Tên lửa đẩy nhiên liệu rắn Epsilon đã được Cơ quan Thám hiểm không gian Nhật Bản (JAXA) cho rời bệ phóng vào lúc 14 giờ chiều 14.9 (giờ địa phương, tức 12 giờ cùng ngày theo giờ VN) từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở Kagoshima, tây nam Nhật Bản.
Epsilon mang theo SPRINT-A lên quỹ đạo có độ cao 1.000 km. SPRINT-A là kính viễn vọng không gian đầu tiên trên thế giới quan sát từ xa các hành tinh như sao Kim, sao Hỏa và sao Mộc từ quỹ đạo quanh Trái đất của nó.
Với đợt phóng thành công này, JAXA đã đạt được bước tiến vững chắc nhằm thâm nhập sâu vào thị trường phóng vệ tinhmàu mỡ đang thống trị bởi Nga và châu Âu.
Hồi giữa tháng 5 năm ngoái, Nhật Bản lần đầu tiên đưa một vệ tinh của Hàn Quốc vào không gian. Thành công này giúp họ gia nhập thị trường phóng vệ tinh thuê đầy hấp dẫn.
Tuy nhiên, nếu như đợt phóng vệ tinh Hàn Quốc trên, JAXA sử dụng tên lửa đẩy H2-A chiếm chi phí cao thì với tên lửa Epsilon, họ đã vững tin vào một chỗ đứng vững vàng trong thị trường phóng vệ tinh thuê nhờ chi phí khá rẻ cho loại tên lửa mới cùng khả năng xử lý cơ động của nó.
Theo AFP, tên lửa ba tầng Epsilon dài 24 mét và nặng 91 tấn được xem là kế thừa loại tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn M-5 của Nhật Bản đã được ngừng hoạt động vào năm 2006 (thành công trong bảy đợt phóng vũ trụ từ năm 1997) do chi phí quá cao. Nó có kích thước khoảng bằng một nửa loại tên lửa dùng nhiên liệu lỏng H2-A của nước này.
Epsilon sử dụng nhiên liệu rắn được thiết kế để nâng thiết bị nặng gần 1.200 kg lên quỹ đạo thấp của Trái đất; trong khi M-5 có thể nâng khối lượng hơn 1.800 kg lên quỹ đạo tương tự trên. Tuy nhiên, chi phí cho mỗi đợt phóng Epsilon vào khoảng 38,5 triệu USD, rẻ hơn nhiều so với 70 triệu USD cho mỗi lần phóng tên lửa M-5.
JAXA cho biết, để cắt giảm chi phí, tên lửa Epsilon được thiết kế dựa theo công nghệ của cả M-5 và H2-A. Theo đó, tầng đầu tiên của Epsilon lấy công nghệ của tầng tăng cường của tên lửa H2-A, trong khi hai tầng còn lại phụ thuộc vào công nghệ của M-5.
Theo nhận định của Reuters thì với kích thước bằng phân nửa H2-A, việc lắp ráp cũng như điều khiển một tên lửa Epsilon diễn ra dễ dàng và nhanh chóng hơn, điều này cũng giúp cắt giảm được nhiều chi phí nhân sự và thiết bị hơn.
Ngoài ra, Epsilon còn được trang bị công nghệ "thông minh nhân tạo" tiên tiến nhất thế giới với việc tự kiểm tra các lỗi kỹ thuật và báo cho các chuyên gia thông qua chỉ hai máy tính xách tay. Điều này cho phép việc điều khiển mỗi đợt phóng chỉ cần tám người, so với đến 150 người trực chiến trong các đợt phóng tên lửa H2-A.
Tiến Dũng
|