra phải được người khác tôn trọng về bề dày tuổi tác.

Đi phía trước tôi là một anh chàng chạy chiếc xe SH khá sành điệu, bảnh trai. Không như những cậu thanh niên choai choai phóng nhanh, rú ga, nẹt pô âm ĩ, anh ta đi rất từ tốn và luôn đi sát vào trong lề đường.

Đi cách anh chàng kia không xa là một đôi vợ chồng già chạy chiếc xe honda Dream. Nhìn qua, tôi nghĩ họ khoảng tầm chưa tới 70 tuổi, họ đi rất nhanh và luôn cố vượt mặt tôi để leo đến gần vị trí chiếc xe SH kia.
Thủ đoạn ăn vạ bất ngờ
Thế rồi, cứ thế cụ ông lao lên phía trên. Ông quay lại dặn cụ bà rằng: "Ôm cho chặt.” Vừa dứt lời, cụ ông tông vào đuôi chiếc SH kia, loạng choạng, họ ngã nhào xuống đất. Ngay lập tức, cụ bà la lối om sòm, cụ ông hét toáng lên: "Ối bà con ơi, tôi bị xe tông gần chết rồi.”

Chứng kiến cảnh ấy, tôi biết ngay là dàn cảnh anh vạ. Rõ ràng, cú va chạm kia, người đi xe SH không hề có lỗi, anh ta đi trước rất từ tốn, hai vợ chồng cụ ông kia cố tình đâm vào đuôi xe của anh ta.

Khi họ vừa ngã xuống, một người đàn ông đi chiếc Sirius vượt lên, dừng xe lại túm cổ áo anh chàng đi xe SH kia định đánh và bắt anh ta đền tiền vì gây tai nạn. Anh chàng kia không kịp nói gì đã bị anh ta chặn họng, cụ ông cụ bà kia thì cứ rên la như thể nặng lắm. Thấy vậy, anh chàng kia đành phải đưa cho cặp vợ chồng già kia một số tiền, tôi không biết bao nhiêu, tuy nhiên, tôi vừa lên tiếng định nói thì ngay lập tức đằng sau có kẻ đánh mạnh vào xe tôi và nói: "Đi đi, giang hồ đấy, lo chuyện bao đồng nó đánh cho.” Tên túm cổ anh SH kia chỉ vào mặt tôi và dằn mặt, đồng thời mấy kẻ khác cố đẩy tôi đi thật nhanh.

Thật không ngờ, một cặp vợ chồng đã vào cái tuổi gần 70 lại có thể nghĩ ra những kiểu ăn vạ, đòi tiền trắng trợn một cách đáng xấu hổ như vậy. Đúng là cuộc sống này thật khó lường, chuyện lừa đảo nào cũng có thể xảy ra và có lẽ ra đường bây giờ trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người chúng ta.
Những cảnh ăn cắp vặt
Tôi chỉ tường thuật vài chuyện lớn, còn ăn cắp, ăn cướp vặt diễn ra hàng ngày hàng giờ trên tất cả các các đường phố, dù là phố đông người. Chẳng thiếu gì những cô gái đang phóng xe gắn máy bị bọn cướp bám theo xà vào cướp dây chuyền, cướp điện thoại, cướp bất cứ thứ gì đeo trên xe.

Ngay ở cổng bệnh viện giữa quận 5, một bà cũng bị 10 tên dàn cảnh cướp mất chiếc dây chuyền bạch kim, trị giá khoảng 5 triệu đồng. Còn ở ngay giữa TP Hà Nội, bạn hãy nhìn bất kỳ cái gì để trước cửa cũng phải khóa chặt, ngay cả tấm sắt nhỏ dùng làm lối dẫn xe máy lên hiên cũng phải khóa, tấm bảng hiệu của nhà nước cũng được khóa cẩn thận.

Bạn đã thấy tình hình an ninh ở VN ngày nay như thế nào.
Hết thuốc chữa!

Văn Quang (20-11-2015)
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 2015-12 - Sài Gòn có lập khu đèn đỏ không?


Sài Gòn có lập khu đèn đỏ không?
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Quả thật đây là một đề tài “nhạy cảm” và tế nhị bởi nó đụng chạm đến thuần phong mỹ tục và tình hình thực tế. Đó là hai mặt trái ngược nhau trong một vần đề. Cho nên khi đề nghị này vừa được tung ra, lập tức trong hai tuần lễ vừa qua đã có rất nhiều cuộc tranh luận khá gay gắt từ người dân đen đến các quan chức, các học giả và ngay cả mấy ông đại biểu Quốc Hội.
Những gái mạn dâm trong đường dây này hơn một nửa là nữ sinh viên.


Thật ra, tệ nạn mại dâm thời nào cũng có, thời xa xưa cũng có “lầu xanh” chứ không phải không có. Thời sau nữa có Bình Khang, Vườn Lài… Nhưng trong những năm tháng gần đây, tệ nạn này trở nên tràn lan, nhức nhối và nó “biến tướng” thành muôn hình vạn trạng khiến nhà chức trách địa phương ngày càng bối rối, không biết làm cách nào làm diệt trừ hoặc giảm bớt, ngược lại nó cứ mỗi ngày một lan rộng.

