Thời Sự Nhật Bản - Tháng 7-2014


Nhật sẽ đơn giản hóa thủ tục nhập quốc cho du khách các quốc gia Đông Nam Á

Vào ngày 17/07/2014, Bộ trưởng Tư pháp Nhật là ông Tanigaki đã có một cuộc họp báo tại trụ sở Hiệp hội Ký giả ngoại quốc (nằm ở ga Yurakucho, Tokyo) để trình bày về chính sách cấp chiếu khán cho người ngoại quốc vào Nhật, đặc biệt đối với du khách đến từ các quốc gia Đông Nam Á.


Theo Bộ trưởng Tanigaki thì trong tinh thần hướng đến Olympic Tokyo 2020, chính phủ Nhật đã quyết định từ giờ trở đi sẽ đơn giản hóa thủ tục xin nhập cảnh Nhật của người nước ngoài. Trong năm 2013, người ngoại quốc đến Nhật du lịch là 10 triệu người, chính phủ Nhật muốn nâng con số này lên gấp đôi, đó là lý do chính để đơn giản hóa thủ tục xin nhập cảnh Nhật. Ông Tanigaki còn cho biết thêm là năm 2013, Nhật Bản đã quyết định để cho người Thái và Malaysia vào Nhật mà không cần Visa (chỉ cần điền 1 tờ đơn xin nhập cảnh khi đến phi trường Nhật là đủ). Ngày 17/06/2014 vừa rồi cũng đã quyết định để cho người Indonesia vào Nhật mà không cần Visa. Người Philippines và Việt Nam thì vẫn phải xin visa vào Nhật nhưng thủ tục rất dễ dàng, chỉ cần mua vé máy bay tại các hãng du lịch được chính phủ Nhật chỉ định là có thể lấy được visa (thực chất thì cũng giống như không cần xin visa).  
Bộ trưởng Tanigaki còn nói thêm rằng Nhật cũng sẽ sửa đổi một vài điều khoản trong luật lệ lao động để có thể thu nhận thêm các chuyên gia, kỹ thuật gia và tu nghiệp sinh ngoại quốc. Vì các công trình xây dựng cho Olympic Tokyo 2020 đang thiếu nhân lực nên sẽ nhận lao động người nước ngoài vào làm việc, ưu tiên cho người các quốc gia Đông Nam Á.
Theo các bình luận gia thì vì tình hình ngoại giao giữa Tokyo và Bắc Kinh đang căng thẳng nên Nhật không muốn nhận lao động Trung quốc vào, bởi vậy nên mới đặc biệt dành riêng cho lao động các nước Đông Nam Á.

Chính phủ Abe công bố quyết nghị giải thích lại điều 9 hiến pháp về các quyền tự vệ của Nhật Bản 

Thủ tướng Nhật duyệt hàng quân

Theo cách diễn dịch của chính phủ Nhật từ bao đời nay thì dựa theo điều 9 hiến pháp,  trên nguyên tắc Nhật Bản có 2 quyền: quyền tự vệ cá biệt và quyền tự vệ tập thể, về quyền tự vệ cá biệt thì cũng dễ hiểu, anh tấn công tôi trên lãnh thổ và lãnh hải của t6i thì tôi phải đánh trả, nhưng quyền tự vệ tập thể thì tuy có nhưng Nhật Bản lại không được sử dụng. Lấy một thí dụ là Mỹ và Nhật dù là đồng minh vì cả 2 cùng ký chung Hiệp ước An Ninh, nếu Nhật bị nước nào đó tấn công, Mỹ có quyền can thiệp bằng quân sự nhưng ngược lại thì Nhật chỉ có cách đứng ..... xa quan sát. 
Nói tóm lại thì Nhật có quyền tự vệ cá biệt trong trường hợp bị trực tiếp tấn công, còn quyền tự vệ tập thể thì bó tay vì điều này bị bó buộc vào điều 9 của bản hiến pháp hiện hành. 
Điều 9 Hiến pháp của Nhật ghi rõ:
 Người dân Nhật Bản thành tâm mưu cầu một nền hoà bình quốc tế dựa trên chính nghĩa và trật tự, cam kết vĩnh viễn không phát động chiến tranh, không đe dọa bằng vũ lực, không hành sử vũ lực như là một phương tiện giải quyết các xung đột quốc tế.
Để thực hiện mục đích ghi ở trên, hải lục và không quân cũng như các tiềm lực chiến tranh khác sẽ không được duy trì. Quyền tham chiến của đất nước sẽ không được công nhận.
Chủ trương phải đổi!
Vốn mang sẵn chủ trương Nhật phải có một lực lượng binh hùng tướng mạnh đủ sức tạo ra “lực trấn áp” trước sự hung hăng ngày càng quá độ của hung khùng Trung Cộng và tên Bắc Hàn điếc không sợ súng, mà không cần phải dựa vào Hoa Kỳ nhiều quá, Thủ Tướng Abe ngay từ lúc còn là thủ tướng nhiệm kỳ một (2006) đã mang “tâm nguyện” là phải thực hiện cho bằng được việc sửa đổi điều 9 hiến pháp, nhưng trong thời điểm này coi bộ khó vì cần phải có 2/3 dân biểu 2 viện OK và hơn nửa dân chúng đồng ý trong một cuộc trưng cầu dân ý và nhất là dân chúng cũng chưa chuẩn bị kịp tinh thần để tiếp nhận những quyết định quá mới này sau gần 70 năm sống trong “chăn êm nệm ấm” dưới cái dù ..... lộng gió của Hoa Kỳ, ông Abe và nhóm chủ trương đã quyết định đi đường vòng nhưng vẫn đạt cùng mục đích mà bước đầu là ...đề nghị giải thích lại điều 9 hiến pháp và không đá động gì đến nội dung điều 9 hiến pháp..
Cách đây gần 2 tháng, sau khi nhận bản đề nghị của một nhóm chuyên viên trí thức Nhật Bản gồm nhiều thành phần góp ý về sự cần thiết của quyền tự vệ tập thể, ngày 15/05/2014, Ông Abe đã tổ chức một buổi họp báo để trình bày rõ lý do tại sao cần phải giải thích lại điều 9 Hiến pháp.  
Ông Abe “tiếp thu” bản ý kiến của trưởng nhóm chuyên viên


