Thời Sự Nhật Bản - Tháng 6



 

Đi công tác lo chuyện “quốc gia đại sự” về, nghị sĩ cấp cao Nhật lại bị bay chức


Sau chuyến đi Trung Quốc, Nghị sĩ Kawaguchi Yoriko, chủ tịch Ủy ban Môi trường Thượng viện Nhật Bản của đảng cầm quyền Tự Dân đã bị cách chức Chủ Tịch qua một nghị quyết được thông qua với sự đồng thuận của các nghị sĩ 7 đảng đối lập trong một cuộc họp tại Thượng Viện ngày 9/5.


Theo chương trình, bà Yoriko đã đến Trung Quốc trong hai ngày 23 và 24-4 để tham dự một hội nghị quốc tế. Tuy nhiên, bà đã tự ý kéo dài chuyến đi thêm một ngày với lý do: gặp gỡ ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Việc bà Yoriko ở lại Trung Quốc thêm một ngày đã khiến Ủy ban Môi trường Nhật phải hủy phiên họp vào ngày 25-4, điều này đã làm các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập tức giận cho là bà đã có thái độ “coi thường quốc hội”.

Trong cuộc họp báo sau đó, Bà Yoriko đã xin lỗi các rắc rối do mình gây ra và giải thích là vì muốn trình bày chủ trương của Nhật Bản với Trung Quốc về những vấn đề mà hai nước đang tranh chấp. Đảng Tự Dân và Công Minh cũng lên tiếng bênh vực cho rằng mục đích của bà là gặp ông Dương Khiết Trì chỉ với mong muốn giải quyết những căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh, và đây là một hành động có lợi cho quốc gia chứ không phải là hành động xem thường quốc hội như các đảng đối lập tố cáo. Tuy nhiên bà vẫn bị cách chức vì 7 đảng đối lập nắm đa số tại thượng viện.

Theo nhận định của giới truyền thông thì thực ra các đảng đối lập chỉ mượn một lý cớ về “nguyên tắc” để cách chức bà, vì muốn khẳng định quyền kiểm soát của họ tại thượng viện. Việc “cách chức” này tuy đúng trên luật lệ nhưng hầu như không mấy ai đồng tình và cho là quá đáng.

Bà Yoriko Kawaguchi đã từng giữ chức ngoại trưởng Nhật Bản dưới thời thủ tướng Koizumi Junichiro.

Thị trưởng Osaka trẻ tuổi Hashimoto lại làm đất bằng nổi sóng


Sau một thời gian dư luận tạm quên về những lăng nhăng tình ái của mình, đất bằng lại dậy sóng khi thị trưởng Osaka là ông Hashimoto Toru (43 tuổi) tuyên bố những “nhận định” thật “lạnh người” vào hôm thứ hai 13/5 vừa qua. 

Liên quan đến vấn đề “gái giải khuây” mà tiếng Nhật gọi là (???Ianfu) vào thế chiến thứ hai ông này nói: “Trong tình huống mà đạn bay như mưa, người lính có thể mất mạng bất cứ khi nào. Nếu muốn họ được chút thanh thản để tiếp tục chiến đấu trong tình hình căng thẳng như vậy thì hệ thống “gái giải khuây” là một điều cần thiết. Đó là điều ai cũng biết”. Ông này nói thêm: “Mặc dù phải chịu trách nhiệm cho những hành động trong quá khứ do mình gây ra nhưng Nhật Bản không phải là nước duy nhất sử dụng hệ thống này, ngay cả quân đội Mỹ cũng đã dùng phụ nữ địa phương để giải khuây mà. Vì thế chỉ chỉ trích Nhật không thôi là điều không công bình,”

