Một em gái bị thương, mà theo chính quyền là do vũ khí hóa học, tại bệnh viện Alep |
Mai Vân - RFI
Ba nước Anh, Pháp và Hoa Kỳ sẽ yêu cầu Liên Hiệp Quốc gởi phái bộ đến Syria điều tra về việc sử dụng vũ khí hóa học trong những ngày gần đây. Yêu cầu điều tra của ba quốc gia nói trên đã được đưa ra trong cuộc họp Hội đồng Bảo an vào hôm qua, 20/03/2013. Như thông lệ Nga đã lên tiếng chỉ trích và không tán đồng đề nghị trên. Từ New York, thông tín viên Karim Lebhour cho biết thêm chi tiết : « Việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria được xem như một lằn ranh đỏ không thể vượt qua, và Hội đồng Bảo an không thể phớt lờ những lời tố cáo vụ việc. Đai diện Nga, ông Vitaly Churkin đã gạt phăng các lời tố cáo của phương Tây, cho đấy chỉ là những tin đồn đại, gợi lại bóng ma của cuộc chiến tranh Irak trước đây và những lời nói dối về vũ khí hủy diệt hàng loạt được cho là nằm trong tay Saddam Hussein.
Ông Churkin còn cho rằng việc sử dụng vũ khí hóa học cũng có thể là hành vi của phe nổi dậy : « Các nhóm đối lập hoàn toàn có thể tung ra một cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học chỉ vì một số quốc gia đã nói rõ là việc đó sẽ làm thay đổi luật chơi ». Chính quyền Damas cũng tố cáo các nhóm vũ trang nổi dậy và yêu cầu Liên Hiệp Quốc điều tra. Đại diện Anh Quốc, Philip Parham, ngược lại đã nhắc nhở rằng « Cần phải nhớ là chính chế độ Damas nắm trong tay kho vũ khí hóa học. Quốc tế cần phải làm sáng tỏ vụ việc". Vấn đề đặt ra là nếu một phái đoàn điều tra Liên Hiệp Quốc được gởi đến Syria, chắc chắn là họ khó có thể được phép đến những nơi cần thiết cho một cuộc điều tra đáng tin cậy.” Hiện nay cả phe nổi dậy lẫn chính quyền Damas đều tố cáo lẫn nhau là đã dùng đến loại vũ khí độc hại này ở khu vực Alep và Damas. Theo phe nổi dậy thì quân đội chính phủ đã viện đến vũ khí hóa học ở Khan Al Assal gần Alep (miền Bắc) và ở Atayba, phía đông Damas. Ngược lại quân nổi dậy thì bị tố cáo sử dụng loại vũ khí bị nghiêm cấm này ở Khan Al Assal vào hôm 19/03/2013. Riêng các ngoại trưởng của Liên Hiệp Châu Âu vào ngày mai và thứ Bảy sẽ họp tại Dublin, Ireland để bàn về việc cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy Syria. Vấn đề không đơn giản : gởi vũ khí nào, số lượng bao nhiêu, cho ai và như thế nào, làm sao để vũ khí không rơi vào tay các nhóm thánh chiến. Đây là một số câu hỏi phức tạp sẽ được gợi lên trong cuộc họp. Nhiều nước Châu Âu hiện vẫn còn rất thận trọng trong việc cung cấp vũ khí mà Luân Đôn và Paris đề xướng.