Nguyễn Trọng Vĩnh
Giữa Việt Nam và Trung
Quốc không có truyền thống hữu nghị, cũng không có tương
đồng về ý thức hệ
GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ TRUYỀN THỐNG HỮU NGHỊ
Trong chuyến
thăm Trung Quốc tháng 10/2011 của đoàn Việt Nam do TBT Nguyễn Phú Trọng
dẫn đầu, TBT Hồ Cẩm Đào nói với TBT Nguyễn Phú Trọng câu: “Truyền thống
hữu nghị giữa 2 Đảng và 2 nước là tài sản quý báu cần gìn giữ và truyền
cho các thế hệ mai sau”… và từ trước đến nay trong các cuộc gặp gỡ cấp
cao hai bên, phía Trung Quốc thường nhắc lại: “Hai nước chúng ta sông
núi liền nhau, văn hóa tương đồng, hai đảng cùng chúng ý thức hệ là cơ
sở của tình hữu nghị bền vững…”.
Dựa trên diễn biến thực tế, thử phân tích xem có đúng thế không?
Khách quan mà
nói, tình hữu nghị Việt - Trung có biểu hiện trong hai thập kỷ từ 1950
đến 1970. Trong thời gian đó, Trung quốc giúp ta khá lớn về nhiều mặt.
Trong sự giúp đỡ đó, có lợi ích trước mắt và động cơ sâu xa của họ, vừa
giúp ta vừa hạn chế thắng lợi của ta. Dù sao ta cũng công nhận là có
tình hữu nghị Trung - Việt. Còn ra thì sao?
Không kể Trung
Quốc đã đô hộ nước ta 1000 năm, đến quân Nam Hán lại mang quân xâm lược
nước ta, rồi nhà Tống, Mông Cổ sau khi chinh phục xong làm chủ Trung
Quốc cũng 3 lần xâm lược nước ta, nhà Minh đem quân xâm lược, đánh bại
Hồ Quý Ly, lại đô hộ nước ta 10 năm, nhà Thanh huy động 20 vạn quân
chiếm đóng thủ đô Thăng Long. Năm 1974 Trung Quốc huy động hải quân mạnh
tiêu diệt bộ phận lực lượng Việt Nam Cộng hòa đóng giữ chủ quyền quần
đảo Hoàng Sa và cướp quần đảo từ tay Việt Nam Cộng hòa, lại trẹo họng
nói là “thu hồi”. Tháng 2/1979, Đặng Tiểu Bình huy động 60 vạn quân xâm
lăng các tỉnh biên giới nước ta. Gần đây, dựa vào cái “lưỡi bò” bất hợp
pháp thành lập cái gọi là huyện Tam Sa, thực hiện mọi thủ đoạn, chuẩn bị
điều kiện hòng chiếm nốt Trường Sa của chúng ta. Thế là chỉ có 2 thập
kỷ (50 - 70) nói trên tạm gọi là “hữu nghị”, còn thì suốt chiều dài lịch
sử, truyền thống của Trung Quốc là truyền thống xâm lược nước ta.
Phía ta thì sao?
Năm 938, Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán để khẳng định nền độc lập của nước Nam.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt đánh tan quân xâm lược nhà Tống và có bài thơ đầy khí phách hào hùng:
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Từ năm 1258 đến
1288, quân dân nhà Trần 3 lần đánh thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh
từng gây kinh hoàng cho nhiều nước từ Á sang Âu, đặc biệt năm 1288 dưới
sự chỉ huy của Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, quân ta đánh thắng
trận Bạch Đằng oanh liệt danh tiếng lẫy lừng khiến nhà Nguyên khiếp vía
không xâm phạm lần thứ tư.
Lê Lợi, Nguyễn
Trãi 10 năm gian khổ chống ách đô hộ nhà Minh, cuối cùng giết Liễu
Thăng, dọa Mộc Thạnh hết hồn rút chạy, đến 1428 tống cổ Vương Thông về
nước, khôi phục độc lập cho nước nhà.
Năm 1789, Hoàng
đế Quang Trung hành quân thần tốc đánh tan 20 vạn quân nhà Thanh, Tôn
Sĩ Nghị bỏ cả ấn tín mà chạy mới thoát chết.
Tháng 2/1979,
quân dân các tỉnh biên giới, mặc dầu lực lượng ít ỏi, đã ngoan cường
đánh trả 60 vạn quân xâm lược tàn ác, buộc Đặng Tiểu Bình phải rút quân.
Nước ta ngoài việc phải chống xâm lược của Trung Quốc qua các thời kỳ, còn phải chống xâm lược của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Vậy là truyền thống nước ta là truyền thống chống xâm lược.
Rõ ràng
truyền thống nước ta và truyền thống Trung Quốc đối nghịch nhau suốt
chiều dài lịch sử, thì làm gì có “tình hữu nghị quý báu truyền cho các
thế hệ mai sau”!
GIỮA VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC KHÔNG CÓ TƯƠNG ĐỒNG VỀ Ý THỨC HỆ
Ngay từ 1962,
ông Đặng Tiểu Bình đã muốn từ bỏ mô hình XHCN kiểu Stalin và đi theo con
đường khác với câu nói: “Mèo trắng, mèo đen, mèo nào bắt được chuột là
mèo tốt”. Ông ta bị Mao Trạch Đông xử lý kỷ luật. Sau khi được phục hồi
và sau khi ông Mao chết, năm 1978 ông Đặng lại nói lại câu nói đó và
thực tế bắt đầu rẽ theo con đường TBCN mặc dầu vẫn nói là “xây dựng CNXH
đặc sắc Trung Quốc”. Để kết thân với Mỹ, tháng 2/1979 Đặng Tiểu Bình
xua quân đánh Việt Nam là đã gửi thông điệp cho Nhà Trắng rằng: “Giữa
chúng tôi (Trung Quốc) và Việt Nam không cùng ý thức hệ dù đều là Đảng
Cộng sản”.
Đại hội thứ 18
Đảng CS Trung Quốc mới đây không còn đề cập CN Mác – Lênin và tư tưởng
Mao Trạch Đông nữa mà chỉ nêu lý luận “ba đại diện” của Giang Trạch Dân
và “tư tưởng Đặng Tiểu Bình”.
Tuy vẫn giữ câu
“xây dựng XHCN nghĩa đặc sắc Trung Quốc”, nhưng người ta có thể cho
rằng xã hội Trung Quốc hiện nay là XHTB chưa thật đúng nghĩa, còn do
Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo.
Mô hình XHCN
kiểu Stalin tỏ ra không thích hợp, kìm hãm sản xuất, kìm hãm phát triển
kinh tế, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khi đó một số người lãnh
đạo lại hưởng đặc quyền đặc lợi sống như đế vương, độc tài độc đoán dẫn
đến Liên Xô tan rã, các nước XHCN Đông Âu xụp đổ. Từ đó, chưa ai đưa ra
được mô hình XHCN nào khác.
Việt Nam ta tất
yếu phải cuốn theo kinh tế thị trường, nhưng lãnh đạo vẫn lấy CN Mác –
Lênin làm cơ sở tư tưởng, vẫn chủ trương xây dựng CNXH. Thử hỏi xây dựng
CNXH theo mô hình nào? Trong xã hội ta hiện nay, nội dung gì là XHCN,
không ai chỉ ra được. Còn nói phát triển kinh tế thị trường “theo định
hướng XHCN”. Cái đuôi “theo định hướng XHCN” thật là mơ hồ, vô nghĩa.
Đã không có mô
hình, không có nội dung XHCN, thiết nghĩ chỉ nên nêu “lấy tư tưởng Hồ
Chí Minh làm nền tảng, xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã
hội công bằng, dân chủ, văn minh” như nghị quyết Đảng đã từng ghi là
đúng đắn và khả thi. Không cần nêu CN Mác – Lênin mà “chỉ nêu tư tưởng
Hồ Chí Minh là đủ” vì cái gì ở Mác, ở Lênin mà thích hợp với Việt Nam
thì Hồ Chí Minh đã tiếp thu, cũng như những gì là hay, là tốt của thế
giới, của đạo Phật, đạo Thiên Chúa, của Khổng Tử, của Tôn Trung Sơn đều
đã có trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đã không có nội dung XHCN thì nên lấy lại tên nước là “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” là thích hợp.
Sự thật là
không có truyền thống hữu nghị Trung – Việt, cũng không có tương đồng ý
thức hệ. Thế mà mỗi lần có gặp gỡ cấp cao 2 bên, phía Trung Quốc vẫn nói
ngon ngọt nào là trân trọng tình hữu nghị Việt – Trung do Mao Chủ tịch
và Hồ Chủ tịch đã dày công vun đắp, nào là xử lý bất đồng trên tinh thần
“đại cục” quan hệ Trung – Việt làm trọng, nào là mọi vấn đề đều có thể
thương lượng nội bộ để giải quyết trên tinh thần đồng chí, anh em cùng
chung ý thức hệ, v.v. Giang Trạch Dân còn “sáng tạo” ra “phương châm 16
chữ và 4 tốt” để phỉnh phờ, mê hoặc lãnh đạo ta, làm sợi dây vô hình cột
Việt Nam vào cỗ xe của họ, kéo ta lệ thuộc vào họ.
Những ai có đầu
óc thực tế đều thấy rằng hiện nay mối nguy hiểm đối với nước ta không
phải đến từ đế quốc Mỹ mà đến từ chủ nghĩa bá quyền bành trướng Đại Hán.
Vấn đề đặt ra
đối với nước ta hiện nay là: thoát ra khỏi mọi ràng buộc tham lam, ác ý,
thực hiện đường lối chủ trương độc lập tự chủ, thực hiện ngoại giao cân
bằng giữa các nước lớn, một mặt không phá bỏ hiện trạng hữu nghị hòa
bình với Trung Quốc, mặt khác thắt chặt mối quan hệ hữu nghị với các
nước lớn Nga, Nhật, Ấn Độ, Mỹ, cải cách thể chế, thực hiện dân chủ, gắn
bó với khối đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng hiền tài, xóa bỏ mọi lợi
ích nhóm, phe phái quyền lực để đưa đất nước thoát khỏi yếu kém tụt hậu
và tiến lên.
N.T.V.
* "Bài này thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Chúng tôi đăng tải
nguyên văn để rộng đường dư luận và tạo cơ hội thảo luận trong tinh
thần xây dựng . BBT- DienDanCTM".