Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 10/09/2014 -Một kiểu bần cùng hóa nhân dân


Một kiểu bần cùng hóa nhân dân
Văn Quang – Viết Từ Sài Gòn

Chuyện ruộng đất bị kiện tụng tơi bời hoa lá ở VN đã là chuyện “thường tình.” Cả làng cả xã kéo nhau đi kiện từ huyện đến tỉnh cũng là chuyện không hiếm. Còn giải quyết ra sao là tùy nơi tùy chỗ, có khi “kiện củ khoai” dai dẳng chưa có hồi kết.
Gần đây nhất, sự việc người dân xã Tân Phước thuộc tỉnh Bình Phước đang bị thu hồi đất là một minh chứng rõ ràng nhất cho sự thu hồi đất theo kiểu bần cùng hóa người dân.
Người dân thuộc 5 xã nằm trong vùng quy hoạch dự án khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ Đồng Phú có diện tích 14,531 héc ta được tỉnh Bình Phước lập dự thảo xây dựng. Hơn một tháng qua, khi tỉnh Bình Phước đưa ra lấy ý kiến của nhân dân về dự thảo, hàng ngàn gia đình dân đang hoang mang lo lắng trước nguy cơ trắng tay vì mất đất. Mời bạn đọc nhìn lại toàn bộ sự việc này để thấy được nỗi đau của người nông dân trước âm mưu bị tước đoạt mồ hôi nước mắt một cách trắng trợn.

