Hiểu rõ nhu cầu
Lưu trữ đám mây gặp cùng một vấn đề như tất cả các xu hướng mới khác: một bộ phận không nhỏ người dùng chạy theo phong trào trong khi chưa hiểu biết đầy đủ về những gì mà họ đang định tham gia.
Bạn không cần sử dụng điện toán đám mây chỉ để chứng tỏ mình bắt kịp công nghệ. Nó đơn thuần là một công cụ đáp ứng một số chức năng nhất định. Khi bạn muốn tận dụng những chức năng này, khi bạn hiểu được tường tận những gì lưu trữ đám mây có thể mang lại, lúc đó hãy bắt đầu sử dụng đến điện toán đám mây.
Chọn đúng đám mây
Hiện nay có nhiều dịch vụ đám mây trên thị trường, nên bạn cần nghiên cứu cẩn thận để xem xét tất cả các lựa chọn thay thế trước khi trước khi gắn bó bất kỳ dịch vụ cụ thể nào. Một số cái tên đáng tin cậy có thể kể đến như Dropbox, Google Drive, SkyDrive, Box,SugarSync, Amazon Cloud Drive.
Do bản chất của điện toán đám mây, dữ liệu di chuyển giữa các đám mây có thể tiêu tốn nhiều thời gian. Nếu dịch vụ cung cấp ứng dụng desktop với tính năng tạo ổ đĩa hay thư mục trên máy tính, thời gian này có thể được rút ngắn. Tuy nhiên, nếu dịch vụ đơn thuần chỉ là một ứng dụng web, quá trình đồng bộ dữ liệu sẽ lấy đi thời gian và công sức quý báu của bạn. Ngoài ra, người dùng cần quan tâm đến sự tương thích giữa đám mây và các phần mềm trong máy tính. Hãy chắc chắn rằng bạn biết về những hạn chế này, nếu không bạn có thể bị đóng khung vào việc sử dụng công cụ mà bạn không cảm thấy thoải mái.
Tạo nhiều bản sao của dữ liệu
Một trong những rủi ro lớn của việc sử dụng điện toán đám mây là tuổi thọ của các dịch vụ này hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nó có thể hiện diện sáng nay nhưng lại biến mất vào ngày mai. Vì vậy, bạn đừng bao giờ sử dụng đám mây như kho lưu trữ dữ liệu duy nhất của mình. Bạn nên đảm bảo rằng dữ liệu trên đám mây thực sự là một bản sao lưu, bởi vì khi đám mây bị sập, dữ liệu của bạn có nguy cơ biến mất cùng nó trong chớp mắt. Do đó, các phương thức sao lưu khác song song với lưu trữ đám mây luôn là lựa chọn cần thiết.
Bảo vệ dữ liệu
Khi bạn giao phó việc quản lý dữ liệu cho nhà cung cấp dịch vụ đám mây, tuy có thể tiết kiệm chi phí và thời gian nhưng lại tiềm ẩn mối lo về an ninh và sự riêng tư. Chúng ta đã đề cập về khả năng mất tất cả dữ liệu của bạn khi một đám mây "chết yểu", nhưng cũng còn đó vấn đề bảo mật dữ liệu. Điều gì sẽ xảy ra nếu nhà cung cấp đám mây bị hack? Khi dữ liệu của họ, mà thực ra chính là dữ liệu của bạn, bị rò rỉ ra bên ngoài? Khi họ bị buộc phải theo dõi dữ liệu của bạn từ yêu cầu của chính phủ nước họ?
Lúc này, giải pháp khả dĩ là phải bảo mật cho đám mây của bạn. Các lựa chọn bao gồm: sử dụng các ứng dụng mã hoá như TrueCrypt, Boxcryptor, chuyển sang các dịch vụ đám mây đã tích hợp săn tính năng mã hoá như SpiderOak,Wuala, TeamDrive hoặc sử dụng ứng dụng mã nguồn mở EncFS nếu bạn đang chạy hệ điều hành Linux.
Hoàng Hải