Ngô Nhân Dụng
Bài trước trong mục này đã đặt một câu hỏi về sự tan rã
nhanh chóng của các chế độ cộng sản Ðông Âu: “Chế độ vững như bàn thạch, cho đến
ngày nó sụp đổ. Tại sao người ta không thấy được những nhược điểm nằm bên dưới
các chế độ tưởng như muôn năm trường trị như vậy?”
Một người đã nghiên cứu về trường hợp Ðông Ðức, còn gọi là Cộng
Hòa Dân Chủ Ðức, là Daniel V. Friedheim, đã thấy rằng nguyên nhân chính khiến
chế độ sụp đổ không phải chỉ vì áp lực của người dân từ bên dưới; cũng không phải
vì giới lãnh đạo cao cấp đã chấp nhận chịu thua. Theo ông, nguyên nhân chủ yếu
là vì chính hàng ngũ cán bộ cấp trung đã chán ngán hệ thống xã hội và chính trị
mà họ đang góp công duy trì.
Trong một bài đăng trên tạp chí Chính Trị Ðức (German
Politics) vào Tháng Tư năm 1993, Friedheim trình bày trình tự sụp đổ của Cộng sản
Ðông Ðức. Ông ghi nhận ý kiến của nhà xã hội học nổi danh Max Weber, thấy rằng
bất cứ một chế độ nào cũng phải dùng một “hệ thống thuộc lại.” Một chế độ sụp đổ
từ bên trên nếu nhóm người lãnh đạo hết tin vào khả năng kềm hãm dân chúng, như
chúng ta thấy ở Tiệp Khắc, Bulgaria, Nga. Nhưng ở Ðông Ðức, sự sụp đổ diễn ra
ngay ở trong hệ thống cai trị, tức là những người cán bộ trung cấp không còn thấy
mình có thể tuân lệnh đảng Cộng sản mà đàn áp người dân nữa.
Bài luận văn trên dựa trên luận án tiến sĩ của Daniel
Friedheim tại Ðại Học Yale, sau khi tác giả đã thực hiện một cuộc phỏng vấn 119
quan chức và cán bộ thuộc chế độ cộng sản Ðông Ðức ngay sau khi nước Ðức thống
nhất.
Những người được chọn để phỏng vấn đều thuộc thành phần bộ
máy bí mật có nhiệm vụ trấn áp khủng hoảng (Eisatzleitungen), ở trung ương và địa
phương. Họ đứng đầu những ban bí thư đảng bộ, chỉ huy mật vụ, chính quyền, cảnh
sát và quân đội; chính họ phải quyết định có sử dụng vũ lực đàn áp dân biểu
tình hay không; khi dân Ðông Ðức biểu tình đòi dân chủ vào mùa Thu năm 1989.
Chúng ta cần nhớ lại là vào Tháng Sáu năm đó, Cộng sản Trung Quốc đã dùng quân
đội tàn sát các công nhân và sinh viên biểu tình ở Thiên An Môn. Tổng bí thư đảng
Cộng sản Ðông Ðức Erich Honecker cũng dọa sẽ dạy bài học Thiên An Môn cho dân
chúng. Từ Tháng Ba năm 1989 cảnh sát công an đã dùng lựu đạn cay và dùi cui đàn
áp biểu tình. Ðến Tháng Chín, người đứng đầu mật vụ (Stasi) là Erich Mielke đã
báo động “tình hình vô cùng nghiêm trọng” và giải pháp duy nhất là phải “dùng bạo
lực, chỉ có bạo lực thôi.” Trong Tháng Mười, dân đi biểu tình ngày càng đông ở
Leipzig, Dresden, rồi Berlin.
Cuối cùng, chính một người trong hàng ngũ công an mật vụ đã
mở cửa cho ngọn gió tự do dân chủ trỗi lên, trong một hành động bất ngờ, “đột hứng.”