Chưa hết, trong chuyến thăm viếng Okinawa vào đầu tháng 5, khi gặp tự lệnh lực lượng quân đội Mỹ ở đây, ông đã đề nghị: “Hãy mở thêm những “????? (công việc giải trí)” cho lực lượng lính Mỹ ở đây”. Thế là đất trời nổi cơn gió bụi. 
Ngày 14/5, Ngoại trưởng Nhật Bản Kishida Fumio cho rằng “những tuyên bố này chỉ mang tính cá nhân” và sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ Nhật-Hàn.
Bộ trưởng Cải cách hành chính Inada Tomomi Inada thì thẳng thừng: “Chế độ phụ nữ giải khuây là một sự lạm dụng nghiêm trọng nữ quyền” còn Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera khẳng định Nội các của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ không ủng hộ quan điểm của ông Hashimoto.
Bộ trưởng Giáo dục Hakubun Shimomura cho biết: “Những phát ngôn như vậy không phù hợp với một người đại diện cho một chính đảng.”
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết chính phủ Nhật không có ý kiến với các tuyên bố của ông Hashimoto. Tuy nhiên, ông Suga tái khẳng định: Nhật Bản thừa nhận rằng“Nhật đã gây ra nhiều đau thương quá sức tưởng tượng” đối với những người phụ nữ Á Châu trong chiến tranh thế giới thứ 2 vừa qua, đồng thời cho biết Chính quyền của Thủ tướng Abe vẫn duy trì quan điểm này.
Chủ tịch đảng Mina (đảng của Người Dân) đã tuyên bố là đành phải chấm dứt mọi hợp tác mà 2 đảng đã hứa với nhau trong kỳ bầu cử thượng viện tháng 7 sắp tới vì « chúng tôi không thể làm việc với những người suy nghĩ như vậy »
Tuy nhiên, một nghị sỹ đối lập cũng từng là người có những câu tuyên bố “long trời lở đất” – đồng lãnh đạo đảng Duy Tân Nhật Bản Hội với ông Hashimoto là ông Ishihara Shintaro lại bảo vệ “đàn em” qua lời tuyên bố “đội quân và mãi dâm thường đi kèm với nhau giống như là một nguyên tắc của lịch sử. Điều này tất nhiên là không hề phù hợp. Nhưng về cơ bản thì Hashimoto không nói điều gì sai.” Nhưng trong một cuộc gặp gỡ ngày 19/5, cả 2 « đảng trưởng » đều bộc lộ những quan điểm trái ngược nhau khi nói đến cuộc chiến do Nhật Bản gây ra trong quá khứ, ông Hashimoto thì chủ trương « đây là cuộc chiến xâm lược », còn ông Ishihara thì nói ngược lại.
Ngoài ra, ông Hashimoto còn gặp sự chống đối của những nữ dân biểu, nghị sĩ thuộc đảng cầm quyền, đối lập. Tất cả đều cho rằng: phát biểu của Hashimoto là một xúc phạm lớn đối với nữ giới và đòi ông này phải xin lỗi. Ông này còn bị ngay chính người trong đảng chỉ trích là có những phát ngôn không thích hợp.
Ngày 16/5, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, bà Jen Psaki, đã nặng nề chỉ trích: « Nhận xét của Thị Trưởng Hashimoto mang tính cách khiêu khích và không thể chấp nhận. Những gì xảy ra cho các phụ nữ này vào thời ấy thật đáng ghê tởm và rõ ràng là vi phạm hết sức nghiêm trọng đến nhân quyền nhân phẩm của họ.” 
Ngoài ra, Thị Trưởng Toru Hashimoto cũng bị Trung Quốc và Nam Hàn chỉ trích kịch liệt. 
Vài ngày sau đó, trên trang mạng xã hội Twitter hay tại những cuộc họp báo, với cái miệng dẻo như kẹo kéo, một mặt thì xin lỗi về những phát biểu đã gây sự hiểu lầm và nhận là không thích hợp, một mặt thì cố “diễn giải” nào là: "tôi không bao giờ chấp nhận việc “gái giải khuây” tôi xin rõ là: thời điểm đó những người chỉ huy thấy là cần thiết chứ không phải tôi chủ trương là cần thiết chế độ gái giải khuây” hoặc “công việc giải trí” (??? fuzokugyou) chỉ có nghĩa là những dịch vụ đấm bóp, pachinko, game v.v… để thư dãn, nhưng người Mỹ thì cho ngay là “gái mãi dâm”. Đây là điều tôi phải “??“ (phản tỉnh) vì đã không tìm hiểu cho rõ chữ nghĩa. 
Trong buổi họp của hội đồng dân biểu ngày 16/5, dân biểu Nishimura (người cùng đảng Duy Tân) vì muốn bênh Hashimoto lại đổ dầu thêm vào lửa: “Gái giải khuây à? Osaka thiếu gì gái Hàn Quốc, gọi là gái giải khuây được không”. Thế là ngay lập tức ông bị người trong đảng, ngoài đảng chỉnh ngay tại chỗ và yêu cầu rút lại lời nói, ông này xin rút lại và xin lỗi ngay tại chỗ, nhưng sau đó bị chính đảng của mình khai trừ vì câu nói thiếu ý thức.
Những tuyên bố này của thị trưởng Hashimoto này đã làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng hiện nay giữa Nhật Bản với các nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc xung quanh vấn đề lịch sử
Theo tố cáo của các nước thì có khoảng 200.000 “gái giải khuây” trong những vùng lãnh thổ bị Nhật Bản chiếm đóng vào Thế chiến II bị quân đội Thiên Hoàng buộc phải trở thành nô lệ tình dục mà nhiều nhất là Hàn quốc và Trung Quốc.  
Câu hỏi được đặt ra là có phải ông này cố tình nói như vậy với một ý đồ nào khác hay không? Vì với một người nổi tiếng là thông minh như vậy, thì ông dư sức hiểu những hậu quả sau khi mình nói ? Các nhà phân tích nhận định: Đúng là Hashimoto có ý đồ, ông này muốn mọi người nhớ đến cái đảng của mình (đảng Duy Tân Nhật Bản Hội), vì mấy tháng nay tỷ lệ ủng hộ đảng đã tụt xuống mức thê thảm, và chính Hashimoto cũng đã nói: cứ tình trạng này thì đảng sẽ biến mất. Tuy nhiên, điều Hashimoto không lượng trước là phản ứng quá dữ dội nhất là của chính phủ Mỹ, đây là lần đầu tiên Mỹ đã chỉ trích nặng nề một chính trị gia Nhật Bản.
Ông Hashimoto, nguyên là một luật sư chuyển sang tham gia chính trường và từng là nhân vật nổi tiếng trên truyền hình – được nhiều người biết đến với những quan điểm chính trị có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cực đoan cùng với cựu đô trưởng Tokyo Ishihara và nay hai ông là đồng đảng trưởng đảng Duy Tân Nhật Bản Hội.