Những người bán ve chai ở Hà Nội đầu năm nay. (Getty Images)
Đổ mồ hôi xối nước mắt khai phá đất rồi bị quy thành kẻ có tội
"Là người có công khai phá đất hoang nhưng chúng tôi bị quy thành những kẻ lấn chiếm đất rồi áp mức giá “hỗ trợ” rẻ mạt.
Đó là ý kiến chung của người dân thuộc 5 xã nằm trong vùng quy hoạch dự án khu Đô thị - Công nghiệp - Dịch vụ Đồng Phú.
Ông Hứa Văn Thi (ấp Nam Đô, xã Tân Phước) cho biết, đất trong khu vực bị thu hồi là đất đỏ ba-zan rất màu mỡ, với mức giá thị trường hiện nay mỗi héc ta có giá từ 600 đến 700 triệu đồng ($33,000). Tuy nhiên, người có tiền chưa hẳn đã mua được đất bởi lẽ từ nhiều năm qua bà con đã bỏ vốn đầu tư trồng các loại cây công nghiệp lâu năm như cao su, điều, cà phê, tiêu đang cho thu hoạch. “Sau khi trừ các chi phí, mỗi năm chúng tôi có thể thu lợi trung bình 200 triệu đồng ($9,400) từ thành quả lao động của mình trên 1 héc ta cây công nghiệp.” Hiệu quả từ đất sản xuất còn mang lại nhiều nguồn lợi lớn cho các gia đình có hướng đầu tư kinh doanh hiện đại.
Ông Dụng Quý Đông (ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng) cho biết, “Gia đình tôi đã vay mượn hơn 10 tỷ đồng để xây dựng trang trại cây ăn quả, diện tích 16 héc ta với các giống cây: sầu riêng, quyết đường, bơ sáp Mỹ,à theo mô hình trạng trại của Thái Lan. Hiện các loại cây trên đã bắt đầu cho thu hoạch với nguồn lợi hàng tỷ đồng một vụ. Riêng tiền thuế mỗi năm trang trại của gia đình đóng vào ngân sách tỉnh Bình Phước khoảng 300 triệu đồng ($14,000).
Tuy nhiên, để định hình được một mô hình kinh tế ổn định, hầu hết người dân đã phải trải nghiệm với nhiều lần thay đổi các giống cây trồng. Vì thế, khi lợi nhuận từ mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao chưa đủ để chi trả những khoản vay phục vụ đầu tư phát triển thì các hộ dân không khỏi bàng hoàng vì đứng trước nguy cơ mất đất. “Nếu đất bị thu hồi đồng nghĩa với việc người dân chúng tôi phải làm lại từ đầu. Song, để cây công nghiệp cho thu hoạch không phải ngày mốt ngày hai, diện tích đất và khoản tiền hỗ trợ không đủ để tái sản xuất.”
Lý luận của kẻ mạnh: Hỗ trợ 10% đến 35% là đã cao
Chiều 25/9 vừa qua, UBND tỉnh Bình Phước tổ chức cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội trong 9 tháng của năm 2014, ông Nguyễn Thành Chương, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú cho rằng: “Đất bị lấn chiếm hay giao khoán cho dân cũng là đất nhà nước nên chỉ hỗ trợ một phần đất và cây trồng trên đất. Mức hỗ trợ từ 10% đến 35% đang là dự kiến, nhưng nếu quy ra tiền so với giá đất hiện tại thì người dân cũng được khoảng 60 triệu đồng mỗi héc ta là đã cao. Còn việc cấp sổ đỏ cho dân là đúng, nhưng phần nhiều do… cấp sai nên chúng tôi tính toán lại(?!).”
Sau phát ngôn của ông Nguyễn Thành Chương, người dân trong khu vực đất có nguy cơ bị giải tỏa cho rằng, dù là dự thảo nhưng UBND tỉnh Bình Phước đưa ra mức hỗ trợ dân theo kiểu bần cùng hóa. Là người có công khai phá đất hoang nhưng chúng tôi bị quy thành những kẻ lấn chiếm đất công rồi áp mức giá “hỗ trợ” rẻ mạt.
Giá của 1 hecta ruộng là 600 triệu đồng đến 700 triệu đồng mà chỉ đền bù khoảng 60 triệu ($2,800) là chưa bằng 1/10. Đấy chưa nói đế công lao đổ mồ hôi sôi nước mắt khai hoang, trồng các loại cây, chăm bón sớm khuya đến ngày cho trái. Công lao cả đời người đến nay bị mất trắng, còn gì đau lòng hơn.
Đã có 8 khu công nghiệp hoạt động không hiệu quả rồi, lập thêm làm gì?
Chưa biết lập ra các khu công nghiệp hay đô thị mới có mang lại lợi ích gì cho đất nước hay chính các quan chức là người hưởng lợi trước tiên về nhiều mặt. Có hàng trăm thứ cho các quan tha hồ “cấp phép, xin cho” đụng vào đâu cũng ra tiền. Chính vì lẽ đó nên các quan mới hăng hái “xông pha” thực hiện “quy hoạch,” thu đất của dân bằng mọi cách, bất kể sự đau khổ của họ.
Sau nhiều lần đối thoại trực tiếp với lãnh đạo UBND huyện Đồng Phú và UBND tỉnh Bình Phước nhưng không không mang lại kết quả, người dân tại 5 xã có đất trong diện tích “dự kiến bị thu hồi” đã cử đại diện của mình gửi bản đề nghị lên UBND tỉnh. Bà con cho rằng, hiện trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp nhưng hoạt động không hiệu quả, phần lớn diện tích đất đang bị bỏ hoang cho cỏ mọc gây lãng phí lớn. Do đó “Việc thu hồi đất thực hiện dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp nhân dân không đồng ý.”
Lý sự cùn
Ông chủ tịch nói lòng vòng, dài dòng nhưng tóm lại ông chỉ muốn cho dân biết “đất nào cũng là đất của nhà nước, chúng tôi đền bù cho các anh đã là may rồi, đừng có đòi hỏi gì nữa.” Còn chuyện ông giải thích về cái sổ đỏ mới là kỳ cục. Ông nói “cấp sổ đỏ phần nhiều do cấp sai nên chúng tôi tính toán lại.” Ai cấp sai? Vậy thì tất cả những người dân có sổ đỏ đều giật mình thon thót, chỉ sợ lúc nào đó, ông chính quyền muốn lấy lại chỉ cần nói cấp sai là lấy lại, nhà cửa ruộng đất sẽ không cánh mà bay về với ông nhà nước. Câu trả lời vừa gượng gạo theo kiểu “lý sự cùn,” nghe chối tai như thế mà ngài chủ tịch cũng nói được trước nhân dân.
Khẳng định, diện tích đất canh tác hiện tại là do chính bàn tay mình đã khai hoang từ những thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước, người dân đề nghị tỉnh Bình Phước nhanh chóng cấp quyền sử dụng đất cho dân. Hãy nhìn đến sự khổ cực của họ khi đến khai phá đất hoang như thế nào.
Ít nhất đã có 5% người chết vì khai hoang giữa rừng thiêng nước độc
Người dân cho rằng, tỉnh Bình Phước lập dự án “khủng” tiến hành quy hoạch, “rục rịch” phương án thu hồi đất nhưng chính sách bồi thường cho dân không thỏa đáng.
Ông Phan Đề (xã Tân Hưng, huyện Đồng Phú) một trong những người dân nằm trong vùng giải tỏa của khu quy hoạch dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp Đồng Phú trong cuộc đối thoại với ông Nguyễn Huy Phong, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước (ngày 23/9) đã bày tỏ:
Sau cuộc chiến tranh dài, những người dân lại đi theo tiếng gọi tham gia đẩy lùi giặc đói, giặc dốt trong đó có gia đình tôi. Những năm sau năm 1975, khu vực tại huyện Đồng Phú còn như một cánh rừng, nhà nước kêu gọi người dân khai hoang, vỡ đất để phát triển kinh tế. Mỗi người được phát một con dao, một cái cuốc hoặc cái búa, làm việc quần quật cả ngày đào gốc cây, bứng gốc nứa nhưng cũng chỉ khai vỡ được vài mét vuông đất.
Giữa chốn rừng thiêng nước độc, chúng tôi phải chịu cảnh đói khát và những cơn sốt rét hành hạ. Nhưng chưa dừng lại ở đó, bom mìn còn sót lại trong cuộc chiến khốc liệt quanh Chiến khu D (thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, giáp ranh huyện Đồng Phú, Bình Phước) khiến ít nhất 5% trong số những người đi khẩn hoang như chúng tôi phải nằm xuống giữa thời bình. Mồ hôi xương máu của họ đã đổ xuống, để hôm nay cây trái mới được xanh tươi và con cháu mới bắt đầu được hưởng thành quả lao động thì ông nhà nước đòi lại.
Từ đó đến trước khi dự án khu Đô thị - Dịch vụ - Công nghiệp ra đời, chưa ai là người nói chúng tôi chiếm đất lâm trường. Và trên thực tế, người dân chúng tôi cũng không biết ranh giới của đất lâm trường là ở đâu. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, công sức của mình bỏ ra thì lẽ đương nhiên mình có quyền được hưởng thành quả. Đất bà con chúng tôi đang canh tác là nhờ mồ hôi xương máu mà có, chúng tôi không xâm canh, không lấn chiếm của ai hết, đừng có vu oan giá họa trắng trợn như thế.
Lập ấp, đo đất cấp sổ rồi... thu hồi?
