Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 03-2015- Những biến tướng của năm cũ


Những biến tướng của năm cũ
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Năm cũ vừa đi qua, bước sang năm mới, hãy nhìn lại quãng đường vừa đi qua để có thể tiếp tục một chặng đường dài mới với những ngày tháng đáng sống hơn. Ở nước nào cũng có quá nhiều chuyện để nói. Với một quốc gia như Việt Nam, tình hình Biển Đông chưa bao giờ êm ả, với một xã hội ngày rối rắm hệt như dòng xe cộ chen chúc giữa đại lộ lúc nào tai họa cũng có thể xảy đến thì những gì của năm cũ 2014 càng nhiều chuyện đáng nói hơn.
Vụ sập đường hầm tại Lâm Đồng


Có hai việc được người dân đồng tình, đó là việc cứu thoát 12 người thợ bị sập hầm gần như bị chôn sống đã được các “cơ quan chức năng” cứu thoát. Việc thứ hai là truy quét, gom góp các thành phần bất hảo, nghiện ngập, lang thang cướp giật và bọn chăn dắt trẻ ăn xin tại TP Sài Gòn đưa vào cơ sở xã hội . Hy vọng bộ mặt thành phố sẽ sáng sủa hơn. Du khách sẽ không còn hoảng hồn “một đi không trở lại”.


Nghiện ma túy, hai cô gái tên Thào và Thúy cướp dây chuyền bị bắt

Nhưng những chuyện đáng nói nhất lại là thứ chuyện cũ như trái đất, thậm chí cứ nói đến là người ta kêu ầm lên “Biết rồi, khổ lắm nói mãi” như cụ cố Hồng than vãn trong “Số Đỏ” của nhà văn Vũ Trọng Phụng. Tuy vậy, có chán cũng phải nói, bởi trái đất có quay thì mọi thứ đều thay đổi. Khi thì nó “biến tướng” lẫn lộn trắng đen, khi thì nó bất ngờ xuất hiện như vụ giàn giáo đường sắt Cát Linh - Hà Đông bỗng dưng đổ cái ào xuống đầu xe taxi khiến bốn người chết hụt. Chuyện từ trên trời rơi xuống nhưng tất cả lại do chính con người làm ra. Đó là những thứ được kể là tai nạn và người ta thích đổ cho tại đất yếu, tại trời cao chứ không phải tại lương tâm con người tha hóa, chỉ nghĩ đến vơ vét, không biết đến tính mạng của người dân.
Thôi thì hãy cho đó là tai nạn. Nhưng còn những thứ không thể đổ cho ai được, không phải do “địch phá hoại” mà là do chính các quan phá hoại, làm quan càng lớn sự phá hoại càng cao. Đó chính là “kẻ nội thù” nguy hiểm nhất lâu nay vẫn sống hiên ngang trong lòng đất nước.
Thưa bạn, đó là bệnh tham nhũng. Quả thật tôi không muốn nhắc tới đề tài “mòn mỏi” này nữa nhưng nó có nhiều biến tướng cần phải chỉ rõ mới có chút hy vọng le lói chữa thứ bệnh “ngộ độc mãn tính” này được. Con siêu vi đã đã đến độ lờn thuốc, kháng thuốc, phải có thuốc đặc trị. Thuốc nào đây? Xin thưa ngay đó là thứ thuốc có từ trong tâm, trong đạo đức và lối sống của mỗi người.
Tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua có tính chất ổn định
Trong buổi “tọa đàm” cuối năm vào ngày 9 tháng 12 vừa qua Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) có tính chất ổn định.
Quả thật người dân khó lòng hiểu nổi “tham nhũng ổn định” có nghĩa là như thế nào. Có lẽ đó là một lối nói văn hoa, dịu dàng quá xá nên nó hơi... bị khó hiểu. “Ổn định”, có thể hiểu là tham nhũng bớt rồi nên lòng dân ổn định cũng như các bác sĩ trả lời sức khỏe của 12 nạn nhân bị sập hầm được cứu thoát nay đã ổn định.
Có lẽ tại tôi dốt nên đọc báo mãi mới hiểu ra là ngài Tổng thanh tra muốn nói “ba năm nay tham nhũng của VN không tiến cũng không lùi, nó cứ đứng im một chỗ”. Tức là theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014) cho thấy điểm số CPI của Việt Nam trong 3 năm liên tiếp (2012-2014) không thay đổi, tham nhũng trong khu vực công vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia. Nói rõ ra là “vấn đề nghiêm trọng của quốc gia” vẫn đứng sững (như thế gọi là ổn định đấy các cụ ạ). Tôi dốt thật, có thế mà cũng không biết.
Có biến chuyển rõ rệt
Nhưng chiều 29-12, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng họp phiên thứ 6 dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, trưởng ban chỉ đạo.
Thay mặt ban chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh, phó trưởng ban chỉ đạo, trình bày báo cáo tình hình, kết quả công tác phòng chống tham nhũng năm 2014 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015 của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng có những biến chuyển mới và trong 137.984 cuộc thanh tra, kiểm tra, phát hiện 33 vụ tham nhũng, 52 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng. Tình trạng các bị cáo phạm tội tham nhũng được tòa án áp dụng hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cho hưởng án treo trong năm 2014 giảm đáng kể so với năm 2013 và các năm trước (chỉ còn 21.3% so với 31.2% năm 2013). Và ban chỉ đạo có biện pháp chống tham nhũng vặt, chỉ đạo các tỉnh tích cực xem xét các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, chuyển sang cơ quan điều tra, thực hiện tốt hơn nữa cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành.
Như thế là có biến chuyển chứ không phải nó “ổn định”. Những biến chuyển đó có kiểu mới, cũng có kiểu cũ. Như kiểu “hối lộ tình dục” lần đầu tiên xuất hiện, tuy chưa tóm được vụ nào song đã được công nhận có hiện tượng này. Hoặc có đề nghị thêm vào luật tội tham nhũng nhà cửa đất đai.
Có kiểu cũ biến tướng khá nhiều, có thể kể tạm vài kiểu sau đây (theo VietnamNet ngày 27-12-2014).
Biến tướng như thế nào
Nếu như trước đây, nói tới tham nhũng, tới chuyện ăn tiền, ăn hối lộ, người ta thường tập trung vào lĩnh vực kinh tế. Giờ đây, tham nhũng ở bất kể ngành nào.
Nếu trước đây tham nhũng thường chỉ tập trung các dự án trong nước, giờ nó tiếp tục có … quan hệ quốc tế.
Nếu trước đây tham nhũng chỉ thuần túy chuyện tiền bạc, giờ đây, tham nhũng có gương mặt tô son trát phấn với khái niệm “hối lộ tình dục”.
Nếu trước đây tham nhũng có gương mặt của những kẻ dính líu nhiều tới kinh tế, bạc tiền, giờ đây nó xuất đầu lộ diện với gương mặt đầy đặc quyền- đặc lợi, có quyền sinh quyền sát.
Nếu trước đây tham nhũng khiến con người ta nghĩ tới lượng tiền bạc, giờ đây diện mạo tham nhũng khủng và công khai hơn nhiều- đó là đất đai nhà cửa, biệt thự, trang trại...
Nếu trước đây, tham nhũng có thể chỉ là cá nhân, giờ đây, tham nhũng mang tinh thần … tập thể, gọi một cách mỹ miều là “lợi ích nhóm”.
Nếu trước đây, tham nhũng thường tham ở những lĩnh vực lớn, giờ đây tham nhũng có thêm một tính cách bé mọn gọi là “tham nhũng vặt”.
Và cho dù với rất nhiều giải pháp, từ vật chất - kê khai tài sản, tới tinh thần- học tập đạo đức liêm khiết; phê và tự phê, tới những giải pháp mạnh- các đoàn kiểm tra, thanh tra liên tiếp các bộ, ngành, các lĩnh vực, tham nhũng vẫn dửng dưng … ngự trị, được tạc khắc trong lòng những kẻ tham.
Tại cuộc tiếp xúc các cử tri Quận 04, TP Sài Gòn, người đứng đầu đất nước đã phải chua xót và lo ngại: Tham nhũng, về kinh tế thì gây thiệt hại, về chính trị thì làm dân mất lòng tin. Tham nhũng đến nỗi buộc người dân phải thốt ra những lời đau lòng! (NLĐ, ngày 02/12). Còn Bí thư Thành ủy TP Sài Gòn - đã phải gọi thẳng bản chất và hậu quả tàn khốc của tham nhũng là tội ác.
Người đứng đầu đất nước đã “chạm” đến được cái hậu quả tàn khốc nhất mà loại “giặc nội xâm” này để lại, chính là sự mất niềm tin của người dân.
Bạo bệnh tham nhũng trầm trọng đến mức phá hủy cả niềm tin người dân, phá hủy cả nhân cách, phẩm chất của không ít quan chức có chức quyền, phá hủy cả môi trường xã hội cần phát triển lành mạnh.
Chỉ có 1 phần triệu vị kê khai tài sản không trung thực
Con số mà đại diện Thanh tra chính phủ (TTCP) nêu ra trong báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014 tại phiên họp toàn thể lần thứ 14 của UB Tư pháp sáng ngày 15/9 rằng: Trong số gần 01 triệu trường hợp (chính xác là hơn 944. 425 người) đã kê khai tài sản thu nhập, chỉ có 05 người thuộc diện kê khai phải xác minh, và chỉ duy nhất... 01 người bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo do kê khai không trung thực. Tính theo con số phần trăm, số không trung thực chỉ có 1/1,000,000.
Điều này lại rất trái ngược với nhận định của Phó Tổng TTCP Trần Đức Lượng: Tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp, ngày càng tinh vi, khó phát hiện do các đối tượng tham nhũng thường có chức vụ, có trình độ hiểu biết pháp luật, quan hệ rộng, liên kết với nhau thành các nhóm lợi ích (VnExpress, ngày 16/9). Mặt khác, khi bị phát hiện thì trong thực tế, chỉ có 10% tài sản tham nhũng được thu hồi, 90% đã... kịp “di tản”. Đó là nhận xét của đại diện một ngành nội chính.
Bạn đọc nghĩ gì về con số này? Kê khai tài sản bây giờ trở nên quá khó khăn rồi. Cần phải có biện pháp chặt chẽ hơn kể cả từ luật pháp đến việc kiểm tra giám sát. Làm sao kiểm soát được những của cải hối lộ ấy đã chuyển cho ai và chuyển đi đâu. Nhà nước hay đúng hơn nhân dân đành mất trắng.
Nếu cứ kê khai tài sản theo quy định hiện nay xét cho cùng, chỉ mang ý nghĩa kê khai có tính “giấy tờ”, không có ý nghĩa của sự bạch hóa nguồn gốc. Đặt sự kê khai trong bối cảnh này, thì sự kê khai đó liệu có giá trị trung thực? Hay rút cục, cũng chỉ là “bệnh hình thức”. Cần phải có biện pháp mới.
Đó là đôi điều rất quan trọng về những căn bệnh trầm kha của năm cũ. Muốn có thuốc đặc trị chữa thứ bệnh từ trong nội tâm con người cần phải được giáo dục ngay từ thuở ấu thơ, đó là giáo dục học đường. Ở nước nào cũng vậy, giáo dục làm nên bộ mặt xã hội hiện tại và tương lai. Giáo dục thế nào thì con người của đất nước đó như thế. Sự tiến bộ hay sa đọa của xã hội cũng bắt nguồn từ giáo dục. Hãy nhìn qua vài căn bệnh của giáo dục tại VN.
Bạo lực học đường và những vụ tự tử vì tình
Cuộc khảo sát trên 496 học sinh (HS) tại tám trường THCS và THPT ở TP Quy Nhơn (Bình Định) do ThS Đinh Anh Tuấn (ĐH Quy Nhơn) thực hiện gần đây cho biết có 66.3% HS từng bị bạn học nói xấu, đe dọa; 2.2% HS bị bạn dùng hung khí tấn công. Khi chứng kiến bạo lực học đường (BLHĐ), 53.5% HS tỏ ra bàng quan (30,9% HS chọn cách bỏ đi nơi khác, 22.6% HS đứng xem); chỉ 17.8% HS can thiệp nhưng ở mức độ vừa phải. Những số liệu trên được đưa ra tại hội thảo “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn BLHĐ trong trường phổ thông” do Viện Nghiên cứu Giáo dục của ĐH Sư phạm TP. Sài Gòn tổ chức sáng 24-12-2014.
Trong khi đó Bộ Giáo Dục VN vẫn đứng ngoài cuộc tưởng như chẳng có trách nhiệm gì, vậy thì cũng như 53.5% học sinh “mackeno” với bạo lực học đường thôi.
Đã từng có rất nhiều clip, video tung lên mạng với những hình ảnh vô cùng bất nhẫn, khi chứng kiến các bạn trai hay bạn gái xông vào nhau đấm đá túi bụi, chửi bới thóa mạ tục tĩu nhiều em đã hô hào, cổ vũ, quay phim, chụp ảnh như đang xem một thú vui trên hè phố.

