Gửi cho BBCVietnamese.com từ Quảng Nam
Gần đây dư luận mạng quan tâm đáng kể đến các bài tiểu luận của tác giả Nguyễn Tùng Hiếu, một đảng viên cộng sản Việt Nam cao cấp.Trong các luận đề rất dài của mình, với văn phong bị ảnh hưởng sâu đậm của kinh tế chính trị học Marx-Lenin, tác giả cổ vũ rất nhiệt tình cho cái mà ông gọi là "dân chủ xã hội". Ông đã dành nhiều phần để cổ vũ cho sự kết hợp của chủ nghĩa tư bản (CNTB) và chủ nghĩa xã hội (CNXH) mà theo ông, đó gần như là xu thế của thời đại. Ông cho rằng "dân chủ xã hội" có thể tận dụng cả ưu điểm của chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội để thiết lập một xã hội thịnh vượng và công bằng như các quốc gia Bắc Âu.
Một đặc điểm nổi bật của những người cộng sản Việt Nam là lối tư duy chưa thoát ra khỏi cái thiên kiến lệch lạc của Marx. Marx chỉ nhìn thấy CNTB trong mối quan hệ đối trọng với CNXH, chứ không thấy sự tồn tại và vai trò của chủ nghĩa tự do hợp hiến trong nỗ lực định hình nền móng của các xã hội tự do lúc bấy giờ. Ngày nay, khi nhận thấy chủ nghĩa Marx đã đi đến hồi mạt vận trong cả lý thuyết lẫn thực tiễn, các trí thức CNXH cố vớt vát bằng cách kêu gọi kết hợp CNTB với CNXH để tạo ra cái gọi là Dân chủ xã hội. Họ đã bỏ sót cái tinh thần tự do cá nhân và nền dân chủ chính trị mà chủ nghĩa tự do đã đưa vào thế giới hiện đại. Đó mới chính là cốt lõi của các xã hội dân chủ, chứ không phải chỉ là chủ nghĩa tư bản. Những người chưa bao giờ sống trong xã hội dân chủ và tư duy chưa bao giờ vượt ra ngoài một mớ lý thuyết cũ rích của chủ nghĩa Marx, chỉ nhìn thấy chủ nghĩa tư bản và nghĩ rằng chỉ cần kết hợp với các ưu điểm của chủ nghĩa tư bản là đủ để giải quyết tất cả những vấn đề của quốc gia.
Các vấn đề của một quốc gia không chỉ là kinh tế và sự tái phân phối phúc lợi; mà phức tạp hơn nhiều, bao gồm nhiều không gian lý luận khác như thể chế chính trị, Hiến pháp, pháp trị, văn hoá và phương cách đối phó với những nan đề liên quan đến Công lý và tự do...Họ trầm trồ khen các nước dân chủ tự do rằng: “Người ta như thế mới là chủ nghĩa xã hội chứ!” Nhưng họ không hề biết chỉ hai chủ thuyết này không đủ để thai nghén nên một xã hội dân chủ tự do, giàu mạnh và đạt được những tiến bộ đáng kể trong cố gắng cải thiện công bằng xã hội. Thị trường tự do cộng với sự tái phân phối các nguồn lực xã hội qua chính sách thuế và các chương trình phúc lợi chưa thể thể hiện hết cái cốt lõi tinh thần của các nền dân chủ. Mô hình đó có một nền tảng đặc biệt của nó, vượt ra ngoài sự kết hợp miễn cưỡng đó.
Sự lẩn quẩn trong mớ bòng bong CNTB và CNXH làm người ta quên mất rằng cần phải có thêm các chủ thuyết tự do làm bệ đỡ cho tinh thần tự do của một nền dân chủ hiện đại. Không phải ngẫu nhiên mà cho đến hôm nay các trí thức cộng sản vẫn gọi các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ là các nước "tư bản" chứ không phải là "dân chủ tự do". Đó là sự thiển cận xuất phát từ sự đề cao quá đáng các định chế kinh tế mà bỏ qua sự hiện diện vô cùng quan trọng của các định chế chính trị, văn hoá...
"Không phải ngẫu nhiên mà cho đến hôm nay các trí thức cộng sản vẫn gọi các quốc gia phương Tây và Hoa Kỳ là các nước "tư bản" chứ không phải là "dân chủ tự do". Đó là sự thiển cận xuất phát từ sự đề cao quá đáng các định chế kinh tế mà bỏ qua sự hiện diện vô cùng quan trọng của các định chế chính trị, văn hoá..."