Dẫn chứng cho thực tế được pháp luật thừa nhận đã diễn ra, ông Dụng Quý Đông, xã Tân Hưng cho biết, nếu đất của chúng tôi là đất xâm chiếm bất hợp pháp vậy tại sao lại có số nhà, có trường học, nhà văn hóa ấp... thành lập ngay trên mảnh đất này? Tại sao chính quyền vẫn thu thuế của dân đều đặn? Hàng trăm giấy khen của tỉnh Bình Phước về gương nông dân sản xuất giỏi không lẽ đã cấp cho những người vi phạm pháp luật của Nhà nước? Từ người có công khai phá, chúng tôi đang mang tiếng oan là kẻ đi lấn chiếm đất của lâm trường.
Bên cạnh các vấn đề trên, ông Hồ Quốc Hưng (ấp Pa Pếch) cho biết, tháng 10/2011 người dân chúng tôi vui mừng không xiết khi chính quyền địa phương tiến hành đo đạc cắm mốc ranh giới và lập “Danh sách công khai trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại xã Tân Hưng” cho 924 phần đất.
Tuy nhiên, sau đó chỉ một số rất ít gia đình trong xã được nhận sổ. Cần có sổ để thế chấp vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, chúng tôi liên hệ với Sở Tài nguyên Môi trường, trên danh sách vẫn có tên được cấp sổ nhưng xin nhận sổ thì họ không cho và cũng không giải thích lý do.
Đến ngày 25/10/2013, người dân huyện Đồng Phú chúng tôi chết lặng khi UBND tỉnh ra quyết định số 1981 QĐ-UBND thu hồi toàn bộ đất đai của chúng tôi để quy hoạch dự án. Đến lúc này thì người có sổ cũng như chưa có sổ, chúng tôi trở thành những kẻ vô gia cư trên chính mảnh đất gia đình đã bỏ công khai phá. Chúng tôi chỉ còn cách thất nghiệp đứng đường.
Sự vô lý quá bất công và tàn nhẫn này phải nhanh chóng được giải quyết. Đừng để người dân phải điêu đứng vì những cái “dự thảo, dư kiến” mơ hồ này.
Không chỉ ở nông thôn người dân phải long đong vì cái quyền sử dụng đất, quyền có nhà ở (tức là cái sổ đỏ) mà ở ngay thành phố Hà Nội cũng có những cảnh phải nộp đủ thứ tiền mới có sổ đỏ.
Hà Nội: Đổi sổ hộ khẩu mới, dân bị xã phạt tứ tung
Người dân thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương (Huyện Thanh Oai, Hà Nội) đang tỏ ra rất bất bình vì bị chính quyền xã “hoạnh họe” đủ mọi lỗi khi đổi sổ hộ khẩu cũ sang hộ khẩu mới, mỗi lỗi sai bị phạt 100,000 đồng ($4.70).
UBND xã Hồng Dương có thông báo về việc yêu cầu nhân dân mang sổ hộ khẩu cũ (bìa màu xanh) đến trụ sở xã để đổi lấy số hộ khẩu mới (bìa màu hồng), thủ tục giấy tờ đi đổi sổ, xã yêu cầu bà con phải mang theo 3 loại giấy tờ: sổ hộ khẩu cũ, giấy khai sinh, chứng minh thư nhân dân.
Trong thời gian cán bộ xã đối chiếu 3 loại giấy tờ trên mà các thông tin không khớp nhau hoặc không khớp với sổ hộ khẩu cũ (gốc) của UBND xã lưu trước đây đều bị coi là “lỗi” của dân và cứ 1 lỗi, cán bộ xã lại “phạt” 100,000 đồng. Vậy là, nhà nào nhiều người càng dễ sai nhiều, càng bị cán bộ xã “phạt” nhiều. Có gia đình phải mất tới gần 1 triệu đồng ($47) mới đổi được sổ hộ khẩu mới.
Điều khiến người dân nơi đây bực mình là họ không tự tay ghi thông tin vào những loại giấy tờ đó. Các giấy tờ đó đều do chính quyền địa phương làm và cấp, nếu thông tin sai là do cán bộ viết sai, tại sao giờ cán bộ lại quy lỗi sai cho dân và phạt dân?
Bà Hoàng Thị Yên (58 tuổi, ở thôn Tảo Dương) cho biết, “Tôi thấy xã thông báo là đi đổi sổ hộ khẩu mới vì giờ về Hà Nội rồi. Khi lên xã tôi có mang theo sổ cũ màu xanh, giấy khai sinh và chứng minh thư. Ba loại giấy tờ này của tôi đều chính xác hết, nhưng khi cán bộ so với sổ hộ khẩu cũ mà xã lưu thì lại không khớp. Sổ cũ xã lưu phần ghi ngày – tháng - năm sinh chủ nhà lại thiếu ngày, chỉ có tháng và năm thôi. Cán bộ bảo đấy là lỗi và bảo phải mất 100,000 đồng; cộng thêm 50,000 đồng tiền đổi sổ nữa là 150,000 đồng. Khi tôi thắc mắc, cán bộ bảo nếu không làm thì lên huyện, vì ở đây cũng chỉ làm hộ huyện. Vậy là tôi cũng đành chịu.”
Cũng bị cán bộ xã “phạt” lỗi như bà Yên, nhưng bà Phạm Thị Yến (64 tuổi) còn bị phạt thêm một “lỗi” nữa là chồng bà Yến đứng tên chủ hộ khẩu, nay đã qua đời. Muốn “xóa” tên khỏi sổ này phải mất thêm 100,000 đồng. Vậy là bà Yến phải mất 250,000 đồng.
Một hoàn cảnh khác là anh Trần Đức Thắng (38 tuổi) - một gia đình nghèo đặc biệt khó khăn của thôn Tảo Dương - vì người vợ mới mất cách đây 2 năm, xóa tên khỏi sổ hộ khẩu mới cũng phải mất thêm 100,000 đồng.
Chị Nguyễn Khánh Minh - người địa phương này - cho biết, “Tên bên ngoài sổ hộ khẩu cũ nhà em là Nguyễn Khanh Minh, nhưng trang trong lại ghi là Nguyễn Khánh Minh. Thế là cán bộ xã cho 1 lỗi và mất 100,000 đồng, cộng với 50,000 đồng tiền đổi sổ nữa, tổng cộng mất 150,000 đồng.”
Bị phạt thuộc dạng nhiều nhất có bà Nguyễn Thị Mai (49 tuổi) ở thôn Tảo Dương, do giấy tờ của gia đình bà mắc quá nhiều “lỗi” nên gia đình bà phải mất tới 800,000 đồng mới được đổi sổ.
Ông Nguyễn Đình Bàng - trưởng thôn Tảo Dương - khẳng định sự việc bà con đi đổi sổ hộ khẩu cũ sang sổ hộ khẩu mới phải mất những khoản phạt nói trên là có thật.
Cứ một lỗi sai nhân với “đơn giá” 100,000 đồng ($4.70), số tiền xã thu về không hề nhỏ, bởi thôn Tảo Dương có hơn 600 gia đình tương đương với hơn 2,800 người.
Sự việc này đang gây xôn xao ở thôn Tảo Dương, thậm chí có người dân đã phẫn nộ và to tiếng ngay tại trụ sở UBND xã Hồng Dương. Tuy nhiên khi trả lời phóng viên, ông Đỗ Quyết Thắng - Chủ tịch UBND xã Hồng Dương - lại tỏ ra chưa hề hay biết sự việc. Ông Thắng trả lời qua quýt, “Chắc không có chuyện đó đâu, chúng tôi sẽ rà soát, kiểm tra và trả lời sau.”
Bà con thôn Tảo Dương đang thắc mắc, trong cuốn Sổ hộ khẩu mới vẫn còn thơm mùi mực, những sai sót đó là do ai? Tại chính quyền hay tại dân? Sau này nếu có làm lại sổ, liệu họ có bị “phạt” nữa hay không?
Phí bôi trơn 8 triệu
Ông Nguyễn Sĩ Cương, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật Quốc hội còn chỉ ra những biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu trong việc cấp sổ đỏ thời gian qua ở Hà Nội. Tại các cuộc họp, người dân cho biết họ được gợi ý nộp 8 triệu đồng ($380) để làm “phí bôi trơn” khi cấp sổ đỏ. Nhiều người xót xa không nộp và vẫn tiếp tục chờ nhưng không biết chờ đến bao giờ. Còn người có phí bôi trơn sẽ được cấp sổ đỏ. Người dân bất bình lên Sở Tài nguyên để hỏi nhưng không nhận được bất kỳ thông tin gì"!
Trước phản ánh của đại biểu, người dân ở chung cư Hà Nội muốn có sổ đỏ phải nộp 8 triệu đồng phí “bôi trơn,” Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang thừa nhận có nhũng nhiễu trong việc này, nhưng vấn đề đã được cải thiện.
Người dân Hà nội nêu ý kiến
Cải thiện thế nào thì chưa rõ. Để kết luận bài này, tôi thấy không cần bình luận gì thêm, mời bạn đọc một số ý kiến của người dân Hà Nội:
- Bạn Trần Quang tranquang@yahoo.com.vn
Hà Nội là cái nôi ăn hối lộ trong việc cấp sổ đỏ đứng đầu cả nước. Nhất là Huyện Thanh Trì, người dân nộp hồ sơ hàng năm không được cấp, không được trả lời. Ai không tin cứ đến Huyện Thanh Trì.
-Bạn Hoàng cho biết “Chỗ mình đòi 40 triệu mới có sổ đỏ”!
- Bạn Huyen kể “Nhà tôi bị mất 2 quyển sổ đỏ, 1 quyển bôi trơn thì được giải quyết trong vòng 4 tháng, 1 quyển chưa có tiền bôi trơn thì vẫn đắp chiếu để đấy, từ ngày tiếp nhận hồ sơ đến nay đã 5 tháng rồi mà chưa được có công văn để đi đăng báo, gọi điện hỏi thì dưới bảo lên trên, lên trên bảo từ từ. Trong khi luật qui định là giải quyết trong vòng 20 ngày kể từ ngày đủ hồ sơ hợp lệ, nếu có vấn đề gì phải trả lời trong vòng 60 ngày. Không biết bao giờ mới được giải quyết đây.
- Bạn Việt thêm, “8 triệu phí bôi trơn là quá ít, nhà tôi từng được cán bộ phường cho “mức giá tình cảm” với mảnh đất 30 m vuông là 120 triệu đấy ạ, mà là cách đây 3 năm, đất ở Hà Nội nhé.”
- Bạn Dinh trả lời “Dạ thưa bác, 8 triệu là rẻ đó bác. Cháu phải đưa 15 triệu đó“
- Bạn Minh Do cho biết “Quá rẻ. Chỗ tôi mấy chục triệu cơ...”
Tất cả những chuyện đó đã nói lên sự phẫn nộ của người dân bị chèn ép, tước đoạt gia sản từ rừng núi xa xôi đến chuyện trắng trợn “móc túi dân” ngay tại giữa Thủ đô Hà Nội trước cuộc sống đầy khó khăn hiện nay.
Văn Quang, ngày 10 tháng 9, 2014
Continue Reading... Nhãn:


