Dinh thủ tướng Brunei, nơi diễn ra thượng đỉnh Asean, từ 24/03/2013.
REUTERS/Bazuki Muhammad
Hôm nay, 24/04/2013, các lãnh đạo Hiệp hội các quốc gia Đông
Nam Á ASEAN tham dự cuộc họp thượng đỉnh thường niên trong hai ngày ở
Brunei, với mục tiêu hàn gắn những bất hòa do vấn đề tranh chấp chủ
quyền Biển Đông với Trung Quốc, cũng như thúc đẩy hội nhập kinh tế khu
vực.
Năm ngoái, tại cuộc họp thượng đỉnh thường niên của ASEAN ở
Phnom Penh, những nỗ lực của Philippines và Việt Nam nhằm thống nhất lập
trường của khối này trước thái độ xác quyết chủ quyền ngày càng hung
hãn của Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông đã không thành công, do sự
chống đối của Cam Bốt, một đồng minh thân cận của Bắc Kinh, mà năm ngoái
giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.Căng thẳng nội bộ do vấn đề này đã lên đến mức mà, lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, cuộc họp các Ngoại trưởng ASEAN ở Phnom Penh tháng 7 năm ngoái đã không đưa ra được một thông cáo chung.
Trước cuộc họp thượng đỉnh hôm nay ở Brunei, các quan chức cao cấp của ASEAN đã nhấn mạnh rằng hiệp hội ASEAN, một tổ chức vẫn vận hành dựa trên sự đồng thuận, sẽ phải nỗ lực rất nhiều để đạt đến một lập trường chung trên vấn đề Biển Đông.
Theo bản dự thảo tuyên bố kết thúc hội nghị thượng đỉnh, mà hãng tin AFP có được, các lãnh đạo ASEAN sẽ ra một lời kêu gọi đàm phán với Trung Quốc trên vấn đề này, nhưng sẽ tránh sử dụng ngôn từ quá cứng rắn.
Cụ thể, bản dự thảo tuyên bố viết: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết giải quyết một các hòa bình các tranh chấp chủ quyền, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, thông qua các cuộc thương lượng theo đúng các nguyên tắc được thừa nhận trong công pháp quốc tế”. Bản dự thảo tuyên bố nhắc lại lời kêu gọi của các nước Đông Nam Á nhanh chóng đạt đến một bộ quy tắc ứng xử về Biển Đông giữa ASEAN với Trung Quốc.
Nước chủ nhà Brunei đã báo trước rằng một trong những ưu tiên của nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay sẽ là thông qua bộ quy tắc ứng xử trước cuối năm. Thế nhưng, Trung Quốc, vốn vẫn muốn thương lượng trực tiếp với từng nước hơn là đàm phán với cả khối ASEAN, không hề tỏ thái độ muốn nhanh chóng thảo luận về bộ quy tắc ứng xử này.
Theo các lãnh đạo ASEAN, một trong những vấn đề chủ yếu khác của cuộc họp thượng đỉnh Brunei là thúc đẩy hội nhập kinh tế giữa các nước trong khối, cũng như giữa khối này với các nước khác trong khu vực.
Kết thúc cuộc họp thượng đỉnh Brunei, các lãnh đạo ASEAN dự trù sẽ thông báo mở các cuộc đàm phán vào tháng tới với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand để thiết lập một khu vực tự do mậu dịch khổng lồ, mang tên "Đối tác kinh tế toàn diện khu vực" ( RCEP ). ASEAN hy vọng sẽ kết thúc các cuộc đàm phán này vào năm 2015.