Các chủ thuyết xã hội, đặc biệt là chủ nghĩa Marx chỉ tập trung vào mục tiêu đánh đổ chủ nghĩa tư bản, thực hiện công cuộc "cào bằng" đầy bạo lực và khiên cưỡng, đề xuất mô hình kinh tế tập trung bao cấp để thay thế chủ nghĩa tư bản... chứ chưa bao giờ thiết lập một nền tảng tư tưởng hữu lý cho việc kiến tạo các định chế quyền lực và xã hội nhằm bảo vệ tự do cá nhân, xây dựng một nhà nước dựa trên sự đồng thuận của người dân, xây dựng khế ước quyền lực...Đối với chủ thuyết này, Hiến pháp, pháp trị, tam quyền phân lập, cân bằng và kiểm soát, tự do, nhân quyền... chỉ là công cụ thống trị của nhà nước tư sản và họ cố tình gạt bỏ các giá trị này ra khỏi trung tâm lập thuyết của họ. Ngày nay, để tiếp tục tồn tại và biện minh cho sự tồn tại đó, các lý thuyết gia xã hội cố vay mượn các giá trị tự do (mà họ không xây dựng được) từ chủ nghĩa tự do hợp hiến để bù đắp cho sự thiếu hụt căn bản này.
Trong khi đó, các nhà tư tưởng của chủ nghĩa tự do hợp hiến đã làm tất cả những công việc quan trọng nhằm đúc kết nên những nguyên tắc nền tảng mà từ đó các chế độ dân chủ hiện đại được xây dựng nên. Họ thiết lập và biện minh không mệt mỏi cho các giá trị tự do dân chủ mà ngày nay chúng ta đang cổ vũ. Bởi vậy, các nền dân chủ hiện đại thực ra được thai nghén trong tinh thần đề cao tự do, nhân quyền và nhân phẩm của chủ nghĩa tự do hợp hiến, chứ nó chưa bao giờ là con đẻ của chủ nghĩa xã hội, dù là chủ nghĩa xã hội bạo lực kiểu Marx hay chủ nghĩa xã hội dân chủ. Nhìn nhận sự thành công của các nền dân chủ hiện đại như Thuỵ Điển và các nước Bắc Âu như là kết quả của phiên bản mới - chủ nghĩa xã hội dân chủ - là một ngộ nhận lớn.
Chủ nghĩa tự do hợp hiến
Chủ nghĩa tự do có nhiều xu hướng khác nhau. Các nhà tư tưởng của chủ nghĩa TỰ DO KINH TẾ đề cao quyền tư hữu, tự do khế ước và do đó họ ủng hộ chủ nghĩa tư bản laissez-faire và một Nhà nước càng nhẹ càng tốt. Nhưng thực tế cho thấy, kiểu tự do này sẽ giúp duy trì những lợi thế vĩnh viễn của tầng lớp giàu có và quyền thế trong xã hội, còn những người bị gạt ra bên lề xã hội sẽ khó có cơ hội để vươn lên bởi đơn giản là họ có rất ít cơ hội. Tự do kinh tế chưa đủ để thúc đẩy tự do cá nhân và dân chủ thực sự, mà nó còn đào sâu các bất bình đẳng xã hội do khoảng cách quá lớn về tiềm lực kinh tế và cơ hội chính trị. Tình trạng các quốc gia phương Tây trong giai đoạn phát triển cao của cuộc cách mạng kỹ nghệ lần thứ hai đã cho thấy nhược điểm của chủ thuyết tự do cổ điển này.
Đảng Cộng sản Việt Nam không chấp nhận đa đảng |
Trước những bế tắc xã hội không giải quyết được của chủ nghĩa tự do kinh tế, các lý thuyết gia của chủ nghĩa TỰ DO XÃ HỘI đã đưa ra luận thuyết của mình để giải quyết các bất công và mâu thuẫn xã hội đồng thời đưa ra một số câu trả lời cho vấn đề Công lý. Với sự công nhận vai trò quan trọng của Nhà nước trong việc duy trì trật tự xã hội bằng hệ thống luật pháp, tạo không gian pháp lý ổn định cho các hoạt động dân sự, làm trọng tài cho các thoả thuận tự do của người dân, tái phân phối một phần các nguồn lực xã hội qua chính sách thuế, và tăng cường bình đẳng cơ hội cho những người ở tầng lớp dưới qua các chương trình phúc lợi xã hội...., chủ nghĩa tự do xã hội đã giúp các nền dân chủ hiện đại sửa sai các khiếm khuyết của chủ nghĩa tự do kinh tế. Trong khi đó, phương cách của chủ nghĩa xã hội là nền kinh tế tập trung, một nhà nước trung ương đầy quyền lực để áp đặt mô hình kinh tế này, kết quả là cho ra đời những Nhà nước toàn trị tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại.
