Chân
ướt chân ráo!
Lời
giới thiệu của Vũ Đăng Khuê: “Chân ướt chân ráo”
là tựa đề của một quyển sách mà tác giả Lê Thiệp
gọi đơn giản là “Ký” được Tủ Sách Tiếng Quê
Hương tại Hoa Kỳ phát hành vào năm 2003. “Ký” gồm
tất cả 38 bài kể về những cảnh sống của người mới
nhập cư, tái tạo cuộc sống từ những bàn tay trắng
sau cuộc đổi đời. Tuy là một phóng viên chiến trường
của hai nhật báo lớn tại miền Nam trước 1975 là Chính
Luận và Sóng Thần, nhưng Lê Thiệp lại có lối kể
truyện rất tài, lôi kéo người đọc chú ý vào ngay
những gì xảy ra trong đời sống thường ngày để rồi
chợt tìm thấy những thú vị hoặc những rã rời, đưa
đến những trăn trở dứt không ra. khiến Tác giả đã
phải thú nhận.
Cả
chục năm qua và nay thấy mình vẫn là người đứng bên
lề cuộc sống ở đây.... Có những lúc cố gắng, có
những lúc quên đi để đùa bỡn cợt. Đi uống rượu và
bàn về rượu vang. Đi ăn cơm tàu thì kiếm Tả Tướng
Quân. Nhưng đâu lại vào đấy. Xem ra không thể gột được
cái cốt Mít để biến thành Mẽo.... Lúc nào đầu óc
cũng còn những băn khoăn về bạn bè anh em ở nửa bên
kia địa cầu, nó là cái nhức nhối không phải chỉ là
quá khứ mà là một hiện tại đang nhọc nhằn kéo dài ở
đâu đó, Saigon, Hà Nội…..và mình vẫn còn là.... chân
ướt chân ráo.
Và
Nhà thơ Du Tư Lê cũng đã từng nhận định về tập
“Ký”này:
“Với
thời gian, khi ông cầm bút lại, nhiều năm sau biến cố
tháng 4, 1975, với tập bút ký nhan đề “Chân Ướt Chân
Ráo” do Tủ sách Tiếng Quê Hương của Uyên Thao, ở
Virginia, xuất bản năm 2003, tôi mới có dịp nhìn rõ hơn,
thấy rõ hơn tính chất nhà văn, nơi con người nhà báo
này.
Ở
đây, tôi không muốn nói tới vốn sống ngồn ngộn rói
tươi của ông. Tôi cũng không muốn nhắc tới cái kiến
thức sâu rộng của ông về nhiều phương diện, từ văn
học tới chính trị, lịch sử, xã hội... Tôi chỉ muốn
nói tới khía cạnh văn chương như những nhát dao dứt
khoát, sấn sổ trên một khối gỗ xù xì để hình thành
chân dung một nhân vật, một sự kiện.Những quả ổi cuối mùa
Ngày
6 tháng 7 vừa qua, bạo bệnh đã đưa Lê Thiệp về chốn
vĩnh hằng. Văn đàn đã mất đi một ngọn bút tài hoa,
làng báo đã mất đi một ký giả uyên bác. Tuy không còn
nữa, nhưng tác phẩm, tâm tình của ông sẽ còn mãi mãi.
Xin
mời quí vị theo dõi một truyện ngắn được trích trong
tập Chân Ướt Chân Ráo nói về quãng đời thơ ấu của
ông tại một làng quê vùng châu thổ sông Hồng nơi tác
giả đã trải qua một giai đoạn lịch sử khốc liệt
của những năm đầu thập niên 50 với những cuộc đấu
tố Trí Phú Địa Hào dã man tàn khốc v.v… và vị đắng
chát dịu dàng của ba quả ổi bói ở quê xưa đất Bắc
mà tác giả cho là ngon nhất được ăn trong chuyến rời
làng ra Hà Nội xuôi Nam tìm Tự Do. Bài viết có tên:
Tôi
ngẩn người ra nhìn. Trong cái siêu thị Mỹ khang trang
sạch sẽ này cũng có bán ổi. Những quả ổi được bọc
trong lưới xốp màu trắng trang trọng nằm giữa cam lê
nho táo, những loại trái cây phổ thông hàng ngày của
dân bản xứ. Cầm trái ổi lên ngắm nghía. Ổi xá lị
to cỡ cái bát ăn cơm, da hơi sần sì bóng lưỡng, chắc
nịch. Giá $1.95 một pound. Không hiểu người Mỹ ăn ổi
có chấm muối ớt không? Có gọt vỏ không? Có khi họ
lại cắt bỏ cái phần thịt ruột có hột ở trong cũng
nên. Bỗng đâu những trái ổi tự xa thẳm trong ký ức
ào về.
