Thụy My
Trái cây bày bán ở Việt Nam có dán cờ Trung Quốc (DR) |
Trong thời gian
gần đây liên tiếp xảy ra các hiện tượng từ sách cho trẻ em có in cờ và
nhiều hình ảnh của Trung Quốc, cho đến vụ một siêu thị liên tục dán cờ
Trung Quốc lên trái cây bày bán. Dư luận trong nước rất bất bình và
nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu đây là những trùng hợp tình cờ, hay là
có một bàn tay nào đó ở phía sau.
Trao đổi với
RFI Việt ngữ, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt tại
Thành phố Hồ Chí Minh đã bày tỏ sự quan ngại về nguy cơ nô dịch văn hóa
Trung Quốc.
RFI : Xin chào ông Nguyễn Văn Mỹ. Thưa ông, vừa qua liên tiếp có những vụ sách dành cho trẻ em Việt Nam lại in cờ Trung Quốc, hàng bán trong siêu thị dán cờ Trung Quốc, ông nghĩ thế nào về hiện tượng này ?
Ông Nguyễn Văn Mỹ :
Dư luận trong nước hết sức bức xúc và bất bình trước những hiện tượng
đặt ra rất nhiều vấn đề mà người dân có thể suy diễn. Liên tiếp những
cuốn sách của nhiều nhà xuất bản bị phát hiện – còn những cuốn chưa bị
phát hiện thì mình chưa biết được, bởi vì tôi thấy cứ vài ngày lại có
thêm những thông tin mới – lãnh vực đó lâu nay chúng ta chưa quan tâm. Ở
đây vai trò quản lý nhà nước cực kỳ kém, chủ yếu là nhờ người dân và
báo chí
phát hiện.
Việc cờ Trung
Quốc xuất hiện trên sách, từ sách tham khảo, sách tập đọc và gần đây gần
như là sách giáo khoa – sách đọc tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục,
lại quên Hoàng Sa, Trường Sa. Hàng loạt sai sót liên tiếp diễn ra, người
dân có thể đặt câu hỏi, đây không phải là ngẫu nhiên. Bởi vì thứ nhất
là nếu nhầm lẫn thì tại sao lại không nhầm lẫn với nước khác trên thế
giới ? Liên Hiệp Quốc có 193 nước, tại sao mình cứ toàn nhầm lẫn với
Trung Quốc không là sao ?
Cái bất bình,
thậm chí là phẫn nộ thứ hai, là sự giải thích vòng vo, loanh quanh, đổ
lỗi, không nhận trách nhiệm của những người có trách nhiệm. Ví dụ như là
sách Phát triển trí thông minh
cho trẻ của Nhà xuất bản Dân Trí, đây là sách tham khảo. Hoặc là sách Bé làm quen với chữ cáicủa
Nhà xuất bản Sư Phạm, ở mục đánh vần chữ C và cổng trường em, thì đều
có cờ Trung Quốc. Người ta giải thích rằng cái này là vì
mua bản quyền của Trung Quốc. Dư luận người ta đặt vấn đề là chả lẽ một
cuốn sách tham khảo cho trẻ con chưa vô lớp 1 mà 10.000 giáo sư tiến sĩ
Việt Nam không viết được, lại phải mua hàng Trung Quốc, mà hàng này là «
hàng dạt ». Giáo dục Trung Quốc chưa bao giờ được xem là nền giáo dục
tiên tiến cả.
Sách tham khảo
đơn giản như vậy mà lại không thể biên soạn được, phải nhập. Và cách
giải thích hết sức vô trách nhiệm của những người lãnh đạo, ví dụ như bà
Bùi Thị Hương, giám đốc Nhà xuất bản Dân Trí cho rằng sách này mua bản
quyền của nước ngoài, theo chương trình Trung Quốc nên sách vẽ trường
Trung Quốc thì phải để cờ Trung Quốc. Nhưng khi báo chí chất vấn, như
vậy tại sao giới thiệu đây là sách biên soạn theo chương trình của Bộ
Giáo dục Đào tạo, thì bà Hương im lặng không trả lời. Bà ấy còn biện
minh rằng việc treo cờ Trung Quốc chẳng có gì quan trọng, bình thường
thôi, nếu thay cờ Việt Nam là vi phạm hợp đồng.