Tham Tá Nội Các Nhật bất ngờ thăm Bắc Triều Tiên 
Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên giữa Nhật-Mỹ-Hàn Quốc với những khiêu khích từ Bắc Hàn sau khi tiến hành vụ thử bom hạt nhân lần thứ 3 hồi tháng 2 vừa qua, dẫn đến các biện pháp trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc và một số nước và ngay chính Nhật Bản cũng đã kéo dài thêm 2 năm các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với Bình Nhưỡng, thì bất ngờ vào ngày 14/5 vừa qua, hãng thông tấn Bắc Triểu Tiên KCNA đã giới thiệu hình ảnh các nhân vật cao cấp Bắc Hàn ra đón cố vấn thủ tướng Nhật Bản là ông Iijima Isao tại sân bay quốc tế ở Bình Nhưỡng.. 





Trả lời chất vấn của các nghị sĩ tại Ủy ban ngân sách Thượng viện hôm 15/5, về chuyến thăm bất ngờ của ông Isao Iijima đến Bình Nhưỡng, Thủ tướng Shinzo Abe chỉ trả lời ngắn gọn : no cmment (không có ý kiến) Tuy nhiên theo những nguồn tin xung quanh ông Abe thì mục đích chuyến viếng thăm này là Nhật Bản đang tìm cách nối lại đối thoại với Bắc Triều Tiên để giải quyết vấn đề người Nhật bị Bắc Hàn Bắt cóc vào 3 thập niên trước.
Cũng theo tin tức của các truyền thông Bắc Triều Tiên thì ông Iijima Isao đã gặp nhiều lãnh đạo cao cấp Bắc Triều Tiên, trong đó có nhân vật số 2 là Kim Vĩnh Nam chỉ sau Kim Chính Ân.
Ông Iijima đã trở về Nhật ngày 18/5 và đã gặp gỡ trực tiếp Chánh Văn Phòng Nội Các Suga để báo cáo. Nội dung cuộc gặp gỡ không được tiết lộ, chỉ biết là ông Iijima đã chuyển tất cả những lập trường của Nhật cho chính phủ Bắc Triều Tiên và điều kiện tiên quyết là: Nhật Bản chỉ có thể “chuyển động” nếu vấn đề con tin được giải quyết dứt điểm.
1/ Lập danh sách chính xác và lập tức thả ngay những người bị bắt cóc.
2/ Trao Nhật Bản những thủ phạm vụ bắt cóc.
Thủ tướng Nhật sau khi nhận báo cáo từ Chánh Văn Phòng Nội Các đã tuyên bố: “Việc giải quyết vấn đề con tin bị bắt cóc phải được nội các Abe rốt ráo giải quyết trong nhiệm kỳ của mình”. Ông Abe còn nói: Nếu cần ông sẽ sang Bắc Hàn gặp trực tiếp Kim Chính Ân để đối thoại.
Được biết, chuyến đi này trên nguyên tắc là bí mật, nhưng phía Bắc Triều Tiên đã tự động công khai với 2 ý đồ chính: một là sau khi đã bế tắc với Mỹ-Hàn, Bắc Triều Tiên muốn tìm một lối thoát là Nhật Bản, còn một là muốn gây chia rẽ giữa 3 nước Mỹ-Nhật-Hàn
Chuyến đi này đã không được thông báo cho Mỹ và Hàn Quốc nên đại diện 2 nước này tỏ vẻ không vui cho rằng Nhật Bản đang chơi trò xé lẻ. 
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe khẳng định sẽ kết hợp cả đối thoại với gây sức ép để giải quyết vấn đề Bắc Triều Tiên. Thủ tướng Abe nói: “Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề bắt cóc, vấn đề hạt nhân, vấn đề tên lửa để cải thiện quan hệ hai nước đúng như Tuyên bố Bình Nhưỡng giữa Nhật Bản và Bắc Triều Tiên”.

Nhật Không Ký Vào Bản Tuyên Bố Chung Về Việc Không Sử Dụng Vũ Khí Hạt Nhân 

Tại hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân tổ chức tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 25/4/2013 vừa qua, các nước tham dự đã đưa ra Tuyên bố chung có nội dung “nhấn mạnh tính phi nhân đạo của vũ khí hạt nhân, không sử dụng vũ khí nguyên tử trong bất cứ trường hợp nào”.  
Nhật Bản là nước duy nhất bị hại bởi bom nguyên tử nhưng đã quyết định không ký tên vào Tuyên bố này.
Giải thích về điều này, đại diện Chính phủ Nhật Bản là Đại sứ Mari Amano nói: “Tuy tán thành với tính chất phi nhân đạo của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng việc không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất cứ trường hợp nào không phù hợp với chính sách bảo đảm an ninh của Nhật Bản”. Chấm hết. 
Đại sứ Mari Amano Nhật Bản tại Hội nghị Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, Geneva, Thụy Sĩ.
Đại sứ Nhật Amano Mari 
Rõ ràng, những quốc gia có VKHN thì họ không bao giờ ký vào Tuyên bố này, bởi vì không ai tin là họ phải hủy hay bỏ ngay toàn bộ VKHN.
Rốt cuộc, trong 74 quốc gia ký vào bản tuyên bố, đương nhiên là những quốc gia không có và không có khả năng chế tạo được VKHN. Vì thế, tuyên bố của 74 quốc gia này giống như một lời “cầu xin Chúa ban phước lành” mà thôi, không hơn không kém.
Nhưng Nhật Bản thì không. Tại sao? có 2 lý do.
- Thứ nhất, cho đến lúc này Nhật có quá nhiều mâu thuẫn với Trung quốc. Sự đối đầu về địa lý, chính trị, quân sự, kinh tế… đến mức không thể dung hòa bởi tham vọng bành trướng của Trung quốc. Hiện nay Trung Quốc tỏ ra hung hăng, xem thường, coi Nhật như “con gà” muốn giết lúc nào thì giết. 
Đơn giản dễ hiểu là vì Trung Quốc có 2 thứ mà Nhật Bản không có: tên lửa và vũ khí hạt nhân (vì Nhật Bản dựa vào ô của Mỹ và đang bị trói buộc bởi Hiến pháp hòa bình). 
Mới đây, một vị tướng Trung Quốc đe dọa sẽ sử dụng bom nguyên tử nếu “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc bị uy hiếp, trong khi quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đang bị Nhật Bản quản lý, là nơi xảy ra tranh chấp quyết liệt cũng được Trung Quốc cho là “lợi ích cốt lõi”…
Đành rằng trên đất Nhật Bản có căn cứ quân sự của Mỹ, nhưng khi sử dụng đòn hạt nhân hay tên lửa Trung Quốc đâu có dại nhắm vào căn cứ Mỹ để buộc Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác là thực hiện đòn trả đũa mà sẽ nhằm vào chỗ khác trên đất Nhật Bản để Mỹ có thời gian lựa chọn mà “tính toán thiệt hơn”, mà cái cái “tính toán thiệt hơn” trong đầu của Mỹ ra sao thì  Nhật Bản cũng không biết. Do đó có cũng còn yên tâm hơn dựa vào “ô hạt nhân” của Mỹ phải không quí vị? Nhật Bản cũng không ngây thơ để “xin Trung Quốc ban phước lành, đừng dùng đòn hạt nhân, tên lửa tầm xa vào đất Nhật Bản”.
- Thứ hai, Nhật Bản dù bị bại trận trong thế chiến thứ 2, nhưng Nhật vẫn là một cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới suốt hơn nửa thế kỷ qua trong khi Trung Quốc mới đuổi kịp (chỉ về tiêu chí GDP) năm 2010, cho nên Nhật Bản đang tích trữ một nội lực hùng hậu, một “thế năng” rất lớn.
Chẳng hạn như về năng lượng hạt nhân. Theo tiết lộ, kế hoạch của Ủy ban Năng lượng nguyên tử Nhật Bản năm 1990 định ra thì đến năm 2010, Nhật sẽ cung ứng 85 tấn plutonium. Nhưng theo tính toán, lượng plutonium mà Nhật yêu cầu đến năm 2010 nhiều nhất cũng chỉ hơn  20 tấn. Như vậy, đến năm 2010 Nhật sẽ dư thừa hơn 60 tấn plutonium.
Được biết, cứ khoảng 1 tấn plutonium có thể chế tạo được 120 đầu đạn hạt nhân thì Nhật Bản có đủ nguyên liệu chế tạo ra 7200 đầu đạn hạt nhân.
Về kỹ thuật, Nhật Bản có đủ đội ngũ chuyên gia giỏi và nhân viên kỹ thuật trình độ cao, tay nghề chắc trên mọi lĩnh vực chuyên môn liên uan đến nghiên cứu chế tạo VKHN
Nhật Bản đã nghiên cứu thành công máy tính siêu cao tốc, vận hành tốc độ 600 tỉ lần/giây; với loại máy  này hoàn toàn có thể thực hiện thử nghiệm mô phỏngnổ hạt nhân giúp cho việc tiếp tục nghiên cứu chế tạo và hoàn thiện vũ khí hạt nhân kiểu mới.
Nhật Bản nhanh chóng có thể nắm vững bí quyết  vận dụng máy tính tiến hành thử nghiệm nổ hạt nhân phi giới hạn, đồng thời qua đó có thể tiến hành thử nghiệm chế tạo và cải tiến tính năng của đầu đạn hạt nhân mà không ai biết, không giống như Triều Tiên hay Iran.
Như vậy có thể nói việc Nhật Bản không ký vào tuyên bố “không sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào” với lời giải thích ngắn gọn nhưng đầy hàm ý đã gửi đến cho các quốc gia có bom nguyên tử một thông điệp mà chắc rằng không ai có thể nghĩ khác đi, đó là:
“Hãy cẩn trọng với vũ khí hạt nhân, sử dụng nó là vô nhân đạo nên đừng đem nó ra dọa nạt nhau. Bom nguyên tử hay tên lửa đối với Nhật Bản là không thành vấn đề. Vấn đề của Nhật Bản là tuyên bố có lúc nào, bao nhiêu và sự hiện đại tiên tiến ở mức độ nào mà thôi”.
Không phải do ngẫu hứng mà Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe tuyên bố: "Chỉ trong vòng 2 năm nữa thôi, tương quan sức mạnh quân sự Trung - Nhật sẽ bị phá vỡ triệt để".
Báo chí Trung Quốc chẳng có bình luận nào sâu vào động thái này của Nhật Bản bởi vì bình luận càng sâu khiến càng “rụng rời tay chân”. Việc ông tướng về hưu La Viện hô hào đòi LHQ “bóp chết tiềm lực hạt nhân của Nhật Bản từ trong trứng” là đã quá muộn. “Trứng” đã đủ lông đủ cánh và chỉ cần một cái nhún chân nhẹ là con đại bàng Nhật Bản tung cánh.
Vấn đề chỉ là thời gian khi nào?


