Phương Bích
Thứ 3, mồng
2/4 mới xử vụ án nhà họ Đoàn ở Tiên Lãng, nhưng từ thứ 6 tuần trước đó, công an
khu vực đã vào nhà. Tôi đang nấu cơm nên anh ấy không vào, cứ đứng nói chuyện
qua cửa sổ bếp.
Sau câu rào
trước đón sau, bày tỏ về sự ủng hộ Đoàn Văn Vươn khiến tôi bất ngờ, đương nhiên
là anh ta hỏi tôi có đi Hải Phòng xem xử án không? Chừng như cũng ngượng ngịu
vì việc tôi đi Hải Phòng hay không chả liên quan gì đến phường tôi đang ở mà
hỏi, anh ấy bẽn lẽn cười, bảo biết tôi hay quan tâm viết bài bênh vực nông dân,
như với bà con bên Văn Giang chẳng hạn nên mới hỏi thế. Anh ấy bảo thôi thì
người địa phương nào thì cứ để địa phương ấy lo, rằng ở đó đông người rồi, ý
bảo tôi nên ở nhà. Tôi mới chớp mắt, chưa kịp lên tiếng “ơ hay” thì chắc anh ấy
cũng đoán được tôi định nói gì – hiểu nhau quá mà – nên gục gặc cái đầu bảo
ngay, rằng đi hay không là quyền của chị, rằng là tôi cũng hỏi vậy thôi, chứ
biết chị thể nào cũng đi.
Tưởng thế là
xong, tối thứ bẩy, tổ trưởng dân phố gõ cửa, ra mở cửa thì lại thấy công an
đứng đằng sau. Bực lắm nhưng vẫn cố không cáu gắt, vì tôi ghét cứ phải nhiều
lời lắm. Lại gì nữa đây?
Đứng nói
chuyện ngay ở cửa. Chả có gì khác, chỉ là ở dưới ấy đông lắm… không nói toạc
được ra thì là làm sao nên cứ loanh quanh mãi. Tôi bảo tôi muốn mắt thấy tai
nghe người dân Hải Phòng nói gì, nghĩ gì, chứ không muốn nghe qua người khác kể
lại. Rằng chẳng phải vì tôi đàn bà chậm chạp, yếu ớt mà tôi vốn chủ trương bất
bạo động, nên sẽ không có màn giằng co hay đấu võ mồm đâu. Anh công an bật cười
nhìn tôi bảo:
- Chị thì sức mấy mà giằng co được?
- Đấy nhé, chính anh cũng thấy thế nhé. Vậy mà
anh biết không? Tôi đang đứng chụp ảnh công an lao vào bắt người đi bộ trên Bờ
Hồ, gây ra cảnh hết sức lộn xộn thì họ ra chộp lấy tay tôi, đưa tôi về Lộc Hà
và vu khống tôi gây rối trật tự công cộng, rồi bắt các anh giáo dục tôi. Nhưng
tôi nói thật, lần này mà các anh chặn tôi là tôi không để yên đâu đấy.
Thấy có vẻ
lại sa đà vào việc bị “tố” lại, anh công an lảng ngay sang chuyện khác rồi cáo
từ. Tổ trưởng dân phố chỉ đứng cười ruồi, từ đầu đến cuối đóng vai người làm
chứng.
Lên
facebook, thấy một số người bá cáo chuyện bị canh me dữ lắm, tôi nghĩ đau cả
đầu về việc đi Hải Phòng như thế nào cho trót lọt, liệu có bị cản trở như trước
đây không? Thái độ của công an phường chả ra quyết liệt, cũng chả ra không quan
tâm. Nhưng mấy người quen ở Hải Phòng thì bảo, các bến xe đầy mật vụ (tên mới
chỉ lực lượng an ninh). Các khách sạn và nhà nghỉ dường như đều được viếng thăm
với những lời dặn dò?
