Bảo Trọng Cư - PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là một tác phẩm công phu, tâm huyết, nặng trí tuệ, có tính điển hình cao với một văn phong độc đáo, đa dạng, sắc bén, quyết liệt nhưng cũng đầy chất thơ.
Ắt hẳn vẫn có vài nhược điểm mà độc giả có thể nhìn thấy đâu đó, nhưng đây là một tác phẩm xứng tầm lịch sử – cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Tôi tin PHIÊN BẢN TÌNH YÊU sẽ cùng tồn tại với bi kịch lịch sử mang tên Việt Nam.
Tự do là cảm hứng vô biên cho mọi loài phát triển năng lực sinh tồn. Riêng về nhân loại – động vật linh trưởng thượng đẳng – tự do còn là thuộc tính vinh danh con người hướng tới chân thiện mỹ. Do đó, chiều hướng chính trị hiện đại của cả thế giới coi tự do không những là cội nguồn ủa dân chủ, mà còn là cốt lõi của nhân quyền. Nên chi, ngay sau khi Liên Hiệp Quốc được thành lập đã có bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, minh định một số tự do cơ bản của con người ở khắp mọi miền trên trái đất.
Các nước văn minh tiến bộ, bước đầu soạn thảo hiến pháp đều xác lập thể chế Tam Quyền Phân Lập, cũng là cách tỏ rõ quyết tâm đảm bảo tự do. Riêng các quốc gia chậm phát triển, các nước độc tài, đặc biệt độc tài Cộng Sản, thì hằm bà lằng một mớ. Sự nhập nhằng luộm thuộm đó, một phần do ngu dốt hoặc do quán tính bầy đàn như kiểu bộ lạc, một phần do ý đồ chuyên quyền của một người, một phe nhóm hay một đảng phái.
Nhà văn, cũng như mọi người trên hành tinh, mong được sống an vui trong một đất nước thanh bình và thể hiện khả năng mình bằng công việc yêu thích, dùng ngôn ngữ chuyển tải tâm tình, sau đó gởi thành quả nghệ thuật đến xã hội. Đó là tương giao, là hòa hợp công bằng.
Vậy tại sao trước đây và mãi đến bây giờ trong những quốc gia độc tài, nhà văn hay đụng độ với chính quyền? Và rồi, vì tay không và đơn lẻ nhà văn phải bị đọa đày hay ngồi tù với tội danh hình sự chẳng khác côn đồ du đãng. Rất đơn giản, có độc tài nào mà không độc quyền, đã độc quyền thì độc lợi, đã độc lợi thì độc ác. Mặc dầu không tranh quyền đoạt lợi của ai, nhưng sự chẳng đằng đừng, nhà văn xây dựng tác phẩm bằng chất liệu cuộc sống – sự kiện lịch sử, hiện thực xã hội, biến động thời đại. Độc tài thì tham quyền vô tận âm mưu thu tóm lập pháp, hành pháp và tư pháp vào một tay mình, bạo ngược như thế làm sao không ở trong tầm ngắm của nhà văn. Chưa hết, độc tài thường lưu manh xảo trá và nuôi tham vọng bất tử, hành xử độc ác nhưng muốn lưu lại lương thiện trong sử sách.
Là con đẻ của Liên Bang Xô Viết đã sụp đổ, là con nuôi của Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đang xập xình, là huynh đệ với Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên và Cu Ba đang đói rách, Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hội đủ những di căn của độc tài quốc tế, từ thượng vàng đến hạ cám. Đã cùng duộc, Cộng Sản Việt Nam không có sách lược nào khác.
Sau năm 1954, làm chủ được nửa nước, chủ tịch Hồ Chí Minh vội vã thanh trừng trí thức và văn nghệ sĩ trên đất Bắc, biết bao nhà văn đã treo cổ tác phẩm của mình lên để xưng tội rồi sau đó lột xác làm bồi bút.
