Một công ty dịch vụ in 3 chiều (3D) đã chế tạo ra khẩu súng ngắn bán tự động kể trên từ vật liệu kim loại và còn thể hiện cho thấy nó làm việc không khác gì những khẩu súng được chế tạo theo phương thức truyền thống.
Bản sao nguyên mẫu
Sản phẩm của Công ty Solid Concepts là bản sao nguyên mẫu của khẩu súng M1911 bắn đạn .45 ACP, đã là vũ khí tiêu chuẩn của quân đội Mỹ trong hơn 70 năm qua. Nó có hơn 30 linh kiện được sản xuất từ công nghệ in 3D, gồm cả những phần quan trọng như nòng súng. Ngoài nòng, phần ốp trên của súng, bộ khung và nhiều linh kiện bên trong được làm từ thép không gỉ. Lò xo chính, cò súng và một phần của báng được làm từ hợp kim dựa trên nickel-chromium có tên Inconel 625.
30 linh kiện súng được Solid Concepts in ra
Solid Concept đã thể hiện khả năng của súng bằng cách dùng nó bắn 50 viên đạn. Mức độ chính xác ra sao? Theo Solid Concepts, ở cự ly hơn 30 mét, súng đã có thể bắn trúng hồng tâm vài lần. Trước đó, khẩu súng 3D duy nhất trên thế giới là mẫu Liberator làm từ nhựa, có khả năng bắn từng phát một, do Công ty Defense Distributed chế tạo. Tuy nhiên, Liberator không đáng tin cậy, nhất là sau khi bắn nhiều viên đạn.
Súng của Solid Concept được phỏng đoán làm bằng máy in 3D tiêu chuẩn công nghiệp, sử dụng các công nghệ Selective Laser Sintering (SLS) và Direct Metal Laser Sintering (DMLS). Cả DMLS và SLS đều dùng laser để nung chảy kim loại, gồm những chất "cứng đầu" như titanium, ở nhiệt độ vượt quá 1.600 độ C.
Máy in 3D này hoạt động bằng cách trải ra một lớp bột kim loại mịn, sau đó dùng tia laser để đun chảy chúng. Qua việc chồng hết lớp kim loại này lên lớp khác, máy sẽ dần tạo nên một vật thể. Sự khác nhau giữa 2 kỹ thuật là DMLS thường được sử dụng với hợp kim.
Không cổ súy cho quyền sở hữu súng
Sự xuất hiện của khẩu súng mới đã làm dấy lên cảm giác lo lắng về việc súng đạn giờ có thể được sản xuất đại trà. Nhưng theo Pete Basiliere, giám đốc nghiên cứu của Công ty Dịch vụ hình ảnh và in ấn Gartner, người ta không nên hiểu sai ý định của Solid Concepts.
Không giống sáng lập viên Cody Wilson của Defense Distributed, Solid Concepts không cố tìm cách cổ súy cho quyền sở hữu súng dưới Tu chính án số 2 của Hiến pháp Mỹ. Solid Concepts chỉ đang chứng minh khả năng kỹ thuật và chất lượng của sản phẩm in 3D, chứ không phải khuyến khích đám đông tự sản xuất súng. "Nếu hệ thống máy in 3D của họ giống như tôi nghĩ, nó phải có giá quá 500.000 USD" - Basiliere nói.
Khẩu súng khi lắp ráp hoàn chỉnh
Quả thực các máy in 3D sử dụng những công nghệ DMLS và SLS rất khác và rất đắt so với máy in 3D thường, sử dụng vật liệu nhựa. "Máy in 3D công nghiệp chúng tôi sử dụng có giá đắt hơn nhiều học phí đại học của tôi (và tôi đã học tại một trường đại học tư)" - Kent Firestone, Phó Chủ tịch Solid Concepts tuyên bố - "Các kỹ sư điều hành những cỗ máy của chúng tôi là những người giỏi nhất. Họ là những chuyên gia biết rõ mình đang làm gì và hiểu về máy in 3D hơn bất kỳ ai trong lĩnh vực này. Nhờ họ, Solid Concepts đang chống lại ý tưởng cho rằng công nghệ in 3D không phải là giải pháp có thể tồn tại lâu và không sẵn sàng cho hoạt động sản xuất đại trà".
Solid Concepts còn ra thông báo khẳng định tính ưu việt của công nghệ in 3D mới. Theo công ty, ngoài sự chính xác, công nghệ in 3D có nghĩa sản phẩm cuối sẽ gặp ít vấn đề về rỗ kim loại hơn so với việc đúc kim loại truyền thống.
Solid Concept cho biết nòng súng do họ in ra có thể chịu áp lực hơn 20.000 psi mỗi lần súng khai hỏa. Để so sánh, nòng một khẩu súng M1911 sản xuất trong nhà máy chỉ chịu được áp lực 17.000 psi. "Chúng tôi đang chứng minh rằng công nghệ đã có và chúng tôi có thể sản xuất súng với công nghệ in 3D" - Firestone nói.
Khó sản xuất tự do
Thông qua việc in một khẩu súng chứa nhiều tính lịch sử như M1911, Solid Concepts đang thể hiện giá trị của công nghệ in 3D trong hoạt động sản xuất và phân phối linh kiện thay thế. "Chuyện giống như nối dài dây chuyền sản xuất và các linh kiện không còn trong kho sẽ được sản xuất theo nhu cầu, đôi khi ở ngoài nhà máy" - Basiliere đánh giá.
Còn theo Brian Evans, một giáo sư truyền thông tại Đại học Denver, nguy cơ người ta dùng máy in 3D kim loại để sản xuất súng hàng loạt là khó xảy ra, bởi chi phí sản xuất quá đắt đỏ.
Có lẽ thành tựu ấn tượng nhất trong việc in súng M1911 là phần nòng. Giống nòng của phần lớn khẩu súng hiện đại, nòng in M1911 có các rãnh xoắn nhằm giúp đạn xoáy và nhờ thế bay chuẩn hơn trên quãng đường dài. Các rãnh xoắn trong nòng súng của Solid Concepts, vốn yêu cầu sự chính xác cao độ, đã được in thẳng vào sản phẩm, chứ không được chế tác bằng máy như truyền thống. "Có thể nói chúng tôi không tạo ra khẩu súng này bằng kỹ thuật cơ khí" - Solid Concepts nói trong thông báo - "Nó sinh ra đã như thế".
Tường Linh (Tổng hợp)