Thời Sự Nhật Bản - 05-2014


Tổng thống Hoa Kỳ công du Nhật Bản




Trong chuyến công tác Á Châu của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, chặng đường đầu tiên ông ghé là Nhật Bản. Ông và đoàn tùy tùng đã đến phi trường Haneda lúc 7 giờ tối ngày 23 tháng 4 trên chiếc máy bay dành cho Tổng Thống Mỹ. Ông và phái đoàn được tiếp đón như quốc khách dù ông đã đến Nhật lần thứ ba.



Người mà ông gặp đầu tiên là thủ tướng Shinzo Abe, tại một tiệm sushi nổi tiếng tại Ginza có sức chứa khoảng…. 10 người. Hai ông và những người trong phái đoàn đã trao đổi với nhau khoảng 1 tiếng rưỡi.
Sáng 24/4, sau khi đến chào hỏi Thiên Hoàng, ông Obama và Abe đã chính thức thảo luận về các vấn đề như: TPP, Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật đã ký vào năm 1961 v.v…

Trong cuộc họp báo sau đó, ông Obama đã tuyên bố: điều 5 của hiệp ước bao gồm tất cả các lãnh thổ do Nhật Bản quản lý, trong đó có quần đảo Senkaku. Điều 5 cũng quy định Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên, một tổng thống Mỹ đã khẳng định như thế
Senkaku nằm cách Đài Loan 200 km về phía đông bắc, và cách đảo Okinawa (miền nam Nhật Bản) 400 km về phía tây, Senkaku hiện nằm dưới quyền quản lý của Nhật Bản, nhưng đang bị Trung Quốc đòi chủ quyền dưới tên gọi Điếu Ngư. Kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa ba trong số các hòn đảo Senkaku vào tháng 09/2012, Bắc Kinh thường xuyên cho tàu và máy bay xâm nhập vào khu vực này, nhưng chưa xảy ra một trận đụng độ nào, tuy thế cũng làm dấy lên mối quan ngại về nguy cơ xung đột võ trang nổ ra với lực lượng Nhật Bản.
Sau nhiều giờ bàn thảo giữa hai bên về việc TPP, nhưng vẫn chưa có kết quả, nên cả hai đã không thể có một thông cáo chung, nên đồng ý là sẽ tiếp tục mở những cuộc hội đàm cấp cao về TPP này.
Sáng 25/4, ông Obama đã rời Tokyo sang Hàn quốc sau chuyến công tác 3 ngày 2 đêm.