Bắc Kinh lại trâng tráo dở trò: Okinawa Là Lãnh Thổ Của Trung Quốc

Ngày 8 tháng 5 vừa qua, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung quốc là tờ Nhân Dân đã cho đăng tải một bài luận văn có tựa đề Đảo Lưu Cầu (Okinawa) là lãnh thổ của Trung quốc. Tờ Nhân Dân giới thiệu bài luận văn này do một nhóm nghiên cứu gia uyên thâm của viện Khoa học Xã hội Quốc gia chấp bút với nhiều chứng cớ lịch sử chứ không phải viết theo cảm tính. Bài luận văn viết rằng vào thời nhà Minh và nhà Thanh đảo Lưu Cầu là lãnh thổ của Trung quốc đã bị Nhật Bản dùng vũ lực xâm chiếm rồi đổi thành tên là Okinawa. Năm 1894 xảy ra cuộc chiến tranh Nhật- Thanh và cuộc chiến này kết thúc bằng hiệp ước Shimoseki vào tháng 4 năm 1895. Vì nhà Thanh bại trận nên đành im lặng trước việc Nhật ngang nhiên chiếm cứ một số quần đảo của Trung quốc làm lãnh thổ của họ, trong đó có đảo Đài Loan và đảo Lưu Cầu (Okinawa). 
Để phụ họa cho bài luận văn này, một số trang mạng lề phải của Đảng đã cho đăng nhiều bài dẫn chứng về chuyện thổ dân ở đảo Lưu Cầu, nhiều người vẫn cho rằng họ chỉ mang quốc tịch Nhật mà thôi chứ không có tâm hồn và lối suy nghĩ của một người Nhật vì gốc gác khác biệt. Thêm dẫn chứng khác là khách du lịch nước ngoài đến Okinawa phần đông nhận xét rằng Okinawa chẳng mang nét gì Nhật Bản cả vì nguyên thủy nó đâu phải là lãnh thổ của Nhật.
Mấy ngày sau, tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn cho đi thêm một bài xã thuyết khác với cái tựa ‘’Vấn đề sở hữu Okinawa chưa được giải quyết’’. Bài xã thuyết này nói rằng chưa vội nói về chủ quyền của Trung quốc đối với đảo Lưu Cầu (Okinawa) mà hãy hỗ trợ cho các thế lực đòi độc lập ở đảo này. Nếu Nhật Bản vẫn ngoan cố, chọn lựa thái dộ thù địch với chúng ta, tức là Trung quốc, thì phải đưa vấn đề lịch sử đảo Lưu Cầu ra để phân định chủ quyền về ai cũng không muộn. Bài xã thuyết này cũng đề nghị chính phủ Trung quốc giải quyết vấn đề chủ quyền đảo Lưu Cầu qua 3 bước như sau: Thứ nhất, là công khai tổ chức thảo luận về vấn đề đảo Lưu Cầu. Thứ hai, đưa vấn đề này ra hội nghị quốc tế và thứ ba là nếu Nhật Bản còn ngoan cố chọn thái độ thù địch với Trung quốc thì chúng ta công khai lên tiếng ủng hộ các thế lực ở Okinawa đòi phục hồi đảo quốc Lưu Cầu. Với thực lực hiện có, Trung quốc có thể giải quyết ba bước này trong vòng 2 hoặc 3 thập niên.  
Khi tin này được loan tải rộng rãi thì người Nhật thay vì giận dữ đả tỏ ra hết sức ngạc nhiên, phần đông đều có nhận xét rằng chính quyền Cộng sản Trung quốc luôn bịa đặt, bẻ cong lịch sử, không nói có, có nói không miễn làm sao có lợi cho mình là được, cứ cái điệu này thì trong tương lai gần Bắc Kinh sẽ tuyên bố Nhật Bản ngày xưa là lãnh thổ của Trung quốc. Trước những luận điệu hồ đồ này, chính phủ Nhật đã chính thức lên tiếng kháng nghị, nhưng Bắc Kinh đã không chấp nhận vì cho rằng đó là công trình nghiên cứu lịch sử của các học giả và sự phản ảnh của người dân Trung quốc về bàì luận văn nghiên cứu đó, ở một nước tôn trọng tự do ngôn luận, tự do phát biểu như Trung quốc (sic !) thì không thể cấm đoán những chuyện đó. 
Theo các bình luận gia về tình hình thế giới thì bài luận văn đó toàn là chuyện cũ rích chẳng có một dữ kiện nào mới. Một bài luận văn không có giá trị về công trình nghiên cứu vậy mà được tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng Cộng sản Trung quốc đăng tải hết sức trang trọng. chứng tỏ đây là chủ trương của lãnh đạo Trung quốc. Vì Bắc Kinh không thỏa hiệp được với Tokyo về quần đảo Senkaku / Điếu Ngư nên Trung quốc đưa vấn đề đảo Lưu Cầu/ Okinawa để đánh phủ đầu Nhật Bản, thế nhưng Bắc Kinh làm quá dỡ để cho mọi người thấy cái bịa đặt và tham vọng xâm lược của họ ngang nhau, chỉ có một điều mà những người lãnh đạo Trung quốc hiện nay chưa biết là cái giá về sau mà nhân dân Trung quốc phải trả cho những hành động đó là bao nhiêu mà thôi.


Chuyện Vận Động Tổ Chức Olympic Tokyo 2020 Bị Trắc Trở Vì Đô Trưởng Tokyo Phát Ngôn Bậy

Có tất cả 12 thành phố nạp đơn xin đăng cai tổ chức Olympic mùa hè năm 2020, Sau hai lần tuyển chọn chỉ còn lại ba thành phố có điểm cao nhất được vào vòng chung kết đó là thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), thành phố Madrid (Tây Ban Nha) và Tokyo (Nhật Bản). Ngày 7 tháng 9 tới đây, Ủy ban Olympic Thế giới sẽ nhóm họp tại thủ dô Buenos Aires (Argentina) để bỏ phiếu tuyển chọn. Ba ứng viên còn lại này đang chạy nước rút bằng những quảng cáo có lợi cho mình. Madrid là một đối thủ nặng ký, nhưng Tokyo nghĩ rằng Istanbul mới là kỳ phùng địch thủ của mình vì Thổ Nhĩ Kỳ là một quốc gia thuộc khối Hồi giáo, nằm giữa hai lục địa Âu-Á, chưa lần nào có dịp đăng cai tổ chức Olympic. Gọi là vận động nước rút, nhưng phải đúng theo luật lệ quy định của Ủy ban Olympic Thế giới, tránh không được chỉ trích đối phương. Thế nhưng không hiểu tại sao trước câu hỏi :  ông nghĩ gì về thành phố Istanbul của ký giả tờ New York Times thì ông Inose, Đô trưởng Tokyo, trả lời rằng đó là thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia Hồi Giáo. Các nước Hồi giáo có chung một Đấng Tạo Hóa là Thần Allah, nhưng không hiểu tại sao họ luôn đánh nhau và phân biệt giai cấp. Ở một câu hỏi khác ông Inose trả lời rằng Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có nhiều người trẻ, nhưng nếu chết sớm thì đâu có ý nghĩa gì, tôi cũng muốn người Thổ sống lâu để có cái văn hóa Trường sinh như Nhật Bản. 
Ông Inose bị các ký giả chất vấn
Khi tờ New York Times cho đăng bài phỏng vấn này lên đã tạo ra phản ứng bất lợi ngay cho Tokyo trong cuộc chạy đua xin đăng cai tổ chức Olympic mùa hè 2020. Thổ Nhĩ Kỳ biết Nhật Bản bị hố nặng, nhưng chỉ lên tiếng chỉ trích một cách chừng mực về lời phát ngôn đó để tạo cảm tình với Ủy ban Thế vận Thế giới. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Abe đang công du ở Á Rập Saudi đã lên tiếng xin lỗi Thổ Nhĩ Kỳ và chửa lửa bằng câu phát biểu như sau: Nhật Bản đã được nhiều sự cứu giúp từ tinh thần bao dung của Hồi giáo. 
Về phần ông Inose thì biết mình đã phát ngôn bậy nên họp báo xin rút lại lời những câu phát biểu đó và cho biết sẽ chính thức xin lỗi chính phủ và nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. 

Do ông Inose đã nhanh chóng nhận sai lầm về sự lỡ lời này  và Thủ tướng Abe cũng đã lên tiếng xin lỗi nên chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ bỏ qua mọi chuyện vì vậy Ủy ban Olympic Thế giới cho biết họ không ghi chuyện này vào hồ sơ của Tokyo. 
Theo các bình luận gia thể thao thì dù không bị trừ điểm trong việc xin đăng cai tổ chức Olympic 2020, nhưng nếu phải lưỡng lự chọn Istanbul hay Tokyo thì nhiều Ủy viên Olympic Thế giới sẽ chọn Istanbul. 


Tòa Án Tokyo Bán Đấu Giá Lại Trụ Sở Trung Ương Tổng Liên Hội Triều Tiên 

Trong cuộc bán đấu giá trụ sở Trung ương Tổng liên hội Triều Tiên tại Nhật, nhà sư Ikeguchi, trụ trì chùa Sai Fuku (âm Hán là Tối Phúc) ở Kagoshima đã mua được với giá 4,519 tỷ yen. Ngày 10 tháng 5 là hạn chót phải chồng đủ số tiền này cho tòa án Tokyo để lấy trụ sở, nếu không thì sẽ mất 500 triệu yen tiền bảo chứng khi nạp đơn mua đấu giá và mất luôn tư cách mua đấu giá lần thứ hai. 
Sư Ikeguchi, trụ trì chùa Sai Fuku

Tại sao một vị sư ở tuốt tỉnh Kagoshima mà lại bỏ một số tiền quá lớn để mua lại một cơ ngơi tại Tokyo đã làm cho mọi người, đặc biệt là giới truyền thông và phật tử chùa Sai Fuku hết sức ngạc nhiên, nhưng sững sốt ra mặt khi vị sư này tuyên bố mua xong sẽ cho Tổng Liên hội Triều Tiên tại Nhật thuê lại để làm trụ sở Trung ương như trước đây với giá tượng trưng. Truyền thông Nhật nhảy vào cuộc, nhờ đó mọi người mới biết rằng trong quá khư sư Ikeguchi đã 5 lần sang viếng thăm Bắc Triều Tiên và được đón rước như thượng khách, được lãnh tụ Kim Nhật Chính mời vào dinh đàm đạo và sư Ikeguchi đã hứa sẽ làm bất cứ chuyện gì trong khả năng có được của mình để giúp Bắc Triều Tiên.
Nhật Bản là một quốc gia tự do, dân chủ nên mọi người dân đều có quyền làm bất cứ chuyện gì mà luật pháp không cấm nên chuyện sư Ikeguchi có đi đâu, tiếp xúc với ai cũng chẳng có gì phạm pháp, có điều chính quyền Bình Nhưỡng luôn hăm he san bằng Tokyo thành bình địa nên chuyện sư Ikeguchi quá thân thiện với Bắc Hàn cũng gây phản cảm trong lòng người dân Nhật. 
Đến hạn chót đóng tiền, nhưng sư Ikeguchi lại không kiếm đâu ra được chỗ nào cho vay nên coi như không được mua và tòa án mở phiên bán đấu giá khác, đương nhiên là sư Ikeguchi bị mất 500 triệu yen tiền đặt cọc. 
Được biết trước khi quyết định mua đấu giá, sư Ikeguchi đã đến các ngân hàng xin vay tiền, giao thiệp thế nào thì chẳng biết, nhưng sư Ikeguchi nghĩ rằng mình sẽ được cho vay nhưng cuối cùng sự việc lại không diễn ra như dự tưởng. Lý do tại sao các ngân hàng không cho vay thì báo chí không nói đến, nhưng người ta đoán rằng ngân hàng sợ đây là một món nợ xấu nên từ chối. Bỏ một số tiền lớn ra mua để rồi cho Tổng Liên hội Triều Tiên tại Nhật thuê lại với giá tượng trưng thì là gì nếu không phải nợ xấu, thưa có đúng không quý độc giả.
Cũng có nguồn tin không chính thức cho rằng, qua chuyến viếng thăm bất ngờ của cố vấn nội các Iijima Isao tại Bắc Hàn vừa qua thì : nếu Bắc Hàn biết điều, tích cực giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc, tòa nhà này cũng có thể được chính phủ Nhật tìm cách trả lại cho khổ chủ là Tổng Liên Hội Triều Tiên


Tu Chính Án Về Việc Ấn Định Số Hiệu Cho Từng Người Dân (My Number) Được Hạ Viện Thông Qua


Hiện nay việc quản lý về chuyện đóng thuế, bảo hiểm sức khỏe. tiền hưu trí, trợ cấp xã hội...của người dân cũng như tất cả người ngoại quốc sinh sống ở Nhật trên 6 tháng chưa được thống nhất giữa chính quyền địa phương với chính quyền trung ương. Để tiện kiểm soát, cách đây mấy năm chính quyền đảng Dân chủ đã đưa ra pháp án ấn định số hiệu cho từng người dân (Pháp án My Number), thế nhưng pháp án này bị nhiều nguời phản đối với hai lý do chính. Thứ nhất, vi phạm nhân quyền (coi con người như nô lệ hay tù  nhân mới phát số) và thứ hai là ai dám bảo đảm những thông tin về đời tư của từng cá nhân không bị lộ ra ngoài qua chế độ quản lý thống nhất My Number này.
Vào thời điểm đó, chính quyền Dân chủ gặp đủ thứ chuyện từ việc phải đối phó với hậu quả của trận thiên tai động đất, tai nạn nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho đến chuyện bị chỉ trích vì hứa mà không thực hiện về vấn đề cải thiện phúc lợi cho người dân..., nên không dành thì giờ để thảo luận về pháp án My Number này. 
Nay thì chính quyền của ông Abe đang an định nên đem pháp án này ra tu chính một số điều rồi đệ trình cho Hạ viện. Ngày 09/05/2013 vừa qua, Tu chính án này đã được Hạ viện thông qua với đa số phiếu rồi chuyển ngay cho Thượng viện thảo luận. Nếu Thượng viện tán thành thì tu chính án này sẽ được thực thi vào năm 2016.


Hướng Dẫn Của Trung Tâm Bảo Vệ Người Tiêu Thụ Về Chuyện Hàng Không Đặt Mua Mà Vẫn Gởi Đến Nhà


Việc mua hàng gởi đến tận nhà qua điện thoại hay Internet rồi trả tiền bằng thẻ tín dụng hay chuyển tiền vào trương mục của nơi mình mua hàng rất phổ thông ở Nhật. Mua hàng theo kiểu này tuy tiện lợi, nhưng đôi khi hàng đặt mua gởi đến nhà không đúng như hình quảng cáo, muốn trả hay đổi hàng thì phải gởi lại cho nơi xuất hàng theo đúng thời hạn quy định (thông thường trong vòng 14 ngày). Nhiều người làm biếng hay cảm thấy gởi trả lại phiền phức nên đôi lúc bỏ qua, rút cuộc phải mua một món hàng không vừa ý.


Chuyện này cũng chẳng có gì đáng nói vì lỗi tại người mua, nhưng gần đây có nhiều người không đặt mua mà hàng vẫn gởi đến nhà rồi bắt phải trả tiền khiến một số người phải đến Trung tâm Bảo vệ người tiêu thụ nơi mình cư ngụ để nhờ can thiệp. Những người này nói rằng một ngày xấu trời nào đó. bỗng nhiên nhân viên giao hàng của hãng Takyubin bấm chuông trao cho mình thùng hàng của một hãng X nào đó gởi. Lạ quá, mình không đặt mua sao lại gởi hàng đến, nhưng thôi vẫn nhận thùng hàng rồi điện thoại đến hãng X cự nự sau cũng được. Điện thoại đến thì người của hãng X bảo rằng chúng tôi gởi đến theo sự đặt hàng của ông (bà, anh, chị...) mà, nếu không trả tiền thì hãng chúng tôi sẽ nhờ luật sư kiện ra tòa ngay. 
Theo Trung tâm bảo vệ người tiêu thụ thì đây là phương thức gởi hàng bắt phải mua (tiếng Nhật gọi là Okuri tsuke shoho) của bọn làm ăn phi pháp, nhưng có nhiều người, đặc biệt là ông già, bà lão, phụ nữ yếu bóng vía không dám cự lại, lặng lẽ đi trả tiền cho xong chuyện.
Theo luật sư của Trung tâm Bảo vệ người tiêu thụ thì nếu như mình không đặt mua mà hàng vẫn gởi đến nhàthì tốt nhất là không nhận hàng do nhân viên hãng Takyubin trao. Nhưng nếu đã lỡ nhận rồi thì vẫn chưa sao, không cần mất công, tốn tiền gởi trả hàng lại và quan trọng nhất là không trả tiền cho bọn buôn bán phi pháp này. Nhưng một điều quan trọng cần phải nhớ là nội trong 14 ngày, kể từ ngày nhận hàng, thì không mở, không sử dụng hàng gởi tới đó vì có thể hãng gởi hàng đưa người tới lấy hàng lại. Sau thời hạn đó có vất thùng rác hoặc ăn hết  các món hàng thực phẩm gởi đến đó cũng không sao (đối với mặt hàng sử dụng như dày dép, máy hút bụi...thì đừng xài vì hãng gởi hàng sẽ viện cớ để bắt trả tiền). 
Thiết nghĩ những hướng dẫn như vậy của Trung tâm Bảo vệ người tiêu thụ rất hữu ích cho chúng ta. Quý đồng hương nào gặp trường hợp như vậy thì hãy làm theo sự hướng dẫn như vừa nói ở trên, nhưng tốt nhất vẫn là liên lạc ngay với Trung tâm Bảo vệ người tiêu thụ nơi mình cư ngụ. 


Khiếu Kiện Tập Thể Vì Chờ Mãi Vẫn Chưa Gởi Con Vào Nhà Trẻ Được


Một điều nghịch lý ở Nhật là trong khi chính phủ tuyên bố rằng phải tạo điều kiện dễ dàng để khuyến khích người dân sinh đẻ, thế nhưng khi sinh xong nhiều người muốn gởi con vào nhà trẻ để đi làm thì bắt phải chờ vì không còn chỗ. 
Năm 2001, khi ông Koizumi mới lên nhậm chức Thủ tướng đã tuyên bố ngay rằng chính phủ sẽ bỏ nhiều ngân sách ra để xây thêm nhà giữ trẻ, tuyển thêm người vào làm việc để cho bất kỳ ai có con nhỏ cũng có thể gởi được, không cần đi làm, gởi con để vợ chồng trẻ dắt nhau đi chơi cũng được, có thể người dân mới thấy thoải mái khi sinh con. 

Lời tuyên bố đó đến nay đã 12 năm, thế nhưng người có con nhỏ muốn gởi nhà trẻ vẫn phải đợi dài dài vì lý do hết chỗ. Theo con số mà bộ Y tế- Xã hội-Lao động Nhật  công bố thì tính đến tháng 4 năm 2012, trên toàn quốc có đến 25 ngàn trẻ nhỏ muốn vào nhà trẻ mà chưa được, khó nhất là ở Tokyo và tỉnh Okinawa. 
Vì quá bức xúc trước việc chờ mãi mà vẫn chưa gởi con vào nhà trẻ để đi làm nên mới đây nhiều bà mẹ ở Tokyo đã liên kết với nhau nạp đơn khiếu kiện tập thể về vấn đề này.
Theo các luật sư thì trước đây cũng có nhiều vụ kiện  vì không gởi con được ở nhà trẻ, nhưng hoàn toàn với tính cách cá nhân, nay việc khiếu kiện này nâng lên thành tập thể sẽ phải làm cho cơ quan hành chánh quan tâm hơn để giải quyết, bây giờ mới chỉ có khiếu kiện tập thể ở Tokyo, nay mai lan đến các tỉnh khác thì chính phủ không thể lơ là trách nhiệm của mình được. Không giải quyết được vấn đề này thì mọi chính sách khuyến khích người dân sinh đẻ điều vô nghĩa, Đây là lực cản của kế hoạch quốc gia muốn nâng cao dân số.


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors