Hòa Ái, phóng viên RFA
Hôm 11/4/13, một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam diễn ra ở văn phòng quốc hội Hoa Kỳ. Qua cuộc điều trần lần này cho thấy tình trạng nhân quyền ở Việt Nam ngày càng bị vị phạm một cách trầm trọng.
Một ngày trước sự kiện “Đối thoại Nhân quyền Việt - Mỹ” diễn ra ở Hà Nội, cuộc điều trần về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam do Dân biểu Chris Smith chủ trì được tổ chức ở văn phòng Quốc Hội Hoa Kỳ.
Phái đoàn tham dự cuộc điều trần lần này gồm có Cựu dân biểu Joseph Cao; ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam; Cô Anna Buonya, phát ngôn nhân của Tổ chức Nhân quyền Người Thượng; cô Danh Hui, đại diện cho các nạn nhân trong đường dây buôn bán phụ nữ; ông Trần Tiến, nạn nhân Công giáo trong vụ cưỡng chế đất đai ở Cồn Dầu và ông John Sifton, Giám đốc Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch.
Việt Nam không có tự do
Sáu đại diện của phái đoàn lần lượt trình bày về tình trạng người dân Việt Nam ở trong nước phải chịu đựng sự sách nhiễu, bắt bớ và giam cầm do chính quyền Hà Nội ngày càng hà khắc hơn trong nhiều lãnh vực của đời sống xã hội người dân. Các diễn biến mới nhất được tường trình để minh chứng cho ngôn luận và tôn giáo ở Việt Nam không có tự do. Điển hình là trường hợp gia đình blogger Huỳnh Ngọc Tuấn, Huỳnh Thục Vy là nạn nhân bị quấy nhiễu vào hôm mùng 3 tháng 4 bằng hình thức quăng phân thối vào nhà lúc nửa đêm; trường hợp 14 thanh niên Công giáo - Tin lành ở Vinh bị án tù; trường hợp của phật tử lê Công Cầu bị thẩm vấn và bị buộc tội theo điều luật 87 và 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam do đăng bài trên internet kêu gọi Nhà nước công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất…
Ông Trần Tiến, một nạn nhân trong vụ cưỡng chế đất đai ở Cồn Dầu bị đánh đập, bắt bớ đã chạy trốn sang Thái Lan, vừa được định cư tại Hoa Kỳ, tường thuật lại cho các Dân biểu Hoa Kỳ nghe về hoàn cảnh của 100 gia đình giáo dân còn bám trụ ở giáo xứ Cồn Dầu đang tiếp tục bị chính quyền địa phương cô lập, bức hại do không đồng ý trong việc bị ép buộc di dời. Ông Trần Tiến cũng nêu lên trường hợp giáo dân Nguyễn Hữu Danh bị đánh đến chết trong vụ cưỡng chế đất sai trái này. Nạn nhân Trần Tiến nói trong buổi điều trần:
“Tôi tha thiết xin quý vị lên tiếng yêu cầu chính quyền Việt Nam chấm dứt ngay mưu toan xóa sổ giáo xứ của chúng tôi; chấm dứt việc tra tấn đánh đập bạo hành của công an; và nhất là chấm dứt việc tịch thu tài sản của công dân. Một lần nữa xin chân thành cảm ơn quý vị đã cho tôi có cơ hội lên tiếng cho đồng bào của tôi với tư cách là một người trong đất nước tự do”.
Dân biểu Chris Smith (giữa) tại buổi điều trần về tình hình nhân quyền Việt Nam diễn ra ở văn phòng quốc hội Hoa Kỳ hôm 11/4/13. RFA photo. |
Cô Danh Hui, đại diện cho 15 cô gái nạn nhân trong vụ buôn người ở Nga có sự tiếp tay của các quan chức ngoại giao Việt Nam. Cô Danh Hui cho biết cuộc giải cứu 15 nạn nhân do cảnh sát Nga thự hiện bị trở ngại vì bà chủ chứa Nguyễn Thúy An được được các nhân viên thuộc cơ quan ngoại giao Việt Nam ở Nga thông báo trước. Cô Danh Hui nói lời cảm ơn các cơ quan truyền thông quốc tế cũng như Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã góp phần vào việc cứu giúp các em. Cô Danh Hui phát biểu:
“Tôi hy vọng sau buổi điều trần này quý vị sẽ lên tiếng để cứu 8 em nạn nhân đang bị giam giữ ở Nga sớm được trở về sum họp với gia đình và bắt bà chủ nhà chứa ra chịu tội trước pháp luật, không để bà ta hoành hành hại người nữa. Hiện nay Hương và 6 em khác đã hồi hương, đang cần sự giúp đỡ và bảo vệ. Hiện nay Hương đang gặp tình trạng rất nguy hiểm, không dám trở về nhà để tìm việc làm mà phải lẩn trốn ở Sài Gòn bởi vì bà chủ nhà chứa hăm dọa sẽ cho người tìm và hại các em không để các em sống yên thân. Xin hãy nghĩ đến họ cũng như chính là con gái của quý vị”.
Kêu gọi gia tăng sức ép
Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Quyền làm người Việt Nam, ông Võ Văn Ái lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ cần có những hành động để đảm bảo Việt Nam “không sử dụng cuộc đối thoại nhân quyền như tấm chắn để lung lạc sự kiểm tra quốc tế trước những cuộc đàn áp tôn giáo và vi phạm nhân quyền thái quá”. Trong phần khuyến nghị ông Võ Văn Ái nhấn mạnh về yêu cầu Hoa Kỳ đặt VN trở lại trong danh sách CPC cũng như không hậu thuẫn cho Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 nếu Việt Nam chưa có cải tiến nhân quyền thật sự.
Trả lời phỏng vấn của đài RFA sau cuộc điều trần, chủ tọa Chris Smith cho biết:
“Chúng tôi sẽ gia tăng sức ép lên chính phủ Việt Nam để họ làm điều đúng đắn. Hiện chúng tôi có hai luật, luật bảo vệ nạn nhân của nạn buôn người, mà chính phủ Việt Nam đã vi phạm. Các biện pháp chống lại việc buôn bán nô lệ, sự phức tạp nhân sự trong chính quyền Việt Nam trong nạn buôn người cho mãi dâm, chính phủ Mỹ phải trừng phạt họ về các vấn đề đó. Vấn đề thứ hai là tự do tôn giáo, đây là lúc cần đặt Việt Nam trở lại CPC. Có 18 vụ việc có thể đặt dưới luật Tự do tôn giáo. Chúng tôi cố vận động cho tự do tôn giáo ở Việt Nam. Sự tái phạm của Việt Nam về các vấn đề nhân quyền phải được ghi nhận bởi tổng thống Obama, bộ trưởng Kerry, Thượng viện, các quốc gia tôn trọng nhân quyền. Chúng tôi muốn cả Việt Nam phải nận biết điều đó, bà chúng tôi nói rằng chúng tôi không thể chịu đựng nữa sự im lặng vô cảm.”
Đại diện Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - Human Rights Watch, ông John Sifton nói rằng Việt Nam nên khôn ngoan cần phải cải tiến tình trạng vi phạm nhân quyền ở đất nước họ, chấm dứt vi phạm luật nhân quyền thế giới. Việt Nam nên theo trào lưu chung khi Miến Điện đã thay đổi, cả thế giới đã đổi thay về hướng dân chủ, nếu Việt Nam không muốn bị tụt hậu và Đảng cầm quyền không muốn bị loại trừ.
Hòa Ái tường trình từ Quốc Hội Hoa Kỳ.
*
Cựu DB Cao Quang Ánh
mong muốn cải thiện nhân quyền VN
Vũ Hoàng, phóng viên RFA
Trong tuần này, nhiều tổ chức tôn giáo và đoàn thể người Việt hải ngoại từ mọi nơi về thủ đô Washington DC để vận động với hành pháp và điều trần trước Quốc hội về tình trạng nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vũ Hoàng thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây với cựu dân biểu Cao Quang Ánh.
Cựu DB Cao Quang Ánh đang phát biểu tại cuộc họp báo trước Trụ Sở Quốc Hội Hoa Kỳ sáng 10/4/2013. RFA photo |
Vũ Hoàng: Thưa quí khán thính giả của đài ACTD, chúng tôi rất hân hạnh được gặp cựu dân biểu Cao Quang Ánh, để nói về tình hình dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam. Thưa dân biểu, ông có thể đánh giá một cách tổng quan về tình hình này tại Việt Nam được không ạ?
D.B Cao Quang Ánh: Như quý vị biết, trong vài năm qua, tình hình này ở trong nước Việt Nam thay vì tiến lên như những nước văn minh khác, Việt Nam lại đi ngược lại trong vấn đề nhân quyền và dân chủ, cũng như tự do tôn giáo. Nếu chúng ta để ý tới sự đàn áp của Giáo xứ Cồn Dầu, ở Đồng Chiêm và ở rất nhiều những khu vực khác, cộng với sự đàn áp của những tôn giáo như Hòa Hảo, hoặc của những người phật giáo… chúng ta thấy rằng quốc hội và những nước văn minh khác cần phải lên tiếng trước những sự vi phạm này, nhất là chúng tôi có những bằng chứng về cộng sản Việt Nam đứng sau những công ty gửi những phụ nữ Việt Nam qua những công ty của Nga, trong điều chúng ta gọi là “buôn bán tình dục.” Vũ
Vũ Hoàng: Hiện ông đang sống ở một nước dân chủ, tự do, vậy khi nhìn về Việt Nam, những biện pháp gì theo ông để cải thiện những tình hình mà ông vừa trình bày?
D.B Cao Quang Ánh: Vâng, trong vấn đề tranh đấu nhân quyền cho Việt Nam, sự vận động thay đổi cho xã hội Việt Nam, chúng ta thấy là sự tranh đấu này cần một đường lối lâu dài, không thể có sự thay đổi trong vòng một ngày, một tháng hay một năm. Nhiều người như T.S Nguyễn Đình Thắng đã tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam hơn 20 năm, riêng tôi cũng hợp tác với anh Thắng mười mấy năm nay, nên chúng tôi biết việc làm này đòi hỏi sự đóng góp trong thời gian khá lâu, không phải chỉ riêng của chúng tôi mà chắc chắn, cùng với tất cả mọi người trong cộng đồng chúng ta trong nước Mỹ này.
Dần dần chúng ta cũng thấy sự thay đổi, mặc dù cũng chậm trễ, chúng ta để ý thấy là trong mấy tháng vừa rồi Hội đồng giám mục Việt Nam và những người lãnh đạo của tất cả những tôn giáo khác bắt đầu lên tiếng đòi hỏi sự thay đổi hiến pháp cho nước Việt Nam, trong đó có sự đòi hỏi là phải có vấn đề đa đảng giống như bên Mỹ, không có một đảng độc quyền vì độc quyền trở thành độc tài, chúng ta thấy Việt Nam là một xã hội độc tài rồi. Trong vấn đề đất đai, bao nhiêu năm qua, cộng sản Việt Nam đã lấy đất đai của các tôn giáo cùng với những công dân Mỹ bất hợp pháp.
Hội đồng Giám mục Việt Nam cũng như những tôn giáo khác đòi hỏi đất bây giờ không thuộc về Nhà nước, đất đai thuộc về dân chúng Việt Nam. Từ trước đến nay đất đai thuộc dân chúng Việt Nam, nhưng từ khi đảng CS cầm quyền thì chuyện đó thay đổi, không phải là chiều hướng tốt mà là chiều hướng xấu như sự hối lộ, tham nhũng… Một xã hội văn minh không thể nào chấp nhận chuyện này được, nếu Việt Nam tự gọi Việt Nam là một xã hội văn minh thì Việt Nam phải cần thay đổi, phải thay đổi theo đường hướng dân chủ, phải cho dân chúng quyền lợi phát biểu tự do, tập họp tự do, quyền lợi bảo vệ tài sản riêng của mình, quyền lợi lên tiếng cho những ý nghĩ của mình. Đó là điều kiện của một xã hội văn minh.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối cùng chúng tôi muốn biết là hôm nay trong cuộc vận động về dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam, thì điều gì là dân biểu mong muốn nhất?
D.B Cao Quang Ánh: Ngày hôm nay là một trong những bước đầu tiên của hành trình mà chúng tôi định đưa ra trong vài tháng tới, buổi điều trần hôm nay là để cộng đồng chúng ta đưa ra những vi phạm của Việt Nam, đòi hỏi Quốc hội phải thông qua Đạo luật Nhân quyền cho Việt Nam và Vietnam Sanction Act (đạo luật Cấm vận Việt Nam) bởi ông Ed Roy. Đó là 2 điều luật chúng ta muốn thông qua quốc hội và hi vọng sẽ được thành luật.
Một điều nữa mà chúng tôi muốn đưa ra cho bộ ngoại giao Mỹ trong mối quan hệ bang giao giữa Mỹ và Việt Nam là Việt Nam chưa có đủ điều kiện để trở thành hội đoàn ở trong Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Bởi chúng ta thấy sự vi phạm tôn giáo, nhân quyền trong những vấn đề liên quan đến luật lao động, Việt Nam chưa thay đổi đủ để thành một quốc gia có đủ điều kiện tham gia vào chương trình TPP.
Hi vọng trong những ngày tới chúng tôi vận động Bộ ngoại giao cũng như những người phụ tá của ông Obama để ngăn cản hoặc rời lại những vấn đề, lịch trình để đưa Việt Nam tham gia vào hệ thống TPP hay là được hưởng những quyền lợi trong chương trình đó. Hi vọng trong buổi vận động này, chúng tôi sẽ thành công trong những điều vừa trình bày.
Vũ Hoàng: Xin cám ơn quý thính giả của Đài ACTD và cựu dân biểu Cao Quang Ánh rất nhiều đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn đặc biệt ngày hôm nay.