Ông nói: bản Hiến pháp hiện nay của Nhật Bản được Hoa Kỳ soạn thảo ngay sau khi thế chiến thứ 2 chấm dứt đã hạn chế khả năng của Nhật trong việc thực hiện quyền của mình để tự vệ hay trợ giúp một đồng minh khác khi đồng minh bị tấn công. Đã đến lúc không một quốc gia nào có thể đơn độc bảo vệ hòa bình cho đất nước của mình được cả, phải hợp tác, liên kết với nhiều quốc gia khác. 
Ông đưa ra một vài trường hợp điển hình có thể gặp phải 
- hiện nay kiều dân Nhật ở khắp nơi trên thế giới có khoảng 1 triệu rưởi người, và hàng năm có chừng 18 triệu người đi du lịch hay đi làm việc tại các nước, rất nhiều thanh niên trẻ Nhật đã có mặt khắp nơi làm công tác thiện nguyện, nếu những người này bị kẻ lạ tấn công mà lực lượng bảo vệ hòa bình (PKO) của Nhật dù có mặt ngay tại hiện trường cũng không thể làm gì được để bảo vệ cho công dân của mình.
- Giả thử có một tàu Mỹ cứu kiều dân Nhật mà có thể trong đó có ông bà, anh em, gia đình chúng ta thoát khỏi một vùng phân tranh nào đó, trên đường trở về Nhật, nếu tàu Mỹ đó bị tấn công, theo hiến pháp bây giờ thì tự vệ đội cũng không can thiệp được.
Đây quả là những điều hết sức vô lý, vì thế chúng ta cần phải giải thích lại điều 9 này để có thể bảo vệ đất nước và sinh mạng của người dân một cách hữu hiệu chứ không phải đem quân ra nước ngoài mở rộng chiến tranh như một số người lầm tưởng hoặc cố tình lầm tưởng.
 
Ông Abe say sưa giải thích

Ngoại trừ những đảng “cái gì cũng chống” như Cộng Sản, Xã Dân Liên (đảng Xã Hội cũ)…. chủ trương này tuy đã được sự đồng tình của một vài đảng đối lập như Duy Tân Hội, Đảng của người dân…. nhưng lại gặp sự “quá cẩn trọng” của đảng Công Minh thuộc liên minh đảng cầm quyền. Đảng Công Minh diễn giải: không cần phải giải thích lại hiến pháp, những trường hợp thủ tướng Abe đưa ra chúng ta vẫn có thể dùng quyền tự vệ cá biệt, vì người Nhật bị trực tiếp tấn công.
Trong nhà không yên thì làm sao nói với người ngoài, vì thế suốt từ ngày 20 tháng 5 cho đến sáng 1/7, một ủy ban điều chỉnh gồm đại diện cấp Phó Chủ Tịch, Tổng Thư Ký của hai đảng đã gặp nhau tất cả là 11 phiên họp để san bằng những chướng ngại, phân tích từng câu từng chữ chi tiết những trường hợp có xác suất xảy ra. Cuối cùng hai bên đã thành hình một văn bản thỏa thuận. Theo đó thì phải hội đủ 3 điều kiện để Nhật Bản có thể hành xử quyền tự vệ tập thể.  
- Điều kiện thứ nhất: nếu Nhật Bản bị đe doạ vì “những nguy cơ thật rõ ràng xâm phạm đến quyền sống, tự do và hạnh phúc của người dân.”, và “các nước có quan hệ mật thiết (với Nhật Bản) đang phải hứng chịu cuộc tấn công vũ trang.” Được biết, trước đây trong bản đề nghị thì đảng Tự Dân dùng nhóm chữ “nước ngoài” để có thể được hiểu theo nghĩa rộng hơn, nhưng đã phải sửa thành “nước có quan hệ mật thiết” dưới sự đòi hỏi của đảng Công Minh.
- Điều kiện thứ hai: không còn cách nào khác ngoài cách hành xử vũ lực  (chẳng hạn như đã cố gắng thương thuyết nhưng bất thành) để đánh trả những hành vi xâm lược hầu “đảm bảo sự tồn vong của đất nước và bảo vệ sinh mạng người dân” 
- Điều kiện thứ ba: việc hành xử vũ trang phải được giữ ở mức tối thiểu.
Quyết định
5 giờ chiều ngày 1 tháng 7, đại diện hai đảng Tự Dân và Công Minh đã trình Thủ Tướng Abe văn bản thỏa thuận đề nghị làm nghị quyết, và trong một phiên họp đặc biệt, Nội Các đã thông qua nghị quyết này. 6 giờ chiều, Thủ Tướng Nhật Bản đã họp báo trình bày những điểm chính trong nghị quyết cho phép Nhật Bản sử dụng quyền tự vệ tập thể.  Ông nhấn mạnh nhiều lần là: Nhật Bản sẽ tiếp tục là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và lực lượng tự vệ đội sẽ không tham dự vào các chiến dịch quân sự ở nước ngoài như A Phú Hãn hay Iran……
Dựa trên nghị quyết này, 1 ngày sau, Phó Chánh Văn phòng Nội các Kato Katsunobu cho biết chính phủ đã thành lập một nhóm gồm khoảng 30 người từ các bộ có liên quan, để nghiên cứu những đạo luật mới dành cho lực lượng tự vệ đội, cảnh sát….hầu thi hành khi hữu sự. Những đạo luật mới này sẽ được thảo luận rốt ráo tại các phiên họp lâm thời của quốc hội vào mùa thu năm nay. Nhưng dù đã thành luật, trên nguyên tắc trước khi “động binh”, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản vẫn cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội. 
Dư luận
Trong lúc ông Abe họp báo thì bên ngoài dinh thủ tướng đã có cả ngàn người biểu tình để chống sự thông qua nghị quyết mà họ cho là quá vội vã. Theo sự thăm dò dư luận thì tỷ lệ người ủng hộ, người phản đối không cách xa bao nhiêu, nhưng số người đứng giữa phân vân vì không hiểu chi tiết cách giải thích các điều kiện trong nghị quyết chẳng hạn như “thế nào là nguy cơ rõ ràng” nên đã trả lời “không hiểu rõ”, số này thì nhiều. Vì thế các tỷ lệ này được giải thích theo quan điểm của từng tờ báo. Tờ chống thì vơ cái phần tỷ lệ “không hiểu rõ” gộp chung với tỷ lệ “phản đối” khiến tỷ lệ chống tăng cao như tờ Asahi chẳng hạn.
Tuy nhiên, một thành viên cao cấp của đảng cầm quyền đã thú thật: Công tâm mà nói thì số người chưa hiểu rõ quyền tự vệ tập thể sẽ được hành xử như thế nào khi “hữu sự” thì còn khá nhiều, nên chính phủ phải có chương trình giải thích thật chi tiết cho người dân hiểu rõ và an tâm hơn với quyết định của nội các. 
Biểu tình phản đối
 Cả hai phía “tán thành” hay “phản đối” đều đưa ra những lý lẽ ….. có lý cả. Phía tán thành thì “muốn đề phòng những hung hăng bất chợt đến từ bên ngoài có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính chúng ta phải chủ động không cần phải dựa vào ai cả”. Phía phản đối thì “tại sao chúng ta phải đem xương máu của con cháu chúng ta ra đổ xuống một chiến trường lạ hoắc với những lý do không thuyết phục” v.v….
Các đảng đối lập thì chống đối cách làm của cuộc diễn giải này, nghĩa là phải thảo luận rốt ráo tại quốc hội để đạt sự đồng thuận trước xong mới đến việc nội các thi hành, nhưng đảng cầm quyền thì làm ngược lại.. Tuy nhiên, những điều họ chống cũng không có…. cơ sở, cho dù quốc hội định trước, nội các thi hành sau thì cũng thế thôi, vì quốc hội bây giờ đa số là do 2 đảng cầm quyền nắm. Đây chỉ là một hình thức câu giờ và làm khó nhau thôi.
Hôm 29 tháng 6 tại gần nhà ga Shinjuku trước mặt đông đảo người qua lại, có một người đàn ông (60 tuổi) tự tẩm xăng tự thiêu để phản đối nghị quyết này, nhưng được phát giác và đem đi cứu chữa. Sự việc này đã không được giới truyền thông chú ý nhiều và chỉ loan báo bằng một tin rất bình thường, sở dĩ như thế vì đại đa số cho rằng việc tự thiêu để phản đối này không cần thiết và không hiệu quả, có nhiều cách phản đối hiệu quả và… an toàn hơn ngay trên xứ dân chủ như Nhật Bản.
 