Tôi cho là xử
gọi là có thôi, chứ hẳn án đã “bỏ túi” sẵn rồi. Vì vậy tôi dự tính sáng đi tối
về, đến tận nơi mục sở thị xem công an Hải Phòng làm ăn có khác công an Hà Nội
không. Đi lại giữa Hà Nội và Hải Phòng giờ cũng tiện, không khó khăn lắm. Cái
tôi sợ là mấy kẻ giả danh côn đồ, lợi dụng đàn bà chân yếu tay mềm giựt đồ
thôi.
Tối chủ
nhật, Xuân Diện hỏi: chị có đi sớm hơn được không? Nếu đi được thì trưa mai đi
cùng bọn em. Tôi không nghĩ nhiều, trả lời luôn: Được!
Sáng hôm
sau, tôi chỉ báo cho bố trước khi đi 2 tiếng đồng hồ. Chỉ là đi sớm hơn thôi,
chứ việc tôi đi Hải Phòng làm gì, cụ đã biết và đồng tình. Tôi bảo tôi đi sớm
để tránh việc họ lại vào thuyết phục- mệt lắm! Thuốc men của cụ tôi đã gói vào
từng gói nhỏ, dặn dò bố kỹ càng rồi 9 rưỡi sáng ra khỏi nhà. Ba lô túi xách cho
tuốt vào một cái túi nilon, cho giống người đi chợ.
Mấy chị em
tôi bắt taxi xuống bến xe Lương Yên, rồi mua vé xe khách đi Hải Phòng. Xe lăn
bánh rồi, tôi mới gọi điện cho các anh chị, nhờ trông nom bố hộ tôi 2 ngày.
Ngồi trên xe, cảm thấy hơi bâng khuâng. Từ thuở bé, chả bao giờ phải trốn chui
trốn nhủi, đi đâu cũng rình rang, chuẩn bị kỹ càng, tâm hồn phơi phới. Giờ thì
lén lún ra khỏi nhà mình như một tên trộm, đất nước tự do kiểu gì mà quái đản!
Chúng tôi
không chờ đến bến cuối mà xuống dọc đường, gọi điện cho người quen đến chở vào
thành phố, ở nhờ nhà của một cựu chiến binh. Chủ nhà rất nhiệt tình, bố trí
phòng ốc nghiêm chỉnh, nhưng hầu như cả đêm ngày 1/4, mấy chị em tôi không ngủ.
Mỗi người ôm một máy, theo dõi hành trình của từng bạn bè trên facebook.
- 7 giờ tối, Sông Quê rời khỏi nhà.
- 9 giờ tối, blogger JB Nguyễn Hữu Vinh ra
khỏi nhà.
- Gần nưả đêm, Trương Ba Không và Chí Đức
cũng đã có mặt ở Hải Phòng. Chưa tìm được chỗ ngủ nên đến trước cửa trại giam anh
em Đoàn Văn Vươn chụp ảnh, định hô to “Đoàn Văn Vươn vô tội”, để công an bắt
vào đồn, kiếm chỗ ngủ qua đêm luôn thể.
- 3 giờ sáng, bà con Văn Giang, Dương Nội đã
lên đường.
- Hơn 4 giờ sáng, blogger Nguyễn Tường Thụy lên
đường. (trước đó ông thông báo, có 4 mật vụ lập chốt canh cạnh nhà. Chắc lúc
này họ đang la cà đâu đó)
Chúng tôi hóng
tin, lo lắng dõi theo hành trình của những người đang lặn lội trên đường. 4 giờ
sáng, tôi mệt quá, lăn ra giường. Gần 6 giờ sáng, Xuân Diện kêu: bà con bị chặn
ở Quán Toan rồi, cách những gần 20 cây số nên không đi bộ vào được.
Choàng tỉnh.
Bàn phím của Xuân Diện kêu như mưa rào. Trong ban mai nhợt nhạt của đất cảng,
thân hình to lớn như con gấu của hắn vẫn miệt mài đổ bóng lên màn hình sáng
xanh của chiếc laptop...(lúc trước, tôi bắt hắn bật đèn bàn, tắt đèn neon đi vì
sợ thiên hạ để ý)
Hơn 7 giờ, bà
chủ nhà cho lũ trẻ đi học về, bảo công an đứng đầy đường, chặn lối qua tòa án
rồi. Tôi nhờ cô ấy dẫn ra đó. Vì chỉ thám thính xem binh tình thế nào, nên tôi mang
theo có mỗi chiếc điện thoại rởm, phòng khi bị trấn lột cũng ko tiếc lắm
Từ xa đã
thấy lố nhố màu áo đặc trưng của công an, mỗi tốp ít nhất cũng 6 người, chăm
chú theo dõi mọi cử chỉ của mọi người qua lại. Đường Lê Hồng Phong có tới 4 làn
đường. Hai làn giáp phía tòa án được đặt các hàng rào sắt cấm qua lại, chỉ để dân
tình đi qua 2 làn bên kia. Tôi và bà chủ nhà có lẽ là hai khách bộ hành duy
nhất, túc tắc đi bộ trên phần đường chật hẹp còn lại của vỉa hè, vì từ hàng cây
trở về phía trong của vỉa hè đã bị căng dây suốt đoạn đi qua tòa án. Khi tôi
dừng lại, giả như không biết gì để hỏi mấy người mặc thường phục đứng bên
đường, hoặc là họ lắc đầu, hoặc là liếc nhìn đầy nghi kỵ chiếc điện thoại tôi
đang cầm trên tay. Bà chủ nhà bảo, họ nhận ra giọng chị không phải là dân địa
phương nên không trả lời đấy.
Đoạn đường đối diên với tòa án thành phố Hải Phòng - sáng ngày 2/4/2013. (chụp bằng điện thoại) |
Chưa đến giờ xử. Đường phố vẫn chỉ có người đi làm, ai cũng ngơ ngác khi bị chặn đường. Tôi và bà chủ quay về theo lối khác. Mặc dù tôi không muốn ăn sáng, nhưng bà chủ nhất định kéo tôi vào quán bánh đa cua, bảo xuống đến Hải Phòng không thể không thử món này.
Trong quán
người ta đang nhắc đến chuyện nhà Vươn. Chuyện ngăn sông cấm chợ, ít nhiều cũng
khiến người ta tò mò về nguyên nhân.
Một bà to béo, có tuổi
nhưng vẫn son phấn đậm đà, vừa ăn vừa phán:
- Cả hai bên cùng sai!
- Sai thế nào? Ép người ta quá đáng thì người
ta cũng phải liều mạng chứ.
- Chống lại chính quyền là sai rồi.
- Thế chính quyền sai thì sao?
Bà to béo im. Chủ quán
vừa xóc xóc bánh đa trần, vừa bảo:
- Nhà Vươn nó cứu bao nhiêu người đấy. Nó mà
không chống lại thì giờ còn ối người chết.
Những câu
chuyện loanh quanh việc bảo xử công khai mà lại cấm đường, không cả bắc loa ra
ngoài cho người ta nghe, chuyện nhà Vươn bỏ ra bao nhiêu công sức mà giờ bị
cướp mất trắng, chuyện này ai chả biết.
Về đến nhà,
bà chủ quay ra chuẩn bị cho làm cơm trưa, bảo đừng có ra ngoài ăn mà tốn kém,
lại không hợp khẩu vị. Tôi bỏ máy ảnh vào túi khoác, một mình đi bộ trở ra khu
vực đó.
Từ xa đã
thấy góc bên kia bùng binh có khá đông người. Lúc này, phần lớn bà con Văn
Giang và Dương Nội đã phải quay trở về. Tôi cố liên lạc qua điện thoại với mấy
người bạn mà không được vì bị phá sóng. Đứng bên này quan sát, tôi bắt chuyện
với 2 người đàn ông trông vẻ lam lũ đứng cạnh đó. Hóa ra họ là những người làm
thuê cho Đoàn Văn Vươn ngay từ đầu, cũng đến đây để xem xử án, thế mà lại ngăn
cấm thế này thì xem thế nào được?
Họ khen Vươn
đẹp trai, hiền lành, lại có học (kỹ sư nông nghiệp chính quy đấy). Họ nói ban
đầu vất lắm, cứ đắp lên sóng nó lại vỗ vào, cuốn đi hết. Những chuyện này tôi
đã nghe kể trên báo cả rồi, nhưng nghe chính miệng người dân nói thì chưa. Đang
chuyện trò, một bác đi tới, chưa kịp nói gì thì mấy người đi xe máy cũng dừng
lại, hỏi với vào:
- Hôm nay có vụ gì thế các bác?
- À, hôm nay xử anh hùng Vươn đấy.
Người mới đến trả lời
vậy. Tôi khoái quá, nắm lấy cánh tay bác ấy:
- Cậu ấy là anh hùng hả bác?
- Chứ sao, nó cứu bao nhiêu người đấy.
Câu này nghe
quen quen. Bác làm thuê cho Đoàn Văn Vươn bảo, nếu nhà Vươn cứ để yên cho chính
quyền nó cướp, thì vợ chồng con cái dắt nhau lên cầu Khuể mà nhảy xuống tự tử
cho rồi. Đằng nào mà chả chết, vì nợ ngân hàng nhiều thế, không có đất làm ăn
thì lấy đâu ra để trả nợ?
Thấy có đông
người, xung quanh lại chả có bóng áo xanh nào vì góc này khá xa, tôi mạnh dạn lôi
máy ảnh ra, mở zoom hết cỡ để lấy hình đám đông tít bên kia bùng binh. Nói
thật, nghe đồn sẽ có lực lượng giả danh côn đồ để tấn công những ai dám chụp
ảnh về phiên tòa, mà tôi thì có một mình, lạ nước lạ cái, nên cứ đề phòng vẫn
hơn. Bấm được vài kiểu, chợt thấy hai thanh niên đến đứng hơi gần, tôi cất ngay
máy ảnh vào túi rồi đi bộ về nơi nghỉ. Để máy ảnh ở nhà cho an toàn, đi bộ từ
sáng mệt, nên tôi mượn xe đạp điện của chủ nhà, chạy ngang qua đoạn ở tòa án để
đến nhập vào đám đông. Khá bất tiện khi đám đông lại đứng bên trong hàng rào
bằng dây thừng, chăng sát đường. Có thể nhân thấy công an và những người mặt
mũi lạnh tanh đứng ngay phía sau dây thừng, còn bà con ta lại dồn cục vào phía
trong vỉa hè. Tôi vừa dừng lại để gọi mấy người quen thì công an lập tức đến yêu
cầu tôi không được đứng đó. Lúc này cái xe lại trở thành chướng ngại vật. Tôi
vòng qua vòng lại 2 lượt, vẫn chưa tìm thấy người tôi định tìm nên đành quay về
cất xe. Về đến nhà thì nghe tin ngoài đó có mấy người bị bắt rồi, tan hết rồi.
Lúc này đã
gần trưa, chị Sông Quê được một người quen chở đến. Ông ấy cứ bảo tôi ngồi
xuống nói chuyện. Biết ông ấy từng làm ở Ủy ban nhân dân thành phố, tôi hỏi ông
ấy nghĩ gì về vụ Đoàn Văn Vươn. Ông ấy bảo, nói thật là chúng tôi đều nghĩ Vươn
là người tốt, rất tốt, nhưng cái sai của Vươn là chống lại bằng vũ khí. Giá như
Vươn cứ chấp hành, rồi tiếp tục khiếu nại thì hơn. Còn việc chính quyền Tiên
Lãng làm sai thì đã bị xử lý cả loạt rồi.
Tôi hết sức
kiên nhẫn nghe ông ta nói xong rồi mới phản công, rằng thứ nhất, cách đây hơn
một năm, báo chí đã loan tải kết luận chính thức của thủ tướng chính phủ, đây
là một vụ cưỡng chế hoàn toàn trái pháp luật, yêu cầu phải điều tra lại và xử
lý nghiêm minh. Thứ hai, đã là cưỡng chế sai thì việc chống lại cái sai chính
là cái đúng. Thứ ba, việc bắt và khởi tố ông Khanh là kiểu chữa bệnh không chữa
tận gốc. Chính ông Khanh là người phản đối cưỡng chế. Việc ông ấy nhận chân trưởng
ban cưỡng chế vì ông ấy giống như một người lính, chỉ làm theo lệnh trên. Thay
vì truy trách nhiệm kẻ ra lệnh cưỡng chế, thì chính quyền lại sẵn sang thí ông
Khanh làm con tốt. Thứ tư, ông bảo nhà Vươn cứ chấp hành cưỡng chế đi, rồi kiếu
nại sau, như vậy ông thực không biết tý gì về tình trạng của người dân, ròng rã
đi khiếu kiện hàng mấy chục năm trời mà đâu được giải quyết?
Quên không
giới thiệu một người khách, là bạn của chủ nhà, cũng là dân Tiên Lãng. Khi tôi
hỏi, sao không thấy dân Tiên Lãng hiệp thông ủng hộ nhà Vươn? Anh ta nói: bị
chặn hết ở cầu Khuể rồi. Tôi đi từ hôm trước nên giờ mới đươc ngồi đây, nghỉ việc
để đi xem xử Vươn mà rốt cục có được vào đâu. Nói về Đoàn Văn Vươn thì dân Tiên
Lãng mang ơn nhiều. Gia đình tôi cũng khai hoang như nhà Vươn, nhưng xã chỉ
giao 2 năm. Gần đến hạn thì xã lại gọi lên làm luật, không thì bảo sẽ thu hồi
để giao cho người khác. 2 năm thì làm được cái gì? Sau vụ Vươn, xã không dám
hành dân như trước nữa.
Đang nói
chuyện, Xuân Diện chạy xuống thông báo phiên tòa tạm nghỉ, vợ chồng nhà Vươn,
Quý đã được ôm nhau trong nước mắt. Mới kể đến đó, Xuân Diên bỗng hu hu rồi
chạy lên gác. Tôi nghe nói vợ chồng họ khóc khi đuợc gặp nhau thì nước mắt cũng
trào ra, thấy Xuân Diện hu hu lại tưởng hắn đùa, nghĩ hắn đùa thật vô duyên thì
chị Sông Quê đi xuống, bảo Xuân Diện đang gục đầu vào tường khóc nức nở, nên
không dám dỗ nữa, thế là tôi lại càng nước mắt ngắn nước mắt dài.
Sau này chị
Sông Quê kể, lúc tôi vào bếp phụ bà chủ dọn cơm, ông bạn chị ấy hỏi tên tôi rồi
bảo: nói như cô Bích thì không thể tranh luận được. Hóa ra ông ta cũng chỉ
thích người khác nghe ông ta nói, còn chả thích nghe ai nói cả. Nghe để đấy,
không bày tỏ chính kiến thì nghe làm gì cho phí thời gian, khác gì robot? Sao
không dùng lý để chứng minh, mà lại phát biểu theo cảm tính là thích hay không
thích thế nhỉ?
Chuẩn bị ăn
cơm trưa thì liên lạc được với blogger Nguyễn Tường Thụy. Ông khách người Tiên
Lãng xung phong nhận chân đi đón. Lát sau thấy lão chiến sĩ già, đồ đạc đeo
lỉnh kỉnh khắp người bước vào, tóc tai bơ phờ. Bên mâm cơm, câu chuyện về họ
Đoàn lại như pháo rang. Ăn trưa xong, tất cả chúng tôi chui vào một phòng. Tôi
và chị Sông Quê không muốn sang phòng khác, bèn mượn cái chiếu rải xuống đất,
định bụng là vừa nằm vừa nói chuyện. Ai dè đặt lưng xuống là tất cả chìm vào
giâc ngủ, quên cả cái sàn nhà cứng và lạnh.
Giấc ngủ
ngắn nhưng rất sâu, tưởng như chưa bao giờ đươc ngủ ngon như thế. Xuân Diện vẫn
là người đánh thức chúng tôi dậy bằng những thông báo mới nhất trên mạng. Tôi
và chị Sông Quê rủ nhau ra khu vưc tòa án. Không còn bóng một người dân nào
quanh đó. Khi hai chị em vừa mới đi vào vỉa hè, bên làn đường các phương tiện
xe cộ vẫn đang lưu thông, lập tức công an bu lại, yêu cầu chúng tôi quay trở
ra. Qua thái độ của họ, tôi nghĩ có khi chỉ cần hỏi thêm một câu, họ sẽ lâp tức
đưa chúng tôi về đồn ngay tức khắc mà chả cần lý do gì.
Chúng tôi
loanh quanh một lúc thì cũng đã gần hết giờ chiều. Liên lạc được với Thương và
Hiền. Hóa ra phiên tòa đã nghỉ, hai chị em họ đã về đến cầu Rào. Chúng tôi bảo
hai chị em dừng lại, chờ chúng tôi đến gặp, nhưng họ nói an ninh đang theo họ
rất đông. Chiều nay tòa mới làm xong phần xét hỏi, mai mới tranh tụng.
Mấy anh chị
em chúng tôi cân nhắc tình huống, thực ra nếu chỉ để theo dõi kết quả phiên
tòa, chúng tôi có thể theo dõi qua mạng. Cái chính chúng tôi muốn quan sát phản
ứng của người dân và cách hành xử của chính quyền ra sao, trong một phiên tòa
đặc biệt quan trong như thế này. Rõ ràng, mọi động thái ngăn chặn từ cách xa
hàng chục cây số cho đến phạm vi 200 mét như thế này đã cho thấy, bất chấp dư
luận, họ không muốn cả một “con ruồi” đến gần họ. Họ sợ không chỉ công lý mà
còn sợ cả việc người ta thương yêu, chia sẻ động viên lẫn nhau trong cơn hoạn
nạn. Họ muốn những người họ Đoàn phải run sợ khi thây không có ai bên cạnh
chăng? Rốt cuộc ai mới là kẻ đang run sợ đây? Kẻ vô minh thì đâu biết dùng trí
nhân để thay cường bạo?
Chúng tôi
mừng khi biết những người trong gia đình họ Đoàn rất kiên cường. Tôi nghĩ ngay
cả tình huống xấu nhất là có bị kết án nhiều năm, lịch sử vẫn sẽ ghi nhận sự hy
sinh của họ một cách xứng đáng.
Chúng tôi
quyết định trở về Hà Nội ngay trong đêm mùng 2/4. Chúng tôi đến đây qua nhiều
ngả, nhưng khi trở về, chúng tôi lại cùng đồng hành trên một con đường, mơ về
một ngày thấy quê hương Tiên Lãng được chào đón những người con của họ Đoàn trở
về, tiếp tục sự nghiệp xây dựng còn đang dang dở của họ…
Hà Nội ngày
3/4/2013
* Một chi tiết cảm động nữa mà tôi thấy cần phải
nhắc đến, đó là sự có mặt của cụ giáo sư Ngô Đức Thọ. Mặc dù tuổi cao, cụ vẫn hăng
hái đi dự phiên tòa để ủng hộ gia đình họ Đoàn. Ngay cả khi chúng tôi bận bịu,
không lo chu tất phương tiện đi lại cho cụ, cụ vẫn vui vẻ một mình bắt xe khách
để về Hà Nội. Một bậc cao niên như cụ còn quan tâm đến xã hội như vậy, mới thấy nỗi vất vả của chúng tôi chẳng thấm
tháp vào đâu.
Nguồn: Chim Kiwwi.