Hai toán học sinh xông vào đánh nhau tơi tả, chẳng ai can ngăn
Một số vụ bạo lực học đường gần đây
- Ngày 9-11, một clip nữ sinh đánh nhau được tung lên mạng YouTube gây phẫn nộ trong dư luận. Do ghen tuông, một nữ sinh đã dùng gậy phang vào đầu bạn nữ kia kèm theo những cú đấm đá, giật tóc. Trong clip, rất đông HS đứng theo dõi, chụp ảnh mà không có sự can ngăn nào. Được biết hai nữ sinh này đang học lớp 11 tại Trường Trung học phổ thông (THPT) Bất Bạt (Hà Nội). Nhà trường đã xác minh, yêu cầu hai HS này viết kiểm điểm.
- Sáng 3-11, tại Trường Trung học cơ sở (THCS) Võ Thị Sáu (huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk), em LHĐ và em PCB (HS lớp 9D) xảy ra mâu thuẫn, xô xát. B. rút dao giấu trong cặp đâm Đ. một nhát vào cổ. Khi Đ. bỏ chạy, B. đuổi theo đâm thêm một nhát vào lưng. Đ. được nhà trường đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
- Cuối tháng 10-2014, tại Trường THCS Minh Khai (phường Trường Thi, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa), trong giờ giải lao, hai học sinh lớp 8 là LAT và TQA (cùng 13 tuổi) xảy ra mâu thuẫn. LAT rút dao thủ trong người đâm bạn trọng thương.
- Ngày 1-4-2014, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip cảnh một nữ sinh bị nhóm bạn nữ đánh hội đồng dã man và lột nội y ngay giữa phố. Những nữ sinh này vẫn còn đang khoác trên mình bộ đồng phục. Vụ việc sau đó được xác minh đây là các nữ sinh Trường THPT Bãi Cháy (Quảng Ninh). Nguyên nhân của sự việc trên chỉ vì trêu chọc nhau.
- Chỉ vì nghi ngờ bạn giựt người yêu, ngày 22-12 vừa qua nữ sinh B. đã cùng 4 cô bạn lớp 12, Trường THPT Phan Đình Phùng và Trường THPT Thành Sen - Hà Tĩnh lên “kế hoạch” đánh ghen để “dằn mặt” “tình địch” trong khách sạn. Sự việc kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ. Chỉ tới khi thấy T. không còn sức kháng cự, máu ra nhiều, nhóm nữ sinh mới dừng tay. Nữ sinh T. đã phải vào bệnh viện trong tình trạng đa chấn thương.
Chỉ cần nhìn qua những vụ “uýnh lộn” này, bạn đã thất nạn bạo lực ở các trường học tại VN như thế nào rồi.
Giáo dục đạo đức bị bỏ ngỏ
Bà Lê Thị Thảo (Trưởng phòng Công tác HSSV của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Lắk) bày tỏ sự đau lòng khi dẫn chứng hai vụ bạo lực trong HS dẫn đến hai em tử vong xảy ra trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Đáng chú ý có một HS mới học lớp 6 tử vong khi đánh nhau với một HS lớp 5. Việc trẻ hóa và mức độ nguy hiểm của tình trạng bạo lực khiến ngành giáo dục tỉnh này không khỏi bất bình khi chưa có giải pháp cụ thể.
Cũng theo bà Thảo, phía Bộ Giáo dục Đào tạo (GD&ĐT) cũng chưa thật sự coi trọng giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh sinh viên (HSSV). Bộ liên tục tổ chức rất nhiều hội nghị, hội thảo nhưng đều bàn về chuyên môn như thi cử, phương pháp giảng dạy... còn giáo dục đạo đức lại bỏ ngỏ.
Cùng chung nhận định này, ông Phạm Hữu Khương (Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận) cũng cho rằng hành vi bạo lực của HS ngoài nhà trường ngày càng nhiều là hệ quả từ giáo dục mà ra. Dường như giáo dục đạo đức trong trường đang bị hỏng ở đâu đó, nội dung ít, thời lượng hạn hẹp. “Cái mà HS phải đạt được khi còn ngồi trên ghế nhà trường không phải là văn hóa mà là đạo đức làm người nên phải đầu tư dạy người hơn”.
Giáo dục đạo đức cho HS-SV là vấn đề xã hội rất quan tâm. Bởi theo ý kiến của nhiều người, đạo đức HS-SV hiện đã và đang xuống cấp với mức độ đáng báo động.
Thế nên từ Hội thảo về chủ đề “Giáo dục đạo đức cho HS-SV”, chúng ta nên quyết liệt thay đổi cách dạy và đánh giá những môn học liên quan đến đạo đức. Bởi, như Einstein: “Giáo dục nhồi nhét tất yếu sẽ dẫn tới sự nông cạn và thiếu văn hóa”.
Liên tục tự tử vì tình
Hai tháng qua có hơn chục vụ tự tử vì tình của các bạn trẻ. Nhiều thanh niên tìm tới cái chết mặc cho người yêu đứng trước mặt hết lời van xin. Chỉ trong 20 ngày - 3 vụ tự tử trước mặt người yêu.
“Nhảy cầu tự tử”, “tự tử trước mặt người yêu”… là cụm từ không còn lạ trong thời gian gần đây. Như hôm 10/11 vừa qua, sau cuộc nói chuyện ngắn với bạn gái trên cầu Sài Gòn 2 (TP. Sài Gòn), nam sinh viên bất ngờ trèo qua lan can rồi nhảy xuống sông tự tử. Nạn nhân được xác định là là một thanh niên 23 tuổi (quê Quảng Nam), sinh viên năm 3 một trường ĐH ở TP. Sài Gòn.
Cũng chưa đầy nửa tháng sau, 26/11, sau khi nói chuyện với bạn gái trên cầu Hóa An (TP. Biên Hòa, Đồng Nai), nam sinh 17 tuổi đã leo lên lan can nhảy xuống sông Đồng Nai. Cô gái hô hoán nhờ người giúp đỡ nhưng người thanh niên đã bị nước cuốn trôi.
Hơn một tuần sau, ngày 4/12, tại cầu Đồng Nai (TP. Biên Hòa) đôi nam nữ dừng xe trên cầu nói chuyện. Một lúc sau, cô gái bất ngờ nhảy xuống sông. Nam thanh niên nhảy theo cứu, đồng thời hô hoán mọi người biết nhưng bất thành.
Chuyện khác, cô gái 18 tuổi khóc xin người yêu đừng nhảy cầu. Mặc dù người yêu khóc lóc van xin thảm thiết nhưng Tuấn vẫn leo lên thành cầu rồi gieo mình xuống dòng nước xiết. Suốt đêm, cô gái đứng trên cầu gào khóc, gọi tên người yêu.
Không chỉ tự tử trước mặt người yêu, trong tháng 11 và 12 vừa qua, còn có nhiều vụ “Nữ sinh viên tự tử cùng người yêu trong khách sạn” tại Thái Nguyên, “Đôi tình nhân trẻ uống thuốc độc tự tử vì mối tình tay ba” tại Cần Thơ, hoặc “Thiếu nữ nhảy cầu vì mâu thuẫn với bạn trai” (TP. Sài Gòn)… khiến nhiều người đau xót.
Gần đây nhất, đôi bạn trẻ mới học lớp 10 ở Nghệ An đã cùng nhau thắt cổ tự tử khiến gia đình, địa phương bàng hoàng. Bị ngăn cấm tình cảm, hai học sinh ôm nhau thắt cổ tự tử. Sáng sớm gia đình và người thân đi tìm thì phát hiện Tuấn và Trang ôm nhau chết bằng tư thế thắt cổ tại ngôi nhà hoang trong rừng.
Bước sang năm 2015 còn ổn định không?
Những hình ảnh trên đây quả là một hồi chuông báo nguy cho toàn thể cộng đồng. Hậu quả của việc bỏ quên đạo đức trong việc giảng dạy, chỉ biết nhồi sọ, ăn gian nói dối trong cuộc sống hai mặt diễn ra hàng ngày trước mặt các em, đã hình thành một xã hội đi ngược lại với truyền thống luân lý, con người trở nên ích kỷ. Bên cạnh đó đời sống của một số “đại gia, tiểu thư công tử” xài sang đã gợi lòng thèm muốn và phân chia thứ hạng giàu nghèo “nhất bên trọng nhất bên khinh” – người giàu được ưu đãi kính trọng, người nghèo bị chèn ép, coi thường – khiến ngay từ khi còn nhỏ đã nhiễm máu tham muốn làm giàu bằng mọi cách. Thế thì đừng hỏi tại sao tham nhũng vẫn cứ “ổn định” từ 3 năm nay không có thuốc chữa. Bước sang năm 2015 chẳng biết nó còn “ổn định” không?
Văn Quang (2 tháng Một, 2015)
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 12-2014- Những anh mù làm đại biểu dân


Những anh mù làm đại biểu dân
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Tại Việt Nam, số người sử dụng Internet cũng gia tăng nhanh chóng, đến nay đã lọt vào top 20 quốc gia sử dụng Internet nhiều nhất thế giới.
Riêng đối với hộp thư điện tử, có lẽ hàng triệu người Việt Nam giờ đây sẽ không thể tưởng tượng được nếu một ngày nào đó trên thế giới không tồn tại phương tiện này. Riêng tại chung cư nghèo nàn tôi ở, hầu như nhà nào cũng có ít nhất một cái computer và nhiều cụ ông trên 60 tuổi vẫn ngồi gõ máy xem tin tức và trao đổi thư từ cùng bạn bè con cái, người thân ở trong và ngoài nước. Nó đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày. Hôm nào đường internet bị hư, cứ nhấp nha nhấp nhổm, chờ thợ đến sửa như trẻ con mong mẹ về chợ. Có ông còn nhảy sang nhà hàng xóm xem nhờ cái ipad loại mới của mấy cậu sinh viên. Đấy là mấy ông già, còn mấy cô cậu thanh niên, thiếu nữ dù chưa là sinh viên, hầu như cái điện thoại luôn theo sát bên mình còn hơn cả người tình.
Đại biểu đọc báo tại hội nghị, mặc kệ ai báo cáo cứ báo cáo


