Biết rằng, hầu như tất cả quan chức đều là đảng viên, do Đảng chọn và xếp họ ngồi vào ghế quan. Khi vào Đảng, ai cũng thề thốt suốt đời theo Đảng, trung với Đảng. Đảng là trừu tượng như một cơ thể, đảng viên là cụ thể như những tế bào. Tất nhiên thôi, bảo vệ tế bào cũng cốt là để bảo vệ cơ thể. Có điều, Đảng quá cưng chìu đảng viên nên có một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa biến chất. Đảng viên thừa biết lẽ thường tình “Ai phong chức thì người ấy mới có quyền cách chức”. Họ quả quyết rằng Đảng không nở cách chức mình nên không dại gì từ chức.Bà Bộ trưởng Y tế Nguyễn thị KimTiến tuyên bố “Tôi không thể từ chức…”. Câu nói ấy không phải là cá biệt, nhớ lại xem, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây bị Quốc hội ép từ chức cũng nói thế ?Bà Tiến còn nói: “Chúng tôi được bổ nhiệm làm bộ trưởng là qui hoạch công tác lâu dài…, nhưng nếu cấp trên không đồng ý cho tôi đảm nhiệm chức vụ này nữa thì tôi sẵn sàng quay về làm công tác chuyên môn để giúp ích cho đời” – “Trong sáng quá, nhiệt tình quá ,đáng thương quá!” Một câu nói ngắn nhưng chứa 3 ẩn vụ: Ai bổ nhiệm ? Ai quy hoạch? Cấp trên là ai? Tại sao không nói rõ ra hay đó chỉ là cái cớ để tiếp tục bám ghế, trục lợi?Thiết nghĩ, người liêm sỉ, cho dù Dân cử hay Đảng cử đều có quyền riêng tư, chưa nói phạm phải sai lầm, chỉ cần thấy mình không thể đảm đương chức phận, chỉ cần báo rõ thời hạn để cấp trên chuẩn bị người thay thế, hết hạn báo từ chức ngay, vừa cho yên phận, vừa bớt gây khổ cho dân.Theo tôi nghĩ, tình hình đến nước này, cách chức quan chức sai phạm có thể Đảng còn cân nhắc, chớ quan chức sai phạm tự giác từ chức có lẽ Đảng khuyến khích, dù chỉ xóa được một vài ung nhọt cũng đỡ cho cơ thể đang mang trọng bịnh.Do không còn ở trong Đảng, chẳng biết Đảng có chủ trương gì mới không, chớ thập niên 80, là phó trưởng Ban Tuyên Giáo Tỉnh ủy tỉnh Tiền Giang, vì không chấp nhận Chuyên chính Vô sản và đường lối kinh tế XHCN, tôi báo rõ thời hạn từ nhiệm và trả thẻ đảng viên. Tỉnh ủy không vừa lòng, gọi tôi động viên bảo tiếp tục. Tôi chỉ nói gọn: ”Cho là lịch sự, không cho tôi cũng nghỉ”. Giữ làm chi kẻ không còn muốn làm, thế là các anh chấp nguyện vọng riêng tư của tôi và chỉ đạo lập sổ hưu và sổ khám chữa bịnh cho tôi theo chính sách.
Người ta thường nói: “Nhiệt tình + dốt nát = đại phá hoại”. Đến ngày 24/04/2014, có 3.500 trẻ mắc bịnh sởi, 119 trẻ sơ sinh chết vì sởi. Dầu do nhân tai hay thiên tai, ngành Y nói chung, Bộ trưởng Y tế nói riêng phài chịu trách nhiệm trực tiếp trong vụ này; còn trên hay trên nữa, chẳng lẽ không có trách nhiệm gián tiếp hay sao?! Buồn thay, vẫn với điệp khúc “rút kinh ghiệm” được thốt ra một cách thản nhiên từ miệng Thủ tướng.
Ở Nam Hàn, thần kinh xấu hổ của họ đủ mạnh, trong vụ chìm tàu, ngoài những người có trách nhiệm trực tiếp bị còng tay, thầy giáo sống sót trong vụ tai nạn tự tử vì không bảo vệ được học sinh của mình, Thủ tướng từ chức vì để tai nạn xảy ra trên đất nước, chưa hết, ông còn nói thêm rằng: tuy tôi từ chức nhưng còn có trách nhiệm giải quyết hậu quả của việc chìm tàu. Còn ở VN ta thì chỉ cần “rút kinh nghiệm” là đủ. Bởi thế, Phạm Nhật Hạ có lời bình: “Ở VN có một thứ rút mãi không hết, đó là kinh nghiệm”.
Qua vụ việc, tôi có một thỉnh cầu, với quyền hành tự ban cho mình, nếu Đảng lỡ chọn nhầm người không xứng đáng thì nên khuyến khích và cho họ cái quyền từ chức. Và nếu họ không chịu từ chức thì Đảng dùng quyền lực của mình cách chức họ để cho dân đỡ khổ. Nếu Đảng không loại được những người không xứng đáng ấy ra khỏi chức vị thì Đảng nên tự loại mình ra khỏi vai trò lãnh đạo đất nước.
Người ta đang dõi theo việc Đảng xử lý nội bộ của mình.
01/05/2014
T.T.