Độc tài hay Dân chủ mới là mấu chốt
Ngày nay những người xã hội đã cải biến chủ thuyết của mình theo kiểu "đẽo chân cho vừa giày" để phù hợp với không gian chính trị dân chủ và xã hội tự do. Các đảng xã hội cũng thay đổi để tiếp tục tồn tại và tham gia lãnh đạo quốc gia cùng với các đảng cánh hữu. Tùy thuộc vào bối cảnh văn hoá, kinh tế và chính trị cũng như các định chế xã hội mà các đảng cánh tả ở những nền dân chủ lâu đời có thể dành được sự ủng hộ của người dân hay không. Nhưng điều quan trọng là đảng phái này chỉ mang cái danh "xã hội" nhưng thực chất họ đi gần với chủ nghĩa tự do xã hội hơn là chủ nghĩa xã hội (xin lưu ý sự khác biệt này) và mọi hoạt động đảng phái cũng như hoạt động quyền lực của họ đều phải nằm trong không gian chính trị do chủ nghĩa tự do hợp hiến thiết lập và quy định từ lâu.
"Tại sao chúng ta không đặt cái di sản xã hội chủ nghĩa nặng nề ấy xuống để bắt đầu bàn về những chủ đề quan trọng hơn cho đất nước, những giá trị mang tính phổ quát, vượt ra khỏi biên giới hạn hẹp của mọi chủ nghĩa? "
Gán ghép các thành tựu chính trị-xã hội ngoạn mục ở các quốc gia dân chủ Bắc Âu cho chủ nghĩa xã hội (có sự kết hợp của chủ nghĩa tư bản), mà bỏ qua dấu ấn sâu sắc của chủ nghĩa tự do hợp hiến ở các quốc gia này là quá gượng ép và thiển cận. Tiếp tục đề cao vai trò của một phiên bản chủ nghĩa xã hội mới trong không gian chính trị dân chủ tự do của các quốc gia phương Tây chỉ là một cách để các trí thức cộng sản ở Việt Nam giảm nhẹ những sai lầm, đổ vỡ và tội ác mà các nhà nước độc tài xã hội chủ nghĩa đã gây ra ở phương Đông nói chung và ở Việt Nam nói riêng; để tuyên truyền cho luận điệu rằng: chủ nghĩa xã hội không sai, chỉ là chúng ta chưa biết cách vận dụng...
Thời đại ngày nay, thế giới đã đổi thay, nhu cầu dân chủ hoá của các dân tộc đang nằm dưới chế độ độc tài khẩn thiết hơn bao giờ hết. Vì thế thật không phù hợp khi tốn công sức để bàn về chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội hay sự kết hợp của chúng. Trong khi cái thực sự cần bàn là dân chủ, tự do, nhân quyền và công lý...Thiết nghĩ, tại sao chúng ta không đặt cái di sản xã hội chủ nghĩa nặng nề ấy xuống để bắt đầu bàn về những chủ đề quan trọng hơn cho đất nước, những giá trị mang tính phổ quát, vượt ra khỏi biên giới hạn hẹp của mọi chủ nghĩa?
Trí thức là tầng lớp tinh hoa mở đầu cho mọi tiến bộ, đã đến lúc các trí thức cộng sản Việt Nam phải làm một cuộc cách mạng tư tưởng để nhận thức sinh động rằng cái gốc của vấn đề ở đây không chỉ là chủ nghĩa tư bản hay xã hội, mà chính là Tự do hay Nô lệ, Dân chủ hay Độc tài! Nếu không làm được điều này, họ sẽ tiếp tục đi bên lề những vận động tích cực trong tương lai của đất nước.
Bài viết thể hiện cách hành văn và quan điểm riêng của tác giả.
(BBC)