DienDanCTM
Ngày hôm nay 3-4-2013 phiên tòa xử gia đình nông dân Đoàn Văn
Vươn, những người vì bảo vệ tài sản đất đai bị cáo buộc tội "giết người và
chống người thi hành công vụ" đã bước sang ngày thứ hai cũng dưới sự giám
sát nghiêm ngặt của công an an ninh trong ngoài khu vực tòa án Hải Phòng. Từ
sáng sớm, toàn bộ khu vực đường Lê Hồng Phong quanh tòa án tiếp tục bị phong tỏa
và kiếm soát gắt gao nhằm ngăn chặn người dân đến theo dõi phiên tòa được
tuyên bố là ‘công khai’ này. Không ai có thể tiến lại gần khu vực xử án, và
hàng quán buôn bán xung quanh bị dẹp từ chiều hôm qua không được mở bán lại.
Trong khi đó, đồng bào trong và ngoài nước đã cùng hướng về
Hải Phòng theo dõi, chia sẻ sự quan tâm, cùng sự ngưỡng mộ đối với gia đình nông
dân Đoàn Văn Vươn đang được coi như là "Anh hùng lấn biển" kể từ sau
khi xảy ra sự chống đối với lực lượng cưỡng chế đất, cướp công lao của gia đình
nông dân này. Hãng tin AFP của Pháp đã
cho rằng ông Đoàn Văn Vươn "đã trở thành người anh hùng thật sự
trong lòng của quần chúng ở một quốc gia cộng sản mà các thưa kiện
đất đai đã trở nên rất nóng bỏng".
Theo AFP, ông Vươn buộc phải
chống lại lệnh cưỡng chế mà ông cho là phi pháp ngõ hầu thu hút sự
chú ý của các lãnh đạo tối cao của đất nước sau khi đã thưa kiện
nhiều lần nhưng không có kết quả, chứ ông "không có ý định làm
tổn thương ai". Hành động phản kháng này của gia đình ông Vươn,
vốn rất hiếm hoi ở Việt Nam, đã làm bùng nổ "một phong trào
rộng lớn trên cả nước ủng hộ gia đình ông Vươn".Anh Đoàn Văn Quý trước tòa hôm nay, 3-4-2013 |
Bắt đầu phiên tòa hôm nay là phần tiếp tục xét hỏi "bị
cáo" lẫn phía "bị hại" để
sang phần tranh tụng. Đặc biệt các câu hỏi được chú trọng xoáy mạnh để tìm
hiểu xem ai là người đã nổ súng trước, và theo lệnh từ đâu v.v... Vào buổi sáng, sau phần thẩm vấn và trả lời của
ông Đoàn Văn Quý (em trai của ông Vươn), bước sang phần thẩm vấn trả lời của
phía được coi là "bị hại". Hai bên không ai nhận đã nổ súng
trước trong vụ xảy ra này. Sang buổi chiều, trong khi luật sư chất vấn phía bị
hại, chủ tọa bất ngờ tuyên bố dừng phiên xử đột ngột.
Ls. Trần Đình Triển,
người có mặt trong phiên tòa để biện hộ cho thân chủ ông là chị Nguyễn Thị Thương
(vợ anh Đoàn Văn Vươn) và chị Phạm Thị Báo (vợ của anh Đoàn Văn Quý) đã có bài tường
trình trên facebook như sau: Hôm nay, vẫn tiếp tục giai đoạn thẩm vấn, buổi
sáng Tòa tiếp tục thẩm vấn với “cái gọi là người bị hại” và những người cũng có
thể tạm gọi là “người làm chứng”. Nội dung cơ bản chưa cần xác định theo cáo trạng
đúng hay sai về người bị hại và người làm chứng, nhưng nóng lên tại phiên tòa
chính là Hội đồng xét xử và Viện Kiểm sát hỏi theo hướng buộc tội hoặc mang
tính chất để buộc tội. Đến phần luật sư thẩm vấn thì đa số bị Chủ tọa phiên tòa
dùng quyền uy để cắt hoặc dừng câu hỏi của luật sư; tạo nên không khí căng thẳng
tại phiên tòa không đáng có.
Ls. Trần Đình Triển cùng các luật sư tham dư phiên tòa |
Điều đáng bàn nhất là lời khai của những người “bị hại” và của
"nhân chứng" là mâu thuẫn nhau, “ tát” vào miệng nhau ngay tại phiên
tòa với những nội dung chủ yếu là: Có trang bị vũ khí hay không? Có bắn trước
hay bắn sau? Vết đạn trên tường, áo giáp, mũ bảo vệ,… Việc thi hành có đúng
pháp luật hay không? Đi vào nhà người khác không được đồng tình của chủ nhà… khi
kíp nổ là sự cảnh báo nhằm ngăn chặn sự cưỡng chế và xâm phạm vào nhà ở trái
pháp luật của anh Đoàn Văn Qúy, nhưng lực lượng cưỡng chế vẫn tiếp tục xông vào
là như thế nào?...
Hội trường nóng lên khi luật sư Trần Đình Triển hỏi ông Lê
Văn Mải ( nguyên Trưởng công an, thủ trưởng cơ quan điều tra huyện Tiên Lãng)
thì ông Lê Văn Mải lấy lý do không đủ sức khỏe để trả lời, và từ chối trả lời
câu hỏi của luật sư Trần Đình Triển.
Trước tình cảnh đó, luật sư Triển đề nghị Hội đồng xét xử
(HĐXX) nếu ông Mải không trả lời luật sư thì luật sư có quyền đề nghị HĐXX xét
hỏi ông Mải về những câu hỏi mà luật sư nêu ra để buộc ông Mải phải trả lời. Sự
căng thẳng giữa luật sư và Chủ tọa phiên tòa đã diễn ra: Chủ tọa thì cho rằng
quyền của chủ tọa có quyền cắt hoặc dừng theo quyền của chủ tọa. LS Triển thì
cho rằng: “Chủ tọa có quyền nhưng phải trên cơ sở pháp luật được quy định trong
Bộ luật tố tụng hình sự và nghị quyết số 49 của Bộ chính trị về cải cách tư
pháp; đề nghị Hội đồng nếu ông Mải không đủ sức khỏe để trả lời luật sư thì tạm
dừng phiên tòa, khi nào ông Mải đủ sức khỏe để trả lời thì tiếp tục xét hỏi ông
Mải”.
Tình huống đó và cũng gần hết giờ làm việc buổi sáng nên Chủ
tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng phiên tòa buổi sáng, buổi chiều nếu ông Mải có
đủ sức khỏe thì LS Triển tiếp tục phỏng vấn.
Vào buổi chiều phiên tòa được khai mạc tiếp vào 14h. LS Triển
hỏi ông Mải: “ Với tư cách ông tham gia cấp Uỷ của Huyện, Trưởng công an kiêm
TThủ trưởng cơ quan điều tra của công an huyện Tiên Lãng thì ông có biết quyết
định hành chính của huyện Tiên Lãng đã bị khởi kiện và đã có bản án có hiệu lực
của tòa án thì việc thi hành cưỡng chế đó thuộc thẩm quyền của Cơ quan Thi hành
án, vậy mà cơ quan hành chính ( UBND Huyện) ra quyết định cưỡng chế là trái
pháp luật, với tư cách cơ quan tham mưu ông có ý kiến gì về việc này?”. Ông Mải
trả lời: “ Việc đúng sai là do UBND Huyện, chúng tôi là cơ quan chấp hành nên
ra lệnh thì chúng tôi làm”. Nhiều câu hỏi khác của LS Triển đưa ra như: Nhà anh Qúy không thuộc diện cưỡng chế, không
được phép của gia đình thì ai cho phép đoàn cưỡng chế xông vào nhà người ta ? Các
vết đạn trên tường nhà anh Quý do ai bắn? Tại sao khi kíp mìn nổ chưa gây hậu
quả gì mà ông lại chỉ đạo tiếp tục xông vào nhà anh Qúy để hậu quả xảy ra vụ án
này?,… Ông Mải đều trả lời: Tôi không trả lời luật sư, hoặc viện giải với những
lý do khác không thể chấp nhận được.
Buổi chiều mới chỉ tiến hành khoảng 30 phút chủ yếu dành cho
LS Triển hỏi ông Mải. Sau đó, chủ tọa phiên tòa tuyên bố tạm dừng phiên tòa tại
đây. Ngày mai 8h tòa tiếp tục làm việc. (Nguồn: FB Trần Đình Triển.)
Điều cần ghi nhận trong phiên tòa hôm nay, trong phần chất vấn
tất cả người phía "bị hại" đều từ chối đòi bồi thường thiệt hại
về vật chất cũng như tinh thần, cho dù mức độ thương tật có người mất đến 43% sức lao động.
Đặc biệt trong ngày hôm qua, trước tòa các "bị cáo"
đã phản cung và kêu oan. Đa số
các bị cáo đều tố cáo trong giai đoạn
điều tra bị đánh đập, bức
cung, mớm cung, dụ cung... Có nhiều trường hợp
đưa giấy trắng ép bị
cáo ký khống vào. Những chi tiết này đã được báo Tuổi Trẻ của nhà
nước loan trong một bản tin, nhưng liền bị gỡ xuống ngay sau đó. Một chi tiết
khác được Ls. Trần Đình Triển tiết lộ là trong phiên tòa ngày hôm qua, "cả
hội trường đã giật mình khi anh Đoàn Văn Vệ khai trong quá trình điều tra có một
điều tra viên đưa điện thoại cho anh Vệ gọi về cho vợ và đã đưa cho điều tra
viên hai lần: Một lần 20 triệu và một lần
10 triệu. Điều tra viên hứa sẽ lo cho anh Vệ không có tội; nhưng sau đó không
thấy kết quả vì vậy anh Vệ đề nghị thay đổi điều tra viên nhưng không được đáp ứng."
Phiên tòa sẽ tiếp tục ngày mai, 4-4, bước sang ngày thứ ba và theo dự trù sẽ kết thúc vào ngày 5-4-2013.