Tưởng Năng Tiến - Dân tình, rõ ràng, mỗi lúc một thêm khó dậy, và... mất dạy. Đưa ra nguyên một cái danh sách dài thòng (Top 20) mà không thấy dư luận “rúng động” gì ráo trọi, chỉ nghe có những tiếng cười (“he he”) hồi đáp - từ bàn nhậu - thôi hà.
Những tiếng cười giễu cợt tương tự đã vang lên từ mọi ngõ ngách ở đất nước Việt Nam, và mọi người đều nghe thấy - trừ ông Trần Đại Quang, và những người thuộc giới lãnh đạo của đất nước này. Họ vần cứ hành xử như thể là “chưa” có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra. Họ không có khả năng thích nghi với tình thế và thời thế; bởi thế, họ sẽ không thể tiếp tục tồn tại nữa...
*
Cái sự coi mỗi công dân là một người tù dự khuyết mở đầu cho một thời đại khốn nạn. Rồi đây chúng ta sẽ phải trả giá cho sự thất nhân tâm này. - Vũ Thư Hiên (Đêm Giữa Ban Ngày)
Từ Hà Nội, Zoe Daniel, ABC News, tường thuật:
“Vụ xét xử một luật sư nhân quyền đang làm dấy lên những lời kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích những người chỉ trích chính quyền khỏi nhà tù. Chỉ trong năm nay, hơn 50 người đã bị kết án và tống giam trong các phiên toà chính trị.”
Con số “hơn 50 người đã bị kết án và tống giam trong các phiên toà chính trị” trong năm nay, ngó bộ, hơi nhiều à nha. Đã vậy, còn có “tin đồn vỉa hè là số blogger có thể bị bắt giữ lên đến 20” mạng - theo như bản tin của Thụy My, qua RFI: “Hiện nay các blogger tại Việt Nam thường xuyên liên lạc với nhau để biết ‘ai còn, ai mất’, cũng như chuẩn bị sẵn tinh thần để ‘lên đường’ khi có tin xấu nhất.”
Dù giọng nói của thông tín viên Thụy My nghe rất nhẹ nhàng và khả ái, nội dung bản tin mà bà vừa chuyển tải (vào hôm 3 tháng 7 năm 2103 vừa qua) vẫn khiến người ta lên tưởng đến cái không khí đe doạ nặng nề đã bao chụp lên đời sống của những người bất đồng chính kiến - vào những năm cuối thập niên 1960 - ở miền Bắc Việt Nam:
“Bình bàng hoàng khi biết mình có ‘đuôi’…. Anh như ngửi thấy cái mùi của nhà tù. … Đó là đòn đánh ngang đầu. Là đất sụt nơi mình đứng. Là cuộc đời bỗng nhiên không còn là cuộc đời nữa.
Trời đất đảo lộn. Cuộc sống dù sao cũng là cuộc sống. Vẫn có trời. Có gió. Có mây. Có cánh đồng, có đường phố. Có lúc giận vợ. Có lúc nô đùa với các con. Và viết. Nay sắp mất tất cả... Và có cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng không sao thoát được. Thì ra họ có toàn quyền làm những việc họ thích. Họ huy động cả guồng máy khổng lồ để hại mình.” - (Bùi Ngọc Tấn. Chuyện Kể Năm 2000, tập I. CLB Tuổi Xanh, Westminster, CA: 2000).
Cái “guồng máy khổng lồ” của nhà nước Việt Nam, vào thời điểm này, đã mang đến nỗi sợ hãi (cũng như phẫn uất) cho rất nhiều người nằm trong vòng quay của nó:
“Hôm ấy là ngày 24-12 hôm trước của Nô-en 1967.
Từ sớm đã có báo động máy bay. Trẻ con nhà tôi đã đi sơ tán cả, ở nhà chỉ còn có hai vợ chồng. Hai chúng tôi nhảy xuống cái hố cá nhân ở mảnh sân con trước cửa nhà. Đứng nép hai người dưới cái hố cá nhân chật chội, nghe tiếng bom nổ, tôi nói:
- Ước gì một quả bom rơi xuống trúng hố cho chúng mình chết luôn. Có đôi.
Nghe tôi nói, vợ tôi mỉm cười buồn rầu. Vợ tôi hiểu tâm trạng của tôi là tâm trạng của một con thú bị săn đuổi không có đường chạy tháo thân.
Thế là sau đợt bắt bớ thứ nhất hồi tháng 7, đến tháng 10 đã diễn ra đợt bắt bớ thứ hai. Số người bị bắt bao nhiêu tôi không rõ, chỉ biết là nhiều hơn lần trước và trong đó có Kiến Giang.
Thông báo số 1, Thông báo số 2... Nghe ghê cả người!
.....
Tối hôm đó vợ tôi chuẩn bị cho tôi một ba lô đầy chăn màn, quần áo ấm. Sáng sớm lại chạy đi mua một đôi bánh mì cặp nhân đầy lên, đút cả vào ba lô. Vừa xong thì báo động máy bay. Đạn cao xạ ầm ầm...
Một lát lâu sau có tiếng commăngca đỗ xịch ngoài sân. Tôi chưa kịp định thần đã thấy xuất hiện hai viên thiếu úy trẻ tuổi nai nịt chỉnh tề, một người dừng lại trấn giữ cửa, người kia bước xộc vào. Tôi giật thót mình.
Viên thiếu úy thứ hai nói như ra lệnh:
- Anh đứng nghiêm nghe lệnh!
Anh ta rút trong sắc cốt ra một tờ giấy nhỏ bằng trang vở học trò, tuyên đọc:
Lệnh bắt giam.
Ra lệnh bắt: Tên phản cách mạng
Trần Thư.
Vì tội: có hành động nguy hại đến nền an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nơi giam: Hỏa Lò.
Ký tên
Đại Tá Kinh Chi. Cục Trưởng Cục Bảo Vệ
Lệnh vắn tắt một cách đanh thép, không có những câu thừa như căn cứ điều khoản bao nhiêu của bộ luật nào đó v.v... Bắt, thế thôi, không oong đơ (un deux) gì cả...
Âu thế cũng là xong. Chứ sống như những ngày tháng vừa qua thì tôi không chịu nổi nữa rồi.
Tôi có cảm giác được giải thoát.
Cái cảm giác được giải thoát ấy nó mạnh đến nỗi khi hai cánh cổng nặng chịch của nhà tù Hỏa Lò mở ra cho chiếc xe chở tôi từ từ bò vào trong sân, tôi không có gì xao xuyến, lo âu.”
[Trần Thư. Tử Tù Xử Lí Nội Bộ (Hồi Ký Của Anh Cả Cò). Văn Nghệ, Westminster, CA:1995]
Nhà báo Trần Thư bị bắt vào cuối năm 1967. Từ đó đến nay đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Nhà giam Hoả Lò vẫn vẫn trơ gan cùng tế nguyệt, và vẫn lầm lì đe doạ như xưa. Nhà nước Việt Nam cũng thế.
Chỉ có thái độ của lớp người cầm bút thuộc thế hệ tiếp thì hoàn toàn đổi khác. Họ coi “cái guồng máy khổng lồ” của nhà nước toàn trị hiện nay không có kí lô nào hết trơn hết trọi, còn nhẹ hơn bông nữa. Blogger Mẹ Nấm là một trong số những người có thái độ (bông lơn) như vậy đó:
“Vừa nhận được một email của bà bạn, gửi cho mình ngắn gọn thế này: ‘Tui báo cho bà biết, bà nằm trong danh sách mà người ta gọi là Top 20. Hai mươi người này được phía bạn giao cho chính phủ để ‘nhập kho’. Liệu mà viết.
Hi hi... Xem cái thư này mình không thể nhịn cười...
Hai mươi con người với hàng ngàn bài viết có thể làm chế độ lo sợ và lung lay. Họ không phải là những con số nằm im để cho nhà nước ném vào thống kê tội phạm. Hai mươi con người ấy dù không làm được gì lớn lao nhưng chắc chắn là họ không hề thiếu niềm tự hào vì đã dám nghĩ và viết những điều mà 17 ngàn nhà báo Việt Nam không dám.
17 ngàn là con số. Hai mươi người là những con người, những con người cầm viết.
Con người, hai mươi cái tên trong danh sách Top 20 kia thật đáng tự hào. Mình sẽ thật sự kiêu hãnh nếu được nằm trong cái danh sách ấy.”
Ý trời, đất, qủi, thần, thiên địa ơi! Còn “tự hào” với “kiêu hãnh” nữa chớ. Không biết con cái nhà ai mà ăn nói (nghe) bán mạng vậy cà? Con nhỏ “khiêu khích” thấy rõ. Và cái thái độ “gây gỗ” tương tự cũng có thể tìm thấy ở một “con nhỏ” khác, blogger Còn Huỳnh Thục Vy:
"Bấy nay yên lặng vì bận thôi chứ không phải sợ đâu."
Thiệt là quá đáng, và... quá đã!
Còn đối với những blogger thuộc lớp trước nữa thì sự kiện đã được họ đón nhận một cách... nhẹ nhàng hơn và cũng giễu cợt hơn - theo như cách bầy tỏ của ông Huỳnh Ngọc Chênh, một trong những nhân vật (“đang nằm”) trong cuộc và... trong rọ:
Nguồn ảnh: huynhngocchenh.blogspot |
“He he, ngày xưa có rừng để trốn, bây giờ thì có chỗ nào chui? Thôi thì... "hãy cứ vui như mọi ngày, dù ngày mai không ai thăm nuôi" như Đỗ Trung Quân vẫn nghêu ngao hát.
