Blog / Bùi Tín /
VOA
Sáng ngày 27/9/2013, tại phòng họp lớn của Thư viện Quốc gia, 31 phố Tràng Thi, Hà Nội, đã diễn ra lễ ra mắt tác phẩm văn học mới, tiểu thuyết lịch sử Đường Thời Đại của nhà văn Đặng Đình Loan. Ngày 28/9 báo Văn nghệ Quân đội đăng tin đại thể như sau:
Chủ tọa lễ ra mắt sách là ông Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương đảng, phó ban Tuyên giáo trung ương, cùng ông Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam.
Tác giả Đặng Đình Loan giới thiệu tác phẩm đồ sộ của mình, gồm 17 tập, dày hơn 8 ngàn trang, mô tả cuộc chiến tranh được gọi là “chống Mỹ cứu nước”. Ông cho biết tác phẩm bao quát hơn 10 năm chiến đấu của quân và dân Việt Nam trên khắp các vùng của đất nước, những trận chiến đấu gay go quyết liệt, trong Nam ngoài Bắc, từ hậu phương đến tiền tuyến, của chiến tranh nhân dân cũng như của mọi quân chủng, binh chủng. Tác phẩm còn bao quát các cơ quan lãnh đạo và chỉ huy chiến tranh của các bên tham chiến, cũng như phản ánh sự ủng hộ rộng lớn của dư luận quốc tế. Tác giả còn phác họa tính cách, con người của những nhân vật lịch sử tham gia điều khiển cuộc chiến tranh , ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn, ở Bắc Kinh, Moscow, Washington, Paris…
Những người dự lễ ra mắt sách được thấy 3 lẵng hoa lớn của ông Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước; ông Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng bí thư; và ông Phạm văn Trà, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng đến mừng.
Tai buổi lễ, Tiến sỹ Hoàng Phong Hà, phó giám đốc, phó tổng biên tập nhà xuất bản Chinh trị quốc gia Sự Thật đánh giá cao “lao động sáng tạo bền bỉ” của nhà văn và yêu cầu nên điện tử hóa tác phẩm quy mô này để phổ biến xuống tận cơ sở trong cả nước.
Thế nhưng có khá nhiều câu hỏi liên quan đến sự ra mắt của Đường Thời Đại đúng vào thời điểm này.
Vì sao có lễ ra mắt tác phẩm này? Từ những năm 2004, 2005, nhiều người đã biết đến nhân vật Đặng Đình Loan, bị nhà báo Nguyễn Trần Thiết (trên mạng Ý Kiến đầu năm 2004) đánh giá là một “kẻ đáng ngờ “, khi anh ta cầm giấy giới thiệu riêng của tướng Lê Đức Anh vào Thừa Thiên- Huế tổ chức buổi nói chuyện riêng với thường vụ tỉnh ủy đảng CS về “7 tội đáng chém“ của “ông G.” - chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp - toàn những chuyện xuyên tạc vu cáo. Anh ta bị vạch mặt, lên án, sau khi cho ra mắt cuốn Đường Thời Đại gồm 3 tập, hơn 1 nghìn trang. Tác phẩm bị rơi vào im lặng. Tác giả không được vào Hội nhà văn. Không hiểu nay anh ta có ý định gì nữa khi kéo dài thành 17 tập với 8 ngàn trang, lại còn dự tính hoàn thiện với 19 tập, dài hơn 9 ngàn trang? Và vẫn được tâng bốc.
Vi sao lại ra mắt sách ngày 27/9/2013, trước khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất đúng 1 tuần lễ? Có thể đặt ra nghi vấn là lúc ấy ngày mất của tướng Giáp đã được lãnh đạo chương trình hóa xong xuôi, cần đi một bước trước. Để làm gì? Vì sao cho đến nay lễ ra mắt “tác phẩm đồ sộ, sử thi, lịch sử “ này chỉ được Văn nghệ Quân đội on line đưa tin? Nếu tôi không nhầm thì báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân đã “quên đưa”, vì sao vậy? Hàng trăm báo đài lề phải cũng im re.
Vì sao chỉ có 3 lẵng hoa của các ông Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu và Phạm Văn Trà? Các ông lãnh đạo đương chức như Nguyễn Phú Trọng, Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng thì sao? Và thái độ ông trưởng Ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh ra sao?
Một loạt câu hỏi “vì sao”, mong được các bạn trong nước tìm hiểu và soi sáng cho công luận. Xin đa tạ.
Riêng về tít của cuốn sách, theo thiển ý của một số nhà dân chủ Việt Nam và thế giới, con đường của chủ nghĩa Mác - Lênin, của chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa xã hội mơ hồ ảo ảnh, con đường của đấu tranh giai cấp, chiến tranh và bạo lực, của đồng bào ruột thịt mù quáng hăng say tiêu diệt nhau, không mảy may liên quan đến những giá trị chân thực của thời đại văn minh hiện đại. Nó đi ngược đường thời đại, ngược với những giá trị cao quý là Hòa bình, Hợp tác và Phát triển. Chân lý này ngày càng sáng tỏ.