Ngày 10/6/2013, người tù lương tâm Cù Huy Hà Vũ đã bước sang ngày thứ 15 tuyệt thực trong nhà tù - Trại giam số 5 Thanh Hóa – để phản đối việc nhà chức trách “xâm phạm quyền lợi hợp pháp” đối với ông. Bạn bè và người thân của ông Vũ cho biết: Chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Vũ đã dừng việc tuyệt thực.
Ngày 10/6 cũng là ngày người cựu Tù nhân lương tâm, nhà tranh đấu cho Nhân Quyền và Dân Chủ nổi tiếng Phạm Hồng Sơn sẽ bắt đầu cuộc tuyệt thực kéo dài 07 ngày tại nhà riêng ở số 21, ngõ 72B Thụy Khuê, Hà Nội. Một trong những lý do ông Sơn đưa ra là nhằm “ Bày tỏ sự khâm phục và chia sẻ tinh thần đấu tranh và những rủi ro mà Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ đang đối mặt. Đồng thời sự tuyệt thực này cũng là một bày tỏ đồng cảm, chia sẻ với tất cả những người đã và đang chịu sự sách nhiễu bách hại của cường quyền tại Việt Nam”.
Và tôi, nhân danh một Công dân Tự do, cũng sẽ tuyệt thực tại nhà riêng ở số 17, đường Liên khu Phương Lưu 8, phường Đông Hải 1, quận Hải An, Hải Phòng.
Vì điều kiện sức khỏe không tốt nên tôi sẽ tuyệt thực làm hai đợt, mỗi đợt 03 ngày. Đợt 1 từ ngày 16/6 đến 19/6/2013. Đợt hai từ 20/6 đến 23/6/2013 để không chỉ bày tỏ sự khâm phục và sẻ chia tinh thần tranh đấu của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và Bác sĩ Phạm Hồng Sơn mà còn muốn gửi đi thông điệp của riêng tôi rằng: Không một ai phải độc hành trên con đường tìm kiếm Tự do và Công bằng cho dù người đó đang trong chốn ngục tù.
Vì sao tôi tuyệt thực trong 06 ngày, chia làm hai đợt mà không phải một tuần, hay mười ngày liên tục và bắt đầu từ ngày 16 chứ không phải ngay hôm nay khi ra thông báo này?
Thứ nhất, tôi vừa trải qua một cơn đau nặng và đang trong quá trình điều trị. Sẽ rất nguy hiểm nếu tôi thực hiện việc tuyệt thực trong tình trạng sức khỏe chưa hồi phục. Hơn nữa, việc tuyệt thực là nhằm bày tỏ tinh thần tranh đấu, tình đoàn kết với những người chung chí hướng chứ không phải một hình thức tự hủy hoại bản thân. Tuy nhiên, nếu trong vài ngày tới sức khỏe tôi chưa hoàn toàn bình phục thì việc tuyệt thực sẽ vẫn diễn ra như dự kiến.
Trong trường hợp Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ dừng việc tuyệt thực trong tù trước khi tôi thực hiện hành động này thì đó là một tín hiệu may mắn vì nó chứng minh việc tranh đấu của ông đã đạt kết quả ( cho dù ông phải chịu một tổn thất rất lớn về sức khỏe). Khi đó, tôi sẽ không thực hiện việc tuyệt thực vì điều đó, tôi nghĩ không còn cần thiết.
Thứ hai, hẳn sẽ nhiều người nghi ngờ ( và được quyền nghi ngờ) về mục đích tuyệt thực của tôi. Câu hỏi là: Tại sao tôi không tuyệt thực ngay khi ra thông báo này mà phải chờ đến 6 ngày sau, khi mà rất có thể ông Vũ sẽ chấm dứt việc tuyệt thực trong tù? Ngoài lý do sức khỏe như đã nói ở trên, còn vì lý do khác: Tôi đã từng có thời gian 30 tháng ở tại Phân trại số 4, Trại giam số 5 Thanh Hóa. Tôi rất hiểu lối “hành xử phi pháp và phi nhân” của những người có trách nhiệm tại Trại giam số 5. Cũng như sự thù ghét của chế độ này đối với những người có tiếng nói bênh vực cho lẽ phải. Chính ông Lường Văn Tuyến, ngày 16 tháng 2 năm 2011 cũng đã nhân danh một Giám thị trại giam hứa sẽ dành cho tôi một buổi tiếp sau nhiều lần cho cấp dưới trì hoãn. Xin lưu ý, ngày 16 tháng 2 năm 2011, tôi đã “đón đường”, “chặn gặp” trong một lần hiếm hoi ông này cùng các đồng sự từ Phân trại số 1 - nơi đặt văn phòng làm việc của ông - tới Phân trại số 4 ( nơi giam giữ tù nhân nữ) - để “thị sát”.
Nhưng kể từ ngày 16/2/2011 đến ngày tôi hết án, 18/9/2012 là vừa tròn 19 tháng, ông Tuyến đã không thực hiện lời hứa hay nói cách khác, ông đã nhân danh một Giám thị, người có quyền lực cao nhất của Trại giam để nuốt lời đối với một người tù. Những sự việc kể trên cho thấy tình trạng của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ lúc này rất nghiêm trọng bởi không có dấu hiệu nào cho thấy ông dừng việc tuyệt thực cũng như dấu hiệu …nhượng bộ từ phía chính quyền.
So với mười mấy ngày tuyệt thực( có thể còn kéo dài nữa) của Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ và 07 ngày của bác sĩ Phạm Hồng Sơn, việc làm của tôi thật vô cùng tầm thường và nhỏ bé nhưng trước mắt, đó là tất cả những gì tôi có thể làm trong hoàn cảnh của mộtngười tù bị quản chế và với tình trạng sức khỏe tồi tệ.
Tất nhiên, những băn khoăn của bác sĩ Sơn cũng là những băn khoăn của tôi. “Sẽ có những nghi vấn về tính xác thực của việc tuyệt thực”. Và xin lấy lựa chọn của bác sĩ Sơn để diễn tả sự lựa chọn cho mình: “đặt niềm tin tuyệt đối vào sự tin tưởng tuyệt đối của mọi người”.
Xin gửi tới Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và những người tôi yêu mến tấm lòng của một con người bé nhỏ.
Hải Phòng ngày 10/6/2013.
Phạm Thanh Nghiên