Lẫm cẫm Sài Gòn thiên hạ sự - 17/10/2014 - Người nông dân trước và sau năm 1975


Người nông dân trước và sau năm 1975
Ông Nguyễn Minh Nhị (thường gọi là Bảy Nhị), trước năm 1975 là nông dân, sau năm 1975 ông lên đến chức chủ tịch tỉnh An Giang và cũng là chủ tịch Hiệp Hội Cá Ba Sa tỉnh An Giang. Mở đầu những trăn trở về nông nghiệp và người nông dân VN, ông Bảy Nhị chia sẻ câu chuyện thăng trầm của cá ba sa - loài cá được dựng tượng đài tại Châu Đốc - An Giang vì tầm quan trọng của nó. Bởi cá ba sa vốn là thương hiệu của VN trên thị trường quốc tế. Nhưng chính vì lối làm ăn gian dối nên bây giờ tìm một con cá ba sa cũng không ra khiến nhiều nông dân điêu đứng.
Tuy nhiên sự so sánh về sự thay đổi của người nông dân VN từ trước năm 1975 và sau năm 1975 tới nay mới là điều khiến chúng ta suy nghĩ. Những phân tích của ông rất thực tế, không thể phủ nhận. Mời bạn đọc hãy xem lời ông nguyên chủ tịch tỉnh An Giang. Khi được phóng viên hỏi:
- PV: Thưa ông, tại sao tầng lớp nông dân luôn được xem là thật thà, chất phác mà lại có những trò gian dối như vậy? Không chỉ có trong nuôi cá và trồng lúa, họ sẵn sàng phun thuốc trừ sâu vào rau để sáng mai thu hoạch bán, bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng?
- Ông Nguyễn Minh Nhị trả lời: Nông dân mình có nhiều cái tệ, nhưng không trách họ được, và cũng không nên trách. Họ không có điều kiện để hiểu biết hết nên thấy cái gì có lợi là làm, hứng lên là làm. Có ai chỉ họ làm cái gì cho có hiệu quả đâu? Họ phải tự mày mò, tự mưu sinh, làm ra sản phẩm may thì bán được, không may thì lãnh đủ nợ nần!
Họ không có tổ chức, không có ai hướng dẫn họ làm cái gì, không nên làm cái gì, làm ra bán ở đâu. Họ phải tự mưu sinh bằng những cách làm hại chính cả họ. Và, cuối cùng họ vẫn là người chịu thiệt thòi nhất. Theo tôi biết, ở các nước, nông dân được quan tâm, được tổ chức rất tốt chứ không bỏ mặc như nông dân ở ta đâu.
Các cô gái còn rất trẻ đã “quan hệ” bày đàn.

Tình làng nghĩa xóm, tình quê hương bị tha hóa, vì sao?
PV: Theo ông, nguyên nhân những khiếm khuyết đó của nông dân ta, mà trầm kha nhất là chụp giật, tầm nhìn ngắn, tự đục vào chân mình là gì?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Ngày xưa, nông dân ta luôn được đánh giá là lương thiện, đạo đức, cần cù. Còn ngày nay, họ cũng bị ảnh hưởng rất nhiều thói xấu. Tất cả bắt nguồn từ sự chụp giật, tranh thủ tối đa, bất kể hậu quả. Căn bệnh này đã lây lan rộng chứ không chỉ nông dân. Nhưng với nông dân thì quả thật đau lòng, vì họ lẽ ra phải là thành trì của đạo đức, của sự lương thiện, chất phác phải không?
Theo tôi, chúng ta phải nhìn sâu xa vào những nguyên nhân từ trong chính sách. Bản chất của nông dân là gắn với đất đai, cả ngàn đời nay là vậy. Nông dân là đất, đất là nông dân.
Khi đất không phải của nông dân mà chỉ được sử dụng có thời hạn thì họ chẳng còn gắn bó máu thịt với đất đai như xưa.
Không còn gắn bó thì cũng không còn gìn giữ, bồi đắp vào cho đất, vì ngày mai có còn là của mình nữa đâu! Nhiều cái xấu ra đời từ đây, chính vì không gắn bó với đất, không nặng lòng với đất mà lương tâm, tình làng nghĩa xóm, tình quê hương bị tha hóa, sẵn sàng đánh đổi vì những lợi ích ngắn hạn.
Ông Nguyễn Văn Hải, người mù bán vé số bị cướp giật đến nỗi phải tự tử.

Người nông dân trước và sau giải phóng
Ông Nhị nói tiếp: Tôi còn nhớ hồi mới “giải phóng,” ta thực hiện chính sách "nhường cơm sẻ áo" giống như ở miền Bắc trước đây. Hồi ấy, những người có nhiều ruộng đất trong Nam là do họ cần cù, siêng năng, chịu khó mà có nên nặng lòng với đất. Tôi nhớ như in nhiều nông dân nghèo được nhà nước chia lại ruộng của những người này, đã không nhận. Họ nói, “Người ta làm sáng tối, không biết nghỉ mới có nhiều đất. Mình lấy không của người ta coi sao được!”
Tôi báo cáo việc này lên Tỉnh ủy, ông Bí thư lúc ấy kết luận, “Nếu không nhận đất thì không phải là nông dân, thì không cho nữa!” Đơn giản thế thôi. Lúc ấy chúng ta không lường được hậu quả tai hại như ngày nay đang chứng kiến.
Người nông dân vốn dĩ là tốt, đã chuyển hóa và tha hóa từ đó. Lúc đầu thấy nhận đất của người khác, tức mồ hôi và nước mắt của người khác là "kỳ lắm,” "coi không được,” quyết không nhận! Nay thì khác rồi. Hai đám ruộng của hai nhà liền ranh còn lấn nhau từng chút huống chi những chuyện khác có nhiều lợi ích hơn. Cái gì lợi cho mình thì dẫu có hại cho người khác cũng làm.
Cái tình của người nông dân với đất phôi phai đi cũng làm cho cái tình với quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn không còn thiêng liêng như xưa. Những giềng mối gìn giữ đạo đức, lương tri, nhân bản chân chất nhất cũng từ đấy mà sút sổ, long ra.
PV: Thưa ông, theo tôi biết hàng năm Chính phủ vẫn cho thu mua tạm trữ, giảm áp lực tiêu thụ lúa cho nông dân mà?
Ông Nguyễn Minh Nhị: Chuyện này tôi quá hiểu! Khi lúa chín rộ, các công ty lương thực sàng bên này, lách bên kia để chậm thực hiện. Bởi giá lúa càng thấp thì họ càng có lợi. Đến khi thực hiện cũng đâu có làm đúng như tinh thần chỉ đạo. Nông dân gần như chẳng được gì.
Tôi có ông bạn cùng quê xứ Tịnh Biên làm công tác thu mua lúa. Tôi đến mấy trạm thu mua của ông ấy kiểm tra, thấy có hai giá mua, cao và thấp khác nhau. Giá rẻ để ngoài là giá mua thật cho nông dân, còn giá cao cất bên trong, khi có đoàn kiểm tra đến thì trưng ra! Bữa tôi bất ngờ đến, họ thay không kịp, tôi hỏi sao làm ăn vậy. Họ trả lời, “Giá cao là giá nhà nước quy định. Còn giá thấp là giá thu mua theo... thị trường!” Bất nhẫn vậy đấy. Nhà nước cho vay không lãi để thu mua song thực chất họ mua vẫn ép nông dân chứ có nương gì đâu!
Tôi cũng nhiều lần đi ký hợp đồng xuất khẩu gạo với anh em. Ký xong về giá lúa lên là... bẻ chĩa ngay!
Hậu quả của lối làm ăn chụp giật, giả dối này ghê gớm lắm. Tôi sợ nhất là nó truyền đời đến con cháu sau này thành một xã hội giả dối. Còn thế hệ sau thì sao? Lo lắm!
Lo là phải
Ông chủ tịch lo là phải, thật ra sự giả dối lừa lọc phát xuất từ sự sa sút trầm trọng của đạo đức và văn hóa, sự nhẫn tâm của những người được gọi là có quyền thế, có địa vị trong xã hội, bởi họ chính là tấm gương cho nhân dân nhìn vào đó mà noi theo nên mới có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn.” Và cũng chính tại chính sách đất đai là của nhà nước chứ anh nông dân không có quyền hành gì. Ông Nhị đã thẳng thắn chỉ rõ:
“Người nông dân vốn dĩ là tốt, đã chuyển hóa và tha hóa từ đó. Lúc đầu thấy nhận đất của người khác, tức mồ hôi và nước mắt của người khác là "kỳ lắm,” "coi không được,” quyết không nhận! Nay thì khác rồi. Hai đám ruộng của hai nhà liền ranh còn lấn nhau từng chút huống chi những chuyện khác có nhiều lợi ích hơn. Cái gì lợi cho mình thì dẫu có hại cho người khác cũng làm.”
Bạn đã tìm thấy câu trả lời qua dẫn chứng của ông cựu chủ tịch tỉnh. Bạn đã thấy rõ nguyên nhân sâu sa sự đổi thay đó của người nông dân từ trước “giải phóng” họ lương thiện bao nhiêu thì sau “giải phóng” họ gian dối bấy nhiêu. Đó là sự thay đổi chứ không phải là bản chất của người nông dân. Họ vốn cần cù, lương thiện nhưng cuộc sống buộc họ phải giả dối, bị lây nhiễm cái thói tham lam của những người “trên họ” và những người xung quanh, không giả dối chỉ có đói. Có thể coi như một hành động tự bảo vệ.
Chẳng phải chỉ có người nông dân mới buộc phải thay đổi mà ngay những doanh nghiệp cũng không thể làm ăn lương thiện. Rất nhiều ông chủ doanh nghiệp và một số không ít các chủ công ty nước ngoài đã từng than thở, “Có muốn làm ăn lương thiện cũng không được” vì có nhiều cửa, nhiều ngõ phải “bôi trơn” bởi đủ thứ giấy phép.
Hàng ngàn kiểu giấy phép cha, con, cháu chắt
Theo nghiên cứu của chuyên gia độc lập Lê Duy Bình cho biết: có tới 895 điều kiện kinh doanh cấp 1, chính là giấy phép “cha,” 2,129 điều kiện cấp 2, là giấy phép “con” và 1,745 điều kiện cấp 3, là giấy phép “cháu.”
Nghe bắng ấy thứ giấy phép đã hết hồn, còn muốn kinh doanh làm gì nữa. Mỗi cái giấy phép là một cửa phải chui lòn mới qua được. Ông Phan Đức Hiếu, Phó Trưởng ban môi trường kinh doanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ, “Rất nhiều điều kiện kinh doanh đặt ra là không cần thiết, không hợp lý, không rõ ràng, cụ thể.” Đó chính là mảnh đất màu mỡ cho những tay có chức có quyền dù chỉ là quyền bé tí cũng tha hồ bòn rút túi tiền người dân.
Vậy thì đừng hỏi tại sao kinh tế cứ trì trệ, nông dân đói nhăn răng, doanh nghiệp đóng cửa dài dài, nợ xấu cứ như chúa Chổm, trộm cướp, gái điếm cứ ngày một gia tăng. Con người bị chính xã hội mở đường cho tha hóa. Tội ác càng ghê gớm hơn. Con giết cha ở Vĩnh Long mang xác lên Sài Gòn phi tang, chồng giết vợ, vợ giết chồng, cháu đánh bà, dùng thuốc mê bỏ vào thức ăn để trộm cắp tài sản của những người già và người neo đơn để trộm cắp tài sản, đểu cáng và tàn bạo hơn một công nhân đã cho thuốc diệt chuột, phân người, dao mổ cá, ốc vít vào hàng xuất khẩu sang Nhật, nguy hiểm hơn nữa mới chiều ngày 11/10 vừa qua, tại huyện Đức Hòa (tỉnh Long An) có tới gần 60 người lập thành một nhóm mang theo hung khí như mã tấu, ống sắt xe chạy thành đoàn dài diễu hành giữa phố la hét, nẹt pô, đuổi chém bất cứ ai gặp được… Bạn đã thấy rùng rợn chưa?
Sự tàn nhẫn đi đến đỉnh điểm
Hằng ngày, trên các mặt báo hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng khác, người ta thấy tràn ngập các vụ thuộc loại "cướp, giết, hiếp" hay "tiền, tình, tù tội,” nhiều vụ việc kinh hoàng, sởn gai ốc. Chỉ cần nhìn váo bản tin sau đây bạn đã có thể thấy được sự tha hóa đến mức nào.
Lừa cả người bán vé số nghèo khổ đến nỗi anh ta phải tự tử
Ông Dũng Nguyễn Tiến Dũng (43 tuổi, quê tỉnh Nam Định), tạm trú tại nhà trọ Văn Vĩnh, khóm 5, phường 6, (TP. Cà Mau, tỉnh Cà Mau), từng nói với những người quen là vợ phản bội, bỏ quê đi lao động nước ngoài và ông quyết định rời quê Nam Định vào Cà Mau bán vé số dạo từ tháng Hai năm nay.
Mấy ngày trước, có một người đưa ông tấm vé số bảo rằng, người này trúng giải thưởng trị giá 3 triệu đồng, ông Dũng tin tưởng đưa trước 2 triệu đồng và 1 triệu còn lại mua 100 tờ vé số khác (mệnh giá 10 ngàn đồng/1 tờ). Tuy nhiên, khi ông Dũng đến đại lý đổi vé số trúng thưởng mới phát hiện tờ vé số bị làm giả. Đang cảnh khó khăn, mất tiền oan uổng. Chiều tối ngày 30/9, ông nhảy sông tự tử vào 9 giờ sáng cùng ngày, tại đoạn kinh xáng Cà Mau – Bạc Liêu.
Nạn cướp giật vé số và lừa đội vé số giả với những người quá nghèo khó hiện nay cành lộng hành ở khắp nơi. Sự tàn nhẫn đi đôi với sự tha hóa.
Nữ sinh giết cán bộ huyện đã ngủ với 3 bạn tình trong ngày gây án
Phùng Thị Thanh 18 tuổi, ở huyện Vĩnh Tường đang bị điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản. Nạn nhân là anh Lê Hải Đăng (26 tuổi). Thanh khai quen anh Đăng qua Facebook. Không yêu anh Đăng là cán bộ hợp đồng Phòng Tài chính kế hoạch huyện. Tuy đã có người yêu nhưng Thanh vẫn đôi khi vào nhà nghỉ với anh này. Trong lúc trò chuyện trong nhà nghỉ, Thanh nhắc đến chuyện anh Đăng hứa cho tiền và điện thoại rồi hai người to tiếng. Cô ta rút con dao gọt hoa quả cất trong túi tấn công bạn tình và bị nạn nhân tát. Trong lúc giằng co, Thanh đâm nhiều nhát, trong đó có vết trúng tim khiến anh Đăng tử vong.
Trước khi bỏ đi, nữ sinh này lục ví nạn nhân lấy được gần 4 triệu đồng rồi ném toàn bộ giấy tờ tùy thân, sim điện thoại của nạn nhân vào bồn cầu phi tang. Thanh dùng khăn xóa một số dấu vết tại hiện trường, chùi tay nắm cửa... rồi ung dung về nhà.
Chiều cùng ngày, sau khi về nhà tắm, Thanh hẹn hò với bạn trai trong một nhà nghỉ khác. Đến tối, nữ sinh này tiếp tục đi chơi, lại hẹn hò với bạn trai cho đến khi bị bắt.
Bạn đã thấy sự lạnh lùng tàn bạo đến rùng mình của cô học sinh này chưa? Nhưng chưa hết, thời nay còn những chuyện “quái thai” hơn thế nữa.
Sống bày đàn như thời hoang dã
Tôi không thể hình dung ra cảnh sống bầy đàn của các cô các cậu chưa đủ tuổi trưởng thành, chưa một thời đại nào ở VN có cái cảnh ghê tởm này.
Một nhóm than niên nam nữ 9X buồn chuyện gia đình, quen nhau qua mạng xã hội rồi rủ nhau vào nhà trọ sử dụng ma túy, quan hệ tình dục tập thể. Công an quận Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng) cho biết đã bắt quả tang, vừa ra quyết định xử phạt đối với những người có liên quan đến vụ việc thuê nhà nghỉ để sử dụng ma túy, ăn nhậu và quan hệ tình dục kiểu tập thể.
Cứ khoảng 22h đêm những ngày giữa tháng 9/2014, người dân dân khu vực tổ 137 phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) lại phát hiện một nhóm nam nữ thanh niên tóc nhuộm màu, xăm trổ nhiều hình ra vào nhà nghỉ Thiên Hà có biểu hiện khác lạ.
Trong số 9 thanh niên thiếu nữ bị bắt, có 2 người đi làm tiếp viên tại các quán karaoke tại Liên Chiểu; 2 người khác làm thợ uốn tóc, số còn lại không có nghề nghiệp ổn định, suốt ngày chỉ đi chơi.
Trong số 11 cô cậu, có 8 em dương tính với chất ma túy, chiếu theo độ tuổi, mức phạt được đưa ra như sau: Phạt cảnh cáo đối với H.T.K.T (mới 15 tuổi) và H.T.KC (cũng15 tuổi). N.V.T (22 tuổi) và P.V.T (22 tuổi, cùng ở tại quận Liên Chiểu).
Xử phạt hành chính 375.000đồng/người đối với các em N.T.M (16 tuổi, quê Quảng Ngãi), H.T.T (16 tuổi, ở quận Liên Chiểu), H.T.K.L (18 tuổi, ở tại quận Thanh Khê), H.T.Đ (17 tuổi, ở quận Sơn Trà).
Đó là những hình ảnh, gia đình tử tế nào đọc cũng thấy sởn gai ốc. Phải chăng xã hội đang lao dốc đến độ “hết thuốc chữa.” Rồi còn những tệ nạn nào nữa đây?
Tràn lan người nghiện xin đểu tại trung tâm Sài Gòn
Tại buổi làm việc của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với UBND TP Sài Gòn, chiều 6/10, Phó giám đốc Công an TP Phan Anh Minh cho biết, thành phố hiện có hơn 19.000 người nghiện, tăng hơn 7.000 so với năm trước. Do không được đưa đi cai, người nghiện tụ tập thành băng nhóm, tổ chức các vụ trộm cắp.
“Vừa rồi công an quận 9 lập 5 bộ hồ sơ đưa người nghiện đi cai, nhưng rốt cuộc bị tòa án trả về hết vì sai biểu mẫu,” ông Minh nói và cho biết từ những hạn chế của Luật, một bộ phận công an cấp phường có dấu hiệu làm ngơ, lơ là trách nhiệm trong việc người nghiện hút chích công khai ở nơi công cộng.
Tổng cục phó Cảnh sát phòng chống tội phạm cũng cho hay, tình hình tội phạm có chiều hướng gia tăng, phức tạp hơn tại TP Sài Gòn. Nguyên nhân nổi bật là số người nghiện ma túy tăng nhanh. “Nghiện hút lang thang nhiều ngoài cộng đồng sẽ làm gia tăng các băng nhóm, tình trạng trộm cắp vặt diễn ra nhiều hơn.”
Hãy nhìn vào một công viên nổi tiếng giữa Sài Gòn
Công viên 23/9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP Sài Gòn), trưa 20/9 xuất hiện ba thanh niên dáng vẻ uể oải từ đường Phạm Ngũ Lão đi vào. Nhìn ngó xung quanh, họ ngồi thụp xuống một gốc cây lớn che khuất tầm nhìn. Một người tay nhiều hình xăm rút ra bọc kim tiêm, pha chất bột trắng gói trong miếng giấy bạc vào ly nhựa có sẵn một ít nước. Họ lần lượt hút dung dịch trong ly vào ống tiêm rồi bơm vào cánh tay, mặc kệ người xung quanh.
Tiếp đó, một người leo lên ghế ngủ, hai người còn lại xuôi chân tựa vào gốc cây. Đoạn công viên 23/9 từ đường Nguyễn Thị Nghĩa đến Nguyễn Trãi có hàng chục thanh niên nghiện hút tìm đến vào mỗi buổi trưa. Những người này chiếm lấy ghế và ngồi thành nhiều nhóm nhỏ. Kim tiêm vứt đầy trong các bồn hoa, thảm cỏ hoặc nổi lềnh bềnh ở mặt hồ sen nằm giữa công viên.
Chừng một giờ sau, gã thanh niên có hình xăm ở cánh tay bật dậy, hướng mắt về đôi nam nữ vừa ngồi xuống ghế đá chếch bên phải hồ sen. Chụp chiếc nón lưỡi trai lên đầu, anh ta xấn đến, gã ấn chiếc nắp chai nước ngọt vào mặt chàng trai, nói, “Hai đứa mua cho anh cái này đi, 20.000 đồng.” Tại một góc khác của công viên, cặp vợ chồng trung niên ăn mặc lịch sự vừa đi vừa nói chuyện. Thỉnh thoảng họ nhìn quanh, chỉ trỏ rồi chụp cho nhau kiểu hình. Bất chợt nam thanh niên mặt mày bặm trợn, lếch thếch bước đến bên người phụ nữ, hắn nói, “Anh chị cho em xin 10 nghìn mua thuốc. Nói thật em bị xì ke. Em mà lên cơn là cướp, đâm chém, việc gì em cũng làm. 10 nghìn nhỏ với anh chị nhưng lớn với em lắm.”
Trước hành động xin như cướp, người vợ kéo chặt túi xách vào người, hối chồng đưa tiền cho hắn, đi như chạy khỏi công viên.
Đó là những hính ảnh rất đau lòng cho xã hội VN khiến người dân luôn lo sợ ngay khi ở trong nhà cho đến khi bước ra đường. Ai phải chịu trách nhiệm với những hình ảnh ghê sợ này?
Văn Quang (17-10-2014)
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân - 10/2014 - Tôi Lậy Mấy Ông