Hôm qua nghe Nguyễn Trọng Tạo nói về danh sách lên đến 20 người thì bao nhiêu chút sợ hãi còn vương vất lại trong chúng tôi đều bay đi sạch. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội, từ Hà Nội bay vào với tâm trạng phơi phới rủ chúng tôi đi nhậu. Nghe nói anh cũng có tên trong danh sách nầy.
Rượu vào rồi thì chuyện tới trời cũng xem như chuyện đùa bỡn. Những bạn bè ngồi trong bàn mà không có tên trong danh sách tự dưng thấy thiệt thòi. Nhưng các bạn ấy cũng không ganh tị và tự nguyện phân công nhau lo thăm nuôi những người được xem là có tên.
Nguyện vọng thăm nuôi của nhà văn Nguyễn Quang Lập là một cái laptop, nếu có ba gờ nữa thì càng tốt để anh tiếp tục viết blog và liên lạc với thế giới bên ngoài. Nhà thơ kiêm họa sĩ Đỗ Trung Quân thì cần giá vẽ với màu xịn để vẽ và một chút ánh trăng qua cửa sổ...để làm thơ. Còn nguyện vọng của tôi: Cứ gởi đều đặn viagra vào. Các bạn hỏi: Để làm gì trong đó? Tôi nói: Buồn quá để đục vô tường chơi cho vui. he he.”
Tính tôi vốn (vô cùng) đa cảm nên nhìn mấy vị xồn xồn (từ phải qua trái: Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Lập, Phạm Xuân Nguyên, Huỳnh Ngọc Chênh) có tên trong danh sách top 20 mà không khỏi sinh lòng ái ngại. Không phải tôi ái ngại vì cái bàn rượu quá hoành tráng so với tình trạng sức khoẻ (chắc) đã hom hem của họ mà là ái ngại khi nghĩ đến thân phận của những người cầm viết ở Việt Nam, trước đó.
Trước đó, chỉ mới nằm “trong tầm ngắm” mà nhà văn Nguyên Bình đã cảm thấy “bàng hoàng,” cùng với cái “cảm giác của một con thú bị nhốt trong chuồng lồng lộn nhưng không sao thoát được.” Và giữa hoàn cảnh cùng quẫn, tuyệt vọng này thì nhà báo Trần Thư ước chỉ ước mong sao có “một quả bom rơi” để được chết chung với người thân, cho nó xong đời.
Còn bây giờ thì những kẻ “ở trong tầm ngắm” vẫn cứ ngồi nhậu lai rai, với “tâm trạng phơi phới” cứ y như là họ đang còn ở tuổi đôi mươi và vừa có tên trong sanh sách thi đậu tú tài vậy.
Thiệt là hết thuốc!
Sẵn trớn đang ái ngại, tôi cũng cảm thấy ái ngại (luôn) cho tướng Trần Đại Quang, vị Bộ Trưởng Công An đương nhiệm, khi chợt nhớ đến người tiềm nhiệm của ông: Trần Quốc Hoàn. Nhân vật này - rõ ràng - đã sinh ra đời dưới một ngôi sao cực tốt, và ở vào một thời đại cực thịnh của chế độ công an trị. Muốn bắt ai thì bắt, muốn hiếp ai thì hiếp, và muốn giết ai rồi vứt xác ra đường cũng được mà cả nước vẫn cứ im thin thít.
Cái thời vàng son đó, tiếc thay, không còn nữa. Giờ đây, ông Quang mới đổi có mấy cái bảng số xe (từ trắng ra xanh) và đổi tên tuổi mình (chút xíu) thôi mà trên diễn đàn Dân Luận đã có lắm điều tiếng eo xèo rồi: “cơ hội, thoái hoá, đổi trắng thay đen, thao túng luật pháp...”
Dân tình, rõ ràng, mỗi lúc một thêm khó dậy, và... mất dạy. Đưa ra nguyên một cái danh sách dài thòng (Top 20) mà không thấy dư luận “rúng động” gì ráo trọi, chỉ nghe có những tiếng cười (“he he”) hồi đáp - từ bàn nhậu - thôi hà.
Những tiếng cười giễu cợt tương tự đã vang lên từ mọi ngõ ngách ở đất nước Việt Nam, và mọi người đều nghe thấy - trừ ông Trần Đại Quang, và những người thuộc giới lãnh đạo của đất nước này. Họ vần cứ hành xử như thể là “chưa” có chuyện gì đáng tiếc xẩy ra. Họ không có khả năng thích nghi với tình thế và thời thế; bởi thế, họ sẽ không thể tiếp tục tồn tại nữa.