Ngày 8 Tháng Mười năm 1989, dân chúng tại thành phố Dresden đi biểu tình cùng với
giới trí thức, nghệ sĩ, sinh viên, công nhân. Ðoàn người biểu tình đứng đối diện
với đoàn công an võ trang hằm hè. Bỗng đoàn công an ngạc nhiên khi thấy một người
dân tách ra, đi từ từ tiến dần về phía họ; rồi hỏi có ai ra để nói chuyện hay
không. Một viên sĩ quan công an đã tiến tới. Hai người nói chuyện “giữa trận tiền”
một hồi; và đi tới hai quyết định: Ðoàn biểu tình sẽ giải tán, và cử ra ngay 20
người đại diện. Họ sẽ họp bàn với phía công an; tối hôm đó sẽ công bố kết quả
buổi họp tại bốn nhà thờ. Thế là 20 người bất ngờ được đề cử làm “đại biểu” của
đoàn biểu tình. Trong đó có đủ thành phần: sinh viên, công nhân, thầy giáo, thợ
mộc, thợ máy, y tá, vân vân, có cả một đảng viên cộng sản. Người nhỏ nhất là một
thợ máy tập sự 17 tuổi, già nhất là một giáo sư về tôn giáo, 58 tuổi; đa số
trong lứa tuổi 20, 30.
Biến cố được gọi là “Mô hình Dresden” sau đó đã được đem ra
làm mẫu ở các thành phố khác khi công an mật vụ đứng trước đoàn biểu tình.
Nhưng tại sao chính quyền Dresden sau đó lại chịu nhượng bộ, phải chấp nhận 20
công dân tình cờ thành những người đối thoại với họ? Friedheim đã tìm thấy
chính các quan chức trung cấp trong guồng máy an ninh đã chán ngán vai trò đàn
áp dân mà họ phải đóng. Người chỉ huy công an bỗng nghĩ ra đề nghị phái đoàn 20
người để thương thuyết, mặc dù không cấp trên nào cho phép anh ta làm như vậy.
Lệnh trên là dùng vũ lực, chỉ dùng vũ lực! Sau này được phỏng vấn, anh nói rằng
thực ra anh đã không đồng ý với lệnh trên bảo phải dùng vũ lực. Anh vẫn được lệnh
đàn áp, nhưng bỗng nhiên nghĩ ra một cách trì hoãn lệnh. Khi anh ra lệnh các
công an mật vụ buông cái khiên sắt họ ôm trước ngực, đặt tất cả xuống đất để
bày tỏ thiện chí, tiếng vỗ tay hoan hô reo ầm lên trong đoàn biểu tình. Anh ta
kể: Vai tôi bỗng nhẹ hẳn đi, trút được một gánh nặng! Tối hôm đó tôi về báo
cáo, ông sếp tôi bảo: Bây giờ tao báo cáo lên trên chắc họ không tin có chuyện
này!
Tại sao viên chỉ huy công an ở Dresden lại hành động như vậy;
rồi các nơi khác cũng làm theo? Lý do chính là họ đã bớt tin vào chế độ cộng sản.
Friedheim phỏng vấn các viên chức trung cấp trong guồng máy đàn áp cho thấy điều
này. Một câu hỏi về chủ nghĩa cộng sản nói chung, viết: “Không có chế độ nào có
thể đạt được những thành tựu về xã hội như chế độ cộng sản.” Với câu này, có
97% nói khi gia nhập đảng Cộng sản họ đã tin vào điều đó. Nhưng, tới mùa Thu
năm 1989 thì chỉ có 65% nói họ còn nghĩ chế độ Cộng sản Ðông Ðức là tốt nhất
thôi. Thật ra, tỷ lệ giảm từ 97% xuống 65% cũng không mất mát nhiều lắm, vì vẫn
còn gần 2 phần 3 các quan chức trung cấp tin tưởng chế độ Cộng sản là con đường
tốt nhất cho xã hội của họ.
Nhưng mặc dù đa số 65% vẫn tin ở chủ nghĩa cộng sản, đối với
biện pháp đàn áp dân bằng bạo lực thì thái độ của các viên chức công an trung cấp
lại thay đổi rất nhiều. Trong cuộc phỏng vấn trên, Friedheim hỏi họ: “Khi mới
bước vào đảng, anh có tin rằng chính phủ có quyền dùng công an đàn áp các đám
dân biểu tình hay không? Có 78% nói họ đã tin chính phủ có quyền đó. Tiếp theo
là câu hỏi: “Sau khi đã chứng kiến các biến cố vào mùa Thu năm 1989, lúc đó anh
còn tin chính phủ có quyền đàn áp hay không?” Số người vẫn tin tụt xuống, chỉ
còn 8%. Chính các người công an trung cấp đã trưởng thành nên thay đổi thái độ.
Chúng ta càng thấy rõ điều này, khi họ được hỏi về vụ đàn áp
kiểu Thiên An Môn. Yêu cầu họ chọn một câu đúng nhất để mô tả vụ đổ máu ở Thiên
An Môn, Friedheim thấy: Chỉ có 1% các quan chức công an trung cấp nghĩ rằng vụ
này “có thể diễn ra ở nước Ðức” của họ. Có 26% số người được phỏng vấn thấy “bảo
vệ chủ nghĩa xã hội mà phải đổ máu như vậy là không đáng.” Trong khi đó có 42%
phần trăm đồng ý với nhận định rằng “một vụ đổ máu như thế chỉ có thể diễn ra tại
Trung Quốc hay một nước Á Châu thôi.” Trong nhận định này, chúng ta thấy ẩn
tàng một thái độ khinh miệt, cho là người Châu Á thì khát máu, dễ giết nhau,
hơn người Ðức.
Trong lịch sử vụ sụp đổ của chế độ Cộng sản ở Ðông Âu, chúng
ta biết có nhiều nguyên nhân cùng họp lại gây ra; nhưng riêng tại Ðông Ðức thì
có lẽ yếu tố quan trọng nhất là sự sụp đổ của cây cột trụ chống đỡ cho đảng Cộng
sản: Giới chỉ huy trung cấp trong guồng máy đàn áp. Tại thành phố Dresden,
chính viên sĩ quan chỉ huy mật vụ Stasi và cấp trên của anh ta đứng đầu về nội
an, cả hai đã bí mật liên lạc với vị giám mục địa phương để cùng tìm cách tránh
đổ máu.
Chúng ta không thể đoán hiện nay tâm trạng những người trong
guồng máy công an mật vụ của cộng sản Việt Nam có còn tin tưởng ở chủ nghĩa cộng
sản và chế độ đến mức nào. Nhưng họ cũng là người, là người Việt cả. Họ cũng biết
chuyện gì đang diễn ra trong xã hội, họ còn biết nhiều hơn về sự thật đằng sau
cuộc tranh chấp giữa các người lãnh đạo đảng. Khi phải chọn lựa, liệu họ sẽ
theo “Mô hình Thiên An Môn” hay “Mô hình Dresden?”
Có một cách để giới chỉ huy công an ở Việt Nam tránh không
phải lựa chọn giữa Thiên An Môn hay Dresden. Là họ từ chối không tham dự vào bất
cứ một hành động đàn áp nào, nếu những người đi biểu tình có lý do chính đáng.
Nông dân biểu tình đòi bồi thường đất, chống cướp đất là chính đáng. Dân chúng
biểu tình chống ngoại bang xâm chiếm biển đảo, đất đai và cướp phá thuyền của
ngư dân Việt Nam, đó cũng là một lý do chính đáng. Các người chỉ huy công an ở
Việt Nam phải từ chối không tham dự các cuộc đàn áp biểu tình chính đáng, chắc
chắn họ sẽ thành công.
nguồn: http://www.nguoi-viet.com/