Trước hết mời bạn đọc một vở kịch ngắn của một độc giả trên tờ báo Người Lao Động ngày 4-9-2013 vừa qua. Vở kịch không có tên và tác giả có cái biệt danh rất lãng mạn là Ngấn Lệ Hoàng Hôn. Nghe cái tên này không thể đoán biết là nam hay nữ. Chỉ hiểu lơ mơ rằng đó là những giọt nước mắt khóc vào lúc hoàng hôn. Nhưng tất cả không quan trọng bằng ý nghĩa thật của nó. Mời bạn đọc ghé thăm màn kịch ngắn này:
- Kịch 1 màn. 1 nhân vật độc thoại.
Nhân vật vào vai thanh tra môi trường, bụng to như cái trống, lom khom lúi húi đếm cái gì đó trong phong bì, rồi cất vào túi và ngửng đầu lên, nhìn xuống sân khấu và nói:
Thưa các đồng chí, thưa bà con sở tại, môi trường ở đây tốt lắm! Các giếng nước rất ngọt và mát, đảm bảo chất lượng môi sinh và vi sinh. Không có dấu hiệu nhiễm độc nước ăn vì thuốc trừ sâu phế thải! Bà con yên tâm cứ xài nước thoải mái, và nếu cần thì bịt khẩu trang khi ngủ, cho nó … êm lỗ mũi, nhé. Xin chào tạm biệt, cuối năm chúng tôi sẽ lên kiểm tra tiếp, nhé”!
Hạ màn! – Tác giả: Ngấn lệ hoàng hôn…
Phim và kịch
Vở kịch ngắn tủn nhưng lại nói lên rất nhiều điều phải nói với bà con cô bác. Chắc chắn vở kịch không bao giờ được diễn nhưng nó lại có thật ngoài đời. Thường là như thế, cái có thật khó được phơi bày, cái không thật lại được phô trương rất náo nhiệt. Vở kịch tuy ngắn tủn nhưng còn hơn nhiều cuốn phim VN bây giờ, mất hàng chục tỉ, khoe một lô chân dài, một loạt nhà cửa xe cộ choáng lộn, hàng chục anh hùng đường phố oánh lộn tung bừng, phóng xe gắn máy như điên và những cuộc tình vớ va vớ vẩn kiểu yêu đương “dở giăng, dở đèn”… Phim chẳng ra phim, hài “rẻ tiền”, đôi khi thô tục, chẳng nói lên được điều gì.
Ngoài ra khi xem bất kỳ phim nào, khán giả cũng được hầu hết các đài dộng một đống quảng cáo vào mặt. Cứ chừng 10 phút lại một loạt quảng cáo dài lê thê. Có những màn quảng cáo lố bịch, xấu hoắc, ông bà chủ nhà thuốc nào đó thích lên ti vi, bèn làm quảng cáo thuốc bổ tì bổ thận, vợ chồng lên ti vi rao hàng. Mắt lé, da ngăm, miệng rộng, chân ngắn, nói dai, nói dài, nói dở… Vậy mà, nếu cứ tình trung bình, một ngày xem phim phải xem vài chục lần như thế, làm sao chịu nổi! Khán giả có cảm tưởng tốn tiền thuê bao bị các đài ép xem toàn quảng cáo! Chưa kể đến khi đang xem, màn hình bỗng tắc tịt không rõ lý do. Riêng đài K+ cứ mưa là nghỉ chơi, chỉ có cái thông báo “Tín hiệu thấp, xin xem lại đường truyền hoặc gọi số 19001592 để được hỗ trợ”, xem lại đường truyền hay gọi số ĐT cũng vô ích, chẳng giải quyết được gì. Người ta đành hậm hực tắt máy. Người thuê bao luôn chịu lép vế.
Quay lai với vở kịch không tên ngắn tủn của độc giả trên đây, độc giả đọc chơi còn thú vị hơn xem phim VN. Thật ra vở kịch chỉ thay cho một lời bình luận, ai cũng viết được, nó chỉ mang một “thể loại” khác hơn mà thôi. Vài động tác ngắn gọn, vài lời thoại giản dị mộc mạc, biểu hiện cho một nỗi phẫn nộ bởi thói gian lận, thói vô cảm, sự tha hóa lương tâm đang diễn ra trong cuộc sống. Nỗi đau, sự cô đơn làm nước mắt của người dân chảy dài trong buổi hoàng hôn của nền kinh tế, của cuộc đời nghèo đói bệnh tật. Đó là một thông điệp bằng nước mắt gửi tới những người có trách nhiệm. Thôi thì tạm lấy tên tác giả làm tiêu đề vở kịch: “Ngấn Lệ Hoàng Hôn” cho dễ nhớ. Nhưng vì sao lại có vở kịch này?
Người dân tự đi tìm chứng cớ
Các thùng phuy người dân tìm thấy trong khuôn viên Công ty Nicotex |
Để làm rõ sự thật, sáng ngày 30-8, hàng trăm người dân đã tràn vào phía trong khuôn viên của Công ty CP Nicotex Thanh Thái “khai quật” lên hàng chục phuy đựng hóa chất bị hoen gỉ chôn sâu dưới lòng đất. Nhiều gói thuốc bảo vệ thực vật nhãn hiệu Nitrin 100EC cùng với nhiều vỏ chai nhựa, nắp chai, vòng sắt gỉ cũng được tìm thấy.
Trong khi, toàn bộ gia đình dân các xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm, Yên Lâm đều sử dụng mạch nước nguồn ngay cạnh sát công ty để ăn. Gần 10 năm trở lại đây, tại các thôn xóm này đã có rất nhiều người mắc đủ thứ bệnh ung thư, tôi sẽ nói rõ ở đoạn sau.
Số người mắc bạo bệnh liên quan tới việc ô nhiễm môi trường do việc chôn lấp thuốc trừ sâu trong lòng đất đã và sẽ còn gây ra ảnh hưởng tai hại nghiêm trọng chưa thể biết chắc chắn. Nhưng chắc chắn, sự “ô nhiễm” về tư duy, về ý thức, về lương tâm và cách hành xử ảnh hưởng tới sự an lành, an sinh của người dân, của Công ty Nicotex Thanh Thái, là quá rõ.
Sự cô đơn của người dân
Sau đó, người dân tràn vào cả khuôn viên công ty đào bới tìm kiếm “vật chứng” tội ác, nói lên một điều rất đáng buồn “người dân cô đơn quá” khi họ không thể trông chờ vào hành động tích cực nào của các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng bảo vệ cho quyền lợi, cho sự sống an lành của họ nên buộc họ phải tự cứu mình. Cái khẩu hiệu “vì dân” mà các bác hay lớn tiếng phát biểu, không biết đang cất giấu ở đâu?
Trước đó, người ta chưa quên vụ dân làng xã Duy Tân, huyện Kinh Môn (Hải Dương), đã phải tự lập “chiến lũy”, đối đầu chống lại công ty Trường Khánh, chuyên sản xuất sản xuất Pro Niken, thứ hóa chất dùng trong mạ hợp kim, khiến môi trường sống của họ bị đe dọa, vì họ cũng cô đơn quá.
Giờ, đến lượt người dân các xã thuộc Cẩm Thủy, Yên Định lại đi theo con đường đau khổ của người dân huyện Kinh Môn.
Cô đơn, vì người dân các xã cho rằng, trong việc này, có dấu hiệu cơ quan chức năng bao che cho công ty, ngăn cản họ, dù họ phát hiện có tới 15 phuy hóa chất không rõ nguồn gốc còn bám đầy đất đỏ bên ngoài vỏ phuy, đang được công ty đưa đi tẩu tán.
Cô đơn hơn nữa, vì từ 15 năm nay, người dân đã kêu cứu. Nhưng dường như các cơ quan chức năng không nghe thấy gì hết.
Năm nào cũng đi kiểm tra, nhưng kiểm tra ngoài hàng rào
Vỏ gói thuốc bảo vệ thực vật được tìm thấy dưới lòng đất |
Để đến khi vụ việc vỡ lở, bùng phát dữ dội, mới thấy các cơ quan chính quyền các cấp, vội vàng lao vào cuộc. Từ UBND tỉnh đến Phòng Cảnh sát môi trường, Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với chính quyền địa phương, sớm làm rõ những vi phạm của Công ty NicotexThanh Thái, đồng thời có biện pháp chấn chỉnh. Nói là “sớm”, nhưng thật ra là quá muộn!
Tệ nhất, là năm nào Sở Tài Nguyên – Môi Trường (TN-MT) Thanh Hóa cũng đều có các đoàn lên kiểm tra mỗi năm một lần, nhưng lần nào cũng… báo trước. Và ông Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Năm nào cũng thanh tra – kiểm tra, nhưng ngoài tường rào (!)” (Theo báo Lao động, ngày 4/9).
Tiêu hủy tốn kém nên cứ tự ý chôn lấp chất độc, ai chết mặc ai
Về sự tàn phá của chất thải này, hãy nghe ý kiến của ông Lâm Vĩnh Ánh (Cục Kỹ thuật, Binh chủng Hoá học- Bộ Quốc phòng):
“Việc tự ý chôn lấp nêu trên của Công ty cổ phần Nicotex Thanh Thái sẽ gây nguy hại cho môi trường, nhất là khi gặp mưa chất độc sẽ phát tán ra môi trường xung quanh. Nếu doanh nghiệp (DN) xử lý kỹ thuật rồi mới chôn lấp, thì việc làm đó phải được cơ quan chức năng biết và kiểm tra, đánh giá xem việc xử lý đến đâu, có đạt các tiêu chuẩn quy định không. Tuy nhiên, có thể do việc tiêu hủy theo đúng quy định chôn đốt khá tốn kém (khoảng 25-50 triệu đồng/tấn) nên DN đã “trốn” việc tiêu hủy theo đúng quy trình mà tự chôn lấp”.
Tất cả sự tha hóa của những kẻ tham nhũng, nhóm lợi ích, cho đến chuyện chôn lấp hóa chất độc hại, bất kể số phận, tính mạng người dân ra sao, cũng do sự tha hóa lương tâm của những kẻ có trách nhiệm.
Quan thanh tra nói như không có chuyện gì xảy ra
Liên quan tới việc Cty Nicotex Thanh Thái bị “tố” chôn hóa chất độc hại xuống đất gây ô nhiễm môi trường, chiều ngày 4/9, ông Trịnh Quốc Huy, Chánh thanh tra Chi cục Bảo vệ thực vật Thanh Hóa vẫn thản nhiên trả lời như không có chuyện gì xảy ra (?!).
Ông Huy cho biết, năm nào thanh tra chi cục cũng thành lập đoàn cùng với các cơ quan chức năng liên ngành đến thanh tra hoạt động của Cty Nicotex Thanh Thái. Kết quả mới nhất năm 2012 cho thấy công ty này không vi phạm chỉ tiêu nào được ghi trong giấy đăng ký hoạt động. (?)
Trái ngược với thanh tra chi cục bảo vệ thực vật, ông Lưu Trọng Quang, Phó Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết, năm 2012 qua kiểm tra, phân tích về không khí có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép. Nhưng Về mẫu đất, có một mẫu có 2 chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép. Lần kiểm tra ngày 18/3/2013, mẫu đất có chỉ tiêu Dimithoat vượt 1,2 lần; còn mẫu nước có 2 mẫu (1 mẫu nước ao và 1 mẫu nước hồ) vượt 3,3 lần chỉ tiêu TSS.
Bên cạnh đó, trong báo cáo giám sát môi trường năm 2012 đối với Cty Nicotex Thanh Thái có nhiều vi phạm như: Cty Nicotex Thanh Thái chưa có biện pháp xử lý chất thải nguy hại như: giẻ lau dính hóa chất, cặn bùn, vỏ thùng phuy, bao bì… theo đúng quy định. Chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Đúng là ông nói gà bà nói vịt.
Đấu tranh tới cùng, dù là phải bán cả nhà để lấy kinh phí
Người dân tự lấy mẫu đi xét nghiệm |
Mặc dù đã được lấy mẫu xét nghiệm trước đó, tuy nhiên người dân vẫn phải “mòn mỏi” chờ đợi kết quả trong “vô vọng”.
Ngày mùng 4/9 họ lại được tận mắt chứng kiến lần thứ hai cơ quan chức năng vào lấy mẫu hóa chất độc hại đi xét nghiệm và nghi ngờ việc làm trên có nhiều “uẩn khúc”.
Dường như việc lấy mẫu lần hai của cơ quan chức năng đã làm cho người dân không còn tin tưởng. Do vậy họ đã tự bật nắp các thùng phuy được chôn dưới đất lên để lấy mẫu tự mang đi xét nghiệm, đồng thời lưu giữ mẫu để “phòng” đối chứng với mẫu của cơ quan chức năng đã lấy trước đó. Như vậy là nhà nước lấy mẫu xét nghiệm riêng và người dân cũng lấy mẫu đi xét nghiệm riêng. Người dân không còn tin tưởng vào những nơi gọi là “cơ quan chức năng” nữa!
Ông Lê Văn Tuấn, người dân ở đây cho biết: “Chúng tôi không làm như vậy thì sau này con cháu chúng tôi sẽ là người trực tiếp phải gánh chịu hậu quả do công ty gây ra. Và chúng tôi sẽ đấu tranh tới cùng, dù là phải bán cả nhà, đất để lấy kinh phí”.
Hàng trăm người dân dựng lều vây kín công ty
Sau nhiều ngày đào bới, người dân đã phát hiện được trên 20 thùng phuy chứa thuốc trừ sâu được chôn dưới lòng đất, trong khuôn viên Công ty Cổ phần Nicotex Thanh Thái. Ngoài ra còn có hàng chục điểm được người dân “khai quật” lên có chứa nguồn nước độc hại, sặc mùi thuốc trừ sâu.
Người dân dựng lều ngồi canh trước công ty để giữ nguyên hiện trường nơi đã đào lên 1 lượng lớn hóa chất độc hại. Để tránh công ty tẩu tán thuốc sâu đi nơi khác |
Quanh khu vực nhà máy, mùi thuốc trừ sâu bốc lên nồng nặc, không khí bị đầu độc nghiêm trọng bởi những thùng phuy đựng hóa chất được người dân đào bới lên.
Theo người dân nơi đây, trong khuôn viên công ty này hiện có hàng chục tấn thuốc trừ sâu được chôn dưới lòng đất. Đặc biệt công ty này lại nằm ở chân núi, từ nơi đây có rất nhiều mạch nước chảy thẳng về khu dân cư với hàng trăm gia đình dân đang sinh sống.
Bởi vậy, ngày 3-9, hàng trăm người dân ở các xã lân cận Công ty Nicotex Thanh Thái để giữ nguyên hiện trường nơi đã đào lên 1 lượng lớn hóa chất độc hại. Để tránh công ty tẩu tán thuốc sâu đi nơi khác và thay đổi hiện trường đào bới, người dân đã dựng lều lán thay nhau túc trực quanh công ty.
Chiều ngày 10/9, hàng chục người dân các xã bị ảnh hưởng mùi thuốc sâu quanh Cty Nicotex Thanh Thái đã lên núi tìm kiếm nơi công ty này chôn hóa chất, bất ngờ người dân phát hiện ra một số điểm ở các hang đá có đấu chai, vỏ nhựa và nắp của chai thuốc. Rải rác quanh đó còn tìm thấy nhiều chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã cũ mục.
Theo kết quả điều tra ban đầu, Công an Thanh Hóa đã kết luận Công ty Nicotex Thanh Thái đã thực hiện không đầy đủ tần suất giám sát môi trường, xây lắp không đúng công trình xử lý môi trường (hệ thống xử lý nước thải) theo quy định, làm phát tán mùi hôi nồng khó chịu của thuốc trừ sâu ra môi trường; chưa có biện pháp xử lý bảo đảm phòng ngừa “sự cố” trong việc lưu giữ thuốc bảo vệ thực vật quá hạn sử dụng…
Làng ung thư, suy giảm thần kinh, dị dạng, đẻ non, sẩy thai…
Như trên đã thông tin, nhiều người dân trong những thôn làng xung quanh Công ty Nicotex như: xã Cẩm Vân, Cẩm Tâm (huyện Cẩm Thuỷ) và Yên Lâm (huyện Yên Định, Thanh Hóa) hằng năm phải ăn, hít thở không biết bao nhiêu hóa chất độc hại vào người. Chính vì vậy mà con số mắc bệnh hiểm nghèo tăng lên chóng mặt. Người dân không ngần ngại đặt cho những xã sống quanh Cty Nicotex là “làng ung thư”.
Theo con số thống kê từ Trạm y tế xã Yên Lâm (huyện yên Định), trong vòng hơn 10 năm qua trở lại đây tổng số người mắc bệnh hiểm nghèo của xã đã lên tới con số 315 người gồm các bệnh như: ung thư, suy giảm thần kinh, dị dạng, đẻ non, sẩy thai…
Chất độc hóa học bốc mùi hôi thối nồng nặc |
Trong đó, số người mắc bệnh ung thư đã chết là 150 người, hiện tại đang còn hàng chục người mắc bệnh ung thư nằm chờ chết. Sẩy thai 20 người, còn lại là bị thần kinh, dị dạng, đẻ non.
Ông Đào Hồng Quyết, Trạm trưởng trạm y tế xã Yên Lâm cho biết: mỗi năm ở đây có đến cả chục người chết do ung thư, ông Quyết nói:
“Trong 3 xã giáp danh Cty Nicotex thì xã Yên Lâm là xa nhất, nhưng lại có số người mắc bệnh nhiều nhất vì nằm dưới khu vực hạ lưu của sông Mã nên nước sinh hoạt bị ô nhiễm trầm trọng”.
Xã Yên Lâm có 10 thôn, tuy nhiên số người chết và mắc bệnh ung thư tập trung nhiều nhất là ở các thôn như: Cao Khánh 37 người; Thắng Long 38 người và Hành Chính 12 người…
Những người mắc bệnh ung thư hầu hết ở lứa tuổi từ 40 đến 50 với chứng bệnh như: ung thư dạ dày, phổi, gan, vòm họng. Nhưng những năm gần đây số người mắc ung thư ở lứa tuổi trẻ tăng lên rất nhiều.
Sống khổ hơn chết
Theo danh sách trong sổ của ông Quyết, phóng viên báo VN Net đến thăm gia đình chị Phạm Thị Ng. (21 tuổi) thôn Thắng Long.
- Chị Ng. bị căn bệnh ung thư tử cung hai năm nay, giờ chỉ nằm ở nhà chờ chết.Cũng như chị Ng., còn có nhiều người trẻ khác mắc bệnh như: Lê Thị H (23 tuổi) ung thư vú; Đặng Thị Ng (22 tuổi); Lê Thị Tr (28 tuổi)…
- Cũng chung cảnh “làng ung thư” như xã Yên Lâm, ông Lê Viết Hùng, trưởng thôn Cò Đồm (xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thuỷ) cho biết, thôn Cò Đồm có 75 gia đình dân, với hơn 300 người. Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây đã có gần chục người chết do ung thư.
Còn số người đẻ non, dị dạng thì không thể đếm xuể. Đúng là cảnh sống khổ hơn chết.
- Chị Lê Thị Tân, thôn Cò Đồm cho biết, đứa con trai chị sinh ra được hơn một năm nhưng cháu không hề biết khóc thành lời, cũng không thể phát âm ra tiếng gì ngoài lắp bắp miệng. Chị Tân cho biết “Nhà tôi cách Công ty Nicotex qua một quả núi. Nhưng mùi thuốc sâu bốc lên nồng nặng, nhất là trời sương mù thuốc sâu càng đậm đặc. Có những hôm ăn cơm mà không thể nuốt nổi. Chúng tôi nghi ngờ nguồn nước ăn ở đây bị thẩm thấu qua khiến con tôi mới bị di chứng thế này”
“Tại sao dân chúng tôi khổ như thế này”?
Bà Đinh Thị Lương, (61 tuổi), ở thôn Phong Mỹ ung thư vòm họng đang chờ chết |
- Bà Đinh Thị Lương (61 tuổi), thôn Phong Mỹ, nhà bà Lương có 4 người, chồng bà đã chết do căn bệnh ung thư phổi (năm 2005). Người con dâu thì bị tai nạn, giờ chỉ còn bà và đứa con trai đang mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác, chờ ngày về với ông bà tổ tiên. Bà Lương không giấu được những giọt nước mắt trên khuôn mặt già nua mỗi khi nhắc đến người chồng và đứa con trai đang nghi mang trong mình căn bệnh ung thư này.
Nhìn vào di ảnh của chồng, bà khóc như ai oán: “Tại sao gia đình tôi lại khổ đến như vậy. Chồng đã ra đi vì căn bệnh ung thư, giờ đây tôi cũng nằm chờ chết với bệnh ung thư vòm họng. Đứa con trai đang nghi ngờ bị ung thư, nhưng nó không dám đi khám vì sợ bị suy sụp tinh thần rồi không lo hậu sự được cho tôi khi tôi chết”.
Bà Lương cho biết, người dân ở đây khổ lắm. Nguồn nước sinh hoạt chủ yếu là giếng khơi, làng lại nằm ở dưới hạ lưu sông Mã nên hóa chất độc hại của Cty Nicotex theo dòng nước chảy xuống ngấm vào nguồn nước.
Ông Đoàn Quang Tơn, y tá thôn Phong Mỹ cho biết, hiện nay thôn Phong Mỹ cũng có tới cả chục người đang mắc bệnh ung thư. Con số này không dừng lại ở đó, vì lẽ người dân không đi khám nên không biết mình mang bệnh. Chỉ đến khi bệnh nặng thì mới phát hiện là mình sắp chết.
Những di chứng do chất độc gây ra được bù đắp như thế nào?
Ông Nguyễn Văn Thinh (thôn Diệu Sơn, xã Yên Lâm) một trong số những người mắc bệnh ung thư cũng đang chờ chết!
Tôi tưởng không cần đưa ra lời bình luận nào thêm về thảm cảnh của những người dân đang sống khổ hơn chết của những thôn xóm được gọi là “làng ung thư”. Xin chuyển đến những người gọi là có trách nhiệm với nhân dân câu hỏi ai oán “Tại sao gia đình tôi khổ như thế này?”. Và một câu hỏi được đặt ra:
Sự việc trên sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ, những kẻ vi phạm sẽ bị xét xử . Ngoài ra, những người dân bị ảnh hưởng có thể kiện công ty này bồi thường vật chất về những thiệt hại mà họ đã và đang gánh chịu. Thế nhưng, những thiệt hại về tinh thần, những di chứng do chất độc đối với con người hiện tại và các thế hệ tương lai sẽ được bù đắp như thế nào?
Văn Quang