BBC - Hà Nội đang chuẩn bị thí điểm cấp sổ đỏ,
kéo dài thời hạn các giấy phép sử dụng đất và sở hữu nhà ở, bất động
sản, tài sản gắn liền trên đất được cấp quyền sử dụng, cho người nước
ngoài trên địa bàn thành phố, theo một quyết định mới ra của chính
quyền.
Theo quy định mới, từ ngày 4/5/2013, người nước ngoài đáp ứng đầy đủ các
điều kiện trong đó có hoàn tất các nghĩa vụ tài chính khi mua bất động
sản ở Hà Nội sẽ được trao sổ đỏ hay chứng nhận quyền sử dụng đất và sở
hữu nhà ở, tài sản gắn liền với đất được phép sử dụng với thời hạn dài
hơn mức giới hạn thí điểm cũ chỉ là 5 năm.
Bình luận về động thái này của Hà Nội, một chuyên gia từ Hội Khoa học
Kinh tế Việt Nam cho BBC hay đây là một nỗ lực của chính quyền nhằm tạo
ra chuyển động trên thị trường bất động sản ở địa bàn thủ đô, sau thời
gian khá dài thị trường này bị băng giá.
Chuyên gia không muốn tiết lộ danh tính này cho rằng động thái cũng thể
hiện kỳ vọng của Hà Nội tạo ra chuyển biến trên thị trường bằng cách hấp
dẫn dòng vốn từ nước ngoài vào địa bàn Hà Nội, mà mới đây đã mở rộng
diện tích sang một số địa phương như Hà Tây, Vĩnh Phúc...
Nhận định của chuyên gia cho rằng vẫn có thể có khách hàng từ nước ngoài
quan tâm tới một số phân đoạn thị trường ở Việt Nam, với điều kiện các
phân đoạn có tính khả thi rõ ràng về lợi nhuận trong khi các môi trường
về cơ sở hạ tầng, thủ tục hành chính, pháp lý, thuế khóa... được cải
thiện, tuy nhiên con số cụ thể là bao nhiêu còn chưa thể xác định.
"Chúng tôi những người nghiên cứu sâu vấn đề này thì thấy rằng cũng
phải một mặt có hỗ trợ hợp lý, nhưng cũng phải để cho nó hạ nhiệt, hạ
giá xuống thì mới giải quyết được"
Chuyên gia kinh tế
Ý kiến còn cho rằng động thái của Hà Nội nhắm vào việc đi tiên phong
trong cả nước đáp ứng nguyện vọng của một bộ phận kiều dân Việt Nam từ
nước ngoài muốn về tham gia kinh doanh, tung vốn trên thị trường, hoặc
sở hữu nhà cửa, đất đai và các tài sản gắn với bất động sản với mục đích
tiêu dùng, trong dài hạn và ổn định.
Thời hạn thí điểm được áp dụng từ năm 2008 quy định người nước ngoài chỉ
được cấp giấy tờ sử dụng đất và sở hữu nhà cửa, tài sản gắn với đất
được sử dụng với độ dài 5 năm được cho là bất hợp lý và làm giảm tính
hấp dẫn, cũng như độ tin cậy của người mua hoặc nhà đầu tư trong một thị
trường có đặc thù đầu tư trung và dài hạn, vẫn theo chuyên gia.
'Để bong bóng hạ nhiệt'
Mặc dù động thái cho thấy mong mỏi đột phá của Hà Nội, ý kiến chuyên gia
cho rằng thời điểm hiện nay vẫn rất khó để xốc lại thị trường bất động
sản, với Hà Nội là một trong các thị trường chính nhiều năm qua đã bị đóng băng và gặp các khó khăn khá nghiêm trọng.
"Còn bong bóng bất động sản thì đành chấp nhận một thời gian để nó hạ nhiệt thôi," chuyên gia nói.
"Chứ còn không thể cứu nó được bây giờ. Đó là kinh nghiệm quốc tế rồi, chứ không phải của riêng Việt Nam.
"Nó tăng lên hàng chục lần, bây giờ thất bát lại đòi cứu trợ nó ngay, thì làm gì mà được. Mà đây rơi vào toàn những đại gia cả"
Ý kiến chuyên gia
"Nhưng nhiều người cứ muốn phải cứu, nhưng cứu thế nào được, ai có thể
mách cho Việt Nam có thể cứu được bất động sản ngay bây giờ không?"
"Chúng tôi những người nghiên cứu sâu vấn đề này thì thấy rằng cũng phải
một mặt có hỗ trợ hợp lý, nhưng cũng phải để cho nó hạ nhiệt, hạ giá
xuống thì mới giải quyết được.
"Nó tăng lên hàng chục lần, bây giờ thất bát lại đòi cứu trợ nó ngay, thì làm gì mà được. Mà đây rơi vào toàn những đại gia cả."
'Vận động không bỏ rơi'
Trong một trao đổi với BBC hồi hạ tuần tháng Tư, chuyên gia kinh tế Bùi
Kiến Thành cũng khẳng định thị trường bất động sản của Việt Nam nói
chung và của Hà Nội nói riêng bao hàm nhiều bất cập.
"Giá bất động sản ở Việt Nam, như ở một số nơi tại Hà Nội và Sài Gòn cao
một cách vô lý so với mặt bằng chung quốc tế và kể cả với mặt bằng ở
một số thành phố được cho là có giá đất đai cao ở châu Mỹ, châu Âu và
châu Á.
* Kinh tế gia Bùi Kiến Thành nói giá bất động sản của Việt Nam lâu nay có mặt bằng cao quá bất hợp lý
"Thị trường này rất thiếu bền vững và có tính chất bong bóng, tuy nhiên
không hiểu sao nhiều doanh nghiệp kể cả các tập đoàn, doanh nghiệp nhà
nước tập trung vốn vào đây,
"Nhiều khoản hỗ trợ, ưu đãi của chính phủ lẽ ra cần cung cấp cho các
doanh nghiệp ở lĩnh vực khác vốn cần hơn, lại tiếp tục đổ vào đây, mà
thị trường thì đóng băng do giá cả ở trên trời và nhiều nguyên nhân khác
nữa," ông nói và đề nghị nhà nước và các doanh nghiệp xem lại định
hướng chính sách hoặc kinh doanh của mình.
Gần đây đã xuất hiện nhiều bàn thảo về giải pháp ứng cứu, giúp giải toải, lưu thông thị trường bất động sản ở Việt Nam.
Trong số đó, xuất hiện ý kiến một doanh gia
nhiều kinh nghiệm đề nghị nhà nước ngưng bơm các khoản cứu trợ, hậu
thuẫn từ tài lực tới các ưu tiên được cho là bao cấp, thái quá khác, để
thị trường bất động sản tự điều chỉnh, uốn nắn, tái cơ cấu về thực chất
nhằm đem lại hiệu quả đích thực cho cả các nhà đầu tư cũng như với nền
kinh tế và thị trường.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng việc để thị trường này "rơi tự do" là bất hợp lý và vận động, yêu cầu nhà nước không "bỏ rơi" mà ưu tiên tìm cách tháo gỡ,
giúp đỡ các nhà đầu tư đang gặp khó khăn, kể cả trong việc giúp họ
thoái vốn dưới nhiều hình thức, với các khoản được đề nghị hỗ trợ có thể
lên tới nhiều tỷ đôla từ các nguồn ngân sách nhà nước.
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2013/04/130429_vn_foreigners_property_policy.shtml
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/2013/04/130429_vn_foreigners_property_policy.shtml