Tôi Lậy Mấy Ông


lay















“Xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ nầy không biết đã có CNXH hoàn thiện ở VN hay chưa.”
Ngày 6 tháng 10 năm 2014, báo Tuổi Trẻ đi tin:
Ông Phạm Hồng Thái (50 tuổi, trú thôn Tân Phong, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị nghi oan  lấy trộm 9,2 triệu đồng của người cùng xóm.  
Trong bức thư viết trên giấy học trò gửi công an huyện Nông Sơn, ông Thái viết: “Tôi mong mấy ông điều tra lại cho kỹ giùm tôi, tôi bị oan, tôi chỉ biết lấy cái chết làm trong sạch mà thôi. Khi mấy ông nhận lá đơn này là tôi đã đi rồi.”
Còn thư gửi người bị mất tiền, ông Thái viết: “Tao chết rồi không phải vì tao lấy tiền của mi đâu. Tao buồn là bạn bè mấy chục năm tan như mây khói. Mấy ổng đánh tao quá, tao phải nhận bừa.”
PhamHongThai
Nguồn ảnh: phunuonline
Công an Việt Nam dùng nhục hình bức cung hay đánh chết dân là chuyện thường ngày ngôn ngữ khoan hoà của nạn nhân (qua cả hai bức thư tuyệt mạng) khiến tôi cứ băn khoăn mãi:
“Tôi mong mấy ông điều tra lại cho kỹ giùm tôi, tôi bị oan, tôi chỉ biết lấy cái chết làm trong sạch mà thôi. Khi mấy ông nhận lá đơn này là tôi đã đi rồi” và “Tao chết rồi không phải vì tao lấy tiền của mi đâu. Tao buồn là bạn bè mấy chục năm tan như mây khói. Mấy ổng đánh tao quá, tao phải nhận bừa.”
Đây không phải là lần đầu tiên công luận biết địa danh Nông Sơn.  Trước đây, huyện lỵ này cũng đã được vnexpress nhắc đến với một mẩu tin (“Ông Lái 82 Tuổi Hầu Toà”) buồn khác:
Hôm nay, TAND tỉnh Quảng Nam mở phiên xét xử Võ Nghĩnh – bị cáo cao tuổi nhất trong lịch sử tố tụng Quảng Nam – về hành vi làm lật đò, gây ra cái chết của 18 học sinh ở bến Nông Sơn … Cùng đứng trước vành móng ngựa với ông Nghĩnh là người em trai Võ Quang Trang (76 tuổi) – chủ sở hữu con đò...
VKS tỉnh Quảng Nam truy tố bị cáo Nghĩnh – Trang về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy và giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy. 
Riêng Việt Báo còn có một phóng sự khá dài, và rất xúc động của phóng viên Trung Việt về cuộc sống một phụ nữ ở (xã Quế Minh) huyện Nông Sơn. Xin trích dẫn vài đoạn ngắn:
Tôi trở lại thăm xã được báo chí phong cho danh hiệu “nghèo nhất nước” sau chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1994. Hơn một thập niên đã trôi qua, cái xã ấy vẫn không khác nhiều so với lần tôi đến thăm trước đây.
Tôi ngồi chờ chị Võ Thị Quyến, nhân vật nổi tiếng  xuất hiện trên các báo thập niên gần cuối năm  90 thế kỷ trước vì … nghèo nhất xã ! Hồi đó nhà chị là mấy tấm tranh, tệ hơn cái chòi canh rẫy, dựng trên vài ba cái cọc. ..
Chị Quyến có ba sào ruộng, làm không đủ ăn. Ngoài việc làm ruộng chị chằm (khâu) nón. Mỗi ngày chị chằm được một cái nón bán được 1.900 đồng, trừ 500 đồng mua lá, 300 đồng mua tre, 300 đồng mua cước, mỗi ngày chị kiếm được khoảng 800 đồng.
Con  gái lớn học đến lớp 3 thì nghỉ. Thằng nhỏ học lớp 1, đứng trước nguy cơ phải nghỉ học vì không đủ tiền nộp học phí 16.000 đồng tổng giá trị của 20 ngày làm nón không chi tiêu nhịn ăn uống. …
Chị Quyến đã về. Nón lá, áo quần te tua, ốm đen đúa. Chị đi chăn bò trên rẫy.  Con bò xã  giao mới được 2 tháng,  chị được nuôi trong 3 năm, nếu đẻ bò con thì giao con cho xã, chị được bò mẹ. “Có khá hơn lần đó không? “Khá, nhưng… cũng rứa”.
Con gái lớn đã đi lấy chồng. Thằng con trai học đến lớp 7, không đủ tiền nộp học, đã nghỉ, năm nay nó 17 tuổi rồi nhưng cũng chỉ một nghề là… chăn bò. Còn chị, vẫn “tha thiết yêu nghề” làm nón. “Không có nón, lấy chi ăn em”.
Món tiền từ nón, qua ngần ấy năm, đã nhích lên chút đỉnh. Không ngủ trưa, thức khuya, một ngày chị làm được 2 chiếc. Trừ tiền cước, lá, kim chỉ, tre hết 3.000 đồng, chị  lãi được 5.000, đủ mua mắm, rau, ngày nào đi chăn bò cực quá, về phải ngủ, hôm đó coi như treo niêu.
“Có ngày nào đem về được 20.000 đồng chưa?”. “Làm chi có em”. Chị cố nở nụ cười thật tươi, nhưng hình như tôi nghe thấy trong tiếng cười ấy là nỗi khắc khổ đến nhói lòng.
Ngoài những chuyện “khắc khổ” và “nhói lòng” này, Nông Sơn còn được thiên hạ nhắc đến vì nhiều vụ lùm xùm khác:
Tôi không rành địa lý và phong thủy nên không thể lý gỉải tại sao dân Nông Sơn làm ăn không khá, và địa phương này lại mang nhiều tai tiếng dữ vậy. Google thử một phát thì mới biết ra đây là một huyện lỵ thuộc loại tân kỳ, có “cổng thông tin điện tử” đàng hoàng với đầy đủ hình ảnh của cả Ban Lãnh Đạo:
NongSon
Họ đều là đảng viên ráo trọi. Thì toàn “mấy ông” không chớ ai. Và điểm chung của tất cả “mấy ổng” (từ trên xuống dưới) là sự lạc quan vô tận, bất kể tình trạng người dân sống lầm than và khốn khổ ra sao.
Khi còn tại chức, ông Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết tuyên bố: “Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng cường quốc…”
Người kế vị, đương kim chủ tịch nước Trương Tấn Sang (vào ngày 19 tháng 8 vừa qua) cũng phát biểu gần tương tự:
 “Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ.”
Người dân ở Nông Sơn như chị Võ Thị Quyến, ông Phạm Hồng Thái, Võ Nghĩnh, Võ Quang Trung … – có lẽ – đều không biết được rằng đất nước quê hương của mình đang “sánh vai cùng cường quốc” và được “bạn bè quốc tế ngưỡng mộ” quá trời, quá đất. Họ chắc cũng không nghe được lời hứa hẹn (cách đây chưa lâu) của một nhân vật lãnh đạo cao cấp khác – ông Nguyễn Sinh Hùng: “Năm 2015 sẽ có một Vinashin mới.”
Trong khi chờ đợi “cái mới” này thì nhà báo Ngô Nhân Dụng lại vừa khám phá ra một  “cái chưa cũ” lắm:
“Hết cái lỗ hổng Vinashin lại đến cái lỗ ALC II! (Ban kiểm toán công ty ALC cuối tháng 10, 2010 cho biết, năm 2009 ALC II lỗ tới 3,004 tỷ đồng bạc Việt Nam (gấp 8.5 lần vốn điều lệ chỉ có 350 tỷ). Công ty ALC II làm thất thoát số tiền của Nhà nước tới 4,617 tỷ đồng. Trong số các món nợ có đến 60% là nợ xấu, tức là người vay không trả được đúng hạn! Trong ba tháng cuối năm 2009, ALC II thiếu 1,763 tỷ đồng không có tiền để trả ai hết; và đến cuối năm 2010 đã thất thoát 4,000 tỷ.)”
Tuy nhiên, theo Thống Đốc Ngân Hàng Nhà Nước Nguyễn Văn Bình : “Nợ xấu ngân hàng không đáng ngại.”
Câu nói hơi khó hiểu (thượng dẫn) được lý giải dễ dàng và gọn gàng bởi một giới chức “dân cử” (Phó Giáo Sư, Tiến Sĩ Luật) Chủ Nhiệm Ủy Ban Pháp luật QH –  Phan Trung Lý: “Tôi thấy ở Hàn Quốc người ta coi nợ xấu là của toàn xã hội, nên kêu gọi người dân đóng góp tiền, vàng để giải quyết nợ xấu.”
Miệng người sang, có gang có thép. Phen này đám dân đen Việt Nam không đóng, ngó bộ, không xong. Câu hỏi đặt ra là đóng bao nhiêu, và đóng làm răng đây hè?
Theo báo Đất Việt :“Đến 9h30 sáng 1/10/2014, nợ công Việt Nam tăng ở mức 84,32 tỷ USD, mỗi người dân Việt Nam đang phải gánh 930,43 USD nợ công.” Với lợi tức chằm nón là ¼ U.S.D (25 xu) mỗi ngày, nếu bắt đầu nhịn ăn nhịn mặc kể từ hôm nay, chị Võ Thị Quyến sẽ hoàn tất nghĩa vụ đóng góp để thanh toán nợ xấu của toàn xã hội vào năm 2025 – nếu vẫn có thể sống sót đến thời điểm đó.
Lý thuyết mà nói là như vậy nhưng thực tế thì thời gian hoàn tất nghĩa vụ nợ công của chị Võ Thị Quyến rất có thể được rút ngắn hơn nhiều, theo như đánh giá và chỉ đạo (“quyết liệt”) của ông Thủ Tướng – trong phiên họp thường kỳ vào tháng 9 năm 2014 vừa qua, về việc tái cấu trúc nền kinh tế, với nhiều … khâu đột phá:
“Phát biểu khai mạc tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tình hình kinh tế – xã hội từ đầu năm tới nay tiếp tục chuyển biến tích cực; đà tăng trưởng rõ nét và đồng đều hơn; các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt kết quả tích cực, theo đó, trong 15 chỉ tiêu được Quốc hội giao có 13 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt là chỉ tiêu giải quyết việc làm cho 1,6 triệu lao động và 1 chỉ tiêu chưa đạt là tỷ lệ lao động qua đào tạo, ước đạt 49% trong khi kế hoạch là 51%.
Trên tinh thần phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các thành viên Chính phủ tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp, biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng cũng yêu cầu Chính phủ tiếp tục phân tích và làm rõ nguyên nhân tất cả những hạn chế, yếu kém, cản trở, chậm trễ để có các biện pháp khắc phục, xử lý.”
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Chính phủ tập trung thảo luận, phân tích và đưa ra các giải pháp, biện pháp cụ thể, quyết liệt để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng suất lao động; tái cơ cấu nền kinh tế và triển khai 3 khâu đột phá chiến lược.”
Tới đây thì tôi xin được qùi lậy mấy ông thôi. Chớ biết nói năng làm răng nữa bây chừ?
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


