RFI : Thông báo của Mạng Lưới Blogger Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam vừa trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền, xin chị cho biết một số suy nghĩ của chị về sự kiện này.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh : Tôi nghĩ rằng việc Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là một thách thức lớn với Việt Nam. Và không như nhiều người nghĩ, một số bài báo trên các tờ Nhân dân, rồi An ninh Thủ đô, cho rằng các thành viên Mạng Lưới Blogger Việt Nam không ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Mà họ nói chúng tôi ‘‘đi ngược lại quyền lợi của dân tộc’’ là sai. Vì ngay trong câu đầu tiên của bản Tuyên bố đầu tiên của Mạng Lưới Blogger, chúng tôi đã nói rất rõ là Việt Nam phải sửa đổi pháp luật để chứng minh cam kết tranh cử của mình. Tức là khi anh gia nhập vào một sân chơi quốc tế, thì anh phải có những nguyên tắc mà anh phải tuân thủ. Trong các văn bản ngoại giao, mà chúng ta thường nghe các nhà lãnh đạo Việt Nam nói, là Việt Nam không có trường hợp nào vi phạm nhân quyền, cũng như Việt Nam không có người bất đồng chính kiến. Đó là các tuyên bố công khai mà cả thế giới đều thấy. Các thành viên của Mạng Lưới Blogger Việt Nam là những cá nhân có thể chứng minh rằng mình bị xâm phạm quyền lợi.
Việc Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền là một thách thức lớn với Việt Nam, buộc chính quyền Việt Nam phải thay đổi, phải tôn trọng những người có ý kiến trái chiều với truyền thông Nhà nước. ( …)
RFI : Xin chị cho biết thêm suy nghĩ của chị về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam hiện nay.
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh : Tình hình nhân quyền tại Việt Nam, thì mỗi người sẽ có một đánh giá riêng, tùy cái vị trí và cái góc nhìn của mình. Đương nhiên là sẽ có một số người nói là tôi bị tước một số quyền, có người nói là Việt Nam có nhân quyền.
Tôi chỉ có thể nói ở vị trí và những gì tôi đã trải qua đến bây giờ. Ngay cái hồi Mạng Lưới Blogger Việt Nam thành lập, tôi có thử làm một buổi phát bong bóng, về trên bong bóng đó có gắn một logo về nhân quyền (hình bàn tay) và bên kia là dòng chữ ‘‘Quyền con người cần được tôn trọng’’. Chúng tôi phát cái bong bóng đó cho trẻ em, cùng bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho cha mẹ các bé, và những người lớn nếu quan tâm, ở trên bãi biển ở đường Trần Phú, Nha Trang. Sau đó, tôi và hai người bạn bị giữ ở đồn công an rất là lâu. Tôi thì được về vì có con nhỏ, sau 7 tiếng làm việc, còn hai người bạn thì bị câu lưu qua đêm. Tiếp sau đó, hai trong ba người chúng tôi bị phạt, nhưng không liên quan gì đến việc phát bong bóng hay chuyện ‘‘Tuyên ngôn quốc tế Nhân quyền’’, mà buổi làm việc sau đó (với công an) liên quan đến trang blog của chúng tôi. Rất nhiều biên bản, từ các comments từ facebook và blog, cho rằng chúng tôi lợi dụng quyền tự do dân chủ, lợi ích Nhà nước, tổ chức. Thì theo những gì đã xẩy ra, thì tôi có thể khẳng định rằng tôi không được quyền nói điều mình nghĩ. Vì khi anh nói một cách ôn hòa, không kêu gọi lật đổ, mà kết quả anh bị hạn chế như vậy, bị phạt như vậy thì tôi nghĩ rằng tôi có đủ quyền để nói rằng : Mình không có quyền để nói lên điều mình muốn. Và đó là một hành động vi phạm quyền con người của cá nhân tôi rất cụ thể.
Như mọi người biết, chính quyền Việt Nam luôn rất khéo léo, rất tinh vi trong việc che giấu những sai phạm của mình trước quốc tế, bằng nhiều hình thức khác nhau. Và họ sử dụng những điều trong Bộ Luật Hình sự, như điều 258, điều 88 và điều 79, thì còn có rất nhiều thông tư, nghị định khác hạn chế các quyền tự do ngôn luận của con người, giống như là nghị định 72 mới vừa ra, rồi cái nghị định 73, mà theo đó tôi bị phạt. Đương nhiên họ sẽ trả lời với thế giới là họ không có vi phạm quyền con người, vì những người đó (những người bày tỏ quan điểm riêng - ndr) vi phạm luật pháp Việt Nam. Nhưng mà rõ ràng, theo chuẩn chung của thế giới, thì luật pháp Việt Nam vi phạm quyền con người. Cho nên tôi nghĩ, tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam càng ngày càng diễn ra một cách công khai, nhưng lại khéo léo đối với thế giới.
RFI : Tuy nhiên, ở Việt Nam, theo chị, có thể ghi nhận những tiến triển về nhân quyền không ?
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh : Một trong những dấu hiệu mà thế giới thấy Việt Nam cải thiện về mặt nhân quyền là họ công nhận hôn nhân đồng tính (bỏ việc cấm hôn nhân đồng tính – ndr) và cho những hoạt động cổ súy hôn nhân đồng tính trở thành một trào lưu chung của xã hội. Đó là một bước tiến có thể thấy rõ nhất về cải thiện nhân quyền mà Việt Nam muốn chứng tỏ với thế giới. Tôi nghĩ rằng, không phải đơn giản là việc công nhận hôn nhân đồng giới đó diễn ra trước khi Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Diễn ra sát với thời điểm này như vậy, việc này cũng nằm trong các cam kết cải thiện nhân quyền của Việt Nam.
Bên cạnh đó, tôi cũng muốn lưu ý rằng, quyền con người không chỉ là quyền tự do ngôn luận, quyền tự do biểu đạt, mà nó còn có quyền phải được bảo vệ mạng sống, phải được bảo vệ danh dự trước những cơ quan do Nhà nước thành lập như công an và báo chí. Một trong những hình thức vi phạm nhân quyền mà không phải ai cũng nhận ra là người dân không có quyền tự vệ trước hệ thống công quyền như công an. Cái hình thức ép cung, rồi dọa, rồi bị đánh đập này nọ, tình trạng người bị chết trong đồn công an. Việc xâm phạm như vậy, đánh đập như vậy cũng là một trong những tình trạng vi phạm nhân quyền không phải ai cũng thấy, không phải cơ quan truyền thông nào cũng để ý đến chuyện này.
Tôi theo dõi các truyền thông quốc tế thấy họ ít nói đến việc người dân Việt Nam chết ở trong đồn công an, hoặc bị bức cung.
RFI : Gần đây, chị có biết trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang bị tù oan, hiện nay đã được xét xử lại và được trả tự do. Một vụ như thế được đưa ra công khai như vậy và các đại diện của chính quyền cũng thừa nhận thực tế đó, thì phải chăng có thể ghi nhận đó như là một bước tiến hướng về việc thừa nhận nhân quyền, đứng từ phía chính quyền ?
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh : Tôi cho rằng việc này không phải là một bước tiến. Bởi vì ông Chấn không phải là người dân duy nhất bị oan. Và vụ ông Chấn được đưa ra ở thời điểm này là nằm trong lộ trình cải cách hệ thống tư pháp của Việt Nam trong 10 năm. Nếu theo dõi toàn bộ các thông tin, thì mọi người có thể thấy một hành động của chính quyền Việt Nam là : Ông này oan nên phải tha. Nhưng những người đã gây ra cái sự oan sai đó, nằm trong hệ thống đó, thì không bị xử lý theo pháp luật.
Đến giờ, thì chưa có hình thức kỷ luật nào. Và theo một số luồng thông tin đưa ra, thì nếu cơ quan công an đủ mạnh để lật lại, thì ông Chấn có thể bị vi phạm vào điều 258, tức là vu khống các điều tra viên. Cho nên tôi nghĩ rằng, ông Chấn may mắn có một người vợ kiên trì và đủ lòng tin vào sự vô tội của chồng đến giờ phút này. Và cái câu mà ông ấy nói « Cám ơn Đảng và chính phủ, đã sinh ông ra lần nữa » cũng đúng, vì nhờ có bố ông ấy là liệt sĩ, mà ông ấy không bị tử hình. Nếu ông ấy bị tử hình cách đây 10 năm, thì làm gì có vụ xét xử lật lại. Cho nên, tôi thấy rằng vụ ông Chấn không cho người ta thấy một bước cải thiện về nhân quyền, mà nó nằm trong lộ trình cải cách hệ thống tư pháp sắp tới. Và người ta lại sẽ chỉ đưa ra các ví dụ cho thấy là hệ thống này có sửa sai, nhưng hình thức cụ thể của sửa sai cho đến giờ chưa thấy, nên tôi không nghĩ rằng đó là cải thiện.
RFI : Đó là về phía Nhà nước, còn về phía nhận thức về nhân quyền của người dân, người công dân Việt Nam bình thường, thì thế nào ?
Nguyễn Ngọc Như Quỳnh : Nhận thức về nhân quyền của người dân Việt Nam hiện nay, tôi nghĩ là mọi người khá hơn dần. Mọi người biết được quyền của mình và biết cách phản kháng ở những trường hợp cụ thể nơi công quyền. Ngày xưa thì cái tâm lý sợ công an và những người ở các cơ quan Nhà nước có vẻ lấn át nhiều hơn bây giờ. Qua các thông tin, rồi qua những trường hợp phản ứng cụ thể, thì tôi thấy người ta đã biết cách nói lại, người ta đã biết cách phản ứng. Nói chính xác hơn, người ta biết mình có quyền gì để phản ứng. Dù mức độ cũng khác nhau, tùy thuộc vào vị trí và tình huống của mỗi người, nhưng nhìn chung tôi nghĩ nhận thức về nhân quyền của người dân ngày càng cải thiện.
RFI xin chân thành cảm ơn Blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.