*
* *
Trong
cái làng quê nhỏ bé ở châu thổ sông Hồng, cuộc sống
- dù đang chiến tranh Việt Pháp - vẫn trôi đi lững lờ
rất thanh bình dưới con mắt tụi tôi. Đối với bọn
con nít thì Quốc, Cộng, Điện Biên Phủ, Kháng Chiến là
những chuyện thiên hô bát xát, chẳng có nghĩa gì cả.
Khi người lớn trong gia đình xầm xì, tụi tôi hiểu là
nên lỉnh đi. Và tất nhiên là bắn chim, câu cá, đi mò
củ ấu, đi săn cồ cộ. Cồ cộ là tiếng địa phương
vùng tôi gọi giống như con ve sầu, nhưng mầu sắc rực
rỡ và to hơn nhiều, to cỡ con cà cuống. Nó đậu cao ở
những cây cau và tiềng kêu cồ cộ cồ cộ lảnh lót.
Muốn bắt cồ cộ thì phải kiếm được nhựa cây bôi
vào đầu một cây sào tre dài, lừa lúc cậu ta lảnh lót
kêu, chắc là để tìm bạn lứa đôi, dính đầu có nhựa
vào cánh lôi cậu ta xuống. Bình thường khi bắt được
một chú cồ cộ, chúng tôi rất ác độc, bóp ngang chỗ
ức và cồ cộ bị tức thở, kêu vang trời. Giữa trưa
hè im, thiếu gió và nóng như thiêu, tiếng cồ cộ vang xa
như muốn lay động cái vắng lặng của ngôi làng nhỏ
bé.
Những
trò chơi của tụi tôi hoàn toàn là trò của lũ trẻ nhà
quê và trong cái quê mùa đó có ổi. Ờ nhỉ, tại sao ổi
lại không được liệt vào những thứ trái cây đáng
giá, sang trọng, có thể bán, ít ra cũng để biếu xén?
Có thể đem tết nhà cụ Bá một nải chuối, chục cam.
Có thể đưa dâu bằng cau, có thể lễ đình làng bằng
chục hồng trứng, nhưng ổi thì hoàn toàn thuộc quyền
của tụi tôi.
Nhà
nào có ổi, chúng tôi biết rõ và chủ nhà xem ra cũng
không kỹ lưỡng đối với tụi nhỏ lẻn vào hái ổi.
Ổi thôi, không được sờ đến na, đến hồng, đến
thị, đến nhãn.
A,
có ai phân loại ổi chưa nhỉ? Xoài cát, xoài tượng,
xoài giòn, xoài voi, chuối tiêu, chuối hoa cau, chuối trứng
cuốc, chuối ngự ... nhưng đối với quảng đại quần
chúng - quần chúng người lớn - thì ổi là ổi và mãi
sau này mới có thêm ổi xá lị.
Nhưng
cây ổi nhà ông Đội Võ thì khác với cây ổi nhà ông
Lý Cựu, khác với cây ổi ở chùa làng. Cây ổi chùa
làng quả tròn rất đều, chỉ nhỉnh hơn qủa chanh và
khi chín màu vàng tươi, phía trong phần thịt có hột mầu
hồng đào. Ổi này vô duyên nhất vì khi chưa chín ăn
chua lè, cái vị chua khó thưởng thức đến độ tụi tôi
cũng chê. Đến khi chín trông thì đẹp vô cùng nhưng mềm
nhũn ăn lạt thếch, vỏ thì dầy mà phần cùi thì rất
mỏng, phần thịt ở trong toàn hột vừa to vừa cứng. Ổi
ở vườn chùa chỉ được cái thơm, mùi thơm dịu phảng
phất. Sư cụ chùa lựa giống ổi này để bầy trên bàn
thờ Phật cho vừa đẹp vừa thơm chăng?
Ổi
doi là loại ổi nhỏ có cái đuôi nhọn ở cuống giống
như trái doi. Doi là tiếng miền Bắc. Mận là tiếng miền
Nam (không phải trái mận Đà Lạt) . Ổi doi cứ vừa lớn
hơn cỡ ngón chân cái là có thể xực được vì thịt
mềm và ít hột, nhưng lý tưởng nhất là vừa chín tới.
Cắn một phát làm đôi hay tên nào mồm rộng răng khỏe
thì chơi cả quả nhai rau ráu .
