Hôm qua, 31/10/2013, phe đối lập tại Nghị viện đã tổ chức những cuộc biểu tình ở trung tâm thủ đô Bangkok. Ngay cả những người ủng hộ chính phủ, được gọi là phe Áo Đỏ, cũng xuống đường để phản đối dự luật. RFI liên lạc với thông tín viên trong khu vực, Arnaud Dubus để nói về chủ đề này.
RFI : Thân chào Arnaud, trước tiên, xin anh cho biết vì sao bầu không khí chính trị ở Thái Lan lại sôi sục lên một cách dữ dội như vậy ?
Arnaud Dubus : Từ gần một năm nay, một dân biểu của đảng Pheu Thai đang cầm quyền đã soạn thảo dự luật ân xá. Trong dự thảo ban đầu, văn bản này chỉ nhằm ân xá cho những người biểu tình, cho dù họ thuộc phe Áo Vàng – tức là những người chống cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – hay Áo Đỏ - tức là những người ủng hộ ông Thaksin.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của ông Thaksin và nhiều dân biểu của đảng Pheu Thai, đã nhiều lần trấn an rằng dự luật không nhằm xóa bỏ bản án hai năm tù về tội lạm dụng quyền lực và tham nhũng, nhắm vào ông Thaksin hồi năm 2008. Thế nhưng, đến giữa tháng Mười, một Ủy ban của nghị viện đã kín đáo sửa đổi văn bản này thành một dự luật ân xá chung, miễn trách nhiệm cho tất cả những người đã bị kết án hoặc đang bị xét xử về những hành vi phạm tội liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị, trong giai đoạn từ 2004 đến 2013.
Nếu dự luật được thông qua, điều đó có nghĩa là bản án nhắm vào ông Thaksin sẽ bị hủy bỏ và ông ta có thể lấy lại được một tỷ euro trong khối tài sản của ông hiện đang bị tư pháp tịch biên. Điều đó cũng có nghĩa là những quan chức dân sự và quân sự, phải chịu trách nhiệm về việc trấn áp các vụ biểu tình của phe Áo Đỏ hồi tháng Tư và tháng Năm 2010 sẽ được ân xá.
RFI : Hôm qua, anh đã tới tận nơi có các cuộc biểu tình. Vậy bầu không khí và thái độ của những người biểu tình ra sao thưa anh ?
Arnaud Dubus : Tối qua, tại tụ điểm chính, gần nhà ga xe lửa Samsen, ở Bangkok, có khoảng 8000 người biểu tình. Một số người mang các biểu ngữ bày tỏ sự tôn kính đối với Vua Thái Lan. Những người khác thì mang mặt nạ trắng hình Guy Fawkes, được coi là biểu tượng của phong trào liên kết chống Thaksin tại Thái Lan. Nhiều người tỏ ra tức giận, bởi vì họ có cảm giác là chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã coi thường, giễu cợt họ.
Điều mà những người biểu tình không thể chấp nhận được, đó là chính phủ, trong nhiều tháng trời, đã khẳng định rằng luật ân xá có mục đích hòa giải và hoàn toàn không có chuyện xóa bỏ bản án đối với ông Thaksin. Thế rồi, sự việc trở nên phũ phàng, giống như những chiếc mặt nạ rơi xuống : Chính phủ tiết lộ ý định thật sự của mình là xóa tội cho ông Thaksin để ông ta có thể hồi hương. Đối với nhiều người Thái Lan, không thể chấp nhận được mánh khóe này. Giống như người ta nói trong chơi bài, chính phủ dường như đánh giá quá cao các quân bài của mình.
RFI : Như vậy là những người ủng hộ đảng Dân chủ, đối lập với đảng Pheu Thai đang cầm quyền, biểu tình chống lại dự luật này. Thế còn những nhóm chống đối khác, họ là ai và tại sao họ lại chống dự luật này ?
Arnaud Dubus : Quả thực là chính phủ đang ở thế cô lập đối mặt với một loạt các nhóm chống đối. Ngoài đảng Dân chủ và những người chống đối thuộc phe Áo Vàng, thì phe Áo Đỏ cũng phản đối dự luật. Lý do là luật này sẽ ân xá cho những quan chức dân sự và quân sự chịu trách nhiệm về vụ đàn áp các cuộc biểu tình trong năm 2010, hàng chục thành viên phe Áo Đỏ đã bị quân đội bắn chết.