Không cần đi tìm lý do, ai cũng biết khi nền kinh tế trì trệ, kiếm không ra việc làm, giáo dục cùng đạo đức rủ nhau băng hoại thì tệ nạn tất yếu là phải phát sinh. Người ta dù có muốn cũng khó mà sống lương thiện trong cái xã hội rối tung như mớ bòng bong này. Luật pháp cũng lại lơ mơ nên chặt đầu này nó mọc đầu kia, chặt mãi cũng không hết. Nếu thời trước kia, các cô gái bán dâm, dù là dân lao động hay nghệ sĩ, hoa khôi, hoa hậu khi bị bắt cũng bị đưa vào “Trại Cải Huấn” hoặc có thời gian còn gọi là “Trại Phục Hồi Nhân Phẩm.”
Trong đó mọi người đều được đối xử như nhau, làm việc cho quen và học bất cứ thứ nghề nghiệp nào của Trại đã đặt ra. Và, nhất là dưới cái nhìn của xã hội, họ đều là thứ đáng khinh như nhau. Thế nên tệ nạn có phần giảm đi nhiều. Còn bây giờ các cô gái bán dâm hay người mẫu, hoa khôi hoa hậu bị bắt cũng chỉ nộp phạt rồi lại cho về, phần lớn đều tiếp tục con đường cũ. Nhận thấy những hình phạt ngày nay không còn tác dụng gì nữa nên mới đây Thành Phố Sài Gòn lại đưa ra đền nghị lập “khu đèn đỏ.”
Lập khu đèn đỏ ở đâu
Theo thống kê chính thức, TP Sài Gòn hiện có hơn 36,000 cơ sở kinh doanh các loại hình “dịch vụ nhạy cảm" như vũ trường, quán bar, massage, karaoke… nằm rải rác trên nhiều con đường, con hẻm của 24 quận huyện. Việc kiểm tra, quản lý vì thế gặp nhiều khó khăn. Tất nhiên còn rất nhiều địa điểm hoạt động mại dâm trá hình khác nữa, có thể gấp hai ba lần thống kê. Bởi họ hoạt động ngầm, không đóng thuế, không bảng hiệu, làm sao kiểm tra và thống kê được. Thí dụ một số cô gái vừa bán xổ số vừa bán “của trời cho,” ở Sài Gòn gọi loại này “xổ số xổ liền,” họ thường lảng vảng ở khắp các hàng quán, đôi khi đến tận nhà mời chào. Nhất là những cô gái đứng đường ở khắp các vỉa hè những con đường vắng, nhìn họ bệ rạc và đáng thương dưới ánh sáng chập choạng vào những đêm lạnh. Đó chính là những “đối tượng” đáng được gom thu vào một khu hơn hết.
Lê Thị Yến Duy, Hoa khôi duyên dáng thời trang Bến Tre 2010.

Bàn về công tác phòng chống tệ nạn xã hội, do Bộ Lao Động - Thương Binh và Xã Hội (LĐTB&XH) vừa tổ chức, ông Lê Minh Quý - phó Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội TP Sài Gòn - cho rằng nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ “nhạy cảm” vào một khu vực để dễ quản lý hơn. Việc thí điểm sẽ tổ chức ở một số địa phương trọng điểm như TP Sài Gòn, Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định…

Ông Lê Minh Quý lập luận: “Những lao động trong ngành nghề này sẽ được giám sát, đảm bảo quyền lợi, tránh bị bạo hành và nhất là được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra họ sẽ được chăm sóc sức khỏe thường xuyên, được phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS.”

Ông Quý cho biết: “Qua các lần kiểm tra cũng như báo cáo từ các đơn vị, nhiều cơ sở kinh doanh “nhạy cảm” như quán bar, cơ sở massage, karaoke, cắt tóc trá hình… Nhân viên thường không ký hợp đồng, không trả lương họ chỉ nhận được tiền “bo” của khách. Mại dâm ở TP Sài Gòn và nhiều địa phương khác đã tồn tại lâu đời. Quận, huyện thậm chí xã, phường nào cũng có nên việc xóa bỏ là không thể vì nhiều người xem đó là cái nghề để sinh nhai. Mình không thể chống mãi được vì dẹp chỗ này chỗ khác lại mọc lên nên phải thay đổi cách thức để dễ quản lý.”
Đồng ý nhưng… không hợp thuần phong mỹ tục VN
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đồng tình với đề nghị của TP Sài Gòn nhưng vẫn tỏ ra e ngại khi việc gom các dịch vụ kinh doanh “nhạy cảm” vào một chỗ không khác gì thừa nhận “phố đèn đỏ.” Bởi Việt Nam hiện chưa có luật phòng chống mại dâm mà mới chỉ có pháp lệnh nên rất khó thực hiện. Có đại biểu cho rằng nhiều nước trên thế giới cho phép hoạt động mại dâm nhưng ở Việt Nam có truyền thống, văn hóa khác nên không thể làm như nước ngoài.
                          Lê Thị Diệu Hiền bị tạm giữ để điều tra hành vi môi giới mại dâm' 
Công khai phố nhạy cảm để cán bộ không mon men
Trước việc Cục Phòng chống tệ nạn TP. Sài Gòn đề nghị thí điểm “phố nhạy cảm,” nói chuyện với báo chí bên hành lang QH sáng 26-10, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Sài Gòn) cho biết, ông ủng hộ chủ trương vì vừa hạn chế được các tệ nạn xã hội, bảo vệ được phụ nữ và vừa bảo vệ thuần phong mỹ tục.
Theo ông Nghĩa đề nghị: “Việt Nam đã chấp nhận nhà nước pháp quyền, chấp nhận hội nhập, chấp nhận đất nước văn minh lên thì phải chấp nhận có khu phố riêng để quản lý các hoạt động nhạy cảm. Nhiều nước trên thế giới đã làm, ngay như Cuba cũng đã áp dụng.”

Ông Nghĩa cho rằng, khi gom lại để quản lý sẽ có rất nhiều người không dám lui tới các con phố này, đặc biệt là các cán bộ công chức.
Can bộ lách rất giỏi vá chỉ muốn đi tàu ngầm
Đồng quan điểm, ĐB Lê Như Tiến, Phó chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của QH nói: “Nếu cán bộ công chức "mon men" đi vào khu đó, có nghĩa là có vấn đề. Chúng ta cũng quản lý được cán bộ công chức đi xe biển xanh qua đó nhưng cái dở là người ta sẽ lách luật rất nhiều, thay biển xe....”

Còn bà đại biểu QH Bùi Thị An (Hà Nội) nhấn mạnh: “Việc công khai theo tôi có cái lợi nữa là những người đến sẽ giảm đi thay vì cứ “dấm dúi” như bây giờ.”

Tuy nhiên bà An cho rằng, khi thực hiện chắc chắn sẽ vấp phải những rào cản về mặt tâm lý của chính những người trong cuộc cũng như dư luận xã hội bởi nước ta chưa công nhận mại dâm là một nghề. Tâm lý của người có nhu cầu cũng không muốn công khai, chỉ muốn đi “tàu ngầm.”
Nhìn lại chuyện mua bán dâm thời gian qua
Những cô gái bán dâm vì hoàn cảnh nghèo khổ, quá cùng quẫn phải chọn con đường này đáng thương nhưng không đáng trách bằng các cô gái không túng thiếu, họ chỉ thích chơi sang, hàng hiệu, xe “luých.” Cả người làm nghề lẫn công chúng đều cho rằng lý do mà các người đẹp buộc phải phục dịch các đại gia là bởi thói quen tiêu xài bạt mạng, thích ăn ngon mặc đẹp nhưng lại lười làm việc. Bán dâm là con đường ngắn nhất để những người đẹp này thỏa mãn dục vọng của mình.

Một vụ bán dâm rất… nổi tiếng vào năm 2013 đã làm dư luận dậy sóng. Đường dây bán dâm nghìn đô của Mỹ Xuân cũng khiến dư luận bàn tán. Hoa hậu Nam Mekong 2009 cùng 3 tú ông, tú bà khác cầm đầu đường dây bán dâm “khủng” quy tụ nhiều gái gọi cao cấp gồm hotgirl, hoa khôi, người mẫu, ca sĩ… có tiếng tăm trong giới showbiz.

Ngoài Mỹ Xuân, những cái tên đình đám bị bóc trần trong phi vụ này phải kể đến hoa khôi Duyên dáng thời trang 2010 Yến Duy, ca sĩ Khang Nhã Thy, người mẫu Jenny P., H.H.Y - thí sinh tại cuộc thi Người đẹp tỏa sáng 2013, á khôi Miss Shinning Beauty 2012 Thiên Kim. Người mẫu Thiên Kim có thân hình nóng bỏng, nổi tiếng vì thường khoe dáng trong những show quảng cáo cho nhiều sản phẩm các công ty, doanh nghiệp. Ngoài ra, giới chơi môtô phân khối lớn ở TP Sài Gòn đều biết đến cô hoa khôi kiêm người mẫu và diễn viên điện ảnh bốc lửa bên những chiếc xe mô tô “khủng.”

Giá mỗi lần đi khách của những người đẹp này thường vào khoảng 2000-2500 USD/lượt (khoảng 44-55 triệu đồng). Đặc biệt có những trường hợp lên đến 6.500 USD (khoảng 140 triệu đồng VN) hoặc thậm chí hàng chục ngàn USD nếu đó là trong chuyến “sex tour” dài ngày.

Bẵng đi một thời gian, những năm gần đây lại thấy “lai rai” những vụ người mẫu, hoa khôi, nữ sinh bán dâm. Và gần đây nhất, một vụ vừa được khám phá khiến dư luận lại nổi sóng trong tuần đầu tháng 11 này.
Vụ mới nhất: người mẫu Hải Yến bán dâm giá $1,000
Ngày 2-11-2015 vừa qua, Công an TP. Sài Gòn đã hoàn thành kết luận điều tra, chuyển VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 5 nghi can về hành vi Môi giới mại dâm. Xin tóm tắt vụ này:
Đây là 5 nghi can trong đường dây người mẫu bán dâm 1.000 USD. Cụ thể, danh tính các đối tượng là: Lê Bảo Lộc (50 tuổi, đạo diễn, Q.5, TP. Sài Gòn), Nguyễn Thị Hải Yến (25 tuổi, diễn viên, người mẫu, Tiền Giang), Lê Thị Bảo Trân (27 tuổi, làm nghề tiếp thị), Đặng Thị Ánh Đào (24 tuổi) và Nguyễn Thị Diệu Hiền (23 tuổi, cùng là người mẫu tự do).

Từ lời khai của các đối tượng này, cơ quan điều tra đã bắt tú ông Lê Bảo Lộc - người cầm đầu đường dây và nhận hoa hồng 200 USD sau mỗi lần môi giới người mẫu.
Năm 2013, người mẫu Hải Yến được Lộc giới thiệu đi bán dâm và sau đó cô này trở thành người môi giới. Bảo Trân, Diệu Hiền cũng theo con đường này.
Chân dài nào cũng có thể mua được
Đáng buồn hơn là chân dài Đoàn Ngọc Minh (25 tuổi, ngụ ơ6 phường 7, quận 5, TP. Sài Gòn) - có một danh sách dài các cô gái sẵn sàng phục vụ các đại gia tới bến, giá thấp nhất của đường dây này từ $1,000 USD, cao nhất $20,000 USD. Trong đó rất nhiều gái bán dâm từng tham gia hoạt động trong giới showbiz, thậm chí là những người đã đoạt giải tại các cuộc thi sắc đẹp.

Theo lãnh đạo cục cảnh sát hình sự, trước khi bị bắt, các trinh sát từng phát hiện Minh tuyên bố trong giới ăn chơi rằng: “Đều có thể mua bất cứ chân dài nào, chỉ có điều với giá bao nhiêu...”
Điều đáng buồn nữa là một số sinh viên, nữ sinh cũng lao vào nghề bán dâm.
Cử nhân cầm đầu đường dây gái gọi sinh viên quy mô lớn
Theo báo Người Lao Động, Nguyễn Thị Hoài Tốt nghiệp ĐH song không đi làm mà "chuyển nghề,” đứng ra tổ chức đường dây gái gọi quy mô lớn, trong đó quá nửa là sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng tại TP Vinh.

Trước đó, khi kiểm tra khách sạn Paraha ở phường Hà Huy Tập (TP Vinh), Công an TP Vinh đã bắt giữ quả tang 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm. 1 trong 2 cô gái bán dâm khai là sinh viên, được đưa đi bán dâm theo chỉ đạo của 1 người phụ nữ tên Nguyễn Thị Hoài. Đường dây gái gọi của có khoảng 20 cô gái trẻ (trong đó hơn một nửa là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Vinh).
Phạt như gãi ghẻ
Các cô gái bị bắt quả tang bán dâm cũng bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013. Cụ thể, người có hành vi bán dâm sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng; nếu bán dâm cho nhiều người cùng một lúc, mức phạt từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Với người mua dâm, mức phạt từ 500.000 đồng tới 5.000.000 đồng...

Á khôi, hoa hậu bán dâm 7.000 USD cũng chỉ bị phạt 500.000 đồng. Nhiều người cho rằng phạt như thế cũng như “gãi ghẻ” mà thôi. Phạt cũng như không nếu không muốn nói là khuyến khích các cô này cứ tiếp tục “hành nghề.”

Riêng tôi cho rằng ở VN khó mà lập được “khu đèn đỏ,” mặc dù thực tế là rất cần, nhưng hầu hết các vị quan chức đều thích nói chuyện đạo đức, dù là đạo đức giả, hơn là hành động. Cần phải học lại cách làm từ trước năm 1975, không lập “khu đèn đỏ” mà nên lập lại Trại Huấn Nghiệp cho các cô gái chẳng may sa chân vào con đường mại dâm. Hoặc nếu cần thì đưa các cô gài chân dài, người mẫu, ca sĩ thích đua đòi bị bắt đều được đưa vào Trại Phục Hồi Nhân Phẩm. Có như thế các cô mới sợ, may ra bớt được tệ nạn này ở khắp các Thành phố lớn nhỏ.

Và có một điều nữa là hầu hết đường dây mại dâm cao cấp trước đây bị triệt phá, hình ảnh danh tính của các cô giá bán dâm được khai thác rầm rộ trên các trang báo khiến họ và cả gia đình mang nỗi nhục lâu dài Nhưng còn các đại gia mua dâm chẳng bao giờ được công bố. Tại sao lại có sự phân biệt như vậy? Phải chăng hầu hết đó là các đại gia, nhiều tiền lắm của, quen biết hầu hết các quan lớn nên được giấu kín tên tuổi. Dư luận đòi hỏi sự công bằng trong pháp luật cũng như đời thường của mỗi người.
Văn Quang (13-11-2015)
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân -2015-12 - Gặp Một Nhà Thơ Ở Thủ Đô Nước Thái


Gặp Một Nhà Thơ Ở Thủ Đô  Nước Thái   


nguyen quang thieu
VN là một cường quốc về thơ!
Nguyễn Quang Thiều


Cách đây chưa lâu, ông Bùi Minh Quốc đã phán (một câu) rằng “thơ thiêng lắm.” Mọi thứ thiêng liêng trên cõi đời này, tất nhiên, đều rất nên tôn kính. Nhưng riêng chuyện thơ thẩn, tôi cảm thấy có hơi hơi nghi ngại nên xin mạn phép được rà lại (chút xíu) cho nó chắc ăn.
Tôi không quen nhưng biết khá nhiều thi sĩ rất nặng tình với thi ca. Cuộc sống của họ, tuy thế, không hề được thơ phú phù bật, phù hộ hay phù trợ gì ráo trọi; đã vậy, thi nhân còn bị đời hành cho bầm dập và te tua thấy rõ!
Nguyễn Thị Hoài Thanh là một trong những vị này:
 “Thời con gái chị vốn xinh đẹp. Nhất dáng nhì da. Chị được cả hai. Nhưng hồng nhan đa truân. Hai lần kết hôn, hai lần ly dị. Vẻ đẹp của tuổi ba mươi đang chín. Cái sắc đẹp không chủ đã gây cho chị biết bao nhiêu khó khăn, nhiều khi cả nguy hiểm nữa. Hình như Nguyễn Thị Hoài Thanh sinh ra là để gặp rắc rối và vuợt qua những rắc rối khó khăn. Chịu đựng và vượt qua một cách thản nhiên bình tĩnh, không kêu ca như cuộc đời vốn như vậy …
Có việc gì mà không trải qua. Hãy kể những việc chính: Công nhân xi măng, thợ điện Hải Phòng điện khí, thợ điện công ty xây lắp, công nhân bóc lạc công ty xuất nhập khẩu, đứng máy bào cuốn xí nghiệp gỗ Trương Công Định, công nhân công ty xếp dỡ, cấp dưỡng công ty vật liệu kiến thiết, súc sạc ắc qui Công Ty Quốc Doanh Đánh Cá Hạ long…Đó là chưa kể còn đi giao bánh rán, bánh mì, kẹo lạc, làm và bán nước mắm … Đồng lương không đủ nuôi mình mà còn phải nuôi con …” (Bùi Ngọc Tấn. “Một Mơ Ước Về Kiếp Sau.” Viết Về Bè Bạn. Tiếng Quê Hương: Virginia, 2005).
thơ 1
Sông Cấm ơi! Sông như người bạn mới quen
Thân thiết thế mà sao không hiểu được
Chiều tan ca tôi đi bên dòng nước
Sông với tôi, với bóng là ba
Bóng tôi nghiêng với bao la
Sông mang về biển
Bóng tôi còn nguyên vẹn không sông?
Sông Cấm chả hiểu có mang được “nguyên vẹn” bóng  người “về biển” hay không nhưng chị Thanh, tiếc thay, đã không giữ được nguyên vẹn hình hài của chính mình:
“Tai nạn xẩy ra ngay ngã Sáu, gần nhà tôi. Chị nằm ngất trên đường mưa dầm ngày tết, mặt đường sền sệt một thứ nước bùn hoa. Cánh tay dập nát, xương gẫy… Chị bảo người nhà xin cho người tài xế đã gây ra tai nạn vì người ta không cố ý, người ta cũng khổ như mình. (Bùi N.T. sđd, trang 111-112).
Sau đó, sau khi bị thương tật, Nguyễn Thị Hoài Thanh không bao giờ còn được “khổ như” nhiều người dân Việt (trung bình) khác nữa. Ở vào bước đường cùng, loay hoay mãi vẫn không lối thoát, chị đành bỏ nhà vào Nam đi … mót!
Với dân Việt thì gặt lúa, bẻ bắp, rỡ khoai, rỡ lạc là những sinh hoạt quen thuộc hàng ngày. Mót lúa, mót bắp, mót khoai, mót lạc cũng là những sinh hoạt quen thuộc khác – với những người không có một hòn đất ném chim, như … Nguyễn Thị Hoài Thanh.
Có chiều, ở Đồng Xoài, chị đang ngồi chơi vẩn vơ đùa nghịch với những cây hoa mắc cở (trong khi chờ người ta rỡ đậu phụng xong để mót) thì ý thơ chợt đến:
Chiều lặng ngồi trên cây xấu hổ
Lá thẹn thò sau đám cỏ rối bời
Hãy ngoảnh mặt lại đây
Có gì đâu mà mắc cở
Chỉ mình ta bầu bạn với ta thôi.
Có gì đâu mà mắc cở? Vậy mà tôi cứ xấu hổ mãi vì quê hương đất nước của mình (“một cường quốc về thơ”) đã “xuôi tay” để cho một thi nhân phải … đi mót lạc!
Đi mót, nghĩ cho cùng, vẫn đỡ hơn đi xin như hoàn cảnh đau lòng (hơn) của một nhà thơ khác:
“Lật hồ sơ Dương Ánh Dương, thấy ông ghi thế này: Họ và tên: Dương Thân Mật. Sinh năm 1950. Bút danh: Dương Ánh Dương. Nghề nghiệp: ăn mày …
Mình bật cười. Mấy ông văn nghệ sĩ chỗ nào cũng tếu táo được. Hồ sơ lý lịch là chuyện nghiêm túc, các ông vẫn đùa như thường. Mục Đã đi nước ngoài lần nào chưa anh Lê Văn Thảo trả lời : dễ gì! Mục Chức vụ cao nhất đã kinh qua anh Đỗ Chu trả lời: Đàn anh Hữu Thỉnh. Vui nhất là Mục Quá trình tham gia cách mạng. Thằng Trung Dũng sinh sau đẻ muộn, lớn lên đã hết chiến tranh, suốt ngày chỉ đi học và vẽ, chẳng làm gì tốt cho cách mạng. Không biết ghi thế nào, nó ghi: Ngày Bác Hồ mất, gia đình có tổ chức khóc Bác. Hi hi…
tho 2
Té ra không phải, Dương Ánh Dương không đùa, anh hành nghề ăn mày đã mấy chục năm rồi. Thằng Vinh nói oa chà, chuyện ông này đúng là một bi kịch rất đặc biệt. Vinh khoa chân múa tay kể, nói ông này xuất thân là giáo viên cấp 3. Năm 1975 đói quả bỏ dạy đem vợ vào Sài Gòn kiếm sống. Chưa đầy năm thì vợ bỏ anh theo bạn vượt biên. Buồn chán anh tìm về một làng chài ở Nha Trang làm thuê kiếm ăn qua ngày, làm được đồng nào thả vào hũ rượu đồng đó. Ngày đi đánh cá thuê, vá lưới thuê, xẻ mực thuê… tối về uống rượu làm thơ đọc thơ giải khuây.
Có người thương lấy làm chồng, sinh được đứa con, vợ chồng sống đắp đổi qua ngày tạm gọi là hạnh phúc. Không ngờ anh đi tàu đánh cá, luýnh quýnh thế nào đó bị ngã cuốn vào chân vịt, gãy chân tay, chấn thương sọ não bán thân bất toại, nằm liệt giường hai năm. Sau vài năm ra sức chạy chữa cho anh, nợ nần chồng chất, bà vợ thấy cùng đường đành ôm con bỏ đi. Anh phải lê lết ăn mày từ đó. (Nguyễn Quang Lập. “Gã Ăn Mày Thi Sĩ.” Bạn Văn 2. NXB Hội Nhà Văn: Hà Nội, không rõ năm xuất bản).
Chiều qua, tại Thái Lan, tôi tình cờ lại gặp thêm một nhà thơ nữa. Ông cũng đang “ở bước đường cùng,” dù không bị tai nạn hay thương tật gì ráo trọi. So với Nguyễn Thị Hoài Thanh và Dương Ánh Dương, Dương Văn Nam thuộc vào một thế hệ khác, và thời đại khác: Thời Internet. Chính những “bài thơ phê phán chế độ” trên FB đã khiến ông phải “tìm đường chạy trốn” – theo như thông tin của blogger Huỳnh Bá Hải, đọc được trên trang Thông Luận:
“Lại thêm một người đấu tranh cho dân chủ từ Việt Nam sang Bangkok lánh nan. Đó là ông Dương Văn Nam, sinh năm 1970 quê ở Bắc Giang. Ông Nam là nông dân hay làm thơ phê phán chế độ và ủng hộ cho dân chủ…
Anh em dân chủ ở khu vực phía Bắc hay gọi ông với biệt danh chất phác: ‘Nhà thơ nông dân’. Trên đường chạy trốn đợt khủng bố gần đây nhất của công an Việt cộng, anh ‘nông dân làm thơ’ đến được Bangkok cùng với đôi dép tổ ong.”
Duong Van Nam 3
Dương Văn Nam ở Bắc Giang
 Tôi nhận ra ngay người đồng hương không nhờ vào “đôi dép tổ ong” mà vì ánh mắt ngơ ngác và lạc lõng của Dương Văn Nam, giữa lòng thủ đô Vọng Các. Tôi bước đến trước mặt ông, đọc khẽ mấy câu thơ (những vần thơ mà tôi đã làm hơn ba mươi năm trước, khi bước chân ra Bangkok lần đầu) để làm quen:
Chiều về trên xứ lạ
Xe ngược xuôi trăm đường
Trăm ngàn khuôn mặt lạ
Mong một người đồng hương …
Chút xíu nữa “thằng chả” ôm chầm ngay lấy tôi vì ngạc nhiên, và vì cảm động:
– Thế bác cũng là người Việt à?
– Vâng.
– Bác cũng biết nàm thơ à?
– Vâng.
– Em nàm nông nhưng thỉnh thoảng cũng có nàm thơ … Nếu không vì thơ chưa chắc em đã phải bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ vợ, bỏ con nưu nạc đến tận nơi này.
Tôi đã tiếp xúc với không ít những nông dân Việt Nam đang đẩy xe bán kem, bán nước dừa, bán trái cây, hay phụ bếp trong những tiệm ăn ở Thái Lan. Họ lâm vào cảnh tha phương cầu thực giản dị chỉ vì mất hết đất đai, và không tìm được kế sinh nhai ở quê nhà. Đây là lần đầu tiên tôi mới gặp một người “nàm nông nhưng thỉnh thoảng cũng có nàm thơ” phải bỏ nước ra đi chỉ vì những câu thơ chân chất (y như đất và khoai, bắp) của mình đã xuất hiện trên face book:
lương tâm các mác tuyệt vời
muốn cho nhân loại sướng đời muôn năm
nhưng vì chủ thuyết oái oăm
khi đem thí nghiệm không thành cái chi
chỉ thành xã hội ngu xi
dân thì khổ nhục quan thì sướng rên
sướng vì độc đảng triền miên
quan tham hút máu dân đen đời đời
Duong Van Nam 4
Dương Văn Nam (phải) ở Bangkok. Ảnh chụp tháng 11/2015.
Tôi mời Dương Văn Nam vào quán bên đường uống mấy chai bia, và nghe ông tâm sự:
– Vừa sang đến đây em được giới thiệu đi làm phụ hồ ngay cho ông Trần Thanh Hải nhưng ông ấy không trả cho cắc bạc nào cả …
    – Cha này tên là Hải Xây Dựng. Bà con H’mông của mình ở xóm chợ Dênh Chơn Lơn cũng than phiền là ông ấy hay mướn người tị nạn làm việc rồi quỵt tiền, hay chỉ trả tượng trưng thôi, vì biết chắc là chả ai dám thưa kiện gì cả.
– Bây giờ em chưa biết tính nàm sao, có người khuyên đi bán kem. Bác nghĩ thế lào?
– Bán kem thì chả cần phải vốn liếng gì vì xe kem của chủ nhưng đẩy xe từ sáng đến tối cũng chỉ được chia khoảng ba bốn trăm baht, nghĩa là chừng mươi mười đô la hay nhỉnh hơn chút xíu thôi.
– Thì em cũng chỉ cần đến thế thôi. Vợ em nó đi nàm ô sin ở Macao đã đủ tiền gửi về nhà để nuôi bố mẹ hai bên, với hai cháu bé rồi.
Nói xong nét mặt của Dương Văn Nam trông thư giãn hẳn. Ông tợp một ngụm bia cực lớn như một cách tự thưởng vì vừa tìm ra được sinh lộ giữa cảnh khốn cùng.
So với chuyện đi mót Nguyễn Thị Hoài Thanh, hay đi xin của Dương Ánh Dương ngày trước thì “viễn tượng” đi bán hàng rong tuy không huy hoàng nhưng (ngó) dễ coi và đàng hoàng hơn thấy rõ. Thế nước (quả) đang lên, dù không nhanh lắm. Tuy chậm nhưng không chóng thì chầy “Việt Nam (sẽ) là một cường quốc về thơ.” Nghĩ cho cùng thì thơ thiêng thật, chỉ e là “không thiêng lắm” thôi!
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân -2015-12-Trách Chi Những Anh Quan Sứ


Trách Chi Những Anh Quan Sứ


Sống và làm việc cách công chính như nhân viên sứ quán các nước khác, nhân viên sứ quán VN chỉ còn cách cắn dép gặm không khí qua ngày.
HƯƠNG VŨ


Từ xứ Thái trở về, blogger Phạm Hồng Phong có mang theo một câu chuyện làm quà. Dù đã cố nén hết mọi “nỗi niềm,” giọng kể của ông vẫn khiến người nghe muốn ứa nước mắt:
“Bay chuyến cuối cùng trong ngày, từ Don Muang về Tân Sơn Nhất.
Gặp một nhóm hơn chục người đi tay không, quần áo nhàu nhĩ áo phông trắng thì thành cháo lòng, áo màu thì cáu bẩn, người đi tông, người đi chân đất, ồn ào, nhốn nháo lên máy bay tìm ghế ngồi. Tất cả đều rất trẻ, tuổi từ 20, đến 31.
Khá ngạc nhiên, hỏi ra mới biết anh em ngư dân Sông Đốc – Cà Mau bị cảnh sát biển Thái Lan bắt khi đang câu mực ở Vịnh Thái Lan, tịch thu thuyền, tài sản, án tù 3 tháng. Gia đình vay tiền chạy chọt, ngồi tù được 55 ngày, hôm nay được thả về.

Cầm vé trên tay nhưng không biết ghế của mình chỗ nào. Mình cùng mấy cô tiếp viên Air Asia hướng dẫn từng chỗ ngồi vì anh em đều lần đầu bị đi bằng máy bay.
Ngồi hỏi chuyện và nghe kể mới biết sự cơ cực từ ngày bị bắt đến khi được tha.
Để được thả, gia đình phải tự tìm cò, qua Thái, liên hệ Đại sứ quán VN ở Bangkok, xuống Songkhla gặp cảnh sát, cai tù…
Rổ giá để được tự do:
– Thuyền viên 12 -20 triệu/người,
– Tài công 80 -120 triệu/người tùy tội nặng nhẹ, tùy hứng của cò và cảnh sát.
Tiền vé máy bay riêng, nghe anh em nói là mỗi người 8 triệu nộp cho đại sứ quán mua và làm thủ tục cho cả nhóm, ngồi xe tù, cảnh sát chở tuột ra sân bay, gọi tên từng thằng phát cho cuống vé. (Giá bình thường mua cận ngày thì tối đa cũng chỉ 150$~ 3 triệu ông cụ). Mình bảo anh em, có thể do tiền cò, lệ phí giấy thông hành ĐSQ cấp và xăng xe tù, xe áp tải của cảnh sát Thái nên mới hết 8 triệu, chứ vé mình mua trước đây 5 ngày có 1800 Bath ~ 1,2 triệu.
Được tự do, anh em ai nấy đều phấn khởi, dù về nhà sẽ phải cày cuốc để trả nợ. Thấy rằng mình còn may mắn hơn rất nhiều người. Anh em kể ở bên đó còn hàng trăm ngư dân VN vẫn đang ngồi tù ở Songkhla, nhiều người không có tiền chạy nên ở tù mấy năm chưa được về. Có ông cụ ở tù lâu, bị đánh đến nỗi mất trí nhớ không biết quê mình ở đâu, gia đình cũng không có ai liên lạc, kể như sẽ ở đó cho đến chết.”
Chuyện kể của Phạm Hồng Phong, tính đến 9 giờ sáng ngày 29 tháng 11 năm 2015, được 4.357 lượt chia sẻ và 333 lời bình phẩm. Xin trích dẫn một vài:
Chuối Cả Vườn ĐSQ ăn cơm ngư dân và cò trên lưng ngư dân ư? Bụng bảo dạ không tin nhưng không thể.
2 · 15 hrs
fb1
Remove
Phuong Nguyen Bọn ĐSQ VN ở các nước chúng nó cũng là cò chứ là gì! Làm gì cho dân cũng phải tiền, người gốc Việt cũng tiền. Chỉ có dân bản xứ là chưa dám thôi. Thật chứ, dân VN ra nước ngoài muốn đc bảo vệ vẫn phải có tiền. Không ai can thiệp cho. Các nước khác thì họ biết tiền họ xài là do dân trả nên bảo vệ dân là trách nhiệm của họ nên họ làm hết sức mình.
16 · 14 hrs
Remove
fb2
Remove
Phạm Chánh Nghĩa Đ’ biết có cái Đại Sứ Quán nào trên thế giới tuyệt vời như cái ĐSQ Việt Nam! Này không nhỉ . Má nó , kinh khủng thiệt .
fb3
Remove
Nhà Trọ Hà Hằng Ngư dân đi biển bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải mà để người ta khổ thế à mấy anh lãnh đạo?
ĐSQ không giúp gì ư mà lại ăn Tiền vé đến 8 triệu của người ta.
9 · 15 hrs
fb4
Remove
Nguyễn Trần Hoàn Đại sứ quán là nơi ăn bẩn đó bạn ơi, ở Hàn quốc còn khủng hơn nhiều, giá đổi một cái hộ chiếu khi hết hạn không dưới 300usd, nếu bị mất hộ chiếu thì càng khốn nạn hơn nữa.
Câu chuyện làm quà của Phạm Hồng Phong, cùng những lời bình dẫn thượng, khiến tôi nhớ đến bài viết (“Tình Đồng Hương Của Dũng Việt Nam”) trên Tuổi Trẻ Online của phóng viên Đình Dân:
“Ở Philippines ngư dân ta đi biển gặp nạn được Dũng giúp đỡ rất nhiều’, ‘Không chỉ những người Việt đi biển gặp nạn ở Philippines biết tới Dũng, mà thậm chí nhiều thân nhân của họ đang sống ở quê cũng lưu trong điện thoại cầm tay cái tên Dũng Việt Nam’… Đó là những thông tin mà tôi nghe được từ nhiều người dân ở đảo Phú Quý. Và tôi đã có cơ hội gặp gỡ ‘Dũng Việt Nam’ nhân chuyến đi Philippines viết về vụ 122 ngư dân bị giam giữ tại đây…”
“Chiều 23-8, trời Palawan vẫn mưa suốt. Sáng mai là ngày diễn ra phiên tòa xét xử 122 ngư dân nên chiều hôm đó những người từ Việt Nam qua ai cũng bận rộn lo giấy tờ, thủ tục chuẩn bị hầu tòa. Anh Dũng cũng cuống cuồng vừa chạy xe vừa điện thoại liên tục để hẹn các luật sư ở Philippines nhằm thiết kế các buổi gặp gỡ với các luật sư từ Việt Nam qua. Vừa gặp luật sư xong, anh Dũng lại cùng anh Thoại – chủ DNTN Long Hải Long – vào nhà tù để mang thuốc tây và một ít tiền bà con ở đảo Phú Quý gửi cho người nhà của họ trong trại giam. Mưa to ướt hết áo, anh Dũng phải mượn áo một thuyền trưởng mặc vào để chạy tiếp. Thay vội chiếc áo vừa mượn, anh lại quay ngoắt chiếc xe ba bánh ra khỏi cổng nhà tù rồi nói vội: ‘Tôi chạy ra tòa xin cái giấy cho anh em xuống tàu lấy gạo và quần áo’.
“Ngày diễn ra phiên điều trần, từ sáng sớm anh Dũng đã ngồi trong chiếc xe ba bánh chờ dưới đường. Anh bảo chờ đi cùng 115 ngư dân từ nhà tù ra tòa án. Nhìn những ánh mắt âu lo qua song sắt của chiếc xe màu vàng bóp chặt khóa, anh Dũng ngậm ngùi: ‘Đồng hương mình cả. Mà toàn là ngư dân chân chất. Vợ con họ ở nhà mà thấy hình ảnh này chắc không cầm lòng được…’.
“Nhiều lần ngồi tâm sự, xen trong câu chuyện của những tháng ngày bị bắt trên đất Philippines, các thuyền trưởng luôn kể về anh Dũng với vẻ hàm ơn. Ông Trần Hút, người lớn tuổi nhất trong bảy thuyền trưởng, kể: “Những ngày đầu bị bắt lên đây, chúng tôi vừa hoảng hốt vì không biết vì sao mình lại bị bắt, vừa lo lắng vì không người thân thích, không biết đường sá, cũng không biết hải quân Philippines nói gì. Chúng tôi cứ như người câm điếc, may mà có Dũng..”
“Một số ngư dân ở Quảng Ngãi và Bình Thuận kể rằng từ năm 2004 đến nay, anh Dũng đã giúp đỡ khoảng 30 nhóm ngư dân Việt Nam bị mắc nạn và trôi dạt vào vùng biển của nước bạn. Anh nói anh giúp các nhóm ngư dân những việc như phiên dịch, làm cầu nối giữa những ngư dân bị nạn và chính quyền địa phương, giúp ngư dân từ việc làm giấy tờ cho đến đi chợ, mua card điện thoại… “
“Anh Dũng nói có một câu chuyện mà anh sẽ chẳng bao giờ quên. Đó là vào đầu tháng 8 vừa rồi. ‘Hôm đó đã 22g đêm. Trời mưa to gió lớn. Tôi đang cho mấy đứa con đi ngủ thì nhận được điện thoại từ Việt Nam. Người đầu dây là anh Sơn – một chủ ghe ở tỉnh Quảng Ngãi: Dũng ơi, làm ơn cứu nạn cứu khổ giùm. 12 ngư dân của tôi đang đánh bắt ở vùng biển nước mình thì bị bão đánh chìm ghe. Họ điện về nói đã trôi dạt mấy ngày nay theo hướng nam về vùng biển Philippines. Họ đang cố đu bám vào thuyền thúng trôi dạt giữa biển. Anh nhờ người ở đó cứu giùm, không để đến sáng mai lạnh quá họ chết hết”.
“Ngay trong đêm, bằng tất cả mọi mối quen biết, anh Dũng xác định lại chính xác tọa độ nơi 12 ngư dân bị nạn rồi lập tức cầu cứu hải quân Philippines…”
anh Dung 2
Anh Dũng trong cuộc làm việc với luật sư Philippines
– Ảnh: Đình Dân
Ủa, cái ông Dũng này là ai mà sao rảnh rỗi và “bao la” dữ vậy cà? Xin hãy nán đọc thêm một đoạn ngắn nữa, về người đàn ông Việt Nam vô cùng nhân ái và tháo vát này:
“Một lần khi anh Dũng đang mải miết phiên dịch cho các ngư dân ở tòa án đến nỗi quên đi đón vợ, thế là vợ anh tự thuê xe chở cả bao dép bán dở đến tòa án tỉnh để tìm. Lúc này tôi mới biết người đàn ông thông thạo ba thứ tiếng Việt, Anh, Philippines này là một người bán giày dép trên hè phố…”
anh Dung 3
Anh Dũng (thứ hai từ trái) làm phiên dịch trong buổi khám sức khỏe cho ngư dân
– Ảnh: Đình dân
Coi: một người dân Việt lam lũ, vợ dại con thơ, đang lưu lạc nơi đất lạ xứ người mà chăm lo cho những đồng hương của mình từ A tới Z (cung cấp toạ độ nơi ngư dân bị bão đánh chìm thuyền cho hải quân Phi, tham vấn với luật sư bản sứ, làm cầu nối giữa những ngư dân bị nạn và chính quyền địa phương, vào tù thăm non tiếp tế cho đồng bào đang bị giam dữ, rồi cùng đi với họ ra toà …) như vậy thì các Toà Tổng Lãnh Sự và Đại Sứ Quán VN làm gì ?
Chỉ làm… tiền thôi!
Chớ họ còn có lựa chọn nào khác nữa đâu.  “Sống và làm việc cách công chính như nhân viên sứ quán các nước khác, nhân viên sứ quán VN chỉ còn cách cắn dép gặm không khí qua ngày.”
Bởi vậy, đừng ngạc nhiên (và cũng đừng buồn) khi thấy trên trang mạng xã hộ dân sự (Tôi & Sứ Quán) có những dòng chữ rầu rĩ thế này đây:
– Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco xin lỗi và hoàn trả tiền lạm thu sau khi một thành viên Tôi và Sứ quán khiếu nại suốt 5 tháng.
– Thành viên Tôi và Sứ quán phản ánh lạm thu ở Đại sứ quán Việt Nam tại Ottawa, Canada tới các đại biểu quốc hội sau khi không nhận được phản hồi từ Bộ Ngoại giao Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền.
– Thành viên Tôi và Sứ quán phản ánh tình trạng lạm thu ở Đại sứ quán Việt Nam tại Paris tới Bộ Ngoại giao Việt Nam.
– Sứ quán VN ở Bỉ “chưa sẵn sàng đối thoại.”
Do Xuan Cang 4
Ông Đỗ Xuân Cang trước cửa Lãnh Sự Quán Việt Nam, tại thủ đô Praha, Tiệp Khắc.
Nguồn ảnh: ĐCV.
Ngay tại Việt Nam mà qúi vị lãnh đạo có ai thiết tha gì đến chuyện bảo vệ ngư dân, ngư trường, biển đảo, môi trường, và sức khoẻ của người dân đâu (tất cả chỉ chăm lo vơ vét thôi) thì trách chi những anh quan sứ.
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors