Chuyện Anh Bốn Thôi & Chị Phạm Thị Lành
Việt Nam dứt khoát không để vỡ nợ.
Tôi đọc đi, đọc lại tập tuỳ bút mỏng (
Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất) của nhà văn Nguyễn Khải vài ba lần. Lý do, một phần, có lẽ vì ông viết hơi cô đọng và (phần khác) vì ông có quan tâm ít nhiều đến tình cảnh của đám thường dân vô danh và bé nhỏ – cỡ tôi:
“Người dân ở đâu cũng thế, đều muốn có một cuộc sống bình yên, được tính việc cá nhân và gia đình trong một khoảng thời gian dài, một trăm năm chẳng hạn, không có những thay đổi lớn trong lối sống, trong công ăn việc làm, trong các giá trị, đặt biệt là giá trị của đồng tiền. Chứ cứ phải sống mãi từ năm này qua năm khác trong các phong trào cách mạng, lúc chống tả lúc chống hữu, những hội nghị toàn quốc và địa phương nối nhau không dứt, những hô hào la hét từ trong nhà ra ngoài đường như một lũ hoá rồ, các quan hệ xã hội và các giá trị thay đổi soành soạch thì còn biết đằng nào mà sống…”
Những dòng chữ thượng dẫn, thốt nhiên, lại khiến tôi nhớ đến anh Bốn Thôi trong một tập tuỳ bút khác (
Lại Thư Nhà) của nhà văn Võ Phiến:
Anh Bốn Thôi mồ côi cha mẹ, từ nhỏ sống với chú thím. Chú thím anh ta không có con, nên thương mến cháu. Anh chịu chăm chỉ tập làm công việc, nhưng tính thực thà ít lời...
Anh chỉ có niềm tin ở cái quây quần ấm áp của một nhóm vợ con. Trong đời anh đã trầy lên trật xuống, nhục nhã nhiều phen vì vợ con, rốt cuộc là để gầy ra cái tập thể nhỏ bé, trong đó anh cảm thấy yên tâm, không cần biết đến cuộc sống mênh mông. Trong đó anh cũng cảm thấy đầy đủ; dù sống dù chết, anh không muốn rời xa nó...
Thế mà rồi mãi anh ta vẫn không được yên. Lớn lên, gần như hồi nào anh cũng phải cầm vũ khí trong tay: anh né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ… Và anh cũng lại đánh trả nữa. Và nét mặt anh thì lúc nào tuồng như cũng rầu rầu, nguội lạnh như của một người ngoại cuộc.
Vậy mà những hoạt động của anh đã làm ra tình hình của xứ sở. Ở Hoa-thịnh-đốn, ở Mạc-tư-khoa, ở Bắc Kinh, Tân Đề-li, Vọng-các, Ba-lê v.v… ở khắp các nơi trên thế giới người ta theo dõi anh, bàn tán về anh. Người ta đem anh ra so sánh với người dân Đức ở Bá-linh, người dân Lào ở Vạn Tượng…, người ta dòm ngó, dò xét cử chỉ của anh, cân nhắc, đánh giá sự can đảm của anh, tài nghệ của anh. Xung quanh hành động anh chắc chắn có những cuộc mặc cả, những trù hoạch bố trí, những mưu mô âm thầm giữa nước này nước nọ. Và cũng có cả những lời hô hào, cổ võ, những tuyên bố lớn tiếng về nhiều vấn đề quan trọng, lý tưởng cao đẹp.
Nhân loại có biết bao kẻ đã ước ao, khao khát được trở thành dân Việt cơ mà? Chỉ hiềm rằng trong số những người này không ai biết được rằng cuộc sống của Bốn Thôi hoàn toàn và tuyệt đối không có gì vui – theo như nhận xét của nhà văn
Nguyễn Mộng Giác:
“Đấy, cuộc đời của Bốn Thôi, nhân vật tiêu biểu nhất của Võ Phiến. Người nông dân cục mịch có nét mặt buồn hiu lạnh lẽo, thiếu hẳn sự vồ vập mãnh liệt nhưng trong lòng, chất chứa không biết bao nhiêu khát vọng tội nghiệp. Người nông dân ấy không có cái bề ngoài coi được. Anh xấu trai, nghèo nàn, chậm chạp, vụng về. Thú vui độc nhất cho cả một kiếp đời dài là trưa trưa, tìm một chỗ dừng chân thật tịch mịch, nghếch mũi lên không mơ màng mằn mò nhổ từng sợi lông mũi … ‘Tiểu thế giới’ của Bốn Thôi, sao mà buồn quá đỗi!”
Nguyễn Khải, Nguyễn Mộng Giác đều đã đi vào cõi vĩnh hằng. Võ Phiến thì chả cần bận tâm gì đến những chuyện phù thế nữa. Còn lớp người Việt kế tiếp nông dân Bốn Thôi thì sống cũng không khác xưa là mấy. Tuy không còn phải “né viên đạn của bên này, tránh viên đạn của bên kia, đỡ ngọn roi của bên nọ” như trong thời chiến nhưng cuộc sống của họ (xem ra) cũng không được an lành hay yên ổn gì cho cho lắm – nếu chưa muốn nói là vất vả, bầm dập, te tua, và tơi tả.
Chị Phạm Thị Lành có thể được coi như lớp con cháu của Bốn Thôi thời hậu chiến – theo như tường thuật của báo
Dân Việt, số ra ngày 29 tháng 12 năm 2011:
Vợ chồng chị Lành trước đây sống cùng mẹ ruột là bà Phạm Thị Thèm trong một căn nhà cũ nát rộng chỉ 27m2, dựng nhờ trên đất của một người thân ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp.
Hai người anh trai của chị Lành, một người bị tâm thần, một chết sớm trong khi các chị dâu lại bỏ đi, để lại đến 6 đứa bé côi cút cho bà Thèm và chị Lành nuôi dưỡng. Do bà Thèm đau ốm liên miên lại không có đất sản xuất nên vợ chồng chị Lành đang tính tới phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức hành nghề bán vé số...
Không có đất sản xuất, đã đành. Vợ chồng chị Lành – tất nhiên – cũng không có học vấn, nghề nghiệp hay vốn liếng gì ráo trọi. Họ cũng trơ trụi y như Bốn Thôi ngày trước, dù đất nước không còn có nhu cầu phải đánh thắng một đế quốc to nào nữa. Bởi vậy, hai người mới phải “tính tới phương án đưa đại gia đình lên Bến Lức hành nghề bán vé số” thay vì cầm cố chạy chọt để có được những cách mưu sinh “quí phái” hơn: lao động xuất khẩu hoặc làm ô sin ở Đài Loan hay đâu đó.
Tuy nhiên, trong cái rủi của chị Phạm Thị Lành lại có cái may – vẫn theo tường thuật của phóng viên
Hữu Danh, báo Dân Việt:
Dư luận Long An đang xôn xao với thông tin một người bán vé số nghèo đưa cho khách 10 tờ vé số trúng thưởng 6,6 tỷ đồng để nhận lại 200 ngàn đồng tiền xổ số, dù khách chỉ “mua thiếu qua điện thoại.
Khoảng 16 giờ ngày 15.11, còn hơn 20 vé bị ế nên chị gọi điện thoại cho mối quen là anh Đỗ Ngọc Tuấn, 41 tuổi, ngụ khu phố 2, đường Bà Chánh Thâu, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức – hành nghề chạy xe ba gác – nài nỉ mua dùm. Anh Tuấn đồng ý mua 20 tờ, gồm ba số khác nhau. Gọi là “mua” nhưng chỉ là nói qua điện thoại, anh Tuấn cũng chưa trả tiền.
Chiều cùng ngày, lốc vé 10 tờ của công ty XSKT tỉnh Bến Tre mang dãy số đuôi X91207 trúng đặc biệt 4 tờ, trúng an ủi 6 tờ. Nhiều đồng nghiệp bán vé số bảo người mua chưa trả tiền, coi như chưa mua và nói chị Lành toàn quyền định đoạt “số phận” 10 tờ vé số với trúng thưởng với giá trị lên đến gần 7 tỷ đồng này.
Tuy nhiên, chị Lành gạt phăng và cho rằng anh Tuấn là một trong những khách hàng thường xuyên mua vé số ủng hộ chị. Rất nhiều lần anh mua qua điện thoại và dù không trúng lần nào nhưng anh vẫn trả tiền sòng phẳng. Do đó, không thể vì tiền mà chị đánh mất chữ tín.
Ngay lập tức, chị bấm điện thoại gọi anh Tuấn đến quán cà phê để bàn giao số trúng. Cảm kích trước lòng tốt của người bán vé số, anh Tuấn đã tặng 1 tờ trúng giải đặc biệt cho người bán vé số nghèo.
Hôm đó tôi để dành cho mình một tờ, lại được tặng thêm một tờ nên đổi thưởng được gần 3 tỷ đồng. Số tiền này, vợ chồng tôi đem về quê cất nhà mới cho mẹ, số còn lại gửi ngân hàng lấy lãi nuôi các cháu...
Định mệnh, rõ ràng, đã mỉm cười với gia đình Phạm Thị Lành. Cũng như bao nhiêu người khác, tôi đã âm thầm chia vui cùng chị và niềm vui này âm ỉ mãi cho đến sáng nay – trước khi đọc qua nghiên khảo của Hurun Consulting Group tại Thượng Hải, do tiến sĩ
Alan Phan sưu tập và phổ biến trên trang nhà của ông – vào hôm 21 tháng 8 vừa qua:
“có 64% nhà giàu tại Trung Quốc đã và đang lên kế hoạch để xin di cư ra nước ngoài. Nhà giàu được định nghĩa là có tài sản hơn 12 triệu RMB (hay khoảng 1.8 triệu USD). Điểm đến mong ước? Mỹ (52%), Canada (21%), Úc (9%) và châu Âu (7%). Hai phần ba số người trên sẵn sàng bỏ quốc tịch Trung Quốc.
Trong 5 năm vừa qua, nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ 18 tỷ USD vào địa ốc Mỹ và 8 tỷ chỉ trong 2013. Theo Wealth Insight qua tin của CNBC, người Trung Quốc hiện đang nắm giữ 685 tỷ USD trị giá tài sản tại nước ngoài (không tính đến những đầu tư chính thức của công ty quốc doanh hay tư doanh của Trung Quốc có giấy phép).
Alan Phan cũng ghi lại đôi lời tâm tình của một người bạn đang ở “đỉnh cao” của giới thượng lưu ở Trung Hoa, khi Shangai đang vào lúc hôn hoàng:
“Tôi không biết là kinh tế Trung Quốc đến lúc nào thì vỡ trận? Nhanh hay chậm, nhưng chắc nó sẽ đến. Có quá nhiều bất cập và scandals đang được dấu kín bởi nhiều phe quyền lực mà sẽ được phơi bày trong các cuộc tranh chấp. Dù mang tiếng là tỷ phú, nhưng tôi biết mình chỉ là con tốt thí, cá nằm trên thớt, và tai họa luôn đe dọa.”
…..
“Tôi đã cho gia đình qua Mỹ định cư rồi. Chỉ còn một thân một mình và chỉ cần 30 phút thông báo là tôi biến khỏi Shanghai. Chúng tôi bỏ đi nhưng vẫn yêu xứ sở này vô cùng. Không khí, thực phẩm nhiễm độc, người dân ngu xuẩn và vô văn hóa, quan chức tham lam và ăn cướp… nhưng đó chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện quan trọng là với những người giàu có, quyền thế như chúng tôi mà còn cảm thấy bất an thường trực… thì người dân nghèo túng ngoài kia sẽ thấy thế nào. Một ngày gần đây, sức ép sẽ làm vỡ tung nắp đậy… và như anh hay nói… God help.”
Thượng Hải và Bến Lức cách nhau xa lắm. Tài sản và địa vị của ông tỉ phú Shangai so với chị Phạm Thị Lành cũng vậy. Dù vậy, họ có cùng chung một môi trường sống bất minh và bất an cùng “với tai hoạ luôn luôn đe doạ” như nhau – theo như ghi nhận của tác giả Nguyễn Thiện Nhân, trên diễn đàn
Việt Nam Thời Báo:
“Báo cáo Kiểm toán Nhà nước vừa “bêu’ tên những doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lỗ khủng tới mức báo động đỏ, và danh sách các công ty kinh doanh tới mức âm vốn chủ sở hữu. 5/50 công ty do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đầu tư thua lỗ 3.702 tỷ đồng, 11/31 công ty do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đầu tư thua lỗ 6.342 tỷ đồng, 7/24 công ty do Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đầu tư lỗ lũy kế 339,6 tỷ đồng; 6/57 công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) lỗ 118,3 tỷ đồng…
Dự án boxite Tây Nguyên (Nhân Cơ và Tân Rai) vẫn tiếp tục lỗ lã, dự kiến năm 2014 sẽ lỗ trên 500 tỷ đồng và còn tiếp tục lỗ tương đương trong 2015.
Kinh tế ảm đạm, thất nghiệp gia tăng, vật giá leo thang, thâm hụt ngân sách, nguy cơ vỡ nợ ngân sách… là bức tranh kinh tế từ đây đến hết 2015 và có khả năng làm đổ vỡ nền kinh tế trước thềm Đại hội XII của Đảng.”
Khi “kinh tế Trung Quốc đến lúc nào thì vỡ trận” thì “chỉ cần 30 phút thông báo” là ông bạn của tiến sĩ Alan Phan sẽ biến khỏi Shangai, sau khi đã chuyển hết tiền ra nhà băng ở nước ngoài còn chị Phạm Thị Lành thì không thể làm như vậy. Chị không thể rời Bến Lức, và e rồi cũng sẽ mất trắng số tiền nhỏ nhoi đã mang “gửi ngân hàng lấy lãi nuôi các cháu!”
Tôi chỉ còn biết cầu mong rằng thời gian qua “các cháu” đã tạm đủ lớn để cũng có thể bán vé số tự nuôi thân thôi. Chứ ở Việt Nam, hiện nay, đám thường dân như chúng tôi còn biết mưu sinh bằng cách nào khác nữa?
Tưởng Năng Tiến