Ngoài chuyến đi thăm chớp nhoáng Ghana vào tháng 7 năm 2009, tổng thống Obama chưa hề đặt chân đến châu Phi trong nhiệm kỳ đầu của ông. Sau một thời gian phấn khởi khi thấy người da đen đầu tiên lên làm tổng thống Mỹ, người dân châu lục này ngày càng thất vọng về ông Obama.
Họ có cảm tưởng tổng thống Hoa Kỳ không quan tâm gì đến quê hương của ông, mà chỉ tập trung giải quyết khủng hoảng kinh tế trong nước, hoặc yểm trợ phong trào mùa Xuân Ả rập, hoặc lo chuyện rút quân khỏi Afghanistan. Chính sách của Washington xoay trục sang châu Á càng khiến châu Phi cảm thấy như bị tổng thống Obama bỏ rơi.
Chính vì vậy mà trong những năm qua, một số quốc gia châu Phi đã quay sang những cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc. Là một quốc gia đang rất cần các nguồn nguyên liệu để phát triển, Trung Quốc từ năm 2009 đã trở thành đối tác hàng đầu của châu Phi, theo các số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE).
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu ( Center for Global Development ), trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 75,4 tỷ đôla vào châu Phi, tức là một phần năm tổng số vốn đầu tư vào châu lục này, gần bằng với số vốn đầu tư của Hoa Kỳ ( 90 tỷ đôla ).
Điển hình nhất cho cuộc chạy đua giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới tại châu Phi đó là Tanzania, chặng cuối trong chuyến công du của ông Obama. Vào năm 2008, dưới thời tổng thống George W. Bush, cơ quan viện trợ do Quốc hội Mỹ thành lập Millennium Challenge Corporation đã ký một hiệp định 700 triệu đôla để tài trợ cho các dự án cải thiện hệ thống đường xá và những cơ sở hạ tầng khác ở Tanzania.
Nhưng các khoản tài trợ này đã gián tiếp hoặc trực tiếp lọt vào tay các công ty Trung Quốc đã trúng thầu những dự án đó. Không chỉ các công ty Trung Quốc hưởng lợi, mà Bắc Kinh cũng chiếm được cảm tình của người dân Tanzania, bởi vì ai cũng thấy chính là người Trung Quốc đã giúp cải tạo, nâng cấp đường xá, cầu cống, chứ đâu phải người Mỹ.
Nhưng Trung Quốc và Hoa Kỳ có cách trợ giúp và đầu tư khác nhau ở châu Phi. Khi viếng thăm Tanzania vào tháng 3 vừa qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn thường trợ giúp các nước châu Phi mà không đặt điều kiện nào về chính trị. Trong khi đó, viện trợ của Mỹ bao giờ cũng đi kèm với các điều kiện về cải tổ kinh tế và chính trị.
Tổng thống Obama đã hứa sẽ yểm trợ những quốc gia châu Phi nào muốn tiến theo con đường dân chủ. Tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm G8 năm ngoái, ông cũng đã đề ra một sáng kiến trong lĩnh vực lương thực cho 9 nước châu Phi và đã huy động được 3,5 tỷ đôla từ khu vực tư nhân để thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp.
Nhưng tại một châu lục mà vẫn còn nhiều chế độ độc đoán, tham nhũng, rõ ràng là Hoa Kỳ gặp bất lợi trước đối thủ Trung Quốc. Thành ra, thách đố lớn nhất đối với Mỹ nói riêng và với Tây phương nói chung, đó là làm sao dung hòa giữa một bên là quyền lợi kinh tế và bên kia là những giá trị về dân chủ mà họ muốn thấy sinh sôi nẩy nở trên đất châu Phi.
Họ có cảm tưởng tổng thống Hoa Kỳ không quan tâm gì đến quê hương của ông, mà chỉ tập trung giải quyết khủng hoảng kinh tế trong nước, hoặc yểm trợ phong trào mùa Xuân Ả rập, hoặc lo chuyện rút quân khỏi Afghanistan. Chính sách của Washington xoay trục sang châu Á càng khiến châu Phi cảm thấy như bị tổng thống Obama bỏ rơi.
Chính vì vậy mà trong những năm qua, một số quốc gia châu Phi đã quay sang những cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc. Là một quốc gia đang rất cần các nguồn nguyên liệu để phát triển, Trung Quốc từ năm 2009 đã trở thành đối tác hàng đầu của châu Phi, theo các số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE).
Theo một nghiên cứu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu ( Center for Global Development ), trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2011, Trung Quốc đã đầu tư tổng cộng 75,4 tỷ đôla vào châu Phi, tức là một phần năm tổng số vốn đầu tư vào châu lục này, gần bằng với số vốn đầu tư của Hoa Kỳ ( 90 tỷ đôla ).
Điển hình nhất cho cuộc chạy đua giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới tại châu Phi đó là Tanzania, chặng cuối trong chuyến công du của ông Obama. Vào năm 2008, dưới thời tổng thống George W. Bush, cơ quan viện trợ do Quốc hội Mỹ thành lập Millennium Challenge Corporation đã ký một hiệp định 700 triệu đôla để tài trợ cho các dự án cải thiện hệ thống đường xá và những cơ sở hạ tầng khác ở Tanzania.
Nhưng các khoản tài trợ này đã gián tiếp hoặc trực tiếp lọt vào tay các công ty Trung Quốc đã trúng thầu những dự án đó. Không chỉ các công ty Trung Quốc hưởng lợi, mà Bắc Kinh cũng chiếm được cảm tình của người dân Tanzania, bởi vì ai cũng thấy chính là người Trung Quốc đã giúp cải tạo, nâng cấp đường xá, cầu cống, chứ đâu phải người Mỹ.
Nhưng Trung Quốc và Hoa Kỳ có cách trợ giúp và đầu tư khác nhau ở châu Phi. Khi viếng thăm Tanzania vào tháng 3 vừa qua, chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc vẫn thường trợ giúp các nước châu Phi mà không đặt điều kiện nào về chính trị. Trong khi đó, viện trợ của Mỹ bao giờ cũng đi kèm với các điều kiện về cải tổ kinh tế và chính trị.
Tổng thống Obama đã hứa sẽ yểm trợ những quốc gia châu Phi nào muốn tiến theo con đường dân chủ. Tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm G8 năm ngoái, ông cũng đã đề ra một sáng kiến trong lĩnh vực lương thực cho 9 nước châu Phi và đã huy động được 3,5 tỷ đôla từ khu vực tư nhân để thực hiện các dự án phát triển nông nghiệp.
Nhưng tại một châu lục mà vẫn còn nhiều chế độ độc đoán, tham nhũng, rõ ràng là Hoa Kỳ gặp bất lợi trước đối thủ Trung Quốc. Thành ra, thách đố lớn nhất đối với Mỹ nói riêng và với Tây phương nói chung, đó là làm sao dung hòa giữa một bên là quyền lợi kinh tế và bên kia là những giá trị về dân chủ mà họ muốn thấy sinh sôi nẩy nở trên đất châu Phi.