Câu chuyện Bụi Đời Chợ Lớn (BĐCL) bị tạm ngưng phát hành theo đề nghị của Cục Điện Ảnh những tưởng chỉ là một một sự việc “thường ngày ở huyện” trong nền hành chính nước ta, nếu có “nóng” thì cũng chỉ đủ độ “râm ran” trong giới làm nghề. Ấy vậy mà sự việc lại có vẻ như đã nóng thật sự vì sự quan tâm từ phía khán giả. Khán giả Việt Nam đồng loạt lên tiếng ủng hộ bộ phim trên các mạng xã hội và cả các kênh truyền thông chính thức, đó là một thực tế không thể phủ nhận. Dẫu vậy, số phận của chính BĐCL hiện vẫn còn là một câu hỏi lớn.
Thật ra sự thành công của điện ảnh Việt Nam phải kể đến vai trò cực kỳ quan trọng của Luật Điện Ảnh đã được ban hành năm 2006, đi kèm với một Nghị định hướng dẫn của Thủ tướng chính phủ năm 2007. Hai văn bản này đã đưa ra một quy định mang tính cách mạng: chỉ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phim một lần duy nhất cho các Hãng phim tư nhân khi thành lập, sau đó các Hãng phim sẽ không phải xin phép làm phim cho từng bộ phim nữa. Quy định này đã làm bùng nổ một làn sóng xã hội hóa điện ảnh khi có hàng trăm hãng phim tư nhân đăng ký thành lập, mở ra một kênh đầu tư mới hết sức thênh thang: đầu tư làm phim. Kết quả của cuộc cởi trói ngoạn mục này là số lượng phim Việt Nam ở cả mảng truyền hình lẫn điện ảnh đều nở rộ. Dẫu số lượng phim chiếu rạp hàng năm dù chỉ tăng dần tới mốc gấp đôi so với trước năm 2006, thì bởi đặc thù riêng về yêu cầu kinh phí và chất lượng kỹ thuật, đây vẫn là một thành tựu không hề nhỏ.
Nhưng trớ trêu thay, các công chức từ chính Cục Điện Ảnh nhiều khi lại chưa nắm rõ Luật Điện Ảnh. Gần đây nhất chính là trường hợp Cục trưởng Ngô Phương Lan phát biểu rằng phim Bụi Đời Chợ Lớn đã vi phạm Luật điện ảnh vì không chỉnh sửa kịch bản như yêu cầu của Cục. Đây là một phát biểu chưa hẳn chuẩn xác: theo điều 23 của Luật Điện ảnh, một kịch bản chỉ phải nộp lên để thẩm định khi đây là hoạt động “hợp tác, liên doanh sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài” để xin giấy phép làm phim tại Việt Nam. Như vậy, nếu nhà sản xuất của phim này chỉ là những công ty đăng ký kinh doanh tại Việt Nam (cụ thể ở đây là Chánh Phương Film, Thiên Ngân Galaxy) thì nhà sản xuất không cần phải xin duyệt kịch bản. Kể cả khi họ chủ động nộp và xin ý kiến từ Cục, thì cũng không thể kết luận họ vi phạm pháp luật nếu họ không làm theo các ý kiến ấy. Bởi đây là họ xin ý kiến chứ không phải xin giấy phép làm phim. Cho rằng chỉ cần thành phần đoàn có người nước ngoài thì phim phải duyệt kịch bản là một cách hiểu sai tồn tại ở rất nhiều người làm việc tại Cục Điện Ảnh. Năm ngoái, khi nộp phim Dành Cho Tháng Sáu để duyệt phát hành, đạo diễn Nguyễn Hữu Tuấn cũng đã được hỏi vì sao không duyệt kịch bản khi dựng phim là người nước ngoài. Ông Tuấn cho biết: “Tôi trả lời rằng ở thời điểm quay phim thì tôi không thể biết đến chuyện là sẽ có người dựng phim nước ngoài, vì quay xong tôi mới gặp họ. Vì vậy yêu cầu duyệt kịch bản là vô lý. Hơn nữa phim hiện nay đã hoàn thành, tôi đã nộp phim lên thì còn duyệt kịch bản làm gì nữa? Sau đó phía Cục Điện Ảnh không có yêu cầu gì về kịch bản nữa.”
Tuy nhiên, Luật Điện Ảnh và hệ thống quy định pháp lý đi kèm vẫn chưa hoàn bị. Một trong những vấn đề còn tồn đọng, đó chính là công tác thẩm định phim. Quyền hạn của các Hội đồng thẩm định phim được quy định trong Luật là rất lớn, đặc biệt là của Hội đồng duyệt phim thuộc Cục Điện Ảnh. Họ có toàn quyền quyết định một bộ phim được chiếu hay không, nghĩa là quyết định số phần hàng tỷ đồng đầu tư của nhà sản xuất. Nhưng bản thân Hội Đồng lại không phải bị ràng buộc bởi bất kỳ trách nhiệm pháp lý nào vì trong Luật hoàn toàn không có quy định. Liệu có ai dám chắc được Hội đồng này sẽ không sai sót? Liệu có ai dám chắc Hội đồng này không thể ra quyết định vì một mục đích cá nhân vụ lợi nào đó? Hoàn toàn có thể đặt ra trường hợp một đối thủ kinh doanh mua chuộc Hội đồng để giết chết một bộ phim. Nếu ví như công tác duyệt phim là một trận đấu bóng, thì nhà sản xuất và cơ quan quản lý là hai đội bóng. Nhưng với quy định của Luật như vậy, thì cơ quan quản lý lại vừa đá bóng vừa thổi còi, có thể phạm lỗi mà chẳng bị phạt.
Thêm nữa, hiện nay những hành vi bị cấm chỉ được nói khá chung chung trong Luật Điện Ảnh. Sự thiếu rõ ràng này không thể phản ánh hết được sự thiên hình vạn trạng của công việc sáng tạo nghệ thuật, dẫn đến sự bối rối của cả người làm phim lẫn chính Hội đồng thẩm định. So sánh với hệ thống tiêu chuẩn phân loại phim rất phức tạp của Mỹ, thì tiêu chuẩn của chúng ta nghèo nàn đến tội nghiệp. Vì không có tiêu chuẩn, nên Hội đồng chỉ có thể đánh giá mơ hồ theo cảm nhận cá nhân, không thể tránh khỏi sự cảm tính, thiếu khách quan do sự khác biệt về quan điểm, nhận thức nghệ thuật.
Liệu có phải là chơi xấu?
Trong lúc dư luận đa phần đứng về phía Bụi Đời Chợ Lớn, thì bất ngờ trang tin trực tuyến của Báo Văn Hóa, thuộc Bộ Văn Hóa-Thể Thao-Du Lịch, nêu ra vấn đề về cái tên tiếng Anh được in trên tập kịch bản phim này: Chinatown. Trong một thời điểm nhạy cảm, vấn đề này đã khiến cho rất nhiều khán giả vốn ủng hộ phim, bỗng quay sang giận dữ với người làm phim vì đã chạm vào tinh thần dân tộc. Bỗng nhiên hướng dư luận lại có lợi cho Cục Điện ảnh. Phải nói thêm là tấm ảnh chụp bìa kịch bản duyệt là được một thành viên của Hội đồng thẩm định đưa ra, không khỏi khiến người ta phải nghi ngờ rằng Cục đang cố gắng gỡ thể diện bằng một phương pháp không đẹp. Bởi chụp mũ thiếu tinh thần dân tộc lên đầu người làm phim trong trường hợp này là một hành vi đánh lạc hướng rất nguy hiểm.
Thứ nhất, phải nói rõ ràng, nội dung phim có thể bạo lực, nhưng không hề có yếu tố chính trị, điều này Hội đồng thẩm định hẳn biết rõ vì họ đã xem phim. Thứ hai, việc đặt một cái tựa tạm thời để sử dụng trong thời gian làm phim, sau đó không dùng là tựa chính thức là chuyện vô cùng bình thường. Chính đạo diễn Charlie Nguyễn cũng đã phải đăng đàn nói rõ, rằng họ chỉ chọn một cái tên theo thói quen để tiện dùng khi trao đổi trong đoàn với nhau, và tên quốc tế chính thức của phim là Cho Lon. Thứ ba, người ta đã tìm thấy trên trang Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam một bài viết vào ngày 5/1/2012 về không khí Tết tại Chợ Lớn, trong đó dùng từ Chinatown để nói về nơi này. Có lẽ Cục Điện Ảnh cần phải lên tiếng chính thức, cải chính lại về vấn đề này vì để dư luận hiểu sai như vậy là hết sức bất công cho người làm phim. Liệu Cục sẽ phải đối diện với các Hãng phim thế nào đây khi cần nhờ đến sự hỗ trợ của họ trong các hoạt động chung, như họ đã từng đóng vai trò hết sức quan trọng trong Liên hoan phim quốc tế Hà Nội?
Đâu là lối thoát?
Có lẽ Bụi Đời Chợ Lớn sau khi chỉnh sửa sẽ không bị cấm chiếu như trường hợp của Bẫy Cấp Ba năm ngoái. Nhưng nếu cứ khắt khe cấm chiếu, các nhà sản xuất phim mất hết vốn đầu tư, liệu chính sách khuyến khích xã hội hóa điện ảnh sẽ đi về đâu? Một điều hết sức rõ ràng: công tác thẩm định phim phải được cải thiện.
Trước hết, Hội đồng thẩm định phim cần được đổi mới liên tục, để tư duy về điện ảnh của Hội đồng không bị lạc hậu, trì trệ. Hiện nay tuổi trung bình của 9 thành viên Hội đồng đã khá lớn, gồm những người được đào tạo và trưởng thành trong môi trường điện ảnh bao cấp, phần lớn tư duy nghệ thuật của họ đã lỗi thời. Chúng ta cần một hội đồng duyệt nhiều thành viên hơn để tăng sự khách quan, trẻ trung hơn để theo kịp tư duy mới của thời đại. Thậm chí có thể mở rộng cho các thành phần xã hội khác tham gia vào công tác này, chứ không chỉ gồm các nghệ sĩ điện ảnh. Hiệp hội điện ảnh Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm phân loại phim tại quốc gia này thành lập Hội đồng thẩm định từ những người khán giả rất bình thường. Các khán giả này được lựa chọn ngẫu nhiên, trải qua phỏng vấn để kiểm tra về tư duy điện ảnh. Các thành viên hội đồng này cũng thường xuyên được thay đổi.
Song song với đó, Nhà nước cần đưa ra một hệ thống tiêu chuẩn chi tiết để dùng cho công tác thẩm định phim. Bạo lực đến đâu là chấp nhận được, đến đâu là không, thế nào là không đúng thực tế xã hội… tất cả đều cần những tiêu chuẩn rõ ràng, càng ít sự cảm tính thì sẽ càng công bằng. Và điều càng cần thiết hơn là Quốc hội cần phải rà soát và điều chỉnh lại Luật Điện ảnh. Hãy quy định rõ ràng hơn trách nhiệm pháp lý của Hội đồng thẩm định, phải đưa ra cả những hành vi cấm vi phạm đối với Hội đồng này. Có như vậy chúng ta mới có thể giải quyết được tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Làm sao để Luật đem lại lợi ích cho cả người làm phim lẫn cơ quan quản lý nhà nước. Và đặc biệt là để người làm phim thấy rằng quyền lợi chính đáng của họ được bảo vệ bởi Luật Điện Ảnh.