Ở
chỗ lùm cây nơi giếng đầu làng có hẳn một rặng cỡ
bốn năm cây ổi, tụi tôi đặt tên là ổi Trâu. Ổi
chùa tuy vô duyên nhưng đến lúc chín còn ăn được chứ
trái ổi trâu thì không cách gì thưởng thức được. Nó
cứng như đá, cùi dầy, xanh thì chát khủng khiếp và thú
thật tôi chưa bao giờ thấy một trái ổi trâu nào chín
cả. Sao vậy hè? Có thể nó chưa kịp chín đã bị vặt,
hoặc nó cứ xanh lè như vậy chăng.
Tôi
không nhớ rõ nhưng biết chắc loại ổi này chỉ để
ném nhau bươu đầu sứt trán. Cũng may là chỉ có rặng
ổi duy nhất ở giếng là ổi trâu.
Ổi
lý tưởng là ổi mỡ. Ổi này tròn lớn lắm thì cũng
chỉ nhỉnh hơn hột vịt một chút, da nhẵn và bóng
lưỡng. Ổi mỡ vỏ mỏng cùi dầy hột nhỏ vừa thơm
vừa giòn vừa ngọt. Được cái may là người lớn xem ra
cũng biết thưởng thức nên trong vườn của nhiều nhà
có ổi thường là ổi mỡ.
Đáng
yêu nhất có lẽ là hai cây ổi ở nhà ông Lý Cựu. Tên
ông ta không phải là cựu nhưng từng làm Phó Lý nên gọi
ông là Lý Cựu, một ông gìa hiền lành có chòm râu lún
phún, miệng hơi móm và dáng đi lòng khòng như bất cứ
ông Lý nhà quê nào. Vườn nhà ông rộng có cái ao nhỏ
và hai cây ổi ở tận góc vườn, hàng rào dâm bụt thưa,
nhà neo người nhưng không nuôi chó như nhà ông Đội Võ.
Ngay cả khi bắt gặp chúng tôi toòng teng trên ngọn ổi,
ông Lý cũng chỉ nắm tay, miệng thì lúng búng dọa giẫm
nhưng không bao giờ nặng lời. Mỗi lần bị bắt quả
tang, tụi tôi tụt xuống cho nhanh, toét miệng cười chạy
mất. Một lần mẹ tôi có hỏi và tôi nghe ông Lý bảo:
Có
đáng gì quả ổi, nhưng sợ trẻ nó leo trèo, có ngã thì
phải tội chết !
Trái
ổi có thể khác, nhưng cây ổi nào trông cũng giống
nhau. Trước hết là cây ổi không cao lắm như cây sấu,
cây muỗm, cây xoài. Thứ nhì là cành ổi rất dẻo dai,
có lẽ vì sớ gỗ xoắn lại nên khó gẫy khiến tụi tôi
có thể vừa đứng trên cành nhỏ vừa rung rung, cười
như nắc nẻ với nhau. Một lợi ích vô song của cành ổi
là có thể dùng làm trạc súng cao su. Trạc là tiếng Bắc
quê tôi, ná là tiếng Nam. Trẻ lựa một trạc ba có hai
nhánh đều, nếu còn nhỏ thì cột hai đầu lại chờ cho
lớn hoặc nếu có hơi lệch một chút thì cũng cột giây
uốn cho ngay. Trạc bằng gỗ ổi đẹp, nhẵn bóng và rất
cứng, dẻo dai lại vừa tầm tay nên rất được ứa
chuộng.
A,
lại còn cái búp ổi, Vào mùa xuân ổi đâm chồi nẩy
lộc và những lúc leo trèo lên cây ổi, buồn tình ngắt
một búp bỏ vào miệng nhâm nhi. Búp ổi đắng ngọt cũng
đủ giải sầu lúc vô sự không có trò chơi. Tôi xa những
trái ổi vào giữa mùa thu năm 1954.
*
* *
Khi
Việt Minh tiếp thu làng, hội hè liên hoan liên miên. Tụi
nhỏ chúng tôi xúm quanh những anh bộ đội tròn xoe mắt
nghe kể chuyện anh hùng kháng chiến ôm bom ba càng lao vào
xe thiết giáp Tây, chuyện anh hùng lấy thân lấp lỗ châu
mai, ôm bộc phá tình nguyện hy sinh để phá rào thép gai
quanh đồn giặc. Toàn những chuyện hay ngang ngửa với
truyện Tôn Ngộ Không trong Tây Du ký. Tối thì được dậy
nhẩy son đố mì, mì mì son son ... hay học hát " Hồ
chí Minh xuất hiện trong ánh sao , xuất hiện đi cứu dân
khổ đau ..." . Đôi khi còn được xem chiếu bóng,
phim của Trung Quốc và Liên Xô như phim Bạch Mao Nữ chẳng
hạn.
Nhưng
chỉ độ một tháng sau, không khí trong làng khác hẳn.
Những anh bộ đội đâu mất. Những trò liên hoan thay
bằng những buổi học tập bình bầu và bỗng đâu có
"đội phát động" xuất hiện được gọi tắt
là Đội. Những cán bộ phát động theo chính sách tam
cùng - cùng ăn - cùng ở - cùng làm - với dân và họ chọn
những người nghèo nhất trong làng để tam cùng. Những
khẩu hiệu được viết bằng vôi trắng trên cót nứa
giăng khắp làng, to nhất là tấm ở ngay cổng đình: "Tri
Phủ Địa Hào, đào tận gốc bốc tận rễ."
Rất
nhanh tôi nhận ra ngay số phận của tôi, bên nội bên
ngoại tôi được bình bầu đủ bốn thành phần ác ôn
và tôi đúng là phần rễ của bốn thành phần giai cấp
này. Tôi còn nhớ như in cảnh bà bác thứ tư của gia
đình có bốn người con. Ba ông anh con bác tôi đã trở
thành liệt sĩ, hi sinh trong kháng chiến. Ông thứ tư còn
lại, ngay sau "ngày hòa bình" ghé về nhà một
buổi rồi lặn mất tăm, có thể cũng lại ở trong đội
tại một làng quê nào đó. Bác Tư được liệt vào hàng
ngũ Địa Chủ Kháng Chiến mà vẫn phải thoái tô. Thoái
tô tức là phải nộp trả thuế cho Đảng và nhà nước
tính từ năm 1945 đến 1954. Số thuế nông nghiệp phải
trả này nếu địa chủ xoay sở nộp xong thì lại bình
bầu lại để nộp thêm lần nữa, nộp hoài cho đến khi
không còn gì để nộp thì tịch thu nhà cửa, đem đi đấu
tố ... bác Tư tôi treo cổ tự tử chết.
Đó
là chuyện người lớn, chuyện Đảng và nhà nước.
Chuyện của tôi là tôi bị ra rìa. Bọn nhỏ không chơi
với tôi nữa. Tôi không được vào đoàn thiếu nhi quàng
khăn đỏ. Tôi không được tối tối cùng tụi nó vừa
đi vừa gõ phèng la chửi rủa địa chủ, vác tên tộc
của đại gia đình tôi ra mà chửi với những ngôn ngữ
tục tằn nhất. Mấy đứa con địa chủ như tôi ngơ ngác
sợ sệt và chỉ đành chơi với nhau.
Nhưng
rất nhanh Đội phát giác ra tình trạng này và lo sợ tụi
chúng tôi tụ tập bè đảng nên tìm cách đập tan mọi
mầm mống chống đối từ trứng nước. Tụi tôi cỡ hơn
chục đứa đa số là anh em bà con bị đội gọi lên nói
ngọt dọa dẫm và bố mẹ địa chủ bị cảnh cáo. Tôi
trơ thân cụ, bơ vơ lạc lõng ngay giữa làng và tôi chỉ
còn lủi thủi chơi một mình. Đó là những lúc tôi trèo
lên cây ổi nhà ông Lý Cựu nhìn những đám lục bình im
lắng ở chiếc ao con nuôi cá Mè hay nhìn những tảng mây
trắng dật dờ trên trời xanh về hướng núi Ba Vì. Những
cây ổi vào giữa thu trông cũng xơ xác như chú bé ngồi
dựa gốc không biết cuộc đời mình sẽ ra sao. Và ông
Lý Cựu bị liệt vào hàng phú nông cũng vắng bóng trong
khu vườn hoang vắng. Sau này ông Lý được đôn lên hàng
địa chủ.
Một
buổi tối mẹ tôi lôi tôi vào góc buồng bảo nhỏ ngày
mai tôi phải dậy sớm để ra Hà Nội với bố tôi. Bà
bắt tôi phải đi ngủ ngay, có lẽ sợ tôi lại hoắng
lên đem chuyện này nói cho bọn trẻ chăng? Bà đâu có
biết tôi đã không còn một đứa bạn nào, kể cả những
đứa thân nhất như thằng Hùng, thằng Mai đều tránh xa
tôi. Trời còn lờ mờ sáng mẹ tôi đã lôi tôi dậy, đưa
cho tôi cái nải nhỏ và dặn "nói
với Bố đi Nam ngay, không được về làng" .
Người dẫn tôi đi trốn là anh Hiền. Hai anh em tắt qua
ngã bờ ao ra phía bờ Mả Vù và lội ruộng lên đường
cái quan.
Làng
tôi không xa Hà Nội lắm, cỡ 25 cây số. Bố tôi vốn có
xe chạy đường Hà Nội - Sơn Tây - Quốc Oai và tôi vẫn
đi đi về về Hà Nội luôn, nhưng là ngồi trên xe vận
tải.
Lần
này, chưa quá 10 tuổi đầu, tôi đã cuốc bộ để đi
gặp bố tôi với lời nhắn của mẹ. trời sắp hết thu
khá mát. Tôi lẽo đẽo đi cạnh anh Hiền. Thỉnh thoảng
anh lại hỏi tôi có mỏi chân không.
Khi
ngồi nghỉ chân bên bờ đê sông Hồng, tôi lục chiếc
tay nải. Ngoài hai nắm cơm khá to với một ít cá kho
tiêu, còn có ba quả ổi. Ăn nắm cơm xong anh Hiền đưa
tôi chai nước và sau đó anh em lại cắm cúi bước.
Đồng
ruộng tiêu điều. Những khẩu hiệu tương tự như ở
đình làng tôi nhan nhản dọc đường, căng ngang căng dọc
xen lẫn với hình cụ Hồ râu dài môi đỏ như máu và
mắt đăm đăm nhìn như xem đứa nào là phản động để
trừng trị.
Tôi
cắn vào trái ổi, cắn một cách từ tốn chậm rãi, gặm
phần vỏ nhai thật kỹ. Nó hơi đắng chát, cái đắng
chát dịu dàng. Tôi ăn đến phần cùi. Giòn, sần sật,
nước ngọt ứa ra thấm vào tận chân răng.
Tôi
nhai phần ruột có hột. Hột ổi to nhưng không cứng lắm,
nhai vỡ ra kẹt vào kẽ răng. Tôi vừa đi vừa hít hà để
những hạt ổi long ra.
Cứ
thế ba trái ổi giúp tôi đi nhanh hơn và hai anh em đến
Phùng lúc nào không biết. Tôi còn nhớ khi đi qua chợ
Phùng, anh Hiền chỉ một căn nhà bảo: "Đó
là nhà ông Tổng Phùng. Ông Tổng có con đi bộ đội làm
thơ hay lắm nhưng ông Tổng đi Nam rồi."
Lớn
lên về sau này tôi mới rõ người bộ đội làm thơ hay
lắm là Quang Dũng.
Từ
Phùng anh em tôi thuê được xe để ra Kim Mã và sau đó đã
gặp bố để nhắn lời của mẹ.
Mãi
về sau này khi đã lớn, ngồi ôn chuyện năm xưa, tôi hỏi
mẹ lấy đâu ra ba quả ổi vào lúc đó? Mẹ bảo ông Lý
Cựu cho hồi chập tối. Ông Lý Cựu nhìn thấy tôi ngồi
tiu nghỉu một mình nơi gốc ổi hồi chiều. Đợi tối
không có ai, ông lẻn vào nhà đưa cho mẹ tôi ba quả ổi
bói còn sót lại lúc cuối thu.
*
* *
Tôi
lớn lên thành người ở miền Nam. Ổi xá lị miền Nam
to, đều, ngon ngọt. Những miếng ổi được ngâm trong
nước cam thảo vàng ươm bán ở sân trường. Khi ra chơi,
năm cắc nửa trái, sát muối ớt ăn đã ơi là đã. Ổi
Bắc Mỹ Thuận chục mười hai, có khi mười sáu. Ổi ở
chợ Bến Thành sắp thành hàng cao đẹp ơi là đẹp.
Nhưng có lẽ không có trái ổi nào trong đời tôi ngon hơn
ba trái ổi bói cuối mùa của vườn ông Lý Cựu.
Năm
1975 'hòa bình lại lập lại" và có những người từ
làng quê tôi vào Sài Gòn. Tôi hỏi thăm thì được bảo,
ông Lý Cựu bị đôn lên hàng địa chủ, không nhận tội
đã bóc lột nông dân nên bị liên đấu ngày đêm.
Ông
cắn lưỡi tự tử chết như bác Tư tôi vậy.
Lê
Thiệp
Trích
từ “Chân ướt chân ráo”
Do
tủ sách Tiếng Quê Hương phát hành.
Địa
chỉ liên lạc:
P.O.Box
4653 Fall Church VA
22044
USA