Sau năm 1975, làm chủ cả nước, với hứng khởi đó nhưng thâm hiểm hơn, bí thư thứ nhất Lê Duẩn hối hả đốt sạch văn hóa phẩm miền Nam, bắt đi tù cải tạo một số nhà văn, chỉ xuất bản và phát hành sách báo quốc doanh, gia tăng kiểm duyệt dưới dạng biên tập bản thảo. Hơn nửa thế kỷ qua, với sách lược đàn áp văn học nghệ thuật ấy, Cộng Sản Việt Nam đã làm nên những kỳ tích gì?
Đánh tráo văn học nghệ thuật bằng một thứ công cụ phục vụ chính trị đang đi vào ngõ cụt. Rất nhiều nhà xuất bản ăn lương nhà nước, thay vì gạn đục khơi trong tác phẩm lại làm cái việc chặt chém.
Có một đội ngũ hung thần gọi là công an văn hóa ăn lương nhân dân và sẵn sàng tiêu diệt văn hóa chân chính. Đã hình thành một đoàn quân bồi bút hùng hậu, cực kỳ dốt nát văn học nhưng nhanh nhạy tung hô lãnh tụ, ngợi ca chế độ. Lập một trường viết văn sản xuất bồi bút từng lứa như gà vịt đẻ. Cho ra một khối lượng lớn sách báo vô chất lượng và không mấy người đọc…
Xem ra khá chỉn chu, công phu, đồ sộ. Mặc dầu đã có tuyên huấn mỗi tỉnh mỗi huyện, mặc dầu rất tốn kém nuôi cơm hội Nhà Văn Việt Nam, và một số hội Văn Học Nghệ Thuật ở các tỉnh thành, nhưng Cộng Sản Việt Nam vẫn luôn cảnh báo nội bộ, bóng gió đe dọa những người cầm bút tự do.
Vì sao? Dưới bàn tay sắt máu, Cộng Sản biết có những nhà văn chân chính coi sự nghiệp sáng tác như một thiên lương, như một sứ mệnh đối với nhân dân và lịch sử, không bao giờ khuất phục bạo quyền, không chịu bán mình bằng cách uốn cong ngòi bút.
Không ai rõ đội ngũ văn nghệ sĩ thầm lặng ấy có bao nhiêu người, nhưng quyết chắc họ sống đời cơ cực, thiếu thốn tiện nghi và đôi khi bị coi khinh. Tôi biết Vũ Biện Điền, bạn tôi, là một cây bút kiên cường trong số ấy. Vậy Vũ Biện Điền là ai mà thoáng nghe mới toanh trong làng văn?
Xin thưa đó chỉ là bút hiệu tạm thời.
Đáng ra với chức năng của người giới thiệu, tôi sẽ nói rõ chân tơ kẽ tóc tác giả với độc giả. Nhưng oái ăm thay, tôi không được phép và cũng không nên làm vậy.
Chỉ sơ lược thế này, Vũ Biện Điền là một người sinh ra và lớn lên trong cả hai cuộc chiến, mẹ bị Tây giết, chú và anh bị Cộng Sản giết, cha một thời miệt mài theo kháng chiến chống ngoại xâm. Sinh ra ở phố, ba năm sống ở ruộng đồng. Trước khi vào đời, anh đã tốt nghiệp hai trường đại học.
Một năm sau mùa xuân đại thắng 1975, anh xin thôi dạy học dưới mái trường xã hội chủ nghĩa. Rồi vì cuộc sống, anh làm nhiều nghề không phải chuyên môn của mình, rất vất vả mới nuôi nổi vợ yếu con thơ.
Vũ Biện Điền viết văn từ hồi còn là sinh viên, trước và sau 1975 đều có tác phẩm gây tiếng vang. Gần mười năm làm việc và ăn lương của chế độ Việt Nam Cộng Hòa, vì sự nghiệp sáng tác, anh bị ganh ghét vu cho là Việt Cộng. Khi Việt Cộng chiến thắng, cũng vì sự nghiệp sáng tác, báo đảng và cán bộ quy chụp anh là tay sai Mỹ Ngụy.
Tôi biết chế độ nào cũng muốn mua anh. Người ta thường phấn đấu vào đảng để tranh thủ chức quyền, tôi biết anh suốt 50 năm đã năm lần tinh tế phấn đấu để được ở ngoài các đảng phái, kể cả đảng Cộng Sản. Và khi gạ gẫm mà mua không được, người ta ghét anh như muốn đào mà đổ đi.
Lao đao quá, nhọc nhằn quá và nguy hiểm quá, có một thời gian dài anh im hơi lặng tiếng. Thấy anh khổ, một người bà con, nay đang định cư ở Mỹ, giúp anh vượt biên miễn phí, nhưng anh quyết không rời đất nước.
Quẫn quá, đôi lần không nơi thu giấu, không ai dám cất giùm, anh đã đốt một số sáng tác của mình. Trong chúng tôi, anh là người viết khá khỏe, có sáu bảy tập đã xuất bản – tiểu thuyết và truyện ngắn, ở trong và ngoài nước – và một số lượng lớn coi như tồn cảo. Như người ta, ở cái tuổi bảy mươi, lão giả an chi, thì đã bằng lòng, nhưng anh thì không. Bạn bè bảo anh có những truyện để đời rồi, nhưng anh cảm thấy mình chưa viết được gì!
Có lẽ vì thế mà sáu năm qua, khi các con đã tự lực mưu sinh, anh âm thầm ngồi viết PHIÊN BẢN TÌNH YÊU (*). Đó là một khoảng thời gian dài cô đơn và khổ hạnh trên một thị trấn miền cao heo hút, rót tinh lực cuối đời vào tác phẩm với mong muốn thể hiện những gì đã sống, đã trải qua với con tim tự do vui buồn và phẫn nộ trước hiện thực của đất nước đầy tai ương và bi kịch. Anh nói với tôi, quá trình sáng tác, rất nhiều đêm ngồi trước máy vi tính, anh đã khóc với nhân vật của mình.
Tác động chính trị rền rĩ xuyên suốt tác phẩm, cốt lõi PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là chuyện đời và chuyện tình của một nhân vật rất đặc biệt nhưng không cá biệt, nhiều tình tiết rất ly kỳ cũng rất hiện thực... Tác phẩm có cả trăm nhân vật thuộc nhiều thành phần xã hội của hai thời kỳ.
Ở Miền Nam trước 1975, có các nhân vật là sinh viên, học sinh, sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, giáo sư đại học, bác sĩ, vợ lính, những Việt Cộng nằm vùng, Việt Cộng ở núi, người dân vùng xôi đậu.
Và sau 1975, có đủ loại nhân vật liên quan đến guồng máy chế độ mới, chủ yếu là quan chức đảng, chính quyền, các ban ngành từ tỉnh đến cơ sở. Họ có nguồn gốc xuất thân khác nhau, từ đảng viên cải cách đến cán bộ tập kết, cán bộ chi viện, cán bộ nằm vùng, những kẻ ăn theo. Đặc biệt có vài nhân vật là gái điếm.
Chính vì thời gian của tác phẩm xuyên suốt từ 1954 đến tận hôm nay, với những nhân vật đặc trưng và dụng ý rõ rệt của tác giả, đây không phải chỉ là chuyện đời, chuyện tình của nhân vật chính và một số người liên quan mà gắn kết với những vấn đề lịch sử và chính trị hệ trọng của đất nước thông qua suy tư, tranh luận và hành vi của các nhân vật.
Nguồn gốc cuộc chiến tranh Việt Nam, nhận định và phê phán các nhân vật lịch sử cả hai miền Nam Bắc, sai lầm và tác hại của chủ nghĩa Cộng Sản, bản chất của chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa… Những vấn đề này không được trình bày khô khan qua lý thuyết mà bằng những hình ảnh sống động của các nhân vật trong từng giai đoạn và sự cố.
Các nhân vật có quá trình và tính cách hoàn toàn khác nhau được mô tả một cách sắc sảo và chân xác, hình thành một bức tranh tổng thể, một vở kịch lịch sử bi tráng, phần nào lý giải sự thất bại của miền Nam dù có tự do dân chủ và mức sống cao hơn miền Bắc, trong cuộc chiến vừa qua.
Miền Nam là một chế độ dân chủ còn phôi thai, với những cấp lãnh đạo bất tài, một số đảng phái xôi thịt, nhưng lại có những con người trong sáng, nhân hậu, lý tưởng dù theo hay chống chính quyền. Ngoài thiếu sót phát huy chính nghĩa độc lập dân tộc, miền Nam chưa có người đáng mặt vì dân vì nước đứng lên lãnh đạo, lại thêm nhận thức lệch lạc của đồng minh Mỹ về truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của Việt Nam.
Xốn xang làm sao, chính cái thiện, cái đẹp trong những con người thành tâm lại vô tình góp một phần vào nguyên nhân thất bại khi đối đầu với Cộng Sản lưu manh, xảo trá nhưng nhanh nhạy khai thác sơ hở của đối phương, kích động căm thù đấu tranh giai cấp giữa thôn quê và thành thị, sẵn sàng xử dụng bạo lực tối đa để khủng bố trấn áp, bỏ đói rồi bày trò hứa hẹn hão huyền…
Ngay sau chiến thắng, Cộng Sản mở trại tù khắp đất nước, đẩy dân thành phố lên vùng sâu vùng xa, tịch thu nhà cửa đất đai ruộng vườn, tận thu lương thực và thực phẩm, cải tạo công thương…
Càng thi hành chính sách bao nhiêu, nhân dân càng đói khổ bấy nhiêu, Cộng Sản vẫn to mồm tiếp tục huênh hoang. Trên đà say men chiến thắng, họ nào ngờ bây giờ không còn che giấu được ai nữa. Mỹ và những quốc gia đồng minh của Mỹ cấm vận Việt Nam. Liên Xô chiếm Cam Ranh để cấn nợ. Khmer Đỏ mở mặt trận quấy rối biên giới Tây Nam. Trung Quốc xua quân xâm chiếm sáu tỉnh phía Bắc. Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất bất hợp tác. Công Giáo âm thầm chống đối. Nhân dân bất mãn và một số đã quyết tử đứng dậy. Từ Bắc vô Nam, nông dân đồng loạt đấu tranh đòi lại đất đai. Những trò hề bầu bán giả hiệu dân chủ khiến người ta đã ngấy đến lợm mửa. Tham ô từ trung ương đến địa phương.
Quả thật đây là một “cú lừa lịch sử vĩ đại”, đầu nậu là Hồ Chí Minh, bài bản là của Mác–Mao... Nhưng canh bạc bịp nay đã lộ tẩy. Treo bảng Cộng Hòa sao lại Vô Sản Chuyên Chính? Treo bảng Độc Lập sao nhất nhất mỗi việc phải thông qua Nga, qua Tàu? Treo bảng Tự Do sao độc đảng đơn nguyên? Treo bảng Hạnh Phúc sao nhân dân đói rặt từ Nam chí Bắc?
Staline dựng chiêu bài giải phóng Đông Âu khỏi họa Phát Xít Đức rồi áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản, nay các quốc gia đó đã ngẩng cao đầu sau khi Liên Xô sụp đổ. Hồ Chí Minh dựng chiêu bài độc lập kêu gọi nhân dân chống thực dân Pháp rồi áp đặt chủ nghĩa Cộng Sản, nay Việt Nam vẫn còn trầm luân.
Tại sao? Đang nhờ Trung Quốc chống lưng. Có người bảo cái gì đã qua hãy cho qua đi. Nhưng theo tôi chưa qua được. Hãy cùng Vũ Biện Điền thảo luận một lần cho rốt ráo. Tháp Eiffel ngất nghểu, De Gaule trắng trợn phủi tay, được chưa? Người Mỹ không phải thực dân, đúng rồi, nhưng vì nể thực dân mà coi nhẹ độc lập của một dân tộc đang bị nô lệ dưới chiêu bài bảo hộ, liệu có đáng mặt lãnh đạo đồng minh chiến thắng trong thế chiến II? Liên Xô sụp đổ rồi, không nói nữa, nhưng đại Hán Trung Hoa còn đó, mất đất trên bộ mất đảo ngoài biển làm sao đây? Phật Giáo Quốc Doanh đang lan tỏa và nuốt chửng Phật Giáo Thống Nhất, những Phật tử vì đạo pháp vì dân tộc nghĩ sao? Và cả Công Giáo nữa, cuộc chiến chống Cộng Sản mang ý nghĩ gì?
Chúng ta cứ trung thực trao đổi, xé toạc bức màn vô minh như mây mù lưng lửng bao quanh mỗi cá nhân, mỗi phe phái…không cho chúng ta nhận ra nhau. Theo tôi, nếu can đảm, thẳng thắn, khách quan, bỏ qua định kiến cục bộ, vượt lên những tham vọng hèn hạ, chúng ta sẽ thấy được con đường Việt Nam... Riêng với người Cộng Sản, 70 năm qua, sức tàn lực tận rõ rồi, không cần biện bác nữa. Chỉ có điều muốn hỏi, năm 1975 tổng thống Dương Văn Minh và nội các của ông ta chịu gập mình vác cờ trắng để chấm dứt cái họa cốt nhục tương tàn, nay những người Cộng Sản đến bao giờ mới chịu chuyển giao – chí ít cũng đổi thay từ gốc rễ, cho Việt Nam ta vươn lên?
Tuy nhiên, trước và sau, PHIÊN BẢN TÌNH YÊU vẫn là một câu chuyện tình. Một chuyện tình xuyên thời gian, xuyên chế độ chính trị, xuyên thế hệ, xuyên hoàn cảnh, xuyên tuổi tác, vượt qua mọi ràng buộc luân lý, thói tục, quan điểm…nhưng cũng rất người, rất phải đạo, và cũng rất thánh thiện.
Mới nghe qua ai cũng nghĩ đây là cuộc gặp gỡ định mệnh, nhưng theo tôi, PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là dồn nén đau nhức của cả một dân tộc từ nửa thế kỷ vừa qua. Vì thế PHIÊN BẢN TÌNH YÊU có thể coi như một loại “quốc sử diễn ca” cho một giai đoạn.
Tác phẩm viết theo lối song tuyến đồng hiện. Quá khứ và hiện tại xen kẽ, từng bước làm hiện rõ cuộc đời và biến chuyển của từng nhân vật trước và sau dấu mốc lịch sử năm 1975. Việc đưa các vấn đề tư tưởng, chính trị vào suy tư và đối thoại của các nhân vật, hòa quyện với chuyện đời, chuyện tình ở đây là một thủ pháp nhà nghề để đạt tới một bức tranh hiện thực sinh động.
Thông qua hình tượng để phê phán, nhiều đoạn là những bài chính luận sắc bén. Thông qua những đôi co oái ăm, nhiều đoạn rất trào lộng nhưng mỉa mai cay độc. Thông qua những tình cảm chân thành, nhiều đoạn là những khúc tình ca não nuột…
Trong tác phẩm có nhiều chương đắng cay đến đau thắt, tưởng như tác giả bi lụy hóa. Nhưng rồi tôi nhìn quanh, ôn cố suốt nửa thế kỷ đau thương của dân tộc, nghiệm lại rất ư là hiện thực. Trong tác phẩm có rất nhiều chương đoạn rất ly kỳ tưởng như tác giả đã đi quá xa trong hư cấu. Nhưng rồi tôi nhìn vào tim tôi, ôn cố suốt một đời người, nghiệm lại rất ư là trung thực.
Trong tác phẩm có nhiều chương đoạn huyền ảo tưởng như tác giả đi quá xa trong hoang tưởng. Nhưng rồi tôi hướng về khát vọng, tra cứu sử sách, nghiệm lại rất xác thực.
Vũ Biện Điền nói với tôi, anh mất sáu năm, nhưng theo tôi, anh đã chung chi vào đó cả cuộc đời. Một nhà văn nữ, bạn anh, cũng có hân hạnh đọc bản thảo, đã đề nghị tác giả tự xuất bản, cô ta hứa sẽ bới cơm tù cho anh tới ngày mãn hạn. Nhưng anh không đồng thuận, không phải ngại lao tù mà muốn dành khoảng thời gian cuối đời tiếp tục sáng tác.
Tôi đã đọc PHIÊN BẢN TÌNH YÊU theo ba cách. – Đọc từ A01 đến A70 (chữ đứng) rồi từ Z01 đến Z45 (chữ nghiêng), cảm giác đi từ hiện tại lùi dần về quá khứ, mỗi bước một xót xa. – Đọc từ Z01 đến Z45 rồi từ A01 đến A70, cảm giác đi từ quá khứ dần về hiện tại. mỗi bước một uất hận. Hai cách này giúp ta nắm bắt cốt truyện và tình tiết dễ dàng. – Hay hơn cả, theo tôi, là đọc chương đoạn A và Z xen kẽ như đã trình bày, cảm giác cùng tác giả, cùng nhân vật sống chung một giai đoạn lịch sử. Nhưng đọc cách nào, tôi thấy tác phẩm vẫn không giảm sức cuốn hút. Được thế, không những do tình tiết ly kỳ, miêu tả chính xác sinh động, bút pháp sắc sảo, còn do đóng góp của hàng trăm chú thích tỉ mỉ, đầy thuyết phục. Một lối kết cấu tiểu thuyết độc đáo, khá lạ lùng!
Tóm tắt, PHIÊN BẢN TÌNH YÊU là một tác phẩm công phu, tâm huyết, nặng trí tuệ, có tính điển hình cao
với một văn phong độc đáo, đa dạng, sắc bén, quyết liệt nhưng cũng đầy chất thơ.
Ắt hẳn vẫn có vài nhược điểm mà độc giả có thể nhìn thấy đâu đó, nhưng đây là một tác phẩm xứng tầm lịch sử – cho hôm qua, hôm nay và cả mai sau. Tôi tin PHIÊN BẢN TÌNH YÊU sẽ cùng tồn tại với bi kịch lịch sử mang tên Việt Nam. Đôi dòng giới thiệu trên không là gì cả đối với một trường thiên tiểu thuyết hơn bốn trăm ngàn từ. Đó là chưa lý tới hạn chế khi tôi đang trong tình trạng sức khỏe không được tốt và phải nhấp nhem đọc tác phẩm ngay trên máy vi tính. Nhưng dù gì, lời chào mời thô thiển này hy vọng cũng làm được nhịp cầu tri ngộ nho nhỏ giúp bạn đọc bước vào tác phẩm, chung chia với tác giả gánh đau thương của dân tộc đang nổi trôi trên non sông Việt Nam.
Trong tâm thái sáng tác, một mình một cõi, tác giả có được tự do múa bút. Nhưng khi công bố, tác giả không thể không đắn đo vì nội dung “khủng khiếp” của tác phẩm. Lại nữa, kinh cung chi điểu, tác giả đã từng no đòn vì “họa văn chương” trong chế độ độc tài.
Vì thế anh đã chọn cách dùng bút hiệu mới khi xuất bản tác phẩm. Tôi hân hạnh được đọc tác phẩm khi còn là bản thảo với đề nghị viết đôi lời giới thiệu để ghi nhớ 50 năm tình bạn sắt son, đầy ắp hoài bão sáng tác, cũng lấy một bút hiệu khác. Đây là một hạn chế không tránh khỏi nhưng hy vọng độc giả có thể cảm thông. Vấn đề là nội dung và giá trị tác phẩm. Dù là của bất cứ tác giả nào, dưới bút hiệu nào, tác phẩm có sức nặng và tỏa sáng hay không mới là điều đáng kể.
Ảnh bìa 2 tập sách
Việt Nam, tháng 8.2012