Lê Thiệp
Lời giới thiệu: Đám cưới là ngày vui trọng đại của đôi lứa yêu nhau và cũng là dịp để hai bên suôi gia được nở mày nở mặt với thiên hạ. Không những thế lại còn trả được nợ cho bao nhiêu cái đám cưới đã đi hay phải đi trước đó. Nhưng từ lúc người Việt có mặt khắp năm châu thì hình thức đám cưới có vẻ thay đổi một chút cho hợp với “phong thổ”, nghĩa là có thêm những màn “lỉnh kỉnh” mà trước đây trong nước không có, như phải có thêm ông giới thiệu, và ông ghi…hình ảnh sao cho sống động. Việc này cũng dễ hiểu, là vì sau khi đôi lứa ra mắt quan viên hai họ “ngoài này”, lại có màn phải báo cáo với quan viên hai họ “trong kia” nữa. “Trong kia” cũng sẽ có một bữa tiệc nho nhỏ mời bà con láng giềng đến mừng ngày vui của 2 cháu nhưng thực ra… không có 2 cháu, mục đích để “trong kia” cùng có tâm trạng y như mình đang dự tại chỗ. Cũng có màn phát biểu, nâng ly, chúc mừng qua lại rồi cùng nhau nhâm nhi thưởng thức tiệc mừng qua màn ảnh nhỏ bằng những cuốn video đã được edit cẩn thận gửi về. Xin được kể một câu chuyện đầy “ấn tượng”: năm ngoái khi đi dự đám cưới của một người cháu tại một nhà hàng tại đây (Nhật), vì cô dâu là người hay sinh hoạt trong các chùa, nên người MC mà cô dâu nhờ cũng là người có kinh nghiệm giới thiệu… những nghi lễ Phật Giáo. Có thể vì thế, nên ngay lúc mở đầu, nữ MC ….duyên dáng đã “vô tư”: Xin mời cô dâu chú rể tiến lên…. lễ đài. Người biết chuyện hiểu ý, chỉ nhìn nhau cười thông cảm. Lúc đến màn dâng hoa cho bố mẹ, nàng MC lại quen miệng “Sau đây xin mời cô dâu, chú rể cùng tiến lên dâng hoa cúng….” Suýt nữa thì tuôn ra chữ…. “phật”. Khách tham dự lại nhìn nhau tủm tỉm. Chưa hết, còn có những luộm thuộm trong cách đi lên, đi xuống, thứ tự phát biểu. Vài tháng sau đó, tình cờ được xem lại cuốn video đã edit thì khám phá ra rằng: những trục trặc trong phát biểu của cô MC, lấn cấn khi sắp xếp thứ tự đi lên đi xuống đã hoàn toàn biến mất, lại còn được khen nức khen nở là “một đám cưới có lớp có lang” theo như nhận định của phía “trong kia”. Tóm lại, “ngoài này” đám cưới nào mà có được MC lưu loát, ông Camera giỏi quay, giỏi edit thì coi như đã thành công một nửa. Tạm kết luận, ngoài những nhân vật chính, còn có những nhân vật tưởng như bình thường nhưng không thể thiếu trong bất cứ một đám cưới nào ở thời đại ngày nay. Và đấy mới chính là tân nghi lễ của đám cưới thời đại mới: thời đại của MC và camera men. Bằng lối kể chuyện tài tình, chúng ta hãy nghe cố nhà báo Lê Thiệp kể chuyện về một đám cưới Việt Nam của thời đại mới.
Xin một tràng pháo tay
Ma chê cưới trách. Ông anh bà chị tôi tương
đối cũng đã trọng tuổi, thuộc thế hệ cổ nên muốn đám cưới con trai phải theo
những nghi lễ “phải đạo”. Chữ “phải đạo” là chữ của ông anh dùng trong cuộc họp
gia đình trước đám cưới. Cuộc họp quả là một cuộc tranh luận sôi nổi. Ông anh
nói đến sách Gia Lễ. Cả nhà xúm lại hỏi sách Gia Lễ là sách gì, nếu nó là
sách viết về nghi lễ đám cưới thì mua ở đâu? Ông anh ngẩn người ra, sau đó giảng
rằng sách này khởi thủy do ông Chu Công soạn ra, sau đó ông Khổng Tử san định
lại các kinh Thi, kinh Lễ Nhạc.... Hai bộ kinh Lễ và kinh Nhạc bị thất truyền.
Riêng kinh Lễ còn truyền lại một phần được gọi là Gia Lễ, trong đó có viết rõ
muốn tổ chức đám cưới thì phải theo những thủ tục thế nào cho “phải đạo”. Tụi
nhỏ hào hứng xúm lại hỏi thì được giải thích đó là sách của Tàu, ông Chu
Công, ông Khổng Tử là người Tàu sống cách đây cả nghìn năm. Tụi nhỏ kêu ầm
lên: Nghi lễ như vậy là xưa, xưa quá, lỗi thời rồi. Vả lại cả nhà có ai đọc
được chữ Tàu đâu? Bà chị tôi kể ngày xưa làm gì có áo đầm, làm gì có chuyện
cô dâu lúc mặc áo này khi mặc áo khác, lại còn đội cái khăn hoàng hậu trông cứ
như đào hát bội. Bà bảo“thời tao cũng là văn minh
lắm rồi. Tao với bố mày cưới nhau mổ cả một con bò, làm hơn bốn chục mâm, to
lắm, to nhất làng. Lại còn có tụi con nít giăng dây nữa”.
Giăng dây là cái gì má? À thì khi nhà trai đến
cổng nhà gái, tụi con nít giăng một cái dây thừng chặn không cho vào. Phải cầm một ít
tiền xu, tiền cắc ném vung vãi. Tụi nhỏ bỏ sợi dây đi lượm tiền thì nhà trai
mới đi qua được. Ông anh tôi tủm tỉm cười đọc thư Nguyễn Bính:
Gái lớn ai không phải lấy chồng
Can gì mà khóc nín đi không Nin đi mặc áo chào hai họ Rõ khéo con tôi các chị trông Này áo đồng lầm quần lĩnh tía Này trâm này lược này gương soi
Đấy thấy không? ngày xưa cũng mặc quần tía,
quần đỏ giống như bây giờ vậy. Ông anh hứng chí đọc tiếp Đoàn Văn Cừ:
Một cụ già râu tóc trắng như
bông
Mặc áo đỏ cầm hương đi trước đám Dăm sáu cụ áo mền bông đỏ sẫm Quần nâu hồng chống gậy bước theo nhau Hàng ô đen thong thả tiến lên sau Kế những chiếc mâm đồng che lụa đỏ Bọn trai tơ mặt mày coi hớn hở Quần lụa chùng, nón dứa, áo sa huê Một vài bà thanh lịch kiểu nhà quê Đầu nón nghệ, tay cầm khăn mặt đỏ
Bọn nhỏ cười ầm hỏi áo sa huê là áo gì? Đứa
thì bảo chú rể nhà này mà đội nón Nghệ chắc hết xảy.
Khi tụi nhỏ giải tán, ông anh tôi trầm ngâm;
“Thời buổi bây giờ khác hồi
anh chị. Thôi thì con cái đặt đâu bố mẹ ngồi đấy. Chú còn trẻ, chú đứng ra lo
hộ anh”
Thế là tôi lãnh cái búa tầy xồi
* * *
Cuộc chiến khởi đầu là số khách tham dự tiệc
cưới. Dự trù 400 mạng, nhà gái một nửa, nhà trai một nửa. Đứa cháu mặt nhăn cứ
cái mền rách chìa cho tôi cái danh sách của ông anh. Nó nhăn nhó: “Đám cưới cháu chứ đâu phải đám cưới bố mẹ cháu, sao mời
dữ vậy”
Đem ra thảo luận với ông anh thì ông có lý
do rất vững. Trả nợ miệng. Cái cộng đồng Việt Nam ở đây sau hơn hai
chục năm đi lại, hội hè đình đám, biểu tình đấu tranh, công tác cứu trợ, đâm
ra mọi người đều có qua có lại, có quen có biết. Người ta mời mình thì mình
phải mời lại chứ. Lại còn những liên hệ của ông ở Việt Nam nữa. Ông
kết luận số khách ông mời như vậy là hạn chế lắm. Vả lại như lời ông thì đây
là khách của cả gia tộc, đâu phải của riêng ông. Cũng phải nở mày nở mặt với
bàn dân thiên hạ chứ. Dỗi lên dỗi xuống cuối cùng là nhượng bộ, là cắt giảm đến
cái danh sách lần thứ tư mới tạm ổn. Thằng cháu tuy thế vẫn còn cay cú: “Chú thấy không, đám cưới gì mà còn đem cả đơn vị cũ
đánh nhau ở Hạ Lào ra kể lể. Có đám cưới còn chào kiểu nhà binh. Chỉ thiếu
chào cờ điểm quân số nữa là đủ”.
Tôi tiếng được ủy là người đứng ra lo liệu
nhưng cuối cùng thấy người chỉ huy đám cưới là hai ông lạ hoắc. Ông Cameraman
và ông MC.
Ông quay phim quả là người đầy kinh nghiệm
chiến trường. Ông quan sát xong đề nghị bưng chậu hoa gleuil đỏ ra để ở bàn
thờ, bưng chậu cúc xuống để ở bàn thấp. Như vậy phim mới có màu sắc rực rỡ.
Ông thì thầm và rồi tôi cũng phải nghe, nhờ tụi nhỏ tháo bỏ ra cái chóa đèn
treo lớn ở phòng khách nay được dọn dẹp làm chỗ lễ tơ hồng. Cái chóa đèn treo
thấp quá sẽ chặn hết không quay được cảnh lễ. Ông hỏi sao không treo chữ song
hỉ ở giữa bàn thờ, dẹp hình bà nội đi vì hình mờ quá. May mà tôi lanh trí đi
hỏi ông anh, ông anh xẵng giọng: “Nhà
mình có tổ tiên, còn cái ông quay phim có tổ tiên hay không thì kệ ông ấy”.
Lúc sửa soạn khênh con heo quay nặng xệ vai
ra, ông quay phim ra lệnh cụ bà này đẹp lão đi đầu rồi mới tới ông anh bà chị.
Bà cụ đẹp lão chỉ là bà hàng xóm lắm chuyện lúc nào cũng chực nhảy xổ vào
chuyện thiên hạ khi được chỉ định đi đầu thì hớn hở ra mặt.
Đám con trai con gái bưng quả đang đứng lớ
ngớ thì ông quay phim chỉ ngay một cậu nói: “Cậu
này đưa quả cho cậu kia bưng đi”. Lý do là cậu này cao quá,
cao lênh khênh trông không đều không đẹp. Ông anh lúc ngồi nghị luận thì đem
sách Gia Lễ ra dọa, nhưng vào cuộc thì lúng túng ra mặt. Khi ông quay phim bảo
bố chồng thì phải chững chạc, phải đóng cúc áo veston lại thì riu ríu nghe
theo. Ông quay phim chỉ đông chỉ tây, đặt người này đứng chỗ này, người khác
đứng chỗ khác mà ai cũng nghe cả mới là lạ. Lúc chiếc xe hoa sáu cửa màu trắng
sẵn sàng, tôi nhanh nhẩu đoảng toan mở cửa cho chú rể và đám phù rể leo vào
thì ông quay phim chặn lại. Ông bảo phải để tài xế có đội cát kết mặc quần áo
có sọc mở mới oai, quay phim mới hách. Tôi lủi thủi đứng lùi lại quê một cục.
Cứ thể là ông quay phim điều động toàn bộ nhà trai và sau đó ông lại tả xung
hữu đột ở nhà gái. Trong khi mọi người đang lớ ngớ thì ông chỉ mâm quả phải để
ở đâu, phải mở hé ra cho thấy mấy cái hộp trà cột giấy bóng kính đỏ lòm, mấy
chai sâm banh nút vàng lộ ra. Con heo quay miệng ngậm hoa hồng để ngay ngắn ờ
bàn thờ. Rồi ông cũng là người đầu tiên xông tuốt lên lầu vào phòng cô dâu
quan sát trận địa, phán lúc bà mẹ dẫn cô dâu ra chào hai họ thì ai đi trước
ai đi sau, chỗ cầu thang đừng có đứng chắn để quay phim cho đẹp. Lúc trao nhẫn
thì nhớ làm rất chậm để quay phim có nhiều góc cạnh, lúc bà chị đeo kiềng cho
con dâu thì phải đứng xoay về hướng đèn quay cho nó rõ. Ông tả xung hữu đột,
đánh đông dẹp bắc, và lạ thay mọi người đều riu ríu vâng lời ông.
Tôi cũng thở phào thấy vai trò của mình có
người khác làm hộ, chỉ còn đứng ké né xem ông ta có sai mình làm gì chăng. Cứ
thế đám cưới tiến hành xuôi rót không một trục trặc, chẳng cần Gia Lễ Gia Liếc
gì ráo. Cái nghi lễ này ông quay phim rành quá rồi mà, tuần nào mà chả quay,
có khi một tuần hai đám cũng nên. Lúc bắt tay ông quay phim hẹn buổi tối gặp ở
nhà hàng, tôi xúi ông viết một cuốn sách có nhan đề “Tổ chức đám cưới
đúng cách, hợp thời” thay cho cuốn Gia Lễ thì ông cười bảo ý kiến
tôi thật đáng đồng tiền bát gạo.
Sau ông Cameraman, buổi tối là ông MC, ông
DJ hoặc là ông điều hợp, ông điều khiển gì đó. Chả biết nên gọi ông ta là ông
gì nhưng ông nói như pháo nổ ròn tan, nói không ngơi nghỉ, nói như súng cà
nông chĩa thẳng vào tai người nghe. Tôi đếm và đếm không xuể cái câu: “Xin quí vị một tràng pháo tay cho....”. Ông
này là trưởng ban nhạc, bạn thân của chú rể, nói tiếng Mỹ rất cừ nhưng tiếng
Việt thì thỉnh thoảng lại vấp váp nhưng cũng chả ai buồn để ý. Cái đáng sợ nhất
là hai cái loa to tổ bố, chắc nhờ bộ khuếch đại âm thanh loại tốt nên âm
thanh cứ như xoáy vào tai, đinh cả óc, nghe đôi khi chẳng hiểu thiên hạ nói,
thiên hạ hát gì nữa. Tôi số không may ngồi ngay cái loa chĩa vào nên bị tra tấn
dữ dội. Bốn lần liền, khi thì chính tôi, khi thì tôi nhờ chú rể lên vặn âm
thanh vừa đủ nghe, lần nào cũng vậy, chỉ độ hai phút sau âm thanh lại ở mức
cao nhất. Thét rồi đành chịu vì ban nhạc bảo phải để như vậy họ mới chơi được!!!
Không hiểu đây là đám cưới của ai, của cháu tôi hay của trưởng ban nhạc.
* * *
Tất nhiên là đám cưới ăn ở nhà hàng Tàu.
Không ăn ở nhà hàng Tàu thì đâu phải là đám cưới hợp thời trang. Cái thực đơn
đã nhàm chán với bốn món ăn chơi, xúp măng cua, bồ câu quay, tôm hùm xào gừng,
vịt khoai môn, gà chiên ròn, rau xào nấm đông cô, cá hấp, cơm chiên. Cái vùng
này có dăm ba nhà hàng Tàu nhưng cái thực đơn thì y chang nhau và thiên hạ
thuộc thế hệ thứ nhì lấy nhau ghê quá nên phải xí chỗ cả năm trước. Nhưng
thôi thì cứ theo trào lưu cho nó gọn. Lúc thiên hạ nhảy đầm xong thì cũng gần
một giờ sáng. Ông anh bà chị trông bờ phờ hẳn sau một ngày lao động tốt, ngồi
thở phì phào chờ ông con trai và cô con dâu mới lo thanh toán tiền bạc với
nhà hàng. Tôi xà lại. Ông anh nhìn tôi cười: “May
quá có cái ông quay phim chứ không biết đường nào mà lần”. Tôi
cười hỏi lại: “Thế có đúng sách Gia Lễ không
anh? Sách Gia Lễ có khoản nào nói về vụ xin một tràng pháo tay không”
Và tôi bỗng nảy ra ý kiến coi bộ có thể hái ra
tiền. Cộng tác với ông Cameraman viết một cuốn Tân Gia Lễ để dạy cho thiên hạ
tổ chức đám cưới. Có khi vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.
|