Trước lúc tự thiêu

Vào 2 ngày 14 và 15/7, nghị quyết cũng được đem ra thảo luận tại 2 viện quốc hội và các đảng đối lập đều yêu cầu chính phủ phải có những giải thích rõ ràng hơn nữa và đề nghị tăng thời gian cho những tranh luận này, nhưng đảng cầm quyền đã bác bỏ và hẹn là sẽ có những buổi tranh luận khác vào mùa thu năm nay khi bàn về các đạo luật cho việc hành xử quyền tự vệ tập thể.
Có một câu hỏi được đặt ra là đã có điều gì khiến ông Abe phải quyết định “làm sớm nghỉ sớm” như thế, khác với tuyên bố của ông vài tháng trước là sẽ bàn vấn đề này đến nơi đến chốn bất kể thời gian? Thật ra nó có một lý do chính là Nhật Bản và Mỹ dự định sẽ sửa đổi văn kiện định hướng hợp tác quốc phòng song phương vào cuối năm nay, sự diễn giải này sẽ giúp Nhật thoải mái hơn, rộng tay hơn mà không bị gò bó và ngay chính Mỹ cũng muốn như thế. 
Hoa Kỳ và các nước đồng minh như Úc, Phi, Luật Tân, Tân Tây Lan.... đều tỏ vẻ hoan nghênh trước sự việc này, nhưng cũng có một vài diễn giải mang tính “tưởng tượng” về cụm từ “nước có quan hệ mật thiết với Nhật Bản” sẽ bao gồm cả Việt Nam, Phi Luật Tân của mấy ông “bàn loạn gia”, dù hiện tại Nhật và Việt Nam, Phi đang có cùng một “kẻ thù chung” là hung khùng Trung Cộng. Nên nhớ là Nhật chỉ “động binh” khi an ninh của quốc gia và cuộc sống của chính người dân họ bị đe dọa mà thôi.
Hung khùng Trung Cộng và anh bạn láng giềng khó tính Hàn Quốc thì khỏi nói: chống ngay lập tức với những lý lẽ xưa như trái đất: bọn quân phiệt Nhật đã bắt đầu lộ diện.
Bản đồ lếu láo
Riêng hung khùng còn chơi trò mất dạy khi tờ “Trùng Khánh Thanh Niên Báo” đã đăng bài bình luận có tựa đề "Chúng ta có quá thân thiện với Nhật Bản không?", "Trong 40 năm qua chính sách của Trung Quốc đối với Nhật Bản đã quá khoan dung” và đăng hình bản đồ của Nhật Bản nhưng chỉ ghi tên 3 địa danh Tokyo, Nagasaki, Hiroshima. Tại 2 địa điểm Nagasaki và Hiroshima (nơi bị 2 quả bom nguyên tử của Mỹ năm 1945) lại có vẽ thêm hình 2 nấm lửa với lời chú thích: Nhật Bản lại muốn gây chiến. Bộ trưởng ngoại giao Nhật Kishida đã mạnh mẽ phản kháng hành động trẻ con này và cho là bức hình chỉ làm khơi lại niềm đau của người dân 2 tỉnh này.

Thôi thì thế nào cũng được, tán thành hay phản đối thì cũng là …. lòng dân. Đi ngược lại lòng dân thì chính quyền này sẽ đi xuống thay bằng chính quyền khác và một quốc hội khác trong một cuộc bầu cử dân chủ. Lúc đó dù đạo luật có thành hình thì cũng chẳng làm được gì vì nguyên tắc “trước khi “động binh”, Lực lượng Tự vệ Nhật Bản vẫn cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội” vốn bất di bất dịch. Đúng là tinh thần dân chủ, thấy mà ngán ngẩm cho mấy ông “lãnh đạo” trong nước quá.

Nhật quyết định bỏ một vài điều khoản cấm vận Bắc Triều Tiên khi được hứa là sẽ giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc

Sau khi thẳng tay thanh trừng người cậu Trương Thành Trạch, một nhân vật được coi là thân với hung khùng Trung Cộng vào tháng 12 năm ngoái thì Cậu Ủn Kim Chính Ân đã gặp sự lạnh nhạt từ chú Ba Tập Cận Bình đưa đến các hạn chế tối đa về viện trợ kinh tế từ Trung Quốc, lẽ dĩ nhiên đời sống của người dân Bắc Hàn đã rách lại càng thêm nát, cứ để như thế thì có ngày dân sẽ nổi loạn nên Bắc Hàn phải tìm đường thoát, Kim Chính Ân ra lệnh bằng mọi giá kể cả cách cúi đầu để xin Nhật Bản cứu đói. Cơ hội bằng vàng đã đến, phía Nhật Bản đã bắt phía Bắc Triều Tiên thi hành nhiều điều nếu mà như lúc trước thì… còn lâu, Kim Chính Ân sẽ đáp trả ngay bằng 2 hay 3 quả hỏa tiễn khơi khơi bay qua đầu cho…. mày sợ. 
Trước hết, qua nhiều trung gian, Bắc Triều Tiên đã đánh tiếng là sẵn sàng mở lại những cuộc đàm phán với phía Nhật, hành động đầu tiên lấy lòng Nhật Bản là tháng 3 năm nay, Bắc Triều Tiên đã cho phép ông bà Yokota Shigeru (bố mẹ của cô Megumi bị bắt cóc từ năm 1977 và  Bắc Hàn đã thông báo là cô đã tự sát vì trầm cảm, nhưng xương cốt được phía Bắc Triểu Tiên trao trả lại là xương của một người đàn ông) gặp gỡ cháu ngoại Kim Un Yong (con gái của cô Megumi và một người Nam Hàn bị bắt cóc) tại Mông Cổ.  
Cháu ngoại Kim Un Gyong                                     – ông bà Yokota Shigeru                           – cô Yokota Megumi

Sau đó, cũng qua sắp xếp của ai đó, hai phái đoàn Nhật Bản-Bắc Triều Tiên cấp cục trưởng đã gặp nhau vài lần và lần cuối cùng là tại Stockholm Thụy Điển vào cuối tháng 5 để giải quyết vấn đề người Nhật bị bắt cóc, tình nghi bắt cóc…..
”Hiệp 1” kết thúc với sự đồng ý của 2 bên về cách giải quyết vấn đề gai góc mà đã bao đời thủ tướng Nhật cố làm mà không được.
“Hiệp 2” bắt đầu vào ngày 1 tháng 7 tại tòa đại sứ của 2 nước Nhật-Bắc Hàn tại Bắc Kinh, lần này phía Bắc Hàn đã thông báo cho phía Nhật về sự thành hình của “Ủy Ban Điều Tra Đặc Biệt”. Ủy Ban này gồm khoảng 30 người, đứng đầu là Phó Bộ Trưởng của hai cơ quan: “Bộ Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia” (cơ quan cảnh sát bí mật) và “Bộ An Ninh Nhân Dân” là hai tổ chức trực thuộc “Ủy Ban Quốc Phòng” nhận chỉ thị trực tiếp từ Kim Chính Ân, riêng “Bộ Bảo Vệ An Ninh Quốc Gia” thì chưa bao giờ được Bắc Triều Tiên công khai “tên tuổi” như thế. Ủy Ban có 4 nhóm với chức năng thật rõ ràng:
- Tìm kiếm những người Nhật mà chính phủ Nhật xác định là bị bắt cóc (12 người)
- Tìm kiếm những người bị tình nghi là bắt cóc (khoảng 860 người)
- Tìm kiếm những người Nhật còn sống tại Bắc Triều Tiên sau thế chiến thứ hai (khoảng 1800 người) và những người vợ Nhật đã theo chồng về Bắc Triều Tiên vào năm 1959 (khoảng 1400 người).
- Tìm kiếm những ngôi mộ, xương cốt của người Nhật đã chết tại Bắc Triều Tiên.
Sau khi được báo cáo, chính phủ Nhật đã “vặn hỏi” về cách vận hành của Ủy Ban, cách tìm kiếm rất kibishi (nghiêm khắc), mọi câu hỏi đều được trả lời tạm coi là thỏa đáng. Cuối cùng phía Nhật nhận định: Khác với các Ủy Ban bá vơ trước vào những năm 2004, Ủy Ban này có vẻ có thực lực và quyền hạn điều tra nên bắt đầu từ ngày 4 tháng 7 chính phủ Abe sẽ gỡ bỏ một phần chế tài đối với Bắc Triều Tiên là:
- Tạo sự đi lại dễ dàng cho những người mang quốc tịch Bắc Triều Tiên vào Nhật.
- Không hạn chế số tiền gửi hoặc mang vào Bắc Triều Tiên
- Trong tinh thần nhân đạo, chấp thuận cho các tàu bè Bắc Triều Tiên nhập bến ngoại trừ….. con tàu “gián điệp” Man Gyong Bon 92.
Cả 2 bên đều hứa với nhau là sẽ hoàn tất việc này trong vòng 1 năm kể từ ngày Ủy Ban hoạt động (4 tháng 7/2014).
Theo ông Suga, chánh văn phòng nội các cho biết thì một đường dây nóng sẽ được thiết lập để Bắc Triều Tiên thông báo ngay khi tìm được tung tích ai đó.
“Hiệp 3” sẽ bắt đầu bằng những tin báo đầu tiên từ Bắc Triều Tiên bay đến… Nhật dự định là vào cuối hạ hay chậm nhất là đầu thu năm nay.
Sau khi có quyết định chính thức gỡ bỏ chế tài của chính phủ Nhật, 1 ngày sau đó (5 tháng 7), Bắc Triều Tiên cũng thông báo tin tức về việc lập Ủy Ban và việc gỡ bỏ chế tài trên các đài truyền hình và báo chí nhà nước bằng 5 thứ tiếng: Hàn, Anh, Nhật, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Ngoài ra, Kim Chính Ân còn “chơi đẹp” bằng cách gửi quà chúc mừng sinh nhật 100 tuổi cho một bà cụ người Nhật đang sống ở Bắc Triều Tiên, bà cụ này lập gia đình với người Bắc Triều Tiên nên theo chồng về nước vào khoảng năm 1959.  Qua những điều này, Bắc Triều Tiên như muốn chứng tỏ với dư luận Nhật là “kỳ này thì tụi tôi làm thiệt, chứ không lèo như trước”. 
Liên quan đến các hỏa tiễn tầm ngắn của Bắc Triểu Tiên phóng ra mấy ngày sau đó thì được Bắc Triều Tiên trả lời rõ ràng với một phái đoàn dân biểu Nhật Bản trong lần gặp gỡ hôm 14, 15/7 tại Bình Nhưỡng là: hỏa tiễn này không hướng về Nhật Bản mà chỉ muốn “cảnh giác” Nam Hàn-Mỹ Quốc đang âm mưu tập trận. Nhật Bản cứ yên tâm”.
--------
Phản ứng của những gia đình có nạn nhân bị bắt cóc cũng khá phức tạp, vừa vui mừng vì có thể gặp được người thân trước khi về…. cõi ấy, vừa lo là Bắc Triều Tiên sẽ chỉ “lòi ra” một phần, phần còn lại thì “để dành” đợi dịp khác mè nheo tiếp, và như thế sẽ có người vui mừng vì con em mình nằm trong danh sách “lòi ra” nhưng lại có người sầu não vì người thân nằm trong danh sách “để dành”.
-------------
Thôi chúng ta chỉ biết chờ chứ chẳng còn cách nào hơn vì Cộng Sản là thế đấy. Có ghét ông Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến mấy chăng nữa thì cũng phải nhớ hoài câu nói lịch sử này của ông vì nó đúng trong mọi trường hợp.
“đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng Sản làm”. 

Số tiền hãng mỹ phẩm Kanebo bồi thường cho khác hàng lên đến 2 tỷ yen

54 loại mỹ phẩm làm trắng da của hãng Kanebo đang bán chạy như tôm tươi thì vào tháng 7 năm 2013 phải bị thu hồi lại vì có vấn đề. Thay vì làm trắng da thì người sử dụng lại bị nổi đốm trắng tại những nơi xoa loại mỹ phẩm này vào. Lẽ đương nhiên hãng mỹ phẩm Kanebo phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng, nhưng bồi thường cho mỗi khách hàng là bao nhiêu và người muốn bồi thường phải trưng đủ mọi bằng chứng, từ hóa đơn mua mỹ phẩm làm trắng da cho đến giấy chứng nhận chữa trị của bác sĩ.v.v… đang là vẫn đề tranh cãi vì nhiều khách hàng bảo rằng họ đã vất hoặc mất biên lai rồi. Hãng Kanebo nói rằng chuyện phải bồi thường cho khách hàng là đúng, nhưng có nhiều người sử dụng “ké” các mỹ phẩm làm trắng da này của người quen thì họ đâu phải là khách hàng của Kanebo mà đòi bồi thường? Thêm một vấn đề nữa là có rất nhiều khách hàng không đồng ý cái giá bồi thường của hãng Kanebo đưa ra. 
Ngày 08/07/2014 vừa rồi tại tòa án sơ thẩm ở Hiroshima.  một phụ nữ (50 tuổi) đi kiện hãng Kanebo đã khai với tòa rằng: tôi bắt đầu sử dụng loại mỹ phẩm làm trắng da này từ mùa hè năm 2011 đến tháng 6 năm 2012 thì trên mặt, trên cổ và trên hai cánh tay nổi đốm trắng nhưng không biết nguyên nhân vì sao nên vẫn tiếp tục sử dụng cho đến tháng 7 năm 2013, khi biết hãng Kanebo ra thông báo thu hồi lại sản phẩm tôi mới ngưng dùng. Tôi phải khổ sở và quá mệt mỏi tinh thần trong gần 2 năm trời về chuyện phải che dấu mọi người các đốm trắng đó, vì vậy ngoài chuyện đòi hãng Kanebo bồi thường phí chữa trị còn phải bồi thường về sự thiệt hại tinh thần cho tôi.  


Hãng Kanebo cho biết tính đến tháng 7/2014 có tất cả 19 ngàn khách hàng trong danh sách bồi thường, trong đó khoảng 4 ngàn khách hàng bị nặng cần phải chữa trị. Mỗi khách hàng sẽ được bồi thường khoảng vài chục vạn yen. Đối với khách hàng phải chữa trị thì phí tổn bệnh viện hãng Kanebo sẽ trả và mỗi ngày đi bịnh viện sẽ nhận thêm vài ngàn yen gọi là tiền bồi thường nghỉ việc. Tính chung Kanebo sẽ phải chi ra từ 1 đến 2 tỷ yen để bồi thường cho toàn bộ khách hàng.

Một phiên tòa dộc nhất vô nhị ở Nhật 

Tháng 4/2014, một người đàn ông khoảng 60 tuổi vào siêu thị ở Osaka ăn cắp 24 món đồ toàn là bánh kẹo trị giá khoảng 3.081 yen. Nhân viên siêu thị bắt được tại chỗ rồi giao cho cảnh sát. Trong quá trình điều tra, người đàn ông này nhận tội đã ăn cắp các món đồ, nhưng khi cảnh sát hỏi tên tuổi và địa chỉ cư ngụ thì người đàn ông này bảo tôi không muốn trả lời. Dụ ngon, dụ ngọt cách mấy đi chăng nữa người đàn ông này vẫn lắc đầu từ chối vì bảo rằng sẽ làm phiền gia đình. Vì không chịu khai chi tiết này nên cảnh sát đã tìm đủ lý do để câu lưu người đàn ông này gần 1 tháng rưỡi chờ ngày giải tòa. 

Siêu thị nơi người đàn ông vào ăn cắp đồ


Trong phiên xử đầu tiên, theo thủ tục tố tụng, quan tòa đã hỏi tên tuổi của người bị cáo, nhưng người đàn ông này vẫn từ chối trả lời cũng với lý do như vừa nói ở trên. Quan tòa hỏi tiếp địa chỉ ở đâu, bị cáo vẫn im lặng không trả lời. Quan tòa đổi câu hỏi, có nhà cửa gì không, có ai săn sóc cho không thì bị cáo trả lời rằng nhà cửa và gia đình thì có, nhưng không muốn khai.
Quan tòa đã nói cho người đàn ông biết rằng theo luật tố tụng thì bị cáo có quyền im lặng không khai những gì mà mình không muốn, ngoại trừ tên tuổi, không có địa chỉ thì khai vô gia cư. Người đàn ông này nói có bị phạt nặng cũng đành chịu, nhưng nhất quyết không khai chi tiết này. 
Trong ngày phán quyết, quan tòa tuyên án bị cáo có tội, phải đóng phạt 200 ngàn yen. Trong bản cáo trạng có đoạn viết rằng việc không chịu khai tên tuổi, địa chỉ chứng tỏ phạm nhân không có một chút phản tỉnh nào cả về  hành vi phạm tội của mình. 
Việc đóng tiền phạt thì coi như  đã trả xong vì bị cáo bị câu lưu 40 ngày, mỗi ngày câu lưu tính ra là 5000 Yen. (trường hợp này hơi đặc biệt vì tội bị cáo phạm không mang tính trầm trọng nên “được” tính một ngày là 5000 Yen. Bình thường thì khi bị phán quyết phải nộp phạt, nếu không có tiền nộp, bị cáo phải làm việc trong sở câu lưu với “lương” 1 ngày là 5000 yen để trừ nợ).
Theo cảnh sát thì nếu lần đầu tiên bị bắt về tội ăn cắp với trị giá không lớn mà nhận tội và chịu bồi thường với sự đồng ý của tiệm thì cảnh sát sẽ thả ngay, nhưng trường hợp này thì quá đặc biệt vì không thể xác định được “nhân thân” của tội phạm, nên viện kiểm sát phải câu lưu 20 ngày, và sau đó đương sự bị khởi tố ra tòa nên phải ở thêm 20 ngày nữa chờ ngày ra tòa. Vị chi bị câu lưu tất cả là 40 ngày chỉ vì không chịu khai tên tuổi và địa chỉ. Đây là trường hợp chưa từng xảy ra trước đây, vì chỉ với lý do duy nhất: sợ làm phiền gia đình, sợ ô danh. Nếu thế thì đừng đi ăn cắp. 

Nhật Bản vẫn được lòng thế giới cho dù Trung Hàn ra sức cô lập

Đầu năm 2012, tình hình ngoại giao giữa hai chính quyền Seoul và Tokyo bắt đầu căng thẳng mà cao điểm là khi Tổng thống Lý Minh Bác đến thăm hòn đảo san hô Liancourt Rocks (tiếng Hàn gọi là đảo Dokdo, còn tiếng Nhật là đảo Takeshima). Đây là hòn đảo đang trong vòng tranh chấp. 
Giữa Trung quốc và Nhật Bản thì sự căng thẳng ngoại giao đã có từ thời ông Hồ Cẩm Đào qua các phong trào bài Nhật bộc phát mạnh ở Hoa lục và nhiều cuộc xâm nhập không hải phận vùng quần đảo Senkaku (Điếu Ngư) của tàu bè, máy bay Trung quốc. 
Mặc dù Hàn quốc lẫn Trung quốc đều được Nhật Bản viện trợ để xây dựng đất nước, nhưng vì trước đây hai quốc gia này từng bị Nhật Bản đô hộ nên hễ “không vừa lòng nhau” là khơi ngay lại chuyện cũ để chỉ trích Nhật Bản, mà dễ nhất là mỗi khi có vị Thủ tướng Nhật nào đến viếng đền Tử sĩ Yasukuni ở Tokyo. Vì trong đền Yasukuni này có đặt linh vị của những người bị tòa án Quốc tế kết án là tội phạm chiến tranh nên Seoul và Bắc Kinh cho rằng việc viếng đền của các vị lãnh đạo Nhật Bản là muốn phục hồi thời đại Phát-xít ngày trước nên gây bất ổn cho các quốc gia trong vùng. Trong chuyến công du Hàn quốc vào ngày 3 tháng 7 vừa qua của ông Tập Cận Bình, vấn đề liên kết chống Nhật luôn là nghị trình chính trong các cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước Trung Hàn. Trong bản thông báo chung giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và nữ Tổng thống Phát Cận Huệ cũng đã chỉ trích thẳng thừng Nhật Bản muốn quên đi tội ác xâm lược trước đây của mình, chưa một lần chính thức lên tiếng xin lỗi nhân dân hai nước Trung quốc và Triều Tiên.
Lẽ đương nhiên chính phủ Nhật Bản phải lên tiếng để biện minh về sự chỉ trích này. Theo phát ngôn viên chính phủ Nhật là ông Suga thì sự chỉ trích này là không đúng vì thứ nhất không một ai có thể quên lịch sử, muốn quên cũng không được, thứ hai Nhật Bản không bao giờ có ý định khôi phục lại thời quân phiệt, phát-xít, việc Nhật Bản phải tăng cường lực lượng phòng vệ để ngăn chận sự xâm lược của Trung quốc. Tham vọng bành trướng sức mạnh quân sự của Trung quốc ở biển Đông và biển Hoa đông mới là nguyên nhân chính đưa đến sự bất ổn hiện nay cho Châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Thật ra cho dù phát ngôn viên chính phủ Nhật có biện minh cách mấy cũng không làm cho Trung quốc và Hàn quốc giảm cường độ chỉ trích, nhưng nhờ có kết quả thăm dò dư luận thế giới về các quốc gia được đánh giá tốt đối với quốc tế do đài BBC thực hiện từ tháng 12 năm 2013 đến cuối tháng 4 năm 2014 mới vừa công bố đã làm cho sự chỉ trích Nhật Bản của hai nước Trung-Hàn kém hiệu quả. Theo kết quả điều tra dư luận của đài BBC thì Nhật Bản là quốc gia có ảnh hưởng tốt đối với quốc tế đứng hàng thứ 5 thế giới và đương nhiên đứng đầu Á châu, trong khi Trung quốc đứng hàng thứ 9 và Hàn quốc đứng thứ 11. Ngược lại quốc gia nào có ảnh hưởng xấu đối với thế giới thì Trung quốc đứng hàng thứ 6 thế giới, Hàn quốc đứng hàng thứ 9 còn Nhật Bản ở hạng thứ 11. 
Qua tờ Toàn Cầu Thời Báo, ấn bản hải ngoại, chính quyền Bắc Kinh đã cho rằng kết quả điều tra dư luận thế giới của đài BBC không trung thực, nghi ngờ có sự thiên lệch có lợi cho Nhật Bản. Hàn quốc là quốc gia tự do, dân chủ nên cho dù bất mãn với kết quả này nhưng vẫn không lên tiếng chỉ trích một cách vô tội vạ như Trung quốc. Ngày 07/07/2014, hầu hết báo đài ở Hàn quốc đều cho loan tải về kết quả điều tra này với lời bình luận rằng chính sách ngoại giao của nữ Tổng thống Phát Cận Huệ thay vì ưu tiên thắt chặt thêm tình hữu nghị với các nước thì “đầu tư quá nhiều” vào chuyện chỉ trích Nhật Bản, đến quốc gia nào bà Huệ cũng đều đả kích Nhật Bản mà chẳng cần biết người dân quốc gia đó có muốn nghe chuyện nói xấu Nhật Bản hay không, bởi vậy việc Hàn quốc bị thế giới đánh giá thấp hơn Nhật Bản cũng chẳng có gì là ngạc nhiên cả.

Tổng công ty điện lực Kyushu muốn nhà máy điện nguyên tử Sendai tái hoạt động vào tháng 10 năm nay 

Tính đến năm 2014, Nhật Bản có tổng cộng 17 nhà máy điện nguyên tử với 54 lò phản ứng hạt nhân, nhưng hiện nay tất cả đều ngưng hoạt động vì nhiều lý do. Tháng 7 năm 2012, nhà máy điện hạt nhân Oi ở tỉnh Fukui của tổng công ty Điện lực Kansai đã tái khởi động, tuy nhiên đến tháng 09/2013 phải ngưng để kiểm tra lại hai lò phản ứng hạt nhân. Cũng trong năm 2013, Giám đốc tổng công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã đến gặp ông Izumida, Tỉnh trưởng Niigata để xin phép cho nhà máy điện hạt nhân Kashiwazaki Kariwa được hoạt động trở lại khi đã qua sự kiểm tra của Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực Nhật Bản, nhưng vẫn chưa được chấp nhận. 
Tổng công ty Điện lực Kyushu cũng nạp đơn yêu cầu Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực Nhật Bản kiểm tra nhà máy điện hạt nhân Sendai ở Kagoshima. 
Ngày 16/07/2014 vừa rồi, Chủ tịch Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực là ông Tanaka họp báo trình bày bản báo cáo của Ủy Ban sau mấy tháng kiểm tra, rà soát lại toàn bộ nhà máy điện hạt nhân Sendai về tính an toàn và năng lực sẵn sàng ứng phó với các tình huống thiên tai như hoạt động của núi phun lửa, bài học từ tai nạn sóng thần làm hỏng nhà máy hạch nhân Fukushima số 1. Theo bản báo cáo thì:
Đối với động đất và sóng thần: Công ty điện lực Kyusyu đã tăng mức dự đoán chấn động do động đất lên thêm 10% so với dự tính ban đầu, và tăng dự tính chiều cao sóng thần lên 6m và xây thêm 2 con đê vòng trong và vòng ngoài có chiều cao hơn để ngăn chận sóng thần.. 
Đối với hoạt động của núi lửa: Công ty Kysyu giả định độ lớn của một trận núi lửa phun ở mức ngang với vụ phun của núi lửa Sakurajima gần đó khoảng 10.000 năm trước. Những bụi núi lửa dầy 15cm, có thể làm  một số đường dây truyền tải điện bị ảnh hưởng và làm giảm lượng điện cấp ra bên ngoài và để đề phòng trường hợp này công ty sẽ làm lạnh các lò phản ứng bằng các máy phát điện tạm thời. 
Cuối cùng Ủy Ban quy chế nguyên tử lực kết luận rằng: tất cả các dự phòng và phương án đối phó của Công ty điện lực Kyushu đều thỏa mãn yêu cầu về an toàn.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số vấn đề đối với các kế hoạch di tản người dân do chính quyền địa phương đề xuất. Tất cả các thành phố và thị trấn trong vùng bán kính 30km quanh nhà máy Sendai đều đã soạn thảo kế hoạch di tản đối với những người dân có đủ sức khỏe. Tuy nhiên, các kế hoạch này vẫn bỏ ngỏ đối tượng trẻ em, người bệnh và người già. Các thiếu sót này đang được bổ sung trong những ngày tháng tới.

Chủ tịch Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực Nhật Bản.
 Cũng theo ông Tanaka thì nhiệm vụ của Ủy ban là làm công việc kiểm tra chứ không có quyền cấp phép cho nhà máy điện hạt nhân Sendai tái hoạt động, phần này thuộc quyền của tỉnh Kagoshima. Ông Tanaka còn nói thêm rằng: Đúng theo tiêu chuẩn của quy chế mới không có nghĩa là tránh được tai nạn. Chúng tôi kết luận nhà máy điện hạt nhân Sendai đúng tiêu chuẩn thì các chính trị gia diễn dịch thành hai chữ ‘’An Toàn’’, có thể sự diễn dịch này là để cho người dân dễ hiểu, nhưng không phản ảnh đúng theo kết luận của Ủy ban Quy chế Nguyên tử lực Nhật Bản.
Nội dung thẩm định trên còn phải được chính thức thông qua trong vòng 30 ngày tới sau khi lấy ý kiến của người dân. Nếu mọi việc suông sẻ, hai lò phải ứng hạt nhân Sendai 1 và 2 có thể được cấp phép để hoạt động trở lại vào tháng 10 tới đây.
Sau cuộc họp báo công bố này, các ký giả đã tìm dến phỏng vấn Thủ tướng Abe và được trả lời: nhà máy điện hạt nhân Sendai đã qua được cửa ải đầu tiên, hy vọng rằng sẽ được cơ quan hành chánh và người dân tỉnh Kagoshima cho phép tái hoạt động để giải quyết nạn thiếu điện hầu giúp phát triển kinh tế.
Trong khi đó những người chống điện hạt nhân như 3 vị cựu Thủ tướng Koizumi, Hosoikawa, Kan và Hatoyama thì cũng tổ chức họp báo, nói chuyện để vận động người dân chống điện hạt nhân tới cùng. Theo cựu Thủ tướng Koizumi thì điện hạt nhân vừa không an tòan, vừa tốn kém, là những mục tiêu mà khủng bố nhắm đến khi muốn tấn công Nhật Bản và khi tai nạn xảy ra không thể nào lường được sự thiệt hại. Đây là một gánh nặng cho Nhật Bản. Không có điện hạt nhân, Nhật Bản cũng phát triển kinh tế được, bằng chứng là hơn 3 năm qua chẳng thiếu điện, nhưng các ông này lại không nhắc đến yếu tố giá điện đã  tăng vùn vụt vì phải dùng dầu hỏa và lượng cung cấp dầu hỏa bị khá nhiều giới hạn có khuynh hướng giảm khiến nhiều nhà máy kiệt quệ và hơn cả là các ông này cũng không đưa ra một phương cách giải quyết sao cho hợp lý.

Luật pháp Nhật không cho phép người ngoại quốc vĩnh trú, cư trú tại Nhật nhận tiền trợ cấp bảo hộ cuộc sống?

Chuyện người ngoại quốc sinh sống tại Nhật với tư cách vĩnh trú hay định trú khi gặp khó khăn thì đến cơ quan hành chánh địa phương nơi mình cư ngụ làm đơn xin trợ cấp bảo hộ cuộc sống (seikatsu hogo). Được trợ cấp hay không tùy theo hoàn cảnh từng gia đình và nếu được thì mỗi tháng sẽ nhận trợ cấp bao nhiêu tùy vào ngân sách của từng địa phương chứ không phải tất cả đều được nhận tiền trợ cấp như nhau. Điều này hầu như chúng ta ai cũng biết vì thực tế có nhiều gia đình người Việt ở Nhật sống nhờ vào tiền trợ cấp xã hội. Thế nhưng vào ngày 18/07/2014 vừa qua, tòa án Tối cao Nhật phán quyết rằng: Luật Bảo hộ điều kiện sinh hoạt của Nhật quy định rằng công dân Nhật, bất cứ ai khi đời sống gặp  khó khăn có thể nạp đơn xin trợ cấp xã hội. Người ngoại quốc không phải là đối tượng của điều luật này nghĩa là không có quyền nhận trợ cấp xã hội cho dù đời sống gặp khó khăn.
Tại sao có phiên tòa này và theo phán quyết đó thì từ đây người ngoại quốc có tư cách vĩnh trú, cư trú ở Nhật không thể nhận trợ cấp xã hội hay sao ?.
Một lão bà (82 tuổi) quốc tịch  Trung quốc sống ở tỉnh Oita với tư cách vĩnh trú đến tòa hành chánh xin được trợ cấp bảo hộ cuộc sống. Sau khi điều tra, tòa hành chánh  bác đơn với lý do là bà có tài sản đủ để sống mà không cần trợ cấp. Lão bà này bất phục quyết định đó nên làm đơn kiện tòa. Trong phiên xử sơ vào năm 2010, tòa án Sơ thẩm Oita phán quyết rằng quyết định của tòa hành chánh là đúng với luật pháp, nghỉa là lão bà bị thua kiện. Luật sư biện hộ kháng án lên tòa phúc thẩm ở Fuku Oka. Toà Phúc thẩm xử thắng cho lão bà. Tòa hành chánh thành phố Oita bất phục phán quyết của tòa phúc thẩm Fuku Oka nên kháng cáo lên tòa ánTối cao ở Tokyo và kết quả phiên xử như vừa trình bày ở trên.
Hội Luật sư Nhật Bản cho rằng theo phán quyết của tòa án Tối cao thì người ngoại quốc sinh sống ở Nhật chỉ là đối tượng của việc bảo hộ hành chánh chứ không phải là đối tượng của luật Bảo hộ điều kiện sinh hoạt. Nghĩa là nếu như bị tòa hành chánh bác đơn xin trợ cấp thì không có quyền kiện.
Theo con số thống kê của bộ Y tế-Lao động Nhật thì năm 2012 có 46 ngàn gia đình (tổng cộng 75 ngàn người) ngoại quốc sống ở Nhật nhận trợ cấp bảo hộ cuộc sống. Khi xét đơn thì tòa hành chánh không phân biệt là người Nhật hay người ngoại quốc.



 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors