Phiên bản tình yêu
Tôi (trộm) nghe nói rằng quân tử ba ngày mà không đọc sách thì diện mạo dơ dáng, và trò chuyện khó nghe. Tôi vốn bẩm sinh mặt mũi không mấy dễ coi, và chuyện trò thì vô cùng nhạt nhẽo nên (lắm khi) đến vài ba năm cũng chả nhìn đến một cuốn sách nào mà vẫn cứ sống phây phây – chả có (trăng) sao gì ráo trọi.
Tháng trước, tôi được nhà xuất bản Tiếng Quê Hương gửi cho một bộ sách to đùng, dầy hơn ngàn trang (thấy mà ớn chè đậu) tựa là Phiên bản tình yêu [1]. Bìa trước và bìa sau đều có hình của hai phụ nữ khỏa thân, và (hơi) gợi dục!
Tên tác giả (Vũ Biện Điền) thì hoàn toàn xa lạ. Trong tình yêu, cũng như tình dục, tôi rất ngại chuyện “phiêu lưu” nên lẳng lặng đẩy luôn cái “của nợ” trông rất “ướt át” này vào một góc!
Tuần rồi, chả may, giáp mặt người tặng sách – nhà báo Uyên Thao:
“Cậu nghĩ sao về cuốn Phiên bản tình yêu của Vũ Biện Điền?”
Tôi đỏ mặt, ấp úng: “Dạ, em chưa đọc chữ nào.”
Dù không nghe nhưng tôi cảm được một tiếng thở dài (cố nén của người đối diện. Với đôi chút áy náy, ngay tối hôm ấy, tôi đọc hơn bốn trăm trang sách. Sáng hôm sau, cáo bệnh, nằm nhà “chơi” luôn hơn bẩy trăm trang nữa với rất nhiều ngạc nhiên và thích thú.
Mấy thế hệ người Việt liên tiếp vừa qua, ít nhiều, đều là nạn nhân của thời cuộc hay của chế độ hiện hành nhưng chắc chưa có ai ngồi cặm cụi (nhiều năm trời) để ghi lại những nhận xét tỉ mỉ và chính xác của mình về “những loại nhà nước” hiện nay – như Vũ Biện Điền:
Trong số đó đáng kể hơn cả là nhà nước Đảng, còn gọi là nhà nước Quỷ hoặc Siêu Chính phủ vì nó biến hóa như một cái bóng ma khổng lồ tác nghiệp lên tất cả các nhà nước khác. Ở trung ương, đứng đầu nhà nước này có Tổng Bí thư, nội các cơ mật là Bộ Chính trị. Ở địa phương, đứng đầu nhà nước này có Bí thư Tỉnh ủy, nội các cơ mật là Ban Thường vụ… Nó là đầu mối của mọi nhũng nhiễu, tai họa và tội ác nhưng rất có tài bẻm mép phủi tay.Tiếp theo là nhà nước Hành chánh, còn gọi là nhà nước Hành dân vì bộ nào của nhà nước này cũng có chức năng làm dân khổ cực do đặc tính cửa quyền, nó vâng lệnh Đảng như một thứ đầu sai quản lý đất đai và điều hành nô lệ cho chủ nhân, thu gom vô tội vạ tài sản trong nhân dân, sau khi trích nạp cho chủ, nó được quyền chi tiêu xả láng. Ở trung ương, đứng đầu nhà nước này có một Chủ tịch không thực quyền, nội các cơ mật là Thủ tướng và các Bộ trưởng. Ở địa phương, đứng đầu nhà nước này có Chủ tịch, nội các cơ mật là Ban Thường trực và các Giám đốc sở…Thứ ba là nhà nước Quốc hội, còn gọi là nhà nước Phường Chèo hoặc nhà nước Kỳ Nhông vì đặc tính hát ca véo von theo cách dàn dựng của Đảng, nhanh nhạy thay vai đổi màu tùy từng vị trí – ở trung ương nó là lập pháp, ở tỉnh nó là hành pháp, ở tòa án nó là tư pháp. Hình thái nhà nước Quốc hội về đến địa phương gọi là Hội đồng Nhân dân, đặc tính véo von và đổi màu vẫn lưu cữu.….Thứ bốn là nhà nước Mặt trận Tổ quốc, còn gọi là nhà nước Chịu Trận, vì nó là một thứ bung xung vĩ đại hứng đòn – phản đòn – đỡ đòn cho các nhà nước kia. Nhà nước này còn có một chức năng định kỳ như một lò hộ sinh, phù phép hiệp thương ba lên bốn xuống trong mỗi mùa bầu cử, cho ra những đứa con đúng kiểu mẫu đặt hàng của Đảng… Quá trình vận động, thành tích cao nhất của Mặt trận Tổ quốc là tạo ra Mặt trận Việt Minh trước 1954, và Mặt trận Giải phóng Miền Nam trước 1975 – hai lá bài này khá ăn khách, nhưng tới hồi lật tẩy thì vô cùng bỉ ổi!Thứ năm là nhà nước Quân đội, còn gọi là nhà nước Vũ trang… Nhà nước này làm bằng sức người và của nả của nhân dân nhưng chỉ trung với Đảng. Nên chi nó khu trú ở đâu là lãnh thổ riêng ở đó, từa tựa như một quốc gia trong một quốc gia. Khi cần, nó mạo danh quốc phòng, đưa quân chiếm hữu đất đai, rồi đặt ra định chế tự cấp tự quản… Ở trung ương, đứng đầu nhà nước này có Quân ủy, hội đồng cơ mật bao gồm các tổng cục chuyên ngành… Nhà nước này hội đủ tính chất phong kiến trung cổ La Mã, sỹ quan là giai cấp đảng viên gọi là cán bộ, bổng lộc hậu hĩ – hạ sỹ quan và lính (con em nhân dân thi hành nghĩa vụ), gọi là chiến sỹ, chỉ được hưởng sinh hoạt phí vừa đủ cầm hơi tới ngày phục viên…Thứ sáu là nhà nước Công an, còn gọi là nhà nước Tam Đại vì mỗi thành viên phải có lý lịch ba đời bần cố,… vừa nghèo vừa ngu từ đời ông đến đời cháu. Đây là nhà nước bán vũ trang, thừa quan thiếu lính, quyền hành vô giới hạn, bổng lộc vô bờ bến. Không những nhân dân kinh sợ mà một số viên chức các nhà nước khác cũng chùn bước trước những đặc quyền đặc lợi của các ấm tử viên tôn. Lịch sử nhân loại từ xưa đến nay, chỉ dưới thời phát xít Đức-Ý-Nhật và các nước xã hội chủ nghĩa mới có thứ nhà nước kỳ lạ này. Nó đồng hóa mình với đảng chuyên chính, tự quyết tất cả và không chịu một quyền lực nào ràng buộc, một tổ chức nào kiểm soát.
Vũ Biện Điền cũng “tính sổ” rành mạch từng vụ một, cùng với tên tuổi rõ ràng của những tên chính phạm. Xin đơn cử vài vụ tiêu biểu:
Công hàm 1958:Tôi mới lần ra danh sách Bộ Chính trị Đảng CSVN từ 1951-1960. Đó là Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Lê Duẩn, Hoàng Quốc Việt, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Hoàng Văn Hoan, Nguyễn Duy Trinh, Phạm Hùng, Lê Thanh Nghị, và Lê Văn Lương. Phạm Văn Đồng chỉ là nhân vật hàng thứ sáu, chỉ bậc trung thôi… Án chung không thể tội riêng, một mình Phạm Văn Đồng mà dám qua mặt chủ tịch Hồ Chí Minh a? Dám qua mặt Đảng Cộng sản a?Thảm sát Mậu Thân 1968Tôi đào được danh sách của Bộ Chính trị nhiệm kỳ ba của Đảng Cộngsản Việt Nam 1960 -1976. Nhìn chung, chẳng ai xa lạ, Hồ Chí Minh Chủ tịch, Lê Duẩn Bí thư Thứ nhất, Trường Chinh Chủ tịch Quốc hội, Phạm Văn Đồng Thủ tướng, Phạm Hùng Phó Thủ tướng, Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng, Nguyễn Chí Thanh mất năm 1967, Nguyễn Duy Trinh Phó Thủ tướng, Lê Thanh NghịPhó Thủ tướng, Hoàng Văn Hoan Phó Chủ tịch Quốc hội, Trần Quốc Hoàn và Văn Tiến Dũng, hai thành viên này được bổ sung từ năm 1972.
Cách nhìn của Vũ Biện Điền về những người đồng thời với mình – qua lời những nhân vật của ông – cũng khá khắt khe, và rất có thể gây ra tranh cãi gắt gao:
Nhưng người Hà Nội đến lạ! Họ biết Xã hội Chủ nghĩa là cái bánh vẽ cực kỳ thối tha mà cứ hớn hở ngồi vào lột lá bóc ăn và xơn xớt khen ngon khen ngọt đến nỗi người ngoài nhìn vào phát thèm. Họ biết Hồ Chí Minh gian manh xảo trá mà cứ ngoác miệng ngợi ca lúc ông ta còn sống và khóc khô nước mắt khi ông chết. Họ biết bè lũ kế thừa đang đi tiếp con đường của ác quỉ mà vẫn tranh nhau làm tôi mọi, cúc cung tận tụy. Họ biết lịch sử đang rao giảng là thứ cực kỳ giả dối nhưng học thuộc vanh vách, nếu có ai mạnh dạn đính chính thì phồng mang trợn mắt, cãi cối cãi chầy như sợ mất đi độc quyền làm thân sáo vẹt. Họ nhận quá nhiều đau khổ do độc tài đảng trị nhưng không dám đối mặt với kẻ thù cứ ươn hèn đổ vạ cho phong kiến, cho tư sản, cho địa chủ, cho Mỹ Ngụy, xua con em vào chết ở miền Nam mà không biết đang hiến máu cho hung thần và đang hy sinh cho một thiên đường mù…Ngoại trừ một số rất ít sớm thức tỉnh như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Trần Xuân Bách, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Dương Thu Hương, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc… tôi chưa thấy một tổ chức nào bi phẫn, chưa thấy một đoàn thể nào muốn nắm tay nhau liên kết xuống đường biểu tình, họp mít-tinh vạch mặt chỉ tên bè lũ tay sai Nga – Hoa, tập đoàn phi nhân bản, phản nhân quyền, bọn bán nước cầu vinh …
Một tác phẩm mang đậm mầu sắc chính trị như thế sao lại có cái tựa trữ tình và ướt át là Phiên bản tình yêu? Trong phần lời tựa, nhà văn Trần Phong Vũ đã giải thích (phần nào) như sau:
Như nhan sách, Phiên bản tình yêu là một chuyện tình –mà là một chuyện tình xuyên thế hệ, mang nhiều kịch tính với những tình tiết éo le, ngang trái, chuyển biến bất ngờ. Nhưng Tình Yêu ở đây chỉ là lớp vỏ, là mặt nổi của một tảng băng sơn giữa đại dương mờ mịt …Cuộc tình xuyên thế hệ ở đây có thể được hiểu như một thứ “thang” để dẫn “thuốc”, một chất xúc tác, tạo hấp lực lôi cuốn người đọc đi sâu vào những âm mưu, những màn đấu đá, những trò lường gạt, thay bậc đổi ngôi trong một xã hội người ta nhân danh đủ thứ với những mặt nạ khóc cười, hỉ nộ đã được mã hóa khi thực chất chứa đầy tâm thái tham lam, ích kỷ, độc ác, chỉ vụ thỏa mãn những lợi ích cá nhân, bè nhóm, bất chấp sự an nguy của tiền đồ quốc gia dân tộc. Và trong chừng mực nào đó, với tư cách người chứng, tác giả đã đạt được mục đích của ông.
Tôi cũng tin là Vũ Biện Điền hoàn toàn đạt được mục đích của mình nhưng e rằng ông không thành công (lắm) khi dùng hình thức tiểu thuyết như “một chất xúc tác, tạo hấp lực lôi cuốn người đọc đi sâu” vào “chuyện tình xuyên thế hệ” này. Những nhân vật trong Phiên bản tình yêu (e) hơi quá nhiều kịch tính, nhất là qua những mẩu đối thoại rất dài và (rất) trí tuệ nhưng cũng rất xa lạ với đời thường hay đời thật.
Tất nhiên, đây chỉ là suy nghĩ hoàn toàn chủ quan (và có thể là hoàn toàn sai lạc) của một thường dân mà trình độ thưởng ngoạn nghệ thuật còn nhiều giới hạn. Mong được đón nhận những nhận định khác, từ những người đọc khác, về công trình tâm huyết và đồ sộ này của Vũ Biện Điền.
Tưởng Năng Tiến