Tuy vậy, tôi cũng quen biết vài ông bạn già không chơi e mail, không vào internet vì không thích hay không muốn mất thì giờ, các ông ấy thích nằm rung đùi ngâm thơ, ra quán café đầu đường ngồi cầm tờ báo tán dóc với bạn già, hoặc có ông nói là muốn học cho biết nhưng “đầu óc không chịu dô.” Đó là quyền của mỗi người.
Nhưng đối với các vị “làm việc nước” như mấy ngài “đại biểu” không thể nói không thích hay không muốn bởi nó đã trở thành một phương tiện tối cần thiết như cái xe đi làm, cái cặp hồ sơ đầy ắp công việc lo cho dân. Nếu không thích thì tốt hơn hết là trở lại làm “phó thường dân” như mấy ông tôi quen, chẳng hại tới ai.
Nhiều tỉnh thành đã phát máy tính bảng cho các đại biểu.
Tại Hà Nội, từ tháng Bảy, 2012, mỗi đại biểu Hội Đồng Nhân Dân (HĐND) Hà Nội được trang bị một máy tính bảng để phục vụ công việc. Thay vì lật từng trang giấy, các đại biểu đã bắt đầu quen với việc "kéo, trượt, phóng to, thu nhỏ." Loại máy tính bảng mà các đại biểu HĐND được trang bị là iPad 2. Ông Bùi Đức Hiếu, Chánh văn phòng HĐND cho biết “Việc này sẽ góp phần giảm đáng kể chi phí bởi thành phố hiện phải chi hàng trăm triệu đồng cho việc in, sao tài liệu phục vụ cho mỗi kỳ họp HĐND."
Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng cũng đã trang bị 55 chiếc iPad (giá $935 đô/chiếc) và xây dựng phần mềm chuyên dụng phục vụ công tác của các đại biểu trong suốt nhiệm kỳ.
Đại biểu HĐND tỉnh Bạc Liêu đã được cấp máy tính bảng Samsung Galaxy tab 10.1, giá hơn $560/chiếc.
Tỉnh xa nhất nước là Cà Mau, HĐND cũng đã trang bị máy tính bảng iPad 3 cho 53 đại biểu HĐND tỉnh để khai thác thông tin, phục vụ công việc.
Ngoài ra còn nhiều địa phương khác cũng đã làm việc này và đã tiết kiệm được một số tiền không nhỏ cho việc in ấn tài liệu phát cho đại biểu, tiết kiệm thì giờ quý báu phục vụ dân.
Tuy nhiên, việc các vị ấy có chịu sử dụng máy tính không hoặc có biết sử dụng không hay sử dụng máy tính làm việc gì lạ là chuyện khác hẳn. Nếu sử dụng sai mục đích thì đó lại là một sự lãng phí khổng lồ mà thôi.
Thời buổi công nghệ thông tin này, các vị đại biểu dân không biết sử dụng internet nói chung, hộp thư điện tử nói riêng cho công việc của mình chẳng khác mấy anh… mù chữ, không biết đọc, biết viết.
Thế nên tôi thật sự ngạc nhiên trong tuần vừa qua, ngày 11 tháng 12-2014, các báo đồng loạt loan tin “TP HCM, có đến 50% số cán bộ lãnh đạo không sử dụng hộp thư điện tử (e mail).”
Một câu hỏi đặt ra là mỗi địa phương tốn hàng chục tỉ đồng phục vụ quý vị đại biểu với những máy tính, laptop, Ipad… được cơ quan trang bị đã được dùng làm gì? Cho con, cho cháu hay chỉ là phương tiện chơi game, xem phim giải trí?
Mua xe hơi mà không biết dùng thì chỉ là cục sắt
Chiều 11 tháng 12 Đại biểu (ĐB) HĐND chất vấn giám đốc Sở Thông Tin và Truyền Thông (TT&TT) về việc ít lãnh đạo sử dụng thư điện tử cơ quan nhà nước để làm việc, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân (UBND) TP Sài Gòn Lê Mạnh Hà báo một tin rất đáng buồn và đáng xấu hổ, ông nói nguyên văn: “Tin buồn là tính chung chỉ có 50% lãnh đạo sử dụng thư điện tử. Sử dụng hiệu quả từ giải quyết thủ tục hồ sơ, trao đổi nhanh lắm, chủ tịch quận, huyện làm rất nhanh nhưng chúng ta không chịu.”
Sau đó nỗi thất vọng này được phó chủ tịch Hà than thở: “Ta trang bị xe hơi mà không biết lái thì vô phương." Vâng, sắm xe sang dù có là Rolls-Rovce, Benley hay BMW mà không biết sử dụng thì cũng chỉ là... cục sắt..
Phó chủ tịch TP không ngần ngại điểm danh cụ thể ngay trước HĐND số lãnh đạo sử dụng thư điện tử cơ quan nhà nước. Theo ông, Sở Nội vụ, TT&TT, Y Tế, Tư Pháp có nhiều lãnh đạo dùng email, các sở còn lại số này thấp, thậm chí không hề sử dụng. Nơi chỉ có một lãnh đạo dùng là Sở Văn Hóa- Thể Thao- Du Lịch (VH-TT-DL).
Ông Hà còn không ngần ngại chỉ ra lãnh đạo hai đơn vị là Sở Lao Động- Thương Binh -Xã Hội (LĐ-TB-XH) 100% không sử dụng và Sở Xây Dựng chỉ có 13% lãnh đạo sử dụng hộp thư điện tử, theo ông Hà lẽ ra mấy cơ quan này phải dùng nhiều nhất vì liên quan đến dân. Điều này có lẽ đủ để lý giải vì sao công việc của họ luôn trì trệ.
Trong khi đó có huyện 100% không sử dụng là Hóc Môn. Đáng chú ý lực lượng phòng cháy chữa cháy sử dụng nhiều thư điện tử cơ quan nhà nước, chỉ có 1 người không dùng. Các quận 7, 8 bí thư sử dụng nhưng cấp dưới thì không.
Tại Củ Chi thì lãnh đạo huyện 100% sử dụng. Nhưng số cán bộ 2 huyện này sử dụng lại thấp hơn. Phó chủ tịch TP nói rằng TP đã trang bị nhiều cho hệ thống văn phòng điện tử, sử dụng mã nguồn mở trong các quận huyện thống nhất, bản quyền Việt Nam không phải mua của nước ngoài, tiết kiệm nhiều, bảo mật tốt.
Phải nói thẳng ra tiền của nhân dân đóng thuế trang bị đủ thứ cho các đại biểu để hy vọng các ngài nói lên tiếng nói của người dân, nhưng cứ xem như cách các ngài làm việc thì cứ gọi tạm là có tới 50% các ngài chẳng thèm chú ý gì đến nguyện vọng của dân, vậy các ngài chú ý đến cái gì?
Tiếng nói của người dân
Sau bản tin này, đã có rất nhiều dư luận trên các phương tiện thông tin. Mời quý vị đại biểu đọc… chơi mấy lời tâm tình này:
- Bạn Lê Xuân Thủy (e-mail: lexuanthuy1962@yahoo.com.vn) viết ngày 15-12-2014:
“Thành phố HCM, Hà Nội là những nơi được coi như là văn minh tiến bộ, đi trước của cả nước nhưng còn thế thì các địa phương khác còn tồi tệ hơn nhiều. Không hiểu chuẩn hóa, tuyển dụng công chức thì trong hồ sơ đã có bằng cấp này nọ rồi còn gì, và tuyển như thế nào nhỉ? Trước đây chính tôi đã gặp nhiều lãnh đạo mỗi ngày được cấp nhiều loại báo nhưng chẳng bao giờ đọc cả, nhiều vị lâu nay chỉ chờ trình ký nhưng cũng chẳng xem lại ký gì trước khi ký, chứ nói chi là tự thảo văn bản, tự tay đánh văn bản... thế nhưng trong phòng các vị lại được trang bị máy tính loại tốt và sử dụng những điện thoại thông minh, đắt tiền để... chơi, để khoe là đẳng cấp, biết xài sang mà thôi.”
- Bạn Nguyễn Văn Dũng (e-mail: chuhoang_324@yahoo.com) viết:
“Nếu biết dùng thì hóa ra mua dây buộc mình à. Có thể chầy cối rằng Công văn ấy,Văn thư nọ, Ý kiến của dân bị hành chưa tới tay, chưa được cấp dưới trình, v.v. Nhưng không thể chối bay chối biến được khi nó chình ình trong “Hộp thư điện tử.” Vì nó chính là cửa tử cho những câu chầy cối kia.”
- Bạn trânchu (e-mail: trânchu1954@gmail.com) viết:
“Họ không biết IT nhưng hành dân thì họ biết rất tốt!”
Tôi nghĩ chỉ đọc “3 lời tâm tình” trên đây các ngài đại biểu cũng đã thấy dân nghĩ gì. Còn có sửa đổi được hay không là do các ngài chứ không phải việc của tôi.
Đại biểu HĐND thành phố vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết
Phóng viên Nguyễn Cường của trang Infonet.vn đã tận mắt chứng kiến cảnh “ngoạn mục” này ngay trong phòng hội nghị của HĐND TP Sài Gòn.
Sự việc diễn ra vào chiều ngày 10/7 tại kỳ họp thứ 14, HĐND khóa VIII. Theo ghi nhận, vào 2 giờ trưa cùng ngày HĐND bắt đầu phiên họp bằng việc nghe đề nghị điều chỉnh mức phụ cấp đối với lực lượng công an.
Dù thư ký đang đọc tờ trình để xin ý kiến hội nghị nhưng vị đại biểu này vẫn thản nhiên ngồi chơi game đánh bài. Tới lúc nghe đề nghị biểu quyết ông mới giật mình giơ tay trong khi mắt vẫn hướng về màn hình điện thoại.
Tiếp sau đó thư ký trình bày về nội dung bầu cử bổ sung các hội thẩm nhân dân TP, quận, huyện. Tương tự trước đó vị đại biểu này vẫn không quan tâm đến điều này và tiếp tục chơi game. Hành động của vị đại biểu này gần như liên tục trong gần 40 phút (từ 2:10 tới 2:47).
Tại hội nghị tổng kết công tác phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014 do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 13/2/2014, một số đại biểu cũng thản nhiên chơi game.
Đến đây, để có nhận định khách quan hơn, mời bạn đọc một bài của tác giả Xuân Dương bình luận về vấn đề này.
Nghị trường, nghị quyết và… nghị gật
Ngủ gật, đọc báo, chơi trò chơi trên điện thoại di động… khi họp tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là hành động cá biệt.
Tờ Infonet ngày 12/7/2014 có bài của tác giả Nguyễn Cường: “Đại biểu HĐND TP. Sài Gòn vừa chơi game vừa giơ tay biểu quyết!” Quả thực nếu không phải là bài viết trên Infonet.vn – Báo điện tử của Bộ Thông Tin và Truyền Thông thì nhiều người sẽ không tin rằng đó là sự thật.
Một số nước, người ta gọi những người được bầu vào thượng viện là nghị sĩ, còn trúng cử vào hạ viện là dân biểu. Để đỡ tốn thời gian bạn đọc, trong bài viết này xin phép không dùng cụm từ “đại biểu HĐND thành phố” mà thay bằng “dân biểu.”
Những ai cho rằng dân biểu ở thành phố đông dân và thuộc hàng năng động nhất đất nước như TP. Sài Gòn hẳn phải là những con người vừa có tâm, vừa có tầm chắc sẽ lắc đầu ngao ngán khi nhìn những ảnh chụp trong bài báo của Infonet.
Trong nghệ thuật múa rối, con rối khi bị giật dây thì cử động còn vị dân biểu nọ khi bị giật mình thì giơ tay (biểu quyết), chung quy cũng chẳng khác con rối là mấy.
Tại sao vị dân biểu nọ không cần quan tâm đến nghị quyết mà HĐND thành phố thông qua, cứ giơ tay biểu quyết bừa trong khi mắt vẫn dán vào trò chơi điện tử? Có nhiều cách suy đoán, thứ nhất: ông ta cho rằng nghị quyết không có gì quan trọng, tất cả đã có Thành Ủy lo lắng quán xuyến rồi, nghị quyết của HĐND có thông qua cũng chỉ là hình thức. Thứ hai: do quá bận “công tác chuyên môn,” ít có thời gian thư giãn nên cuộc họp HĐND là dịp hiếm có để tranh thủ giải lao, tranh thủ tạo cảm giác sảng khoái. Thứ ba, thể hiện thái độ phản đối nội dung nghị quyết bằng cách không thèm để ý?
Báo chí đã tốn nhiều giấy mực về loại “công chức cắp ô,” đến giờ phát hiện thêm loại “dân biểu cắp Iphone,” cộng với loại “quan chức cắp phong bì” thế là xã hội Việt Nam đầu thế kỷ 21 hình thành nên ba loại người, tạo thế chân vạc nâng đỡ thượng tầng kiến trúc. Bộ ba loại người này liên kết với nhau sẽ là một khối vững mạnh, khó mà lay chuyển bởi nó bao gồm cả lập pháp, hành pháp và tư pháp, người dân lao động liệu có thể trông chờ vào đó mà hưởng phúc?
Họp cứ vuốt ve nhau nguy hiểm lắm
Những người như vị dân biểu nọ không còn là con sâu làm rầu “nồi canh nghị trường” mà đã trưởng thành thêm một bậc, biến thành “con nhộng” rồi. Biết đâu gặp ngày đẹp trời cái con “nhộng biểu” ấy lại chẳng biến thành bướm, lúc đó thì thiên hạ tha hồ mà chiêm ngưỡng, tán dương, thậm chí có khi còn phải cúi đầu kính cẩn.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm – Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Sài Gòn sau khi biết chuyện phát biểu: “Tôi hoan nghênh báo chí đã phản ánh việc này. Đó là một thực tế và cũng là một nội dung HĐND cần chấn chỉnh trong hoạt động của mình.”
Báo điện tử Tiền phong ngày 29/6/2014 dẫn lời Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: “Họp cứ vuốt ve nhau, nguy hiểm lắm.” Qua ngôn từ mà bà Chủ tịch HĐND TP. Sài Gòn đã sử dụng, không khó để dự đoán rồi thì cũng chỉ “vuốt ve nhau” mà thôi.
Người dân luôn đặt niềm tin vào những đại diện mà mình lựa chọn từ HĐND địa phương đến Quốc Hội. Nghị quyết của HĐND đưa ra có thể ví như luật trong phạm vi địa phương mà chính quyền phải thực hiện, cũng giống như luật mà Quốc hội ban hành Chính phủ phải thực hiện.
Dành tới 40 phút trong kỳ họp để chơi điện tử, vừa chơi vừa giơ tay biểu quyết, hành động của vị dân biểu nọ không thể là của một con người được đào tạo cẩn thận, nói cách khác đó không thể là hành động của người có học. Theo truyền thống, những cán bộ cỡ trung cấp trở lên đều được học tập và có bằng lý luận chính trị, không hiểu vị dân biểu này có thuộc diện đó hay không, nếu phải thì cái bằng “lý luận chính trị” của ông ta có giá trị gì không?
Họ trở thành đại biểu dân bằng cách nào?
Vấn đề là tại sao cái người không được “đào tạo cẩn thận” ấy lại trở thành đại biểu HĐND TP. Sài Gòn? Bằng cách nào, nhờ đâu mà ông ta đắc cử?
Biết chắc chắn có phóng viên quay phim, chụp hình trong hội trường nhưng vẫn mặc kệ, vẫn chơi trò chơi, vậy nếu ở những nơi kín đáo không có camera giám sát vị dân biểu nọ sẽ còn “chơi” những cái gì nữa? Trở thành dân biểu nhưng rõ ràng ông ta chưa được “huấn luyện” về những hành vi cư xử chốn nghị trường, hành động của ông ta không chỉ đánh cắp niềm tin cử tri gửi gắm mà cũng phần nào cho thấy chất lượng của cuộc họp HĐND thành phố.
Có ý kiến thanh minh rằng, dự thảo đã được UBND chuyển cho đại biểu trước nửa tháng, các đại biểu đã thảo luận ở tổ, đưa ra hội trường thông qua chỉ là thủ tục! Quả thật đó chính là cái “thủ tục” đã làm tốn bao tiền thuế của dân. Nếu thảo luận đã nhất trí, chỉ cần ký tên vào biên bản rồi công bố số người đồng ý, số người phản đối, hà cớ gì còn phải giơ tay biểu quyết lần nữa, còn phải tiêu tốn thời gian và tiền bạc của dân?
Có một suy nghĩ không chính xác là công tác cán bộ chỉ bó hẹp trong phạm vi công chức, viên chức nhà nước, đại biểu Quốc Hội và HĐND là do dân bầu, không thuộc phạm vi công tác cán bộ. Thực chất các đại biểu mà Mặt Trận Tổ Quốc các cấp hiệp thương giới thiệu trong các cuộc bầu cử cũng đều được “chọn lọc” cẩn thận. Điều này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức, tư cách nhân sự trong bộ máy công quyền.
Ngủ gật, đọc báo, chơi trò chơi trên điện thoại di động… khi họp tuy không phải là phổ biến nhưng cũng không còn là hành động cá biệt. Ở một số nước, dân biểu tranh luận đến mức đánh nhau vỡ đầu, chảy máu trong phòng họp, hành động đó mặc dù là thiếu văn hóa song ở chiều ngược lại nó cho thấy nghị trường không phải là nơi ngủ gật, không phải là nơi giải trí.
Nếu còn “vuốt ve nhau” thì những phiên họp của tất cả các tổ chức, không riêng HĐND sẽ còn những hình ảnh phản cảm được trưng bày. Đó chính là sự xuống cấp văn hóa ngay ở chính các tổ chức và những con người được xem là có học.
Chẳng lẽ TP. Sài Gòn với dân số gần 8 triệu người lại không tìm được người có tài và có đức thay thế vị dân biểu nọ? Hay vì đại biểu HĐND cũng có quyền “bất khả xâm phạm” như đại biểu Quốc hội nên còn phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên?
Thưa bạn đọc,
Chúng ta đang bước sang Năm Mới 2015, tôi không muốn nói thêm về những cái tin thuộc loại “Tin Buồn Của Dân” như thế này nữa. Hãy dành chút thời gian để cho dân Sài Gòn chúng tôi được thở. Thôi thì cũng gượng buồn làm vui vậy. Thành phố cũng đang chộn rộn đón mùa xuân mới. Đầu năm 2015 chúng ta lại tiếp tục mấy chuyện thuộc loại “Lẩm Cẩm Sài Gòn” thú vị hơn.
Xin kính chúc bạn đọc một năm mới Hạnh Phúc - An Khang - Thịnh Vượng.
Văn Quang (26-12-2014)
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 12-2014 - Thời đại này tâm thần hết rồi