Ngoài ra, giới doanh nhân, tài chính và ngân hàng cũng chống lại dự luật ân xá. Theo họ, đạo luật sẽ xóa tội cho những hành vi tham nhũng và do vậy, gây nguy hại cho Nhà nước pháp quyền, tính khả tín của hệ thống tư pháp. Đối với chính phủ, phản ứng của giới doanh nhân là quan trọng, bởi vì trong những tháng tới, chính phủ sẽ phải vay các ngân hàng hàng trăm tỷ baht để thực hiện chương trình đầy tham vọng bao gồm nhiều dự án lớn.
Điểm cuối cùng nhưng cũng quan trọng, đó là các chỉ huy quân đội Thái Lan chống lại dự luật, cho dù họ cũng sẽ được ân xá, miễn trách nhiệm trong vụ đàn áp năm 2010. Đối với quân đội, việc hồi hương của ông Thaksin là hoàn toàn không thể chấp nhận được, trừ phi ông ta chấp nhận bản án được tuyên năm 2008.
RFI : Đương nhiên, khó có thể dự đoán được diễn tiến của cuộc khủng hoảng chính trị này, nhưng người ta vẫn có thể phác thảo ra những kịch bản chính ?
Arnaud Dubus : Có thể nói là có hai kịch bản chính. Hoặc là chính phủ nhận thấy họ đã đi quá xa và đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị quan trọng. Do vậy, chính phủ chấp nhận lùi bước. Kịch bản thứ hai là chính phủ cho rằng bằng mọi giá, cần phải thông qua dự luật, vì sẽ không còn cơ hội nào nữa và chấp nhận cuộc đọ sức.
Trong trường hợp thứ hai này, tình hình sẽ hướng tới một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và không loại trừ những nguy cơ bạo động. Nhìn vào thái độ của chính phủ hiện nay, giả thuyết thứ hai có vẻ đúng hơn. Vì chính phủ rất muốn dự luật ân xá được thông qua trong những ngày tới.
RFI : Thân chào Arnaud, trước tiên, xin anh cho biết vì sao bầu không khí chính trị ở Thái Lan lại sôi sục lên một cách dữ dội như vậy ?
Arnaud Dubus : Từ gần một năm nay, một dân biểu của đảng Pheu Thai đang cầm quyền đã soạn thảo dự luật ân xá. Trong dự thảo ban đầu, văn bản này chỉ nhằm ân xá cho những người biểu tình, cho dù họ thuộc phe Áo Vàng – tức là những người chống cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra – hay Áo Đỏ - tức là những người ủng hộ ông Thaksin.
Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em gái của ông Thaksin và nhiều dân biểu của đảng Pheu Thai, đã nhiều lần trấn an rằng dự luật không nhằm xóa bỏ bản án hai năm tù về tội lạm dụng quyền lực và tham nhũng, nhắm vào ông Thaksin hồi năm 2008. Thế nhưng, đến giữa tháng Mười, một Ủy ban của nghị viện đã kín đáo sửa đổi văn bản này thành một dự luật ân xá chung, miễn trách nhiệm cho tất cả những người đã bị kết án hoặc đang bị xét xử về những hành vi phạm tội liên quan đến cuộc khủng hoảng chính trị, trong giai đoạn từ 2004 đến 2013.
Nếu dự luật được thông qua, điều đó có nghĩa là bản án nhắm vào ông Thaksin sẽ bị hủy bỏ và ông ta có thể lấy lại được một tỷ euro trong khối tài sản của ông hiện đang bị tư pháp tịch biên. Điều đó cũng có nghĩa là những quan chức dân sự và quân sự, phải chịu trách nhiệm về việc trấn áp các vụ biểu tình của phe Áo Đỏ hồi tháng Tư và tháng Năm 2010 sẽ được ân xá.
RFI : Hôm qua, anh đã tới tận nơi có các cuộc biểu tình. Vậy bầu không khí và thái độ của những người biểu tình ra sao thưa anh ?
Arnaud Dubus : Tối qua, tại tụ điểm chính, gần nhà ga xe lửa Samsen, ở Bangkok, có khoảng 8000 người biểu tình. Một số người mang các biểu ngữ bày tỏ sự tôn kính đối với Vua Thái Lan. Những người khác thì mang mặt nạ trắng hình Guy Fawkes, được coi là biểu tượng của phong trào liên kết chống Thaksin tại Thái Lan. Nhiều người tỏ ra tức giận, bởi vì họ có cảm giác là chính phủ và đặc biệt là Thủ tướng Yingluck Shinawatra, đã coi thường, giễu cợt họ.
Điều mà những người biểu tình không thể chấp nhận được, đó là chính phủ, trong nhiều tháng trời, đã khẳng định rằng luật ân xá có mục đích hòa giải và hoàn toàn không có chuyện xóa bỏ bản án đối với ông Thaksin. Thế rồi, sự việc trở nên phũ phàng, giống như những chiếc mặt nạ rơi xuống : Chính phủ tiết lộ ý định thật sự của mình là xóa tội cho ông Thaksin để ông ta có thể hồi hương. Đối với nhiều người Thái Lan, không thể chấp nhận được mánh khóe này. Giống như người ta nói trong chơi bài, chính phủ dường như đánh giá quá cao các quân bài của mình.
RFI : Như vậy là những người ủng hộ đảng Dân chủ, đối lập với đảng Pheu Thai đang cầm quyền, biểu tình chống lại dự luật này. Thế còn những nhóm chống đối khác, họ là ai và tại sao họ lại chống dự luật này ?
Arnaud Dubus : Quả thực là chính phủ đang ở thế cô lập đối mặt với một loạt các nhóm chống đối. Ngoài đảng Dân chủ và những người chống đối thuộc phe Áo Vàng, thì phe Áo Đỏ cũng phản đối dự luật. Lý do là luật này sẽ ân xá cho những quan chức dân sự và quân sự chịu trách nhiệm về vụ đàn áp các cuộc biểu tình trong năm 2010, hàng chục thành viên phe Áo Đỏ đã bị quân đội bắn chết.
Ngoài ra, giới doanh nhân, tài chính và ngân hàng cũng chống lại dự luật ân xá. Theo họ, đạo luật sẽ xóa tội cho những hành vi tham nhũng và do vậy, gây nguy hại cho Nhà nước pháp quyền, tính khả tín của hệ thống tư pháp. Đối với chính phủ, phản ứng của giới doanh nhân là quan trọng, bởi vì trong những tháng tới, chính phủ sẽ phải vay các ngân hàng hàng trăm tỷ baht để thực hiện chương trình đầy tham vọng bao gồm nhiều dự án lớn.
Điểm cuối cùng nhưng cũng quan trọng, đó là các chỉ huy quân đội Thái Lan chống lại dự luật, cho dù họ cũng sẽ được ân xá, miễn trách nhiệm trong vụ đàn áp năm 2010. Đối với quân đội, việc hồi hương của ông Thaksin là hoàn toàn không thể chấp nhận được, trừ phi ông ta chấp nhận bản án được tuyên năm 2008.
RFI : Đương nhiên, khó có thể dự đoán được diễn tiến của cuộc khủng hoảng chính trị này, nhưng người ta vẫn có thể phác thảo ra những kịch bản chính ?
Arnaud Dubus : Có thể nói là có hai kịch bản chính. Hoặc là chính phủ nhận thấy họ đã đi quá xa và đang gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị quan trọng. Do vậy, chính phủ chấp nhận lùi bước. Kịch bản thứ hai là chính phủ cho rằng bằng mọi giá, cần phải thông qua dự luật, vì sẽ không còn cơ hội nào nữa và chấp nhận cuộc đọ sức.
Trong trường hợp thứ hai này, tình hình sẽ hướng tới một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và không loại trừ những nguy cơ bạo động. Nhìn vào thái độ của chính phủ hiện nay, giả thuyết thứ hai có vẻ đúng hơn. Vì chính phủ rất muốn dự luật ân xá được thông qua trong những ngày tới.