Nguyễn Văn Tuấn
Nhóm Mở Miệng hiện hữu ở VN. Một số tác phẩm của nhóm có lẽ không hợp gu của Nhà nước. Thành ra, khi có người làm luận văn về nhóm thì Nhà nước … nổi nóng |
Tôi nghĩ rất khó có một bức tranh chính xác về hiện trạng xã hội VN qua nghiên cứu KHXH định lượng. Lí do đơn giản là vì sợ và tính dối trá. Nỗi sợ làm cho người dân không dám nói lên sự thật, thậm chí sẵn sàng nói ngược lại điều mình tin. Thói dối trá làm cho người ta sẵn sàng vặn vẹo dữ liệu, báo cáo không thật, hay báo cáo có chọn lọc. Do đó, các nghiên cứu KHXH định lượng (như chỉ số hạnh phúc chẳng hạn) do người phương Tây thực hiện ở VN có thể chẳng có giá trị khoa học gì.Thử bàn về nỗi sợ trước. Có lẽ do ảnh hưởng từ thời bao cấp và thể chế police state, nên người dân rất miễn cưỡng nói thật. Trong cái nhìn của họ [có thể sai], người đi thu thập dữ liệu là quan chức của Nhà nước. Mà, quan chức thì – vẫn theo cái nhìn của người dân -- họ có cái gì đó xa rời mình, cái gì đó bí ẩn, cái gì đó nguy hiểm. Đó là cái nhìn “họ” và “ta”. Họ và ta là hai thế giới khác. Họ là kẻ thống trị. Ta là kẻ bị trị. Đa số người dân sợ làm phật lòng kẻ thống trị. Ở một nước mà nói “lơ mơ” là dễ mang nhãn hiệu “phản động” hay “có vấn đề” thì nỗi sợ và sự cảnh giác của người dân lúc nào cũng ở trong đầu.Từ cái nhìn đó, người dân rất dè dặt cung cấp thông tin thật hay nói lên suy nghĩ thật của mình. Chỉ cần hỏi “dạo này cuộc sống của gia đình ra sao” thì người dân chưa nghĩ đến câu trả lời mà nghĩ đến hệ quả của câu trả lời. Hệ quả là nếu câu trả lời xấu thì có thể sợ bị ghi vào “sổ đen”. Thành ra, dù cuộc sống rất cơ cực, nhưng họ vẫn vui vẻ trả lời “tốt”. Theo quan điểm của đảng (chưa nói đúng sai), cuộc sống tốt là công ơn của đảng và Nhà nước. Trả lời “tốt” như thế đảng sẽ vui, Nhà nước sẽ hài lòng, mà mình thì sẽ an toàn. Tôi nghĩ có lẽ đó là một trong những lời giải thích tại sao người VN dù rất nghèo khổ, nhưng kết quả điều tra xã hội cho thấy họ lại là người hạnh phúc nhất nhì thế giới.Do đó, trong trường hợp này, số liệu là thật, kết quả cũng thật, nhưng nó không chính xác. Nói theo phương pháp luận của Tây là dữ liệu có độ reliability cao, nhưng độ accuracy thì rất tồi. Như vậy, kết quả nghiên cứu khoa học xã hội định lượng ở VN rất khó phản ảnh đúng bản chất vấn đề.Nhưng nghiên cứu định tính (qualitative research) ở VN cũng có thể chẳng đi đến đâu. Bởi vì theo định nghĩa, nghiên cứu định tính là một cách để mô tả, giải mã, và diễn giải ý nghĩa của các hiện tượng xã hội, để biết sâu hơn nghiên cứu định lượng. Chính vì “biết sâu hơn” làm cho người tham gia cảm thấy nghi ngờ (không biết họ dùng trả lời và ý kiến của mình làm gì đây), nên họ càng không dám nói thật. Mà, có lẽ họ có lí do chính đáng để sợ, để quan tâm.Mà, hình như ngành nhân văn học cũng chẳng khá mấy. Nói hơi xa một chút, vụ can thiệp vào luận văn của Nhã Thuyên là một ví dụ. Tôi nghĩ có thể xem luận văn là một nghiên cứu định tính về nhóm văn chương Mở Miệng. Nhóm Mở Miệng hiện hữu ở VN cho dù Nhà nước không công nhận họ. Một số tác phẩm của nhóm có lẽ không hợp gu của Nhà nước. Thành ra, khi có người làm luận văn về nhóm thì Nhà nước … nổi nóng. Từ nổi nóng dẫn đến những lời lẽ đao to búa lớn, kể cả có người tố cáo mạnh rằng nhóm này “mượn văn nghệ để làm ngọn cờ chính trị hòng lật đổ chế độ, thay đổi chế độ.” Trời! Một nhóm chỉ có 4-5 người, chỉ đam mê văn chương, mà lật đổ chế độ thì phải nói là tưởng tượng quá phong phú. Nhưng những cáo buộc nặng nề như thế từ những người trong giới “chính thống” làm chết tự do học thuật.
Người ngoài có thể nhìn vào trường hợp can thiệp đó để tự nhũ rằng: đừng có dính dáng vào những nhóm mà Nhà nước này không công nhận, không nên viết luận văn với những quan điểm và nhận định mà Nhà nước này không ưa. Thế thì cuối cùng nền học thuật sẽ bị lệch (bias), chẳng khác gì trong khoa học người ta chỉ công bố cái gì +ve mà không muốn công bố cái gì -ve. Khoa học như thế là nền khoa học chết. Tương tự, nền học thuật một chiều cũng là một nền học thuật què quặt. Einstein từng nói “Khi nói đến tự do học thuật, tôi hiểu đó là quyền đi tìm sự thật, công bố và giảng dạy những gì được cho là đúng. Quyền này ám chỉ một nghĩa vụ: không được dấu giếm bất cứ cái gì được công nhận là sự thật”.