Thời đại này tâm thần hết rồi
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Trong bài trước tôi đã tường thuật cùng bạn đọc những cảnh điển hình cho các kiểu chiếm nhà, cướp đất của các quan to, quan nhỏ. Kỳ này tôi tường thuật tiếp một thủ đoạn khác tàn nhẫn trắng trợn hơn để cướp đất của dân. Câu chuyện sau đây chứng tỏ việc cướp đất diễn ra trong thời nay vô cùng trắng trợn và nói theo ngôn ngữ của người bình dân gọi là “đểu quá trời.”
Căn nhà bị chiếm đoạt của anh Tuấn

Tống đại gia vào bệnh viện tâm thần để chiếm đoạt tài sản
Ngày 22-4-2007, anh Tuấn đang ngồi làm việc trong văn phòng thì bất ngờ thấy ông Võ Minh Hiển là cán bộ Công an quận 5, và Võ Minh Cử - cán bộ Công an quận 6, cùng một số dân phòng do ông Hiển phụ trách - ập vào. Lúc này có mặt ông Mai Văn Cương - Phó Bí thư Huyện ủy Đức Hòa đang ngồi cùng anh Tuấn. Ngay lập tức, nhóm người do ông Hiển chỉ huy vật trói anh Tuấn bằng dây điện, bịt miệng bằng băng keo và đưa lên xe hơi chở đi bệnh viện tâm thần.
Sau khi tống anh Tuấn vào bệnh viện, các tủ sắt trong nhà anh Tuấn bị đập phá, toàn bộ hồ sơ giấy tờ bị bà Hoa lấy đi. Bà Hoa tiếp quản công ty Hoàng Gia, sau đó chỉ thị cho ông Nguyễn Văn Dành - trợ lý của ông Châu - giả mạo chữ ký của anh Tuấn, để chuyển toàn bộ tài sản của anh Tuấn sang tên ông Châu. Sau đó, ông Dành tiếp tục giả mạo chữ ký của ông Châu để chuyển hết tài sản sang tên bà Hoa.
Trong thời gian anh Tuấn bị “nhốt” trong bệnh viện tâm thần, ông Tô Quang Thịnh - bạn thân ông Châu đến thăm và tìm cách đưa anh ra ngoài. Sau khi thoát khỏi bệnh viện, anh Tuấn sợ bị giết nên trốn về quê ở Tiền Giang và làm đơn kêu cứu. Tuy nhiên, đến nay anh vẫn phải sống khổ sở, vì các cơ quan chức năng vẫn chưa giải quyết xong.
Anh Tuấn không hề bị tâm thần
Khi nhận được đơn tố cáo của anh Tuấn, nhiều cơ quan hết sức ngạc nhiên, vì sao hồ sơ vụ án rõ ràng như thế, nhưng anh Tuấn vẫn phải sống “vất vưởng” nhìn khối tài sản khổng lồ của mình nằm trong tay người khác, còn cơ quan chức năng thì... đủng đỉnh điều tra.
Cụ thể, ngày 28-7-2013, thượng tá Hồ Văn Phước - Trưởng Công an huyện Đức Hòa - ký Quyết định trưng cầu giám định pháp y tâm thần số 393 đối với anh Võ Minh Tuấn - là bị hại trong vụ “Bắt giữ người trái pháp luật” và “Cưỡng đoạt tài sản.” Theo Bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 244-PYTT-PVPN ngày 21-8-2013 của Viện Giám định Pháp y Tâm thần T.Ư Phân viện phía Nam, về y học: Trước, trong, sau khi bị hại và hiện nay đương sự không có bệnh tâm thần; về pháp luật: Tại thời điểm bị hại và hiện nay, đương sự có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi.
Tương tự, kết luận giám định của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ngày 22-8-2013 cũng cho thấy, tất cả các chữ ký và chữ viết mang tên “Võ Minh Tuấn” trong hồ sơ chuyển nhượng tài sản cho ông Võ Minh Châu đều do ông Nguyễn Văn Dành ký. Ngoài ra, khi giám định chữ ký của ông Võ Minh Châu trong “hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất” cho bà Bùi Thị Kim Hoa được công chứng tại Phòng Công chứng Minh Thư (thị trấn Đức Hòa), Phòng kỹ thuật hình sự cũng kết luận không phải chữ ký của ông Châu.

Anh Võ Minh Tuấn bỗng dưng bị trói đưa vào bệnh viện tâm thần
Người dân lo sợ sau vụ án
Với những chứng cứ rất rõ ràng cho thấy đây là vụ án hình sự, thì Công an huyện Đức Hòa lại làm thủ tục chuyển hồ sơ sang Tòa án huyện Đức Hòa để xử theo hướng tranh chấp dân sự.
Ngày 27-10, Thẩm phán Đỗ Bình An - Tòa án huyện Đức Hòa - cho biết, “Bước đầu, ông Nguyễn Văn Dành đã thừa nhận giả mạo chữ ký. Tôi không hiểu sao công an lại không khởi tố vụ án, mà lại chuyển sang tòa.”
Đến nay anh Tuấn vẫn sống vất vưởng khốn đốn và cứ dài cổ chờ và chờ. Coi chừng anh bị “cho đi mò tôm” lúc nào không biết.
Thưa bạn đọc, đây là kiểu ăn cướp tàn bạo chỉ có thể xảy ra trong thời đại này khiến người dân không hiểu có pháp luật hay không nữa, hay có cũng như không, đúng như kiểu bìa cuốn sách hướng dẫn về luật lại có anh hề Công Lý chỉ mặc quần lót, ở trần đứng trên hai tay cầm hai cán cân đứng trên một quả cầu lửa ý muốn nói “công lý chỉ là tên một diễn viên hài.”
Đang ngồi trong nhà bỗng dưng bị mấy ông công an và dân phòng xông vào trói lại đưa luôn vào bệnh viện tâm thần thì không còn cách nào chống đỡ nổi. Và, cũng không hiểu tại sao bệnh viện tâm thần cứ thản nhiên nhận một người bình thường vào “giam giữ” ở trong đó? Chắc lại được đại gia hoặc quan chức nào gửi gấm “cứ giữ chặt thằng đó cho tao.” Đến nay các cơ quan giám định đều xác nhận anh Tuấn Không hề bị tâm thần, trái lại còn hết sức tỉnh táo. Vậy bệnh viện tâm thần giữ anh Tuấn có lỗi không? Rồi các cơ quan điều tra cứ đủng đỉnh để mặc cho anh Tuấn nằm đói rách có phải là một hành động dung túng hay đồng lõa với kẻ gian ác vu cáo anh Tuấn không. Đến bao giờ vụ án này mới được đưa sang tòa án xét xử và xét xử như thế nào lại là một câu hỏi của người dân, không chỉ ở Đức Hòa mà là của hầu hết người dân thấp cổ bé miệng đang sống trên đất nước này. Bởi họ sợ một ngày “xấu trời” nào đó chính mình hoặc chú bác, con em mình cũng bị tóm ngang xương, bịt miệng, đưa vào bệnh viện tâm thần.
Người dân cay đắng nói với nhau: Đúng là cái thời đại này tâm thần hết rồi.
Một chuyện khác của tòa án cũng lại đang gây bất bình trong dư luận. Đó là một luật sư chuyên biện hộ cho những người nghèo khó bị đề nghị tước giấy phép hành nghề.
Vụ năm CA đánh chết người ở Phú Yên: CA, tòa, viện đòi xử luật sư
Ngày 4-12 vừa qua, ông Huỳnh Công Trí, Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, cho biết cơ quan này đã nhận văn bản của liên ngành Công an, Viện Kiểm Sát (VKS) và Tòa án nhân dân (TAND) TP Tuy Hòa đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư (LS) đối với LS Võ An Đôn. LS Đôn là người bảo vệ cho gia đình anh Lê Thanh Kiều, người bị năm công an Phú Yên đánh chết. Công văn này gửi cùng lúc cho Sở Tư pháp và Đoàn LS tỉnh Phú Yên.
- Lý lẽ của liên ngành đứng đầu luật pháp
Công văn nêu, “Trong quá trình tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm vụ án dùng nhục hình diễn ra từ ngày 26-3 đến 3-4, LS Đôn đã lợi dụng việc hành nghề LS có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác trong các ngành nội chính.”
Theo đó, sau khi kết thúc phiên tòa, LS Đôn tiếp tục có nhiều lời nói, bài viết, trả lời phỏng vấn, bình luận đăng tải trên các mạng xã hội, các diễn đàn trong nước và quốc tế. Trong đó LS Đôn cung cấp nhiều thông tin, nội dung sai lệch không đúng sự thật khách quan của vụ án. LS Đôn đưa ra nhiều quan điểm trái pháp luật, nhận định, bình luận không đúng với chức năng xã hội nghề nghiệp của LS khi hành nghề.
Công văn cho rằng LS Đôn đã “tạo thành điểm nóng không tốt trong dư luận xã hội, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.” Theo đó, LS Đôn đã vi phạm các điểm g, i khoản 1 Điều 9 Luật LS.
Từ đó liên ngành công an, VKS và tòa án đề nghị Đoàn LS, Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên kịp thời kiểm tra, xử lý, thu hồi chứng chỉ hành nghề LS đối với LS Võ An Đôn vì đã vi phạm quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp.
Phản ứng của giới luật sư
Ngay sau khi có công văn này, dư luận lập tức sôi nổi, phản ứng gay gắt về sự “quy chụp” tội lên đầu một vị luật sư bỏ tiền túi bênh vực người nghèo. Nhiều người dân cho rằng đây là một vụ trả thù luật sư.
- “Xúc phạm ai, xúc phạm cái gì?”
LS Nguyễn Khả Thành, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phú Yên, cho biết Ban Chủ nhiệm đoàn sẽ họp để xem xét kiến nghị trên có cơ sở hay không.
Theo LS Thành, ba cơ quan kiến nghị trên đều liên quan đến các đề nghị của LS Đôn tại phiên tòa xét xử vụ năm công an Phú Yên đánh chết người. Tại phiên tòa sơ thẩm, LS Đôn nhiều lần đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Phó Công an TP Tuy Hòa. Tại phiên phúc thẩm, LS Đôn còn đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh, Viện trưởng VKSND TP Tuy Hòa, tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội.
LS Thành nói, “Trong quá trình tham gia tố tụng, LS có quyền đề nghị khởi tố người có dấu hiệu phạm tội. Qua theo dõi vụ án, tôi thấy việc LS Đôn đề nghị khởi tố ông Lê Đức Hoàn, Lê Minh Chánh là có cơ sở, đúng pháp luật. Đến nay một số đề nghị của LS Đôn đã được đáp ứng, điển hình là ông Hoàn đã bị truy tố tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.”
Cũng theo LS Thành, văn bản kiến nghị của ba cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cho rằng LS Đôn xúc phạm người khác nhưng không nói xúc phạm ai, xúc phạm như thế nào, không chứng minh được thiệt hại. “Nếu muốn nói xúc phạm ai thì phải chứng minh được thiệt hại, sau đó bản thân người bị xúc phạm khởi kiện ra tòa dân sự. Đến nay tôi chưa thấy ai kiện LS Đôn. Tôi cũng chưa nghe LS Đôn có lời lẽ nào gọi là thiếu văn hóa. Ngược lại, tôi thấy có rất nhiều comment ủng hộ LS Đôn”
- “Có lý do gì đâu mà thu hồi”
Ông Lê Tiến Dũng, Chánh Thanh tra Sở Tư pháp tỉnh Phú Yên, khẳng định không có căn cứ để thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với LS Đôn. Theo ông Dũng, văn bản kiến nghị cho rằng LS Đôn vi phạm về phát ngôn thuộc thẩm quyền xem xét, xử lý (nếu có vi phạm) của Đoàn LS ti?nh Phú Yên chứ không phải của Sở Tư pháp.
“Họ yêu cầu tước chứng chỉ hành nghề nhưng có lý do gì đâu mà tước! Còn đoàn LS cũng không có thẩm quyền tước giấy phép hành nghề LS được. Nếu LS vi phạm hai, ba lần thì đoàn LS đề nghị lên Liên đoàn LS chứ họ không có thẩm quyền. Họ có vi phạm thì mới thu hồi chứ không có vi phạm mà thu hồi thì họ kiện anh đến nơi chứ đâu có đơn giản” - ông Dũng nói.
LS Nguyễn Hương Quê, Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Phú Yên, cho biết, “Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa cung cấp các tài liệu, chứng cứ để xem xét theo quy định. Sau khi có tài liệu, chứng cứ thì sẽ giao cho Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật xác minh theo quy trình để xem xét LS Đôn có vi phạm hay không rồi đề xuất, sau đó Ban Chủ nhiệm sẽ xem xét. Tuy nhiên, hiện nay họ chưa cung cấp tài liệu, chứng cứ gì hết.”
LS Võ An Đôn: Đó là sự quy chụp!
Luật sư Đôn đã trả lời báo chí: Tôi rất bất ngờ và bất bình trước bản kiến nghị bởi lời lẽ mang tính quy chụp, không đúng sự thật. Văn bản nói rằng tôi xúc phạm những người tham gia tố tụng nhưng tôi không hề xúc phạm ai.
Trong tranh luận ở tòa sơ thẩm, tôi có đề nghị ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên lúc đó phải từ chức vì tôi cho rằng ông này phải chịu một phần trách nhiệm trước sai phạm của cấp dưới. Đó là đề xuất chứ tôi không hề xúc phạm ai. Tại phiên tòa phúc thẩm, tôi đề nghị khởi tố ông Lê Minh Chánh và điều này đúng pháp luật. Thực tế, ở cấp sơ thẩm, ông Chánh không truy tố ông Hoàn nên phải đến khi điều tra lại mới khởi tố.
Từ trước đến nay tôi chưa hề có bài viết nào, tôi cũng không chơi Facebook, chưa bao giờ tham gia một diễn đàn nào ở trong và ngoài nước...
- LS Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam cho biết: Hiện chúng tôi cũng đã biết sự việc này và lãnh đạo Liên đoàn đã yêu cầu Ủy ban Giám sát đạo đức nghề nghiệp, khen thưởng, kỷ luật rà soát lại. Hiện nay việc hành nghề của LS còn gặp nhiều khó khăn vì nhiều lý do. Liên đoàn LS Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho các thành viên của mình và đồng thời tôn trọng ý kiến của các cơ quan tiến hành tố tụng.
Liên quan đến sự việc của LS Võ An Đôn, chúng tôi đang yêu cầu kiểm tra xem LS Đôn có phát ngôn xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và các lãnh đạo khác hay không. Sau đó chúng tôi sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật, Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS, điều lệ của Đoàn LS để xem hành vi của LS Đôn có sai phạm như kiến nghị của các cơ quan tố tụng Tuy Hòa hay không. Trên cơ sở đó Liên đoàn sẽ có biện pháp xử lý thích hợp.
- LS Nguyễn Minh Tâm, Tổng Biên tập tạp chí Luật Sư: Quan trọng là có “xử” được không!
Tôi nghĩ việc kiến nghị trên cũng là bình thường. Vấn đề là có chứng cứ để xử lý được không mới là quan trọng.
Trước đây trong vụ án “vườn điều,” liên ngành tố tụng tỉnh Bình Thuận cũng từng có văn bản kiến nghị khởi tố một LS thuộc Đoàn LS TP Hà Nội. Nhưng kiến nghị ấy không có kết quả vì LS không vi phạm gì. Đến vụ Epco-Minh Phụng, liên ngành tố tụng cũng kiến nghị xử lý trách nhiệm một LS thuộc Đoàn LS TP. Sài Gòn nhưng cũng không có cơ sở. Trong vụ này, người kiến nghị phải có nghĩa vụ chứng minh những sai phạm của LS Đôn (nếu có). Quy chế hoạt động nghề LS cũng quy định rõ LS có quyền khiếu nại quyết định xử lý (nếu bị xử lý) và vẫn có cấp cao hơn để xem xét lại.
LS Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Khánh Hòa
Có thể nói, với vụ án “năm công an Phú Yên đánh chết người,” LS Đôn đã thể hiện đầy đủ lương tâm, trách nhiệm của LS. Thực hiện trợ giúp pháp lý miễn phí cho gia đình bị hại, LS Đôn đã hoạt động độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, không vì lợi ích vật chất, tinh thần và không sợ bất kỳ áp lực nào để làm trái pháp luật và đạo đức nghề nghiệp. Đến nay, với kết quả cơ bản đạt được, dư luận xã hội và giới LS đánh giá rất cao vai trò của LS Đôn.
Nếu có giải thưởng tôn vinh LS bản lĩnh của năm 2014, chẳng hạn “LS có cống hiến cho cộng đồng, vì công lý, công bằng,” tôi sẽ đề cử LS Võ An Đôn.

