Vũ Đăng Khuê
Suốt tuần lễ đầu tháng 2, song song với những bản tin tường trình liên tục về thế vận hội mùa đông Sochi tổ chức tại Nga, nơi mà 113 tuyển thủ Nhật Bản mong là “sẽ” làm nên lịch sử: tối thiểu cũng phải hơn 10 huy chương mà “đa số” là huy chương vàng, nhưng cuối cùng vẫn không thể, chỉ được 8 trong đó chỉ có 1 vàng, 4 bạc, 3 đồng, thì truyền thông Nhật cũng nhắc đi nhắc lại một loạt tin tức thuộc loại “đã” vượt “quá xa” lịch sử: một “quả lừa vĩ đại” ròng rã suốt 18 năm của….
Beethoven thời đại
Mamoru Samuragochi (50 tuổi), “nhân vật chính của giai đoạn lịch sử 1996-2013” sinh trưởng tại Hiroshima, con một gia đình nạn nhân của bom nguyên tử 1945 có “giấy chứng nhận đàng hoàng”. “Người” cao cao dáng đầy nghệ sĩ, có mái tóc dài đến chấm vai, ăn nói nhỏ nhẹ… trông rất ư là hiền triết, “người” đã từng được tuần báo Time năm 2001 tặng danh hiệu “Beethoven thời đại” vì dù mất hoàn toàn thính lực, nhưng “người” đã làm Nhật Bản nở mày nở mặt qua nhiều tấu khúc cổ điển do chính “người” sáng tác.
Theo trang web của “người” và sự quảng cáo rầm rộ của giới truyền thông nặng ký thì “người” có năng khiếu đặc biệt khác thường, say mê những giòng nhạc cổ điển khô khan từ lúc còn “tấm bé”, được mẹ dạy piano khi mới bốn tuổi và đã chơi không vấp váp những tấu khúc của Beethoven và Bach từ năm lên 10. Năm 18 tuổi, người rời Hiroshima “thượng kinh”, tự học nhạc lý, có khả năng soạn nhạc, hòa âm, rành cách sử dụng và phối hợp các nhạc khí. “Người” tâm sự: tôi không thích soạn nhạc theo kiểu hiện tại nên không muốn vào đại học âm nhạc, tôi đã dành thời giờ vừa đi làm lao động vừa tiếp tục viết nhạc theo ý của mình. Công việc sau cùng của “người” là phụ trách phần nhạc nền cho phim ảnh trẻ em, game điện tử.
Đến năm 1996, khi được 35 cái xuân xanh thì tai bị “điếc”, “người” phải đi học khóa “hội thoại bằng tay”, muốn nói chuyện với ai phải qua thông dịch, được thành phố Yokohama công nhận và cấp “chứng minh thư điếc…. cấp 2” (cấp cao nhất, xe điện có chạy ngay trên đầu thì cũng chẳng nghe được gì). Tuy “điếc”, nhưng “người” vẫn có những tấu khúc để đời nhờ vào thiên khiếu trời cho mà chỉ “người” mới có: "Tôi đi tìm những “âm cảm chính xác” trong vùng tối ….của âm thanh”.
Chứng minh thư điếc cấp 2 |
Cũng theo “người” tiết lộ thì cho đến năm 2000, “người” sáng tác được 12 tấu khúc giao hưởng, nhưng người đã “hủy bỏ” tất cả và làm lại từ đầu sau khi bị điếc. “Bản Giao hưởng Hiroshima Số 1” đầu tiên dựa theo cấu tưởng “Bản giao hưởng số 1” của chính “người” khi “người” mới 17 tuổi, tấu khúc này biểu hiện “quang cảnh” 20 phút sau khi bom nguyên tử rơi xuống Hiroshima vào tháng 8/1945. Ra mắt chính thức vào năm 2008 đã đạt kỷ lục chưa từng có với hơn 180.000 CD được bán ra.
Nhạc của “người” được các dàn oschetra danh tiếng sử dụng trong những lần…. lễ lớn, “người” được mời đi khắp nơi dù chỉ…. ngồi cho có mặt, khi dàn nhạc hòa tấu xong thì “người” đứng dậy…. chào khán giả bằng lời tâm sự: “Trời ơi, tôi rất muốn nghe các tấu khúc của tôi” khiến ai nấy đều rưng rưng cảm động vì xót thương cho một nhạc sĩ khuyết tật không nghe được những gì do chính mình viết ra..
Thuận buồm xuôi gió suốt 17 năm, đến năm thứ 18 thì thuyền gặp….. bão to gió lớn khiến
“Beethoven thời đại” bị lật tẩy:
Ông Niigaki Takaashi - tuyển thủ trượt băng Takahashi Daisuke |
Trong khi dư luận đang bàng hoàng khi nghe lời thú nhận này thì ngày 6 tháng 2, trước hàng trăm ký giả báo chí, truyền hình, một giáo sư âm nhạc tên Niigaki Takaashi (43 tuổi) đã họp báo công bố tất cả về “cú lừa lịch sử” này.
Mời quí vị theo dõi bản tóm tắt tổng hợp phần của cuộc họp báo và phần trình bày của ông Niigaki với tờ Shukan Bunshun số ra ngày 13/2 dưới dạng hỏi đáp
Hỏi: Xin cho biết lý do ông công bố những sự thật?
Đáp: Khi nghe tin tuyển thủ trượt băng nghệ thuật Takahashi Daisuke chọn bản “Violin no tame no Sonanechi” (Tấu khúc cho Vĩ cầm) làm nhạc nền cho phần thi đấu của mình tại Thế Vận Hội Mùa Đông Sochi. Sau nhiều cân nhắc, tôi quyết định công bố và xin lỗi mọi người vì tôi cũng là tòng phạm. Dù tuyển thủ Takahashi có bị shock khi nghe sự thật này còn hơn mai này khi đổ bể, thế giới sẽ lên án về sự lừa bịp của Nhật Bản. Tôi muốn tuyển thủ Takahashi biết trước và chọn cho mình thái độ biểu diễn.
Hỏi: Ông gặp Samuragochi trong trường hợp nào?
Đáp: 18 năm trước (1996) qua một người bạn, tôi gặp Samuragochi lúc đó đang phụ trách phần nhạc nền cho các phim truyện, game điện tử. Samuragochi ngỏ ý muốn tôi giúp trong công việc này, tôi nhận lời với tư cách là một ghost writer (người viết lại thành bản nhạc theo chỉ thị của nhạc sĩ chánh). Là một người viết “mướn”, tôi không thắc mắc gì về cách quảng bá hay sử dụng những bản nhạc dù chính tay tôi viết, vì cứ xong 1 “công việc” thì tiền trao cháo múc, hoàn toàn sòng phẳng.
Hỏi: ông đã viết cho ông này bao nhiêu bài và thù lao thế nào?
Đáp: Khoảng hơn 21 bài và thù lao trên dưới 7 triệu yen (70,000 mỹ kim)
Hỏi: Hai ông gặp nhau “bàn bạc” ra sao?
Đáp: Chúng tôi gặp nhau trao đổi về “đơn đặt hàng” rất bí mật, không bao giờ có người thứ ba hiện diện.
Hỏi: Ủa ông Samuragochi điếc mà?
Đáp: Từ lúc gặp ông ấy cho tới nay, không bao giờ tôi nghĩ là ông ấy điếc cả.
Hỏi: Ông có thể cho biết cụ thể?
Đáp: Sau khi soạn xong những đoản khúc ông ấy nhờ, tôi thu lại bằng tiếng piano và cho ông ấy nghe để ông ấy cho ý kiến.
Hỏi: Thế là ông ấy “giả dạng” điếc à?
Đáp: Đúng thế.
Hỏi: Trong những lần xuất hiện trên TV, ông ấy thường có những cử chỉ như điếc thật, có phải ông ta đóng kịch không?
Đáp: Tôi nghĩ là như vậy
Hỏi: Năm 2006, ông này có soạn rồi gửi một tấu khúc đến dàn nhạc của một trường trung học. Ông có biết không?
Đáp: Tôi biết, vì tôi viết tấu khúc này.
Hỏi: Ông cho biết cụ thể hơn.
Đáp: Ông ấy nói có một cố vấn của một dàn nhạc trường trung học đệ nhị cấp liên lạc, và muốn là có một tấu khúc cho trường và ông ấy nhờ tôi.
Hỏi: Ông ấy có đưa ra một lời yêu cầu nào về tấu khúc không?
Đáp: Không, tự tôi viết sau khi chính tôi liên lạc với người trách nhiệm dàn nhạc của trường.
Hỏi: Ông có biết gì về tấu khúc nổi tiếng “Bản Giao hưởng Hiroshima Số 1” được giới thiệu năm 2008 không?
Đáp: Năm 2003, ông ấy đưa tôi một “bản thiết kế” nhờ tôi viết một tấu khúc giao hưởng lúc đó có tên “Gendai Tenrei” (Hiện đại điển lễ). Hoàn thành xong, rồi chả thấy ông ấy nhắc nhở gì đến nữa, đùng một cái thì thấy năm 2008 tấu khúc này đã xuất hiện với cái tên“Bản Giao hưởng Hiroshima Số 1”. Sau đó lại trở thành khúc nhạc tưởng niệm dưới tên gọi "Bản giao hưởng của Hy vọng" trong chương trình của đài NHK khi ông ta viếng thăm vùng Tohoku bị sóng thần tàn phá hồi năm 2011.
Bản thiết kế |
Hỏi: Tháng 1 năm nay, ông này có hứa là sẽ hoàn thành một tấu khúc tưởng niệm 3 năm ngày động đất (11/3/2014) theo “đơn đặt hàng” của thị xã Motomiya tỉnh Fukushima, ông có biết chuyện này không?
Đáp: Lần đầu tiên tôi mới nghe chuyện này.
Hỏi: Ngoài ông ra có một ghost writer nào khác không?
Đáp: Tôi nghĩ là không vì tất cả các tác khúc mà ông ấy công bố đều do tôi viết.
Hỏi: Trình độ nhạc lý của ông này ra sao?
Đáp: Ông này không viết nhạc lý được và trình độ piano thì thuộc loại….. “sơ bộ”.
Hỏi: Có bao giờ ông ngăn cản ông này không nên làm như thế nữa không?
Đáp: Từ tháng 5 năm ngoái, tôi đã khuyến cáo rất nhiều lần với ông ta là nên ngưng “trò lừa dối” này. Lần cuối cùng là ngày 15/12 năm ngoái, tôi gặp ông ấy tại nhà riêng ở Yokohama và nói là tôi xin chấm dứt vai trò ghost writer, nhưng ông này không bằng lòng. Vài ngày sau tôi nhận được mail: “nếu ông không tiếp tục giúp, tôi và vợ tôi sẽ…. tự sát”.
Hỏi: Ông nghĩ thế nào về những tài chánh mà ông này có được sau khi công bố những “đại tác khúc”? Ông có dự định đòi lại bản quyền không?
Đáp: Ông ấy nhờ, tôi làm và nhận tiền đầy đủ, tôi không liên quan hay bất mãn gì về vấn đề tác quyền hay tiền bạc gì cả.
Hỏi: Ông có điều gì nói với ông này không?
Đáp: Ông này đã phá vỡ niềm mơ ước của rất nhiều người. Chuyện chúng tôi gặp nhau và “làm việc” với nhau quả là một điều sai lầm
---------------------
Vài ngày sau 12/2, qua luật sư, “Beethoven dỏm” đã viết một bức thư tay dài 8 trang gửi đến báo chí. Hắn thú nhận hầu hết những gì ông Niigaki nói là đúng sự thật, và xin lỗi mọi người vì sự lừa bịp của mình. Chỉ có một điều hắn “không đồng ý” với ông Niigaki là chuyện “điếc”. Hắn viết: “Tôi bị điếc thật….. tuy nhiên từ 3 năm trước tai tôi đã từ từ nghe lại được”
Về chuyện “điếc” thì các bác sĩ chuyên môn cho biết: xác suất từ việc mất thính lực hoàn toàn rồi hồi phục trở lại hầu như không có nếu không qua một cuộc giải phẫu, nhưng chả nghe thấy hắn nói gì về giải phẫu hay giải phiếc gì cả.
Cuối cùng trong lá thư hắn viết: Tôi thề với trời đất tất cả những gì tôi nói là sự thật và xin có dịp chính thức gặp gỡ để xin lỗi quí vị trong một ngày gần đây.”.
Không biết “một ngày gần đây” hay “một ngày rất xa”, chắc là chả ai tin lời thề này. Đây chỉ cách nói cho qua cơn bỉ cực để đợi tiếp… nhưng cơn bỉ cực khác đã, đang, sẽ dồn dập tới như bị tước quyền thị dân danh dự Hiroshima, bị đưa ra tòa về những thiệt hại của các công ty đĩa nhạc, quảng cáo cho những show trình diễn ….., và sẽ chẳng bao giờ đến hồi thái lai được.
Tin tức về “Beethoven dỏm” này vẫn được báo chí tiếp tục khui ra, kể ra thì lê thê lắm, có thể tóm tắt trong vài chữ: người mang hai giòng máu “nổ-bịp” từ lúc “mới lớn” đến khi “nên người”.
Xin ngưng ở đây để đi làm chuyện khác.
Vũ Đăng Khuê