Những Trục Trặc Của Nhiều Cửa Hàng Vào Ngày Đầu Tăng Thuế Tiêu Thụ 

Mặc dù cả mấy tháng trước ai cũng biết vào 0 giờ sáng ngày 01/04/2014 thuế tiêu thụ sẽ tăng từ 5% lên thành 8%, thế nhưng vào đúng ngày giờ tăng thuế vẫn có rất nhiều cửa hàng bị trục trặc khi tính tiền cho khách. Tại sao một nước Nhật văn minh tiến bộ về kỹ thuật vào hàng đầu thế giới vậy mà máy tính tiền tại nhiều cửa tiệm lại bị sai bởi các phép tính nhân chia đơn giản như thế. 
Hầu như việc tính tiền sai này chỉ xảy ra đối với các cửa hàng mở cửa 24/24 hoặc một số siêu thị mở cửa đến 0 giờ sáng. Lý do sai là vì vào giờ thứ 24 của ngày 31 tháng 3 thuế tiêu thụ vẫn còn 5%, qua 0 giờ sáng ngày 1 tháng 4 trở thành 8% nên không có thì giờ điều chỉnh lại máy tính tiền. Nhiều cửa hàng tiện lợi biết trước thế nào cũng bị trục trặc trong chuyện tính tiền nên tạm thời đóng cửa một, hai tiếng đồng hồ vào lúc 12 giờ đêm ngày 31/03 để điều chỉnh máy. Còn các siêu thị mở cửa đến 0 giờ sáng thì sau khi đóng cửa không có đủ nhân viên đi dán giá tiền hay mã vạch (barcode) mới trên tất cả các mặt hàng của siêu thị. Điển hình là hệ thống siêu thị bán thực phẩm Matsuya Nanase ở tỉnh Nagano phải đóng cửa ngày 1 tháng 4 để điều chỉnh lại giá cả theo thuế tiêu thụ 8%.
Thủ tướng Abe tại siêu thị Mitsukoshi ở Ginza
Các hãng taxi thì sau khi đem xe về hãng điều chỉnh lại máy tính tiền, đến giờ đổi ca lúc 8 giờ sáng ngày 01/04, mới tính thêm 3% thuế tiêu thụ chứ không thể bắt khách đón xe lúc 12 giờ khuya ngày 31 tháng 3, chạy vài phút rồi tính thuế tiêu thụ từ 5% lên thành 8%.
Về giá vé xe điện đi trong thành phố thì ở vùng Kanto nếu sử dụng thẻ Suica của hãng JR Higashi Nihon hay Pasmo của các hãng xe điện tư nhân khác để đi thì cứ cộng thêm 3% thuế tiêu thụ cho đúng 8%. Thí dụ giá vé trước đây là 140 yen bây giờ thành 144 yen. Ở vùng Kansai thì thẻ PiTaPa do các hãng xe điện tư nhân phát hành, nhưng người mua không trả tiền mặt được mà phải trả qua trương mục ngân hàng của mình, tính qua tính lại rắc rối nên lấy luôn 10 yen cho chẵn nên phải trả thành 150 yen. Ngoài PiTaPa ra còn có thẻ ICOCA do hãng JR Nishi Nihon phát hành, thẻ này có thể tính từng yen một như Suica hay Pasmo ở vùng Kanto, nhưng vì cách tính tiền ăn thông với thẻ PiTaPa nên lấy chẵn 10 yen cho tiện, đây là điều làm cho người dân ở vùng Kansai bất mãn. 
Thứ bảy đầu tiên (05/04)kể từ khi tăng thuế tiêu thụ lên thành 8%, Thủ tướng Abe đã làm một màn đi thăm dân cho biết sự tình, ông đi siêu thị Mitsukoshi ở phố Ginza mua vài món hàng và một ly nước cam tổng cộng 39.995 yen trong đó thuế tiêu thụ 8% là 2.958 yen, cầm biên lai trả tiền đưa lên cho các ký giả quay phim chụp hình và nói rằng đúng là giá cao hơn trước, chính quyền Abe hứa là sẽ sử dụng khoản thuế tiêu thụ tăng này cho vấn đề bảo hiểm sức khỏe, an sinh xã hội
Nhật Bản bắt đầu chính thức áp dụng thuế tiêu thụ 3% vào tháng 4 năm 1989 do Thủ tướng Takeshita quyết định đã khiến  người dân quá bất mãn. Tháng 06/1989 báo chí khui ra được chuyện Thủ tướng Takeshita nhận tiền từ hãng Recruit một cách bất chính khiến người dân lại càng tức giận thêm nên ông Takeshita phải từ chức.
Tháng 4 năm 1997, Thủ tướng Hashimoto đôn thuế tiêu thụ lên thành 5%, đúng vào thời điểm kinh tế Á châu lâm vào khủng hoảng, điều này cũng khiến cho người dân Nhật bất mãn vì đời sống khó khăn hơn trước nên trong cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 07/1988 đảng cầm quyền thua khá nặng khiến Thủ tướng Hashimoto phải từ chức. Sau này ông Hashimoto cho rằng quyết định tăng thuế tiêu thụ lên thành 5% là sai lầm trong bối cảnh kinh tế Á châu đang suy sụp.
Nói tóm lại trước đây hai vị Thủ tướng Nhật phải ra đi vì nhiều ít liên quan đến thuế tiêu thụ, không biết Thủ tưóng Abe sẽ ra sao với 8% thuế tiêu thụ vừa rồi và thêm 2% nữa vào năm tới.   

Vẫn Chưa Bắt Được Thủ Phạm Sát Hại 1 Phụ Nữ Việt Nam Ở Thị Xã Hadano

Ngày 29 tháng 3/2014 vừa rồi là đúng 1 năm xảy ra vụ một phụ nữ Việt Nam (40 tuổi) cư ngụ tại chung cư Tsurumaki ở thị xã Hadano thuộc tỉnh Kanagawa bị sát hại. Trong ngày này, ty Cảnh sát tỉnh Kanagawa đã cho 20 cảnh sát đến nhà ga Hadano và khu vực xung quanh chung cư Tsurumaki phân phát giấy nhắc lại vụ án mạng để mong cư dân cung cấp thêm thông tin hầu truy lùng hung thủ. 


Cảnh sát tỉnh Kanagawa đang phát giấy cho ngưòi đi đường ở gần chung cư Tsurumaki 
Cùng ngày hôm đó, cảnh sát Kanagawa họp báo cho biết tính đến nay có tất cả 6.300 cảnh sát được tung vào điều tra về án mạng này, đã thay phiên nhau đi dò hỏi tin tức khoảng 2.500 nhà ở chung cư Tsurumaki và khu vực phụ cận, đã xem tất cả các camera phòng chống tội phạm gắn ở ngoài đường phố, tiệm quán, nhà ga…, nhưng vẫn chưa có một thông tin nào chính xác về hung thủ. Cũng theo cảnh sát thì bất cứ một án mạng nào thì cảnh sát đều nỗ lực tối đa để truy lùng thủ phạm chứ không riêng gì vụ này. Nếu có bất cứ thông tin nào về vụ án mạng này xin liên lạc cho cảnh sát biết theo số điện thoại sau đây: 0463-83-0110.
Tưởng cũng nên nhắc lại vụ án mạng này một chút, vào trưa ngày 20/03/2013, hai người con gái sinh đôi của nạn nhân từ trường trở về, mở cửa bước vào nhà thì thấy mẹ mình nằm ngửa bất động trên vũng máu, các em hốt hoảng liền điện thoại cho cha đang ở hãng và những người quen ở cùng chung cư để báo tin, sau đó gọi số 119 cho xe cứu thương, nhưng người mẹ đã tắt thở. Theo biên bản của Cảnh sát thì nạn nhân bị đâm nhiều nhát ở cổ, áo quần nạn nhân không bị xốc xác và đồ đạc trong nhà không bị lục tung chứng tỏ đây không phải là một vụ giết người để cướp của. 


