Lê Thiệp
HOA THỊNH ĐỐN – Ông Lê Thiệp, một người được nhiều bạn bè trong giới nghệ sĩ thương mến từ trước năm 1975 khi ông là một nhà báo ở miền Nam Việt Nam cho đến những năm sống ở hải ngoại, nơi ông còn thành công hơn trong ngành kinh doanh, đã vĩnh viễn lìa trần hôm thứ Sáu, 5-7-2013, hưởng thọ 69 tuổi. Bạn bè của ông Lê Thiệp trên khắp nước Mỹ đã truyền tin cho nhau về sự ra đi của ông tại Virginia vào trưa thứ Sáu. Sự từ biệt này không hẳn đột ngột vì chính ông Lê Thiệp cũng từng nói trước với mọi người về một chứng bệnh chết người mà ông đã vướng phải. Đó là bệnh ung thư.
Vào cuối tháng Ba năm nay, nhân dịp dự một buổi ra mắt sách của Tủ Sách Tiếng Quê Hương tại Virginia, ông Lê Thiệp đã can đảm nói trước đám đông những lời như sau: “Điều đầu tiên xin được khai báo là tôi vừa được chẩn trị và bác sĩ sau nhiều lần thử nghiệm đã xác nhận tôi bị ung thư gan tới thời kỳ cuối. Bệnh tật, một trong tứ khổ sinh, lão, bệnh, tử là điều trong chúng ta không ai thoát khỏi.”
Ông Lê Thiệp chào đời tại Sơn Tây vào năm 1944, sống nghề viết báo ở Sài Gòn cho đến khi cộng sản chiếm miền Nam vào tháng Tư năm 1975. Cùng thế hệ với Le Thiep la những nhà báo tên tuổi như Trùng Dương, Dương Phuc, Vu Anh, Le Phu Nhuan, Ngô Đình Vận, v.v.. Ông tot nghiep khoa 1 bao chí do cơ quan Viet Tan Xa, to chức ở Sài Gòn.
Sau năm 1975, như đại đa số người dân miền Nam, ông phải lao vào mọi ngõ ngách, ngành nghề trong xã hội để tìm cách mưu sinh từ buôn len, bán bún mọc, bán thuốc tây, cho đến môi giới đồ cổ.
Ông đã vượt biên thoát ra khỏi chế độ cộng sản, được tàu Nhật vớt ở Biển Đông. Từ năm 1979, sau khi đến tị nạn tại Hoa Kỳ, ông tiếp tục làm đủ thứ nghề như cán sự xã hội, thợ nhà in, công nhân siêu thị, bán thịt gà chiên cho tiệm KFC, và sau cùng là nghề bán phở, một nghề mà ông đã thành công rực rỡ với hệ thống tiệm “Phở 75 – Danh Bất Hư Truyền” trong vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ông được xem là một triệu phú kinh doanh ngành phở và đưa món ăn thuần túy của người Việt Nam đến tận Nam Hàn.
Trở lại với viết lách, từ năm 2003 ông hoàn tất ba tác phẩm ký sự tiểu thuyết gồm “Chân Ướt Chân Ráo,” “Lững Thững Giữa Đời” và “Đỗ Lệnh Dũng.” Đặc biệt nhất trong ba tác phẩm có lẽ là cuốn “Đỗ Lệnh Dũng” được đón nhận rất nồng nhiệt vào đầu năm 2007. Tác phẩm này được viết dựa trên “người thật, việc thật” của nhân vật thật là ông Đỗ Lệnh Dũng, một cựu quân nhân đã sống sót trong trại tù cộng sản.
“Đỗ Lệnh Dũng” được giới thiệu “không chỉ là câu chuyện về chiến tranh, dù nhân vật chính làmột chiến binh mất tích giữa chiến khu D sau một trận đánh dữ dội.Đây là câu chuyện về những oan khiên khắc nghiệt mà người dân Việt Namphải trải qua gần trọn thế kỷ qua cho đến ngày nay.Nhân vật chính giã từ cha mẹ khi tròn 18 tuổi và lúc được gặp lại cha mẹ thìđã gần tới tuổi ngũ tuần. Thời gian xa cách là lửa đạn, là những ngày lê gót trênđường mòn vượt rừng núi Trường Sơn từ Nam ra Bắc, là những năm tháng đọa đàytại các trại tù.”
Buổi ra mắt tác phẩm “Đỗ Lệnh Dũng” của ông Lê Thiệp đã được nhật báo Viễn Đông tường trình như sau:
“Hơn 300 văn nghệ sĩ, thân hữu và đồng hương đã tham dự buổi ra mắt tác phẩm Đỗ Lệnh Dũng của nhà báo Lê Thiệp tại hội quán của đài phát thanh Little Saigon Radio vào chiều ngày Chủ Nhật 14 tháng Giêng, 2007 do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Virginia phát hành. Có nhiều vị đến từ miền Đông Bắc Hoa Kỳ như Giáo sư Lê Mạnh Hùng, nhà văn Uyên Thao, chủ trương nhà xuất bản Tiếng Quê Hương, Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, nguyên Giám Đốc Đài Á Châu Tự Do, ban Việt ngữ...
“Trước giờ khai mạc, dưới ánh nắng vàng với bầu trời xanh cao và khá lạnh bên ngoài hội quán, tác giả Lê Thiệp và nhân vật chính Đỗ Lệnh Dũng đã ngồi ký lưu niệm trước một dẫy người xếp hàng dài. Trong đó có khá nhiều người ôm hai hoặc ba cuốn chờ xin chữ ký của tác giả và của cả nhân vật chính trong truyện.”
“Có lẽ lần đầu tiên trong giới xuất bản người Việt hải ngoại, một tác giả viết Truyện Ký về một nhân vật có thật mà nhân vật đó còn sống và tháp tùng theo tác giả từ Hoa Thịnh Đốn đến Quận Cam ra mắt như là một mục của “người thật, việc thật”. Buổi ra mắt sách diễn ra trong bầu không khí văn nghệ và cảm động vì ngoài một Đỗ Lệnh Dũng nhân vật chính của truyện còn có những nhân vật từng chia xẻ với Đỗ Lệnh Dũng, những quân nhân cùng bị Cộng Sản bắt trước khi sập tiệm và đi ngược Trường Sơn ra thiên đàng xã hội chủ nghĩa miền Bắc.”
Như lời tâm sự với bạn bè trong tháng Ba năm nay, ông Lê Thiệp đã ung dung tự tại khi biết mình bị ung thư gan ở giai đoạn chót, và “lững thững” ra đi nhẹ nhàng như ông thường nói với bạn ở những bàn tiệc, “Cứ tới đâu hay tới đó, lo lắm cũng vậy.”