Chị Tạ Phong Tần trong lần ra tòa vừa qua |
Nhà cầm quyền âm mưu không cho anh Điếu Cày và chị Tạ Phong Tần kháng cáo lên Giám đốc thẩm
“Tôi không thể viết kháng cáo lên giám đốc thẩm được, vì đến giờ, Tòa án vẫn chưa đưa bản án phúc thẩm” – chị Tạ Phong Tần nói với cô Tạ Minh Tú như vậy.
Chị cho biết: “Ở trại Bố Lá và Xuân Lộc, tôi đã viết hai cái đơn đề nghị với trại đó chuyển đơn về tòa án rồi, nhưng phía tòa án vẫn không giao bản phúc thẩm. Khi đến trại này (trại số 5, Yên Định, Thanh Hóa) gửi đơn đến lần thư 3, nhưng trại này không chuyển. Lý do không chuyển là không đồng ý nội dung đơn, nên không chịu chuyển đơn, mà đó là chuyện giữa tôi và tòa án, cán bộ ở đây không có quyền can thiệp, khi nào nói đến cán bộ ở đây, thì ở đây mới có quyền can thiệp. Cứ về nói những cái đó để Cha làm đơn giúp”.
Về sức khỏe, chị Tần cho biết: “Không được khỏe vì thời tiết bất thường, không có nước để tắm giặt, rửa, như sáng nay ngủ dậy không có nước rửa mặt, nước để vệ sinh, đồ mặc từ hôm qua tắm chưa được giặt…
Những người đau khớp muốn tránh rét người ta phải đi vô trong Nam, mình ở trong Nam nó đưa mình ra đây, trong khi nó biết rõ mình bị đau khớp. Lý do chuyển trại ra đây, theo tôi là tại vì ở trong đó nó [cán bộ quản giáo] cho tù hăm dọa, đánh đập chửi bới nên tôi phải làm đơn tố cáo gửi cho ban giám thị ở trại Xuân Lộc. Người đánh đập đe dọa là Nguyễn Thị Úy và Bạch Thị Lam Uyên. Làm đơn tố cáo gửi cho ban giám thị, họ không xử lý mà chuyển ra đây, nhưng chỉ có một mình tôi bị chuyển ra đây. Đáng lẽ việc như thế ban giám thị phải xử lý, vì tù với tù có thái độ hăm dọa, đánh đập là phải xử lý, vì nó vi phạm nội quy, phải xử lý cái người có hành vi hăm dọa chửi bới nhưng nó không xử mà chuyển chị đi”.
Về tình trạng nhà tù, chị Tần cho biết: “Ở đây không có nhà tắm, mọi người tắm truồng ngoài giếng. Tất cả mọi người, mưa nắng gió rét đều như vậy. Bơm nước vô cái hồ đó, có 10 mét khối thôi mà 200 người chung quanh cái hồ giống y như ăn cướp vậy đó. Phải giành nhau, sáng dậy nhiều khi còn không có nước rửa mặt”.
Nghe chị Tần nói như thế, cán bộ trại giam đang giám sát cuộc nói chuyện cho rằng nói không đúng, chị Tần phản bác lại: “Nhiều tù nhân bức xúc, nhưng không dám nói thôi, họ sợ không được giảm án, sợ bị quy là chống đối, sợ bị kỷ luật còn tôi, tôi không sợ, tôi biết là nói không sao cả, tôi nắm rõ điều đó, không ai kỷ luật cả.
Cán bộ đang xa rời người ta rồi, cán bộ tìm hiểu kỹ đi. Sống trong điều kiện như thế coi xem có chịu nổi hay không mình cũng như người ta vậy thôi. Nếu cán bộ sống được như thế, thì người ta cũng sống được, nhưng hôm nào cán bộ cứ đi vô trong đó sẽ thấy.