6 Người Việt Trồng Cần Sa Ở Himeji Bị Bắt

Ngày 14/04/2014, nhật báo Asahi và Kobe loan tin cho hay cảnh sát tỉnh Hyogo đã bắt giữ 6 người mang quốc tịch Việt Nam cư ngụ tại Nibuno, thị xã Himeji, tỉnh Hyogo về tội trồng cần sa để bán. Tang chứng tịch thu được tại hiện trường là 1271 chậu cần sa. Số chậu cần sa này được trồng tại hai nơi, một tại nhà ở thị trấn Kasai và một tại Himeji trong một xưởng thuộc da bỏ trống. Ba trong sáu người bị bắt này khai rằng họ chỉ là người trồng thuê chứ không biết gì đến chuyện mua bán cần sa. Theo các lời khai thì chủ chốt việc trồng cần sa này là một người đàn ông Việt Nam khác và cảnh sát Nhật đang truy lùng.
Các chậu cần sa trồng trong nhà bị cảnh sát tịch thu 
Tin tức này được đưa ngay lên mạng Internet, Youtube nên nhiều người biết đến. Vì không thu được hình ảnh về cách thức trồng cần sa của 6 người này nên hãng Tomonews Japan (tin tức trên Youtube) đã vẽ hình làm thành phim để phụ họa khi loan tin này
http://www.youtube.com/watch?v=FDWWNeDuFg8
Theo cảnh sát thì đây là vụ trồng cần sa lớn nhất từ trước đến nay, nếu bán hết số này thì có thể thu vào khoảng 500 triệư yen (chừng 5 triệu mỹ kim) Vì còn phải điều tra về đường dây buôn bán cần sa nên cảnh sát không thể tiết lộ thêm các chi tiết khác liên quan.
Nguyệt san Hiệp Hội sẽ theo dõi tin tức liên quan đến vụ này để tiếp tục tường trình đến quý độc giả.


Có Thể Yêu Cầu Thêm Hành Thêm Dưa Khi Mua Bánh Mì Thịt Bầm Ở Tiệm Mc Donalds


Có lẽ chẳng một ai trong chúng ta là không bước vào tiệm Mc Donalds mua bánh mì thịt bầm (hamburger) để ăn, nhưng hầu như chẳng ai biết là mình có thể yêu cầu tiệm bỏ thêm hành tây, dưa chua và nước sốt mà không phải trả thêm tiền.


Ngày 14/04/2014, người ta thấy trên trang nhật ký điện tử (twitter) của một người tự xưng đã từng làm việc ở tiệm Mc.Donals trong một thời gian dài viết như sau: Kể từ ngày 01/04/2014, chỉ cần mua một cái bánh hamburger 100 yen cũng có quyền yêu cầu tiệm cho thêm các thứ như vừa kể trên, nhưng chắc là không một khách nào biết nên chẳng thấy ai đòi hỏi gì cả.
Một số ký giả đã điện thoại đến văn phòng hãng Mc.Donals Japan xác nhận chuyện này là có thật, nhưng số lượng chỉ tăng gấp đôi mà thôi, chẳng hạn 1 lát dưa chua tăng thành 2 lát. Khi được hỏi tại sao không không thông báo rộng rãi cho khách biết? thì được trả lời rằng thật ra thì có loại hamburger với lượng dưa chua, hành tây, nước sauce theo lượng tiêu chuẩn ăn mới ngon, tăng lượng các thứ kia thêm chưa chắc đã ngon nên không quảng cáo rộng rãi, chúng tôi coi đó như là thực đơn của người sành điệu, tuy nhiên ai để ý thì thấy trên biên lai tính tiền Mc Donals có ghi rõ chuyện này cho khách hàng biết.
Qúy đồng hương nào khi mua hambager của Mc Donalds muốn thêm các món đó thì cứ nói thẳng chứ đừng ngại.


