Sáng sớm ngày 1 tháng 4 vừa qua, hầu hết các sạp báo ở Miến Điện đều đông người sắp hàng, ai cũng muốn mua cho được một vài tờ báo tư nhân đầu tay vừa mới được phép phát hành. Sạp vừa mới mở cửa thế mà chỉ trong vòng chưa đầy 20 phút là 4 tờ báo do tư nhân làm chủ bán sạch bách, trong khi những tờ báo quốc doanh nằm trơ trọi như cá ươn, chẳng ai động đến, trông thật tội nghiệp. Mua báo tất nhiên là để đọc, nhưng hôm đó người mua báo còn có thêm một mục đích khác là mua để kỷ niệm hay chào mừng ngày tư nhân được phép phát hành lại nhật báo sau đúng nửa thế kỷ bị chính quyền quân phiệt bắt phải đóng cửa. Mỗi tờ báo từ 20 đến 24 trang bán với giá 150 đồng Miến Điện (tương đưng chừng 15 xu mỹ).
Vào tháng 8 năm ngoái, chính quyền Miến Điện đã thông báo cho các tờ báo quốc doanh không cần phải nộp bài để nhà nước kiểm duyệt trước khi đem in. Đến tháng 12 chính quyền ông Thein Sein tiến thêm một bước nữa là cho phép tư nhân được ra nhật báo. Ngay sau quyết định này được ban hành đã có ngay 16 tờ báo tư đăng ký. Về mặt thủ tục thì chẳng có gì khó khăn, nhưng do thời gian chuẩn bị quá ngắn, chưa trang bị đầy đủ máy móc in ấn nên đầu tháng 4 vừa qua chỉ có 4 tờ nhật báo phát hành đúng theo dự định; 12 tờ báo tư nhân còn lại sẽ lần lượt trình làng. Ông Aung Soe, chủ bút tờ Voice Daily cho biết "Chúng tôi phải vắt giò lên cổ mà chạy nước rút, trong vòng 4 tháng phải chuẩn bị máy móc, phải tuyển nhiều ký giả có tay nghề cao, tuy mệt muốn bả hơi, nhưng rất phấn khởi vì sự tự do báo chí đang dần phục hồi trên đất nước chúng tôi." Cũng theo ông Aung Soe thì vì thời gian chuẩn bị quá ngắn nên những số báo phát hành đầu tiên chắc chắn sẽ phạm một số lỗi kỹ thuật, nhưng sẽ dần cải tiến mới mong đón nhận sự ủng hộ của độc giả. Ông Aung Soe nói tiếp rằng "....ngay dưới thời thuộc địa của Anh, người ta còn cho phép tư nhân ra báo thì không lý gì một nước gọi là đã dành lại được độc lập như Miến Điện lại cấm người dân ra báo. Rất may là chính quyền ông Thein Sein thấy rõ vấn đề là không thể mãi mãi cấm tư nhân ra báo khi muốn đất nước phát triển."
Kyemon là một trong những tờ báo quốc doanh lớn ở Miến Điện không bán được bao nhiêu tờ trong ngày 1 tháng 4 vừa qua đã nói với các ký giả nước ngoài rằng rất họ hoan nghênh chuyện chính quyền cho phép tư nhân ra báo, có cạnh tranh thì mới có tiến bộ. Báo Keymon sẽ tiếp tục không bán được thêm một tuần hay 10 ngày nữa vì mọi người đang hướng về báo tư nhân, sau thời gian đó sẽ trở lại bình thường và lúc đó tờ Kyemon tin tưởng sẽ không thua vì một số lý do sau đây: "Thứ nhất, chúng tôi có một đội ngũ ký giả dày dặn kinh nghiệm, nhưng trước đây vì phải viết bài theo đơn đặt hàng của nhà nước nên bài vở khô khan, nhiều lúc quá vô duyên và phi lý, càng đọc càng tức; nay thì được viết theo sự thật, không sợ bị kiểm duyệt nữa nên bài vở chắc chắn trung thực và hay. Thứ hai, chúng tôi có sẵn máy móc tối tân và đội ngũ in ấn có tay nghề cao nên trình bày bắt mắt độc giả; và thứ ba là chúng tôi đã có trong tay hệ thống phân phối khắp cả nước." Đầy đủ điều kiện như thế mà thua thì đóng cửa tòa báo cho rồi, phải không?
Cũng nên biết rằng chế độ quân phiệt Miến Điện trước đây cũng cho tư nhân ra báo, nhưng là báo tuần, báo tháng chuyên về thể thao, văn nghệ, điện ảnh. Báo nào động đến chuyện chính trị một chút là bị đóng cửa tức khắc, ngay cả báo quốc doanh trước khi lên khuông phải qua khâu kiểm duyệt rất gắt nên tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới sắp hạng quốc gia này đứng thứ 151/ 179 về bóp nghẹt truyền thông. Chế độ kiểm duyệt của CSVN cũng không khác Miến Điện, nhưng vì cấm tư nhân không được ra báo cho dù là báo đọc để giải trí nên bị sắp hạng 172/ 179. Nay Miến Điện đã có tự do báo chí nên thứ hạng này chắc chắn sẽ lên cao, còn Việt Nam chẳng có cải tiến nên vẫn dẫm chân tại chỗ, không tiến tức là lùi.