Nhà Nước Tận Thu & Nhân Dân Tận Diệt
Tỉ lệ thuế và phí dân VN phải chịu đóng/GDP cao từ 1,5 đến 3 lần các nước trong khu vực là để nuôi tới 3 bộ máy chồng chéo chéo chức năng, nhiệm vụ với nhau: đảng cộng sản, chính phủ, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội trong Mặt trận tổ quốc từ TW tới địa phương.
Mai tôi ra đi chắc Cambodia mưa …
Mưa thì mưa chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào cũng phải xa nhau ..
Tui cũng thơ thẩn vài câu cho ông Nguyên Sa vui lòng (nơi chín suối) chớ chuyến này “xa nhau” luôn cũng được, cũng không có gì đáng tiếc. Sau hai mùa nắng (như đổ lửa) và hai mùa mưa (như thác đổ) tui đã ớn cái xứ Chùa Tháp này tới tận ngón chân út của mình rồi.
Từ phòng đợi của phi trường Pochentong, nhìn Nam Vang ảm đạm trong bầu trời xám xịt (nói thiệt) tôi cũng cảm thấy có hơi ái ngại nhưng tiếc thương hay vương vấn thì không. Nhất định là không.
– Adieu Phnom Penh!
Tôi vừa thầm thì lời từ giã xong thì một cậu nhỏ bán báo (bất ngờ) xuất hiện, miệng liếng thoắng:
– The Cambodia Daily! The Cambodia Daily! The Cambodia Daily!
Còn báo chí mẹ rượt gì vào giây phút giã từ này nữa, cha nội? Nói “vĩnh biệt” rồi là kể như hết chuyện. Từ nay, đường ai nấy đi; tiền ai nấy xài; hồn ai nấy giữ. Bận lòng chi nữa lúc chia phôi ?
Đã định lắc đầu nhưng cái tựa bản tin nơi trang nhất (“Hun Sen Announces Broad Cuts of Petty Taxes”) khiến tôi đổi ý:
“The country’s lower class will receive a series of tax breaks starting in 2016, Prime Minister Hun Sen announced Thursday, with tariffs on motorbikes, tuk-tuks and farm machinery to be waived, along with fees at stalls in state-owned markets. “From next year onward, the road tax for motorbikes, tuk-tuks and agricultural machinery such as tractors, tillers and boats will no longer be charged,” he said. “It will be cut off.”“Từ năm tới, xe gắn máy, xe tuk-tuk, xe máy cầy, ghe thuyền sẽ không phải chịu thuế nữa,” ổng nói vậy đó. “Sẽ bỏ luôn.”
Trời, sao cái thằng cha Thủ Tướng Hunsen này bảnh dữ vậy cà? Tôi chưa bao giờ nghe ông Phạm Văn Đồng, Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải “tuyên bố” một câu ngon lành (bằng một phần ngàn) cỡ đó. Và qua tới “trào” ông Nguyễn Tấn Dũng thì chuyện thuế phí khiến cho cả nước đều muốn “trào máu họng” luôn:
NLĐ: Phí chồng phí.VOV: Ra ngõ gặp trạm thu phí.MTG: Kỷ lục khó phá: Gần 10 cây số có 5 trạm thu phí.VOVGT: Bức xúc thu phí, tài xế dàn xe chặn huyết mạch Tây Bắc.TTO: Lệ phí đăng ký mới ôtô tại TP.HCM tăng lên 11 triệu đồng/xe, gấp 5,5 lần so với trước.BVSC: Vận tải biển – Đang khó khăn lại còn tăng phí.TTO: Hầm chưa xong đã thu phí: hàng triệu lượt xe khi đi qua đèo Cả phải chấp nhận đóng một khoản phí đường bộ hết sức vô lý khi hầm đường bộ đèo Cả chưa đưa vào khai thác.BAB: Tăng phí công chứng các loại hợp đồng.ĐSPL: Hà Nội tăng phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô bắt đầu từ tháng 9.V.J.T : Phí tham quan Vịnh Hạ Long sắp tăng gấp đôi.
Riêng chuyện “tăng phí tham quan” khiến tôi nhớ đến sự phẫn nộ của dân bản địa, ở khu du lịch Đambri. Ông K’Vếu, một người K’Ho gần 70 tuổi, đến từ huyện Bảo Lâm trút bầu tâm sự:
Ngọn thác Đambri hùng vĩ này đã ngàn đời nay thuộc về tổ tiên chúng tôi, thuộc về cha ông chúng tôi, thuộc về chúng tôi. Vùng đất Đambri xinh đẹp này đã ngàn đời nay là của chung các tộc người K’Ho, Châu Mạ. Trước đây, chúng tôi tự do vào ra Đambri, tự do hẹn hò ở Đambri, tự do tổ chức các ngày lễ ở đây, tự do đốt lửa rồi nhảy múa ca hát và uống rượu cần ở đây….Thật đau xót và cay đắng. Họ đột ngột xuất hiện, và xây dựng lên ở Đambri này một khu du lịch mà không hỏi chúng tôi lấy một tiếng, không xin phép tổ tiên chúng tôi, ông cha chúng tôi và dĩ nhiên là cả chúng tôi nữa. Giờ đây, chúng tôi chỉ là những vị khách xa lạ trên mảnh đất đã từng rất thân quen và gắn bó với chúng tôi. Và, buồn đau thay, chúng tôi phải mua vé để chiêm ngưỡng và tận hưởng những vẻ đẹp đã từng thuộc về chúng tôi. Chúng tôi mất và họ được. Mất mát của chúng tôi quá lớn... (“Nỗi Buồn Đambri” – Tâm Don).
Tác giả bài báo thượng dẫn cũng cho độc giả biết thêm đôi chút kinh nghiệm của ông, về chuyện thu phí, khi đi du lịch ở nước ngoài:
Quần thể di sản văn hóa của nhân loại Angkor ở tỉnh Seam Reap, Cambodia là một quần thể di tích có một không hai trên thế giới. Chính quyền vương quốc Cambodia đã giao quyền bảo quản và khai thác quần thể di sản này cho một công ty tư nhân có ông chủ là một người Cambodia gốc Việt.Vé vào tham quan quần thể di sản này rất cao. Nhưng điều lạ lùng là, trước cổng mua vé luôn có tấm bảng có dòng chữ: MIỄN PHÍ CHO NGƯỜI CAMBODIA. Người hướng dẫn viên du lịch người Cambodia gốc Việt giải thích cho những du khách Việt Nam: Miễn phí vé cho người Cambodia là một điều hoàn toàn đúng, hoàn toàn hợp tình thấu lý. Quần thể di sản Angkor là di sản của đất nước Cambodia, là thành tựu chung của người Cambodia...
Những người dân Châu Mạ, K’Ho – hy vọng – sẽ bớt “buồn đau” phần nào nếu biết rằng chuyện “tận thu” không chỉ xẩy ra ở Đambri. Đây là chủ trương xuyên suốt của Nhà Nước từ tuốt miền ngược xuống đến miền xuôi, không sót một nơi nào.
Báo Người Lao Động, số ra ngày 11 tháng 8 năm 2015, kêu Trời:
“Đừng ‘siết’ nữa, dân khổ lắm rồi! Dự thảo với hơn 1.000 loại phí và lệ phí về nông nghiệp vừa được trình lấy ý kiến của Quốc hội làm cho bất cứ ai cũng phải giật mình. Nếu cứ mạnh tay thu phí như thế này thì người dân sẽ kiệt quệ và chẳng mấy lúc chẳng còn gì để thu.”
Theo nguyên văn lời của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì chế độ hiện hành đã chuyển hướng từ “tận thu” sang “tận diệt.” Cách nói của bà khiến tôi liên tưởng đến chhuyện bắt cá (bằng điện) rất phổ biến hiện nay của người dân Việt. Họ kích điện bằng tay trong những cánh đồng hoặc sông rạch nhỏ, hay bằng ghe có hai gọng lưới trên những dòng sông lớn.
Dù giữa Biển Hồ hay trong những sông rạch lớn/nhỏ đan xen khắp xứ, tôi không hề thấy kiểu bắt cá “tân kỳ” như thế ở đất Chùa Tháp. Người Khmer không kiếm sống bằng cách tận diệt nguồn cá, và hủy hoại môi sinh. Chính phủ ở đất nước này cũng biết khoan sức dân nên không chủ trương tận thu thuế má.
Ngày 23 tháng 10 vừa qua, Hunsen đã tuyên bố cắt những khoản thuế lặt vặt đánh vào xe gắn máy, xe tuk-tuk, xe máy cầy, ghe thuyền…
Ở Cambodia, ít nhiều, dân chúng (cũng như những kẻ đang nắm quyền) vẫn còn đặt niềm tin vào tương lai của chế độ và đất nước. Niềm tin này, rõ ràng, không có ở Việt Nam.
Cách đây chưa lâu, tôi nghe nhà báo Huy Đức bầy tỏ nỗi băn khoăn: “Bao giờ bằng được Campuchia?” Câu hỏi của ông e sẽ không có lời giải đáp vì dân Việt không chung hướng đi với toàn thể nhân loại.
Việt Nam hiện có khuynh hướng bước lùi. Giới lãnh đạo đang hối hả vơ vét hay ra sức tận thu, và dân chúng thì cố sức tận diệt (bất chấp sự hủy hoại môi sinh) để đáp ứng nhu cầu bức thíết cho cuộc sống hàng ngày.
Tình trạng đất nước, tuy thế, vẫn chưa lấy gì đáng lo cho lắm – theo ý kiến của TS Vũ Minh Khương:
“Khó khăn trong quyết định của mỗi người chúng ta hôm nay không phải là làm cách gì để đất nước tiến lên mà là làm gì để chúng ta không lùi tiếp nữa, bởi đường lùi của chúng ta còn rộng rãi thênh thang lắm.”“Ông cha chúng ta để lại cho chúng ta đất đai ở vị thế đẹp và nhiều tài nguyên quý giá. Thế giới lại thương cảm chúng ta đã trải qua những cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế hệ chúng ta chỉ cần cho nhượng thuê đất trong các dự án đầu tư dễ dãi, bán tài nguyên, và vay nợ quốc tế cũng đủ sống xênh xang được 20-30 năm nữa. Ta nhượng đất của ông cha làm sân golf và dân ta sẽ không thể đói nhờ nghề nhặt bóng và đánh giày…”
Tôi thực sự tán thưởng sự lạc quan của T/S Vũ Minh Khương, dù tự thâm tâm vẫn lo ngại rằng người Việt khó mà “sống xênh xang được được 20-30 năm nữa” – nếu vẫn tiếp tục phải chịu đựng cảnh một cổ ba tròng, và tình trạng tận thu cũng như tận diệt không chấm dứt nay mai.
Tưởng Năng Tiến