Sử Dụng Aeon Smart Phone Rẻ Hơn Phân Nửa So Với Các Hãng Điện Thoại Khác


Bây giờ mà sử dụng điện thoại di động là đã bị coi như lỗi thời, phải là Smart Phone (Điện thoại Thông minh), cảnh đi ngoài đường mà cầm smart phone bấm bấm để đọc email, xem internet hay chơi game rất dễ tông cột đèn, nhưng đó là cái mốt (mode) của người thời nay. Để tránh tai nạn giao thông cho người đi bộ, có nhiều nơi đã ra luật phạt cái mode này. Muốn có một Smart Phone thì đến các tiệm AU của hãng điện thoại KDD, các tiệm của hãng Docomo, Soft Bank…đăng ký sử dụng, giá cả thì không khác nhau bao nhiêu, nếu chỉ sử dụng các dịch vụ căn bản như gọi điện thoại, gởi, nhận email, xem tin tức, chơi một số game đã được quy định thì mỗi tháng trả từ 6 đến 7 ngàn yen.  
Ngày 04/04/2014 vừa qua, hệ thống siêu thị Aeon với 170 cửa tiệm trên khắp nước Nhật đã tung ra thị trường điện thoại thông minh với cái tên Aeon Smart Phone với đầy đủ dịch vụ căn bản mà giá sử dụng mỗi tháng chỉ có 2.980 yen. Ngoài ra nửa chừng muốn ngưng là ngưng mà không cần bồi thường tiền theo khế ước sử dụng ít nhất là 2 năm như các hãng điện thoại khác. Aeon dự tính bán 8000 cái Smart Phone trong vòng 1 tháng thế mà chỉ trong vòng mấy ngày, là bán sạch trơn nên nghe đâu sẽ làm thêm để bán.


Lý do Aeon smart phone rẻ là vì tốc độ chuyển tải thông tin của nó chậm chỉ có 200 kikobit/ giây, chậm hơn so với các hãng khác. Điểm này không lôi cuốn được giới trẻ thích tốc độ, bấm vào đâu là phải hiện lên ngay mới được. 
Theo Aeon siêu thị thì những ai không cần số lượng thông tin quá nhiều trong một ngày và những ai chưa từng sử dụng smart phone sẽ thích sản phẩm của Aeon vì nó vừa rẻ lại vừa dễ dàng sử dụng, không quá phức tạp như các smart phone khác. 


Phi Trường Quốc Tế Haneda Mở Thêm Nhiều Chuyến Bay Đi  u Châu Và Đông Nam Á


Phi trường quốc tế Haneda nằm ở quận Ota, Tokyo rất tiện lợi cho hành khách. Từ phi trường vào trung tâm thành phố chỉ mất chừng 20 phút xe điện. Vì phi trường Haneda ở ngay Tokyo nên đến 10 giờ đêm là phải đóng cửa để trả lại sự yên lặng cho cư dân trong vùng, chính vì lý do đó mà chính phủ Nhật phải xây phi trường Narita nằm ở tỉnh Chiba vào tháng 5 năm 1978, tất cả chuyến bay quốc tế đều dời ra đó, còn phi trường Haneda chỉ dành cho các chuyến bay nội địa, tuy nhiên hãng China Airlines của Đài Loan vẫn phải đáp và cất cánh ở phi trường Haneda chỉ vì Trung quốc lấy lý do Đài Loan không phải là một quốc gia để áp lực chinh phủ Nhật không cho China Airlines dời ra phi trường Narita như tất cả các hãng máy bay khác. Vì muốn chiều ý Bắc Kinh để đẩy mạnh bang giao nên Tokyo làm theo ý của Bắc Kinh vì vậy Haneda vẫn được gọi là phi trường quốc tế cho dù một ngày chỉ có một vài chuyến bay của hãng China Airlines hoặc năm khi mười họa mới có một chuyến bay bao thuê đi nước ngoài.
Chính quyền Đài Loan bực mình lắm nhưng cũng đành chịu vì vẫn còn muốn duy trì đường bay sang Nhật. Tuy nhiên về hiệu quả kinh tế thì rất tốt vì nhiều hành khách đến Tokyo muốn xuống ở phi trường Haneda cho tiện hoặc lấy vé máy bay của hãng China Airlines đi Mỹ,  u châu mà không mất công bò ra phi trường Narita. 
Năm 2001, Hàn quốc nâng cấp phi trường quốc tế Incheon ở thủ đô Seoul lên thành phi trường trục quốc tế (Hub International Airport), nghĩa là mọi chuyến bay nội địa và quốc tế đều có thể đáp ở đây. Trong khi đó Nhật vẫn tách biệt phi trường quốc nội là quốc nội và phi trường quốc tế thì chỉ có một vài chuyến bay nội địa để cho hành khách đổi máy bay mà thôi. Nói cách khác là Nhật chưa có một Hub International Airport theo đúng nghĩa của nó. Lấy một thí dụ điển hình cho dễ hiểu, chẳng hạn một người ở tỉnh Akita muốn đi Mỹ, trước tiên phải lấy máy bay đến phi trường Haneda rồi từ đây đi xe bus hay xe điện ra phi trường quốc tế Narita, nhiều khi giờ bay không hợp phải ngủ lại Tokyo một đêm, trong khi có thể từ phi trường Akita bay qua phi trường Incheon ở Seoul rồi đổi máy bay đi Mỹ, quá tiện lợi, điều này khiến cho các hãng máy bay Nhật mất hành khách ngay chính trên đất nước của mình.
Nếu không có phi trường trục quốc tế thì ngành hàng không Nhật chào thua nên chính phủ Nhật quyết định lấp biển xây thêm 2 phi đạo cho phi trường Haneda để dần dần biến nó thành một Hub International Airport. Vì phi đạo nằm ngoài khơi nên tiếng động cơ không ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng nên máy bay có thể cất cánh và đáp 24/24. 
Ngày 21 tháng 10 năm 2010, nghĩa là hơn 32 năm, Haneda trở lại sinh hoạt bình thường của một sân bay quốc tế với một số chuyến bay của các hãng hàng không lớn, vì quá tiện lợi nên tất hành khách đều muốn đi ở phi trường này. 
Phi trường quốc tế Haneda
Để áp ứng nhu cầu đó, cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm nay, phi trường Haneda quyết định tăng thêm các chuyến bay quốc tế đi  u châu và Đông Nam Á nên từ đây có thể đi Hà Nội hay Sài Gòn từ phi trường Haneda. Chắc chắn một ngày nào đó Haneda sẽ trở thành một phi trường trục quốc tế, đem nhiều hành khách nước ngoài đến xem Olympic Tokyo 2020.