Tôi cho rằng
thái độ như vậy là hết sức thiếu trách nhiệm. Nếu còn những con người,
còn kiểu suy nghĩ của những người lãnh đạo như bà Hương, thì những
chuyện như cờ Trung Quốc còn xuất hiện dài dài. Cái nữa là trách nhiệm
giải quyết của những người cấp trên bà Hương. Họ cũng trả lời rất là
loanh quanh. Thậm chí sách in sai thì Phó giáo sư tiến sĩ Đinh Ngọc Bảo
cho rằng sách lỗi là chuyện bình thường, và Nhà xuất bản Đại học Sư phạm
cho phép 100
trang thì được sai dưới 5 lỗi.
Có cái nước nào
mà cho phép
như vậy không ? Có nhà xuất bản nào mà kỳ quái như vậy không ? Đã xuất
bản, mà lại sư phạm thì không được phép lỗi. Lỗi là chuyện bất khả kháng
thôi. Ông Bảo, Tổng biên tập Nhà xuất bản Sư Phạm còn phân trần rằng cô
Thu Hà là giáo viên lâu năm, có kinh nghiệm viết sách, cô chỉ viết phần
nội dung thôi còn minh họa thì nhờ bạn lấy từ trên mạng. Lòi ra một cái
việc bậy bạ nữa, tức là nội dung thì viết tào lao, minh họa thì ăn cắp
hình từ trên mạng. Viết sách sư phạm mà như đi mua rau ! Nhờ cái chuyện
lộn xộn đó mình mới biết được cái quy trình làm
sách của Nhà xuất bản Sư Phạm và của ngành giáo dục hiện nay quá sức là
tệ hại.
Ngoài ra gần đây lại có thêm một số cuốn sách khác, đặc biệt là sách của Nhà xuất bản Mỹ Thuật về Trắc nghiệm trí tuệ toàn diện cho trẻ, và Mười phút cho bé trước khi đi ngủ, lại có cờ Trung Quốc tiếp. Và cách đây mấy bữa, có sách dạy Tiếng Hoa cho thiếu nhi (Việt
Nam), không chỉ có cờ Trung Quốc mà còn có thủ đô Bắc Kinh và đường
lưỡi bò 9 đoạn bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa và phần lớn Biển Đông,
cùng toàn bộ thông tin về Trung Quốc.
Còn sách của Nhà xuất bản Giáo Dục, sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 thì
gần như không có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông Ngô Trần Ái là
giám đốc nhà xuất bản thanh minh là bản đồ quá nhỏ nên không thể hiện,
hơn nữa đây là sách học tiếng Việt chứ không phải là sách Địa lý. Chả lẽ
là sách Địa lý mới chính xác, còn các sách học khác thì cứ thoải mái,
tha hồ ?
RFI : Theo ông thì liệu đây có phải là một sự tình cờ hay không ?
Tôi cho rằng có
thể những người làm sách, từ biên tập cho tới tổng biên tập họ ấu trĩ,
họ đơn giản, nhưng mà dứt khoát người Trung Quốc thì họ không có đơn
giản đâu. Người Trung Quốc có ý đồ rất rõ, họ tính toán cả một kế hoạch
chi li, dài hơi và từng bước đi cụ thể. Không chỉ xâm lược về hàng hóa,
mà họ sẽ xâm lược về văn hóa. Tại vì văn hóa mới là gốc, còn hàng hóa có
thể tẩy chay được, và từ những việc rất nhỏ.
Dư luận có
quyền đặt vấn đề, tại sao những người mang trách nhiệm đầy mình, cũng
toàn là giáo sư tiến sĩ, học hàm học vị như thế, lại trả lời hết sức là
vô trách nhiệm, lại để những chuyện hết sức tế nhị len vào trong giáo
dục. Đặc biệt là người ta rất quan tâm tới giáo dục cho trẻ con, bởi vì
trẻ con như tờ giấy trắng, mình viết chữ gì lên là nó in chữ đó.
Cho nên là cái
nguy hiểm chúng ta chưa lường hết được, và thật ra theo ý kiến riêng của
cá nhân tôi thì có khi cũng cần một cuộc hội thảo để mổ xẻ, tìm cho ra
biện pháp mà sửa sai. Chứ nếu chúng ta cứ chấp nhận cái này thì chỉ là
dung dưỡng cái xấu, bao che cho cái sai, dẫn đến hậu quả khôn lường là
từ việc lệ thuộc về văn hóa thì chúng ta sẽ lệ thuộc về nhiều thứ khác.
Dư luận xã hội
và người dân có quyền đặt nghi vấn, đằng sau những sai sót này là gì ?
Giống như tại sao hầu hết những công trình xây dựng, đấu thầu hiện nay
trong rất nhiều lãnh vực, người Trung Quốc đều giành được. Phải chăng là
vì Trung Quốc bán giá rẻ hơn, và họ lót tay rất lớn, cho nên họ mua
chuộc được cán bộ của mình ? Một, hai việc thì còn nói là sơ suất, nhưng
mà nó liên tiếp xảy ra cả một hệ thống như thế, nếu không có những biện
pháp quyết liệt và xử lý nghiêm minh, thì tôi nghĩ rằng cái xấu sẽ lan
tràn như là sinh sản vô tính, và nó cực kỳ nguy hiểm.
Hàng loạt
chuyện, kể cả việc trước đó VTV1 đưa hình cờ Trung Quốc có thêm một ngôi
sao – nhầm lẫn đó ít nhất cần một lời xin lỗi, thì VTV1 chỉ gỡ cái cờ
đó xuống và không thèm nói năng gì. Hoặc là chuyện dán cờ Trung Quốc ở
trong siêu thị, tôi nghĩ rằng dư luận có quyền đặt câu hỏi là những sự
nhầm lẫn vô tình này đều được chuẩn bị trước bởi một thế lực ngấm ngầm
không biết ở đâu. Còn sự cố treo backdrop có tượng Phật ở Tứ Xuyên – Đại
Phật Lạc Sơn – đi hội chợ mà không quảng cáo cho mình, lại quảng cáo
cho nước khác là sao ? Mà
thiếu gì nước, lại quảng cáo cho nước Trung Quốc ?
Tôi rất bức xúc
và cho rằng những người chịu trách nhiệm, họ có vấn đề về cả khả năng
và phẩm chất. Sai sót về giao thông có thể gây ra tai nạn, bị thương
nhưng mà có thể lành. Còn văn hóa mà sai sót thì không chỉ ảnh hưởng tới
một người, mà cả một đất nước sẽ bị ảnh hưởng. Cả một nền văn hóa sẽ bị
tổn thương, và cái đó rất khó chữa trị, nó còn nguy hiểm hơn cả ung
thư.
RFI : Ông có nói đến một cuốn sách dạy tiếng Hoa cho thiếu nhi nhưng lại có đường lưỡi bò, và Hoàng Sa Trường Sa thuộc về Trung Quốc. Cuốn sách này đã được xử lý như thế nào ?
Cuốn sách đó là sách Tiếng Hoa dành cho thiếu nhi –
thiếu nhi đây là thiếu nhi Việt Nam gốc Hoa, như vậy thì tổ quốc của họ
là Việt Nam mặc dù gốc của họ từ Trung Quốc. Đặc biệt nguy hiểm là
trong cuốn sách đó có đường lưỡi bò 9 đoạn bao gồm Hoàng Sa, Trường Sa
của Việt Nam và phần lớn Biển Đông. Sách của công ty cổ phần văn hóa
Nhân Văn, Nhà xuất bản Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh tái bản.
Sách này in từ
năm 2008 nhưng mà không ai biết cả, tới lúc cả thế giới người ta lên án
đường lưỡi bò, báo chí đăng lên, phụ huynh đọc mới té ngửa ra, mà trả
lời thì loanh quanh lít quít. Tôi nghĩ
rằng trách nhiệm trước hết thuộc về những người quản lý. Nếu họ có một
chút lòng tự trọng thì nên từ chức.
Tôi cũng không
hiểu được tại sao chúng ta xử lý rất là đơn giản, không thể hiểu được :
thu hồi sách rồi sửa lại. Những cuốn sách này chỉ có tịch thu, xử lý
biên tập, xử lý nhà xuất bản một cách đích đáng thì may ra mới răn đe,
may ra mới chặn đứng được cái xấu lâu nay đang núp bóng dưới nhiều hình
thức văn hóa để xâm lấn Việt Nam, để làm hại cả một thế hệ trẻ như vậy.
Những chuyện tày trời như thế mà chưa thấy một đơn vị nào chịu trách
nhiệm, chưa thấy một cán bộ nào bị liên đới kỷ luật về chuyện này.
RFI : Tình trạng hàng Trung Quốc tràn ngập Việt Nam mà hầu hết là hàng giả, hàng kém chất lượng thì nhiều người cũng nhìn thấy rồi. Nhưng những nguy cơ khác như sách học, sách tham khảo, phim ảnh, sách dịch Trung Quốc rất nhiều mà không chọn lọc…thì liệu dần dần sẽ có tình trạng nô dịch văn hóa không ?
Cái nguy cơ đó
là có thật, và nó đã biểu hiện ở một số phát ngôn của các nhà quản lý
rồi. Thí dụ những nhà quản lý có trách nhiệm, có bằng cấp đàng hoàng mà
cho rằng chuyện đó là bình thường, chẳng có gì quan trọng cả, trong khi
dư luận người ta cho rằng sự việc đối với trẻ con là sự việc lớn, chuyện
tày đình. Thì ít
nhất là từ vô thức những người này đã tiêm nhiễm nô dịch văn hóa của
nước ngoài, mà trước hết là của người Trung Quốc.
Từ chuyện nho
nhỏ như lá cờ, bức tranh hay cái bản đồ, không khéo rồi mấy chục năm nữa
trên đất nước Việt Nam sẽ toàn « người lạ ». Tức là xác Việt Nam nhưng
mà hồn Trung Quốc, bởi vì xem phim Tàu, đọc sách Tàu, xài hàng Tàu.
Cho nên nguy cơ
nô dịch về văn hóa là có thật, và nó đã diễn ra từ lâu rồi. Bây giờ
từng bước nó đang bộc lộ với nhiều góc độ khác nhau. Ban đầu là lá cờ
thôi, rồi từ từ lá cờ nhỏ bên trong cuốn sách nó sẽ ra ngoài bìa, lấn ra
ngoài cuộc sống…
Cái nguy hiểm
là ở chỗ, nếu đây là sự xâm lược về quân sự, thì chúng ta sẽ đáp trả
ngay, phản ứng ngay. Nhưng sự xâm lược về văn hóa dưới nhiều hình thức
tinh vi, bằng nhiều biện pháp tổng hợp như vậy, thì rất là khó chống đỡ.
Thậm chí người bị xâm lược không biết là mình đang bị nô dịch, thì cực
kỳ nguy hiểm !
RFI : Xin chân thành cảm ơn ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty dã ngoại Lửa Việt tại Thành phố Hồ Chí Minh, đã vui lòng nhận trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.