Luật sư Võ An Đôn cùng gia đình nạn nhân Ngô Thanh Kiều tại phiên tòa sơ thẩm


Năm cựu sỹ quan có liên quan đến vụ tra tấn anh Kiều đến chết tại phiên tòa phúc thẩm Phú Yên.


Mẹ con chị Trần Thị Tâm (vợ anh Ngô Thanh Kiều) được luật sư Đơn giúp đỡ chuẩn bị ra tòa đòi công lý.


Bức ảnh các cơ quan nội tạng của anh Kiều đều bị tổn thương nặng do bị tra tấn được mang ra làm bằng chứng trước tòa.  (Ảnh NLĐ)


Quá phẫn nộ, bà Ngô Thị Tuyết (chị của bị hại Kiều) òa khóc ngay tại tòa

Dư luận của người dân
Vụ năm công an ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) đánh chết anh Ngô Thanh Kiều bản thân nó đã là một “điểm nóng” vì dư luận rất sôi nổi, người đứng đầu nhà nước cũng yêu cầu phải xử lý đúng người, đúng tội vì các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa làm không đúng, gây phẫn nộ cho người dân.
Nay các cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa lại đề nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề của luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ cho gia đình bị hại thì có khác nào “đổ thêm dầu vào lửa”?
Cho đến giờ người ta cũng không hiểu vì sao hành vi tra tấn anh Ngô Thanh Kiều đến chết lại chỉ bị xét xử về tội “dùng nhục hình” mà không bị xét xử về tội giết người? Phải chăng vẫn còn có sự bao che, cả nể. Trong khi đó, đã từ lâu Tòa án nhân dân(TAND) Tối cao hướng dẫn dùng nhục hình mà dẫn đến chết người thì phải xử về tội giết người. Tòa án cả nước đều xử như vậy, chỉ có ở Tuy Hòa (Phú Yên) là một mình một kiểu.
Cơ quan tiến hành tố tụng ở Tuy Hòa cho rằng luật sư Đôn có lời lẽ thiếu văn hóa, xúc phạm đến người tham gia tố tụng trong vụ án và nhiều đồng chí lãnh đạo đương nhiệm khác. Vậy lời lẽ đó là gì, xúc phạm như thế nào? Những “đồng chí lãnh đạo” đương nhiệm ở Tuy Hòa là ai? Và việc chứng minh này thuộc nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng Tuy Hòa chứ không phải nghĩa vụ của Sở Tư pháp, của Liên đoàn Luật sư Việt Nam hay của Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên.
Nếu chỉ một vài câu nói của luật sư tại phiên tòa đề nghị khởi tố ông này, ông kia thì đó không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ của luật sư bảo vệ người bị hại. Trừ khi luật sư Đôn chỉ vào mặt HĐXX hay kiểm sát viên mà chửi thề, thóa mạ... chứ quy chụp khơi khơi rất khó thuyết phục.
Với bản đề nghị thiếu căn cứ của các cơ quan tố tụng TP Tuy Hòa, dư luận có dịp nêu băn khoăn: Phải chăng đây là sự “trả đũa” luật sư? Hiếm có một luật sư nào “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” như ông Đôn. Ông là vị cứu tinh của người dân nghèo thấp cổ bé miệng VN thường bị bọn lạm quyền hà hiếp trắng trợn mà không biết kêu ai. Đòn trả thù này đang làm người dân càng thêm lo sợ vào luật pháp rơi vào tay những người dùng quyền hành ngồi xổm trên luật pháp. Chưa biết vụ trả thù này mang lại kết quả như thế nào nhưng kết quả đầu tiên chính là niềm tin vào luật pháp càng thêm bị xói mòn.
Văn Quang (15 tháng 12, 2014)
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 12-2014- Quan to chiếm nhà, quan nhỏ chiếm đất


Quan to chiếm nhà, quan nhỏ chiếm đất
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Vụ gia đình ông cựu tổng thanh tra Trần Văn Truyền có quá nhiều nhà đất với khối tài sản kếch sù vừa được phát hiện vẫn tiếp tục khuấy động sự bất mãn của dư luận làm lan ra cả những ông khác. Đúng là ông này làm hại “anh em,” cháy nhà mình làm cháy cả nhà háng xóm.
Cái nhà to quá giữa khu đất vàng nên ông Cựu chủ tịch Hà Nội chưa chịu trả
Sau vụ ông Truyền, người bị “văng miểng” đầu tiên cũng từng là một quan to giữa thủ đô. Ngay tuần này, lại um xùm vụ ông Hoàng Văn Nghiên, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội sau khi rời chức vụ được 8 năm vẫn chưa chịu trả lại nhà cho nhà nước. Ngoài ra theo báo Tiền Phong: Cựu chủ tịch “chê” chung cư, “thích” xài biệt thự, nói rõ hơn là ông còn đặt vấn đề phải thuê cho ông cái nhà sang mới chịu dời đi. Đúng là “cha thiên hạ” thật.
                               Biệt thự nhà ông Hà Hòa Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc


Câu chuyện tưởng như đã xong từ 8 năm trước (năm 2006) khi thành phố Hà Nội thông báo không bán biệt thự cho cựu chủ tịch thành phố Hoàng Văn Nghiên. Thế nhưng chỉ vỉ một điều khoản nhỏ là phải tìm nhà cho ông Nghiên trước khi thu hồi biệt thự của nhà nước kéo dài gần chục năm bỗng quá khó như… lên trời. Làm rúng động cả đến Ủy Ban Nhân Dân và nhân dân thành phố.
Sự thật trước khi bước lên ghế chủ tịch TP Hà Nội, ông Nghiên không phải là dân vô gia cư mà ông có nhà cửa đàng hoàng. Theo ông Phạm Sỹ Liêm - nguyên thứ trưởng Bộ Xây Dựng, ông phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - trước khi tới sinh sống tại biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa (của nhà nước), ông Hoàng Văn Nghiên sinh sống ở một ngôi nhà thuộc phường Bách Khoa (quận Hai Bà Trưng).
Không những thế, hiện nay bản thân ông Hoàng Văn Nghiên không sống tại căn biệt thự số 12 đường Nguyễn Chế Nghĩa của nhà nước mà chỉ có con trai ông là Hoàng Hữu Nam cùng vợ con sống tại đó. Còn ông Nghiên hiện đang sống tại căn biệt thự nằm ở quận Hoàn Kiếm, trung tâm nhất của thủ đô. Đó là căn biệt thự tại khu đô thị Ciputra hạng sang ở Hà Nội.

                                    Toàn cảnh biệt thự xây dựng “lụi” của tướng công an Thạch.



Căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa rộng hơn 400 m2 mà cựu Chủ tịch TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên chưa chịu trả nằm giữa "khu đất vàng" tại phường Hàng Bài - Hà Nội. Trong khi các căn nhà lân cận cho thuê với giá từ $1000 USD trở lên (tương đương với 30 m2 trở lên) thì căn biệt thự mà ông Nghiên thuê trên thửa đất rộng 411 m2 với giá chỉ gần 460 nghìn đồng ($22 đô)/tháng, chỉ có giá bằng 10 tô phở.
Theo ông Liêm, lãnh đạo TP Hà Nội đang có sự lúng túng trong việc thể hiện thái độ kiên quyết thu hồi biệt thự này. “Có thể ông Nghiên cũng biết thế nên chây ì ra.” Cái sự chây ì của ông Nghiêm một phần lớn là do sự thiếu cương quyết, thiếu minh bạch của cơ quan quản lý.
Tại sao phải vất vả đi tìm nhà đổi cho ông Nghiên?
Để trả lại ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa, ông Hoàng Văn Nghiên sẽ được thuê và mua ngôi nhà tại dự án phía Đông hồ Nghĩa Đô (thuộc quận Cầu Giấy) trị giá trên dưới 30 tỉ đồng.
Việc cơ quan chức năng TP Hà Nội tìm nhà rồi “đàm phán” để thuyết phục nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên trả lại ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa đang gây chú ý. Nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết vì quy định pháp luật không bắt buộc phải cấp nhà công vụ đối với cán bộ là người địa phương.
Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây Dựng Việt Nam, cho biết Luật Nhà ở có hiệu lực từ năm 2006 đã quy định rõ việc quản lý, bàn giao, thu hồi nhà ở công vụ và ông Nghiên là Chủ tịch UBND TP Hà Nội giai đoạn 1994 - 2004 và bắt đầu thuê căn biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa vào năm 2001, tức là trước khi Luật Nhà ở ra đời.
Ông Hùng nhấn mạnh: “Tuy vậy, dù trong bất cứ giai đoạn nào thì nguyên tắc chung là nhà ở công vụ đều phải trả lại cho nhà nước bởi đây là tài sản được dùng với mục đích công; nếu mua, bán, cho ở thuê, ở nhờ không phải vì mục đích công là đều sai.”
Không đồng tình với việc ông Hoàng Văn Nghiên chần chừ trả nhà công vụ và đòi hỏi TP Hà Nội phải bố trí chỗ ở khi thực tế ông không khó khăn về nhà ở, ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng Bộ Xây Dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho rằng việc ông Nghiên được cấp ngôi biệt thự 12 Nguyễn Chế Nghĩa để ở theo dạng nhà công vụ và nay được cho thuê lại với giá 459,688 đồng ($22 đô)/tháng là không thỏa đáng. Ông Liêm dẫn chứng hiện biệt thự thì đã được gia đình con trai ông Nghiên sinh sống từ lâu, có nghĩa là ông không hề khó khăn về nhà ở.
Ông Liêm nói, “Việc Hà Nội cấp nhà đất cho ông Nghiên thuê như vậy có khác gì cấp chỗ ở cho con trai ông Nghiên. Mà tại sao lại vừa cấp đất, rồi lại bỏ tiền xây dựng nhà cửa hoành tráng như thế được chứ ?”
Khu đất để xây biệt thự phía Đông hồ Nghĩa Đô là “khu đất vàng” của quận Cầu Giấy, giao thông rất thuận tiện. Khu dự án biệt thự này nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên, rộng khoảng 0,4 ha, chỉ xây dựng 19 căn biệt thự với diện tích từ 140-200 m2/căn. Hiện ở đây có 5 căn biệt thự đã xây thô xong, trong đó có 2 căn đang hoàn thiện nội thất. Căn biệt thự diện tích đất 163 m2 được UBND TP Hà Nội dự định mua và cho ông Hoàng Văn Nghiên thuê, sau đó có thể mua lại.
Theo giới kinh doanh địa ốc và người dân địa phương, giá đất ở khu vực này giai đoạn “sốt” là khoảng hơn 200 triệu đồng/m2, hiện nay giảm còn khoảng 130-170 triệu đồng/m2. Như vậy, chỉ riêng với lô đất có diện tích 163 m2 mà UBND TP Hà Nội chấp thuận mua và xây nhà biệt thự để nguyên chủ tịch UBND TP Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thuê và có thể mua, có giá bán hơn 27 tỉ đồng. Còn nếu tính cả chi phí xây dựng, có thể lên đến trên dưới 30 tỉ đồng.
Người dân Hà Nội chê ngài cựu chủ tịch tham lam quá đáng nhưng 8 năm nay ngài vẫn tỉnh bơ? Đến nay bị dư luận chê bai, rồi mới chịu trả, đúng là kiểu gặm không trôi phải nhả ra.Tại sao ngay cả UBND Thành Phố cũng lúng túng? Nể nang hay ví chút uy quyền chằng chéo còn sót lại của ngài chủ tịch TP?
Nhà của dân khi cần thu hồi thì làm cái rụp là ra đi liền. Không trả thì cưỡng chế, có thế thôi hà cớ gì phải băn khoăn, họp bàn tới bàn lui cho mất thì giờ. Vậy mà ngài Bộ Trưởng Bộ Xây Dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng cho rằng như thế không phải là tham nhũng. Còn thế nào mới gọi là tham nhũng đây? Chẳng trách tham nhũng cứ cái đà này thì chỉ có thể tham thêm chứ không hy vọng gì bớt.

Ở những lô đất rừng được các quan lấy trồng cao su thế này vẫn còn dấu tích của những cây cổ thụ khi xưa bị chặt bỏ chỉ còn trơ gốc. Ảnh chụp tháng 10, 2014 tại rừng phòng hộ Tà Thiết, huyện Lộc Ninh)
Hãy nhìn ra nước ngoài
Tổng thống thứ 40 của Mỹ là Ronald Reagan trước khi nghỉ hưu vào năm 1989 đã phải đi tìm nhà ở cho mình. Trước đó ông sống trong dinh thống đốc tiểu bang California khi giữ cương vị này trong nhiều năm.
Còn người tiền nhiệm, tổng thống thứ 39 Jimmy Carter, khi mãn nhiệm đã chuyển về sống tại ngôi nhà mà ông mua trả góp từ năm 1960 khi còn làm cố vấn luật tại hãng chuyên kinh doanh đậu phộng của gia đình và cuối cùng trở thành chủ nhân thực sự của căn nhà.
Tổng thống thứ 42, Bill Clinton, danh tiếng lừng lẫy nhưng, cho đến lúc sắp về hưu không có nhà riêng và hai vợ chồng phải “thắt lưng buộc bụng” để gom đủ $1.7 triệu USD, tính ra tiền Việt vào lúc đó là khoảng 34 tỷ đồng, để mua một ngôi nhà tại thành phố nhỏ Chappaqua, tiểu bang New York.
Còn ở Anh, cứ ông nào lên làm thủ tướng thì dời về số 10 phố Downing ở thủ đô London. Hết nhiệm kỳ hoặc mất chức lập tức phải dọn đi. Có lần, thủ tướng mới dọn đồ về ở trong khi người tiền nhiệm còn đang tất bật chằng buộc chăn đệm, vali chuẩn bị rời đi.
Tội nghiệp các quan ở cơ quan quản lý!
Đó là chuyện ở nước ngoài, càng làm lớn người ta càng minh bạch và luôn đặt lòng tự trọng trước danh dự của mình. Nhìn thấy các quan chức nước người mà chán cho nước mình. Lòng tự trọng đi chơi vắng đâu mất tiêu rồi. Và các cơ quan quản lý nhà quan ở VN cũng mua lấy sự vất vả vào mình, nguyên cái việc chạy đi tìm nhà cho quan về hưu thuê đã mướt mồ hôi rồi còn làm được việc gì nữa. Gặp quan ủng oẳng như ông Nghiên nay chấp thuận nhà này, mai yêu cầu thuê chỗ khác mới chịu ở còn phải “điều đình, trao đổi” toát mồ hôi. Tội nghiệp! Dân è cổ đóng thuế nuôi các quan “vờn” nhau chơi.
Thật ra thì tại khu nhà công vụ của chính phủ ở nhiều nơi cũng đang gặp tình trạng “lùng bùng” như thế. Như khu Hoàng Cầu (ngõ 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, Hà Nội), có 59 cán bộ nghỉ hưu ở nhà công vụ, song chỉ 11 người làm thủ tục trả nhà. Thế cho nên dư luận đặt câu hỏi “Còn biết bao ông Nghiên, ông Truyền khác?.”
Đàn anh lì lợm nên đàn em “học hỏi.” Mới nhất lại là chuyện của Phó chủ tịch tỉnh lấn chiếm 400 m2 đất công và mới hơn là chuyện Tướng công an xây biệt thự lụi. Xin kể chuyện quan phó chủ tịch trước.
Vừa mới nghỉ hưu hồi tháng 11-2014 đã lấn chiếm đất công
Ông Hà Hòa Bình, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc mới nghỉ hưu từ 1-11-2014 vừa qua đã bị phát hiện lấn chiếm đất công gần 400 m2 và xây dựng biệt thự có tiếng ở Thành Phố Vĩnh Yên.
Đáng chú ý, tổ công tác cho biết quá trình lập hồ sơ xử lý đã gặp vướng mắc khi có 3 gia đình dân lấn chiếm ra khu vực đất của dự án, gồm: ông Phùng Quốc Huy lấn 27.6 m2; ông Nguyễn Trường Tiến lấn 53.6 m2; ông Hà Hòa Bình lấn 399.2 m2. Trường hợp ông Hà Hòa Bình (khu phố Vĩnh Thịnh 4, phường Tích Sơn) khiến người dân địa phương và chính quyền địa phương chú ý hơn cả, bởi ông Bình là phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa mới nghỉ hưu từ ngày 1-11 vừa qua.
Theo xác minh của UBND phường Tích Sơn, trên diện tích lấn chiếm gần 400 m2, gia đình ông Hà Hòa Bình đã cho xây dựng một lầu ngũ giác để ngắm cảnh, một dãy tường gạch kiên cố dài hàng trăm mét, nhiều cây cảnh… Khu nhà có tường gạch xây bao quanh đang trong giai đoạn hoàn thiện dài 112.32 m (cao 1.8m, có 42 trụ cao 2m), 2 trụ cổng có mái lợp ngói,…
Vụ này có nhiều chi tiết lằng nhằng giữa ba anh em ông phó chủ tịch. Nhưng tựu chung vẫn là sự lấn chiếm đất công.
Ông Nguyễn Duy Báu, Phó chủ tịch UBND Tích Sơn tiết lộ: “Khi triển khai dự án thì họ mới lấn chiếm. Do dự án không làm đồng loạt nên có khi họ tổ chức xây dựng lấn chiếm vào buổi trưa, buổi tối nên phường không ngăn chặn được hết.”
Rõ ràng ông Báu đã cố tình che giấu sự thật. Việc ông Bình công khai lấn đất công rồi xây dựng trên đất đã tách thửa rõ ràng là có sự thiếu trách nhiệm từ chính quyền và cơ quan chức năng ở TP Vĩnh Yên. Bởi công trình xây dựng lớn như thế, giữa thanh thiên bạch nhật như thế chứ có phải cây kim cọng chỉ trong bọc đâu mà khó thấy? Cần biết dân TP Vĩnh Yên chỉ cần đổ đống cát, vài trăm viên gạch sửa cái nhà dột cũng đã có cán bộ đến “hốt” ngay. Sau đó ông Bình lại đổ tội cho con trai làm chứ ông không hề biết. Rõ ràng là cả hai ông lớn đều quanh co đổ tội cho con, đúng là thứ chuyện khôi hài ấu trĩ, đáng xấu hổ
Đến tướng công an xây biệt thự lụi
Nguyên giám đốc Công an (vừa nghỉ hưu tháng 9-2014) tỉnh Quảng Nam là Thiếu tướng Phan Như Thạch từ khi đương chức đã xây biệt thự tráng lệ không phép ngay bìa rừng Nam Hải Vân nhưng không bị xử lý rốt ráo làm dân phẫn nộ. Người dân càng phẫn nộ hơn khi nhà của công nhân từng trồng rừng Nam Hải Vân (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) và người dân cơi nới thì bị các cơ quan chức năng buộc tháo dỡ, cấm xây dựng.
Khu biệt thự hoành tráng của tướng Thạch ở đường vào Suối Lương, rộng 17.750 m2. Khuôn viên biệt thự này được xây bờ tường cao ngút, bên trong công nhân đang thi công biệt thự, nhà rường, nhà cổ… cùng các kiến trúc khác. Khu vực biệt thự này được thi công nhiều năm nay nhưng vẫn chưa xong. Xe chở đất cát, gỗ, vật liệu xây dựng vẫn liên tục ra vào.
Đại tá Thái Thanh Hùng, đại biểu HĐND TP Đà Nẵng, Chủ tịch Hội Cựu Chiến Binh TP Đà Nẵng, nhận định: “Cái này nếu làm không xin phép thì phải xử lý theo pháp luật.” Ông Hùng cho biết tại khu vực của tướng Thạch xây dựng biệt thự có trường hợp ông Nguyễn Như Tiến chỉ làm nhà tranh thôi nhưng báo, đài lên tiếng rồi bị tháo dỡ. “Ông Tiến làm thế thì bắt tháo dỡ, còn giờ anh làm to thế mà không tháo dỡ.” Cũng theo ông Hùng, cử tri sẽ thắc mắc là họ lấy tiền đâu ra mà xây biệt thự to thế.
Chưa hết, ngoài khu đất biệt thự này, gia đình tướng Thạch mua gom giấy tay nhiều hecta đất lâm nghiệp từ các gia đình dân trồng rừng Nam Hải Vân, nằm gần Hạt kiểm lâm quận Liên Chiểu (thuộc Chi cục kiểm lâm TP Đà Nẵng).
Theo cơ quan chức năng quận Liên Chiểu thì khu đất này gia đình tướng Thạch bán lại cho đại gia tên Quang, chuyên khai thác vàng ở tỉnh Quảng Nam. Hiện khu đất này đã mọc lên một quần thể biệt thự, nhà sàn, nhà rường cổ… cùng các công trình nguy nga khác có giá trên 100 tỉ đồng. Quần thể này cũng bị cơ quan chức năng nhiều lần lập biên bản vì xây không phép, lấn đất rừng đặc dụng Nam Hải Vân.
Tuy nhiên, đến nay quần thể biệt thự đã được xây kín, tường rào bao quanh cao tới khoảng 3 m và bao bọc bởi dây thép gai như biệt phủ. Hiện hằng ngày có hàng chục công nhân cưa xẻ, đục đẽo, xây dựng, xe chở vật liệu nườm nượp ra vào. Cả quần thể biệt thự được xây dựng liên tục nhiều năm nay nhưng vẫn chưa xong, mọc lên tại khu vực dân còn nghèo khó khiến người dân choáng ngợp.
Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, cho biết: "Đã mời tướng Thạch làm việc nhiều lần!" nhưng cũng chẳng giải quyết được gì. Ngoài ra, theo ông phó chủ tịch quận thì vì tướng Thạch là em phó bí thư Đà Nẵng (?!)
Trong khi đó, ông Huỳnh Đức Thắng (Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất quận Liên Chiểu) khẳng định: “Hiện tại các hộ dân tại khu vực đó sử dụng đất nhưng không có hợp đồng giao đất, kể cả ông Thạch. Nếu là đất rừng thì phải cấp, giao đất còn trường hợp này là ông Thạch tự tung tự tác. Không có nhà nào là đất ở hết. Mà cũng không được cấp luôn. Chúng tôi không thể giải quyết cấp sổ được vì ở khu vực đó không có ai có hợp đồng giao đất hết. Đất ở đây từ trước đến nay không chuyển đổi, không cấp phép.”
Bất hợp tác, địa phương bó tay
Ông Nguyễn Xuân Hoài, Đội trưởng Đội Quy tắc đô thị quận Liên Chiểu, thì lắc đầu: “Khi chúng tôi đi kiểm tra nhà ông Thạch, thợ ở trong đó nhiều nhưng kêu cửa không ai mở. Gọi chỉ thấy có chó chạy ra thôi. Phường có lập biên bản, anh em chúng tôi hỗ trợ. Vô kiểm tra, nhà đó xây dựng không phép thì buộc phải tháo dỡ nhưng họ đâu có hợp tác. Họ không đưa bất cứ một giấy tờ gì, mời ổng lên làm việc nhiều lần nhưng cũng không được.”
Câu chuyện dài kiểu “nhân dân tự vận” này vẫn chưa có hồi kết. Chưa biết chính quyền địa phương sẽ giải quyết ra sao khi quan to về hưu nhưng còn vô số quyền hành “ngầm” đứng sau lưng. Thôi thì nhân dân ráng chờ vậy.
Tham nhũng đất đai không còn là chuyện lạ nhưng tham nhũng đất đai kiểu Bình Phước thì quả đúng là lạ, đáng được ghi vào kỉ lục Guiness.
Xà xẻo đất rừng ban phát cho quan chức
Qua hai ba đời chủ tịch, rừng tự nhiên của Bình Phước từ chỗ có tới 127.800ha đã tụt xuống còn 58.600ha hiện nay. Tức lá mất biến luôn quá nửa 69.200ha. Vậy đất “chạy” đi đàng nào?
Số là, năm bảy năm về trước, lãnh đạo ở địa phương này đã từng có nghị quyết hẳn hoi về việc ban phát đất rừng cho các quan chức cấp tỉnh. Thực chất đó là một sự chia chác, xẻ đất rừng cho cá nhân sử dụng, mà ở đây là rừng phòng hộ Tà Thiết (huyện Lộc Ninh) có vị trí đắc địa về mặt giao thông, nằm ven trục quốc lộ 13, cách thị xã Bình Long không xa. Toàn là những mảnh đất hái ra tiền.
Những ai được ưu ái đặc biệt như vậy?
Xin thưa, họ là những cán bộ cao cấp của tỉnh như viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, trưởng phòng tổ chức - hành chính Văn phòng UBND tỉnh, phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc VN tỉnh, trưởng Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, phó chánh Thanh tra tỉnh; là các cán bộ thuộc Tổ chức Tỉnh ủy, Công an tỉnh, Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh…
Họ không phải là đối tượng cần đất để mưu sinh như 8000 gia đình dân nghèo rớt mùng tơi của tỉnh đang khát đất như khát nước.
Kì lạ hơn, trong danh sách cấp phát còn có cả vợ con của lãnh đạo: vợ quyền chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, vợ giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường, vợ giám đốc, phó giám đốc Sở NN&PTNT, con nguyên chủ tịch UBND tỉnh…
Chả trách, trong vòng 10 năm, qua hai ba đời chủ tịch, rừng tự nhiên của Bình Phước từ chỗ có tới 127.800ha đã tụt xuống còn 58.600ha hiện nay.
Hơn một nửa diện tích rừng đã biến mất. Liệu cái nửa non còn lại còn tồn tại được bao lâu khi mà các vị lãnh đạo địa phương tiếp tục vin vào những “căn cứ pháp lý hai năm rõ mười” và tính “hợp hiến hợp pháp” kì lạ theo kiểu “phép vua thua lệ làng” để xà xẻo?
Còn nhiều chuyện “cướp đất kỳ lạ” hơn nữa, kỳ sau tôi tường thuật cùng bạn đọc.
Văn Quang (ngày 12 tháng 12, 2014)
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 12-2014- Xuất khẩu tiến sĩ Việt đi đâu?