Hai Chính Phủ Nhật-Hàn Ở Trong Tình Trạng Gần Như Đoạn Giao


Kể từ khi cựu Tổng thống Hàn quốc, ông Lý Minh Bác, đặt chân đến hòn đảo Liancourt (tiếng Hàn gọi là Dokdo và tiếng Nhật gọi là Takeshima) mà hai nước đang tranh chấp thì tình hình bang giao giữa Hàn và Nhật trở nên căng thẳng. Năm 2013, Cuối tháng 2/2013, bà Phát Cận Huệ lên thay ông Bác thì tình hình bang giao giữa hai nước Hàn-Nhật lại càng thêm căng thẳng vì bà Huệ muốn Nhật Bản phải công khai nhận lỗi về chuyện ngày xưa lính Nhật bắt phụ nữ Triều Tiên phục vụ tình dục. Về phía Nhật Bản thì luôn chủ trương hòn đảo Liancour là lãnh thổ bất khả xâm của mình, còn chuyện lính Nhật ngày xưa cưỡng chế tình dục phụ nữ Triều Tiên là hành động cá nhân chứ không có một bằng chứng cụ thể nào cho thấy chính phủ Nhật ra lịnh, hơn nữa vấn đề này đã được lãnh đạo hai nước Nhật-Hàn đồng ý bỏ qua trong hiệp định thiết lập bang giao ký kết vào năm 1965.
Tình hình ngoại giao Hàn-Nhật càng căng thẳng thì thế liên minh Hàn-Mỹ Nhật càng bị thiệt hại. Chính vì lý do đó mà Tổng thống Hoa Kỳ, ông Obama đã đứng ra dàn xếp để lãnh đạo hai nước Hàn-Nhật ngồi lại nói chuyện với nhau có sự hiện diện của Hoa Kỳ. Cuộc hội đàm này đã được diễn ra vào ngày 25 tháng 3, cả ba nguyên thủ này đều có mặt tại hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân tại Hague, thủ đô Hòa Lan.

Vì cuộc hội đàm được tổ chức tại Hòa Lan nên báo chí nước này đã tích cực đưa tin và có nhận xét rằng hình như nữ Tổng thống Hàn quốc vì cả nể Tổng thống Obama nên mới nhận lời chứ trong thâm tâm không muốn ngồi chung với Thủ tướng Nhật. Trong phần bắt tay chào hỏi xã giao để chụp hình quảng cáo, người ta thấy bà Huệ ngó đi chỗ khác khi ông Abe lên tiếng chào một câu bằng tiếng Hàn quốc, bà Huệ chỉ bắt tay Tổng thống Obama chứ làm ngơ khi Thủ tướng Nhật đưa tay ra bắt. Cứ nhìn cái không khí như vậy thì chẳng ai nghĩ rằng cuộc hội đàm sẽ đạt được kết quả tốt. Truyền thông Hòa Lan đánh giá rằng nữ Tổng thống Phát Cận Huệ thiếu kinh nghiệm trong vấn đề ngoại giao, cho dù không thích người đối diện, nhưng trên cương vị một Tổng thống và nhất là trước ống kính truyền thông quốc tế thì không nên có cử chỉ như thế. 


Về phần truyền thông Hàn quốc thì nói rất nhiều khía cạnh về cuộc hội đàm này, trước tiên tờ Trung ương nhật báo cho rằng tuy cuộc hội đàm có tính gượng ép, nhưng việc lãnh đạo ngồi lại nói chuyện với nhau là một dấu hiệu tốt, nhưng tiếc thay tất cả thì giờ đều đổ vào vấn đề ngăn chận Bình Nhưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân chứ chuyện hòa giải giữa hai nước Hàn-Nhật chỉ phớt qua cho có chuyện để nói. Tờ Triều Tiên nhật báo thì nói thẳng rằng trong hơn 1 năm qua Hàn-Nhật coi như đoạn nhau, bây giờ ngồi lại được với nhau là chuyện tốt, nhưng nếu phía Nhật bản cứ tránh né vấn đề thì chẳng giải quyết được gì cả. Hãng thông Yonhap thì bình luận rằng cuộc hội đàm tay ba vừa rồi cho thấy việc cải thiện bang giao giữa hai nước Hàn-Nhật vẫn còn ở trong đường hầm. Tờ Hankyoreh thì viết rằng cuộc hội đàm vừa qua tại Hague là màn trình diễn của hai ông Obama và Abe chứ phía Hàn quốc chẳng có lợi lộc gì cả, lẽ ra bà Phát Cận Huệ không nên tham dự. Tờ báo này còn nói thêm rằng, ngay sau cuộc hội đàm, phía Nhật Bản còn dã tâm đưa chuyện hòn đảo Dokdo của chúng ta vào sách giáo khoa của họ để dạy cho học sinh Nhật đó là hòn đảo của mình. Điều này chứng tỏ Nhật Bản không biết phục thiện.
Truyền thông Nhật Bản đương nhiên cũng đề cập đến cuộc hội đàm này với một thái độ chừng mực, không khích bác và cho rằng chuyện giao hảo tốt đẹp thì có lợi cho hai nước chứ chẳng riêng gì Nhật Bản.
Theo ý kiến của một số nhà ngoại giao phương Tây ở Seoul và Tokyo thì tình trạng bang giao giữa hai nước Hàn-Nhật sẽ còn căng thẳng thêm một thời gian nữa ít ra cũng vài ba năm, sau đó thì chắc chắn phải cải thiện vì thực tế hai quốc gia phải dựa vào nhau để bảo vệ an ninh và phát triển.


70% Luật Sư Nhật Tán Thành Việc Bãi Bỏ Án Tử Hình 


Việc chính phủ Nhật vẫn duy trì án tử hình đã bị nhiều tổ chức, hội đoàn lên tiếng chỉ trích vì cho rằng nó tàn ác, không hợp với một nước văn minh tiến bộ. Tuy nhiên vẫn có rất nhiều người nghĩ rằng đối với những kẻ sát nhân tàn bạo hay phạm pháp tày trời thì tử hình là đúng và còn ngăn chận được những ai có ý định giết người. Chuyện bàn luận không đi đến đâu và dần dà nguội đi vì bên nào cũng có lý, nhưng nay bỗng nóng lên trở lại, nguyên nhân do một tử tù mới được thả vào ngày 27/03/2014. 
48 năm trước, ngày 30 tháng 6 năm 1966 tại Shizuoka đã xảy ra vụ giết người cướp của rất dã man mà nạn nhân là 4 người của một gia đình nhân viên quản trị công ty làm miso (tương). Để phi tang dấu tích hung thủ đã đốt luôn cả nhà nhân viên này. Sau 1 tháng “theo dõi” thì cảnh sát đã bắt kẻ tình nghi là thủ phạm tên Hakamada Iwao, cựu võ sĩ quyền anh chuyên nghiệp (30 tuổi) cũng là người làm việc tại đây sau khi giải nghệ.
18 ngày đầu thì ông Hakamada phủ nhận, nhưng đến ngày thứ 19 thì ông này đã “tự thú” và nhận chính mình là thủ phạm, và đồng ý tất cả những gì gọi là bằng chứng được phía cảnh sát và viện kiểm sát đưa ra.
Ngày 15/11/1966, trong phiên xử đầu tiên của tòa sơ thẩm, ông Hakamada đã phủ nhận tất cả và chủ trương mình vô tội. Ông cho biết: Tôi đã bị ép cung trong suốt thời gian 19 ngày, tôi phải “tự thú” cho xong để tránh được chuyện đầu óc ngày đêm lúc nào cũng căng thẳng vì tra vì hỏi. 
Ngày 31/8/1967, để chứng minh những buộc tội của mình là đúng, viện kiểm sát Shizuoka lại đưa ra 5 chứng cớ mới gồm quần, áo, quần đùi v.v.. có dính vết máu của ông được nói là đã tìm thấy trong các vại đựng tương, và kết luận là ông Hakamada đã mặc bộ quần áo này lúc giết người, khác hẳn với lời ông bị ép buộc khai lúc ban đầu là mặc đồ ngủ. Thời đó làm gì mà có DNA để chứng minh, nên quan tòa cứ thế và “vô tư” đi tới. 


Ngày 11 tháng 9 năm 1968, tòa sơ thẩm tuyên án tử hình. Ông kháng án.
Ngày 18 tháng 5 năm 1976, tòa phúc thẩm y án tử hình. Ông kháng án.
Ngày 12 tháng 12 năm 1980 tòa tối cao vẫn giữ y án tử hình.
Vì thấy có quá nhiều mâu thuẫn trong cách hỏi cung, cách điều tra....  nên ngay từ lúc án ông đã được xác định, nghĩa là chỉ chờ ngày đi “trả án” thì gia đình ông nhất là bà chị gái Hakamada Hideko (năm nay đã 81 tuổi) và các đoàn thể ủng hộ như Hội Liên Hợp Luật Sư Nhật Bản, Hội quyền anh chuyên nghiệp, Liên minh dân biểu hai viện quốc hội, cá nhân v.v... đã làm đủ mọi cách tìm chứng cớ mới để chứng minh rằng ông vô tội và yêu cầu tòa án xét lại. Tưởng cũng nên biết rằng, dù đã án đã xác định nhưng nếu tìm ra được một chứng cớ mới khả thi, thì người bị án có quyền nộp đơn yêu cầu tòa xét lại vụ án. Ngoài nỗ lực kêu gọi việc xét lại, các đoàn thể liên hệ đã yêu cầu ngưng chấp hành lệnh tử hình vì ông đang bị tình trạng tâm thần phân liệt trong suốt nhiều năm, nói chẳng ai hiểu và cứ thì thầm với “chính mình” từ ngày này sang ngày khác. Mãi cho đến năm 2010, tổng trưởng tư pháp là bà Chiba Keiko đã đồng ý cho ông đi kiểm nghiệm bệnh tâm thần. Kết quả là tháng 2 năm 2011, án tử hình của ông ..... vẫn tiến hành nếu tổng trưởng tư pháp ký “giấy”.
Sau mấy chục năm cố gắng, nỗ lực của những người ủng hộ ông, ngày 27 tháng 3 vừa qua, tòa án Shizuoka đã ra phán quyết: ngưng lệnh hành quyết và đem sự việc ra xét xử lại. Cũng cùng ngày đó ông được tạm phóng thích sau 48 năm trong nhà tù.
Lý do chính khiến chánh án Hiroaki Murayama có phán quyết không tiền khoáng hậu, lần đầu tiên tại Nhật Bản là: "Quần áo tìm thấy tại hiện trường mà viện kiểm sát đưa ra không phải là của bị cáo, có thể do cảnh sát hay viện kiểm sát ngụy tạo". Kết quả xét nghiệm DNA hiện tại đã chứng minh điều này, những gì dính trên áo mà cảnh sát bảo là tìm được trong các vại tương không phải là áo của ông Hakamada, đó chính là “nền tảng vững chắc” nhất cho những chứng cớ khác do phía luật sư đưa ra, chẳng hạn như ông không mặc vừa cái quần được cho là tìm thấy sau đó 1 năm, hoặc sau bao nhiêu lần “tái hiện” cảnh lúc “thủ phạm” trốn khỏi nhà sau khi giết 4 người dựa theo lời ông khai, thì kết quả cho thấy không ai có thể làm được việc đó trong những điều kiện như thế, hay lời thú nhận của một cảnh sát lúc điều tra cho biết là sau khi sự việc xảy ra chính ông ta đã dùng cây khuấy rất kỹ các vại tương nhưng không tìm thấy bất cứ cái gì cả v.v..... 
Thêm một yếu tố khá quan trọng khiến chánh án phải để ý nữa là 1 ông tòa của tòa án sơ thẩm dù đã ký tên đồng ý kết tội tử hình là ông Kumamoto Norimichi, nhưng sau này đã mất hẳn tự tín và kiên quyết phủ nhận phán quyết này đến nỗi ông phát bệnh. Hôm được tin ông Hakamada được tạm phóng thích ông đã phát khóc như chưa bao giờ được khóc và phát biểu bằng giọng nghẹn ngào chữ được chữ mất: “phải thế chứ, chuyện đương nhiên”
Ông tòa Kumamoto Norimichi (71 tuổi)
đã khóc khi nghe tin Hakamata
được phóng thích

Chiếc áo dính máu tên sát nhân nào đó
và cái quần ông mặc mãi... không vừa
Hôm 27/3, sau khi tòa quyết định “xét lại” vụ án, chị ông đã đến tận nhà tù để thông báo, trước khi vào gặp, bà Hideko rất lo là ông sẽ nói: “chả có điều gì phải nói, kêu chị tôi về đi” như bà đã gặp cảnh này suốt 3 năm nay. Cuối cùng, sau một hồi thuyết phục, ông mới chịu cho gặp. Khi bà thông báo vụ án sẽ được xét lại, ông tỏ vẻ không tin, nói đi nói lại mãi ông mới bật miệng: thế à, rồi lẳng lặng cùng người chị làm thủ tục bước ra khỏi nhà tù. Trên đường về khách sạn, ông không nói một câu ngoài những câu lẩm bẩm một mình vô nghĩa và câu: Cám ơn. Giữa đường, bị say xe chóng mặt, ông phải ngồi nghỉ, vì suốt 46 năm nay chưa một lần nào vừa được đi xe... vừa ngắm cảnh cả, nếu có đi xe thì là xe bịt bùng chỉ thấy xung quang toàn là bóng tối

Ông ra khỏi nhà tù vào tuổi 78, người cứ ngơ ngơ ngáo ngáo, chả nói chuyện với ai, các bác sĩ nói tinh thần ông không được bình thường vì bị giam giữ quá lâu cần một thời gian tịnh dưỡng. Hiện ông vẫn phải ở bệnh viện để tập lại những động tác quen được với cuộc sống hàng ngày. Hôm 14/4, trong buổi chào đón ông tại Tokyo, ông đã xuất hiện bên người chị giơ tay chào mọi người bằng dấu hiếu chiến thắng và chỉ nói được 1 câu duy nhất: “Xin tiếp tục giúp đỡ tôi” rồi trở lại thế giới của ông là lẩm bẩm nói một mình.
Trên nguyên tắc, khoảng 2 tháng nữa vụ án này sẽ đem ra xét xử lại. Nếu ông “vô tội” (chắc là thế dù viện kiểm sát đã kháng án), ông sẽ được bồi thường một số tiền để đền bù 48 năm nằm khám. Tùy theo năng lực, số tiền bồi thường 1 ngày cao nhất 12500 (125 mỹ kim) một ngày. Một số tiền rất lớn khoảng 200 triệu yen (2 triệu mỹ kim), nhưng vẫn không thể nào lấy lại 48 năm ông đã mất và để làm gì vì năm nay tuổi ông đã 78?

Tử tù Hakatamada rời khỏi nhà tù
Ngay sau khi tin này được loan tải, nhiều tổ chức, hội đoàn đã lên tiếng tán thưởng quyết định này, trên website sứ quán Anh quốc tại Nhật đã viết rõ như sau: Ngành Tư pháp không phải là vạn năng, chắc chắn cũng có điều sai lầm, Nhật Bản nên bãi bỏ luật tử hình.
Ngày 01/04/2014, hội Luật sư Nhật Bản đã tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến nhiều đồng nghiệp, kết quả là 70% đồng ý bãi bỏ luật tử hình; 20% cho rằng cần phải duy trì và 10% còn lại thì sao cũng được. Không biết vừa rồi các cơ quan truyền thông Nhật đã tiến hành thăm dò dư luận về chuyện này chưa, nhưng kết quả có được vào năm 2009 thì 86% người Nhật vẫn muốn duy trì luật tử hình.


 

Random Posts

Category

  • ( 8 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 18 )
  • ( 8 )
  • ( 50 )
  • ( 40 )
  • ( 7 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 6 )
  • ( 1 )
  • ( 51 )
  • ( 1 )
  • ( 11 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 154 )
  • ( 3 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 7 )
  • ( 3 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 160 )
  • ( 4 )
  • ( 17 )
  • ( 1 )
  • ( 101 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 6 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 28 )
  • ( 1 )
  • ( 5 )
  • ( 57 )
  • ( 2 )
  • ( 6 )
  • ( 2 )
  • ( 81 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 29 )
  • ( 2 )
  • ( 27 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 4 )
  • ( 1 )
  • ( 21 )
  • ( 1 )
  • ( 3 )
  • ( 1 )
  • ( 118 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 2 )
  • ( 2 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 19 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 3 )
  • ( 30 )
  • ( 248 )
  • ( 1 )
  • ( 2 )
  • ( 125 )
  • ( 586 )
  • ( 1534 )
  • ( 30 )
  • ( 5 )
  • ( 7 )
  • ( 1 )
  • ( 224 )
  • ( 11 )
  • ( 1 )
  • ( 33 )
  • ( 6 )
  • ( 6 )
  • ( 16 )
  • ( 5 )
  • ( 3 )
  • ( 8 )
  • ( 222 )
  • ( 2 )
  • ( 1 )
  • ( 1 )
  • ( 35 )
  • ( 5 )
  • ( 21 )

Recent Comments

About Template

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by HackTutors