BẮC KINH (AP) - Trong vụ thực phẩm có độc chất mới nhất đang làm dân chúng Trung Quốc lo sợ, giới chức tại một thành phố ở vùng Ðông Bắc quốc gia này tìm thấy giá sống bị nhiễm hóa chất bị cấm dùng trong thực phẩm, được sử dụng để giá lớn nhanh hơn và trông tươi tốt hơn, theo nguồn tin truyền thông nhà nước hôm Thứ Tư.
Một nguồn tin cho hay công an ở Shenyang tịch thu 40 tấn giá sống có chất sodium nitrite và urea, cũng như thuốc trụ sinh và hormone loại 6-benzyladenine. Công an bắt giữ 12 người tại sáu trung tâm phân phối và các nơi khác quanh thành phố trong ba ngày tuần qua.
Số lượng giá tịch thu chiếm khoảng 1/3 giá bán trong các chợ ở thành phố.
Sodium nitrite làm vi khuẩn không phát triển trong thực phẩm nhưng gây hại cho người và đưa đến ung thư. 6-benzyladenine cũng bị cấm dùng trong thực phẩm.
Trung Quốc gặp phải nhiều vụ tai tiếng về an toàn thực phẩm những năm gần đây, từ thủy sản có chức thuốc trụ sinh cho tới sữa bột trẻ em có chứa hóa chất melamine.
Trung Quốc thay đổi hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm sau khi xảy ra vụ tai tiếng sữa bột trẻ em năm 2008 khiến sáu trẻ em thiệt mạng và khoảng 300,000 trẻ em khác bị bệnh. Nhưng các vụ thực phẩm nhiễm chất độc vẫn tiếp tục xảy ra, kể cả vụ tìm thấy thêm sữa có pha melamine hồi năm ngoái.
Nguồn tin trên cho hay tình trạng giá nhiễm chất độc xảy ra từ nhiều năm nay ở Shenyang và báo chí từng điều tra cách đây ba năm, nhưng nhà hữu trách không có biện pháp ngăn chặn. (V.Giang) Những sản phẩm kinh dị "made in...Trung Quốc"
SGTT.VN - Chỉ trong hai tháng 3 và 4.2011, Trung Quốc đã liên tiếp phát hiện thêm một loạt các loại thực phẩm nhiễm độc trên thị trường, từ phụ gia biến thịt heo thành thịt bò, giá đỗ lớn nhanh hơn đến bánh bao “tươi mới”. Câu chuyện về thực phẩm bẩn của nước này dường như vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống, bất chấp nỗ lực của các cơ quan chức năng.
Danh sách thực phẩm bẩn thêm dài
Từ lâu, người dân Trung Quốc đã phải dùng những thực phẩm “kinh dị” mà mãi đến khi các cơ quan chức năng phát hiện thì họ mới biết như đậu phụ giả, nấm tẩy trắng, dầu ăn tái chế, rượu vang bẩn, sữa nhiễm melamin. Và danh sách đang được …kéo dài thêm.
Giữa tháng 3 vừa qua, nhà chế biến thịt lớn nhất Trung Quốc là Shaunghui Group đã bị phát hiện liên quan đến việc sử dụng chất phụ gia clenbuterol trong thịt lợn. Chất này được dùng để đốt cháy mỡ và giúp thịt nạc hơn, nhưng gây độc hại cho con người. Nếu nhiễm chất này, mọi người sẽ bị buồn nôn, hoa mắt, đau đầu và tim đập nhanh. Hiện cảnh sát tỉnh Hồ Nam đã tịch thu 18 tấn thịt và bắt 95 người có liên quan. Chủ tịch Shaunghui Group là Wan Long đã lên tiếng xin lỗi công chúng về vụ việc này.
Đầu tháng 4, người dân Trung Quốc lại chứng kiến thêm nạn nhân của nạn sữa bẩn. Ba trẻ em ở tây bắc Trung Quốc thiệt mạng vì bị nghi nhiễm độc do uống sữa của hai cơ sở sản xuất tại địa phương. Điều tra ban đầu cho thấy các nạn nhân bị nhiễm độc bởi nitri, chất hóa học dùng để ướp thịt. Còn 35 trẻ khác, hầu hết dưới 14 tuổi bị ốm sau khi uống sữa bị nhiễm hóa chất. Bọn trẻ đã được đưa tới viện ở thành phố Bình Lương, tỉnh Cam Túc. Hai nông trang bị đóng cửa và các nhà quản lý bị điều tra.
Đến ngày 13.4, chính quyền thành phố Thượng Hải đã công bố việc công ty Thực phẩm Shenglu sản xuất bánh bao có nhân, sử dụng chất phụ gia để khiến chúng tươi ngon hơn. Sản phẩm đã được bán rộng rãi khắp thành phố, gồm cả các siêu thị lớn.
Mặc dù một số siêu thị công bố đã loại bỏ bánh bao khỏi quầy hàng của mình nhưng nhiều người tiêu dùng vẫn lo ngại về an toàn thực phẩm. Bánh bao nhỏ là bữa sáng phổ biến cho một số người. Cô Cao, một người dân Thượng Hải nói, “Tôi không thể tin rằng bánh bao ở siêu thị lại không an toàn. Nơi duy nhất tôi tin tưởng khi đi mua sắm là những siêu thị lớn, nhưng hiện giờ ngay cả ở đó, chất lượng sản phẩm không thể đảm bảo. Tôi thực sự không biết nơi nào để mua hàng nữa”.
Kiểm soát an toàn, vệ sinh thực phẩm khó khăn?
Cơ sở sản xuất của Shenglu đặt ở đường Ganzhong, thành phố Wenzhou, tỉnh Triết Giang, là một nơi cũ kỹ, bẩn thỉu và đồ dùng thô sơ. Hiện 5 nghi phạm đã bị bắt giữ. Đại diện của Shenglu thừa nhận đã sản xuất 334.864 bánh bao nhuộm màu, trị giá hơn 200.000 nhân dân tệ, tương đương 30.600 USD kể từ tháng một năm nay.
Cơ quan chức năng cũng tìm thấy 19 mẻ bánh và chất liệu trong kho, gồm cả chất làm ngọt nhân tạo cao hơn đường thực vật 30 lần. Công nhân của cơ sở sản xuất còn thay nhãn hạn sử dụng bánh bao, kéo dài thêm một tuần, nhận từ những nhà bán lẻ để làm bánh mới.
Wang Longxing, chánh văn phòng của cơ quan liên ngành An toàn thực phẩm đã xin lỗi người dân Thượng Hải và hứa sẽ điều tra kỹ lưỡng, xử lý nghiêm khắc vụ việc. Cơ quan Thương mại và công nghiệp Thượng Hải cũng yêu cầu điều tra.
Đến ngày 18.4, tại tỉnh Liêu Ninh, cảnh sát đã bắt được 40 tấn giá đỗ bị nhiễm urê, enrofloxacin, 6-Benzylaminopurine và sodium nitrite, các chất có thể gây ung thư cho con người. Họ cũng bắt 12 người có liên quan. Các chất phụ gia này giúp thực vật lớn nhanh hơn và trông bóng đẹp hơn. Số lượng giá đỗ bẩn này chiếm đến gần 1/3 số ở các chợ trong thành phố.
Giá đỗ bẩn đã được coi là vấn đề khoảng 3 năm nay ở Trung Quốc nhưng đến giờ các cơ quan chức năng vẫn chưa dập tắt được.
Kinh khủng hơn, đến ngày 19.4 mới đây, các cơ quan chức năng lại thông báo thu giữ 16 tấn thịt lợn bị ướp hóa chất để “biến thành” thịt bò ở tỉnh Quảng Đông. Chủ nhân của số thịt bò giả này là một người đàn ông mang họ Tan. Từ tháng 7.2010, anh ta đã mua thịt lợn với giá 12nhân dân tệ/ kg rồi ngâm với các chất phụ gia bị cấm sử dụng là borax để khiến trông giống thịt bò.
Khi được ướp chất borax natri, bột đậu và các chất phụ gia khác, thịt lợn có màu đậm hơn và bán với giá cao hơn. Mỗi kg thịt có chứa 3.800 milligrams borax. Khi borax được dùng làm chất phụ gia, nó tạo nên sự rắn chắc cho thực phẩm và làm chất bảo quản. Nhưng hóa chất độc hại này có thể gây nên nhiễm độc nghiêm trọng. 15 gram chất borax có thể giết chết một người lớn, trong khi 5 gram sẽ làm chết một đứa trẻ.
Từ tháng 1 đến tháng 7.2010, tại huyện Nanhai, Foshan, Quảng Đông, người đàn ông nói trên đã sản xuất và bán ra thịt lợn bẩn trị giá khoảng 234.000 nhân dân tệ (tương đương 35.900 USD).
Theo các chuyên gia, phần lớn thực phẩm của Trung Quốc được sản xuất ở các nông trang “sân sau” và các nhà sản xuất quy mô nhỏ. Do đó việc kiểm soát đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất khó khăn.
Báo động về “xuống cấp đạo đức”
Trước tình trạng người dân Trung Quốc ngày càng mất niềm tin vào an toàn thực phẩm của chính nước mình, mới đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã nói đến các scandal thực phẩm như là một ví dụ của sự “xuống cấp đạo đức”. Ông cho rằng, các vụ an toàn thực phẩm gần đây đã thể hiện sự xuống cấp đạo đức nghiêm trọng và sự mất liêm chính.
Thủ tướng Trung Quốc nhắc đến vụ bê bối sữa bẩn hồi năm 2008, khiến ít nhất 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và 300.000 trẻ em khắp nước này bị ốm do nhiễm melamine, dầu ăn tái chế từ nước cống, bánh bao và bánh mì được nhuộm màu nhân tạo…
Sự kiếm lợi bất chấp hậu quả của một bộ phận kinh doanh Trung Quốc nằm trong sự xuống cấp đạo đức và thiếu đạo lý. Và chính điều này trong xã hội là một vấn đề nghiêm trọng có thể cản trở sự phát triển của Trung Quốc. “Một đất nước mà chất lượng con người và sức mạnh đạo đức không được cải thiện, sẽ không bao giờ phát triển thành một nước hùng mạnh và đáng được kính trọng”, ông Ôn Gia Bảo nói.
Vì thế Thủ tướng kêu gọi xây dựng lại đạo đức kinh doanh để giúp bảo vệ sản xuất trong nước, cuộc sống của mọi người và các mục tiêu xã hội khác.
Ca Thy (Tổng hợp)