Ô Trương Duy Nhất |
Tác giả gửi đến DienDanCTM
Qua theo dõi thông tin vụ Cơ quan an ninh điều tra, Bộ Công an tiến hành bắt giữ ông Trương Duy Nhất (chủ trang mạng một góc nhìn khác www.truongduynhat.vn, ngụ tại TP.Đà Nẵng) với cáo buộc “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước Việt Nam, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” (theo điều 258, Bộ luật Hình sự) vào chiều ngày 26.5.2013 và dư luận xung quanh vụ bắt giữ trong những ngày qua, phong trào Con đường Việt Nam có chính kiến sau:
Là phong trào được phát động với mục tiêu duy nhất là “làm cho Quyền Con Người được tôn trọng và bảo vệ trên hết, bình đẳng tại Việt Nam”, chúng tôi đi sâu vào quyền con người và biết rằng:
Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân Quyền năm 1948 đã nêu rõ:
Điều 19.
“Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ ý kiến; kể cả tự do bảo lưu quan điểm mà không bị can thiệp; cũng như tự do tìm kiếm, tiếp nhận và truyền bá các ý tưởng và thông tin bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào,và không có giới hạn về biên giới.”
Điều 21.
“Khoản 1. Mọi người đều có quyền tham gia quản lý đất nước mình, một cách trực tiếp hoặc thông qua các đại diện mà họ được tự do lựa chọn.”
Tất cả các điều này được tái khẳng định trong Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà nhà nước Việt Nam đặt bút ký kết tham gia năm 1982.
Là thành viên tham gia công ước, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và thực thi công ước.
Trên cơ sở những điều khoản trên thì việc làm của ông Trương Duy Nhất khi lập ra, điều hành và đăng tải những bài viết có góc nhìn khác biệt với Đảng, Nhà nước, Chính phủ và những yếu nhân của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trên website www.truongduynhat.vn là quyền của ông Trương Duy Nhất. Là một thành viên của nhân loại - được bảo vệ bởi liên hợp quốc và các công ước của nó - ông Trương Duy Nhất hoàn toàn có quyền làm điều trên mà không bị chế tài.
Đó là vấn đề tầm vĩ mô toàn cầu, còn xét trên phương diện tầm quốc gia, chúng tôi cũng không đồng ý với cáo buộc trên của cơ quan an ninh dành cho ông Trương Duy Nhất, bởi lẽ tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ “Chính phủ là công bộc của dân, dân có quyền phê phán, đuổi chính phủ”. Đây không chỉ là vấn đề ý nghĩa tinh thần của vị sáng lập ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (ngày nay là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam) mà còn được thể chế hóa bằng hiến pháp. Điều 50 hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 1992 (bản đang có hiệu lực) ghi rõ:
“Ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật”.
Ngoài ra điều 53 còn chỉ rõ:
“Công dân có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương, kiến nghị với cơ quan Nhà nước, biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”.
Và điều 69 còn khẳng định:
“Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”.
Tuy rằng điều 69 có nói là theo qui định của pháp luật, nhưng luật pháp được làm ra để bảo đảm quyền trong hiến pháp, nếu luật làm ra chống lại tinh thần của hiến pháp là luật vi hiến và mất giá trị pháp lý.
Tổng hợp những điều được viện dẫn trên thì việc làm của ông Trương Duy Nhất được Hiến pháp bảo vệ.
Ngoài tiếp cận vấn đề trên phương diện pháp lý, chúng ta tiếp cận vấn đề trên phương diện lịch sử thì thấy rằng, một đảng, nhà nước hoặc chính phủ không phải luôn luôn lúc nào cũng đúng, những yếu nhân của đảng, nhà nước, chính phủ không phải luôn luôn lúc nào cũng sáng suốt, thông tuệ. Chúng ta đã có nhiều bài học cay đắng về việc này. Do vậy quyền được phát biểu chính kiến của công dân không chỉ là quyền của cá nhân công dân mà còn là quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Người được nhân dân ủy quyền không có quyền xâm phạm quyền này. Nhà cầm quyền phải chấp nhận sự phê phán của công dân. Đây là vấn đề đạo đức, văn minh trong sinh hoạt chính trị ngày nay.
Sẽ rất nguy hiểm cho một dân tộc nếu mọi góc nhìn khác đều bị qui kết là có tội bằng một cách thức nào đó, chỉ để tồn tại một góc nhìn duy nhất theo nhà cầm quyền muốn.
Với những lý lẽ được viện dẫn trên, chúng tôi phản đối vụ bắt giữ với cáo buộc trên của cơ quan an ninh dành cho ông Trương Duy Nhất và kêu gọi tất cả bạn hữu có cùng góc nhìn này hãy cùng nhau lên tiếng cho lẽ phải. Bảo vệ quyền con người của cá nhân ông Trương Duy Nhất cũng là bảo vệ quyền con người của tất cả chúng ta.
Chúng tôi kêu gọi Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam tuyên bố hủy bỏ các điều luật mập mờ luôn được nhà cầm quyền viện dẫn để chống lại các quyền của con người, quyền của công dân được nêu trên. Cụ thể là các điều luật 79, 88, 258 Bộ Luật hình sự. Hoặc chưa hủy bỏ thì phải lên tiếng giải thích rõ ràng các phạm vi được áp dụng một cách nhất quán để công dân có thể sử dụng các quyền của mình mà không phạm luật. Chỉ có như vậy mới không tạo ra cạm bẫy nguy hiểm cho trí thức hay bất cứ ai lên tiếng vì một tương lai dân tộc tốt đẹp hơn.
Tp. HCM ngày 29/5/2013,
Thay mặt phong trào Con đường Việt Nam
Lê Thăng Long