Miến Điện và bán đảo Triều Tiện thu hút rất nhiều sự chú ý
hôm nay. Le Monde chưa hết ngạc nhiên trước việc nền tự do báo chí tiến
bước một cách ngoạn mục ở Miến Điện, và nói đến chính sách « Glasnost »
nhanh chóng đáng kinh ngạc của Miến Điện. Chỉ sau hai năm sau chính
quyền quân sự chính thức kết thúc, tự do báo chí đã trở nên một thực
tế, nhất là với sự kiện không mấy ai dám tin : Nhật báo tư nhân được
phát hành tại Miến Điện từ ngày 01/04/2013.
Từ nhà báo, công đoàn, đến cựu tù nhân chính trị đều tổng kết
khá tích cực về hai năm vừa qua, từ ngày chính quyền quân sự chuyển giao
quyền hành, ngày 30/03/2011. Và nếu một số người trong giới gọi là đối
trọng với quyền lực, trong một xã hội dân sự đang phát triển mạnh, vẫn
chỉ trích những thiếu sót của 'glasnost' Miến Điện, và bày tỏ nỗi lo
ngại đối với tương lai, nhưng trước mắt bài báo ghi nhận thái độ lạc
quan. Vì lần đầu tiên từ cuộc đảo chanh của Ne Win, năm 1962, người dân
Miến Điện có thể bày tỏ công khai nỗi bất bình của họ.
Một nhà báo, Myo Thanh, cho là ông không hề nghĩ là có một ngày sẽ được tự do như thế, ông cứ nghĩ là sẽ phải sống lưu vong suốt đời.
Theo bài báo người Miến Điện công nhận còn nhiều thiếu sót, nhưng ít ra họ được tự do đến 80%. Thiếu sót, ví dụ như trên nguyên tắc, họ được quyền biểu tình, nhưng giấy cho phép tổ chức biểu tình thì lại không được cấp. Hoặc còn những vấn đề cấm kỵ như vấn đề dân tộc thiểu số hay vai trò của quân đội.
Le Monde cũng nhắc lại rằng đối với giới quan sát, khi ông Thein Sein lên cầm quyền, hiếm người có thể tưởng tượng Miến Điện sẽ chuyển biến như hiện nay. Họ rất hoài nghi về việc thực hiện cải tổ, những người bi quan nhất e ngại đây chỉ là tô vẽ lại hình ảnh cho chế độ cũ, tô một lớp sơn bóng dân chủ cho chế độ quân sự.
Nhưng thực tế đã khác hẳn cho dù các bộ trưởng vẫn là cựu quân nhân, quân đội vẫn chiếm 25% ghế ở Quốc hội, và việc áp dụng cải cách ở hiện trường không được tốt.
Tuy nhiên bài báo cũng nêu bật mặt trái và nghịch lý của việc tự do mở rộng ở Miến Điện : nó cho phép thể hiện những mối hiềm khích sâu xa trong xã hội Miến Điện như mối hiềm khích giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo vừa qua. Đây là cánh cửa hé mở cho thái độ dân tộc chủ nghiã cực đoan Miến Điện rất đáng ngại cho tương lai.
Trước sự tự do mới mẻ này, Bruno Philip trích lời một nhà báo, cựu tù nhân chính trị, cho biết là ông rất ngạc nhiên trước sự thèm khát thông tin nơi giơí thanh niên, rất quan tâm đến việc phổ biến thông tin, nhưng ông cảnh báo là dân chủ có những quy tắc và không cho phép muốn nói gì thì nói.