Xuất khẩu tiến sĩ Việt đi đâu?
Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

Chuyện hai cha con ông nông dân Trấn Quốc Hải sửa chữa và chế tạo xe bọc thép thành công tại Campuchia được biệt đãi như chế độ của đại tướng quân thật sự. Ở VN gọi cha con ông là “Đại tướng quân hai lúa.” Chính phủ Campuchia đã tặng cho gia đình ông một biệt thự, một xe hơi trong những ngày lưu lại nước bạn. Không chỉ vậy, ông sẽ được tặng luôn với vườn xoài rộng 18 ha nếu chấp nhận sang Campuchia làm khoa học. (Tôi tường thuật chuyện này trong đoạn sau).
Chính vì thế trong mấy tuần vừa qua, ngoài dư luận ồn ào vì chuyện ngài cựu Tổng Thanh Tra Chính Phủ Trần Văn Truyền có hàng loạt cơ ngơi đồ sộ đang bị điều tra (chuyện này bỗng trở thành kiểu “chuyện dài nhân dân tự vận” sẽ còn nhiều pha hồi hộp gay cấn trong trong những ngày tháng sắp tới), một vấn đề đang rộ lên trên các báo tuần qua là xuất khẩu giáo sư, tiến sĩ.
Xin bạn nhớ cho, Việt Nam chúng tôi có khoảng 9,000 giáo sư và 24,300 tiến sĩ, nhiều nhất Đông Nam Á đấy nhá. Dư thừa giáo sư, tiến sĩ nhiều, cho nên tìm cách xuất khẩu cho đỡ phí.
Đó là một ý kiến chính đáng nhưng có phần mỉa mai. Bởi có nhiều vị tiến sĩ đang thất nghiệp hoặc làm tạm việc gì đó không phải của tiến sĩ. Vả lại ngoài một số vị tiến sĩ có bằng cấp thật lại có hàng loạt các vị tiến sĩ giả được gọi là tiến sĩ giấy. Kể cả một anh thợ mộc cũng có thể được “biến hóa” thành tiến sĩ, tôi đã từng đưa tin phó giáo sư Tiến Sĩ Đàm Khải Hoàn dạy tại trường Đại Học Thái Nguyên nhận “giúp đỡ” một người buôn gỗ lấy bằng tiến sĩ Y Khoa với giá 200 triệu đồng. Vì thế ở VN lại có thêm từ “tiến sĩ gỗ.” Dân gian chua chát lưu hành câu “thứ không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền.” Cũng có nhiều anh mua cái bằng chỉ để treo trong nhà cho nó “oách” hoặc làm mồi nhử một cô gái ngây thơ thích bằng cấp và thích có tí “danh gì với núi sông”… Tất nhiên có khá nhiều ông “làm việc nước” muốn thăng tiến cùng với “thăng tiền” mua cái bằng tiến sĩ hay thạc sĩ gì đó nộp vào hồ sơ. Mất 200 triệu chứ mất 2 tỉ hay hơn thế cũng còn lời chán. Nếu có bị đánh tham nhũng thì “hy sinh đời bố củng cố đời con” cũng vẫn còn lời – Tuy nhiên xin mở ngoặc là chuyện này khó xảy ra, xác suất là 1/1,000,000 như kiểu trúng số độc đắc vậy. Nói sơ sơ thế để các bạn hiểu rằng ở VN chúng tôi dân trí cao lắm (xin đừng nhầm là “cáo lắm” đấy). Cho nên không xuất khẩu thì để trang trí làm cảnh à? Nếu thực sự chỉ dùng để trang trí thì quả thực đất nước VN có thể xếp vào loại xa xỉ nhất thế giới khi sử dụng một nguồn lực khổng lồ như vậy chỉ để mà chơi và trang hoàng cho đẹp mắt.

Chiếc máy bay của ông Hải khi được thử nghiệm.

Các vị tiến sĩ thật đang làm gì?
Mất hàng tỉ tỉ đồng đào tạo ra các nhà tiến sĩ vậy VN có bao nhiêu vị có công trình nghiên cứu có giá trị?
Trung bình hàng năm Việt Nam có số lượng ấn phẩm khoa học được duyệt và đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế chỉ bằng 1/5 của Thái Lan và 1/10 của Singapore. Riêng trên tạp chí Nature, thì trong mười năm qua Việt Nam chỉ có 5 ấn phẩm khoa học trong nước được đăng trên tạp chí hàng đầu thế giới này. Đồng ý rằng, dân ta có nhiều người học TS chỉ để cho oai, vậy con số khoảng 9,000 GS, PGS với phân nửa số lượng TS đang là giảng viên đại học hay “nghiên cứu viên” tại VN đang làm gì và được dùng vào việc gì?
Theo ông Trần Đăng Tuấn trên VN Net: Ngân sách hàng năm dành cho nghiên cứu khoa học vốn đã rất khiêm tốn (chỉ chiếm 0.5% GDP) nhưng luôn bị cắt xén và thất thoát tại mỗi cấp. Nếu muốn được duyệt một đề tài nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước thì chi phí lobby đôi lúc lên đến vài chục phần trăm ngân sách đề tài. Công sức bỏ ra để hợp thức hóa số tiền bị cắt xén này hầu như chiếm gần hết thời gian của đơn vị nghiên cứu, khiến cho các sản phẩm đầu ra đều không đáng tin cậy hoặc ở dạng nửa vời.
Thật đáng buồn khi nhiều nhà nghiên cứu bỗng nhiên trở thành những nhà "chạy dự án" chuyên nghiệp. Việc xem các đề tại Nhà Nước như là một chiếc bánh cho nhiều cá nhân và đơn vị để cải thiện thu nhập khiến cho đất nước ta luôn vắng bóng những công trình tầm cỡ. Sự thiếu hụt các cơ chế giám sát, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong nghiên cứu khoa học được xem như nguyên nhân chính khiến cho phần lớn các kết quả đề tài không có tính ứng dụng trong thực tiễn nhưng vẫn được phê duyệt và nằm yên, bám bụi trên các giá sách vốn đã rất bụi tại các cơ quan nhà nước. Dù có thế nào thì cũng không ai phải chịu trách nhiệm.
Những người làm khoa học không chuyên thì sao? Sự cứng nhắc, rập khuôn và giáo điều của các cơ quan chức năng cộng với tính sính ngoại và tự coi thường khả năng, trí tuệ của chính người nhà mình đã khiến cho bao nhiêu nông dân và kể cả doanh nhân phải ngửa mặt kêu Trời.
Thời Hoàng Đế Lê Thánh Tông, nước Đại Việt của chúng ta có thể được xem là hùng cường bậc nhất trong lịch sử Phong Kiến. Có lẽ ý thức được nguyên tắc "hiền tài là nguyên khí Quốc gia" nên nhà Vua đã tạo dựng được một triều đại huy hoàng đến vậy. Tuy đời sau ít nhiều thấm nhuần tư tưởng này nhưng chưa ai làm được những gì mà "Vị Hoàng Đế mở cõi" này đã làm. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo tôi cũng giống như ngày nay, cái quan trọng nhất không phải chúng ta không muốn sử dụng nhân tài mà là chúng ta không có khả năng sử dụng họ.


