Bức tranh kinh tế ảm đạm thể hiện qua những con số biết nói. Năm 2010 con số doanh nghiệp (DN) ngừng hoạt động, phá sản là 43.000; Năm 2011 là 53.000; Năm 2012 lên trên 54.000; Ngay trong những tháng đầu năm 2013, mỗi tháng có 4.900-5.000 tiếp tục ngừng hoạt động hoặc phá sản. Ngay cả những DN còn thoi thóp cũng đang ở vào tình trạng “sống không bằng chết”. 69% báo lỗ trong năm 2012, với số lỗ lên tới hơn 50 ngàn tỷ đồng. Không ngẫu nhiên, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, TS Trần Hoàng Ngân trong phiên khai mạc QH ngày hôm qua, đã dùng từ “dịch phá sản” khi nói về “lực lượng tạo ra của cải vật chất và việc làm của xã hội”
.
DN cần phải được cứu khẩn cấp bởi có cứu được DN mới mong chặn đứng được suy giảm kinh tế, giải quyết được công ăn việc làm, an sinh xã hội. Và xa hơn, mới chặn đứng được sự hoang mang có tính chất dây chuyền đang nằm trong những bản báo cáo với mấy chữ nghe qua
tưởng chuyện nhỏ “suy giảm lòng tin”.
Nhưng nền kinh tế không phải chỉ có các DN cần cứu. Bản thân nông nghiệp, từ nhiều thập kỷ nay luôn được coi là “cứu cánh” của nền kinh tế cũng đang cần được cứu hơn bao giờ hết.
Bản thân báo cáo thẩm tra cũng xác nhận tình trạng giá gạo xuất khẩu đang giảm ở mức “hai con số”: 10,9%. Bản thân chính sách mua tạm trữ lúa, gạo còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nông dân vì số lượng người được hưởng lợi trực tiếp còn ít, việc triển khai mua tạm trữ còn chậm, thời hạn thực hiện ngắn trong khi thời gian thu hoạch cao điểm ở các tỉnh chênh lệch nhau. Và tồn tại lù lù trong các báo cáo là đội ngũ ”thương lái” như những tên cướp đường, thủ phạm trực tiếp gây ra tình trạng ”ép giá vẫn xảy ra phổ biến”.
Những tác giả của “cứu cánh”, người nông dân đang rơi vào lỗ kép. Vị quan chức Quốc hội phân tích: Lỗ kép ở đây là giá nông sản (lương thực, chăn nuôi) đang giảm, dẫn đến nguồn thu của nông dân giảm nhưng các khoản chi khác lại tăng như cho thức ăn giá súc, phân bón, vật tư nông nghiệp.. chưa kể giá các dịch vụ y tế, giáo dục từ lâu đối với nông dân đã trở thành những gánh nặng đến mức có người đã quẫn bách khi không tìm thấy lối thoát. Lỗ kép là trong khi tất cả các mặt hàng hầu hết đều tăng chỉ có lương thực, sản phẩm chăn nuôi là giảm. “Chính từ việc lương thực giảm giá đã dẫn đến lạm phát thấp vì chỉ số giá lương thực chiếm tỷ trọng lớn trong rổ hàng hóa. Chứ không phải là do giải pháp kiềm chế lạm phát hữu hiệu”- TS Ngân nói.
Nông nghiệp là ngành duy nhất luôn xuất siêu với những đồng ngoại tệ cứu cánh thấm đẫm mồ hôi nông dân. 67% dân số đang sống ở nông thôn, làm nông nghiệp. Câu kết sau đây là lời Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân “Vì thế cứu doanh nghiệp phải song hành với cứu nông dân, nông nghiệp”. Bởi bất nông nghiệp bất ổn thì nền kinh tế không còn cứu cánh. Bởi “Bất ổn ở nông thôn là bất ổn xã hội, bất ổn chính trị”.