Dư Âm Năm Cũ
Tháng 9 năm 1975, Lý Chánh Trung được mời tham dự Hội Nghị Hiệp Thương Thống Nhất. Chuyến đi này đã được ghi lại, với rất nhiều hào hứng:
“Ra Bắc, gặp một cô lái đò, cô hỏi: có phải là giáo sư Lý Chánh Trung không? Đúng là tôi. ‘Trước 1975, cháu có đọc nhiều bài viết của chú, cháu thích lắm…’“Lý Chánh Trung tấm tắc đưa ra nhận xét: Trình độ văn hóa ngoài Bắc cao. Chiến tranh như thế mà một cô lái đò cũng tìm đọc Lý Chánh Trung ở trong Nam…” (Miền Đất Lạnh– Nguyễn văn Lục, ĐCV).
Trước Lý Chánh Trung, Trần Vàng Sao cũng đã (lỡ) bước chân ra Bắc nhưng nhà thơ của chúng ta, xem ra, không được hào hứng như nhà giáo. Nhật ký của ông, có đôi dòng, khiến người đọc phải … buồn nôn:
“Nếu không có tài đánh giặc thì miền Bắc chỉ là một vũng nước bùn lộn cứt.”
Mươi, mười lăm năm sau, sau khi chuyện “giặc dã” đã qua, cái “vũng nước bùn miền Bắc” (ngó bộ) vẫn còn trộn lộn nhiều thứ không được thanh nhã gì cho lắm:
“Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, chứ đừng nói gì đến văn vẻ… Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ:- Nó rủ tao đi nhưng tao đ… đi.- Sáng nay mẹ mày qua xin lửa bố tao, bố tao đ… cho…”“Một cái gì đó đã phá vỡ lòng tin của con người rằng xã hội luôn luôn cố gắng đem lại sự tốt đẹp cho mình, và chính mình phải có bổn phận phải gìn giữ các công trình xã hội để mình và mọi người cùng hưởng. Người ta thẳng tay cắt dây điện để bán lấy chút tiền, có thể đốt hết một kho hàng hoá để phi tang cho một vật ăn cắp không đáng là bao… con người đối xử với xã hội thô bạo như vậy chỉ vì xã hội đã đối xử với họ tệ quá (Phạm Xuân Đài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ: Hoa Kỳ 1994, 32-33).
Và đến hôm nay, sau gần bốn mươi năm đất nước thống nhất (Nam/Bắc hoà lời ca) thì niềm tin đã hoàn toàn “cạn kiệt” – ở cả hai miền – theo như nguyên văn cách nói của tiến sĩ Giáp Văn Dương:
“Một trong những vấn đề lớn nhất mà xã hội này phải đương đầu là sự mất niềm tin trầm trọng. Niềm tin giữa người dân và chính quyền, giữa người dân và doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với nhau, tóm lại giữa người và người, và đặc biệt là niềm tin vào bản thân mình…Trong số những người tôi quen biết mỗi người chọn một cách phản ứng khác nhau. Nhiều người chọn sự cam chịu. Nhiều người lảng tránh, lảng tránh thực tại, lảng tránh nhìn vào mắt đối diện.Nhiều người giết thời gian trên bàn nhậu. Có tiền thì nhậu sang, ít tiền thì bình dân. Thanh niên ít tiền hơn thì giết thời gian trong các quán trà đá vỉa hè.Người không thích nhậu, hoặc không đủ sức để nhậu hoặc không có tiền để nhậu thì vùi mình vào các trang lá cải, mỗi ngày ngốn hàng chục bài tin tức, na ná như nhau vô thưởng vô phạt. Sau đó bức xúc một hồi, càm ràm hoặc nặng hơn là chửi đổng vài câu rồi lại vùi đầu đọc tiếp.Nhiều người bức xúc quá có phản ứng mạnh. Nhưng như con cá nằm trên lưới, càng giẫy giụa càng đau đớn. Nên sau mỗi hồi mệt mỏi cũng đến lúc nằm im “makeno”….
Tôi e rằng Giáp Văn Dương đã viết những dòng chữ thượng dẫn vào lúc ông đang buồn tình và giận người hay hận đời (đen bạc) chi đó, chớ “makeno” không phải là một quan niệm sống của tất cả mọi người dân Việt. Hãy nghe đôi lời chúc tụng rất “ấm áp,” vào dịp cuối năm – của của một ông nghè khác – tiến sĩ Trần Đăng Tuấn:
“Chỉ ít giờ nữa là bước vào năm Giáp Ngọ. Xin gửi lời chúc một năm ấm áp và nhiều niềm vui tới Đại Gia đình Cơm Có Thịt.Xin gửi tới bác gái tuổi đã cao ở phương Nam, cứ khi nào cần là lại hóm hỉnh “Có bà con đây!” với những đồng tiền ủng hộ từ lương hưu. Gửi tới bạn không ghi rõ tên, tháng nào cũng vậy, đều đặn gửi 50 ngàn đồng cho các bé vùng cao. Gửi tới những cô bé, cậu bé giúp các bạn từ tiền nuôi lợn tiết kiệm, tiền thưởng học giỏi…Gửi tới bạn nhắn tin: “Bây giờ em vừa mất việc, em sẽ không gửi đều được như trước. Có việc làm mới là em sẽ lại gửi đều đặn hàng tháng cho các em”. Gửi tới những người ghi tên và không ghi tên, có nhiều ủng hộ nhiều, có ít ủng hộ ít trong suốt năm qua.Gửi tới các bạn Đại sứ Cơm Có Thịt ở những nơi xa xôiGửi đến bao Tình Nguyện Viên đã lao động vất vả để mang lại nụ cưới của các bé nghèo vùng cao…Gửi đến bao thày cô giáo vùng cao – nhờ có các thày cô mà mỗi lớp học như bếp lửa hồng nơi giá rét. Gửi đến các bé vùng cao mà chúng ta rất yêu thương.Gửi đến tất cả lời chúc tốt đẹp nhất nhân mùa xuân mới đang đến...”
Bạn cũng có thể tình cờ đọc được những dòng chữ “ấm áp” khác – mộc mạc hơn nhiều – dán ở một góc đường nào đó, giữa phố phường Hà Nội:
Năm hết tết đến, khi mọi người đang quây quần bên nhau, cùng đi chơi, cùng ngắm pháo hoa và đón giao thừa bên gia đình thì đâu đó quanh ta vẫn còn những mảnh đời bất hạnh. Họ vẫn hàng ngày phải lang thang trên khắp các đường phố Hà Nội để mưu sinh, kiếm sống hàng ngày, để đến khi đêm về vẫn là những vỉa hè, những ghế đá, atm quen thuộc.
Giao thừa năm nay vẫn còn không ít những vô gia cư phải đón tết tại Hà Nội. Nhằm giúp đỡ và sẻ chia những khó khăn, tôi tổ chức đêm nhạc thiện nguyện với mong muốn có chút quà nhỏ gửi tới các cô chú, các bác vô gia cư trong đêm giao thừa .
Giá vé : 30.000 ( free 1 đồ uống )
Khách mời : Wind band
Thứ 2 ngày 20.01.2014 tại Q cafe số 32 Nguyễn Xiển.
Bắt đầu lúc 19h30.
Kết thúc : 22h30 .
Số tiền thu được sẽ dùng để mua bánh kẹo và làm lì xì.
Dự kiến :Lì xì : 40×50 = 2.000.000
bánh kẹo : 40×20 = 800.000
Các bạn đăng ký đi phát quà đêm giao thừa vui lòng SMS : 0963.98.91.98
Chúc các bạn năm mới an khang, thịnh vượng .
Những ngày cuối năm, khi đi lang thang trên net, tôi cũng gặp vô số những bạn trẻ đang “len lỏi nhiều tuyến đường, con hẻm để gửi tặng quà cho những cụ già, người lang thang trong đêm lạnh Sài Gòn.”
Và có lẽ món quà “ý nhị” nhất, trong những ngày cuối năm, đã được gửi đi qua “chiến dịch trao niềm vui – nhận nụ cười” của các thành viên của Câu Lạc Bộ Sư Tử Trẻ:
“Họ đã tặng hơn 800 bông hoa hồng, khoảng 200 chai nước cho những người nghèo, người bán hàng rong. Và món quà họ nhận lại là những nụ cười thật tươi, những ánh mắt cảm động của người dân. Niềm vui đó không chỉ hiện diện ở người được nhận hoa mà còn lan tỏa xung quanh, bất kỳ nơi nào mà các thành viên trong CLB trao tặng. Tất cả các thành viên đều mong muốn, sẽ mang lại niềm vui cho những người phụ nữ quanh năm mua gánh, bán bưng, họ hiếm khi nào nhận được một bông hoa.”
Nếu những “đốm lửa nhỏ nhoi” này (vẫn theo như nguyên văn cách dùng chữ của tiến sĩ Giáp Văn Dương) vẫn chưa làm bạn yên tâm thì xin thêm đọc thêm đôi ba dòng nữa, nóng bỏng hơn nhiều, qua FB:
“Chúng tôi đại diện cho Hội Bầu bí Tương thân, Diễn đàn Xã hội Dân sự và Phong trào Con đường Việt Nam đến thăm và tặng quà Tết tới một số gia đình tù nhân, cựu tù nhân chính trị khu vực phía Nam. Qua hoạt động này, nhóm Hội muốn gửi gắm tới gia đình lời động viên, chia sẻ và mong rằng người thân của các anh chị còn đang ở trong kia hãy ấm lòng lên một chút, ở nơi đây hay ở những nơi rất xa, chúng tôi – nhóm Hội và bạn bè của nhóm Hội – vẫn nhớ về họ, mong họ giữ gìn sức khỏe, sớm trở về với gia đình, bạn bè.”
Từ phương xa, dù sắp bước vào tuổi bát tuần, nhà báo Bùi Tín bỗng vui như tuổi thơ:
“Tết này cả một loạt tổ chức xã hội dân sự họat động sôi nổi, trong số đó có Hội anh em Dân chủ, Hiệp hội Dân Oan Việt Nam, Hội Ái hữu Tù Chính trị, Mạng lưới Blogger Việt Nam, Hội Bầu Bí tương thân, Những người bạn của Hoàng Sa – Trường Sa, Nhịp cầu Hoàng Sa, các đội bóng No-U… Trong lúc đó cả một phái đoàn khá hùng hậu và tiêu biểu tìm cách lọt được lưới công an sang tận châu Mỹ và châu Âu, vào Quốc hội Hoa Kỳ và sẽ sang Thụy Sỹ làm việc với cơ quan Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, gặp các nhà báo Việt Nam và quốc tế, đúng vào lúc việc VN vào khối kinh tế Xuyên Thái Bình Dương TPP đang được thương lượng trong phiên cuối, và cũng đúng vào lúc VN sắp bị sát hạch định kỳ về “hạnh kiểm nhân quyền” (UPR – Universal Periodic Review) vào ngày 5/2/2014 tới tại Genève, Thụy Sỹ...
Riêng tôi, dù mỗi năm một tuổi, dư âm rộn ràng của những ngày cuối năm qua khiến tôi cảm thấy mình rất yên tâm để già đi (thêm) tuổi nữa.
Tưởng Năng Tiến