Sổ Tay Thương Dân - 10/2014- Một Tỉ Người Tàu


Một Tỉ Người Tầu


TQ là đất nước của một chế độ tuyệt vọng.

Gần hai năm trước, tôi có một bài báo ngắn được phổ biến trên trang Đàn Chim Việt. Mãi đến cuối tháng rồi, vẫn còn có đôi vị “độc giả” gửi lời bình luận. Xin đơn cử một:
47 Phản hồi cho “Nghĩa muội Tạ Phong Tần”
  1. Ông Nội - says:
Nơi đây – Có được mấy con vện vàng 3 khoang , sủa theo bồi bút Tàu gian họ Tưởng này ?
Đây là lần gần nhất, chứ không phải là duy nhất – kể từ khi ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên Giáo Thành Ủy Hà Nội, tổ chức nhóm chuyên gia đấu tranh tham gia bút chiến trên internet – tôi bị quí vị “chuyên gia đấu tranh” buộc tội là … “Tàu gian!”
Sự cáo buộc này, nói nào ngay, không hoàn toàn vô cớ vì tôi nói được tiếng Hoa. Chỉ tiếc là vốn liếng Hoa Ngữ của tôi vô cùng giới hạn, vỏn vẹn chỉ có mỗi một câu thôi: “Bỉ ngộ dách mánh mìn báo.”
Đó cũng là câu ngoại ngữ đầu đời tôi học được từ một phụ nữ Trung Hoa. Có hôm, bà rụt rè đến xin mẹ tôi cho được để nhờ trước cửa nhà một cái thúng bán bánh mì vào buổi sáng.
Bên trong cái thúng này là một lò than be bé, với xoong xí mại đặt bên trên, cùng với vài chục ổ bánh mì nho nhỏ. Bánh mì xí mại giá̀ hai đồng. Một đồng chỉ có bánh mì không rưới thêm nước thịt, kèm mấy cọng dưa chua làm bằng củ cải trắng và cà rốt đỏ au.
Bà cụ không rách rưới nhưng trông rất lôi thôi và tàn tạ: bộ quần áo xẩm lùi xùi, cái nón cói cong vành (hẳn là phải mang từ cố quốc) bao quanh một khuôn mặt già nua, buồn bã và cam chịu.
nguoi Tau

Ảnh: flickr.com
Dù mỗi sáng tôi chỉ mua một đồng bánh mì thôi (dách mánh mìn báo) nhưng luôn luôn được bà ưu ái cho (thêm) một viên xí mại, kèm theo một nụ cười hiền …miễn phí.
Thế là mỗi sáng tôi có dư ra được một đồng. Đồng bạc còn lại, tôi mang “nộp” ngay cho bà cai trường – người có một mẹt hàng khiến cho tất cả những đứa trẻ con (con nhà nghèo) như tôi đều phải thèm thuồng: me ngào, cóc và xoài xanh ngâm nước đường, mức dừa, kẹo cau, đậu phụng, bánh qui, quả mác mác, quả sim hay xay chín  …
Tôi suýt chết cái tên là “Tiến bánh mì xí mại” thì bà cụ đột ngột qua đời. Từ đó, thỉnh thoảng, trong xóm vẫn còn có tiếng rao (“loong sữa pò, de chai, pao pán hông”) của cụ ông nhưng nghe yếu hẳn ớt và buồn bã hơn nhiều.
Hình ảnh những người khách trú trong trí tưởng ấu thời (xa xôi) của tôi, xem ra, hoàn toàn khác xa với của quí vị “thương lái” Trung Quốc ngày nay – ở Việt Nam:
Từ việc mua đuôi trâu, móng trâu, rễ hồi, ốc bươu vàng tới việc sẵn sàng thu mua phế liệu, đỉa, cá cơm với giá cực cao – những hành động tưởng như vô thưởng vô phạt nhưng lại ẩn chứa những dụng ý sâu xa của lái thương Trung Quốc...
Thâm độc hơn, chúng mở chiến dịch thu mua dây đồng vụn với giá cao “trên trời”, đẩy từng đoàn “đồng tặc” lùng sục chặt trộm dây đồng từ các đường điện cao thế, băm nát mạng lưới điện quốc gia. Sau đó là thu mua cáp quang phế liệu với mức giá trên trời. 
Đến khi dân nghèo lặn xuống biển chặt phá mạng cáp quang viễn thông, thì dân chúng mới “ngã ngửa” ra mục đích sâu xa của chúng là phá hoại con đường huyết mạch thông tin của Việt Nam… 
Tôi chưa bao giờ có dịp gặp gỡ những vị “thương lái TQ” có ý đồ  “thâm độc” và “phá hoại” như thế nhưng lại có dịp tiếp xúc (qua sách vở) với nhiều người Tầu khác: Lão Tử, Khổng Tử, Lý Bạch, Thôi Hiệu, Mạnh Hạo Nhiên, Kim Thánh Thán, Lỗ Tấn, Ba Kim, Kim Dung, Lâm Ngữ Đường, Mặc Ngôn, Trương Hiền Lượng, Lưu Hiểu Ba, Dương Kế Thằng…
Tam Giáo (Phật Giáo, Khổng Giáo, Lão Giáo) ở Việt Nam có đồng quy hay không là điều mà tôi hoàn toàn không “bảo đảm,” và cũng không dám lạm bàn nhưng tôi biết chắc chắn là cá nhân mình – đôi lúc – có hơi bị quân tử Tầu (chút xíu) là do ảnh hưởng của Khổng Phu Tử và … Kim Dung!
Cũng không ít lúc tôi trở nên … “thoát tục” (và văng tục: “Đ…má, tao đéo care cái con cặc gì ráo trọi”). Thái độ sống “vô vi” này, không chừng, tôi bị lây từ Lão Tử. Chắc là thằng chả chớ còn ai vô đây nữa?
Bởi vậy, thỉnh thoảng, quí vị dư luận viên vẫn gọi tôi là “Tầu Tưởng” (tưởng) cũng không trật chi nhiều – dù tôi chưa đến Trung Hoa bao giờ và vẫn ao ước có dịp được sống ở đất nước này (vài ngày) cho biết.
May mắn sao, tháng rồi, tôi vớ được cuốn Đèn Cù của ông Trần Đĩnh. Tác giả có cơ hội đi “du học” ở tuốt bên Tầu, nhiều năm, và chuyện ông  kể về dân tộc này cứ khiến tôi cứ suy nghĩ mãi:
Bữa ấy tôi đang đọc báo chữ to gần Da Xan Ting – Đại thiện đình (Nhà ăn lớn). Một sinh viên Trung Quốc đến bên tôi. Trắng, đẹp, kính trắng, mắt hiền.
- Xin lỗi, anh là lưu học sinh Việt Nam?
- Vâng, còn anh ala Thượng Hải? (ala tiếng Thượng Hải là chúng ta, chúng tôi).
- Tôi là… (anh nói tên nhưng tôi không nhớ), muốn nói chuyện một ít với anh, có được không?
Anh nhờ tôi chuyển cho sứ quán Việt Nam một thư đề nghị Bắc Việt Nam hãy tôn trọng hiệp định Genève, đình chỉ đưa quân và vũ khí vào trong Nam cũng như rút lực lượng đã phi pháp cài lại từ 1954.
- Làm gì có chuyện ấy nhỉ?
Hoàn toàn bị xúc phạm, tôi vừa ngớ ra ngạc nhiên vừa khó chịu. Anh đốt đảng anh thôi chứ lại định đốt cả đảng tôi nữa ư?
- Có, đài nước ngoài thường xuyên lên án, tố cáo Bắc Việt Nam.
- Sao anh tin những thứ ấy?
- Đọc các đại tự báo đây anh có tin không?
Tôi quay đi và nói:
- Tôi không chuyển thư anh được vì bận và vì ý kiến của anh thiếu cơ sở.
Nhưng từ hôm ấy, tôi bỗng cứ lởn vởn nghĩ ta có vi phạm hiệp định Genève thật không? Chả lẽ ta chính nghĩa lại bội ước? Chả lẽ bản chất ta hoà bình lại thích chiến tranh?
Lúc ấy thật tình tôi không biết đảng có phương án kế hoạch cài cán bộ và quân lính ở lại miền Nam cũng như tiến hành nghiên cứu ngay từ đầu hình thế bờ biển để sau này lập “đội thuyền không số” có cơ sở ở huyện Thuỷ Nguyên. v.v…
Tuần sau tình cờ tôi gặp anh “Thượng Hải” ở gần Đại lễ đường. Anh đi với một cô gái trăm phần trăm Shang hai gu niang, Thượng Hải cô nương. Cô gái nhìn tôi như có ý hỏi anh bạn đi bên: “Cha từ chối đưa thư đấy phải không?”
Không nghe thấy nhưng tôi cáu – đinh ninh cô gái nói nei jia huo, thằng cha kia. Cùng lúc thấy cô gái rất đẹp. Picasso có lẽ lấy mẫu kiểu tóc đuôi ngựa ở cô gái thanh tú này.
Chẳng hiểu sao tôi rẽ ngoắt luôn. Tức. Không, có cả ghen vớ ghen vẩn.
Khi chống phái hữu, nhiều giáo sư, sinh viên bị đưa đi, tôi có ý tìm anh “Thượng Hải”.
Không thấy nữa. Nghĩ cô gái Thượng Hải nếu không xuống nông thôn lao động cải tạo – để bị người ta cưỡng hiếp, chửa hoang và treo cổ chết – thì chắc phải bỏ học và bỏ cái đuôi ngựa “văn hoá đồi truỵ phương Tây”, tôi bỗng bồn chồn cùng ân hận lạ lùng.
Tôi chưa hiểu với tôi những ông thày sống động đầu tiên chỉ ra con đường và cách thức đấu tranh cho dân chủ chính là làn sóng “phái hữu” trong đó có anh sinh viên cùng cô bạn gái xinh đẹp của anh. Sau này trong gian nan phải chịu đựng tôi mới nhận ra hình ảnh của họ càng đậm nét trong tôi.
Nhưng tại sao anh sinh viên đeo kính trắng lại chọn tôi để nhờ chuyển thư phản đối ta “phạm pháp” đưa súng ống, binh lính vào Nam? Anh đọc thấy gì ở trên mặt tôi. Một hừng sáng nào đó ư? Một kiểu Nàng Kiều với Đạm Tiên ngày Thanh Minh.
Tôi còn một bạn học, người Nam Kinh. Lúc “phái hữu” lên tiếng, anh từng bảo tôi:
- Chắc cậu cũng biết truyện “cô gái quàng khăn đỏ?” Chúng ta đấy. Cũng quàng khăn đỏ cả mà. Hỏi bà ơi, tại sao tai bà to thế? Bà nói: Để bà nghe thấu bọn phản động chúng nó thì thào. Thế sao mắt bà sáng thế? À, sáng mới thấy được chỗ chúng nó ẩn nấp. Còn răng? Sao răng bà to thế? Răng bà to để ăn thịt những đứa khoẻ thắc mắc về bà… như cháu. Ăn luôn. 
Tôi hỏi anh:
- Người Trung Quốc nghĩ như cậu có nhiều không?
- Zen ma shuo ya? Nói sao nhỉ? Một nửa đi. Nhưng nửa kia có loa ở mồm và có súng trên tay. (Trần Đĩnh. Đèn Cù, Westminster, CA: Người Việt, 2014).
Thien An Mon
Thiên An Môn 1989. Ảnh: wikipedia
Đó là “một nửa nước Trung Hoa” khi mới rơi vào tay đám cộng sản Tầu. Cho tới khi xẩy ra biến cố Thiên An Môn thì tôi tin rằng không phải là một nửa mà có đến ba phần tư dân số nước này đã trở nên “phản động.”
Đến sáng nay, 30 tháng 9 năm 2014, South China Morning Post đi tin:
“Hàng chục ngàn người đang chiếm lĩnh đường phố, đòi hỏi Bắc Kinh phải cải cách dân chủ.” Bây giờ thì tôi tin rằng bốn phần năm người Tầu cũng đang muốn thoát Trung (cộng) y như tuyệt đại đa số dân Việt hiện nay.
Hong Kong 2014
Hồng Kông 2014. Ảnh: Dickson Lee.
Nói cách khác là dân Việt có một tỉ người Tầu đồng cảnh (và đồng minh) nhưng dường như không mấy ai để ý đến điều này – trừ nhà báo Lê Phú Khải. Hôm 26 tháng 5 năm 2014 vừa qua, ông nói chắc (như bắp) thế này đây:
Bắc Kinh sợ nhất cái gì? … Sợ nhất Việt Nam dân chủ. Vì, Bắc Kinh giống hệt Hà Nội: Đang ngồi trên kho thuốc nổ.
Chế độ đảng trị độc tài ở Trung Quốc đã tạo ra những mâu thuẩn đối kháng trong lòng nó và không có cách nào hoá giải được. 
Một Việt Nam cải cách chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền lúc này là tiếng sét ngang tai đối với độc tài đảng trị ở TQ. Việt Nam dân chủ là tiếng gọi mênh mông được vẫy chào từ hàng triệu trái tim TQ bị đè nén bởi bạo quyền bấy lâu nay.
Chữ “triệu” trong đoạn văn thượng dẫn được cho in đậm vì tôi tin rằng ông Lê Phú Khải viết lộn nên xin phép được viết lại: “Việt Nam dân chủ là tiếng gọi mênh mông được vẫy chào từ hàng tỉ trái tim TQ bị đè nén bởi bạo quyền bấy lâu nay.”
Chúng ta nên ứng xử khôn ngoan hơn với một tỉ người Tầu đang sống kề bên.
Tưởng Năng Tiến
Continue Reading... Nhãn:


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors