Diễn giả nói về vụ khai thác Bô-xít tại Việt Nam: nữ giáo sư Nakano Ari |
Mặc dù chuyện nhà nước CSVN thất bại trong dự án khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên không liên hệ gì đến Nhật Bản, nhưng các giáo sư học giả hàng đầu của quốc gia này đã đem đề tài khai thác Bô-xít tại Việt Nam ra thảo luận trong Diễn đàn Nghiên cứu mang chủ đề ''Kế hoạch hiệp tác năng lượng với các nước Đông Nam Á''. Cuộc hội thảo được tổ chức tại đại học Kagoshima vào đầu tháng 6/2013. Tuy đây là buổi hội thảo mang tính nghiên cứu hàn lâm, nhưng theo truyền thống từ nhiều năm nay, kết quả từ những cuộc hội thảo "nặng ký" này lại tác động rất lớn đến chính sách của chính phủ Nhật. Một số lý do là vì những thuyết trình viên đều là giáo sư, học giả hàng đầu của Nhật; vì số báo đài cấp quốc gia theo dõi tường tận và đưa tin liên tục; và vì giới chuyên gia quốc tế đặc biệt quan tâm.
Diễn giả nói về vụ khai thác Bô-xít tại Việt Nam là nữ giáo sư Nakano Ari thuộc khoa Chính trị & Ngoại giao của đại học Daito Bunka (Tokyo) . Theo kết quả tổng hợp với nhiều dẫn chứng, Giáo sư Nakano kết luận kế hoạch khai thác Bô-xít tại vùng Tây Nguyên không chỉ hoàn toàn thất bại, mà còn hiện tượng hiện nay không ai chịu trách nhiệm. Một trong những lý do thất bại là vì thiếu thông tin và chính phủ Việt Nam độc đoán quyết định, coi thường và bỏ ngoài tai các góp ý quý giá của giới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước. Đây là các chuyên gia về môi trường, kinh tế, và an ninh quốc phòng. Giáo sư Nakano, biết tiếng Việt, đã có dịp tiếp xúc tại chỗ với các nông dân ở Đăk Nông và Lâm Đồng để hỏi chuyện. Từ đó bà được biết cư dân địa phương không nhận được giải thích rõ ràng về khai thác các mỏ Bô-xít, về việc xây dựng và mở rộng nhà máy Alumina, hay về kế hoạch đền bù đất bị thu hồi bởi dự án. Một số công nhân làm cho dự án khai thác Bô-xít cũng không được trả lương đầy đủ. Do đó, những lời hứa hẹn từ phía nhà nước rằng dự án sẽ đem lại việc làm cho nhiều người là điều đáng ngờ.
Giáo sư Nakano cũng cho biết thêm là vào đầu năm 2013, bà đã tổ chức một buổi hội nghị ở Hà Nội về tài nguyên, sinh thái, nhằm mục tiêu gia tăng hiểu biết và bảo vệ môi trường sống. Nhưng bộ Công thương nhất quyết không cho đưa vấn đề Bô-xít vào nghị trình. Họ còn cấm những chuyên gia từng lên tiếng phản đối dự án Bô-xít không được tham dự Hội nghị.
Giáo sư Nakano cho biết trong 20 năm quan sát tình hình Việt Nam, xu hướng cố tình khỏa lấp những sự thật mà nhà nước không thích vẫn giữ nguyên, chẳng tiến bộ gì cả. Và vì thế, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân dưới một thể chế đàn áp tự do ngôn luận, ngăn chận thông tin là chuyện nguy hiểm. Bà khuyên chính phủ Nhật nên tìm hiểu thêm tình hình thực tế ở Việt Nam để xét lại cách làm của mình khi hợp tác với một đối tác như thế.
Nối tiếp chủ đề chính phủ Nhật xuất cảng kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam, một nữ giáo sư khác là bà Yoshi Michiko của đại học công lập Mie nêu một thắc mắc lương tâm rằng tại sao người dân Nhật đã quá khiếp sợ bởi tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai Ichi, sợ đến nổi 70% dân chúng Nhật muốn từ bỏ điện hạt nhân, nhưng việc chính phủ Nhật xuất cảng kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam lại không có mấy người dân Nhật quan tâm. Bà nhận xét tiếp rằng khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng của Việt Nam nói rằng ông ta hết sức tin tưởng vào kỹ thuật và tính an toàn cao về điện hạt nhân của Nhật, thì chính người Nhật đã được một bài học về cái gọi là "điều kiện tuyệt đối an toàn" qua vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima. Bên cạnh đó là những quan tâm về tình hình thực tế tại Ninh Thuận, nơi mà nhà nước Việt Nam không cho phóng viên nước ngoài đến đưa tin; những quan tâm về nền tảng luật pháp và mức độ thi hành luật pháp nghiêm chỉnh của nhà nước Việt Nam; những quan tâm về khả năng quản lý và đội ngũ chuyên viên của Việt Nam; và những quan tâm về ''Cấu trúc sai biệt'', nghĩa là không thể để cho cư dân tại nơi xây cất nhà máy điện hạt nhân bị nhiều thiệt thòi, kể cả nguy hiểm về tính mạng để có nguồn điện cung cấp cho các đô thị lớn
Giáo sư Endo Satoshi của trường đại học Kyoritsu Joshi (Tokyo) thì phê bình rằng bản hiệp ước Nguyên tử lực giữa hai nước Nhật-Việt được ký vào tháng 1 năm 2012 thực chất chỉ để phục vụ các công ty Nhật muốn bán kỹ thuật điện hạt nhân cho Việt Nam.
Giáo sư Ito Masako của đại học Kyoto thì đặt câu hỏi tại sao chính phủ Nhật không trả lời bức thư của 626 nhân sĩ, trí thức Việt Nam. Bức thư gởi trực tiếp đến chính phủ Nhật để yêu cầu Nhật ngưng xuất khẩu kỹ thuật điện hạt nhân sang Việt Nam. Ông nói: "Chúng ta nên biết dưới chế độ CSVN, bất cứ ai phản đối chính sách của nhà nước đưa ra đều bị trù dập và có thể bị nguy hiểm đến tính mạng, vậy mà có trên 600 người chấp nhận ký tên phản đối cho thấy vấn đề rất quan trọng đến thế nào. Thế mà chính phủ của ông Noda trước đây vẫn làm ngơ. Đến khi ông Abe lên thay thế thì lại sang Việt Nam tiếp tục nói về chuyện bán kỹ thuật điện hạt nhân với ông Nguyễn Tấn Dũng".
Giáo sư Ito cũng đặc biệt nhấn mạnh trước khi lên đường sang Việt Nam, Thủ tướng Abe công khai tuyên bố trước báo chí rằng Nhật Bản muốn hiệp tác và làm bạn với bất cứ quốc gia nào nỗ lực đẩy mạnh vấn đề tự do, dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Thế mà trong cuộc hội đàm với ông Nguyễn Tấn Dũng ông Abe chẳng hề nói đến vấn đề này. Trong khi đó, khi phái đoàn Quốc hội Anh sang thăm Việt Nam ngay sau chuyến đi của ông Abe, phái đoàn này cũng nói đến chuyện đầu tư, làm ăn buôn bán với Việt Nam, nhưng trước tiên họ yêu cầu chính quyền Hà Nội trả lời về lý do tại sao quyền tự do tín ngưỡng ở Việt Nam bị xâm hại, quyền tự do ngôn luận bị cấm cản, nhân quyền bị xâm phạm, nhiều blogger bị bắt bớ, và tại sao phải duy trì chế độ độc tài, độc đảng. Giáo sư Ito kết luận: "Anh quốc chẳng cần nói nhiều mà là, còn Nhật tuyên bố thật lớn nhưng lại không hành động".
Điều làm nhiều người Việt đang sinh sống tại Nhật kinh ngạc là mức độ lo âu của các chuyên gia Nhật Bản trước việc xuất khẩu kỹ nghệ điện hạt nhân cho Việt Nam. Và càng đáng kinh ngạc hơn nữa là hiện tượng các quan chức Việt Nam cứ nhất định nài nỉ khuân về.
Hàng ngũ các quan chức đang nắm quyền đều biết đây là loại dự án ở mức nhiều chục tỉ mỹ kim, tương đương với loại dự án xây đường cao tốc, nên họ biết chắc có vô số cách cho nhiều tầng quan chức có thể rút ruột lên đến mức hàng trăm triệu hay hàng tỉ mỹ kim để chia nhau. Còn món nợ sau cùng và các mối hiểm nguy là chuyện của người khác. Y hệt như tiến trình khai thác Bô-xít Tây Nguyên.