Xe bọc thép “Made by ông Hải” dẫn đầu đoàn xe bọc thép trong lễ kỷ niệm 25 năm thành lập lữ đoàn 70 của Campuchia.
Bố ai dám nhập mấy ông này!
Người dân đã quá chán với những vị tiến sĩ “dỏm.” Nhiều câu chuyện dân gian kể trên các trang báo. Có những vị tiến sĩ cả đời chẳng đọc một cuốn sách, chẳng nghiên cứu gì, ngoại ngữ thì viết mấy chữ cám ơn, lời chào bằng tiếng Anh còn sai be bét, đi nước ngoài hỏi đường bằng cách ra hiệu, tay chân cứ “múa loạn xạ cả lên, như lên đồng.” Khi chúng tôi ngồi tán chuyện, nói về nhân vật "Tào Tháo" trong "Tam Quốc,” thì có vị "tiến sĩ" nghe lỏm cũng gật gù: cái nền văn học Pháp hay thật. Cha mẹ ơi! sao mà cười "ra nước mắt.” Bố ai dám nhập mấy ông này!
Các bác sĩ của ta đi làm chuyên gia cũng nhiều, rồi đến y tá, nông dân cũng đi xuất khẩu được để hướng dẫn trồng cây, v.v. Nông dân sáng chế ra máy bóc lạc, máy đào đất... Còn mấy “ổng tiến sĩ” đó, nghe đâu thường làm ở các cơ quan, đoàn thể thì phải!
Bây giờ lại nghĩ đến xưa, thật xót cho cụ Trần Tế Xương sống ở cái thời “sự học chán lắm rồi,” cho nên lận đận về con đường “khoa cử.” Bây giờ thì cụ đã đỗ “tiến sĩ” từ lâu, chẳng phải vất vả thế! Cụ có biết không? bây giờ họ "phù phép" biến người buôn gỗ thành tiến sĩ y khoa đấy! Đến "Tôn Hành Giả" cũng phải bó tay.
Nông dân còn xuất khẩu được, tiến sĩ chẳng lẽ không?
Nhưng vấn đề là ở chỗ, ai nhập giáo sư, tiến sĩ Việt Nam? Mỹ ư! Xin thưa, có. Nhưng muốn Mỹ nhập khẩu thì giáo sư phải cỡ như Ngô Bảo Châu và Đàm Thanh Sơn, Lê Tự Quốc Thắng. Mà giáo sư cỡ này thì Việt Nam đếm đầu ngón tay. Nói đúng hơn, không phải các giáo sư này do Việt Nam đào tạo, mà chính họ đào tạo rồi giữ lại dùng. Chúng ta cứ tự nói với thiên hạ rằng, Việt Nam xuất khẩu các giáo sư đó cho nó oai thôi.
Người giỏi thì tất sẽ có nhiều lời mời, nhiều kế hoạch, dự định, làm không hết việc. Việt Nam có nhiều doanh nghiệp, đơn vị cần người giỏi, trọng người tài, thậm chí có những doanh nghiệp phải bỏ nhiều tiền để thuê chuyên gia nước ngoài. Nếu có người Việt Nam tài giỏi thật, việc gì họ không mời. Đã giỏi thì không thể thất nghiệp. Tất nhiên, vẫn có những trường hợp tài thật nhưng không may mắn.
Cho nên, cứ nói xuất khẩu giáo sư, tiến sĩ cho vui. Người có thực lực đã tự tìm cho mình con đường mà chẳng cần ai phải kêu gọi, chẳng cần tham gia phong trào “xuất khẩu.” Còn người bất tài, trong nước còn không ai muốn nhận - trừ những cơ quan với những công việc không cần chất xám - thì có xuất cũng không ai dám thuê, hoặc nhỡ có ai đó lỡ thuê thì chính họ cũng không dám đi. Ở trong nước còn nói xạo được, ra nước ngoài lộ ngay.
Đấy là chuyện xuất khẩu tiến sĩ của VN hiện nay. Nhưng không “xuất” tiến sĩ được mà có ông nông dân lại được nước bạn long trọng mời sang làm với những ưu đãi hết sức đặc biệt. Đó là một trường hợp rất đặc biệt của cha con ông “hai lúa.”
Những điều đặc biệt về cha con ông nông dân Trần Quốc Hải
Mọi người VN đều hãnh diện vui mừng trước cái tin “nhà khoa học nông dân” dậy sóng trên khắp các cơ quan truyền thông từ trong nước đến nước ngoài. Chắc chắn nhiều bạn đọc đã biết tin này. Ở đây tôi nêu lên vài điều đặc biệt về hai cha con ông hai lúa này.
Ông Trần Quốc Hải ở tại xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. Lý do ông sang Campuchia là nhà ông ở gần biên giới nên nhiều lần ông qua Campuchia để chuyển giao công nghệ cơ giới hóa cây mỳ tại đơn vị quân đội – Lữ đoàn 70 của Campuchia.
Phía lữ đoàn nghe rất thích nhưng không tin rằng một người chuyên làm máy nông nghiệp lại có thể sửa chữa được khí tài quân sự vốn phức tạp hơn rất nhiều. Bởi trước đây cũng có nhiều chuyên gia từ Nga, Ukraina và Việt Nam sang sửa chữa rồi.
Ông Hải kể lại khởi đầu của hành trình trở thành nhà khoa học quân sự của nhà nước Campuchia. Ông nói:
“Vấn đề Nga hay Ukraina tui không quan tâm. Nhưng, họ phàn nàn chuyên viên Việt Nam sửa xong vừa quay lưng đi là xe lại hỏng là tui rất tự ái.” Đó là lòng tự ái dân tộc.
Sau khi xem qua một số bộ phận của xe ông Hải khẳng định chắc như đinh đóng cột là mình sửa được. Thể hiện rõ quyết tâm trước sự ngờ vực về năng lực và khả năng thành công của "phi vụ" này từ phía bạn, ông Hải bỏ hẳn tiền túi $25,000 USD để sửa chữa. Với ông đây còn hơn cả canh bạc. Thua bạc thì chỉ mất tiền thôi, còn ở đây là lòng tự ái dân tộc bị tổn thương.”
Thành công khiến toàn thể sĩ quan cao cấp sững sờ
Ông Hải cũng đề nghị muốn sử dụng tốt ở Campuchia thì phải có nhiều cải tiến như sử dụng động cơ diesel, thay đổi một số tính năng của xe. Được sự đồng ý của Bộ Quốc Phòng Campuchia, hai cha con ông Hải bắt tay vào sửa chữa.
Kết quả ngoài cả mong đợi của lữ đoàn 70, sau 15 ngày làm việc cật lực, ông Hải làm chiếc xe chạy ro ro chẳng khác gì hàng mới. Chiếc xe bọc thép BRDM – 2 (do Liên Xô cũ sản xuất) chỉ tiêu tốn 25 lít dầu/100km thay vì 45 lít như trước đây. Xe tác xạ nhanh hơn, cơ động hơn, hỏa lực mạnh hơn, súng có thể bắn ở cự ly hơn 7m so với cự ly trên 150m trước đây, tháp pháo tự động.
Hết sức ngạc nhiên trước kỳ tích này của cha con ông Hải, lữ đoàn 70 đề nghị ông Hải tiếp tục sửa chữa toàn bộ xe bọc thép BRMD – 2 và BTR60PB. Sau khi nâng cấp, sửa chữa được 11 chiếc, phía Campuchia lại thách thức ông Hải chế tạo hẳn chiếc bọc thép mới phù hợp với đặc thù nước này.
Sau bốn tháng làm việc cùng một số cộng sự, chiếc xe bọc thép “made by ông Hải” ra đời với chi phí hơn $200,000 USD.
Ông Trần Quốc Hải được phong tặng bằng khen và công nhận là nhà khoa học quân sự. Con trai Trần Quốc Thanh được gọi là kỹ sư quân sự. Trong lễ kỷ niệm của lữ đoàn 70, hai cha con ông kỹ sư “hai lúa” được Quốc Vương Campuchia tặng huân chương Đại Tướng Quân. Như trên tôi đã kể chính phủ Campuchia còn tặng cho gia đình ông một biệt thự, một xe hơi trong những ngày lưu lại nước bạn. Không chỉ vậy, ông sẽ được tặng luôn với vườn xoài rộng 18 ha nếu chấp nhận sang Campuchia làm khoa học. Mọi việc ăn uống, sinh hoạt của gia đình đều có người phục vụ, đúng theo tiêu chuẩn “cấp tướng” và cho phép ông nhập quốc tịch Campuchia bất cứ lúc nào.
Kỹ sư hai lúa còn chế tạo cả máy bay trực thăng
Ông Hải tâm sự với phóng viên Quốc Anh: Vùng quê Tây Ninh vốn rất nhiều mỳ. Ông muốn năng suất canh tác tăng lên mà bà con đỡ khổ, trong vòng 5 năm ông đã hoàn thành quy trình cho cây mỳ, từ máy trồng mỳ, làm cỏ, phun thuốc, nhổ mỳ… Ông so sánh, “Việc sáng chế ra quy trình trồng mỳ còn khó hơn cả xe bọc thép. Đơn cử, tôi làm xe bọc thép mất 4 tháng trong khi đó quy trình cho cây mỳ hết 5 năm.” Bên cạnh đó, rất nhiều máy móc khác như máy hút lá cao su, máy phun thuốc cao su,… được ứng dụng trong nước mà còn đi cả nước ngoài.
Ông Hải cho biết, “Tới đây phía Campuchia yêu cầu ông làm hai chiếc xe nữa là xe bọc thép 6 bánh lội nước và xe 8 bánh có thể gắn hỏa tiễn bắn xa 45km. Người ta tin tưởng và yêu cầu thì mình mới có cơ hội cống hiến.”
Thật ra không phải bây giờ dư luận mới xôn xao về những sáng tạo của cha con ông Hải. Cách đây hơn 10 năm ông đã sáng chế ra chiếc trực thăng nặng 900kg. Sau đó, một bảo tàng viện của Mỹ đã mua chiếc trực thăng về trưng bày. Trong suốt những năm qua, ông vẫn miệt mài sáng tạo phục vụ cho việc cơ giới hóa ngành nông nghiệp đất nước.
Chiếc máy bay đầu tay có lẽ chưa phải là sự thỏa mãn như ý, hai năm sau, ông bắt tay ngay vào công việc của chính mình. Chỉ 6 tháng, chiếc máy bay trực thăng thứ hai đã được ông chế tạo hoàn chỉnh, chỉ nặng 680kg, dài 11m, rộng 2.3m, cao 3.5m, động cơ mới có mức tiêu hao nhiên liệu 60 lít/8 giờ, vận tốc đạt 150km/giờ. Giá thành của chiếc máy bay trực thăng này chỉ bằng một chiếc xe hơi du lịch lắp ráp. ông Trần Quốc Hải cho biết: Ông còn tiếp tục chế tạo thêm chiếc máy bay trực thăng thứ ba của mình và đang chờ thời điểm tốt nhất để cất cánh. Điều tôi quan tâm nhất lúc này là sẽ ứng dụng thành công nhiều chiếc máy bay mới vào trong lĩnh vực nông nghiệp. Tôi hy vọng, đây sẽ là công trình tốt nhất để cho các bạn sinh viên có tâm huyết cao trong vấn đề nghiên cứu ứng dụng học tập.”
Để kết luận cho bài này, mời bạn đọc một đoạn trong thư của một độc giả gửi ông “hai lúa” để hiểu rõ hơn tâm trạng của người dân Việt.
Thư của Blogger Dân Trí gửi “tướng quân” Trần Quốc Hải!
“Ông Trần Quốc Hải kính mến!
Trước hết, tôi xin lỗi ông về sự đường đột này. Nói đường đột bởi tôi với ông ở hai đầu đất nước, vốn lại chẳng quen biết nên viết thư cho nhau là sự đường đột vậy.
Nhưng tôi quyết định viết bức thư này trước hết là để chúc mừng ông, một con người tài trí và đam mê công việc, song không được trọng dụng giờ đây đã tìm được miếng đất dụng võ cho mình. (bởi ở VN ông không được trọng dụng)
Mà kẻ sĩ xưa nay đều vậy cả. Hay thì ở, dở thì đi, nơi nào tin dùng thì đến. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, chả ai lại cam tâm dài cổ đợi dù ông cũng đã “dài cổ” nhiều năm.
Nhưng suy cho cùng, ông không được trọng dụng là có cái lý của nó, là “phải đạo” thôi ông Hải ạ.
Phải vì ông chỉ là “anh hai lúa,” không bằng cấp chuyên môn, tức là xin lỗi ông, nói theo ngôn ngữ dân gian là “vô học.”
Mà một nông dân “vô học” lại đòi chế tạo máy bay thì khác gì “cái gai” trong mắt các nhà khoa học mũ cao, áo dài, các giáo sư tiến sĩ bằng cao, chức lớn?
Nó càng “cay đắng” hơn, ông làm “ngượng mặt” gần một vạn “nhà khoa học” với đủ mọi phẩm cấp nhưng hàng năm trời không có nổi một vài bài báo in trên các tạp chí khoa học lớn của thế giới?
Khi mà biết bao nhiêu những “đề tài khoa học” cấp Nhà Nước với chi phí hàng tỉ đồng ngân sách làm xong chỉ có một việc duy nhất là… nhét vào ngăn kéo. Không, có lẽ số đó đến thời điểm này không còn là “ngăn kéo” mà có thể hàng kho.
Càng xót ruột hơn, khi những tờ giấy đang trắng bị đem “bôi mực” đó lại không thể bán cho đồng nát vì nó “mang danh” là công trình khoa học!
Ông không được trọng dụng cũng phải thôi vì ví dụ nếu ông làm ra cái máy đó chỉ mất 100 triệu đồng (giả sử thế) mà các nhà khoa học kỹ thuật dùng ngân sách nhà nước lại làm ra cỗ máy tương tự hết có… 1 tỉ đồng thì hỏi 900 triệu đồng kia nó đi đâu? Làm thế, khác gì ông làm lộ cái “bí mật” mang tên “xà xẻo” bởi ở ta, đã từng có không ít những dự án coi nguồn ngân sách cấp cho nghiên cứu là “chùm khế ngọt” luôn bị “trèo hái mỗi ngày”…
Có thể còn nhiều, rất nhiều lý do nữa nhưng không thể không kể đến một lý do, việc công nhận ông, tức là xếp ông, một lão hai lúa “vô học” được “cùng chiếu” với các vị mũ cao áo dài là sự xúc phạm không thể tha thứ ở ta hiện nay, khi bằng cấp là vật trang trí, thậm chí ngụy trang để làm điều khuất tất.
Dẫu biết rằng trong lịch sử khoa học kỹ thuật thế giới, nhà sáng chế lừng danh Edison cũng là người… “vô học.” Nhưng đó là chuyện bên Mỹ, không phải chuyện ở Việt Nam… Một lần nữa, cầu mong cho ông tiếp tục thành công trên con đường khoa học kỹ thuật vốn chông gai này. Còn nếu như không được “phục vụ dân mình, đất nước mình” thì ông cũng có niềm an ủi là cống hiến cho nhân loại bởi khoa học không có biên giới, phải không ông?
Trân trọng!
Bùi Hoàng Tám”
Sự thật ở VN xuất cảng tiến sĩ thì vắng nhưng con gái nhà quê xuất cảng là nhiều nhất. Thí dụ như xã Đại Hợp, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng ngày nay nhiều người dân vẫn gọi đây là "mảnh đất xuất khẩu cô dâu" bởi một xã vỏn vẹn 12 ngàn dân nhưng có tới 900 cô gái đi lấy chồng nước ngoài. Làn sóng xuất khẩu ồ ạt này dẫn đến hệ lụy trai làng rơi vào cảnh ế ẩm, kéo đến Ủy Ban Nhân Dân “bắt đền.” Nhìn cảnh các cô gái quê đứng cho đàn ông nước ngoài chọn vợ diễn ra liên tục thật đáng xấu hổ. Trong một kỳ khác tôi sẽ bàn đến vấn đề này.
Văn Quang (ngày 5 tháng 12, 2014)
Continue Reading... Nhãn:


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors