Tàu Costa Concordia bắt đầu được tiến hành dựng thẳng lúc 11 giờ ngày 16.9, sau 20 tháng chìm và lật nghiêng - Ảnh: AFP |
Việc trục vớt này, thực chất là dựng đứng con tàu đã bị lật nghiêng, kéo dài 10 - 12 giờ.
Con tàu khách khổng lồ này (dài 290 m, trọng tải 114.500 tấn, lớn gấp đôi tàu Titanic) với hơn 4.000 người trên khoang bị chìm ngày thứ sáu 13.1.2012, khi thuyền trưởng Francesco Schettino cho tàu đi quá gần đảo Giglio khiến tàu va đá ngầm, thủng một lỗ làm tàu bị chìm và nghiêng 65 độ. Tai nạn làm 32 hành khách và thủy thủ đoàn thiệt mạng.
Việc giải cứu lại diễn ra quá chậm và chỉ đạo lộn xộn, không thống nhất giữa thuyền trưởng và nhân viên cùng lực lượng cứu hộ bờ biển Ý.
Đến nay còn hai thi thể chưa được tìm thấy.
Sau tai nạn, thuyền trưởng bị ra tòa tháng 7 vừa qua và có khả năng lãnh 20 năm tù vì tội bất cẩn.
Việc dựng thẳng tàu mất khoảng 10 - 12 giờ - Ảnh: BBC |
Để trục con tàu đứng thẳng, các kỹ sư của hãng trục vớt Titan Salvage đã áp dụng nguyên tắc làm thăng bằng con tàu bằng cách gắn các thùng lớn bên mạn nổi của tàu, bơm nước vào thùng để bên này nặng hơn phần chìm, sẽ làm tàu từ từ đứng thẳng, kết hợp các dây cáp (56 sợi, mỗi sợi nặng 26 tấn) kéo - giữ.
Phía dưới đáy tàu là một dàn đế kết cấu thép để giữ đáy tàu nằm ngang, do đáy biển dốc.
Sau đó mạn tàu phần chìm được gắn thêm các thùng rỗng có kích thước bằng các thùng bên mạn nổi, cũng bơm nước vào giúp tàu cân bằng.
Sau đó các thùng hai bên mạn đồng thời bơm nước ra, khiến chúng trở thành phao giúp tàu nổi lên, dễ dàng kéo đi sửa chữa.
Chi phí cuộc cứu hộ trục vớt này là 798 triệu USD, và nếu hoàn tất các công đoạn sẽ ngốn hơn 1 tỉ USD. Tàu sẽ bị phá làm phế liệu!
Sơ đồ trục vớt và dựng thẳng tàu Costa Concordia - Đồ họa: Telegraph - BBC |
Anh Sơn