Người ta sống được thì đúng, như tôi tôi tuyệt thực 1 tháng 20 ngày tôi đâu có chết đâu nhưng không thể nói rằng không ăn thì sống phây phây cho nên thiếu nước không chết nhưng nó ảnh hưởng đến sức khỏe, tư tưởng và nhiều mặt khác nữa. Không đảm bảo sức khỏe làm sao sống và lao động tốt được. Việc nước nôi là nhu cầu tối thiểu. Nước tắm không có, nước rửa mặt không có… Ở mấy trại kia tôi có nói chuyện nước nôi đâu, về đây rõ ràng như thế nên tôi mới nói chứ, hồi sáng phải đi xin người ta mấy gáo để rửa mặt đó”.
Hiện nay chị Tạ Phong Tần bị giam tại đội 30, phân trại số 4, trại giam số 5, thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
Chị Tần nhắc cô Tú liên lạc hỏi thăm cha Vũ Khởi Phụng và giáo xứ Thái Hà, nhớ thăm thầy Thích Không Tánh ở chùa Liên Trì. Chị Tần lưu ý cô Tú: “Nhớ là lần nào đi về hay đi lên thì cũng phải ghé thầy Thích Không Tánh, ghé thăm chị Tân, ghé thăm các Cha DCCT, không đi được phải giữ liên lạc, gọi điện thoại hỏi thăm”.
Chị Tần dặn cô Tú: “Về nói chị hỏi thăm Thầy, gửi lời hỏi thăm mọi người với hỏi thăm các Cha, nói mọi người ở nhà yên tâm. Ở đây hay ở đâu thì chị cũng vậy, lập trường không thay đổi. Nhớ hàng tháng gửi cái đơn đề nghị giám đốc thẩm, nhiều khi gửi nó không xem xét nhưng bắt buộc phải gửi, lý do là bản án đó là một sự bất công của nhà nước này đè lên gia đình mình, bắt buộc phải gửi, không xem xét cũng phải gửi chẳng những gửi đến nhưng cơ quan đó mà còn gửi đi cơ quan thông tin báo chí trong ngoài nước, ai cần đưa hết cho họ”.
Theo chị Tần, việc anh Hải Điếu Cày và chị bị chuyển ra miền Bắc là cách khủng bố và gây khó khăn cho gia đình, và sau đó là để cho những tù nhân lương tâm này bị chết: “Ở trong miền Nam không có trại giam hay sao, chẳng lẽ không đủ chỗ cho 1-2 người ở nhưng nó cố tình làm như vậy để gây khó khăn cho gia đình, khó khăn thăm nuôi, rồi có ốm đau bệnh hoạn thì chết không ai biết”.
Tuy ở trong tù bị cách biệt, nhưng do thân nhân của các tù nhân thay phiên vào thăm, mỗi người mang đến một thông tin, và họ chia sẻ với nhau, nên tuy ở tù, chị Tần cũng biết khá rõ nhiều chuyện. Chị biết đến Bản nhận định và góp ý sửa đổi Hiến pháp 1992 của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGM VN), và đánh giá rất cao các ý kiến này: “Nói với các cha chị con nói các Ngài trong HĐGM VN vừa rồi làm quả thiệt là hay, nói vậy là các cha hiểu rồi. Nói với các cha và anh em là chị con ở đây trước sau như một, lúc nào cũng vậy”.
Chị cũng quan tâm đến những nỗ lực dấn thân cho công lý hòa bình: “Trong đó, Chúa Nhật cuối tháng còn làm lễ cầu nguyện không?”
Trước lúc ra về, cán bộ trại giam yêu cầu cô Tú ký vào biên bản gặp gỡ thăm nuôi, kêu là theo quy định thì phải ký, quy định trại giam này thế. Chị Tú không làm vì các trại trước không làm như thế: “Tôi gặp tôi nói chuyện với chuyện gia đình dưới sự giám sát trực tiếp của hai cán bộ nên tôi không có việc gì phải ký cả. Gửi tiền có sổ sách thì tôi ký, 3 cán bộ cùng ngồi nghe 3 người có thể tự làm chứng cho nhau được chứ việc gì tôi phải ký. Luật thì tôi sẽ chấp hành nhưng tôi sẽ về coi lại có đúng như vậy không, vì tôi chưa biết nhiều về luật nên tôi phải hỏi lại”.
PV. VRNs, tại Hà Nội