Giám đốc Công an Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - phát động cuộc thi 'Công an Hà Nội vì nhân dân phục vụ - Vì thủ đô bình yên' và đã tìm được các bức ảnh để trao giải về “hình ảnh đẹp của công an”.
Liền sau đó video clip tố cáo hai Cảnh sát giao thông ở Đất Đỏ - Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chặn xe lập biên bản rồi ăn chặn tiền người vi phạm được tung lên mạng. Dù cho tờ Công an TPCHM đã ra tay cứu bồ bằng bài viết “Sự thật…”. Nhưng, ai mà chẳng biết cái sự thật đó là gì. Thỉnh thoảng, trên báo Công an xuất hiện những bài viết hô hoán là “sự thật” thì hãy hiểu rằng, sự thật ẩn giấu đâu đó xa xa. Cuối cùng dưới áp lực dư luận thì sau đó công an Bà Rịa – Vũng Tàu cũng đã phải đình chỉ công tác hai viên cảnh sát giao thông nói trên.
Mãi lộ, nếu không thì lấy ai làm việc?
Nạn mãi lộ ở Việt Nam nhức nhối và gây tác hại khủng khiếp cho tính mạng người dân, đó là việc mất an toàn giao thông, phá nát cơ sở hạ tầng mà cái phá nát lớn nhất lại là kỷ cương, luật pháp.
Chuyện cảnh sát giao thông nhận mãi lộ ở Việt Nam, xưa nay là chuyện “ắt, dĩ, tất, ngẫu” không cần bàn cãi. Nạn mãi lộ, tham nhũng cứ leo thang ngày càng cao theo những lời thề hứa, những chính sách, những chủ trương ngày càng ráo riết và tốn tiền dân của ngành công an.
Đến mức, báo chí đã có hàng loạt phóng sự, bài viết, ký sự… với rất nhiều đợt và rất cụ thể. Ngay từ thời ông Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng đã phải kêu lên “CSGT nào nhận 5 ngàn đồng từ lái xe, sẽ bị đuổi khỏi ngành”. Rồi khi Tổng cục Cảnh sát tổ chức các đoàn Kiểm tra Đặc biệt. Chỉ một thời gian ngắn, nhiều chiêu trò tham nhũng, hối lộ và nạn cướp cạn bị đưa ra trước công luận xã hội đã làm hoảng hốt nhiều người. Cứ tưởng tình hình vậy thì sẽ tốt hơn.
Nhưng rồi đâu lại có đó, tất cả vẫn như cũ. Đến mức, báo chí đã phải kêu lên rằng trò này còn “Ghê hơn cướp cạn” mà cũng ít thấy ai bị đuổi khỏi ngành bao giờ. Người ta có cảm giác nếu đuổi, nếu kỷ luật CSGT ăn mãi lộ thì “lấy đâu cán bộ mà làm việc”.
Chỉ có nhà báo viết những bài báo này thì hiện đang nằm trong nhà tù.Những hình ảnh mãi lộ tại Thanh Hóa do phóng viên Hoàng Khương của Báo Tuổi Trẻ thực hiện đầu tháng 9/2011. Ảnh: Báo Phụ nữ
Nguy cơ lộ sáng hình ảnh các “đầy tớ nhân dân”
Thế rồi mạng internet ra đời và các mạng xã hội đã phát huy tác dụng của nó là phản ánh sự thật cuộc sống. Hàng loạt thông tin, hình ảnh, video được đưa lên từ nhiều nguồn, từ báo chí và người dân. Từ cảnh ăn chặn tiền trắng trợn của người dân, đến ngang nhiên vi phạm luật pháp, vi phạm quy định, hống hách, hách dịch và hoạnh họe người dân nhằm kiếm tiền… Tất cả được phản ánh nhanh chóng trên mạng, trên các diễn đàn… nhờ các phương tiện ghi âm, ghi hình ngày càng đa dạng và phổ biến. Rồi những cảnh công dân vặn lại cảnh sát cố tình bắt lỗi khi họ không vi phạm thành bài học cho nhau. Vì thế việc bóp nặn và kiếm ăn càng ngày càng khó khăn hơn. Lúc đầu, thì công an đánh bài lờ.
Dù một cảnh sát có công phu, kín đáo ra sao đi nữa, thì việc nhận mãi lộ vẫn thường xuyên xảy ra trước mắt người dân, vì thế việc giấu nhẹm không phải dễ dàng. Đặc biệt là khi người dân cảnh giác. Bởi vì, nếu là báo chí nhà nước thì có thể nắm đầu Tổng Biên tập kiểm soát tin tức đưa lên báo là xong. Nhưng báo chí nhân dân thì không dễ dàng như thế.
Đến mức này thì công an cũng… hoảng.
Để đối phó với trường hợp này, nhiều chiêu trò đã được sử dụng. Từ việc dừng xe chỗ khuất, di chuyển địa điểm, đến việc cuộn tiền vào cây gậy chỉ huy giao thông ra sao, những cuộc điện thoại giải thoát cho con ông cháu cha, việc mua tuyến, bảo kê… tất cả đều được sử dụng thành thạo. Nhưng chưa đủ để chống lại con mắt nhân dân đang ngày càng cảnh giác khi mỗi người dân là một chiến sĩ thông tin nhờ các công cụ hiện đại và mạng internet.
Và những chiêu mới được bày ra.
Sài Gòn có chiêu “chống cãi cự CSGT” bằng những người không hề quen biết, không hằn thù với nạn nhân, tấn công họ những trận đòn nên thân, thậm chí là thiệt mạng sau khi cự cãi với CSGT (!). Nhiều nơi, cứ có chốt CSGT đóng để nhận mãi lộ, thì ở đó có đám cò mồi hoặc bặm trợn gây sự với lái xe, người có ý định quay phim, chụp ảnh. Mô hình này có tác dụng nhất định và đang được nhân rộng ra một số tỉnh phía Bắc. Tờ Thanh Niên viết “Thời gian gần đây, Báo Thanh Niên tiếp nhận nhiều đơn thư, phản ánh của người vi phạm giao thông bức xúc về việc họ bị xử “oan”, nhưng sau khi tranh cãi với CSGT thì đa phần là thua, thậm chí bị ăn đòn”.
Đấy là cách xử lý cấp thấp, còn ở cấp vĩ mô, ngành công an làm gì?
“Xử lý nghiêm” – lời nói của quan chức
Đó là câu cửa miệng kiểu “ơn Đảng ơn Chính phủ”. Bất cứ vụ việc tiêu cực nào, khi dính đến lực lượng công an, cảnh sát vi phạm, thì câu đầu tiên người dân nhận được là “sẽ xử lý nghiêm”. Còn thực tế, cái nghiêm là thế nào, xin hãy đợi.
Tai nạn giao thông tăng chóng mặt với giai điệu “Năm sau cao hơn năm trước” và tính mạng người dân cứ ra đi nhiều hơn một cuộc chiến tranh khốc liệt. Thế nhưng, đã bao đời bộ trưởng, bao tiếng gào thét, bao kế hoạch và tiền dân đã ra đi, tình hình vẫn không cải thiện.
Mới đây, ngày 2/7 trong cuộc tọa đàm “Chung tay giảm thiểu tai nạn giao thông”, một người dân đã đề nghị Bộ trưởng CA lập Facebook để giúp người dân dễ dàng chuyển thẳng cho bộ trưởng nhữnghình ảnh nhà xe mỗi khi tới chốt CSGT chỉ mất 5-10 giây là lại lao vun vút, xe chở quá số người quy định, chở quá tải “vẫn đi ngon”.
Khi đề cập đến vấn đề này, Ông Trần Sơn Hà, Phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt - Bộ Công an, cho biết đây là câu hỏi mà ngành công an trăn trở trong nhiều năm. Và cũng theo ông Hà, Bộ Công an đã chỉ đạo chặt chẽ các lực lượng, phải thực hiện theo pháp luật và sự giám sát của nhân dân. “Chúng tôi có quy chế để kiểm soát và có đường dây nóng của Cục CSGT đường bộ, đường sắt và các tỉnh thành, mong nhân dân giám sát, phát hiện trường hợp sai phạm phản ánh qua đường dây nóng hoặc có đơn thư khiếu nại, chúng tôi sẵn sàng giải quyết” - ông Hà nói.
Thế nhưng, chính ông Hà đã tự mâu thuẫn với câu nói này của ông khi chỉ trước đó 2 tháng, ngày 26/4/2013, ông ký văn bản số 1042/C67-P3/2013 gửi Trưởng phòng CSGT các tỉnh. Văn bản viết:“Luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ”.
Như vậy, văn bản này đã mặc nhiên coi việc quay phim, chụp ảnh các hoạt động của CSGT “khi chưa được phép” là hành động phạm tội và cách xử lý là “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”.
Hẳn nhiên là nếu đúng là nhà báo, Phó Cục CSGT Đường Bộ - Đường Sắt của Bộ Công an có thể can thiệp với Tòa soạn hoặc TBT để kiểm soát thông tin. Còn nhân dân thì chắc sẽ khó khăn hơn, nên phải “tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật” - Nhưng chưa hiểu ông căn cứ vào điều luật nào? Khi bị phản ứng bởi báo chí, ông Hà lập tức giải thích ngược lại hoặc rất tự mâu thuẫn.
Chống… lộ sáng
Trước những câu hỏi của báo chí, ông Cục Phó cũng phải bật ra câu nói sau: “Bây giờ anh em cứ bị báo chí giám sát từng bước của nhà báo thì làm ăn được cái gì”.
À, thì ra vậy, vấn đề là ở chỗ nếu bị chụp ảnh, quay phim, thì không “làm ăn được cái gì” nên ông cấm.
Ừ, thì thà ông nói thẳng toẹt ra là: Tao đếch cần luật lệ gì nhé, tránh xa chỗ CSGT cho chúng nó làm ăn, không quay phim, chụp hình gì ráo, thằng nào quay, chụp mà không xin phép để bố trí trước, thì bắt giữ và điều tra”. Vậy có phải tiện hơn cho tất cả không?
Và vấn đề cần đặt ra, là vì sao ông Hà phải đi ngược luật pháp để quy định ngăn cản việc người dân có thể giám sát các “đầy tớ” của mình làm ăn khuất tất? Tại sao chỉ trong hai thời gian cách nhau không dài, ông Trần Sơn Hà - Cục Phó cục CSGT lại thay đổi nhanh chóng lời nói và hành động của mình?
Còn nhớ, cách đây không lâu, một số CSGT Thừa Thiên – Huế đã phải nộp 120 triệu đồng để mua lại đoạn phim cho một nhóm thanh niên đã quay được trong quá trình “tác nghiệp” của CSGT. Việc này, các thanh niên này giả danh báo chí nên bị kết tội tống tiền.
Vấn đề là vì sao, khi “tác nghiệp” bị quay phim lại thì CSGT phải nộp 120 triệu đồng? Câu trả lời của viên CSGT ôm tiền đi mua đoạn phim chỉ vì “Mặc dù biết bị tống tiền, nhưng vì sợ ảnh hưởng đến công việc, uy tín… nên cả 5 anh em tổ công tác đã góp mỗi người 24 triệu đồng để gửi cho Bảo và Trung nhằm được yên chuyện” xem ra không mấy thuyết phục và chẳng ai tin.
Còn việc ông giải thích là để chống lại những kẻ giả danh nhà báo? Tại sao lại có những kẻ giả danh nhà báo đến với CSGT? Mà họ giả danh để làm gì nếu CSGT luôn “trung thành, tận tụy, kính trọng và lễ phép với nhân dân”?
Chỉ cần trả lời câu hỏi đó, đủ hiểu cái văn bản của ông Trần Sơn Hà cục phó là cái phao cứu những CSGT đang làm loạn xã hội bằng nạn nhũng nhiễu và hối lộ, mãi lộ ra sao.
Thực chất, những chiến sĩ cảnh sát, công an được mệnh danh là đầy tớ nhân dân, có nhiệm vụ thức cho dân ngủ ngon, gác cho dân vui chơi… giờ đây đã đổi vị trí. Nạn nhũng nhiễu, hối lộ đã biến họ thành gánh nặng, nỗi sợ hãi của người dân.
Và cái văn bản nói trên, không phải vì ông sợ những kẻ giả danh nhà báo mà ông chỉ sợ những kẻ giả danh đầy tớ bị lột mặt mà thôi.
Hà Nội, ngày 21/8/2013
J.B. Nguyễn Hữu Vinh