Bạn bắt đầu giấc mơ với hình ảnh về một bữa tiệc nhưng chỉ vài tích tắc lại như thấy mình đang chạy trốn. Cho tới nay, chưa ai trả lời được vì sao lại có những điều ấy. Nhưng có một điều chắc chắn, các nhà khoa học biết điều gì có thể làm thay đổi giấc mơ của chúng ta.
1. Từ trường Trái đất
Từ trường là một phần không thể thiếu của Trái đất. Tuy vô hình nhưng nó là tấm lá chắn bảo vệ cho thế giới khỏi những hạt giàu năng lượng phóng ra từ Mặt trời. Đồng thời, từ trường Trái đất còn giúp một số loài sinh vật như kiến, chim di cư, rùa, cá mập… định hướng di chuyển.
Thế nhưng, ít ai biết, từ trường còn khiến cho giấc mơ của con người trở nên quái lạ, điên rồ hơn. Có thể bạn đang mơ được dự tiệc thì bỗng dưng lại thấy mình nằm dài trên bãi cát dài, hay bị côn đồ tấn công…
Hình ảnh mô tả từ trường Trái đất.
Sau 8 năm nghiên cứu, nhà tâm lý học Darren Lipnicki đã tìm được nguyên nhân gây ra sự ảnh hưởng này, đó là mối liên hệ giữa từ trường và melatonin - hormone kiểm soát giấc ngủ con người.
Theo đó, tuyến tùng - nơi sản xuất melatonin của cơ thể có thể cảm nhận sự thay đổi từ trường Trái đất. Tuy nhiên, thay vì dùng khả năng ấy để định hướng như các loài vật, con người dùng nó để điều chỉnh đồng hồ sinh học của mình. Từ trường cao sẽ khiến tuyến tùng tiết ra nhiều melatonin hơn.
Có thể bạn đang mơ lạc giữa tiên cảnh...
... nhưng bỗng chốc lại thấy mình sắp đối mặt với cái chết...
Từ đó, ông đưa ra kết luận: “Ngủ ở nơi có từ trường thấp sẽ dễ có những giấc mơ điên rồ, trong khi ngủ ở những nơi có từ trường cao thì giấc mơ sẽ thường mang nhiều ý nghĩa tích cực, rõ ràng”.
2. Chơi điện tử
Lucid dream, còn được biết tới với cái tên “mơ tỉnh” hay hiện tượng biến giấc mơ thành hiện thực. Hiểu đơn giản, đó là giấc mơ mà người mơ có thể hoàn toàn điều khiển tất cả mọi thứ theo ý muốn của bản thân. Tuy nhiên, “lucid dream” đòi hỏi khả năng kiểm soát vô thức cao độ nên không phải ai cũng làm được.
Người kiểm soát được "lucid dream" sở hữu quyền năng rất lớn.
... và game thủ có rất nhiều tiềm năng để đạt tới quyền năng ấy.
Vậy mà các game thủ lại có khả năng đặc biệt này. Ghi chép kết quả nghiên cứu trong 1 thập kỷ của chuyên gia Jayne Gackenbach cho thấy, những người hay chơi điện tử có số lần “mơ tỉnh” cao hơn nhiều so với người thường.
Chuyên gia này lý giải rằng, trải nghiệm trò chơi điện tử nhiều làm các game thủ có xu hướng "bạo lực" hơn, dễ đối phó với các tình huống bất ngờ, những cơn ác mộng hơn. Nói cách khác, việc chơi game chính là một cách tập luyện khả năng kiểm soát sự tưởng tượng cho não người, từ đó gia tăng độ “tỉnh táo” khi mơ.
Chơi game giúp con người luyện tập khả năng kiểm soát vô thức của não bộ.
3. Mùi hương
Môi trường xung quanh có ảnh hưởng tới giấc mơ của mỗi người, và một trong các yếu tố đó chính là mùi hương. Các nhà khoa học Đức đã tiến hành một thí nghiệm trên 15 đối tượng trong trạng thái giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement) - giai đoạn con người ngủ say nhất và giấc mơ sẽ xuất hiện.
Cụ thể, trong lúc những tình nguyện viên ngủ, các chuyên gia cho bơm vào phòng 2 loại mùi hương khác nhau: hương hoa hồng và mùi trứng thối. Khi tình nguyện viên tỉnh dậy, họ được yêu cầu tường thuật lại những gì mình đã mơ.
Kết quả cho thấy, những người ngửi phải mùi trứng thối khi ngủ gặp phải giấc mơ xấu và tiêu cực hơn những người hít hương thơm hoa hồng. Điều này chứng tỏ mùi hương có chi phối lớn tới giấc mơ của mỗi người.
Giấc ngủ với hương thơm hoa hồng sẽ cho một giấc mơ đẹp và ngọt ngào.
Các nhà khoa học giải thích rằng, nguyên nhân của hiện tượng trên là do mùi hương có ảnh hưởng lên hệ thống trung ương thần kinh. Tín hiệu mùi truy cập trực tiếp đến khu vực tiềm thức của não bộ, từ đó tác động lên cảm xúc, tâm trạng và bộ nhớ ngay cả khi chúng ta đang ngủ.
4. Sự sáng tạo
Trong thực tế, có những người sau giấc ngủ không thể nhớ mình đã mơ gì, nhưng ngược lại, có những người có thể kể làu làu về điều xảy ra trong giấc ngủ. Điểm khác biệt giữa họ là gì? Câu trả lời chính là sự sáng tạo.
Sự sáng tạo tạo ra khác biệt trong giấc mơ của mỗi người.
Chuyên gia tâm lý học David Watson thuộc ĐH Iowa (Mỹ) đã tiến hành một thí nghiệm trên 193 sinh viên trong vòng 14 tuần và chứng minh được nhận định trên. Cụ thể, thử nghiệm yêu cầu các sinh viên tường thuật lại giấc mơ mỗi ngày của mình và các nhà khoa học dựa vào đó để phân tích.
Gần như không có rào cản giữa mơ và thực ở những người sáng tạo.
... nên họ là những người nhớ được tất cả những gì mình đã mơ.
Kết luận được David Watson đưa ra: “Có những rào cản, sự khác biệt trong việc trải nghiệm thế giới ban ngày và trong giấc ngủ. Tuy nhiên, với những người sáng tạo, hay mơ mộng thì rào cản ấy không đáng kể và họ dễ dàng vượt qua”. Điều này cũng đồng nghĩa với việc người sáng tạo có khả năng nhớ tốt hơn những giấc mơ mình đã từng trải nghiệm qua.
* Bài viết sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Cracked, Livescience, Wikipedia...